trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
19.10.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
Giờ chúng ta theo dõi cô J. Cuisinier ở các mặt khác.

Trước hết ta xét về qua ngôn ngữ. Văn phạm của hai dân tộc Mường và Việt giống hệt nhau thì không thành vấn đề. Ta chỉ còn đối chiếu danh từ mà kết luận thôi.

Rất tiếc rằng ông H. Maspéro đã có một tập tự vựng danh từ của 15 thổ âm Mường khác nhau, nhưng chưa được xuất bản thì ông đã bị Đức Quốc Xã bắt tại Bá Lê, và chết vì bị đày sang bên Đức, bản thảo thất lạc đi đâu, không ai tìm ra. Nay ta tạm bằng lòng với biểu đối chiếu nghèo này ở đây vậy.

Ba hồn bảy vía đứa (con trai), con gái, đâu đi về cùng bố, cùng mẹ, ăn cơm, ăn cá.

Bố ơi chết bỏ ta làm sao vậy, thân mình ăn đâu ở đâu bơi!

Ăn ra khói, nói ra lửa

Để cho quỷ xa ma sợ

Vía lúa ơi, về đụn về nhà mà ở!

Pa hôn pải plái on tứa, on kai, no tì vên kung pô kung mê, ăn kơm ăn ka.

Pô ơi kết bô ta la no pò, thân hò ăn no ở no pô ơi!

Ăn za khoê nói za lứa

Tê co kwi sa ma đượi

Plái ló ơi vên tun vên nhà ma ở!

Còn một biểu đối chiếu nữa rất là quan trọng ở chương sau, và xin xem lại trên 100 biểu đối chiếu ở chương ngôn ngữ tỷ hiệu.

Thoạt nhìn vào biểu đối chiếu, ta không dám kết luận cái gì cả. Người Pháp học tiếng Việt cũng nói lơ lớ như vậy thì người Mường cũng có thể là ngoại chủng đã chịu ảnh hưởng ngôn ngữ nặng của Việt Nam, chỉ có thế thôi.

Nhưng mà không. Hăm bảy, họ nói Ba chín. Nếu họ học ta, sao họ lại không nói hăm bảy như ta? Chắc chắn đó là lối nói của Cổ Việt và người Việt chịu ảnh hưởng Trung Hoa nên biến khác đi, còn họ thì còn giữ được lối cổ.

Vua, họ nói là Bua, mà các sách của các cố đạo xưa tại Việt Nam cũng viết là Bua, thì hẳn xưa kia, Việt và Mường là một. Các cố đạo cũng viết Blời thay cho Trời, không phải là các cố đạo không biết âm Tr, mà dân ta xưa không có âm Tr. Người Mường cũng không có âm Tr, trái cây họ đọc là Tlai Kây. Trái ngang cho họ nói là Plái ngang, Trâu họ nói là Tlu. Họ thay âm V bằng âm Bi, y như người Chàm, mà chúng tôi chứng minh được rằng người Chàm cũng là Mã Lai đợt II.

Nếu họ học với ta thì họ nói Đâu, nhưng họ lại nói No là tiếng Việt rất cổ mà ta đã bỏ từ lâu, vì ta biến theo đà tiến bộ, còn họ thì không, vì họ không tiến nên không biến.

Trong văn thơ hiện đại của ta, ta cũng thường gặp “No nao”, có nghĩa là Đâu nào? Nào đâu?

Con heo họ nói là Kon Kwi mà tiếng Cổ Việt con heo gọi là Con Cúi đấy (chữ W đọc như chữ U).

Con chó, họ nói là Kon Khai, và cố đạo Cadière cho biết rằng chính nông dân Việt Nam ở Quảng Bình cũng còn gọi con chó là Con Khai, và Khai là hình thức cổ của danh từ Cầy.

Nhưng bằng chứng vô cùng quan trọng là động từ Chàm.

Nguyên trên các mặt trống đồng lớn có một bộ hình cho thấy một số người cầm gậy thọc xuống những cái gì như là cái trống. Đa số các nhà bác học Âu Châu nói rằng đó là giã gạo.

Nhưng nhà khảo cổ Lê Văn Lan đã lên xứ Mường và đã thấy người Mường ngày nay đánh trống đồng như vậy đó, tức dùng gậy mà thọc xuống mặt trống.

Người Mường gọi động tác ấy là Chàm mà chúng tôi thấy rằng đó là nguồn gốc của động từ Đâm của Việt Nam, không thể chối cãi được, khác hẳn giáo sư Lê Ngọc Trụ đã cho rằng nguồn gốc động từ Đâm của ta là động từ Chàm của Tàu.

Nhưng thử hỏi, dân Việt đã đúc trống và đánh trống trước khi Trung Hoa đến thì sao họ không có động từ Chàm mà phải đợi Mã Viện tới nơi để vay mượn động từ Chàm?

Người Mường chung đụng liên tục với ta, không bao giờ giữa hai dân tộc bị đứt đoạn hết. Vậy nếu họ đã học tiếng Việt thuở Việt còn nói Blời thay cho Trời, thì khi Việt tiến lên, họ cũng tiến lên theo, ít lắm cũng ở mặt ngôn ngữ.

Nhưng sự kiện lại khác hẳn là họ cứ giữ cái mà học được vào một thời nào đó, thì là làm sao? Chỉ có thể hiểu rằng cái đó là cái cố hữu của họ và của ta, chớ không phải cái mà họ học được, nhưng ta bị ảnh hưởng ngoại lai quá nhiều, còn họ thì xa các ảnh hưởng đó nên cứ giữ, còn ta thì biến.

Chúng tôi thấy quanh chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi đi học Saigon nói khác đi, còn các cụ còn ở làng, ông cha của chúng tôi, thì nói khác, mặc dầu không tháng nào mà chúng tôi không về làng, hồi tiền 1945, và mặc dầu các cụ không phải là không có đi chơi Saigon nhiều chuyến mỗi năm.

Không xa cách mà không thay đổi, tức là giữ gốc cũ, chớ không phải học theo mà theo không kịp. Hễ học theo thì cũng thay đổi theo, có trễ, nhưng vẫn có thay đổi.

Về tôn giáo thì người Mường thờ tất cả những gì ta thờ, với động từ Thờ và danh từ Đình của ta. Họ thờ Thánh Tản Viên y như ta và họ gọi núi đó là núi Ba Vì y như ta. Họ lại thờ đến ba vị thánh Ba Vì mà Madrolle cho rằng có lẽ Sơn Tinh, mà họ gọi là Nguyễn Tuấn y như ta, hai vị khác tên là Nguyễn Hương và Nguyễn Lang, y như ta.

Tại Mường Tlo, thần Tản Viên còn mang tên là vua Hùng Vương.

Họ cũng kể cho nhau nghe sự tích Sơn Tinh, Thủy Tinh y như trong gia đình Việt Nam.
Họ thờ Bà Cua On (Bà Chúa con gái) mà họ nói là quả phụ của vua Hùng Vương.

Truyện cổ tích về ông bình vôi của họ rất nhiều và truyện nào cũng giống hết truyện Việt Nam.

Về nguồn gốc dân tộc thì họ kể chuyện một người con gái Mường tên là bà Ngu Kơ (Âu Cơ) lấy một ông hoàng tử tên là Long Wang (có lẽ là Lạc Long Quân), con của vua Yịt tức là vua Việt, (bởi ở chuyện khác họ nói vua Yịt là vua Hùng Vương). Bà Ngu Kơ đẻ ra một trăm cái trứng, nở ra 50 trai và 50 gái. Rồi thì vì xích mích với nhau, hai vợ chồng xa nhau. Hoàng tử Long Wang là loài cá ở nước nên mang con ra cửa sông, còn bà Ngu Kơ vốn là loài nai có bông hình ngôi sao, nên dẫn con lên rừng. Bà này làm vua trong rừng và quan dân kính mến bà nên ngày nay họ mới làm cờ mang hình con nai có bông ngôi sao để thờ Bà (ăn khớp với hình nai trong trống đồng mà các ông Tây bảo rằng bắt chước Trung Á!!!).

Loại nai có bông hình ngôi sao, người Pháp gọi là Cerf solaire và bông đó không có thật mà chỉ là hình trưng của các dân tộc vừa thờ mặt trời vừa thờ nai.

Đây là người Mường lầm lẫn khi kể truyền thuyết. Họ tự nhận họ là con cháu của Âu Cơ, nhưng chúng tôi thì chủ trương rằng Âu Cơ chỉ là Âu tức Thái. Họ đúng và chúng tôi lầm. Không, chính họ đã lầm. Quả thật thế, dân Âu tự xưng là Nghê U và Tàu đọc theo đúng là Nghê U. Người Mường cũng đọc gần đúng là Ngu Kơ. Mà ngôn ngữ của Mường là ngôn ngữ Lạc bộ Mã, tức Mã Lai đợt II, chớ không phải ngôn ngữ Âu. Nhưng về Nai thì họ đúng, bởi người Thái không bao giờ thờ Nai cả, còn họ thì hiện đang thờ.

Nhà nho Nhượng Tống lên án Việt Điện U Linh, Lĩnh Nam Trích quái với Đại Việt Sử Ký toàn thư đã chắp nối truyền thuyết Mường vào sử ta, và sau này sử gia Nguyễn Phương cũng bắt chước Nhượng Tống thì tưởng hai nhà ấy hơi vội vàng.

Tại sao lại không nghĩ được rằng hai dân tộc xưa kia là một khi họ có chung truyền thuyết?

Trong Đại Việt Sử Ký toàn thư ngoại kỷ, Nhượng Tống đã tìm cách chứng minh rằng Lê Lợi là người Mường và xem ra thì ông thành công trong cách chứng minh đó.

Đây là suy luận của ông Nhượng Tống. Nhượng Tống công kích Ngô Sĩ Liên, cho rằng sử gia họ Ngô chắp nối truyền thuyết Mường như là vụ đẻ trăm trứng vào sử Việt, chỉ để vừa lòng trào Lê vì tổ sáng nghiệp Lê Lợi là người Mường. Ông viết: “Nếu không là người Mường, sao có tổ tiên đời đời làm phụ đạo ở Lam Sơn? Miền đó, tới nay, cũng vẫn còn là một miền Mường thuần túy”.

Ông Nhượng Tống đã thành công, ít ra cũng ở cái điểm Lê Lợi là người Mường, nó giúp ta kết luận rằng người Mường cũng giỏi như người Việt và không đố kỵ vào mình chút nào.

Còn việc lên án Ngô Sĩ Liên thì có thể oan cho họ Ngô. Họ Ngô chỉ ráp nối như vậy vì quan niệm như ta, là Mường và Việt đồng chủng với nhau, chớ nào phải để nịnh trào Lê có một ông tổ sáng nghiệp gốc Mường đâu.

Chính sự thành công của Nhượng Tống lại gián tiếp chứng minh rằng Mường và Việt chỉ là một, trông họ lạc hậu hơn ta, nhưng họ vẫn sáng nghiệp vương được tại nước Việt (mà sáng một cách anh dũng bằng cách lãnh đạo chống xâm lăng, chớ không phải sáng nhờ mưu của một nhà sư như Lý Công Uẩn hay nhờ lấy thế ngoại thích như nhà Trần) thì họ phải là ta, họ mới giỏi như vậy, chớ họ không phải là Mường Mọi gì hết.

Cô J. Cuisinier cho biết rằng ở Nghệ An, quanh Phủ Quỳ có những người Việt chậm tiến mà người ta lầm tưởng là người Mường, nhưng cô nghiên cứu họ thì thấy rằng họ là người Việt, mặc dầu họ nói giọng Mường với các thổ âm Mường.

Đây là một sự kiện vô cùng quan trọng: có người Việt chậm tiến. Và thứ người Việt chậm tiến lại ở quanh Phủ Quỳ tức quanh một vùng Mường danh tiếng.

Chúng tôi đã tìm biết người Việt chậm tiến ấy là ai, và đã tìm được. Sử ta chép rằng năm 1448, ta thôn tính rợ Tồn Bồn, lấy đất của họ đặt là Châu Quy Hợp (nay là Phủ Quỳ, Nghệ An).

Tồn Bồn man mà sử ta chép có lẽ là một số bộ lạc Lạc Việt chậm tiến và sáng kiến đó là của ông vua con của vua Lê Lợi, chỉ có dòng họ Lê Lợi ở gần đó mới biết rõ thứ “man” này và mới nghĩ ra cách Việt hóa họ, vì thấy họ đồng chủng với ta.

Cô J. Cuisinier rất dè dặt, không dám khẳng định cái gì vì chỉ trình bày sự kiện thôi, trong hằng vạn sự kiện nho nhỏ như vậy, vì cô chỉ nghiên cứu người Mường, chớ không phải tìm nguồn gốc dân tộc Việt Nam như ta, nhưng ta thì không thể làm ngơ trước những sự kiện đó.

Có phải chăng vì họ và ta là một mà họ không tự xưng là gì hết mà chỉ giản dị là Người Trong (Mwai Tlong) và gọi ta là Người Ngoài (Mwai Ngoài)?

Cô J. Cuisinier đã thấy toàn thể người Mường nhuộm răng đen, một số xâm mình, toàn thể ăn trầu, và họ có đồng bóng, và điều này quan trọng hơn hết là họ có trống đồng loại lớn mà họ đang sử dụng, chớ không phải trống đào được dưới đất đem lên để coi chơi. Chỉ có quan Lang mới có trống đồng và số tia của ngôi sao càng nhiều, khi quan Lang càng mạnh thế, nhưng thường thì chỉ có 7 tia, 8 tia. (Những ngôi sao 24 tia, hẳn phải là của các Lạc Hầu, Lạc tướng và của vua Hùng Vương).

Giáo sư Kim Định đã nhấn mạnh về những con số 8, 16, v.v. của các tia ngôi sao, để lôi kéo Việt vào Trung Hoa, nhưng có những ngôi sao 7 tia đó ông ạ, và con số 7 thì không thể lôi kéo được như 8, 14 và 24 nữa.

Có một chi tiết nhỏ này mà người Việt Nam không ai biết cả. Ta chỉ biết có danh từ Quan Lang, nhưng danh từ Lang thì không bao giờ có người Việt nào nói đến.

Lang trong xã hội Mường là một Thái ấp nhỏ gồm vài ba thôn (Fief féodal). Chắc chắn nó là hình thức trung điệp của danh từ Làng ngày nay, còn hình thức ban đầu là danh từ T’lang của Mã Lai Sumatra ngày nay.

Quan Lang là quan cai trị một lang (chef du fief) chớ không phải là một danh từ kép có nghĩa riêng biệt mà tách rời ra thì hết nghĩa như ta tưởng. Quan Lang nói tắt là Quan cai trị một lang. Ta chỉ biết có Quan Lang mà không bao giờ biết cái Lang của họ là cái gì cả.

T’lang = Lang = Làng

Rõ ràng như ban ngày.

Và người Mường thuộc đợt di cư II, y như người Mã Lai Nam Dương.

Chúng tôi sẽ chứng minh rằng họ thuộc đợt di cư II, tức đợt lưỡi rìu chữ nhựt, tác giả trống đồng và chỉ là dân Lạc Việt bổ sung cho dân cũ cổ hơn họ đến 2.500 năm.

Trong xã hội ta, tuy còn trống đồng thau thờ trong một vài làng hiếm hoi nhưng không còn truyền thuyết về trống đồng, nhưng trong xã hội Mường thì còn. Truyền thuyết này cho ta biết có vua Hùng Vương và Hùng Vương thuộc đợt I.

Truyền thuyết Mường kể rằng vua Yịt (Việt) – mà ở truyền thuyết khác thì nói rõ rằng vua Yịt là vua Hùng Vương – có hai người con gái là cô Ngân và cô Nga. Hai cô đi tắm thấy một trống đồng thau trôi trên mặt biển rồi tắp vào bờ. Hai cô cho vua cha hay tin đó, và vua Yịt cho người mang trống về.

Nhà vua cho gọi thợ ở từ phương Đông, từ phương Tây, từ phương Bắc và từ phương Nam đưa thau, đưa khuôn, bảo họ đúc 1960 cái trống rồi phát cho các lãnh chúa mỗi người một cái.

Sau, vua thăng hà, người ta dùng trống trong tang lễ. Người ta đánh trống để gọi hồn người chết!

Ở đây, ta hấy rõ rằng người chép truyền thuyết phải chép trung thực, không nên thêm bớt, vì sự thật nằm trong đó, nếu ta thêm bớt thì sự thật sẽ biến mất và không còn làm sao mà hiểu đúng ý người xưa muốn gởi gắm việc quan trọng trong đó.

Cô J. Cuisinier đã bảo đảm là chép trung thực, nên chúng tôi mới khám phá ra một sự thật lớn: vua Hùng Vương thuộc đợt I.

Trong truyền thuyết này có vài điểm vô lý mà ta cần giải thích. Và trong những sự vô lý đó, đã cho thấy vài sự thật lớn về thượng cổ sử của ta.

Theo lời kể thì vua Việt không có phát minh ra loại trống đó, mà chỉ cóp theo một cái trống bắt được thôi. Nhưng mà thợ trong nước của ông thì đã biết nghề đúc đồng thau rồi, nên họ mới thừa hành mang lịnh của ông được.

Và quả người ta đã tìm thấy lưỡi rìu tay cầm bằng đồng pha ở núi Voi. Thế nghĩa là đợt I, tại địa bàn Cổ Việt cũng đã tự lực tiến lên đến thời đại đồng thau, sau 2.5000 năm định cư ở Cổ Việt, trước khi bọn có trống là đợt II tới nơi. Không phát minh trống đồng thau, mà lại có sẵn thợ là vì lẽ đó, chớ không vô lý, không mâu thuẫn chút nào hết.

Trống thau không thể trôi trên mặt biển vì cái lẽ giản dị là nó không có hai đáy, mà chỉ có một mặt thôi. Người ngoại quốc đưa tới chăng? Cũng không, vì ngoại quốc văn minh có tiếp xúc với Hùng Vương thuở đó chỉ có thể là người Tàu, mà người Tàu thì không có chế tạo trống thau, hơn thế, cổ thư của họ lại xác nhận trống thau là của dân Việt.

Tới đây thì khoa khảo tiền sử lại bước trở lên ngai vàng. Vua Hùng Vương là vua của đám lưỡi rìu tay cầm, tức đám Lạc bộ Trãi di cư cách đây 5 ngàn năm.

Trống là phát minh của bọn lưỡi rìu hình chữ nhựt, 2.500 năm sau mới đến, sau khi làm chủ Hoa Nam và bị Hoa tộc đánh đuổi tại Hoa Nam.

Và bọn sau cũng tới bằng đường biển chớ không phải chỉ chạy bộ, đó là hình ảnh đúng của truyền thuyết mù mờ về sự kiện trống trôi trên biển.

Trống đồng thau không thể trôi trên mặt biển lâu hơn 10 phút mà không chìm, và cái huyền thoại của cô Ngân, cô Nga chỉ ngụ ý là trống do kẻ đi biển đưa tới mà thôi.

Cô J. Cuisinier không có theo dõi khoa khảo tiền sử, không có theo dõi vụ Đông Sơn, nên cô không giải thích gì hết, chỉ chép truyền thuyết dân Mường, nhưng cuộc ghi chép lạnh lùng của cô rất là quan trọng đối với ta.

Và không có truyền thuyết nào về sự kiện vua Hùng Vương bị ai diệt cả, trừ có sử về ông vua Hùng Vương cuối cùng bị tên Phán diệt, thế nghĩa là bọn tới sau thiểu số, chịu phục tùng vua sẵn có.

Thanh Hóa chỉ là một trung tâm của bọn khách trọ đó, hoặc là một tiền đồn của nước Văn Lang, vì chúng tôi sẽ chứng minh rằng Cửu Chân, Nhật Nam là đất của bọn lưỡi rìu hình chữ nhựt chậm tiến, nhưng thích độc lập mà vua Hùng Vương muốn thống nhứt, và đã thành công, nhưng còn lỏng lẻo.

Như thế thì phải đặt tại Đông Sơn một tiền đồn để thực thi chánh sách tàm thực và bảo vệ vùng văn minh phía trên Đông Sơn.

Và có vua Hùng Vương hay không? Thiên hạ đã cãi nhau từ mấy mươi năm nay về Lạc Vương và Hùng Vương, nhưng chưa ngã ngũ ra sao cả. Chính người Mường đã xác nhận là có vua Hùng Vương, vì trong các truyền thuyết khác, họ gọi ông ấy là Bua Hùng Wang, chớ không gọi là Bua Yịt nữa.

Tất cả các truyền thuyết Mường, xét thật kỹ đều cho ta biết những sự kiện chắc chắn sau đây:

1. Vua Hùng Vương thuộc Mã Lai đợt I, còn người Mường thì thuộc loại Mã Lai đợt II. Quả thật thế, không bao giờ trong truyền thuyết họ gọi Hùng Vương là “Đức vua của ta” mà luôn luôn họ gọi ông ấy là “Ông Bua Yịt” hoặc Bua Hùng Wang.

Họ kể chuyện gả con gái cho vua Yịt, nghe lối kể, thì y như họ là người ngoại quốc, chớ dân của một nước, gả con gái cho vua của nước ấy không bao giờ mà nói là gả cho vua Yịt mà nói là gả cho nhà vua.

Thế nghĩa là họ chỉ là khách trọ được nhận vào cộng đồng đó, vẫn thờ kính Hùng Vương nhưng cứ xem đó là vua của cộng đồng khách chớ không phải là cộng đồng của họ.

2. Mã Lai đợt I thuở di cư sau biến cố Hiên Viên chỉ có lưỡi rìu tay cầm bằng đá, nhưng tự lực tiến lên giai đoạn đồng pha, trước khi bọn đợt II tới nơi. Đó là bọn có trống đồng thau. Bằng chứng thấy rõ trong truyền thuyết: vua Hùng Vương không hề phát minh trống đồng nhưng lại đã có sẵn thợ đồng để đúc trống do ngoại nhân đưa tới.

Sự kiện trên đây được khoa khảo tiền sử xác nhận là người ta đã tìm được lưỡi rìu tay cầm bằng đồng pha tại núi Yoi (Yên Hưng).

3. Tới đây thì vụ án Hùng Vương, Lạc Vương mà H. Maspéro đã đưa ra và sử gia Nguyễn Phương làm rùm lên, là một cuộc vu cáo. Người Mường không hề biết sách Tàu viết Lạc Vương hay Hùng Vương, nhưng họ gọi cái ông vua vay mượn trống đồng là Bua Hùng Wang. Thế nghĩa là Hùng Vương có thật, chớ không phải là một sự lầm lẫn tự dạng. Nếu sự lầm lẫn ấy mà có, thì người Mường không thể biết được mà lầm lẫn theo người Việt, bởi họ không có bao giờ viết sử để mà phải lầm tự dạng.

Nhưng có thế nào mà họ bịa ra ông vua đó hay không? Chắc chắn là không vì “Bua Hùng Wang” chẳng làm cho họ hãnh diện thêm, oai hùng thêm chút nào cả, trái lại họ còn xách mé gọi tên ông ấy, chớ không kính cẩn gọi Đức Vua, hay vua tổ như ta. Không ai bịa làm gì một nhơn vật mà họ không kính nể bao nhiêu.

4. Danh xưng Việt đã có rồi vào thuở đó, nhưng dưới hình thức YỊT. Chúng tôi đã bảo rằng đó là danh từ của ta, dùng để chỉ loại rìu Quốc Oai, rồi Tàu vay mượn biến thành danh xưng, thì dĩ nhiên là ta đã phải có trước khi bị Tàu cai trị. Và quả Tàu đọc chữ Việt khá giống người Mường:

Yịt = Yue

Chúng tôi thiết âm Yue, không đúng lắm, chớ Quan Thoại đọc Yue khá giống Yịt.

Cả hai lần, ở Hoa Bắc và Hoa Nam, để gọi ta, họ đều phiên âm, chớ không có tự ý đặt tên ta.

Việt chỉ là lối đọc sai của các nhà Nho sau này, họ đọc sai hàng vạn chữ, đôi khi sai một cách dị kỳ: Tsin Tu = Thận đọc, Xửa = Thiệt, Pin = Tân.

Đây là vụ án lịch sử mà ta cần làm cho ra lẽ, như vụ án chữ Lạc, không thôi ông Đào Duy Anh cứ nói Lạc là con chim Lạc, và nhiều tác giả đã bị sử gia Nguyễn Phương hù, hoảng hốt tái bản sách, bỏ mất chữ Hùng Vương.

Ông H. Maspéro vớ được quyển Thủy Kinh Chú và quyển Nam Việt Chí thấy trong đó Thủy Kinh Chú viết chữ Lạc rất lạ hơi giống chữ Hùng còn N.V.C. thì bỏ Lạc viết hẳn Hùng, ông vội la hoảng lên là N.V.C. đã lầm tự dạng Lạc Vương ra Hùng Vương.

Như đã nói, ông H. Maspéro mắc bịnh tố cáo những sai lầm tự dạng mà ông ấy tưởng tượng là có chớ người học chữ Tàu đời xưa, hễ sai một nét là bị đòn chết người, phương chi đó là những ông viết sách, mà thời xưa, viết sách không in được, không bán được để kiếm tiền thì chỉ có những người thật giỏi chữ nghĩa mới viết cho vui thôi, họ có sai là sai về sự kiện lịch sử, chớ về tự dạng thì không bao giờ. Hai chữ LạcHùng khác nhau khá xa, có bị mọt gậm còn một nét, cũng không thể lầm lẫn được.

Nhưng lý lẽ vững hơn hết là các sử gia ta viết Hùng Vương là viết theo truyền thuyết chớ không phải bắt chước N.V.C. như ông H. Maspéro nói và ông Nguyễn Phương bắt chước nói theo, thì không làm sao mà có vấn đề lầm tự dạng được cả, trong sách của ta.

Ta có một chứng tích, không thể chối cãi, là cái bài vị ở đền Hùng. Bài vị đó, không có viết là Hùng Vương mà bảo rằng bài vị cũng sai tự dạng.

Chữ đề trên bài vị là:

Đột ngột cao sơn, Cổ Việt Hùng thị.

Đây là một vấn đề mới lạ nữa, mặc dầu bài vị đó ai cũng biết. Vấn đề mới lạ vì chưa ai đặt ra lần nào.

Theo ông L. Bézacier, quản thủ các di tích lịch sử Việt Nam cho tới 1945, thì đền thờ có lẽ được xây vào đời nhà Lý, tức sau ông Hùng Vương 18 đến hơn một ngàn năm.

Người viết bài vị, dĩ nhiên là viết theo truyền thuyết, y như các sử gia ta, nhưng có khác là họ không viết Hùng Vương mà lại viết Hùng Thị. Thế nghĩa là họ có biết cái gì, chớ không chịu ảnh hưởng của ai cả.

Nếu họ bắt chước T.K.C. hay N.V.C. họ đã viết CỔ VIỆT HÙNG VƯƠNG chớ không thể nào họ lại viết CỔ VIỆT HÙNG THỊ hết.

Hùng Thị là cái gì? Là Thị tộc Hùng. Người ta kinh nghiệm một thị tộc chớ không phải thờ một cá nhân. Cái thị tộc đã dựng nước Văn Lang ấy.

Thị tộc Hùng có vua. Vì không nhớ tên, không nhớ hiệu, nên dân chúng gọi là vua Hùng Vương, tức vua của thị tộc Hùng.

Cổ Việt Hùng Thị là gì? Chúng tôi đã thử cắt nghĩa rồi và phải hiểu bằng hai cách. Nếu đó là Cổ Việt Hùng Thị thì đó lại là thị tộc Hùng ở đất Cổ Việt. Bằng như là Cổ Việt Hùng Thị thì lại là thị tộc Hùng Việt đời xưa.

Cả hai đều nói đến một thị tộc, thị tộc Hùng, hoặc Việt Hùng chớ không hề nói đến ông vua Hùng Vương nào hết.

Nhưng đừng tưởng rằng đó là bằng chứng dùng để phủ nhận Hùng Vương mà trái lại để xác nhận. Bằng chứng ấy cho biết rằng ký ức của dân chúng thọ một cách lâu dài, hàng ngàn năm, họ còn nhớ được chuyện xưa, vì trong sách Tàu không có chuyện Việt Hùng nào hết. Ta chỉ viết theo truyền thuyết.

Truyền thuyết còn nhớ thị tộc Hùng Vương thì truyền thuyết nhứt định phải nhớ vua Hùng Vương.

Mà không phải là chúng tôi đoán mò. Tất cả truyền thuyết của người Mường đều nói đến vua Hùng Vương mà người Mường thì không có đọc Việt Diện U LinhLĩnh Nam Trích Quái bao giờ để nghĩ rằng họ bị ảnh hưởng của hai quyển sách đó như sử gia Nguyễn Phương đã nghi oan cho Ngô Sĩ Liên mà cho tác giả của hai quyển sách cũng không có bịa, họ chỉ viết theo truyền thuyết mà thôi.

Không có gì để kết luận, bởi chuyện đã tự nó hiển nhiên như vậy. Chữ Hùng là chữ chánh chớ không phải chữ Lạc. Nếu không có ông vua nào lấy hiệu là Hùng Vương đi nữa thì Hùng cũng chỉ là một thị tộc.

Chủng tộc là chủng Việt, Chi là Chi Lạc, nhưng trong Chi Lạc phải có nhiều thị tộc. Chúng tôi có nói đến một thứ người Việt cổ sơ hơn người Mường ở chương sau, chương Làng Cườm sống dậy. Ấy, thứ người Việt đó hiện tồn tại và họ tự xưng là Lạc nhưng lại chia ra thành hai thị tộc, thị tộc K’pong và thị tộc Yru.

Vả lại Tàu họ nói có ông vua của dân Lạc (Lạc Vương) chớ không có bao giờ họ bảo rằng Lạc Vương tên gì, hiệu gì, có thể họ không biết tên ông, không biết hiệu ông. Tiếng Lạc Vương của họ không bao giờ có ý phủ nhận danh hiệu hay vương hiệu Hùng Vương của ta như ông H. Maspéro và các đệ tử của ông tưởng lầm.

Họ biết có dân Lạc của chủng Việt, nên họ gọi dân đó là Lạc Việt. Nhưng vì không có bang giao mật thiết với dân Lạc Việt họ không thể biết chi tiết nội bộ chánh trị và hành chánh của dân Lạc Việt, ngoài sự kiện dân đó có vua.

Trong điều kiện dốt tình hình Văn Lang ấy, họ chỉ còn có một cách độc nhứt là gọi ông vua của dân đó là Lạc Việt, tức vua của dân Lạc.

Danh xưng Lạc Vương không phải là danh xưng như ông H. Maspéro đã đoán liều. Nó chỉ có nghĩa là Roi des Lạc. Mà như vậy thì cổ sử Trung Hoa không có sai. Trái lại họ rất khoa học và dè dặt. Khi họ không biết tên, không biết hiệu của ông vua đó, họ làm thinh mà chỉ gọi ông vua ấy là vua của dân Lạc.

Ta đã thấy Lưu An, tác giả Hoài Nam Tử, đã dè dặt như vậy khi chép rằng đạo binh viễn chinh của Tần Thỉ Hoàng đã cho quân đóng lại biên giới đất Nam (Nam đã chi giới). Họ hoàn toàn mù tịt về nước Văn Lang, trong khi họ biết quá rõ nước Tây Âu, Mân Việt, với cả tên cúng cơm của các vua ấy nữa, nên Lưu An chỉ nói là biên giới đất Nam, mà không nói gì rõ hơn.

Dưới đây là một câu chuyện ngộ nghĩnh. Chúng tôi có vào một nhà thờ Tin Lành để nghe giảng đạo một lần.

Ông Mục sư hỏi các con chiên:

“Các người tin rằng có Đức Chúa Trời hay không?”

Thiên hạ đều im lặng.

Mục sư lại nói:

“Có, tôi có bằng chứng rất khoa học là có Đức Chúa Trời. Bằng chứng đó là Con Quỷ Sa Tăng nó có nói đến Đức Chúa Trời. Nếu không có Đức Chúa Trời sao con Quỷ Sa Tăng lại nói có?”

Chúng tôi bật cười, vì nếu suy luận như thế thì còn phải chứng minh rằng có con Quỷ Sa Tăng nữa mới được.

Nhưng ở đây, kẻ nói rằng có BUA HÙNG WANG là kẻ có thật, chớ không như con Quỷ Sa Tăng. Kẻ đó là người Mường bằng xương bằng thịt.

Chỉ có ông H. Maspéro là sai, và những đệ tử trung thành của ông là sai khi hiểu lầm sách Tàu, rồi tố cáo sách ta.

Hai người viết sách, một đàng không biết chi tiết, dè dặt chỉ nói Lạc Vương là đáng khâm phục lắm, một đàng biết chi tiết, nói rõ hơn là Hùng Vương thì cả hai đều đúng sự thật. Chỉ có những người bắt buộc Việt Nam phải nô lệ Trung Hoa mới ngỡ thấy Việt Nam sai, Trung Hoa đúng mà thôi.

Câu chuyện thật là ngộ nghĩnh. Một ông Tây tố cáo sử gia Tàu và sử gia Việt viết sai chánh tả Tàu.

Ngộ nghĩnh hơn nữa là tánh cách của các cuộc tranh luận. Các học giả ta chia ra làm hai phái, phái theo ông Tây H. Maspéro, phái chống, nhưng cả hai đều tức giận ghê hồn.

Bình tĩnh chớ! Ông Maspéro chỉ mắc bịnh tố cáo chánh tả như Văn Lang, Dạ Lang, Hùng Vương, Lạc Vương mà viết ra vậy thôi chớ ông ấy bình tĩnh lắm.

Còn ta, vua tổ của ta hiệu là gì; nào có đáng giận ai nói sai đâu.

Ta nên bình tĩnh mới tìm ra sự thật được, chớ hễ tức giận là đã có khuynh hướng rồi, tức giận là bị ám ảnh rằng mình là đúng, kẻ khác là sai.

Trước hết, thiên hạ nói đến một quyển cổ thư mà không ai thấy bao giờ, đó là quyển Giao châu ngoại vực ký, chỉ thấy sách khác trích lại. Nhưng cũng không ai biết những đoạn trích dẫn có trích đúng hay sai, vậy mà cứ xem G.C.N.V.K. là khuôn vàng thước ngọc thì hơi trái lẽ. Nhưng ta vẫn cứ phải lấy T.K.C. làm chứng, mặc dầu không biết nó có chép đúng theo sách được dẫn hay không.

Quyển “Thủy Kinh Chú” trích dẫn G.C.N.V.K. thì giá trị của nó như sau đây:

Xin nhắc lại số tạp chí dày 480 trang khổ lớn, tạp chí Hán Học xuất bản tại Bắc Kinh 1947. ông R.A. Stein thường dựa vào quyển sách đó, nhưng ông ấy có báo động cho độc giả biết những điều sau đây: Lệ Đạo Nguyên, tác giả quyển T.K.C. là một Lão gia, tức người theo chủ trương Lão Tử. Sách của phái Lão gia rất bê bối về các mặt khác.

Sở dĩ ông R.A. Stein dùng sách ấy vì mặc dầu khuyết điểm trên, sách của phái Lão gia lại vô địch về địa lý. Muốn học địa lý cổ thời, nên tin sách của phái Lão gia hơn các sách khác, Lão gia lại là một phái chuyên viên nên sách của họ đầy dẫy chi tiết thiên văn, nông nghiệp, cổ tích địa phương, giúp ta biết rõ đời sống dân chúng vào thời đó. Người ta biết được kỹ thuật nông nghiệp thời Xuân Thu và Chiến quốc của Tàu cũng chỉ nhờ các cách của phái Lão gia, còn bao nhiêu sử sách khác tuyệt nhiên không đả động tới những chuyện mà họ cho là lặt vặt không xứng đáng với kẻ sĩ.

Vậy ta nên ghi nhớ là Thủy Kinh Chú rất bê bối về sử và tự dạng.

Nam Việt Chí viết Hùng Vương.

Thủy Kinh Chú viết Lạc Vương, với chữ Lạc thứ ba.

Đó là chữ Lạc trông hơi giống chữ Hùng, Các + Chuy.

Tác giả Nam Việt Chí cũng là một bậc danh nho, lại thuộc phái nghịch với phái Hoằng Lão của Lệ Đạo Nguyên không thể nào mà lại hoan nghinh chữ Lạc của T.K.C. để biến chữ Lạc ấy ra là Hùng.

Tác giả Nam Việt Chí viết Hùng, có lẽ vì ông ấy có tài liệu riêng về dân ta mà không ai biết.

Nam Việt Chí không lầm và ta không lầm Nam Việt Chí có tài liệu riêng lạ, còn ta, ta viết theo truyền thuyết, đâu có tự dạng để mà lầm:

Nhưng chỉ tại các ông không biết rằng có một thứ dân tên là Lạc bộ Chuy, đó là rợ Khuyển Nhung, không biết có con sông Lạc bộ Chuy ấy ở Thiểm Tây, cứ biết có mỗi con sông Lạc bộ Trãi ở Bắc Hà Nam, nên mới cãi nhau ầm ĩ, chớ thật ra thì Lệ Đạo Nguyên không có lầm tự dạng vì quả Lạc bộ Chuy cũng có mặt ở Cổ Việt, bằng chứng là ngôn ngữ ta đầy dẫy danh từ Môn, Khơ Me Miến Điện, hậu duệ của Khuyển Nhung, tức Lạc bộ Chuy.

Lạ lắm là vấn đề đó quá cũ (1918) nhưng đến năm 1964 sử gia Nguyễn Phương nhắc lại (mà không nói là do H. Maspéro đặt ra) thì nhiều học giả Saigon lại hoảng hốt lên, có người cho tái bản sách của mình với sửa chữa về Hùng Vương một cách âm thầm, có người viết bài đăng báo minh định lập trường rằng mình còn đang nghiên cứu lại, mặc dầu thuyết H. Maspéro sai quá rõ rệt.


*


Các ông Tây phủ nhận Hùng Vương, tuy sai, nhưng vẫn có dựa vào cái gì, nhưng khi phủ nhận Văn Lang thì họ chỉ vu khống suông rằng ta lầm Văn Lang với Dạ Lang bên Tàu.

Nhưng đã có bằng chứng là ta đã lập quốc rồi, trước khi An Dương Vương đến, tức trước cả khi người Tàu Triệu Đà đến nữa. Chính sử Tàu đã chép rằng An Dương Vương đánh dẹp vua ta. Các ông Tây rất tin sử Tàu, nhưng ở đây thì các ông giấu nhẹm đoạn sử Tàu đó. Tại sao vậy? Chánh trị đã chi phối khoa học chăng, và sự giấu nhẹm và phủ nhận đó có phải chăng để tạo mặc cảm kém cỏi nơi ta?

Nếu quả thật ta sống dưới chế độ bộ lạc thì những Lạc tướng mà Tàu giữ lại để dùng là chính những tù trưởng của các bộ lạc ấy. Nhưng Tàu có biết chế độ tù trưởng của ta, tại sao không gọi họ là tù trưởng, mà gắn cho họ các chức Hầu và Tướng.

Rõ ràng Lạc tướng là cán bộ quân chánh của Vua để lại, mà như vậy thì chắc chắn là ta đã có lập quốc, đã có vua.

Nếu ta chưa dựng nước, chưa có một ông vua thống nhứt được các bộ lạc thì Thục Phán đánh ai để cướp đất Cổ Việt? Sự kiện Thục Phán đã diệt một ông vua của dân Lạc Việt, được cổ sử Trung Hoa ghi chép, không còn là ức thuyết nữa, và chính cuộc xâm lăng của Thục Phán đã gián tiếp chứng minh rằng một tù trưởng Lạc Việt đã thu phục được các tù trưởng khác để dựng nước làm vua. Đó là điều chắc chắn, tưởng không còn là một vấn đề lòng dòng nữa.

Còn nước ấy tên là gì, vua ấy tên là gì, hiệu là gì, thì chỉ là chuyện phụ mà thôi. Nhưng các ông ngoại quốc, lại cố ý lấy chuyện phụ phủ nhận chuyện chính, phủ nhận tên Văn Lang, tên Hùng Vương để rồi phủ nhận luôn rằng ta không có vua trước khi người Tàu đến thì thật là một sự xuyên tạc mà ta không thể nín.

Thảm lắm là sau 1945, có sử gia ta ở xứ này, cũng lặp lại luận điệu của các ông Tây để ngầm nói rằng ta chưa lập quốc vào thuở đó thì ta lại càng không thể nín hơn.

Đành rằng dầu sao, các bộ lạc, các tù trưởng cũng tồn tại sau khi nước Văn Lang hay nước gì đó không biết, được dựng lên, nhưng họ đã thành quan của vua đó rồi, chớ không còn độc lập trong bộ lạc của họ như trước đó nữa.

V.Đ.U.L.L.N.T.Q. chỉ chép theo truyền thuyết của dân gian chớ tác giả hai quyển ấy không có bịa cái gì cả, Ngô Sĩ Liên cũng viết đoạn sử đó theo truyền thuyết chớ không có cóp lại quyển sách trên như Nhượng Tống đã tố cáo và sử gia Nguyễn Phương phụ họa theo.

Dân chúng hoàn toàn không hề biết Động Đình Hồ vì họ không có học địa lý của Trung Hoa, và khi mà họ truyền miệng cho con cháu họ nghe rằng biên giới xưa của nước ta là Động Đình Hồ, là nói sự thật một trăm phần trăm.

Truyền thuyết Mường về việc dựng nước của vua Hùng Vương cũng đúng một trăm phần trăm, vì cái lẽ giản dị là người Mường chưa bao giờ đọc Việt Điên U Linh, Lĩnh Nam Trích Quái và Ngô Sĩ Liên.

Nhượng Tống mắng Ngô Sĩ Liên là “ngây thơ” khi họ Ngô “lượm lặt chuyện Mường ráp vào sử ta”.

Dịch Ngô Sĩ Liên, nhưng lấy danh từ kép quốc ngữ Mường – Mán để thay cho Man di, trong nguyên văn chữ nho. Trong tư tưởng của Nhượng Tống, Mường là dân mọi rợ thì không sao đồng tông với ta được và ráp nói chuyện Mường với chuyện Việt là bậy bạ.

Nhưng Ngô Sĩ Liên không có ngây thơ tí nào cả. Chúng tôi có bằng chứng rằng vào thời Ngô Sĩ Liên, ta còn nói tiếng Mã Lai chưa biến dạng như ngày nay, người Mường cũng thế, thì Ngô Sĩ Liên phải biết rằng ta và Mường là đồng bào ruột thịt.

Bằng chứng ấy đã được đưa ra rồi, nhưng cũng xin nhắc lại. Cứ theo một quyển du ký của một người Âu thì dưới thời Trịnh Nguyễn, ta còn gọi cái cửa là Pan y hệt như người Thượng vốn là Mã Lai.

Còn Cửa sông, Mã Lai gọi là Kưala, thì Ngô Thì Sĩ phiên âm là Cô La trong sách viết bằng chữ Hán của ông. Đó là vì viết chữ Tàu, chớ viết chữ Nôm thì ông đã viết đúng được là Cửa La.

Cái Cô La đó, ngày nay ta gọi là Cửa Lò, tức nói tiếng Mã Lai sai giọng, nhưng chỉ mới sai đây thôi, còn dưới thời Trịnh Nguyễn thì không. Nếu dưới thời Ngô Thì Sĩ mà ta đã gọi nơi đó là Cửa Lò thì chắc chắn là Ngô Thì Sĩ không phải phiên âm là Cô La, mà dịch là Lô Khẩu. Tất cả các địa danh gốc Chàm và gốc Miên bị Việt hóa ở Đàng Trong đều được dịch nghĩa, thí dụ Ba Giồng, dịch Tam Phụ. Nơi nào chưa được Việt hóa thì sử ta mới phải phiên âm, như Cô La chẳng hạn.

Chẳng những N.T. quan niệm dân Mường là dân mọi rợ, ông còn dùng cái danh xưng đó để làm danh từ chung để chỉ mọi rợ, y hệt như sử gia Nguyễn Siêu cách đây trên hai trăm năm.

Ta có thể chắc một trăm phần trăm rằng Nhượng Tống không có đọc lấy một quyển sách Việt hay Pháp nào về dân Mường cả, sử gia Nguyễn Phương cũng vậy, hồi sử gia này viết quyển V.N.T.K.S. nên mới phụ họa theo Nhượng Tống mà mạt sát Ngô Sĩ Liên nặng lời đến thế.

Đành rằng sử gia họ Ngô thường suy luận phản khoa học theo lối các nhà nho xưa, nhưng không phải luôn luôn họ Ngô sai lầm, nhứt là về truyền thuyết, nhứt là về người Mường. Nhà Nho Nhượng Tống, mặc dầu có Tây học vẫn chưa thoát được khỏi cái xác nhà Nho, và khi muốn làm nhà khoa học, ông lại cực đoan.

Nói như vậy, không có nghĩa là cho rằng Ngô Sĩ Liên viết sử đúng, nhưng tất cả Đ.V.S.K.T.T.N.K. vẫn có chỗ không sai, chớ không phải là viết liều từ đầu sách đến cuối sách.

Như đã nói, việc khảo sọ nơi người Mường không thành công, mặc dầu ông Madrolle đã khẳng định rằng quả họ thuộc chủng Cổ Mã Lai. Nhưng sọ Mường nhỏ hơn sọ Việt và sọ các nhóm Mã Lai khác.

Nhưng bằng vào quan sát và nhận xét của cô J. Cuisinier thì việc đó cắt nghĩa được dễ dàng là họ đã lai giống với người thổ trước, bé nhỏ và có cái mẫu người khác xa họ, khác đến cái mức mà nhìn bằng con mắt người thường cũng biết được, chớ không cần việc khảo sát của khoa học.

Ta cũng có lai giống Mê-la-nê, nhưng ta sống khác, sự xáo trộn chủng tộc vì thế được xóa mất trong xã hội ta, còn người Mường thì sống xưa sao nay vậy, cưới gả với nhau trong làng, không hề đi đâu cả, thành thử dấu vết xưa cứ tồn tại nơi cơ thể, vóc dáng của họ.

Nhưng theo cô J. Cuisinier thì Madrolle vẫn có lý vì cô tìm được dấu vết Mã Lai nơi người Mường, qua một huyền thoại dưới đây.

Một huyền thoại của họ giống hệt huyền thoại Mã Lai ở nước Anh-đô-nê-xia, đó là huyền thoại Bà Chúa Kon (Bà Chúa con gái) và huyền thoại Patri Sadong của Mã Lai do nhà bác học N.W. Skeat đối chiếu.

Huyền thoại Bà Chúa Kon kể rằng một cô con gái Mường lấy vua Hùng Vương, sau góa chồng trở về làng, mất đi, và hiển thánh nhờ hai con cá vàng. Truyện Putri Sdaong cũng y hệt như thế chỉ khác tên vua mà thôi. Và điều đáng chú ý hơn hết là truyện Mã Lai xuất hiện ở một xứ không có núi đá vôi mà lại lấy khung cảnh núi đá vôi của vùng Hòa Bình của ta. Huyền thoại đi theo bước Nam thiên của chủng Mã Lai mà quên thay đổi khung cảnh, cứ nói đến vùng núi đá vôi mãi, khi họ tìm được địa bàn mới là đồng bằng Anh-đô-nê-xia không có núi đá vôi.

Nếu thuyết của N.W. Skeat mà đúng (nhưng khó lòng mà thuyết ấy không đúng), thì người Mã Lai Anh-đô-nê-xia đích thị là Lạc Việt đợt II di cư xuống đó, mà không phải di cư từ bên Tàu đâu mà di cư từ vịnh Thanh Hóa, Nghệ An.

Thuyết này không trái ngược với cổ sử các đảo Mã Lai, vì theo sử Ấn Độ thì tới năm 78 S.K., tức sau năm Mã Viện đánh hai bà Trưng gần ¼ thế kỷ, người Ấn mới tới các đảo đó và mới gặp người Mã Lai VỪA ĐỊNH CƯ Ở ĐÓ CHƯA LÂU ĐỜI.

Trường hợp gặp gỡ Ấn Độ và Mã Lai giống hệt trường hợp gặp gỡ giữa Hoa chủng và Cửu Lê. Cửu Lê lẫn Mã Lai đợt II vừa mới tới nơi, vừa định cư là gặp ngay ngoại chủng cũng ở nơi khác đến.

Chỉ có khác là ở Anh-đô-nê-xia, Ấn Độ không có đánh đuổi Mã Lai như Hiên Viên đã làm.

Chúng ta sẽ biết vì sao. Không phải Ấn Độ không có óc chế đế quốc như Trung Hoa, mà vì người Ấn Độ đó, không phải là người Ấn. Tất cả những bọn Ấn đi khai hóa Cao Miên, Nam Dương, Chàm, đều là người Nhục Chi gốc Ba Tư, đã xâm lăng Ấn Độ, và vừa bị mất ngôi nên mới chạy bậy bạ như thế, đủ sức khai hóa các dân kém mở mang, nhưng không đủ sức đánh chiếm họ.

Đó là khám phá mới nhất nó làm cho các cuốn sử về Nam Dương, Cao Miên và Chàm, được viết trước chiến tranh, sai cả.

Bốn trong năm điều kể trên đây cho ta biết thật rõ ràng về tình hình nước Cổ Việt Văn Lang hơn là khoa khảo tiền sử đã cho biết. Truyền thuyết có chơn giá trị, nhưng chỉ có giá trị khi nào được xét đúng, mà muốn xét đúng phải được khoa khảo tiền sử soi sáng cho. Hai thứ đó hỗ tương soi sáng cho nhau, thiếu một thứ không xong. Thiếu truyền thuyết thì cốt chuyện không có chi tiết, còn thiếu khoa khảo tiền sử thì chi tiết lại không có chỗ dựa là cốt truyện.

Nhờ truyền thuyết ta biết nhiều chi tiết quan trọng hơn.

Thế nên nghe sao cần ghi trung thành như vậy, đừng có mỹ hóa mà hại đời sau. Ta nhờ cô J. Cuisinier ghi chép tỉ mỉ và trung thành, ta mới giải thích được như trên kia, nếu cô ấy bỏ mất chi tiết sai thợ đúc, Đông, Tây, Nam, Bắc, thì ta đã bí về rất nhiều sự kiện lịch sử.

Ông H. Parmentier đã ức đoán rằng trống đồng là quà tấn phong của vua Hùng Vương ban cho các lãnh chúa và ức đoán ấy phù hợp với đoạn truyền thuyết trên.

Con số 1960 lãnh chúa cũng có thể tin được, mặc dầu một con số quá rõ như vậy trong truyền thuyết chỉ là chuyện khả nghi. Ngày nay một quan lang, tức lãnh chúa xưa, chỉ trông coi có một vài thôn thì toàn quốc có 1960 lãnh chúa không có gì là vô lý.

Tưởng biết bấy nhiêu đó là đủ rồi, nhưng biết thêm nữa càng hay. Ta tự hỏi tại sao đợt II lại bỏ Hòa Bình để đi Nam Dương? Câu hỏi trả lời không khó lắm.

Vua Hùng Vương đã đủ mạnh để tránh bị tràn ngập, còn khách thì lại không thích làm khách. Chính những kẻ không thích làm khách ra đi, hoặc những kẻ tới sau, bị đuổi đi bớt, khi vua Hùng Vương chợt thấy là lũ đó tới quá đông, sẽ trở thành mối nguy cho địa vị của ông.


*


Về vật tổ thì như ta đã thấy, người Mường thờ con Nai. Con Nai có mặt ở trống đồng, nhiều không kém gì Chim, thế mà các nhà khoa học nghiên cứu trống đồng chỉ nghĩ đến Chim mà thôi. Nay thì đã rõ là họ sai.

Nhưng nai chỉ là vật tổ của đợt II? Không, vua Hùng Vương (đợt I) cũng thờ Nai, như ta sẽ thấy ở chương Tô tem Lạc Việt.

Và không có ai thờ chim cả như các ông Tây đã nói, lại không có thờ chim Lạc như Đào Duy Anh đã nói.

Về sự kiện có quý tộc Mường giống người Thái, được chúng tôi giải thích rằng đó là quý tộc của An Dương Vương, họ vốn là người Thục và người Tây Âu, cả hai đều là Thái.

Kiến giải của chúng tôi được ông G. Dumontier cho thoáng thấy trước chúng tôi đến gần một trăm năm.

Ông G. Dumontier là một nhà khảo cứu Pháp tinh thông Hán học và là người nghiên cứu Bắc Việt trước nhứt. Chính ông đã đi khảo sát thành Cổ Loa năm 1884. Trong quyển Sorcellerie et Divination, ông cho biết rằng trên nỏ của một số người Mường có chạm hình một cái móng, móng đó tượng trưng cho móng rùa thần đã giúp An Dương Vương thành công trong việc xây thành.

Cô J. Cuisinier cho biết rằng ngày nay, loại nỏ đó chỉ còn thấy được ở bảo tàng viện thôi chớ nỏ Mường ngày nay, không có chạm gì hết. Dầu sao hình chạm xưa nói trên cũng chứng minh rằng một số người Mường là thần dân An Dương Vương nên mới thờ móng rùa như ngày xưa An Dương Vương đã thờ.

Chẳng những thế, vài người Mường ngày nay lại thờ vật tổ là con Chim Đỗ Quyên. Đích thị họ là hậu duệ của An Dương Vương vì chim Đỗ Quyên là tô tem của dân Ba Thục. Và câu chuyện Thục Vương Tử đúng một trăm phần trăm, chớ không phải là chuyện bịa như có người tưởng.

Nhưng chắc Lạc Việt đợt II là đa số ở xứ Mường chớ không phải là người Thục vì chỉ có vài nhà mới thờ tô tem Đỗ Quyên còn toàn thể thì thờ Con Nai. Trên trống đồng không có con chim Đỗ Quyên nào hết.

Hậu duệ của An Dương Vương không phải là kẻ đưa trống đồng tới, cũng không phải là kẻ chấp nhận nền văn minh trống đồng, bởi họ thuộc Chi Âu chớ không phải là Chi Lạc như đợt I và đợt II.

Họ bị xem là kẻ xâm lăng, chớ không phải là khách trọ như đợt II, và kẻ xâm lăng có tự tôn mặc cảm của kẻ ấy, không vay mượn nền văn minh của chủ đất cũ và của khách trọ của chủ đất.


*


Trái với bên Tàu mà ngoài chợ, kẻ mua người bán đều là đàn ông, ở Việt Nam và các xứ Mã Lai, chỉ có đàn bà. Sư Thích Đại Sán, một nhà sư Trung Hoa, viếng Việt Nam dưới đời chúa Nguyễn Phúc Châu, đã nhận thấy điều trong xã hội Việt Nam và gọi đó là dâm phong (đàn bà ra khỏi khuê phòng là dâm đãng theo quan niệm Tàu). Cô J. Cuisinier cho biết rằng khi một người Mường mà đi chợ, hoặc đi hiệu mua sắm cái gì, gặp người quen, họ xấu hổ lắm và không nhận là có quen biết với người đó.

Đó là dấu hiệu có nguồn gốc Mã Lai nơi người Mường cũng như nơi người Việt.

Mấy chứng tích Mã Lai trên đây là chứng tích bổ sung chớ thật ra thì những gì mà họ giống Việt Nam đã chứng minh nguồn gốc Mã Lai Bách Việt của họ: ăn trầu, nhuộm răng, xâm mình, ở nhà sàn, v.v. nói ngôn ngữ Nam Dương không biến dạng bao nhiêu.

Cô J. Cuisinier nói được một điều này rất là đặc sắc và quan trọng: “Nếu Mường không phải là Việt thì tại sao cái gì của Việt, Mường cũng hoan nghinh mà không hoan nghinh các thứ dân khác. Đó là sự hoan nghinh vì lý do sâu xa thầm kín đó đây liên lạc đồng máu mủ mà ra”.

Câu thứ nhì: “Phụ nữ Mường cương quyết từ chối qua đường với người Pháp, nhưng lại sẵn sàng qua đường với con trai Việt Nam”.

Cô J. Cuisinier cứ tiếc rằng người Việt chê họ quê mùa nên ít kết hôn với họ, chớ nếu không có sự chê bai đó, thì hẳn họ đã thành người Việt một trăm phần trăm từ lâu rồi.

Nên nhớ, họ quê mùa chớ không xấu xí, không ngu đần.


*


Chúng tôi có nói đến tình trạng người Mường bất hợp tác với Tàu, và không tiến vì nơi trú ẩn của họ là đất xấu.

Nhưng ta cần đặt rõ vấn đề. Cái đất xấu ấy là tại họ đi trốn Tàu, mà gặp phải, hay xưa sao nay vậy?

Qua những gì ta vừa biết về người Mường, ta có thể kết luận về hai điểm sau đây:

1. Họ không có đi trốn Tàu, vì không ai mà trốn gần đến như thế. Họ chỉ bất hợp tác mà thôi. Tại sao địa bàn của họ toàn là ở những tỉnh thượng du và trung du? Là tại họ đến sau, và lúc họ tới nơi thì thần dân của vua Hùng Vương đã chiếm hết cả các đất đồng bằng phì nhiêu rồi.

Khách trọ dĩ nhiên bằng lòng với những gì chủ nhà biếu cho, chớ không thể giành món ngon như quân xâm lăng.

Ở những nơi khác: Chàm, Nhựt Bổn, họ hơn hẳn bọn lưỡi rìu tay cầm nên họ đuổi đợt I lên núi rừng để cướp đồng bằng, còn ở Cổ Việt thì tình trạng ngược lại.

2. Người Chàm và người Mường là một thứ người với nhau, tức là Mã Lai đợt II, tức Lạc bộ Mã. Ta thường băn khoăn tự hỏi những tù bình Chàm mà ta bắt về Thăng Long, về sau này, rồi đi đâu, và không thấy dấu vết gì của họ cả, ngoài những công trình chạm trổ ở các đền chùa đời Lý. Nhưng khi ta biết rằng Mường và Chàm là một thứ người với nhau thì ta có thể hiểu rằng tù binh Chàm hẳn đã được cho định cư cạnh người Mường để khẩn hoang làm ruộng và họ thành người Mường hết mà không hay. Cả hai thứ người đó đều nói Pơ-đai, Pơ-đuông, chớ không nói lúa gạo như ngày nay. Đất của họ xấu, nhưng chỉ tương đối xấu thôi, đối với châu thổ, chứ không xấu tệ, và chính vì cái đất tương đối có hạn, nên một số thiếu đất sinh sống, phải di cư đi Nam Dương, nếu vua Hùng Vương mà không có đuổi bớt, họ cũng tự động đi, bởi cướp đất tốt không được, mà đất xấu và tương đối ở được đã hết rồi, thì chỉ còn một cách là di cư lần thứ nhì vậy.

Nhưng đi tới Nam Dương rồi vẫn chưa yên thân vì rồi họ còn phải di cư lần thứ ba đi Mã Đảo và Mỹ châu để biến thành người Hova và Mayar.

Nhưng xét thật sâu hơn, thì họ cũng không phải là cố ý bất hợp tác với Tàu cho lắm. Địa bàn của họ ở khít vách với địa bàn của ta, mà cũng không phải là bất khả xâm phạm mà tưởng rằng Tàu để yên cho họ bất hợp tác. Nhưng sự kiện sờ sờ trước mắt là họ còn giữ chế độ phong kiến cổ thời chớ không bị bắt phải theo chế độ quận huyện của Tàu như ta.

Cũng nên biết rằng người Tàu mắc bệnh sợ núi rừng. Núi không cao, rừng không sâu, họ cũng không ở được. Họ nắm được châu thổ Hồng Hà là đủ cho họ rồi, vả lại đa số dân cư đều ở đó, thì mất bớt một đám dân đóng thuế quá nhỏ, họ không phải tiếc.

Như thế thì người Mường chỉ là người bị bỏ quên, chớ không phải đi trốn, cũng không phải là bất hợp tác một cách cố tình cho lắm.

Người Tàu bỏ quên họ, mà chính họ cũng không thích người Tàu, nên họ không tìm gặp Tàu, hóa ra sự bất hợp tác xảy ra thật sự.

Riêng ta thì ta ở vào cái thế không được đừng, vì ta là chủ nhân của đồng bằng mà người Tàu đến cướp, thì có ghét kẻ xâm lăng đến đâu ta vẫn phải hợp tác.

Chế độ Lang độc lập và chủ Lang thế tập bị phá vỡ đến 80 phần trăm nhưng dầu mất thế tập, mất độc lập, nó cứ còn tự trị, khi nó lấy dấu huyền, cho đến ngày nay, khác hẳn hương của Tàu.


*


Vật tổ Lạc Việt, danh xưng Văn Lang Hùng Vương và Lạc Việt

Sự hiện hữu của vua Hùng Vương không được chứng minh bằng sử liệu của một nước lân cận hay bằng cổ vật mà tiền sử học đã đào được. Thế nên từ 1918 tới nay, có người hồ nghi hữu lý về trào đại đó. Nếu ta không tìm được gì khả dĩ có sức nặng đáng kể, ta phải xem các đời vua Hùng là huyền thoại như Hồng Bàng chẳng hạn.

Nhưng chúng tôi đã tìm được cái gì, ở các trang trước đây mà chúng tôi đã lưu ý quý vị đến những chi tiết đó rồi. Thứ nhứt người Mường có nói đến vua Hùng Vương. Nhưng điều đó không phải là chứng tích, vì quý vị và chúng tôi cũng có nói đến vua Hùng Vương nhưng không vì thế mà vua Hùng Vương đã có. Nhưng không, người Mường nói đến vua Hùng Vương khác ta. Ta nói đến vua Hùng Vương bằng giọng kính cẩn của kẻ biết sự thật thật sự, hoặc của kẻ ngộ nhận đó là sự thật. Còn người Mường thì ăn nói bằng lời lẽ một nhơn chứng trung lập, không kính cẩn cũng không khinh miệt, tức họ không có ngộ nhận gì mà là kẻ biết sự thật. Cái sự thật đó là họ chỉ là khách trọ chớ không phải con dân của vua Hùng Vương. Thế thì ta kết luận được rằng vua Hùng Vương quả có thật. Ông ấy là Lạc bộ Trãi + Lạc bộ Chuy, và đã đón tiếp Lạc bộ Mã từ Hoa Nam di cư đến. Họ đến rất đông, vì có bằng chứng là trước khi đi Nam Dương, họ đã định cư ở Hòa Bình (cổ tích bà chúa On đối chiếu), nhưng rốt cuộc chỉ còn có một nhóm nhỏ là người Mường.

Trong cuộc nghiên cứu trống đồng Đông Sơn, có một vấn đề mà các nhà bác học Tây phương gần như là đồng ý với nhau tức khắc, không có tranh luận nhiều như với các vấn đề khác: đó là to tem Lạc Việt.

Họ nói đó là Chim.

Phía Việt Nam cũng đồng ý theo, hơn thế, còn muốn xác định hơn Tây nữa. Ông Đào Duy Anh cho là Chim Lạc, chớ không phải là bất cứ loài chim nào.

Chỉ có một người độc nhứt là nói trái lại, ông Văn Tân. Tiếng chuông lẻ loi ấy, thế mà đúng, mặc dầu không đúng hẳn.

Chúng tôi thử bác bỏ kiến giải chim của đại đa số, vì thấy nó sai rõ rệt.

Có những thuyết không căn cứ, lại được đa số mặc nhận, đó là thuyết tô tem Lạc Việt là Chim của các nhà bác học Tây phương. Ta không xét lại thuyết đó, lại còn đi sâu vào đó hơn, như Đào Duy Anh đã làm, thì e không khoa học.

Đừng nói chi tô tem là chim Lạc, vật tổ của dân Lạc Việt là chim tổng quát, cũng không đứng vững được.

Không biết do một ánh sáng thiêng liêng nào mà bỗng dưng một nhà khảo cổ Âu châu lại nghĩ rằng dân Lạc Việt thờ vật tổ là Chim.

Chúng tôi nói ánh sáng thiêng liêng nghĩa là ngầm phủ nhận lý trí con người trong cuộc khám phá này. Thử xem, trong hàng trăm nhóm người tạm gọi là da đỏ ở Mỹ châu, nhóm nào cũng đội mão lông chim trên khăn quấn đầu, thế mà có ai tìm được hơn một bộ lạc thờ vật tổ là Chim hay không?

Vậy mà bao nhiêu nhà khảo cổ da trắng đều rập nhau hát cái điệp khúc Tô tem Chim ấy, rồi nhiều nhà học giả ta cũng hát theo.

Các ông Tây đó chưa bao giờ xem hát bội Việt Nam, mà các nhà học giả ta, có xem cũng đã quên mất rồi vì họ xem thuở họ còn bé, hát bội đã chết từ lâu rồi.

Hát bội là nghệ thuật do Tàu gợi ý ta, y trang cũng do họ chế ra. Và luôn luôn khi nào tướng Trung Hoa đánh nhau với tướng phiên, bất kỳ loại phiên nào, ta đều thấy tướng phiên, giắt lông trên mão. Giắt lông trĩ trên mão là lối trang sức của hầu hết chiến sĩ các dân tộc kém mở mang khi xưa ở phương Nam nước Tàu, vì phía ấy có chim trĩ. Về sau, các chuyên viên y trang của Tàu mới tổng quát hóa, rợ Tây Nhung, rợ Bắc Địch gì họ cũng cho giắt lông trĩ trên mão hết thảy. Chỉ giản dị có thế thôi, dân Lạc Việt dùng lông chim chỉ là đồ trang sức, không dính dáng gì tới tô tem hết.

Nhưng các ông Tây đã quả quyết như thế, thì ta cũng phải nghiêm trang xét lại, chớ không thể bác bỏ một cách hơi võ đoán như vậy được.

Trước hết, trên các cổ vật, có hình của quá nhiều loại chim khiến ta khó lòng mà nhận rằng chim là vật tổ của Lạc Việt. Bằng như cho rằng mỗi thứ chim đại diện cho mỗi bộ lạc, thì lại có quá ít chim.

Chúng tôi thấy đại khái có hai loại Chim trên trống đồng thau:
  1. Một loại thường

  2. Một loại chim nước
Chim nước, Pháp gọi là Oiseaux aquatiques, Tàu gọi là Thủy điểu, gồm những thứ ăn cá, chúng ở biển, ở sông ngòi hay đầm ao. Tất cả đều cẳng dài, cổ dài, mỏ dài. Như loài công, cẳng dài mà mỏ không dài, nên không bắt cá được, không là thủy điểu.

Trên trống Ngọc Lũ, ta thấy nơi hông trống, giữa hai thuyền, một con, thuộc loại chim nước, đối diện với 1 con cũng cẳng dài nhưng mỏ lại rất ngắn, tức không phải thủy điểu.

Ở mặt trống, nơi vành có hình thứ nhứt, tính từ ngoài vào trong và không kể những vành khác hình kỷ hà học, thì lại có một thứ chim cẳng dài mỏ cũng dài nữa, nhưng khác chim nước ở hông trống rõ rệt. Đây là thứ chim của nắp bình đồng Đào Thịnh.

Loại chim nước này có tất cả 5 thứ vì chim ở hông bình đồng Vạn Thắng lại là thứ khác nữa, và giữa những con chim nước ở vành 1 Ngọc Lũ nói trên, lại có hai thứ chim nước rất nhỏ. Tóm lại Ngọc Lũ có 3 thứ chim nước, Đào Thịnh 1 và Vạn Thắng 1. Cộng lại là 5 loại chim nước.

Chim chung vành loại 2 là ở bình đồng Đào Thịnh, cẳng dài mà mỏ lại quá ngắn, ngược hẳn với chim thường thứ 1.

Vành 1 Ngọc Lũ có 1 thứ chim kỳ dị giống kẻ âu sầu, mỏ ngắn, đầu cúi xuống nhìn đất. Đó là chim thường loại 3.

Cũng ở vành đó còn hai thứ chim thường nữa không tả được vì hình không rõ.

Thế là 5 thứ rồi.

Chim bay trên thuyền là thứ 6.

Chim trên nóc nhà có 3 loại tức 9 loại tất cả.

Chim thứ 10 là một tượng đồng riêng, tạm gọi là chim Yên Bái, hơi giống chim sẻ.

10 loại chim thường và 5 loại chim nước tất cả.

Ta có 15 bộ lạc chăng? Hẳn là không. Ta phải gồm ít lắm là 50 bộ lạc hoặc là 1, tùy đã thống nhứt hay chưa.

Có những người sẽ muốn thấy đó là tượng trưng cho 15 bộ của nước Văn Lang nhưng không phải đâu. 15 bộ ấy, nếu quả có, thì đó là 15 đơn vị hành chánh lớn nhứt của nước Văn Lang, chớ Bộ đó không hề có nghĩa là Bộ lạc vì Văn Lang đã thống nhứt rồi.

Bộ = Bộ Lạc thì cũng không đúng vì cái lẽ không phải trống nào cũng có đủ 15 thứ chim, như ở hình trống Đào Thịnh chỉ có 2, 3 thứ thôi.

Có một nhà học giả muốn thấy tượng trưng của 18 đời Hùng Vương trong ngôi sao 18 nhánh của một mặt trống, chỉ phiền là có trống, ngôi sao lại nhiều tới 24, có trống chỉ 12 thôi. Những sự ngẫu nhiên trùng hợp rất dễ đưa ta đến sai lầm. Nếu chẳng may ngôi sao nào cũng 18 nhánh thì cái thuyết liều lĩnh tượng trưng cho 18 đời Hùng Vương thật là khó bác.

Xem thế, ta đủ thấy thuyết vật tổ của Lạc Việt là loài chim không có một sức nặng nào hết. Còn thuyết chim Lạc của Đào Duy Anh còn sai hơn nhiều, vì có rất nhiều chim không phải là chim Lạc chút nào.

Như ta đã thấy, qua nhiều chương trước rằng Lạc chỉ là một giai đoạn phiên âm sai chữ Lai mà từ đời Tây Chu, Tàu mới tiến đúng được từ Lê đến Lạc rồi đến Lai.

Và Tàu biết quá rõ Lạc là gì. Con chim Lạc, họ viết với bộ Điểu, còn những tự dạng Lạc dùng để chỉ dân Lạc, không bao giờ được viết với bộ Điểu cả. Nếu ta thờ chim Lạc, hẳn họ phải biết, và họ đã chỉ ta bằng chữ Lạc bộ Điểu rồi. Nhưng không bao giờ có chuyện đó, trong thư tịch Trung Hoa.

Những cái mà những con người trong đó cầm nơi tay hoặc dùng làm chày giã gạo, các ông Tây cũng cứ nói là lông chim, lại chưa chắc là lông chim, như chúng tôi sẽ chứng minh sau đây.

Hình khắc ở trống đồng thau, phải được nghiên cứu lại, chớ không thể nhắm mắt tin theo các ông Tây. Chúng tôi đã dùng một cái lúp để nhìn những vật mà các ông Tây gọi là lông chim (vũ) và chúng tôi thấy rõ ràng đó là tàu cau, chớ không thế nào là Vũ được hết.

Quả thật thế. Một cái vũ gồm hai bên, cả hai bên đều là Mao. Đằng này những cái trong trống lại chỉ có một bên Mao thôi.

Đó là cái tàu cau đang được dùng, luôn luôn người ta chặt cho ngắn bớt, nhứt là tước bớt một bên. Các ông Tây đó không hề thấy dân Việt Nam dùng tàu cau, nhứt là dân Nam Kỳ là nơi có nhiều cau. Xin nói rõ hơn, muốn dùng tàu cau, người ta tước bỏ một bên lá. Đúng là hình khắc của trống như vậy đó. Rồi người ta chặt tàu cau cho ngắn bớt. Cái Vũ trong các hình cũng bị cắt ngắn như tàu cau bị chặt bớt. Cái bên còn lá, lá vẫn bị hớt cho ngắn đi.

Hình khắc ở trống như vậy đó. Đó là hình ở trống Saigon, nhưng trống ở các nơi khác cũng như vậy.

Có ai giã gạo bằng lông chim không? Hẳn là không? Còn giã bằng tàu cau? Ở trống đó, chày giã gạo cũng hơi giống những cái mà nhơn vật cầm tay để đi đâu đó. Có thể giã gạo bằng tàu cau được, nếu giã theo lối người Thượng, tức chọt, như ta thấy trong hình.

Mà cũng chưa chắc là hình giã gạo.

Có một cái hình mà các ông Tây quả quyết là giã gạo, mặc dầu cái cối không phải là cái cối, mà rõ ràng là cái trống. Các ông bảo rằng không ai đánh trống kỳ cục như vậy. Nhưng một nhà học giả ta, ông Lê Văn Lan, lên tận vùng Mường để khảo cứu vì trên ấy còn dùng trống đồng thau, thì thấy quả thật người Mường đánh trống như vậy, tức dùng gậy đâm vào trống, chớ không phải đánh.

Cũng nên nhắc lại rằng người Mường thờ vật tổ là con Nai. Nai của người Mường là nai có bông ngôi sao mà Pháp gọi là Cerf solaire, chỉ là bông tưởng tượng, tượng trưng cho việc thờ Trời của dân ta.

Qua hai ngàn năm, người Mường đã biến con Nai vật tổ khác đi, vẽ giống như nai ở Bắc Việt. Nhưng nai ở trống đồng thì khác. Nhìn kỹ nai trong trống, ta thấy đó là loại nai chà (Renne) chớ không phải nai xứ ta (cerf).

Đó là nai ở Bắc Cực ngày nay, nhưng cách đây 5.000 năm, ở Hoa Bắc vẫn có, tại địa bàn của Lạc bộ Trãi.

Chúng tôi đã nói rằng người Mường là Mã Lai đợt II, địa bàn của Mã Lai đợt II dưới sông Hoàng Hà, không có con Renne. Nhưng Mã Lai đợt I vẫn có vượt Hà chạy xuống nhập bọn với Mã Lai đợt II ở đó, và đã đem vật tổ nguyên thỉ xuống đó.

Bằng chứng Mã Lai đợt I thờ Nai, thấy ghi trong tập nghiên cứu về dân Salva của ông Prylusky, Salva là một thứ Mã Lai đợt I ở trung tâm Ấn Độ ngày nay, dân đó thờ mặt trời và thờ Nai.

Cả hai đợt Mã Lai đều thờ Nai, y hệt như nhau, chớ không riêng gì là đợt II, nhưng ta đã bắt được bằng chứng sống, trong xã hội người Mường, nên tưởng rằng đó chỉ là vật tổ của bọn đợt II.

Và xin nhấn mạnh một lần nữa là nai khắc ở trống đồng là con Renne, chớ không phải con Cerf, mà con Renne thì chỉ có ở Hoa Bắc cách đây 5.000 năm, chớ không bao giờ có tại Cổ Việt. Đó là vật tổ lâu đời nhứt của dân Mã Lai, xuất hiện tại địa bàn thứ nhì của họ là Hoa Bắc, chớ không phải tại Cổ Việt.

Các ông Tây bảo đó chỉ là hình trang trí, nhưng các ông không hề biết rằng người Mường thờ vật tổ là con nai, trong khi đó thì hình trang trí là chim, lại bị các ông gọi là vật tổ vì các ông không hề biết các dân Mã Lai giắt lông chim trên đầu để chơi, chớ không phải để đồng hóa với con chim nào hết.

Các ông lại bảo hình nai trang trí là bắt chước lối trang trí của dân khác, nhưng mời các ông đọc Abadie, các ông sẽ kinh ngạc mà thấy dân Thổ thêu mũi giống nông dân Pháp và có lẽ các ông sẽ nói người Thổ bắt chước người Pháp.

Trong các cổ vật đồng pha, hình nai nhiều hơn hình chim. Nhiều lưỡi rìu có hình nai mà không có hình chim bao giờ, thế thì nai phải quan trọng hơn là chim.

Người Tàu cũng biết dân Lạc Việt thờ nai, thế nên mới có địa danh Mê Linh. Mê Linh là con nai linh thiêng. Đó là địa danh chữ Nho chớ không phải chữ Nôm mà nói là địa danh đó do ta đặt. Như vậy là đã có nhơn chứng rồi.

Nhưng nhơn chứng đáng tin cậy hơn hết là hiện nay người Mường thờ nai, như ta đã thấy khi nghiên cứu về người Mường.

Hai chuyện xa xôi, một trong không gian là Mã Lai Nhựt Bổn có nuôi nai thần ở cố đô Nại Lương, và một trong thời gian là cổ dân Salva thờ nai và mặt trời, lại là bằng chứng bổ túc rằng dân Mã Lai thờ nai, và xin nhắc lại rằng đó là một nai chà (Renne) như hình thấy ở trống đồng, chớ không phải là nai thường như người Mường ngày nay. Mà nai chà thì chỉ có ở Hoa Bắc vào cổ thời, địa bàn cũ của Mã Lai đợt I.

Tóm lại, chim chỉ là hình trang trí, như bao nhiêu hình trang trí khác, không hơn, không kém. Có lẽ chim chẳng nói lên cái gì, nhưng nhứt định không là vật tổ. Chim nói lên cái gì? Tất cả đều bay ngược chiều với kim đồng hồ, tức từ phải sang trái,, mà các cổ thư Trung Hoa đều tả dân Việt lấy bên trái làm bên tốt, bên thuận. Ấy nó nói lên điều đó, chỉ có thế thôi.

Có quá ít chim, đối với bộ lạc, nếu thuở ấy ta chưa thống nhứt, trái lại có quá nhiều chim, nếu ta đã thống nhứt rồi. Vả lại nếu thờ chim, ta chỉ thờ một loại chim, chớ sao lại thờ đến hơn 10 loại khác nhau?

Nhưng ngoài nai là vật tổ thời thượng cổ, dân Lạc Việt còn thờ vật tổ nào khác, mới hơn chăng? Một dân tộc có thể có hai ba vật tổ. Và ta trở lại được với những cái lông chim giả hiệu nói trên.

Chúng tôi cho rằng đó là tàu cau chớ không phải là lông chim.
Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.