trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
1.11.2007
Hồ Bạch Thảo
Bàn về lời khuyên của học giả Nguyễn Văn Tố
 
Qua báo chí, được biết các nhà giáo trong nước thường than phiền rằng trong các kỳ thi điểm sử của học sinh rất kém; hầu như học sinh không chú trọng đến môn lịch sử. Đây là một điều đáng buồn, thiết tưởng nên tìm hiểu sự việc có đầu đuôi để tìm phương bổ cứu.

Câu hỏi trước tiên được đặt ra là người nước mình có yêu sử không?

Chúng ta đều biết văn hóa từ thời cha ông chủ trương rằng người dân phải có trách nhiệm với đất nước, câu tục ngữ “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” khẳng định rằng mọi người, dù là hèn kém, đều có trách nhiệm với sự thịnh suy của đất nước. Cậu bé câm trong truyền thuyết Phù Đổng, thoắt cười thoắt nói, đòi được đi đánh giặc, nói lên bổn phận đối với quốc gia, hầu như nằm sẵn trong huyết quản:

Nghe vua cầu tướng ra quân,
Thoắt cười thoắt nói muôn phần khích ngang
Lời thưa mẹ dạ cần vương,
Lấy trung làm hiếu mọi điều phần minh.
Sứ về tâu trước triều đình,
Gươm vàng ngựa sắt đề binh tiến vào.

(Đại Nam quốc sử diễn ca)

Bàn về bổn phận người học trò đối với đất nước, Nguyễn Công Trứ vạch rõ trong bài “Luận về kẻ sĩ” như sau:

Vũ trụ chi gian giai phận sự.

Ý nói bổn phận người học trò hay người trí thức phải có trách nhiệm với xã hội.

Cũng giống như người con yêu mến gia đình, muốn biết rành rẽ về gia phả của tổ tiên cha ông; người dân có trách nhiệm với tổ quốc, luôn luôn khao khát tìm hiểu về lịch sử đất nước. Kết luận này không dựa hẳn vào sự suy luận; hãy đọc qua bộ sách Tìm hiểu kho sách Hán Nôm của cụ Trần Văn Giáp, trong đó lược khảo 428 quyển sách cổ, thì có đến 165 quyển liên can đến lịch sử Việt Nam. Thời xưa những người Việt sống ở nước ngoài không có bao nhiêu, nhưng hiện còn lưu lại ba bộ sách của các tác giả lưu vong liên quan đến lịch sử, như: An Nam chí lược của Lê Trắc, Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng, Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu.

Qua chứng liệu nêu trên, có thể khẳng định rằng người nước ta vốn yêu quốc sử. Tuy nhiên khoảng trên nửa thế kỷ nay, người viết sử thiên về lối suy diễn có lợi cho công tác chính trị đương thời, nên nhiều khi lập luận xa với sự thực. Tuy có lợi trong một giai đoạn nào đó, nhưng biến sử không còn là “tín sử”; hậu quả người đọc không còn tin vào sử, học sinh trở nên lạnh nhạt với khoa sử; đó là một trong những nguyên nhân chính khiến người mình không còn yêu thích sử.

Căn bệnh đáng lo nêu trên cần phải chữa; một trong những phương thuốc hiệu nghiệm có thể rút ra từ bài viết về lịch sử dưới đây của học giả Nguyễn Văn Tố:

Sử ta so với sử Tàu

Có người kêu rằng 20 năm nay không thấy ai làm được quyển Nam sử nào dày bằng quyển Việt Nam Sử lược của ông Trần Trọng Kim, hay quyển Histoire Moderne du Pays d’Annam của ông Charles B. Maybon.

Tôi tưởng cái đó không lấy gì làm lạ, vì rằng một quyển sử Nam mà chép được những việc xưa nay chưa ai chép đến, thì phải tìm tòi khó nhọc, góp nhặt, so sánh; mà sách chữ Hán, thì lại chép tản mát ra nhiều chỗ.

Sử học cũng như khoa học, không chủ ý làm sách cho dày, chỉ cốt tìm được nhiều điều mới, xưa nay chưa ai nói đến, hoặc chữa những chữ của người trước chép sai. Nếu kê cứu đâu ra đấy, thì tự khắc có người hội ý lại, để dọn thành sách phổ thông. Lúc bấy giờ mới làm sách dày, mới gọi là tổng hợp, trước kia còn là phân tích.

Sử ta đã đến thời kỳ tổng hợp chưa?

Kể đại cương về các đời vua thì những quyển sử Nam xuất bản từ trước đến giờ, cũng có thể gọi là tạm đủ. Nhưng xét đến sự sinh hoạt của dân chúng, việc tuyển lính, cách thi học trò, việc giao thiệp với các nước láng giềng v.v. thì hãy còn thiếu nhiều lắm. Phải tìm lâu thì may mới thấy, mà sử liệu không những ở văn thư, còn ở các đồ cổ tích nữa.

Tôi vẫn nói với các bạn đồng chí rằng: nếu có nhiều người chịu khó góp sức nhau lại, dịch những bộ sử chữ Nho cho đầy đủ, và nhân đấy khảo cứu thêm vào, mỗi người chuyên trị một khoa hoặc một thời, thì may ra mới chóng tới ngày tổng hợp.

Còn một việc nữa, làm ngay được, mà chưa ai để ý là đem sử chữ Hán của ta đối chiếu với sử Tàu. Tôi định lấy những đoạn chưa ai chép ra quốc ngữ, so sánh xem hai đằng khác nhau thế nào. Việc ấy rất dễ nhưng cũng không khỏi thiếu, song cũng nên làm, thì mới mong sau này bổ cứu dần dần để giúp vào việc tổng hợp. [1]

Qua bài văn nêu trên, học giả Nguyễn Văn Tố chú trọng đến việc sưu tầm sử liệu, phân tích; rồi dùng các dữ kiện từ những nguồn khác nhau, so sánh phối kiểm ngõ hầu thấy được sự thực.

Xét về hiện nay chỉ có sự thực, hoặc “tín sử” mà thôi, mới khiến người mình tin tưởng vào sử Việt; “tín sử” được người xưa ca tụng như sau: quyển sách chép đầy đủ về tín sử lưu truyền lời luận đàm quí giá trong vạn đời [2]

Đi vào thực tế việc làm, thì hiện tại văn hóa giao lưu trên toàn cầu, người Việt mình lại có mặt tại nhiều nước trên thế giới; nhờ phương tiện tin học, điện thoại; những người cùng chí hướng tại hai bên quả địa cầu có thể bàn luận, tham khảo lẫn nhau như ngồi chung trong một nhà. Hơn nữa nước mình có nhiều cơ duyên, đã từng có liên quan lịch sử với các nước lớn trên thế giới như Trung Quốc, Pháp, Nhật, Hoa Kỳ và ngay cả tòa thánh La Mã; tại các nơi này lưu trữ rất nhiều tài liệu quí giá liên quan đến sử Việt. Cái khó về phần sưu tầm không còn như trước nữa; ví dụ như hiện nay tôi đang dịch Minh thực lục, trước mắt đã sưu tầm được khoảng 1.000 văn bản liên quan đến gần 300 năm lịch sử nước ta, ngoài ra ở trên mạng còn có bản tiếng Anh của Asia Research Institute để tham khảo.

Khi tài liệu đã có sẵn rồi, việc kế tiếp là so sánh và phối kiểm. Điều lý thú là có nhiều trường hợp sử nước ta và sử nước ngoài chép chung một việc, nhưng chi tiết có một vài điểm khác; nếu người nghiên cứu sử trưng ra được những sử liệu từ các nguồn, để người đọc tự đánh giá, thì bản thân họ sẽ được củng cố thêm về lòng tin.

Ngoài ra, lời học giả Nguyễn Văn Tố nhắc nhở về việc phân tíchtổng hợp lịch sử khiến người viết liên tưởng đến việc xây đình làng thời xưa. Những người có lòng, khuân đá đến chất tại đất làng, kéo gỗ về ngâm vào ao làng; ngày lại ngày, kẻ của người công, khi tài lực đầy đủ thì ngôi đình được xây dựng. Ngày nay, nếu chúng ta nỗ lực sưu tầm sử liệu, phân tích khách quan, tích tụ được dồi dào, thì việc tổng hợp lại để hoàn thành một bộ sử lớn cả về lượng lẫn phẩm, như những bộ sử của các nước có nền văn hóa cao trên thế giới, ắt phải thấy trong tương lai.

© 2007 talawas



[1]Theo http:// www.viethoc.org/phorum/
[2]“信 史 備 書 流 美 談 於 萬 世/tín sử bị thư lưu mỹ đàm ư vạn thế”. Trung văn đại từ điển, mục “ tín sử”.