trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
27.7.2005
Trịnh Nhật
Dịch thuật bằng máy: Niềm mơ ước còn hoài
 
Qua sự giới thiệu trong mục spectrum của talawas, tôi đã được đọc bài “Dịch thuật: một nghề cho giới trẻ?” trong báo Người Viễn Xứ, số ra ngày 22.7.2005. Bài viết này tập trung việc dịch thuật trong phạm vi văn chương, văn học. Theo tác giả Văn Bảy, dịch thuật văn học là một cái nghề, mà cũng không hẳn là một cái nghề, tùy theo mình nhìn theo góc độ công việc hay góc độ xã hội. Nghề là bởi vì phải “có một thời gian để học nghề, làm nghề và có thu nhập”. Không hẳn là nghề là bởi vì thực sự nó “không giống một cái nghề bình thường”, vì nó có cái gì đó “bí ẩn, xa xôi”, hình như chỉ để dành cho người già, nghĩa là ngoài tầm tay của giới trẻ.

Người thực hiện bài viết muốn làm sáng tỏ vấn đề, muốn cho được rộng đường dư luận, nên ông đã hội ý với 6 dịch giả người Việt nổi tiếng đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh, mà theo như hình ảnh trong báo cho thấy thì các vị này đều là phái nam và đều đã ngoài lục tuần. Sáu vị ấy là: Nguyễn Minh Hoàng, Nguyễn Tôn Nhan, Phạm Viêm Phương, Huỳnh Phan Anh, An Chi, và Cao Xuân Hạo. Chung chung mà nói, các vị này đều khuyên các bạn trẻ nào muốn vào nghề thì phải:
  1. Đam mê dịch thuật như một môn sở thích.
  2. Say mê văn học dân tộc và ngôn ngữ mẹ đẻ.
  3. Hăng say tìm hiểu, học hỏi để tích luỹ kinh nghiệm.
  4. Tạo được sự uyển chuyển, hài hòa giữa ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ ngọn.
  5. Hình dung được tình huống trong ngôn ngữ gốc để chuyển tả chính xác, tự nhiên trong lối nói của ngôn ngữ ngọn.

Dịch thuật ở đây chỉ được hiểu là dịch văn học nước ngoài sang tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt. Tôi không thấy vị nào nói đến vấn đề khó khăn, nếu có, trong việc xin phép bản quyền tác giả có tài sản trí tuệ đã được chọn dịch. Riêng dịch giả Phạm Việt Phương thì cho biết thu nhập hàng tháng cho nghề dịch thuật, chưa đóng thuế lợi tức, có thể được gần 4 triệu đồng VN. Song, không thấy ông nói là phải làm việc bao nhiêu giờ trong một ngày hoặc trong một tháng.

Với kinh nghiệm cá nhân ở Úc, dịch thuật, hay đúng hơn là việc phiên dịch, biên dịch thông tin cộng đồng, với tôi một phần là cái nghề “kiếm cơm”, còn biên dịch văn học, văn chương là một sở thích làm theo tuỳ hứng cho mình, vì mình, chứ không có thù lao. Và hầu hết truyện ngắn tôi dịch là dịch sang tiếng Anh, trong đó phải kể là những truyện ngắn của Nhật Tiến, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… Hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ đóng thành một tuyển tập truyện dịch để đem in, nhưng chắc không phải do lợi ích thương mại bởi vì công lao, chi phí in ấn phải bỏ ra rất nhiều so với khoản tiền thu nhập.

Niềm mơ ước của tôi là dùng máy phụ giúp cho việc dịch thuật. Vì vậy, cách đây khoảng đôi ba năm khi tham gia vào các diễn đàn của người Việt hải ngoại trên các Websites quốc tế, tôi đã được một chị nhà giáo về công nghệ tin học (IT) ở California, Hoa Kỳ, hướng dẫn tôi vào máy dịch Systran. Ðể thử nghiệm, tôi đã cắt và dán (cut & paste) một đoạn khoảng 150 chữ của một bài viết tiếng Anh của tôi, rồi bấm nút để chuyển dịch ra tiếng Pháp thì chỉ khoảng 1 giây là tôi được ngay một đoạn dịch bằng Pháp ngữ. Thật là thú vị!


Dưới đây là thí dụ:

Nguyên bản:
No Pain, No Gain

I don't remember exactly how many times I've visited the Netherlands. I vaguely recollect that it would be at least five times. Three times out of England, once out of the USA and this last time, out of Australia. These visits cover a period of over 20 years. Each time that I went it was to visit friends whom I sorely missed. Visiting people is my main priority, whilst sight-seeing takes second place. This way of travelling costs us less, but gains us more, much like in the early days of being Vietnamese refugees. However, this last time, on my arrival in Amsterdam, apart from seeing friends and sight-seeing, I also had to do something which was to me far more advantageous - that is to attend to my teeth. This trip was about a patient seeking a dental doctor, and looking for a private clinic for a period of two weeks, free of charge. (154 từ)

Bản dịch:
Aucune douleur, aucun gain

Je ne me rappelle pas exactement combien de fois j'ai visité les Hollandes. Je rappelle vaguement qu'il serait au moins cinq temps. Trois fois hors de l'Angleterre, une fois hors des Etats-Unis et de cette dernière fois, hors de l'Australie. Ces visites couvrent une période de sur 20 ans. Chaque fois que cela j'a disparu il devait rendre visite aux amis dont je me suis douloureusement ennuyés. Les personnes visitantes sont ma priorité principale, tout en la visite touristique prend le deuxième endroit. Cette manière du déplacement nous coûte moins, mais nous gagne d’avantage, tout comme en les jours tôt d'être les réfugiés vietnamiens. Cependant, cette dernière fois, sur mon arrivée à Amsterdam, indépendamment de voir des amis et de la visite touristique, j'ai dû également faire quelque chose qui était à moi bien plus avantageux--qu'est s'occuper mes dents. Ce voyage était au sujet d'un patient cherchant un docteur dentaire, et recherchant une clinique privée pendant une période de deux semaines, gratuitement. (164 từ)

Mới đây, tôi lại nhờ máy Systran chuyển dịch một đoạn đầu của bài tôi viết bằng tiếng Anh nhân dịp Năm Ất Dậu, Tết Con Gà như sau:

Nguyên bản:
A Vietnamese Lunar New Year Message

Dear Everyone,

Well, the Year of the Monkey is over and once again it’s time to reminisce about the lives of the family, as we head into the Year of the Rooster… Let us hope that the Year of the Rooster heralds in a brighter future for all of us. Roosters will not try ‘to compete with each other by their louder crow’, as Vietnamese people often say, in order to avoid last year’s world turmoil of the Iraqi War. Also, in the light of the tsunami disaster, let us all look at the bigger picture and see 2005 as a year of understanding and consideration for our fellow man. If the worse comes to the worst, we might like to call 2005 the Year of the Hen, because hens don’t crow or fight their hearts out. (143 từ)

thì được một đọan tiếng Pháp như thế này:

Bản dịch:

Un message lunaire vietnamien de nouvelle année cher chacun, bien, l'année du singe plus d'et de nouveau il est temps de se rappeler au sujet des vies de la famille, car nous nous dirigeons dans l'année du coq... Espérons que l'année des hérauts de coq dans un futur plus lumineux pour tous les nous. Les coqs n'essayeront pas le `pour concurrencer l'un l'autre par leur corneille vietnamienne plus forte', comme les gens disent souvent, afin d'éviter l'agitation du monde de l'année dernière de la guerre irakienne. En outre, à la lumière du désastre de tsunami, laissez-nous tout le regard à l'image plus grande et voyez 2005 comme année d'arrangement et de considération pour notre homme de camarade. Si le plus mauvais vient au plus mauvais, nous pourrions aimer appeler 2005 l'année de la poule, parce que les poules ne rappellent pas ou ne combattent pas leurs coeurs dehors. (150 từ)

Với khả năng tiếng Pháp khiêm tốn của tôi, tôi để ý thấy máy dịch Systran (1) không chịu xuống dòng; (2) không chuyển dịch chữ viết hoa nếu không phải chữ đầu dòng hay sau dấu chấm; (3) khi không tìm đúng chữ tiếng Pháp thì để nguyên chữ tiếng Anh; (4) đa phần là dịch “từ-theo-từ” (word-for-word); (5) thứ tự chữ có khi không được phân minh; (6) gặp thành ngữ thì máy dịch đành bó tay; (7) thiếu tính chất tự nhiên, hài hòa của ngôn ngữ ngọn.

Tôi hiện đang làm cuốn từ điển song ngữ kết-hợp-từ hai chiều Anh-Việt/Việt-Anh (Bilingual, Bi-directional Dictionary of English-Vietnamese Collocations) cho học viên cấp cao Anh-ngữ và cho biên dịch và phiên dịch viên chuyên nghiệp. Chắc nhanh lắm cũng phải mất vài năm nữa. Khi đã có dữ kiện làm cơ sở dữ liệu (database), tôi sẽ nghĩ đến chuyện máy dịch cho tiếng Việt. Vào lúc này đây, trong khi máy dịch Systran đã có rất nhiều thứ tiếng, kể cả những tiếng trong vùng Châu Á như Hoa ngữ, Nhật ngữ, Hàn ngữ là những tiếng có chữ viết rắc rối không kém gì Việt ngữ, mà tiếng Việt thì đến giờ này vẫn không có là không có.

Với máy dịch, chuyện tam sao thất bổn là chuyện khá tự nhiên, nhất là đối với những bản dịch phức tạp, hoặc có tính cách văn chương, văn học. Tôi nghĩ với những bản dịch thông tin thời tiết hoặc khoa học thì không đến nỗi nào, vì việc dịch gần như thẳng thừng (straightforward), có sao ra vậy, nhất là khi hai ngôn ngữ có những cấu trúc, từ vựng gần nhau như Anh với Pháp như trường hợp quốc gia sử dụng song ngữ ở Canada chẳng hạn.

Vấn đề của tôi là tôi muốn biết máy dịch có thể thực hiện trung bình được bao nhiêu phần trăm của một bài dịch thông thường. Đời người quá ngắn ngủi, mà chuyện dịch thuật đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự kiên tâm, bền chí khôn lường. Mới đây tôi được dịch giả Tôn Thất Quỳnh Du, người Úc gốc Việt đang sống tại Canberra, cho biết khi dịch truyện Thiên sứ (The Crystal Messenger) của Phạm Thị Hoài anh đã phải mất 2 năm ròng rã. Nếu máy mà dịch được 70%, còn 30% dành cho người dịch, thì đó là một điều vô cùng thích thú rồi. Người dịch chuyên nghiệp có thể làm 2 việc: (1) sửa chữa nguyên bản trước (pre-editing) và (2) sửa chữa bản dịch sau khi máy đã dịch (post-editing) để phụ giúp cho máy dịch những điều mình có thể tiên liệu và những điều không tiên liệu được. Chúng ta cứ thử nghĩ nếu mình phải dịch 10 cuốn truyện mỗi cuốn 400 trang, mỗi trang 500 chữ (10x400x500 = 2.000.000 chữ) từ Anh sang Việt hay ngược lại, thì mình sẽ được lợi biết là bao nhiêu!

Người nào việc ấy! Như người Anh họ nói “horses for courses” (ngựa thì ra trường đua), Người Việt mình thì bảo: “Chó giữ nhà, mèo bắt chuột”, nên tôi muốn được tham khảo, hội ý với một hay nhiều người rành về công nghệ tin học để được dịp nghiên cứu chung về cái cơ cấu, nguyên tắc của việc dịch bằng máy. Về phần tôi, và với sự cộng tác của một số người cùng chuyên môn sở thích, chúng tôi/ chúng ta sẽ so sánh hai ngôn ngữ Anh-Việt trong vấn đề dịch (về từ pháp và cú pháp) trong đường hướng ngôn ngữ đặc thù của máy vi tính (computer-oriented) để rồi sẽ bảo máy thi hành những chỉ dẫn, mệnh lệnh (instructions/commands) mà mình đặt ra. Không hiểu tại Việt Nam hoặc tại các nước tiên tiến trên thế giới, đã có ủy ban nào hoặc nhóm chuyên viên nào nghiên cứu về vấn đề này chưa. Qua những nguồn tin không mấy chính thức, tôi đã được nghe là có người tại thành phố Hồ Chí Minh đã được học bổng của Mĩ để sang Hoa Kỳ học lấy bằng PhD về dịch bằng máy (machine translation) hoặc mới đây được nghe qua Trường Cao đẳng / Đại học Hoa Sen ở Sài Gòn là có một nhóm tư nhân ở Việt Nam cũng đang mầy mò nghiên cứu về đề tài này. Chuyện thực hư ra sao, tôi chưa có dịp kiểm chứng. Nếu có ai biết thêm gì xin cho tôi biết với! Xin gửi đến quí vị, quí bạn một “tiếng vọng từ đáy vực” và «niềm ước mơ còn hoài».

Chừng nào chuyện dịch bằng máy trở thành hiện thực thì việc dịch thuật nhất định phải là một cái nghề cho giới trẻ, một cái nghề quí hiếm trong tay, mà cho dù có “ruộng bề bề” cũng không bằng. Cổ nhân ta đã chẳng bảo “nhất nghệ tinh nhất thân vinh” đấy sao?

Sydney, Tháng 7, 2005

© 2005 talawas