trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Tôn giáo
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
16.10.2006
Nguyễn Hữu Liêm
Vĩnh biệt Huyền Không Thích Mãn Giác
 
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông
(Huyền Không)

Los Angeles. Tối thứ Sáu, 13/10/2006, hòa thượng Thích Mãn Giác tức nhà thơ Huyền Không đã ra đi vĩnh viễn. Đây là một tang lớn cho Phật tử Việt Nam khắp nơi trên thế giới. Riêng tôi, đây là một hung tin như sự ra đi của một người thân. Thầy Mãn Giác và tôi có một tình thân lâu dài từ lúc Thầy mới đến Mỹ. Tôi cảm nhận được sự mất mát cho mình và cho Phật giáo và dân tộc Việt Nam đối với một cao tăng, một lãnh đạo giáo hội, một thi sĩ, một nhà giáo, một vị cha già nhiều tâm tư và đầy tình cảm.

Khi nghe tin một người thân ra đi về cõi khác, bao giờ nó cũng có tác động như một tiếng chuông thức tỉnh lớn về số phận con người. Và mỗi lần tiếng chuông lẩn khuất, con người vẫn mê ngủ tiếp vào tiếng động bình thường của cuộc sống thế gian. Nhưng tiếng chuông của Huyền Không vẫn còn đó, dư âm lẩn khuất trong đáy tâm hồn của một Phật tử miền Trung. Đây là âm vọng thinh không trong tôi đang tưởng niệm đến một người cha già mang hình ảnh của ông nội, người có tiếng nói, khuôn mặt, và cử chỉ riêng với cá nhân mình, bao giờ cũng ân cần và gần gũi.

Không sao quên được cái thuở “hàn vi” của những năm 1978-79, khi tôi còn đi học ở Texas, viết bài báo đầu tiên về thượng toạ Thích Thiện Minh cho tạp chí Phật giáo Việt Nam do Thầy Mãn Giác chủ trương. Lúc ấy, nhiệt độ chính trị của Việt Nam và cộng đồng người Việt ở Mỹ còn đang sôi sục và nhiều bất ổn. Hận thù và ám ảnh quá khứ đầy nghiệp chướng tràn ngập các trang báo Việt ngữ ở Mỹ. Thượng toạ Thiện Minh vừa mới bị bức tử chết trong tù ở Việt Nam. Thầy Mãn Giác cũng vừa vượt biển đến Mỹ với nhiều thao thức và hy vọng cho Phật giáo đồ. Cả hai vị cao tăng gốc Quảng Trị, người làng bên cạnh Bích Khê và Trung Kiên, như đưa đẩy tôi, gốc làng Bích La, vào một thế đứng hoàn toàn tình cảm địa phương, thuần xúc động cục bộ. Nhưng cuộc đời là thế. Tất cả chính trị đều chỉ chuyện địa phương. Thế là tôi viết báo ca ngợi Thầy Thiện Minh – dù thực ra tôi biết rất ít, nếu không nói là không biết gì về Thầy, chỉ nghe tên mà thôi, cộng với kỷ niệm về những ngày đạp xe đi học, chạy ngang qua trước cổng nhà thầy Thiện Minh xinh đẹp với căn nhà ngói, vườn cau và hàng bông trang đỏ hòa sắc với những cây phượng trước sân. Có những đêm, Thầy Mãn Giác gọi điện thoại cho tôi kể chuyện Quảng Trị nghèo khó, chuyện dòng sông Thạch Hãn có bãi cát vàng và nhiều cá bống, chuyện làng Trung Kiên nhiều người đi tu, chuyện chùa Tỉnh Hội huy hoàng mùa Phật Đản hằng năm, chuyện làng Gian Biều có rừng cây dương liễu, chuyện đại học Vạn Hạnh nhiều thi sĩ, với những triết gia nửa tỉnh, nửa say. Lần đầu tiên khi tôi đến thăm Thầy ở Los Angeles, Thầy ân cần đi bộ đưa tôi ra tận nơi đậu xe buýt ở khách sạn Ambassador. Trước khi chia tay, Thầy rút trong túi áo tràng ra cho tôi ba trăm đô la để tiêu dùng rồi ôm tôi như tiễn đứa cháu nội đi xa.

Nghĩ đến tình cảm như vậy thì tôi lại bị cái nỗi ám ảnh quê nhà chiếm ngự. Khi một thằng con trai nhà quê nhiều nhiệt thành vừa lên tỉnh, chỉ cần một ít chia sẻ ngọt bùi như rứa thì dù hắn có được bảo tự thiêu “cho Đạo pháp và Dân tộc”, hay đấu tranh, xuống đường, hay viết báo đả phá, ca ngợi, tất cả đều là chuyện sẵn sàng và đương nhiên. Thành ra phần lớn đều do tình cảm duyên nghiệp đẩy đưa. Nhìn lại quá khứ chia phe, chia phái mà giết nhau, oán thù nhau của dân tộc Việt Nam trong vòng gần trăm năm qua, nhiều lúc tôi thấy rằng hầu hết những chàng trai lớn lên trong làng, theo du kích Việt cộng hay đi lính Cộng hoà, đều tuỳ theo ai thức mình dậy vào buổi sáng để cho mình một củ khoai và rủ rê theo “lý tưởng” rất gần để mà nhân danh chuyện rất xa. Chuyện tôn giáo cũng rứa mà thôi. Nếu tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công giáo thì tôi cũng cực đoan, chân thành, chỉ có biết đến các ngôn ngữ và biểu tượng của tôn giáo gia đình mình. Quá khứ và định mệnh cá nhân theo đuổi những bước chân cuộc đời. Tình cảm của tôi với Thầy Mãn Giác cũng thế, dù là cả mười năm nay, không có liên lạc nhiều với Thầy, nhưng khi nghe tin Thầy ra đi, bao nhiêu tình cảm, hình ảnh liên tưởng lại trở về.

Chết là một biến cố chuyển tiếp, một bí ẩn lớn – và đối với một nhà tu hành cao tăng, cái chết là một nấc thang tiến hóa mới vào một cõi sống cao hơn, thanh thản hơn cho một bài học khác trên một bình diện cần thiết cho cơ trình tiến hóa của tâm thức. Cuộc đời tự nó cũng là một bí ẩn, như một đợt sóng vươn cao giữa đại dương rồi lại đổ xuống lại mặt nước cũ, rồi lại vươn lên. Cái chết như là sự xóa đi cái bí ẩn hiển nhiên của cuộc đời để năng lực ái dục tiền kiếp quyết định cho bản sắc sự sống hiện tại, và cứ thế tiếp tục. Chúng ta chỉ như những bọt sóng vô bờ, cứ vươn lên rồi đổ xuống liên tục bất tận, từ kiếp này sang kiếp khác, không ngừng nghỉ. Vì thế, con người thông tuệ và khôn ngoan là các nhà tu - vì họ hiểu được cái bí ẩn hiển nhiên của sự sống và cái chết.

Khi một vị cao tăng qua đời, cái chết là một biến cố huy hoàng, khi mà cứu cánh của sự sống đã hoàn tất theo một quy trình hợp lý và trên một cường độ cao thượng. Thầy Mãn Giác ra đi trong đỉnh cao của ngọn sống sinh hiện đó. Thầy đã làm xong sứ mệnh trần gian kiếp này: của một con người trọn đời theo lý tưởng tôn giáo, một nhà tu từ xứ Quảng Trị, một nhà thơ quê hương, một nhà tranh đấu cho dân tộc, một nhà giáo, một triết gia, một sa môn sang Mỹ giảng truyền Phật pháp.

Trong nỗi lòng chia tay với Thầy, tôi xin được đọc nơi đây câu kinh quá vãng:

Nguyện tận hư không biến pháp giới, quá hiện vị lai chư Phật, tôn pháp hiền thánh tăng, thường trú Tam Bảo, tiếp độ hương linh, vãng sanh Cực lạc quốc.

Vĩnh biệt Thầy. Và xin hẹn lần khác.

© 2006 talawas