trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Tôn giáo
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
11.4.2007
Trần Hữu Thuần
Thượng đế của Thiên chúa giáo (Bài 2)
 
Sau khi viết bài góp ý với tác giả Nguyễn Hữu Liêm về Thượng đế của Thiên chúa giáo (Xin xem: "Thượng đế của Thiên chúa giáo: Góp ý về bài viết 'Tính Không và Thượng đế: Từ thoái trào Phật giáo đến cao trào Tin Lành ở Việt Nam’ của Nguyễn Hữu Liêm", talawas 8-2-2007), tôi nghĩ nên viết thêm một bài khác để nói thêm về vấn đề này trong khả năng hữu hạn của tôi cho phép. Cũng xin minh xác những gì tôi viết không phải là diễn giải thần học mà chỉ là một vài tìm tòi khảo cứu và cũng không phải để chứng minh có Thượng đế hay không. Bài viết chỉ trình bày về Thượng đế của các tôn giáo gọi chung là Thiên chúa giáo (Do Thái, Kitô và Hồi giáo - Judaism, Christianity và Islam), giới hạn trong phạm vi năm quyển sách đầu tiên của Cựu ước (Old Testament), được gọi là Tô-ra (Torah). Nếu có đề cập đến Tân ước (New Testament), nghĩa là đến Kitô giáo, thì tôi cũng chỉ lược qua.

Như đã nêu trong bài trước, Thượng đế của Thiên chúa giáo không thể hiểu được qua lý luận của tri thức và ngôn từ. Do đó, bài trình bày sau đây chỉ mang tính chất khái niệm và cần nhiều phê bình của các bậc thức giả để bổ túc vào kiến thức hạn hẹp của bản thân tôi. Xin thâm tạ.

Kinh Thánh trong bài này được trích dẫn từ The Holy Bible bản King James Version của nhà xuất bản Christian Heritage, South Carolina, 1988, in lần thứ tư nếu là Anh ngữ, và từ Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu ước và Tân ước của Trần Phúc Nhân và nhiều dịch giả, nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999 nếu là Việt ngữ.


1. Thiên chúa giáo là gì?

Thiên chúa giáo là tôn giáo độc thần (monotheism), tôn thờ một vị Thượng đế duy nhất. Ba tôn giáo cùng chung quan niệm này là Do Thái (Judaism), Kitô (Chirstianity) và Hồi giáo (Islam). Vị Thượng đế này theo tiếng La Tinh là Deus, Tây Ban Nha là Dios, Pháp là Dieu, và Anh là God. Tất cả các từ này đều viết hoa để phân biệt với cách viết thường không mang ý nghĩa Thượng đế tối cao. Việt ngữ phân biệt Thượng đế và thần. Kitô giáo gọi Thượng đế là Thiên chúa hay Chúa Trời, Hồi giáo gọi là Allah.

Hoàng Tâm Xuyên và tập thể tác giả trong tác phẩm Mười tôn giáo lớn trên thế giới do Dương Thu Ái và Phùng thị Huệ dịch từ Hán ngữ viết: “Đạo Do Thái và Đạo Cơ-đốc (tức đạo Kitô [1] ) thờ một thần đã sớm truyền vào bán đảo Ả rập [2] .” Nhận xét về Hồi giáo, Huston Smith viết như sau trong The Illustrated World’s Religions: “With a few striking exceptions…., the basic theological concepts of Islam are virtually identical with those of Judaism and Christianity, its forerunners [3] ” (Với một ít khác biệt đáng lưu ý…, quan niệm thần học cơ bản của Hồi giáo là hết sức tương đồng với quan niệm của Do Thái và Kitô giáo, các tôn giáo đi trước).

Ba tôn giáo trên đều tôn thờ một Thượng đế duy nhất, một thực thể nhưng không bao giờ là một con người bằng xương bằng thịt.


2. Thượng đế là một thực thể

Thượng đế của Thiên chúa giáo là một thực thể chứ không phải là một ý niệm, một tri thức, hay một thể tính. Nói được như vậy là dựa vào những gì đã viết trong Cựu ước về Thượng đế.

(1) Thượng đế tạo dựng con người nam nữ theo hình ảnh Người:

Sách Sáng thế (Genesis), quyển thứ nhất trong bộ Kinh Thánh, chương 1, 26-27 viết: “Thiên chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta…. Thiên chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình. Thiên chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên chúa, Thiên chúa sáng tạo con người có nam có nữ”” (And God said, Let us make man in our image, after our likeness. So God created man in his own image, in the image of God created he him; male and female created he them).

Chúng ta cần chú ý đến hai điểm trong đoạn văn này. Thứ nhất, bản dịch Việt ngữ cũng như Anh ngữ dùng lẫn lộn số nhiều và số ít (chúng ta và mình - our và his) để nói về Thượng đế. Vậy, Thượng đế có thể “số nhiều” và cũng có thể “số ít”. Thượng đế nói về mình như số nhiều; con người hiểu Thượng đế như số ít. Tuy Thượng đế nói về mình như số nhiều, nhưng khi tự xác nhận thì lại ở số ít (Ta là - I am. Xin xem phần kế tiếp: Thượng đế trực tiếp nói với dân Israel). Trong thời điểm này Kinh Thánh chưa có khái niệm về “một Thượng đế - ba ngôi vị” như giáo lý sau này của đức Giêsu Kitô, vị sáng lập Kitô giáo.

Thứ hai, Thượng đế đã tạo dựng con người “theo hình ảnh”, “giống như” Người. Nói ngược lại con người mang hình ảnh của Thượng đế, hay “trông” giống như Thượng đế. Thượng đế tạo dựng con người cả nam lẫn nữ, do đó người nam hay người nữ đều “trông giống” như Thượng đế. Thượng đế tạo dựng con người theo hình ảnh Người nhưng Người không phải là một con người. Thượng đế cũng không thể là nam hay nữ vì cả người nam và người nữ đều theo hình ảnh Người, giống như Người mà Người chỉ có một, nên không thể có một Thượng đế nam và một nữ như Ngọc hoàng của thần thoại Trung Hoa, Hy lạp, hay La-mã.

(2) Thượng đế trực tiếp nói với dân Israel:

Bàng bạc trong Cựu ước, nhiều đoạn cho thấy Thượng đế luôn lên tiếng hướng dẫn, giáo huấn, sửa đổi mọi việc lớn việc nhỏ suốt quá trình lịch sử của dân tộc Israel thời đó. Trong sách Sáng Thế (Genesis) chương 3, 8-9, Adam sau khi vi phạm điều Thượng đế ngăn cấm đã “nghe” tiếng Thượng đế gọi và hỏi “Ngươi ở đâu?” (Where art thou?). Thượng đế tự xác nhận Người là ai nhiều lần trong tường thuật Sáng thế, Xuất hành vân vân. Sáng thế (Genesis) chương 26, 24 mô tả Isaac nghe tiếng Thượng đế xác nhận “Ta là Thiên chúa của Áp-ra-ham cha ngươi” (I am the God of Abraham thy father); trong chương 31, 13, Thượng đế xác nhận với Jacob “Ta là Thiên chúa, Đấng đã hiện ra với ngươi ở Bết-Ên, nơi ngươi đã xức dầu một trụ đá” (I am the God of Bethel, where thou anointedst the pillar); trong chương 35, 11 Thượng đế xác nhận với Jacob “Ta là Thiên chúa toàn năng” (I am God Almighty). Tương tự, Moses nghe tiếng Thượng đế nói từ bụi gai đang cháy nhưng không bị thiêu hủy (Xuất hành - Exodus 3,2) và nghe Người tự xác nhận là “Thiên chúa của cha ngươi, Thiên chúa của Áp-ra-ham, Thiên chúa của I-xa-ac, và Thiên chúa của Gia-cóp” (I am the God of thy father, the God of Abraham, the God of Isaac, and the God of Jacob) (Xuất hành - Exodus 3,6). Đặc biệt, Xuất hành (Exodus) chương 33, 9-11 mô tả Thượng đế xuất hiện như một cột mây ở cửa lều gọi là Lều Hội Ngộ (the meeting tent) và đàm luận với Moses như sau: “Mỗi khi ông Mô-se vào trong lều, thì cột mây đáp xuống đứng ở cửa lều…Đức Chúa đàm đạo với ông Mô-sê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau” (Moses entered the tabernacle, the cloudy pillar descended, and stood at the door of the tabernacle, and the Lord talked with Moses…The Lord used to speak to Moses face to face as a man speaks to another).

(3) Thượng đế xưng danh tánh của Người:

Từ Thượng đế hay Thiên chúa của Việt ngữ ít bị hiểu lầm hơn từ God của Anh ngữ khi chuyển dịch ý nghĩa về một vị chúa tể vũ trụ. Anh ngữ sử dụng từ God viết hoa luôn luôn số ít để chỉ Thượng đế và god viết thường số ít hay nhiều chỉ để một hay nhiều vị thần thánh khác. Hồi giáo gọi Thượng đế là Allah. Nhưng dù là Thượng đế, God hay Allah, tất cả đều không phải là tên gọi của Thượng đế mà là tên con người dùng để gọi Thượng đế. Thượng đế chỉ một lần duy nhất nói rõ tên mình khi Moses hỏi Người trong sách Xuất hành (Exodus) chương 3, 13-14.

Dân Israel bị Ai-cập bắt làm nô lệ. Pharaon (từ đặc biệt dùng để chỉ vua trong ngôn ngữ Ai-cập) của Ai-cập ra lệnh giết hết trẻ trai Israel vì sợ sau này khi các trẻ đó lớn lên sẽ chống lại với Ai-cập. Hy vọng cứu con mình, cha mẹ Moses đã bỏ Moses vừa được vài tháng tuổi vào một cái thúng và thả trôi sông. May mắn, Moses được một công nương Ai-cập cứu và nuôi dạy. Thực ra, tên gọi Moses không do cha mẹ của ông mà do vị công nương đã cưu mang ông đặt cho. Khi Moses khôn lớn, Thượng đế bảo Moses đến với dân Israel để đem dân này ra khỏi cảnh nô lệ lầm than.

Để có thể minh chứng cho dân Israel biết chính mình là người được Thượng đế tuyển chọn, Moses phải hỏi cho biết tên của Thượng đế, một tên gọi chưa bao giờ được tỏ bày. “Thiên chúa phán với ông Mô-sê: ‘Ta là Đấng Hiện Hữu’ [4] . Người phán: ’Ngươi nói với con cái It-ra-en thế này: Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em’ (And God said unto Moses, I AM THAT I AM, and he said, Thus shalt thou say unto children of Israel, I AM hath sent me unto you)” (Xuất hành - Exodus 3, 14).

Theo Wikipedia [5] , tên mà Thượng đế trả lời Moses theo nguyên tiếng Hebrew - ngôn ngữ của người Israel - được đọc là “Ehsey asher eyeh”, dịch sát nghĩa là “I-shall-be that I-shall-be” (Ta-sẽ-là Đấng Ta-sẽ-là). “Đó là quan niệm của người Israel về một Thượng đế độc nhất hiện hữu bên trong mọi người, từng người, và tự mình, Đấng Tạo hoá không phải được tạo thành, không phụ thuộc vào bất cứ điều gì và bất cứ ai….” (It stems from the Hebrew conception of monotheism that God exits within each and everyone and by himself, the uncreated Creator who does not depend on anything or anyone...) [6]

Tên gọi huyền bí này được người Israel ký âm là YHWH, không thể phát âm được vì không có nguyên âm. Để thuận tiện, người ta theo cách phát âm các phụ âm này của ngôn ngữ Hebrew (Yodh-Heh-Vav-Heh [7] theo Wikipedia hoặc Yeh-Huh-Wah-Huh theo vài tài liệu khác) để đọc thành Yaweh hoặc Yehovah (Gia-vê, Giê-hô-va). Sheik Ahmed Deedat cho rằng cũng từ cụm từ YHWH này mà Hồi giáo gọi Thượng đế là Allah. [8]

(4) Thượng đế là một thực thể:

Như vậy, Thượng đế của Thiên chúa giáo là một thực thể chứ không phải là một quan niệm hay một thể tính vì:

  • Con người mang hình ảnh của Thượng đế
  • Thượng đế đã trực tiếp lãnh đạo dân Israel
  • Thượng đế đã xưng danh tánh của mình.

Sách Giáo lý Công giáo [9] (Catechism of the Catholic Church) từ số 203 đến 213 xác quyết về tính hiện thực này của Thượng đế:

Số 203: “Thiên chúa đã tỏ mình ra cho dân Israel của Ngài [10] và cho biết tên của Ngài. Tên nói lên bản chất, sự nhận diện của con người, và ý nghĩa cuộc sống của con người đó. Thiên chúa có một tên gọi, Ngài không phải là sức mạnh vô danh. [11] ” (God revealed himself to his people by making his name known to them. A name expresses a person’s essence and identity and the meaning of this person’s life. God has a name; he is not an anonymous force [12] ).

Số 206: “Tên gọi này của Thiên chúa cũng huyền nhiệm như bản thân Thiên chúa: đó vừa là tên gọi mà Chúa bày tỏ cho ta, vừa là một sự từ chối không cho biết tên Ngài. Nhân đó tên gọi này diễn tả Thiên chúa một cách tốt nhất, vì bản thân Ngài vượt xa vô cùng tất cả những gì chúng ta có thể hiểu biết hoặc nói lên... [13] ” (This divine name is mysterious just as God is mystery. It is at once a name revealed and something like the refusal of a name, and hence it better expresses God as what he is - infinitely above everything that we can understand or say…)

3. Thượng đế không phải là một con người bằng xương bằng thịt.

Con người là hình ảnh của Thượng đế nhưng Thượng đế không phải là con người bằng xương bằng thịt.

(1) Quan niệm của Do Thái giáo:

Do Thái giáo quan niệm Thượng đế là một thực thể “vô hình vô tượng” và duy nhất. Một trong mười giới răn cơ bản của Do Thái và Kitô giáo là “không được tạc hình tượng để thờ” (Thou shalt not make unto thee any graven image…) (Xuất hành - Exodus 20, 4). Cựu ước tường thuật bao nhiêu người nghe tiếng Thượng đế đàm luận hoặc chỉ bảo, thấy Thượng đế xuất hiện dưới hình thức này hình thức khác (đám lửa, cột mây …) nhưng chưa ai một lần nào thấy hình dạng Thượng đế. Ngôn từ tay chân hay mặt mũi của Thượng đế nếu được viết trong Kinh Thánh chỉ có tính cách tượng trưng (symbolic) diễn tả theo cách nói của con người cho con người có thể hiểu được.

(2) Quan niệm của Kitô giáo:

Kitô giáo vẫn giữ quan niệm “vô hình vô tượng” và duy nhất của Thượng đế. Đức Giêsu dạy thêm rằng Thượng đế gồm ba ngôi vị khác nhau nhưng chỉ cũng vẫn là một (Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần (tôi viết nghiêng) – Go ye therefore, and teach all nations, baptizing them ib the name of the Father, and of the Son, and of the Holy Ghost. Mat-thêu -Matthew 28,19) [14] . Đây là một quan niệm thần học mà tôi không thể dẫn giải trong nội dung giới hạn của bài viết này. Trong ba ngôi vị, ngôi vị thứ hai được nhập thể thành một con người là Đức Giêsu Kitô, và ngôi vị thứ ba được biểu hiện tượng trưng dưới dạng con chim bồ câu hay ngọn lửa. Ngôi vị thứ nhất chưa bao giờ xuất hiện dưới một dạng thức nào và con người chỉ nhận biết được Người qua tiếng Người nói mà thôi. “…thì các tầng trời mở ra, Người thấy Thần Khí Thiên chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (…and lo, the heavens were opened unto him, and he saw the Spirit of God descending like a dove, and lightning upon him: And lo a voice from heaven, saying, This is my beloved Son, in whom I am well pleased) (Mat-thêu - Matthew 3, 16-17).

(3) Quan niệm của Hồi giáo:

Hồi giáo vẫn tôn thờ vị Thượng đế chung của Do Thái và Kitô giáo, và vẫn quan niệm Người là duy nhất. “Thế này: Người là Allah; Người là duy nhất” (Say: He is Allah; He is one) (Kinh Thánh Cô-ran - Holy Qur’an 112:1) [15] . “All the Muslims agree that Allah is one” (Tất cả tín hữu Hồi giáo đồng ý rằng Allah (Thượng đế) là duy nhất) (A Shi’ite Encyclopedia, Version 2.0 October 1995, Revised January 2001) [16] . Tất cả đều tin Thượng đế không có thân xác xương thịt, ít nữa là thân xác như của con người, với ít nhiều khác biệt giữa phái Sunni và Shi’ite. Tài liệu “A Shi’ite Encyclopedia” viết “Some Sunni scholars hold beliefs which could imply that Allah has body, but not like the bodies that we know, of course (tôi viết nghiêng) [17] ” (Một vài học giả Sunni tin tưởng một cách có thể ngầm hiểu rằng Allah có thân xác, dĩ nhiên là không phải thứ thân xác chúng ta biết). Trong khi đó, phái Shia tin tưởng tuyệt đối Thượng đế không có hình tượng. Shaykh Saduq, học giả lừng danh nhất của môn phái Shia nói: “Verily, Allah is One, Unique, nothing is like Him… He cannot be described in terms of substance, nor body, nor form…, nor heaviness, nor lightness, nor color, nor movement, nor rest, nor time, nor space [18] ” (Đúng vậy, Allah là Duy Nhất, Tuyệt Đối, không có gì giống Người… Người không thể diễn tả bằng ngôn từ cụ thể, không thân xác, không hình dạng…, không nặng, không nhẹ, không màu sắc, không vận động, không yên nghỉ, không thời gian, không không gian).

4. Kết luận

Như vậy, cả ba tôn giáo gộp chung gọi là Thiên chúa giáo đều tôn thờ một vị Thượng đế duy nhất, vì vậy được gọi là tôn giáo độc thần (monotheism). Vị Thượng đế này là một thực thể, không phải là một quan niệm hay thể tính. Vị Thượng đế này vô hình vô tượng, không phải là một con người bằng xương bằng thịt như con người chúng ta. Vị Thượng đế này còn là một vị để tôn thờ chứ không phải để bắt chước, để noi theo như chúng ta bắt chước noi theo gương các thánh nhân anh hùng liệt nữ. Những ai tôn thờ vị Thượng đế này phải tuân hành các giới luật do chính Người đã truyền đạt để có thể có được sự cứu độ khi đã lìa bỏ cuộc đời này như đã ghi trong sách Xuất hành “Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời” (And shewing mercy unto thousands of them that love me, and keep my commandments) (Xuất hành - Exodus 20, 6).

© 2007 talawas


[1]Người viết chú thích.
[2]Hoàng Tâm Xuyên, “Mười tôn giáo lớn trên thế giới”, Dương Thu Ái và Phùng thị Huệ dịch từ Trung Hoa ngữ, NXB Chính trị Quốc Gia, 1999, tr. 741
[3]Huston Smith, “The Illustrated World’s Religions”, Herper San Francisco, 1995, tr. 157
[4]Bản Việt ngữ trong phần chú thích cho biết dịch sát nghĩa là “Ta là Ðấùng mà Ta là.” Sách Giáo lý Công giáo, NXB Thời Ðiểm dịch là “Ta là Ðấng Hiện hữu”, hoặc “Ta là Ta nay” (tr. 101)
[5]http://en.wikipedia.org/wiki/I_am_that_I_am
[6]“I am that I am”, Wikipedia, http://en.wikipedia.org/wiki/I_am_that_I_am
[7]http://en.wikipedia.org/wiki/Tetragrammation
[8]“What his name? Chapter four: Allah in the Bible” (Tên người là gi? Chương bốn: Allah trong Kinh Thánh), Sheik Ahmed Deedat, http://jamaat.net/name/name4.html
[9]“Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo”, tập một, NXB Thời Ðiểm, California, Hoa kỳ, 1995
[10]Theo thiển ý, dùng từ “Người” (ngôi thứ ba - third person) chính xác hơn là “Ngài” (ngôi thứ hai - second person)
[11]Xem chú thích 9, tr. 100.
[12]Anh ngữ số 203 và 206 trích lại từ Wikipedia, http://en.wikipedia.org/wiki/I_am_that_I_am
[13]Xem chú thích 9, tr. 101.
[14]Bản “New American Bible” (Dove of Peace—Catholic Edition) Good Will Publishers Inc, 1991 dịch: “Go, therefore, and make disciples of all nations, baptizing them in the name of the Father, and of the Son, and of the holy Spirit.”
[15]Xem chú thích 3
[16]http://www.al-islam.org/encyclopedia
[17]Xem chú thích 7
[18]Xem chú thích 7