trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Tôn giáo
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
16.5.2007
Trần Tiên Long
Thẩm quyền của khoa học và tôn giáo
 
Người ta thường lập luận rằng, vì Thượng đế thuộc về lĩnh vực tôn giáo nên lý trí không nên dự phần; khi bàn về Thượng đế, các nhà khoa học nên nhường chỗ cho các nhà thần học. Thượng đế không thể được hiểu qua lý luận của tri thức và ngôn từ. Nhà khoa học phải trả lời câu hỏi “thế nào” (how), còn nhà thần học phải trả lời câu hỏi “tại sao” (why). Vậy vấn đề Thượng đế có phải là vấn đề hoàn toàn thuộc tôn giáo mà các nhà khoa học không có đủ kiến thức chuyên môn để bàn hay không? Viện vào lý do nào để xác định rằng các nhà thần học có thẩm quyền hơn các nhà khoa học? Phải chăng có những vấn đề tuyệt đối nằm ngoài khả năng của lý trí? Nếu có, vậy nhà thần học có khả năng đặc biệt gì hơn nhà khoa học?

Bản chất của khoa học và thần học

Tất cả các bộ môn khoa học khác với thần học chính yếu ở phương pháp nghiên cứu. Phương pháp của khoa học thường theo tiến trình bốn giai đoạn sau:
  1. Quan sát và trình bày biến cố hoặc một chuỗi những biến cố.

  2. Thành lập giả thuyết để giải thích biến cố.

  3. Dùng giả thuyết để tiên đoán biến cố sẽ xảy ra.

  4. Thực hiện các thí nghiệm độc lập để xem những tiên đoán có đúng hay không.
Tiến trình bốn giai đoạn trên dĩ nhiên không nhất thiết phải theo tuần tự như vậy. Điều quan trọng nhất là giả thuyết phải được thực chứng trong thực tế. Nếu thực tế xảy ra không như lý thuyết dự đoán thì lý thuyết sẽ được sửa đổi dần, hoặc đào thải hoàn toàn để tiến đến những lý thuyết đúng đắn hơn. Như vậy, những kiến thức do khoa học mang lại có tính cách tích lũy và tiệm tiến, và tất cả đều hoàn toàn dựa trên lý trí. Nhà khoa học chấp nhận mọi kết quả đạt được cho dù chúng không được như họ kỳ vọng. Khoa học khuyến khích mọi phê phán tự do từ mọi phía, bất kể có thuộc thành phần chuyên môn hay không.

Ngược lại, phương pháp của thần học thì dựa trên sự mạc khải và Thánh kinh. Mạc khải (revelation) là cảm nhận tri thức qua trung gian một quyền lực siêu nhiên nhưng không có bằng chứng nào xác thực. Như vậy, sự mạc khải là một thứ trực giác, một nhận thức trực tiếp nên không qua trung gian của lý trí. Chân lý đạt được do mạc khải luôn luôn được giải thích hoàn toàn chủ quan nên không thể kiểm chứng mức độ trung thực. Còn quyền lực siêu nhiên thì lại được nhiều người hiểu khác nhau. Trong các tôn giáo, người ta tin mạc khải là do Thượng đế tác động. Ở những lĩnh vực khác ngoài tôn giáo, người ta gọi mạc khải là trực giác hay năng khiếu đặc biệt. Thuật phong thủy, chiêm tinh, xem chỉ tay, bói toán, bói bài hay bói kiều cũng do trực giác hay mạc khải mà có; ở đó, chỉ có ông thầy bói mới đọc được ý nghĩa những gì được nhìn thấy. Vì thần học chỉ dựa trên trực giác hay mạc khải mà không hề có dự phần của lý trí nên về bản chất, thần học không khác gì với các môn bói nêu trên. Như vậy, thần học không thể được liệt kê là một trong các bộ môn khoa học nhân văn hay xã hội. Những điều thần học mang lại thường hay nghịch lý nên chỉ có thể chấp nhận bằng đức tin. Giáo sư Trần Chung Ngọc, trong bài Nhận diện một số trí thức Công giáo qua cuốn Hai ngàn năm một thuở, chứng từ của một số người Công giáo’, đã có giải thích rõ ràng hơn về thần học:

“Trong Kitô giáo nói chung, Ca-tô giáo La Mã nói riêng, thần học là một môn học đặc thù thâu tóm một cách có hệ thống những suy tư, diễn giải về đức tin Thiên chúa (Faith in God) và những uẩn hàm (implications) của đức tin này. Những nhà thần học Kitô giáo, thường là ở Âu châu, được huấn luyện để luận về những chủ đề đặc thù Kitô như sự hiện hữu của Thiên chúa, thuyết Sáng tạo, vai trò cứu chuộc và cứu rỗi của Giê-su, quan niệm về Chúa Ba Ngôi, vai trò của giáo hội, ân huệ của Thiên chúa, những "bí tích", tín lý v.v… Theo truyền thống độc tài toàn trị của giáo hội Ca-tô, bất cứ một sự diễn giải thần học nào mà không phù hợp 100% với sự diễn giải của Vatican đều vô giá trị, bị cấm phổ biến, và tác giả của sự diễn giải ngược dòng đó bị coi như là "rối đạo" và họ sẽ phải chịu những biện pháp khủng bố tinh thần như cấm làm lễ, cấm giảng đạo, cấm dạy học, cấm viết sách v.v… của Vatican để kéo họ trở lại "chánh đạo" của Vatican.” [1]

Kết quả của thần học là chúng ta có một Thượng đế được xem như một thực thể nhưng lại có quá nhiều thuộc tính mâu thuẫn, mỗi người hiểu mỗi cách khác nhau. Có 100 nhà thần học thì có 100 định nghĩa khác nhau về Thượng đế. Bởi vì mạc khải hay trực giác là những cảm nhận cá nhân, riêng tư, nên chỉ có giá trị đối với những người trong cuộc. Đối với những người ngoài cuộc như chúng ta, đó chỉ là những câu chuyện nghe kể lại không có bằng chứng nên không thể có tính ép buộc. Hiểu được bản chất khác biệt giữa thần học và các bộ môn khoa học thì sẽ định được mức thang giá trị của những chân lý do tôn giáo mang lại.


Có phải Thượng đế bất khả tri?

Ở những thế kỷ trước, trường phái Bất khả tri (Agnosticism) rất thịnh hành. Khi chưa có đủ bằng chứng để khẳng định Thượng đế hiện hữu hay không, người ta thường dè dặt gọi mình là người không tin (agnostic). Họ lập luận rằng, vì không có đủ bằng chứng để chứng minh Thượng đế hiện hữu nên họ không tin có Thượng đế; cũng như họ không tin không có Thượng đế vì không có đủ bằng chứng để chứng minh rằng Thượng đế không hiện hữu. Một khi bên nào có bằng chứng rõ ràng hơn, họ sẽ tin bên đó. Richard Dawkins gọi những người này thuộc “trường phái Bất khả tri tạm thời trên nguyên tắc” (Temporary Agnoticism in Principle, còn gọi tắt là TAP).

Một số triết gia còn cực đoan hơn khi khẳng định chắc chắn rằng vấn đề Thượng đế là vấn đề tuyệt đối nằm ngoài khả năng của lý trí. Con người với trí tuệ hữu hạn không thể nắm bắt vấn đề Thượng đế. Richard Dawkins gọi họ thuộc “trường phái Bất khả tri Thường trực trên Nguyên tắc” (Permanent Agnoticism in Principle, còn gọi tắt là PAP). Blaise Pascal, Immanuel Kant, David Hume và T.H. Huxley là những người thuộc nhóm PAP này.

Đúng hơn, trường phái Bất khả tri không nhận thấy sự khác biệt giữa một chứng minh khẳng định với một chứng minh phủ định để đặt vấn đề gánh nặng trưng bằng chứng (burden of proof). Ở đây, gánh nặng trưng bằng chứng không nên được chia sẻ đồng đều cho cả hai bên. Bình thường, khi chưa có bằng chứng về một điều gì thì ta lập tức không tin có điều đó mà chẳng cần phải đòi hỏi có một chứng minh phủ định. Một chứng minh phủ định bao giờ cũng khó khăn, nếu không muốn nói là vô phương, hơn một chứng minh khẳng định. Trong luật học, khi chưa có bằng chứng để chứng minh tội phạm thì người bị buộc tội vẫn được xem như người vô tội, và hắn không cần phải chứng minh rằng mình vô tội mà vẫn được tha. Đặt gánh nặng trưng bằng chứng không đúng bên là phép ngụy biện đưa đến một kết luận sai lầm (fallacy).

Bàn về phép ngụy biện đòi hỏi bằng chứng phủ định của trường phái Bất khả tri, Bertrand Russell đưa ra một thí dụ về sự hiện hữu của một ấm pha trà trong không gian, nằm giữa trái đất và hành tinh Mars, và có quỹ đạo bay xung quanh mặt trời. Ấm pha trà này quá nhỏ nên bất cứ viễn vọng kính nào cũng không nhìn thấy. Dĩ nhiên, bạn không thể chứng minh không có ấm pha trà, cũng như bạn không thể chứng minh không có Thượng đế. Điều đó có nghĩa rằng nếu một chứng minh phủ định không thể thành lập thì sẽ dễ dàng đi đến một kết luận sai lầm, rằng có một ấm pha trà như vậy trong không gian, cũng như có một Thượng đế ở đâu đó. [2]

Còn nữa, lập luận của trường phái Bất khả tri, dù là TAP hay PAP, đã quá dễ dãi bỏ qua tính xác suất (probability) của các chân lý khoa học. Chân lý do khoa học mang lại không bao giờ có ý nghĩa tuyệt đối. Mọi xác định của khoa học luôn luôn có tính xác suất, không có điều gì có thể khẳng định là chắc chắn trăm phần trăm (certainty). Bỏ qua vấn đề gánh nặng trưng bằng chứng như vừa bàn ở phần trên, trường phái Bất khả tri vẫn bị đánh đổ khi các bộ môn khoa học, chẳng hạn như Sinh vật học (Biology), Vật lý học (Physics) hay Vũ trụ học (Cosmology), đã xác định sự hiện hữu của Thượng đế có một xác suất không thể xảy ra (improbable). [3] Richard Dawkins, một giáo sư Sinh vật học, khẳng định Thượng đế “hầu như chắc chắn không thể có” (almost certainly improbable). Nếu phải căn cứ trên bằng chứng, các bằng chứng của trường phái Vô thần (Atheism) đưa ra thì đầy dẫy và rõ ràng thuyết phục hơn các bằng chứng của trường phái Hữu thần (Theism). Cho đến ngày nay, các bằng chứng của trường phái Hữu thần chỉ là một con số không to tướng, nếu hiểu bằng chứng là những thứ gì có thể đo đếm và kiểm chứng được. Trường phái Bất khả tri cố ý không nhìn thấy cán cân chênh lệch về bằng chứng giữa hai bên bởi vì họ đòi hỏi một sự tuyệt đối thay vì tương đối như trong tính xác suất của các chân lý khoa học. Như vậy, điều quan trọng không phải là có thể hay không thể chứng minh, nhưng là có thể hay không thể xảy ra bằng một xác suất nào đó.

Các triết gia ở những thế kỷ trước thường tự nhận mình là những người không tin, thuộc trường phái Bất khả tri, là điều rất dễ hiểu, vì đó là thời đại mà ảnh hưởng của các tòa án Dị giáo (Inquisition) chưa hoàn toàn biến mất, các luồng tư tưởng Khai sáng (Enlightenment) chưa kịp bám rễ sâu, và tính đúng đắn của thuyết Tiến hóa của Charles Darwin cũng chưa được xác nhận. Từ “vô thần” (atheist) đã một thời được đồng nghĩa với từ “vô luân lý” hay “vô đạo đức” bởi vì người ta đã lầm lẫn khi cho rằng luân lý có nguồn gốc từ Thượng đế hay Kinh thánh. Người không tin vào Thượng đế hay Kinh thánh là người vô luân lý; mặc dù đã có rất nhiều người vô luân lý là những người có tín ngưỡng rõ rệt; và ngược lại, cũng có rất nhiều người đạo đức lại không có tín ngưỡng hay không tin vào một Thượng đế có nhân tính của Kitô giáo. Ngày nay, các nhà khoa học hoặc triết gia thường thẳng thừng công khai chấp nhận mình là vô thần thay vì là người không tin (ngoại trừ một số chính trị gia mỵ dân kiếm phiếu). Như vậy, trường phái Bất khả tri không còn lý do nào để tồn tại. Dawkins gọi đó là “sự nghèo nàn của lập luận Bất khả tri” (the poverty of Agnosticism) trước những khám phá mới của khoa học, đặc biệt là Sinh vật học với lý thuyết tiến hóa đã giải thích rõ rệt mọi nguồn gốc của sự sống. [4]

Trong bài tiểu luận “Tôi là người vô thần hay người không tin?” được viết cách đây hơn nữa thế kỷ, Bertrand Russell rõ ràng đã xác nhận “không tin” chính là “vô thần”:

“Mặt khác, nếu tôi muốn người ngoài đường hiểu đúng đắn, tôi nghĩ tôi phải nói rằng tôi là người vô thần, bởi vì khi tôi nói rằng tôi không thể chứng minh không có Thượng đế, tôi cũng phải nói thêm rằng tôi cũng không thể chứng minh không có các thần Homere.

Không ai trong chúng ta tin rằng các thần Homere thực sự hiện hữu, và tuy nhiên, nếu bạn phải chứng minh bằng lý luận rằng các thần Zeus Hera, Poseidon và các thần khác đã không hiện hữu, bạn sẽ thấy đó là việc làm phi thường. Bạn sẽ không thể có được bằng chứng như vậy.

Bởi vậy, đối với các thần Olympic, nếu nói với một cử tọa hoàn toàn thông thái, tôi muốn nói rằng tôi là người không tin. Nhưng khi nói với đại chúng, tôi nghĩ tất cả chúng ta đều nói, đối với các thần này, rằng chúng ta là những người vô thần. Còn đối với Thượng đế của Kitô giáo, tôi nghĩ tôi cũng sẽ nói như vậy vì dựa trên cùng một lý luận.” [5]

Câu hỏi được đặt ra là nếu đó là vấn đề tuyệt đối nằm ngoài khả năng trí tuệ hữu hạn của con người, như nhóm PAP chủ trương, thì tại sao các tác giả Kinh thánh cũng là những con người với trí tuệ hữu hạn như chúng ta lại biết về Thượng đế? Dựa vào sự mạc khải để trả lời không còn thuyết phục khi mà những sai lầm và mâu thuẫn trong Kinh thánh thì đầy dẫy. [6] Các học giả ước lượng có tới 150 câu mâu thuẫn trong Kinh thánh. Kinh thánh, một tác phẩm bất toàn, không thể là sản phẩm của một Thượng đế toàn năng và toàn hảo. Hơn nữa, liệu vấn đề Thượng đế có thực là vấn đề tuyệt đối nằm ngoài khả năng trí tuệ của con người như nhóm PAP chủ trương không?


NOMA, một lập luận hai chiều

NOMA là một lập luận khác được các nhà thần học Kitô giáo hay dùng, là chữ viết tắt của hàng chữ “non-overlapping magisteria”, và có nghĩa rằng “không nên lẫn lộn giữa thẩm quyền” khoa học và tôn giáo, bởi vì có những vấn đề vĩnh viễn nằm ngoài khả năng của trí tuệ. Chẳng hạn như về màu sắc của hạt dẻ (chestnut), có người nhìn thấy nó màu đỏ, nhưng cũng có người nhìn thấy nó màu nâu. Dù có chứng minh cách nào thì màu sắc của hạt dẻ vẫn cứ tùy thuộc con mắt nhìn chủ quan khác nhau của mỗi người. Từ thí dụ này, người ta diễn dịch vấn đề Thượng đế cũng tương đối tùy mỗi người nhận định và nằm ngoài cảm nhận tri thức của con người.

Nhưng nên biết rằng, có những câu hỏi hoàn toàn vô nghĩa mặc dù đúng văn phạm. Bạn có thể hỏi mùi vị của hy vọng là mùi gì, hoặc, màu sắc của sự trừu tượng là màu gì; nhưng những câu hỏi như vậy thì hoàn toàn vô nghĩa. Thượng đế của Kitô giáo có hiện hữu hay không cũng là một câu hỏi hoàn toàn vô nghĩa, mặc dù đúng văn phạm. Nó vô nghĩa giống như bạn hỏi nàng kỳ lân màu tím vô hình (invisible purple unicorn) hay một khối cầu vuông (square sphere) có hiện hữu hay không. Bạn có thể gán cho nàng kỳ lân những thuộc tính mâu thuẫn như sáng tạo, toàn năng, toàn tri, toàn thiện và toàn hảo như các nhà thần học đã làm đối với Thượng đế của họ; rồi bạn lập tượng tôn thờ và cầu xin nơi nàng kỳ lân đó, cũng hoàn toàn có tác dụng như bạn tôn thờ và cầu xin nơi Thượng đế của Kitô giáo. Bởi vì cứ theo lập luận của trường phái Bất khả tri, khi bạn không thể chứng minh không có nàng kỳ lân màu tím vô hình, hay không có khối cầu vuông, thì không thể kết luận rằng những thứ đó không hiện hữu. Những thuộc tính của Thượng đế trong Kitô giáo mâu thuẫn nhau cũng như những thuộc tính vừa vô hình vừa màu tím của nàng kỳ lân, hay vừa tròn vừa vuông của khối cầu vuông. Nếu bạn phải dùng đức tin thì bạn có thể tin bất cứ thứ gì dù nó nghịch lý đến mức nào. Xác định những câu hỏi vô nghĩa như vậy tuyệt đối không thuộc lĩnh vực của khoa học là một xác định hoàn toàn đúng.

Thực ra, sự hiện hữu của Thượng đế theo nghĩa của một đấng sáng tạo (Creator) - không theo nghĩa Thượng đế vô nghĩa trong Kitô giáo với những thuộc tính mâu thuẫn và thường hay nghe lời cầu xin của con người - là một sự kiện về vũ trụ, hoặc có hoặc không có, có thể khám phá được, và đó là vấn đề hoàn toàn khoa học. Nếu Thượng đế có thực thì một ngày nào đó khoa học sẽ khám phá và chứng minh được; còn hiện nay, khoa học đã xác định sự hiện hữu của Thượng đế có một xác suất không thể có. Khoa học có khả năng tự điều chỉnh với những khám phá mới. Những gì khoa học chưa biết, hoặc chưa biết đầy đủ, không có nghĩa là sẽ chẳng bao giờ biết. Đã có bao nhiêu điều tưởng rằng con người vĩnh viễn sẽ không bao giờ biết, nhưng rồi cuối cùng, khoa học cũng đã tìm ra được những câu trả lời. Chẳng hạn triết gia người Pháp, Auguste Comte, đã viết năm 1835, rằng “chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết, dù bằng bất cứ phương pháp nào, về cấu trúc hóa học hay khoáng chất của các ngôi sao”. [7] Ngày nay, cấu trúc hóa học của các ngôi sao, ngay cả rất nhiều ngôi sao ở xa chúng ta hằng chục năm ánh sáng, đã được khoa học khám phá.

Nhưng nếu vấn đề Thượng đế nằm ngoài lĩnh vực của khoa học thì tại sao nó là độc quyền của tôn giáo? Tại sao cứ phải là một nhà thần học mà không phải là một người làm vườn hay một ông thợ đóng bàn ghế mới có thể cho ta biết về Thượng đế? Những gì khoa học chưa biết thì nhà thần học cũng không có khả năng chuyên môn gì hơn để bàn thêm. Nếu có những câu hỏi nằm ngoài lĩnh vực của khoa học thì chúng cũng phải nằm ngoài lĩnh vực của tôn giáo, bởi vì các nhà thần học cũng là những con người với trí tuệ hữu hạn như các nhà khoa học. Trong suốt chiều dài của lịch sử, Kitô giáo đã từng tự giành cái độc quyền giải thích tất cả mọi vấn đề, kể cả những vấn đề thuần túy thuộc khoa học, và đã phạm phải rất nhiều sai lầm nghiêm trọng. Tôn giáo thường nhân danh luân lý để chống đối khoa học, và là cản trở chính yếu của sự tiến bộ. Ngày nay, những gì tôn giáo đang làm để xâm lấn lĩnh vực của khoa học, người ta lại thường giữ im lặng. Chẳng hạn như Công giáo La Mã, một tôn giáo lớn nhất trong Kitô giáo, đòi hỏi phải có ít nhất hai phép lạ thì mới phong thánh cho một người đã chết. Trong lịch sử giáo hội Công giáo La Mã đã có nhiều trăm ngàn người chết được phong thánh. Phép lạ được định nghĩa như một biến cố xảy ra không tuân theo các định luật của tự nhiên, và do lời cầu xin duy nhất của một người hèn mọn đang sống. Giáo hội Công giáo La Mã khi xác nhận một phép lạ là đang xâm phạm lĩnh vực của khoa học. Bằng phương pháp thực nghiệm, khoa học chưa bao giờ tìm thấy được bất cứ hiện tượng nào là siêu tự nhiên. Tất cả mọi hiện tượng xảy ra trong vũ trụ đều tuân theo các định luật tự nhiên.

Như vậy, NOMA rõ ràng chỉ là một thứ lập luận hai chiều được các nhà tôn giáo độc quyền sử dụng một cách tùy tiện. Nó là một thứ vũ khí chiến lược, chưa hẳn là cuối cùng, trong trận chiến giữa khoa học và tôn giáo, mà trong thực chất chính là trận chiến giữa lý trí và sự mê tín. Tại sao chỉ có tôn giáo mới được ban cho môn bài độc quyền bàn về Thượng đế mà khoa học không thể có? Giả định, nếu một ngày nào đó, khoa học có thể khám phá và chứng minh một cách rõ ràng sự hiện hữu của Thượng đế, thì liệu các nhà tôn giáo có còn tiếp tục chống đối khoa học vì lập luận NOMA, hay họ sẽ ồn ào hơn để quảng bá và vinh danh khám phá đó của khoa học? Có lẽ bạn cũng như tôi đã nhìn thấy câu trả lời.

© 2007 talawas



[1]Giao Điểm website. Nguồn: http://www.giaodiem.com/
[2]Bertrand Russell, Is there a God? Nguồn: http://www.positiveatheism.org/hist/rusisgod.htm
[3]Richard Dawkins, Không thể có Thượng đế, Trần Tiên Long dịch, nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=8847&rb=0303
Quentin Smith, Hai lối chứng minh không có Thượng đế, Thích Bình Thường dịch, nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=3578&rb=0303
[4]Richard Dawkins, The God Delusion, Houghton Mifflin Company, 215 Park Avenue South, New York, New York 10003.
[5]Bertrand Russell, Am I An Atheist Or An Agnostic? A Plea For Tolerance In The Face Of New Dogmas, 1947, nguồn: http://www.positiveatheism.org/hist/russell8.htm
[6]Nguồn: http://www.evilbible.com/
[7]Richard Dawkins, The God Delusion, Houghton Mifflin Company, 215 Park Avenue South, New York, New York 10003.