© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
27.8.2007
Trần Khốt
Tiếu lâm chính trị (Việt Nam, năm 1980)
 1   2   3   4 
 
Phụ lục

Vè “tiêu cực” và dăm chuyện đặt vè

1. Báo Đảng sợ vè “tiếu cực”

Bên cạnh tiếu lâm chính trị, vè cũng là thứ “vũ khí” lợi hại mà các “sĩ phu dân gian” thường dùng. Dân Việt ta vốn “xuất khẩu thành thơ” nên đặt vè là chuyện “nhỏ như con thỏ”. Vè lại nóng hổi “vừa thổi vừa... nghe”, kiệm lời, mau thuộc, dễ truyền miệng hơn cả tiếu lâm... Chẳng thế mà báo Nhân dân, ngày 10.8.1980, đã phải có bài phê phán gay gắt, trong đó có đoạn:

“Những năm gần đây, bên cạnh nền văn học dân gian hiện đại tiếp tục phát triển nói về những ý nghĩ, tình cảm của nhân dân và có tác dụng cổ vũ mọi người hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong mỗi giai đoạn, lác đác lại xuất hiện một số câu thơ, câu vè với nội dung không xây dựng, không rõ tác giả là ai. Thí dụ:

Mỗi người làm việc bằng hai
Để cho chủ nhiệm mua đài, sắm xe...

Đây là loại vè hoặc ca dao tiêu cực!”

Có lẽ sợ vè “tiêu cực” và sợ “phổ biến không công” nhiều (chứ không phải chỉ “một số”!) câu vè “tiêu cực”, nên trong cả bài báo dài, tác giả chỉ dám trích dẫn độc một câu vè. Và ngay trong câu vè này, tác giả còn trích sai và thiếu.

Để bổ sung, cũng “không công”, cho bài của báo Đảng, kẻ “nghe và ghi” này xin dẫn lại đầy đủ câu vè trên và... “boa” thêm một số câu vè “tiêu cực” khác:

Mỗi người làm việc bằng hai
Để cho chủ nhiệm [1] mua đài, mua xe
Mỗi người làm việc bằng ba
Để cho chủ nhiệm xây nhà, xây sân
Mỗi người làm việc bằng năm
Để cho chủ nhiệm vừa nằm vừa ăn...

Thủ kho to hơn thủ trưởng
Vào nhà thủ trưởng, tưởng là... kho!

Nói no
Bò sướng
Bướng chết

Cao cung cấp [2]
Thấp chợ đen
Quen cổng hậu

Nhất thân
Nhì thế
Tam thần
Tứ chế

Ăn đại táo
Ở đại gia
Đi đại xa [3]
Làm... đại khái

Ăn như nhà tu
Ở như nhà tù
Nói như lãnh tụ

Đi xe cố vấn
Mặc áo chuyên da
Ăn uống qua loa
Ở nhà điện tử [4]

Ban ngày cả nước lo việc nhà
Ban đêm cả nhà lo việc nước [5]

Chân ngoài dài hơn chân trong [6]

Làm chủ không đủ
Tranh thủ làm thuê

Râu dài thì mặc râu dài
Có Phavôrít [7] có đài đeo hông

Chồng già thì mặc chồng già
Có phiếu Tôn Đản, có nhà ở riêng

Sang như trưởng tàu
Giàu như nhân viên
Điên như hành khách

Cứt cũng phân
Phân như cứt [8]

Thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt
Lách luồn, lươn lẹo lại lên lương

Đấu tranh, tránh đâu

Một ao chất xám
Không bằng đám nước bọt

Thứ nhất anh Ba
Nhì nha khí tượng

Cắt cơm
Bơm xe
Nghe thời tiết
Liếc đồng hồ
Thồ bao gạo
Cạo bộ râu
Ai hỏi đi đâu
Đi thăm bà xã! [9]

Mắt thứ hai
Tai thứ bảy [10]


2. Vè chợ búa

Hà Nội có nhiều chợ lâu đời như chợ Đồng Xuân, chợ Hàng Bè, chợ Hôm, chợ Mơ... Thời bao cấp, mấy chợ này tập trung các quầy hàng mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã, hàng hoá lèo tèo nhưng hợp với túi tiền cán bộ cấp thấp và bà con lao động. Riêng chợ Bắc Qua, nằm sát chợ Đồng Xuân, là khu vực “thị trường tự do”, hàng hoá ê hề song lại bán với giá cắt cổ cho dân buôn lắm tiền nhiều bạc...

Tuy nhiên, Hà Nội còn tồn tại suốt nhiều năm hai cái “chợ” đặc biệt: một cái ở phố Tôn Đản chuyên bán với giá cực rẻ nhiều thứ hàng cao cấp cho cán bộ cấp cao và một cái ở phố Vân Hồ chuyên bán rẻ số hàng cũng khá hiếm cho cán bộ cỡ “chuyên viên”...
Bởi vậy, dân Hà Nội mới đặt ra bài “vè chợ búa” dưới đây:

Tôn Đản là chợ vua quan
Vân Hồ là chợ trung gian nịnh thần
Bắc Qua là chợ thương nhân
Vỉa hè là chợ... nhân dân anh hùng!


3. Vè lương tháng

Bài vè ngộ nghĩnh này bắt nguồn từ mức lương của các cán bộ từ cấp bộ trưởng trở xuống cùng “đặc trưng” công việc và đời sống của số cán bộ này:

Ve vẻ vè ve
Nghe vè lương tháng
Hai trăm ngồi phán
Trăm tám ngồi nghe
Tranh đài tranh xe
Là thằng trăm rưởi
Tất ta tất tưởi
Là lũ trăm hai
Vừa hầu vừa sai
Là quân chín chục
Cửa nhà lục đục
Là cánh sáu mươi
Dở khóc dở cười
Là anh bốn chịch
Chẳng ta chẳng địch
Là lũ con phe
Nói chẳng ai nghe
Là... ông Nhà nước.


4. Vè giáo dục

Trong suốt nhiều năm, Bộ Giáo dục đặt dưới quyền Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Phụ tá cho ông, còn có ba Thứ trưởng: Võ Thuần Nho, Hồ Trúc và Lê Liêm.

Các vị “thâm nho” trong cánh nhà giáo khoái rỉ tai nhau hai câu vè chế giễu bốn vị thủ trưởng già nua, bất tài của mình:

Vườn ta Huyên cỗi, Nho già
Phất phơ khóm Trúc, la đà cành Lê.

Tới khi nổ ra vụ Võ Thuần Nho giở trò lem nhem để con trai mình trốn nghĩa vụ quân sự, hai câu vè trên liền được sửa lại:

Vườn ta Huyên cỗi, Nho
Phất phơ khóm Trúc, la đà cành Lê.


5. Vè làng văn

Làng văn ở Hà Nội thường xảy những vụ “hủ hoá”, trong đó có ba vị đầu trò lắm “tiềm lực” bị điểm danh qua câu vè dưới đây:

C... Thu Bồn
L... Ngọc Tú
V... Xuân Quỳnh


6. Vè Phạm Tuân

Ngay sau khi Phạm Tuân “quá giang” lên vũ trụ, tại Hà Nội xuất hiện nhiều câu vè, đại loại như:

Một thằng vào vũ trụ
Trăm thằng đi Mút Cu [11]
Ngàn thằng tiệc lu bù
Triệu thằng khóc hu hu...

Dân đang thiếu gạo, thiếu mì
Tuân vào vũ trụ làm gì hỡi Tuân?


*

B. Vài chuyện tiếu lâm Sài Gòn trước năm 1975

Chép lại (nguyên văn) 5 chuyện dưới đây, Trần Khốt chỉ muốn chứng minh rằng một số chuyện tiếu lâm chính trị, nghe và ghi năm 1980, được người ta “chế” từ những chuyện tiếu lâm từng in thành sách ở Sài Gòn trước năm 1975. Và không loại trừ nhiều chuyện tiếu lâm Sài Gòn cũng đã “cóp” chuyện tiếu lâm nước ngoài. Điều này, bạn đọc hiểu nhiều biết rộng có thể kiểm chứng...


1. Cầu Thượng đế phù hộ

Han, học sinh đệ lục, nhà xa, ở trọ để đi học tại Tư thục Co Đo. Tháng đó gia đình gửi tiền trễ, Han không biết vay mượn ai, đành phải khất nhà trọ. Lúc ở nhà, cha mẹ thường bảo Han: “Những khi xa nhà, nếu gặp hoạn nạn thì con nên cầu Trời khấn Phật để nhờ các ngài phù trì”.

Han mới viết một bức thư, đại ý: “Con tháng này túng tiền quá chừng vì không hiểu sao gia đình lại không gửi tiền vào. Xin Thượng đế phù hộ cho con, ban cho con số tiền 4.000$ để con trả tiền trọ”. Ngoài bì, Han đề: “Kính gởi Thượng đế - Thiên cung. Người gởi: Lê Han, học sinh đệ lục Tư thục Co Đo, nhà ở số 75/632 đường Phan Thanh Giản”.

Bưu điện thấy bức thư có một cái địa chỉ lạ lùng liền bóc ra xem và gởi lại cho trường Tư thục Co Đo. Các thầy trong trường thương tình Han nghèo cực, mới góp tiền tay được 3.000$, mua ngân phiếu gửi cho Han, kèm theo một bức thư ngắn: “Thượng đế đã nhận được thư con xin tiền. Con không phải lo, trước sau gì rồi gia đình cũng gởi tiền vào cho con ăn học. Nay Thượng đế ban cho con số tiền này, con cất lấy mà tiêu, đừng xài phí và phải chăm học”.

Ba hôm sau, Bưu điện lại chuyển về trường một bức thư thứ hai của Han gởi Thượng đế: “Con đã nhận được số tiền của Thượng đế ban cho con. Trong thư con xin bốn ngàn, nhưng con chỉ nhận được có ba. Chắc là các giáo sư ở trường con đã lấy bớt đi môt ngàn. Lần sau Thượng đế có cho con, xin gởi thẳng về địa chỉ nhà con trọ thì tiện hơn”.

(Trích “1.001 chuyện cười” của Bửu Kế, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, không ghi năm)


2. Dân chúng đỡ khổ [12]

Hai vợ chồng nhà độc tài cùng con gái đi dạo máy bay lượn quanh để quan sát tình hình dân chúng bên dưới và để xem phong cảnh.

Người con gái cầm tờ bạc trăm, xếp vuông lại ném xuống đất và nói:

“Con ném tờ bạc nầy, thế nào cũng làm cho một người nhặt được sung sướng.”

Bà mẹ lấy ra một xấp bạc năm tờ một trăm vung xuống và nói:

“Mẹ sẽ giúp cho năm người đỡ khổ.”

Nhà độc tài hỏi cô chiêu đãi viên:

“Bây giờ tôi nên ném xuống bao nhiêu bạc để nhiều người sung sướng?”

“Ông không cần phải ném tiền. Ông chỉ cần nhảy xuống là cả xứ được sung sướng!”

(Sách đã dẫn)


3. Ông bầu

Đọc báo thấy có người rao bán một con vẹt hót hay không kém gì những danh ca đương thời, Ngọc tìm theo địa chỉ để mua.

Chủ nhà, ông Hạo, trong nhà treo đầy cả lồng chim, mỗi lồng hai con. Ông chỉ cho Ngọc xem một con vẹt lông xanh lẫn lông đỏ và nói: “Chính cô danh ca của tôi đây”. Ông lấy một cái thước gõ vào lồng để ra hiệu. Hai con chim ríu rít với nhau trong chốc lát, rồi con chim danh ca liền cất tiếng hát. Nó hát bài gì cũng được: “Đêm tàn Bến Ngự”, “Lả lướt”, “Giọt mưa thu”, v.v..., ca Nam ai, Nam bằng, hò mái nhì, hát bội, hát trống quân, v.v...

Ngọc thích quá mới hỏi ông Hạo giá bán bao nhiêu thì ông đáp một vạn bạc và nói tiếp: “Nhưng ông phải mua luôn cả con đứng cạnh nữa”.

Ngọc hỏi: “Con nầy hát có hay không?”

“Nó đâu có biết hát.”

“Thế thì tôi mua thêm con chim ấy làm gì?”

“Vì nó là ông bầu. Nếu không có nó, con chim danh ca chắc gì đã chịu hát?"

(Sách đã dẫn)


4. Tranh khoả thân

Hai vợ chồng xem tranh triển lãm. Ông chồng say sưa đứng ngắm một bức hoạ khoả thân, chỉ có một vài ba ngọn lá che khuất những nơi kín đáo. Bà vợ giục mãi chồng vẫn không chịu đi. Ba nguýt dài một cái và nói:

"Phải chăng mình chờ đến ‘mùa thu lá vàng rụng bay’”?

(Sách đã dẫn)


5. Dọn nhà

Một anh chàng mướn phố [13] xui xẻo ở giữa một anh thợ rèn và một anh thợ đục. Suốt ngày anh nghe tiếng động liên miên thật đau đầu, nhức óc. Anh định tìm nhà khác nhưng tiền sang, tiền dọn không có, đành nấn ná qua ngày. Một hôm, quá bực dọc, anh nói:

"Giá như hai ông này dời nhà chỗ khác thì tôi làm tiệc đãi liền."

Hai anh thợ nghe được, đến báo tin:

"Chúng tôi sắp dọn đi, anh nhớ lời cho chúng tôi nhậu một bữa tiễn hành."

Anh kia mừng quá, mua rượu thịt dọn một mâm ê hề, mời hai bạn láng giềng cụng ly. Rượu được vài tuần, anh mới hỏi hai bạn:

"Hai anh tính dọn đi đâu, ở phố nào, cho tôi biết để thỉnh thoảng đến thăm."

Anh thợ đục chậm rãi nói:

"Chúng tôi đã bàn tính với nhau thật kỹ lưỡng, phố này làm ăn được nên tôi sẽ dọn qua căn của anh này và ảnh dọn qua căn tôi."

(Trích “Truyện vui quốc tế” của Lê Hương, Sống Mới xuất bản, Sài Gòn, năm 1974)


C. Vài chuyện tiếu lâm chính trị Trung Quốc, Liên Xô, Đức

Trung Quốc

1. Mao Chủ tịch nói...

Một đôi vợ chồng muốn ly hôn, đến gặp cán bộ công xã. Cán bộ công xã hỏi: "Hiện nay mùa màng đang bận rộn, anh chị đến đây làm gì?"

Người vợ: "Mao Chủ tịch nói: 'Phải hạ quyết tâm’. Tôi muốn ly dị!"

Người chồng: "Mao Chủ tịch nói: 'Phải giải quyết khó khăn.’ Tôi chưa đồng ý ly dị!"

Cán bộ công xã: "Mao Chủ tịch nói: ‚Phải nắm chắc cách mạng, thúc đẩy sản xuất.’ Chuyện cá nhân là nhỏ nhặt, anh chị về đi, chúng tôi không giải quyết đâu!"

(Theo báo Đại đoàn kết, 17.2.1982, dịch từ báo Hương Cảng triển vọng, 1.3.1981)


Liên Xô

1. Chùm chuyện tiếu lâm thời Khrushchev

a. Khơ chết ngất

Một hôm, Khrushchev đi xem kịch. Để tỏ vẻ quan tâm đến anh chị em diễn viên, Khơ la cà vào cả mấy phòng hoá trang ở hậu trường. Vừa mở cửa một phòng, Khơ bỗng lăn quay chết ngất. Thì ra Khơ thấy một diễn viên đang hoá trang vai Lênin, lại ngỡ Lênin sống lại để hỏi tội mình [14] .


b. Khơ sợ “tệ sùng bái cá nhân Khrushchev”

Trong chuyến đi dạo phố Moskva, Khơ ghé vào một tiệm bách hoá. Tới quầy bán tranh tượng, Khơ thấy chỉ bày toàn tranh tượng mình, trong bụng rất khoái, nhưng ngoài miệng giả bộ “chỉnh” cô bán hàng:

"Tại sao cô chỉ bày bán độc tranh tượng tôi thôi? Cô làm như vậy, người ta lại lên án 'tệ sùng bái cá nhân Khrushchev’ [15] thì nguy lắm! Ngay sau đây, cô phải bày bán thêm tranh tượng Marx, Engels, Lenin, nghe không?

Cô bán hàng tủm tỉm đáp:

"Báo cáo đồng chí, chúng tôi đã bày bán tranh tượng ba lãnh tụ mà đồng chí vừa nói, nhưng dân chúng đã mua hết sạch rồi ạ." [16]


c. Bội thu và thất thu

Khrushchev đến thăm một nông trường, thấy bà chủ tịch có cặp vú đồ sộ, bèn đưa tay mân mê và nói:

"Năm nay, nước ta hẳn là bội thu sữa."

Không phải tay vừa, bà chủ tịch nông trường liền xoa cái đầu nhẵn thín của Khơ và đáp:

"Nhưng chắc chắn nước ta sẽ thất thu vụ len..."


d. Tsedenbal mặc áo mưa...

Tại thủ đô Ulan Bator (Mông Cổ), giữa lúc trời nắng như đổ lửa, người ta lại thấy Thủ tướng Tsedenbal mặc áo mưa đi lững thững. Có người tò mò hỏi tại sao lại mặc áo mưa, ông đáp:

"Đồng chí Khrushchev vừa gọi điện thoại, báo cho biết ở Moskva đang có mưa to."


e. Quỷ sứ cũng phải sợ

Khrushchev đang ngồi tán dóc với Kennedy ở dưới âm phủ. Bỗng nhiên, một bầy quỷ sứ ập đến, tính bắt cả hai ném vào vạc dầu theo lệnh của Diêm vương. Hai cố nguyên thủ “siêu cường quốc” sợ té đái, vắt chân lên cổ, chạy. Bầy quỷ sứ không buông tha, cứ đuổi riết.

Thấy bầy quỷ sứ đuổi sát đít, Ken bèn quẳng vội một túi đôla. Bầy quỷ sứ tranh nhau đôla, nhưng vẫn chẳng buông tha hai ngài cố nguyên thủ. Ken hổn hển hỏi Khơ: “Ngài có cách nào ngăn bầy quỷ sứ được không?” Khơ lau mồ hôi túa ra đầy đầu hói và đáp: “Để tôi thử cách này xem sao”.

Nói đoạn, Khơ xé một mảnh giấy trong sổ tay, viết vài chữ, rồi quẳng vội về phía bầy quỷ sứ. Bầy quỷ sứ vồ lấy mảnh giấy, đọc lướt qua, bèn cắm đầu cắm cổ chạy trở lui, vẻ mặt vô cùng khiếp đảm.

Thoát nạn, Ken mừng quá, vội hỏi Khơ: “Ngài viết gì mà thần hiệu như vậy?” Khơ đắc chí đáp: “Tôi chỉ viết có mấy chữ: CON ĐƯỜNG NÀY DẪN ĐẾN CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN!”


Chùm chuyện tiếu lâm thời Brezhnev

a. Dân say bét nhè

Năm 1972, Nickson sang Liên Xô. Gặp Brezhnev, Ních hỏi: “Bên nước các ông có dân say bét nhè không?” Brezhnev đáp: “Không hề có! Nếu ông bắt gặp gã say rượu nào, ông cứ bắn chết hắn đi”.

Ngay tối hôm đó, Ních cùng tay bảo vệ xách M16 đi ra phố. Mới đi một quãng, qua một tiệm ăn, đã thấy đám người say rượu bét nhè. Ních liền nổ súng giết sạch và gọi điện thoại báo cho Brezhnev biết.

Vài năm sau, Brezhnev qua Mỹ. Vừa xuống sân bay, ông ta đã hỏi Ních: “Bên nước các ông có dân say bét nhè không?” Ních đáp: “Không hề có! Nếu ông bắt gặp gã say rượu nào, ông cứ bắn chết hắn đi”.

Brezhnev hí hửng cùng tay bảo vệ xách AK47 đi ra phố. Cả hai đi mãi, đi mãi mà chẳng thấy một gã say rượu nào. Đến khuya, họ tính về lại nhà khách thì bỗng thấy một đám người hò hát inh ỏi, chân bước lảo đảo, mồm sặc mùi rượu. Mừng quá, Brezhnev liền nổ súng giết sạch cả đám, rồi gọi điện thoại báo cho Ních biết. Ních la hoảng: “Thôi chết, đám người đó chính là nhân viên sứ quán nước ông đó!”


b. Đồ dối trá

Một hôm, có kẻ cả gan gọi điện thoại đến nhà Brezhnev, tự xưng là bạn học cũ. Bà vợ bắt máy, nổi khùng: “Đồ dối trá, ông nhà tôi có bao giờ đi học đâu mà có bạn học!” [17]

(Theo BBC, 22.12.2006)


c. Chưa tỉnh hôn mê

Tháng 11.1982, Tổng Bí thư Brezhnev đã yếu lắm rồi, nhưng Đài phát thanh Moskva vẫn đưa tin: "Các đồng chí và các bạn thân mến! Đồng chí Tổng Bí thư kính mến, Leonid Ilych Brezhnev, sau cơn ngã bệnh, đã chứng tỏ sức sống của một người cộng sản. Dù chưa tỉnh hôn mê, đồng chí vẫn quay lại Bộ Chính trị làm việc”.

(Theo BBC, 22.12.2006)


d. Không sợ chuyện tiếu lâm

Ông V. Muxaêlian, nhà nhiếp ảnh riêng của cố Tổng Bí thư Brezhnev, cho biết: “Nhà lãnh đạo Xô-viết rất bình tĩnh đối với các câu chuyện tiếu lâm viết về mình. Ông nói: Người ta đã sáng tác ra tiếu lâm tức là người ta tôn kính. Không thiếu các cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo nước ngoài được bắt đầu từ việc ông Brezhnev kể chuyện tiếu lâm. Làm như vậy để giảm bớt không khí xã giao và gây được thiện cảm của người đối thoại với mình. Brezhnev thường tặng quà cho những ai có câu chuyện tiếu lâm hay”.

(Theo báo An ninh Thế giới, 18.12.2006)


e. Người kế nhiệm

Đến khi qua đời, Brezhnev vẫn tiếp tục góp phần vào kho tàng tiếu lâm Liên Xô. Đó là chuyện vì sao I. Andropov được lên kế nhiệm Brezhnev:

Trên giường bệnh, Brezhnev yếu lắm rồi nên người ta cứ phải hỏi ai sẽ lên thay ông. Brezhnev mời các nhân vật cao cấp nhất Bộ Chính trị vào. Mọi người sắp đặt chỗ ngồi quanh giường bệnh. Bỗng nhiên, Brezhnev chỉ vào Andropov và nói: “A, aaa... aaa...” Tất cả vỗ tay chúc mừng Andropov. Trong tiếng ồn ào, không ai nghe được người bệnh thều thào trước khi tắt thở: “Aaaaaandropov giẫm vào ống dẫn ôxy của tôi...”

(Theo BBC, 22.12.2006)


Đức

1. Chùm chuyện tiếu lâm thời Hitler

Một cuốn sách tập hợp những chuyện tiếu lâm thời Quốc xã mang tựa đề Heil Hitler, Con lợn đã chết sẽ được tung ra ở Đức. Tác giả cuốn sách, đạo diễn Rudolf Herzog, nhận xét: “Các câu chuyện hài là một cách chống đối, là một cách xả cơn giận. Chúng được kể trong quán rượu...” Chính quyền phát xít cấm chỉ trích chế độ, nhưng các phiên toà thường chỉ cảnh cáo hay phạt tiền. Tuy nhiên, đến cuối chiến tranh, người ta có thể mất mạng vì một chuyện tiếu lâm. Một nhân viên cung ứng đạn dược ở Berlin bị xử tử vì kể câu chuyện sau: Hitler và Göring đang đứng trên đỉnh một toà tháp. Hitler nói rằng y muốn làm một điều gì đó để người dân Berlin vui. “Vậy tại sao ngài không nhảy xuống ?” - Göring gợi ý.

Dẫu vậy, ở nước Đức thời ấy vẫn lan truyền nhiều chuyện tiếu lâm và dưới đây là vài chuyện.

Hitler đi thăm một bệnh viện tâm thần. Các bệnh nhân đều giơ thẳng tay chào. Khi đến cuối hàng, y bắt gặp một người vẫn đứng duỗi tay. “Sao anh không chào như những người khác?”, y quát. “Thưa ngài, tôi là y tá, tôi không bị điên!”

Để thể hiện sự kiêu ngạo của những kẻ lãnh đạo trong chính quyền Đức Quốc xã, một bức biếm hoạ vẽ Göring đang gắn một mũi tên vào dãy huân huy chương trên bộ quân phục của y. Kèm theo đó là dòng chữ: “Xem tiếp ở trang sau”.

Một nhà bình luận nhận xét: “Chủng tộc mới sẽ mảnh dẻ như Göring, tóc vàng như Hitler và cao như Goebbels”. (Kỳ thực, Göring to béo, Hitler tóc sẫm và Goebbels thì lùn tịt).

Khi chính quyền Đức Quốc xã ngày càng mạnh tay với người Do Thái, họ phải dựa vào sự hài hước của mình để tìm thấy niềm vui trong cuộc sống: Lewis và Hirsche gặp nhau trong rừng rậm châu Phi, mỗi người cầm một khẩu súng săn. “Cậu đang làm gì ở đây?”- Hirsche hỏi. “Tớ có nghề đẽo ngà voi ở Alexandria, và tớ đi bắn những con voi của mình”, - Lewis trả lời và hỏi: “Thế còn cậu?”. Hirsche đáp: “Tớ sản xuất đồ da cá sấu ở Po Xaít và tớ bắn những con cá sấu của mình. Còn chuyện gì đã xảy ra với cậu bạn Simon của chúng ta?” Lêvi đáp: "Cậu ấy đã trở thành tay phiêu lưu mạo hiểm thực sự. Cậu ấy ở lại Berlin”.

(Theo VnExpress, 1.9.2006)

© 2007 talawas



[1]Chủ nhiệm hợp tác xã
[2]Phiếu cung cấp hàng xịn dành cho cán bộ cấp cao và được mua tại một số cửa hàng đặc biệt như Tôn Đản, Vân Hồ...
[3]Câu vè này dành cho số cán bộ, công nhân viên quèn, thường ăn bếp tập thể (đại táo - bếp lớn, theo cách gọi của Trung Quốc; trên đại táo là trung táo dành cho ít người ăn và tiểu táo chỉ dành cho 1-2 người ăn), ở nhà tập thể (đại gia) và đi xe công cộng (đại xa).
[4]Cố vấn: vấn lốp xe đạp bị bục bằng dây cao su hoặc dây vải. Chuyên da: áo rách hở da. Qua loa: loa phát thanh công cộng. Nhà điện tử: nhà bị cúp điện bất tử.
[5]Hứng nước máy thường chỉ chảy (cũng rất yếu) về đêm ở Hà Nội và nhiều thành phố lớn khác.
[6]Do không đủ sống, nhiều người trong biên chế nhà nước phải làm việc thêm ở các cơ sở sản xuất ngoài quốc doanh và thường làm ngoài nhiều hơn làm trong.
[7]Xe đạp xịn do Tiệp Khắc sản xuất, chỉ rất ít người có
[8]Câu thách đối, trong đó chữ phân còn được dùng theo nghĩa phân phối (qua sổ hoặc tem phiếu)
[9]Bài vè này mô tả “quy trình” anh chồng cán bộ về thăm vợ ở nơi sơ tán hoặc ở quê mỗi chiều thứ bảy: cắt cơm ở bếp tập thể, bơm xe đạp để có thể đi xa, nghe dự báo thời tiết, nôn nóng liếc đồng hồ, buộc bao gạo vào xe để tiếp tế cho vợ con, cạo râu làm đẹp...
[10]Mắt thứ hai thường díp vì thiếu ngủ trong ngày chủ nhật về thăm bà xã. Tai thứ bảy thường phải thính để ngóng tiếng chuông hoặc kẻng báo hết giờ làm việc.
[11]Moscou, phiên âm tiếng Pháp tên thủ đô Liên Xô Moskva
[12] “Cóp” chuyện tiếu lâm Đức (xem phần Phụ lục)
[13]Thuê nhà mặt phố
[14]Ở phần Phụ lục này, những chuyện tiếu lâm không ghi xuất xứ đều do bác Lương Nhân kể.
[15]Chính ông Khrushchev là người người khởi xướng việc lên án tệ sùng bái cá nhân Xtalin” tại Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô, năm 1956.
[16]Chuyện tiếu lâm này được “chế” từ giai thoại mà tạp chí Liên Xô Nhà báo, số 8, năm 1961, đã đăng: “Trong thời gian sang thăm nước Nga, nhà văn Pháp A. Dumas (1802-1870) đến thành phố Tiphlít và ghé vào hiệu sách lớn nhất. Hay tin này, từ hôm trước, ông chủ cửa hiệu đã bày tỏ lòng kính trọng Dumas bằng cách đặt sách của ông lên toàn bộ các giá. Thấy vậy, nhà văn sửng sốt hỏi: “Sách của các nhà văn khác đâu rồi?” Ông chủ bối rối, đáp: “Thưa, đã... bán hết cả rồi!”
[17]Thực ra, ông Brezhnev đã tốt nghiệp đại học và có bằng kỹ sư.