© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
5.4.2008
Thuận Văn
Chủ nghĩa chống cộng lưu manh
 
Nếu người Đức, theo nhà biên khảo Trần Văn Tích [1] , cảm thấy “ghê ghê” trước những danh xưng gắn liền với chữ “quốc gia” thì có lẽ chúng ta cũng nên diễn tả bằng ngôn ngữ của mình rằng, khái niệm ấy, với họ, những người Đức không cạo trọc đầu, là một khái niệm rất... Kiều. [2]

Nói cho rõ thì đó là một “thân phận rất Kiều”. Dân tộc Đức có một di sản trí tuệ cùng thẩm mỹ vĩ đại và, cứ quan sát những cảm xúc mà người Đức biểu lộ trong những cuộc tranh tài như World Cup chẳng hạn, ai cũng có thể cảm nhận được niềm tự hào của họ về đội bóng của mình và, qua đó, về dân tộc và đất nước của mình. Khi mà khái niệm thể hiện một tình cảm cộng đồng chính đáng như thế, của một dân tộc làm được bao việc lớn như thế, lại bị e dè như thế thì, hẳn là, khái niệm đó phải có một thân phận bầm dập như Kiều. Chủ nghĩa phát xít, hay chủ nghĩa Quốc gia - Xã hội, đã vực nước Đức đứng dậy sau cuộc Đại chiến thứ Nhất để rồi đẩy nước Đức và hầu như cả thế giới vào thảm hoạ với cuộc Đại chiến thứ Hai. Thảm hoạ kinh hoàng quá nên bây giờ, vì “kiềng” những khẩu hiệu “Quốc gia – Xã hội” đáng sợ một thời, người Đức đâm ra e dè cả những cấu trúc ngôn ngữ ngỡ là vô hại như “đội tuyển quốc gia”.

Khái niệm “quốc gia” của người Việt cũng có những đoạn trường bầm dập thế nhưng, ít ra là cho đến bây giờ, lại có một kết cuộc trái ngược. Khái niệm ấy hình thành ở trong vận động giải thực ở cuối thế kỷ 19 nên, không kể các đời vua Trần hay vua Lê, “chủ nghĩa quốc gia” Việt Nam chưa bao giờ đủ mạnh để, ở sắc thái cực đoan nhất, đi đến chỗ gây nên thảm hoạ kinh hoàng. Nó còn thật thà đến mức bị khai thác và lợi dụng như một thứ nấc thang của chủ nghĩa thế giới đại đồng, thứ chủ nghĩa cho rằng không nên đứng trên ranh giới quốc gia mà phải đứng trên ranh giới giai cấp. [3] Tệ hơn nữa, trong nỗ lực độc quyền lẽ phải, chủ nghĩa quốc tế còn tồi tệ hoá chủ nghĩa quốc gia như là cái gì đó đi ngược với xu thế tiến bộ và, thậm chí, mỉa mai thay, đi ngược chiều với dân tộc. Chính vì thế nên trong cách hiểu phổ thông, ý niệm quốc gia còn bị tầm thường hoá như một cái tên trần trụi của một phe đánh nhau, như là lời của một vai nữ trong Sống trong sợ hãi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chẳng hạn. Vai nữ này là vợ đầu của một quân nhân miền Nam, kẻ mà, trong những ngày sau cuộc đổi đời 1975, liều thân đào mìn bán phế liệu kiếm sống. Ngay giữa trụ sở chính quyền xã cô vợ này đã hồn nhiên kể lể với cô nữ chủ tịch trẻ tuổi chưa chồng về những trớ trêu của đời mình: “Ông này trước là bạn của anh trai tôi, hồi nhỏ hai người thường chơi đá banh với nhau. Lớn lên ông anh tôi đi cách mạng, ông này thì theo quốc gia, trở thành kẻ thù của nhau vì vậy chuyện tôi làm vợ ông, anh tôi không chấp nhận. Hồi chiến tranh nhiều lần anh tôi tìm về giết ông ấy.” Bên “đi cách mạng”, bên “theo quốc gia”, ý niệm “quốc gia”, như thế, đã nhàn nhạt tầm thường chứ không hề gợi lên một ý niệm thiêng liêng hay ít ra là một giá trị phổ quát mà bất những ai cùng học những bài học vỡ lòng về văn hay sử có thể san sẻ. Phải đợi tới khi cái chủ nghĩa quốc tế bị phá sản như một chứng hoang tưởng vĩ đại thì, từ nấc thang để bị giẫm lên, ý niệm “quốc gia” lại đổi ngôi để trở thành cái phao cứu sinh. “Quốc gia” không còn là một phe, đứng ở phía bên kia nữa. “Quốc gia” đã là thời thượng nên, bên cạnh hàng loạt những danh xưng mới toanh từ một thuật ngữ cũ, hai đại học danh tiếng nhất nước lại kính cẩn khoác áo “đại học quốc gia” và, thậm chí, hệ thống đào tạo chuyên viên điều hành của hệ thống toàn trị chỉ cũng tấp tểnh khoác vào mình cái áo mới may bằng tấm vải đã cũ là “Học viện Hành chính Quốc gia”. [4]

Nếu khái niệm quốc gia được phục hồi theo sự tàn lụi của chủ nghĩa quốc tế thì ý nghĩa “theo”, trong “theo quốc gia”, có một số phận khác hẳn. “Theo” bên này hàm ý chống lại bên kia. “Theo quốc gia” ngụ ý chống lại “cộng sản” và, bây giờ, chuyện “chống cộng” của người Việt ở nước ngoài đã là bi hài kịch dở khóc dở cười.

Chữ ấy đã và đang khiến nhiều người cảm thấy e dè, thiếu thoải mái. Bây giờ mà “khen” một nhà thơ hay nhà văn như là một cây bút “rất là chống cộng” thì nhận xét này có thể được hiểu như một hàm ý chê bai và, bản thân người được khen, có thể xem như một sự hạ nhục. Với những trò chống cộng ồn ào và rẻ tiền đang tràn lan hiện tại thì, có nhắc đến chữ “chống cộng”, hiếm ai nghĩ về ý niệm này như một hành trình ý thức đầy như những trăn trở của các nhân vật Tân, Hãng, Hiển v.v... của Doãn Quốc Sĩ trong Khu rừng lau. Cũng chẳng ai động lòng nghĩ đến băn khoăn của ông Ngô Đình Nhu, ít ra là trên lời lẽ của ông, khi ông phì phèo thuốc lá trả lời một ký giả Pháp, đoạn phỏng vấn từng được nhà sản xuất Vietnam, a Telivison History sử dụng làm tư liệu, đại loại: “Chúng tôi không chống cộng sản như chống lại những con người mà là chống lại một ý thức hệ.” Cách đây mấy năm, khi nhà văn Võ Phiến gây mích lòng bởi không ghi nhận tên này tên kia trong bộ Văn học miền Nam, đã có người, trên đủ phương tiện in ấn xoay xở được, phẫn hận bêu riếu đủ điều mà, trong đó, lặp đi lặp lại rằng ông chỉ là một “nhà văn chống cộng”. Nhưng chống cộng thì đã sao? Tôi nhớ, trong Nhận định, I hay II gì đó, đọc lén lút vào tuổi chưa lớn giữa cái thời khao khát sách vở, tác giả Nguyễn Văn Trung đã gây ở tôi một ấn tượng khó tả khi bác bỏ ý kiến “nhân danh dân tộc để chống cộng” của ai đó và nhấn mạnh rằng “phải nhân danh con người” để chống. Đã vì người, đã nhân danh con người thì việc gì phải e dè hổ thẹn và những “Mưa đêm cuối năm”, “Thác đổ sau nhà”, “Chữ tình”, “Người tù” hay “Về một xóm quê” của Võ Phiến chẳng phải là những tác phẩm sâu sắc và rất “người” hay sao? Vấn đề ở đây là sự nhập nhằng, là đánh lận con đen. Khi công kích Võ Phiến như thế người ta đã cố ý đem những tác phẩm chống cộng “rất người” của ông cách đây mấy thập niên đặt vào không khí chống cộng không được... người của ngày hôm nay.

Không được người thì ắt là, phải nghĩ tới Tú Xương, với thành ngữ “nửa người nửa ngợm”. Chính cái tính chất “nửa người nửa ngợm” trong không khí chống cộng hiện tại đã khiến người ta cảm thấy e dè, ngần ngại và, do đó, cảm thấy thiếu thoải mái trước thuật ngữ “chống cộng”. Kiểu “đấu tranh” gây phản cảm. Vì dân chủ thì lợi cho độc tài. Chống cộng thì lợi cho... tư bản đỏ. Cái bi hài kịch dở khóc dở cười là ở đó. Nhưng ý niệm “nửa người nửa ngợm” chỉ diễn tả cái gì đó cá nhân, đơn lẻ. Kiên nhẫn cộng từng cái đơn lẻ lại với đến đâu đi nữa thì giỏi lắm chúng ta cũng chỉ có được một tập hợp rời rạc những cái đơn lẻ. Để có một hành vi cộng đồng nhất quán, phổ biến và xuyên suốt như thế thì phải có yếu tố gì đó khả dĩ gọi là “chủ nghĩa”. Yếu tố đó không xuất phát từ tính nhất quán của một hệ thống lý luận mà từ một niềm tin nhất quán của một tập thể đông đảo, khăng khăng rằng những hành động nhố nhăng gây phản cảm của họ chính là một sự dấn thân cao cả. Nhưng đó là nhìn từ trong cuộc. Từ ngoài, để có thể gọi đó như một thứ “chủ nghĩa” thì ít ra cũng phải tìm kiếm bản lai diện mục của nó từ một vài “ism” được đời biết tiếng nào đó mà, ở đây, có thể tìm từ Marxism đến McCarthyism và, thậm chí, Mahathirism.

Nói đến Marxism thì dường như Karl Marx, từ góc độ đối cực, cũng từng băn khoăn cái sự thể “chống tư bản chỉ lợi cho tư bản” nên mới lo lắng phân biệt đâu là “vô sản” và đâu là “vô sản lưu manh”. Với Marx thì giai cấp vô sản, tức Proletariat, như những thành phần xã hội “không sở hữu một phương tiện sản xuất trong tay”, sẽ là lực lượng thực hiện cách mạng giai cấp nhưng không phải bất kỳ ai tay trắng cũng có thể ngon lành đóng vai cốt cán cách mạng. Bởi bên cạnh Proletariat còn có những Lumpenproletariat, hạng vô sản lưu manh, những kẻ sống ngoài vòng pháp luật. Để chống lại những môn đệ rơi rớt của Marx thì những đối thủ đích thực của Marx cũng phải học hỏi phương cách của Marx để phân biệt đâu là “chống cộng” và đâu là “chống cộng lưu manh”. Cái “chủ nghĩa” trên, như thế, chính là “chủ nghĩa chống cộng lưu manh”.

Cái khác của dân tộc Đức, cũng như bất cứ những dân tộc làm được nhiều việc lớn khác, so với dân tộc Việt là, hay hay dở, đạo đức hay vô đạo, mặt nào họ cũng có thể đi đến mức tận cùng và tột đỉnh cả. Với tinh thần quốc gia, người Đức đã đi đến mức thái quá để trở nên đáng tởm với chủ nghĩa phát xít. Cũng với tinh thần quốc gia, họ điềm tĩnh và sáng suốt để làm những điều mà cả nhân loại phải nghiêng mình ngưỡng mộ: họ đứng dậy từ vết thương đại chiến, mạnh mẽ, đàng hoàng; họ thực hiện những điều tưởng là bất khả như dễ dàng xoá bỏ những cách biệt chính trị trời vực để thống nhất đất nước mà không cần phải hy sinh lấy nửa thế hệ. Thậm chí họ, với cùng ý niệm quốc gia, đã đi đến tận cùng của chủ nghĩa lưu manh với những băng đảng tân phát xít không một cọng tóc trên đầu và đầy những hình xăm trổ trên thân. Người Việt thì khác. Cái gì chúng ta cũng dở dở ương ương. Trong quá khứ những thành phần ưu tú nhất của chủ nghĩa quốc gia đã không thể vươn lên thế lãnh đạo của phong trào giải thực mà còn bị đẩy lùi, thậm chí còn bị sai khiến, bị lạm dụng để trở thành nạn nhân hay những con rối trong tay chủ nghĩa quốc tế. Họ cũng chưa bao giờ thực sự hoà lấp được những cách biệt chính trị lặt vặt để ngồi lại với nhau. Thậm chí, cả ở mặt tối nhất họ cũng chưa ai có đủ bản lĩnh để đi tới chỗ tận cùng của chủ nghĩa lưu manh, như những băng đảng tân phát xít của người Đức. Cái bi hài kịch chống cộng dở khóc dở cười hiện tại cũng là ở đó. Là sự nhập nhằng của cái lưu manh và cái nghiêm túc, chỉnh tề.

Nếu thủ đô của một quốc gia nào, kinh tế hay chính trị, đều là nơi tập trung cao nhất những tinh hoa lẫn cặn bã của quốc gia đó thì “thủ đô chống cộng” Bolsa của người Việt lưu vong ở California cũng vậy. Đó là nơi tập trung cao nhất những tinh hoa và cặn bã của phong trào chống cộng. Đó là nơi tập trung những trò chống cộng ồn ào nhất, rẻ tiền nhất và gây phản cảm nhất. Như những kẻ chống cộng lưu manh, họ không hề “nhân danh con người để chống cộng” mà là nhân danh cái sự “chống cộng” để chống lại bất cứ cái gì, kể cả chống lại con người. Nhưng không phải lần đầu đất California mới chứng kiến cái sự chống cộng kiểu này, như là sinh hoạt bên lề, của một tập thể bên lề trong một cộng đồng bên lề. California, như là vùng đất của những nghệ sĩ thiên tả tập trung ở Hollywood, đã từng bị khuấy động bởi phong trào tố cộng theo kiểu chụp mũ mang tên McCarthyism.

Chủ nghĩa McCarthy, hay phong trào tố cộng mang tên Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy, đã khuấy động nước Mỹ trong gần suốt nửa đầu thập niên 50 và bắc cầu giữa hai đời tổng thống. Bắt đầu bằng bài diễn văn tố cộng đầu năm 1950, McCarthy đã tác oai tác quái trong vai trò chủ tịch Ủy ban Điều tra của Quốc hội Mỹ và thậm chí còn khiến cả hai vị tổng thống e dè. Trong giai đoạn căng nhất của Chiến tranh Lạnh, sau khi Nga thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên vào tháng 8 năm 1949, McCarthy đã bộc lộ sự lưu manh chính trị của mình khi xoay xở tâm lý lo sợ người Mỹ để biến thành chủ đề của chính cá nhân mình. Trong một chiến dịch dai dẳng kéo dài ngót nghét bốn năm, McCarthy rất dễ dãi trong việc chụp mũ “cộng sản” vào đầu công dân Mỹ nhưng lại rất khó khăn trong việc cung cấp bằng chứng cho những cái “mũ” ấy. Và như là hình thức giản tiện nhất của chủ nghĩa McCarthy, phong cách chống cộng lưu manh của người Việt hiện tại cũng có những nét tương đồng nào đó, từ phương cách chụp mũ dễ dãi và khó khăn bằng chứng cho đến cốt cách cá nhân.

Cứ so sánh những nhà tố cộng hăng tiết ấy với hung thần tố cộng McCarthy thì sẽ thấy rằng, ngoài tính lưu manh dễ dãi, họ còn giống nhau ở thói công thần. Mới tập tành tham chính, cố hết sức để đánh bại ông Robert M. La Follette, thượng nghị sĩ đương nhiệm của tiểu bang Winconsin, McCarthy đã khuếch đại và nhai đi nhai lại về “thành tích chiến đấu” của mình trong Đệ nhị Thế chiến để nhấn chìm tên tuổi của nhà lập pháp chỉ biết nấp kín ở hậu phương. McCarthy giấu biệt lợi lộc từ những đầu tư thời chiến của mình nhưng lại phanh phui lợi lộc của đối thủ để diễn tả ông ta là một giống ký sinh trùng ăn bám chiến tranh trong khi chính mình đổ máu ngoài mặt trận. [5] Những nhà tố cộng hăng tiết của chúng ta cũng thế. Họ giấu biệt những hố đen trong quá khứ của mình nhưng lại tận sức đào bới những bóng mờ hay nếp gấp trong quá khứ người khác. Và họ hành xử như những bậc công thần khi ỉ lại vào quá khứ của mình, thậm chí ỉ lại vào cái quá khứ nạn nhân của mình. Và khi ỉ lại vào cái quá khứ nạn nhân như thế họ đã, vô hình trung, hành xử như những môn đồ nhạt nhẽo của chủ nghĩa Mahathir.

Chủ nghĩa Mahathir, hay Mahathirism là chủ trương chính trị khu vực của ông Mahathir bin Mohammad về sự đối kháng của Đông Á trước “bá quyền” cuả phương Tây. Có nhiều điểm để nói về thứ chủ nghĩa này nhưng, ở đây, thích hợp nhất, có lẽ, là chủ nghĩa ăn vạ. Nhà lãnh đạo một thời của Malaysia, từ 1981 đến 2003, đã dựa vào tư thế nạn nhân trong quá khứ thuộc địa của khối Đông Á để cầm giữ các quốc gia phương Tây như những con tin đạo đức nhằm đạt đến mục tiêu chính trị của mình. Phương Tây phản đối kỹ nghệ gỗ của Malaysia hay những quốc gia thuộc thế giới thứ ba ư? Thì, trước đây, như những nhà khai thác thuộc địa, họ đã tàn phá bao nhiêu cánh rừng của những thuộc địa như Malaysia rồi? Họ lấy tư cách gì để lên mặt đạo đức. Khi lập luận như thế thì, rõ ràng, ông Mahathir đã mang cái quá khứ bi thương của mình ra để ăn vạ, để từ đó tự cho mình cái quyền vô trách nhiệm trước hiện tại. Những nhà tố cộng hăng tiết nhất của cộng đồng chống cộng ở hải ngoại cũng thế, cũng đem quá khứ mình ra để ăn vạ để, từ đó, tự cho mình cái quyền vô trách nhiệm trước hiện tại. [6]

Những gì đang diễn ra ở California trong mấy tuần lễ qua chính là một trò ăn vạ vô trách nhiệm như thế. Chủ động ăn vạ hay nhiệt tình nhưng khờ khạo để bị lôi kéo rủ rê, họ đang đưa thân ra ăn vạ. Họ ăn vạ bằng thành tích quá khứ hay bằng quá khứ làm nạn nhân của mình một kiểu công thần chủ nghĩa, theo lối McCarthy. Và họ bắt vạ bằng cách khuếch đại và nhai đi nhai lại những sơ suất nhỏ nhặt của người khác để cầm giữ kẻ đó như một thứ con tin đạo đức, một kiểu bắt vạ, theo lối Mahathir. Nhưng ăn vạ hay bắt vạ là một trò lưu manh hay tập tục cổ điển chẳng cần phải học từ nhà lãnh đạo có nét mặt cau có từng mơ làm thủ lĩnh tinh thần của khu vực Đông Á. Trò ăn vạ đã hình thành trong xã hội truyền thống, đã từ những làng quê Bắc bộ đi vào tục ngữ ca dao, đi vào văn học sử qua những trang viết của Tô Hoài hay Nam Cao mà, trong đó, “tới” nhất là Chí Phèo của Nam Cao. Như là những môn đệ tồi tệ nhất của chủ nghĩa Mahathir, những nhà tố cộng lưu manh tuy không bị ràng buộc trong lũy tre xanh ở làng quê Bắc bộ, họ vẫn chưa vươn tới tầm thế giới, thậm chí quốc gia. Họ chưa bao giờ ăn vạ ở trụ sở Đại Hội đồng Liên hiệp quốc. Họ cũng chưa bao giờ dám ăn vạ trước Hội trường Ba Đình, những ngày đại hội rợp trời cờ xí. Họ chỉ lẩn quẩn ăn vạ trong một cái “làng” Việt kiểu mới ở California như những Chí Phèo đời mới. Nhưng tệ hơn tên Chí của làng Vũ Đại khi hắn ta dám đi đến mức gay gắt nhất của trò lưu manh là rạch mặt ra để ăn vạ, họ lại co ro nấp bóng bàn thờ tổ tiên để bắt vạ. Nếu cần thì Satan có thể viện dẫn Kinh Thánh và nếu cần thì những Chí Phèo hiện đại cũng có thể nấp bóng bàn thờ. Và khi làm như thế họ chính là những kẻ cực kỳ vô trách nhiệm. Họ làm cho lớp trẻ khinh miệt. Họ làm khối người Việt chia rẽ và chán ngán. Họ khiến xã hội Mỹ nhìn về cộng đồng Việt như một cộng đồng bệnh hoạn, chưa biết cách sống trong một môi trường dân chủ và độ lượng. Và họ khiến bất cứ ai, Mỹ hay Việt, có ý thức về sự tử tế đều ngại ngần, xa lánh.

Sống ở nước Mỹ, chịu khó đọc sơ qua lịch sử nước Mỹ, ắt họ phải biết rằng phong trào tố cộng McCarthy đã bị ném vào sọt rác do sự tuyên chiến của lòng tử tế. Thoạt đầu là bài diễn văn của Tổng thống Dwight Eisenhower về những cuốn sách tử tế và sau là lời chất vấn của luật sư Joseph Nye Welch về sự tử tế của chính thủ lĩnh phong trào. Tháng Sáu năm 1953, giữa lúc thầy trò McCarthy hò hét nhau vào các thư viện để vứt hết những sách vở có nội dung thiên tả vào đống lửa, ông Eisenhower đã kêu gọi các sinh viên Dartmouth đừng có a tòng với “bọn đốt sách”. Nhà lãnh đạo xuất thân võ biền đã khuyên bảo các sinh viên cứ việc đến các thư viện, cứ việc đọc bất cứ cuốn sách nào miễn là những dòng chữ trong đó không xâm phạm đến quan niệm của họ về sự “tử tế”. [7] Gần đúng một năm sau, trong buổi điều trần được truyền hình trực tiếp khắp nước, luật sư Joseph Nye Welch, đại diện pháp lý cho nạn nhân của McCarthy, đã quạt thắng với nhà tố cộng số một rằng, phải chăng, nhà tố cộng này đã không còn ý niệm nào về sự “tử tế”. Sự thách thức này đã chuyển hướng suy nghĩ của cả công chúng lẫn giới lập pháp Mỹ, vốn đã chán ngán cái luận điệu tố cộng vô căn cứ đã nhàm tai hơn bốn năm qua. Ủy ban Điều tra bị giải tán. Nhà tố cộng số một bị mất hết quyền hành. Và, hết thứ để tố, nhà tố cộng đã phải tìm quên bằng cách tự “tố” chính mình để rồi chết trong quên lãng, như một con sâu rượu.

Phải chăng đó cũng là một phương cách tồn tại của những nhà chống cộng chỉ để... chống cộng của chúng ta? Phải chăng, thay vì men rượu, họ phải chọn thứ men say nào đó mới có thể khẳng định mình? Để chống cái gì hay để vì cái gì đó thì, trước hết, phải là một người tử tế. Đã đến lúc những người Việt tử tế phải tuyên chiến với những kẻ chống cộng lưu manh, những kẻ chỉ nhân danh tự thân cái sự “chống cộng” để chống lại bất cứ thứ gì, kể cả chống lại con người...

© 2008 talawas



[1]talawas, Trần Văn Tích, 26.3.2008: “… Ông Phong Uyên trên talawas ngày 24.03.08 cho rằng “ý niệm dân tộc (…) biến thành chủ nghĩa (…) đề cao chủng tộc, (…) từ Đức Quốc xã của Hitler (…)”. Ông nói đúng. Tôi có cảm tưởng người Đức ngại ngần khi dùng các chữ Nationalist, Nationalismus. Lúc mới sang Đức và còn được trợ cấp để theo học các khoá Đức ngữ, tôi thỉnh thoảng tự xưng mình là người quốc gia, Ich bin ein Nationalist. Các thầy cô giáo người Đức tìm cách trình bày cho tôi rõ rằng Đức ngữ hiện đại có khuynh hướng gán cho từ ngữ Nationalismus hàm nghĩa xấu (meist abwertend). Phải chăng vì thế mà cơ cấu túc cầu quốc gia Đức mang tên Bundesliga trong khi ở Áo, ở Thụy Sĩ nó được gọi là Nationalliga? Tất nhiên cũng có các chữ Nationalmanschaft (đội tuyển quốc gia), Nationalhymne (quốc ca) v.v.. Khi tôi hỏi vậy tôi muốn nói rằng tôi là người Việt quốc gia tỵ nạn cộng sản thì phải tự xưng thế nào, thì mấy ông thầy bà giáo Đức ngữ ờ ờ rồi bảo nên dùng lối diễn tả dài dòng hơn chút chút, thay vì chỉ nói độc một chữ Nationalist, nghe ghê ghê!”
[2]Tôi chỉ nói đến những thành phần neofacism mà báo chí thường gọi là “skinhead”, xin lỗi những nguời rụng tóc, cạo đầu vì thời trang hay để vào chùa!
[3]Đó là chủ nghĩa quốc gia hiện đại. Trên thực tế thì thì ý niệm “quốc gia” của Việt Nam hình thành sớm nhất, từ thế kỷ 15 trong bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi: “Như nước Đại Việt ta từ trước / Vốn xưng nền văn hiến đã lâu / Núi sông bờ cõi đã chia / Phong tục bắc nam cũng khác”. Chỉ mấy câu này đã định nghĩa “quốc gia” Đại Việt thời ấy với các yếu tố: lịch sử, lãnh thổ, văn hoá, phong tục.
[4]Có thể kể thêm một số cơ quan hay danh xưng với chữ “quốc gia” như: “Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia”, “Hội Tim mạch học Quốc gia Việt Nam”, “Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam”, “Chứng chỉ Quốc gia ngoại ngữ / tin học”.
[5]Được miễn dịch vì làm việc trong ngành tư pháp, năm 1942 McCarthy xung phong nhập ngũ gia nhập thủy quân lục chiến. Có tài liệu cho biết ông ta chọn binh chủng này để dọn đường làm chính trị sau này. McCarthy bị thương một lần và kể đi kể lại về chuyện này nhưng mỗi lần mỗi khác. McCarthy trở thành xạ thủ trên máy bay, tham gia 12 phi vụ chiến đấu nhưng giả mạo giấy tờ để khai thành 32 phi vụ để nhận huy chương Distinguished Flying Cross. Khi Pearl Habour bị oanh tạc (1942) thì La Follette đã 46 tuổi, quá tuổi để được nhận đi lính. Năm 1943, khi tòng quân, McCarthy đã đầu tư vào thị trường chứng khoán và kiếm được khoản lãi 42.000 $ trong năm, so với khoản đầu tư của La Follette chỉ kiếm được 47.000 trong hai năm.
[6]Xin trích một đoạn về một “nhân vật đấu tranh” ở Bolsa mà Kim Thi gọi đích danh là “Chí Phèo” trên tạp chí Hợp Lưu số 49, tháng 10 & 11 năm 1999, trên mục “Ngày... tháng...” ở trang 236.
“Về thành tích chống cộng xuyên qua trò hề biểu tình của tên Chí Phèo Ngô Kỷ cùng đám đàn em. Một tờ báo của những người trẻ xuất bản tại quận Cam đã chạy một trang quảng cáo, Kim Thi cũng sẽ scan và gửi đến quý độc giả sau đây. Với tên Chí Phèo ấy, có lẽ Kim Thi không cần có thêm một ‘lời bàn Mao Tôn Cương’ nào khác. Tự thân trang quảng cáo là một phát thảo chân dung tới nhất, về hắn.’
Nhân vật này cũng là một trong những người lãnh đạo cuộc biểu tình “chống chậu rửa chân” nói trên.
[7]Eisenhower: “Don't join the book burners. Don't think you are going to conceal faults by concealing evidence that they ever existed. Don't be afraid to go in your library and read every book, as long as that document does not offend our own ideas of decency.” Joseph Welch: “You have done enough. Have you no sense of decency?"