© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
5.5.2004
DÅ©ng VÅ©
Sơ lược về vấn đề dịch thuật
 1   2 
 
Ngữ pháp, cú pháp, ngữ nghĩa, dụng pháp

Làm việc với dịch thuật, người dịch không những chỉ đương đầu với những vấn đề nội tại của nó mà còn vướng phải những vấn đề do chính mình gây ra. Thông thường, thiếu thành thạo ngôn ngữ gốc là nguyên do khiến một bản dịch không đạt. Ví dụ, người dịch rất giỏi tiếng Anh nhưng yếu tiếng Ðức, cho nên khó có thể dịch một văn bản tiếng Ðức sang tiếng Anh một cách hoàn hảo. Thế nhưng lại có trường hợp trái ngược là người dịch vốn thành thạo ngôn ngữ dịch, nhưng sau một thời gian làm việc dịch thuật, thẩm năng này bị yếu dần. Ví dụ, một dịch giả Việt Nam vốn rất giỏi tiếng Việt; sau một thời gian dịch tiếng Anh sang tiếng Việt, tiếng Việt của anh ta dần dần hóa thành tiếng Anh.

Bị ngôn ngữ gốc ảnh hưởng là một hiện tượng thiếu bản lĩnh ngôn ngữ điển hình. Thiếu bản lĩnh ngôn ngữ, người dịch có thể làm hỏng ngôn ngữ mình thông thạo lúc nào không biết. Thực chất của vấn đề này chẳng qua là do thiếu kiến thức lý thuyết ngôn ngữ (cú pháp, ngữ pháp, ngữ nghĩa, dụng pháp). Thiếu các vốn liếng đó, người dịch khó hiểu được sự khác biệt về cấu trúc giữa hai ngôn ngữ (ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ dịch). Do đó, thay vì chỉ nên làm công việc chuyển tải tinh thần nội dung đúng theo nghĩa dịch thuật, người dịch đã vô tình làm thêm một công việc nữa là chuyển tải cả cấu trúc ngôn ngữ gốc vào ngôn ngữ dịch. Vấn đề này càng dễ xảy ra khi dịch sát chữ. Người đọc tiếp cận những cấu trúc lạ, quen dần, và tiếp tục truyền bá trong cộng đồng ngôn ngữ của mình. Cuối cùng, cấu trúc ngôn ngữ dịch bị cấu trúc ngôn ngữ gốc đồng hóa. Thế nhưng không toàn phần mà chỉ từng phần. Chính vì từng phần mà hệ thống cấu trúc ngôn ngữ bị pha trộn lộn xộn, mất tính thuần nhất. Một ví dụ:

Cấu trúc câu tiếng Anh thường có dạng: Subject + Verb + Object (SVO).


My name           is              John
(Subject)       (Verb)        (Object)

"Is" trong câu trên đóng vai động từ (được chia từ động từ nguyên mẫu "to be") được dùng cho chủ ngữ "My name". Đây là loại chủ ngữ ngữ pháp (grammatical subject) (chủ thể ngữ pháp). Nó bắt buộc phải có để câu đừng sai ngữ pháp.

Cấu trúc câu tiếng Đức tương tự vậy ("Mein Name ist John"). Nói chung, đây là một cấu trúc câu mẫu theo mô hình chủ vị (Subject-Predicate) tiêu biểu của ngôn ngữ Âu châu.

Dịch sát câu tiếng Anh trên sang tiếng Việt, ta có câu: "Tên tôi là John". Trong thực tế, đây không phải là lối hành ngôn của người Việt. Thay vì vậy, người Việt nói "Tôi tên là John". Câu này có đến hai chủ ngữ: "Tôi", "tên". Rất có thể vì không thể giải thích cấu trúc của nó theo mô hình SVO, mà sẽ có người cho rằng, câu này sai ngữ pháp. Suy nghĩ này không đúng. Thực ra phải nói rằng, vì cấu trúc SVO bị giới hạn nên mới không giải thích được loại cấu trúc Đề-Diễn của những ngôn ngữ khác ngôn ngữ Âu châu, điển hình là tiếng Việt, tiếng Hoa.

Nên hiểu rõ vấn đề là, trong quá khứ, mọi lý thuyết ngữ pháp Tây phương đều được dựng nên từ nền tảng cấu trúc ngôn ngữ Âu châu. Ngôn ngữ của phần thế giới còn lại hầu như không được khảo cứu. Đến khi gặp gỡ những ngôn ngữ phi Âu châu (như tiếng Việt, Hoa, Nhật, Đại Hàn, Nam Dương, Thái, Tagalog, ...), các nhà ngôn ngữ học Tây phương mới ngộ ra rằng: Không phải ngôn ngữ nào cũng giống ngôn ngữ Âu châu như người ta hằng tưởng. Cho nên không thể cắt nghĩa cấu trúc những ngôn ngữ ấy một cách hoàn hảo bằng những lý thuyết ngữ pháp Âu châu cổ điển được. Và logic là vậy. Nhận thấy được điều ấy, giới ngôn ngữ học hiện đại mới đưa ra những lý thuyết ngữ pháp mới để giải quyết vấn đề này. Cụ thể là Ngữ pháp chức năng (Functional Grammar) (Halliday 1994), Ngữ pháp chức năng từ vựng (Lexical Functional Grammar) (Bresnan 1982), Head-Driven Phrase Structure Grammar (HPSG) (Pollard, Sag 1994). Ví dụ "Tôi" "tên" trong cấu trúc "Tôi tên là John" có thể giải thích bằng ngữ pháp chức năng như sau: "Tôi" là chủ thể tâm lý, "tên" là chủ thể ngữ pháp. (Xem thêm chú thích [4] của kỳ trước hoặc tài liệu tham khảo).

Hiểu được một từ lạ trong văn bản gốc mà ngôn ngữ dịch không có đã là một điều khó, dịch được nó lại càng khó. Gặp trường hợp này, người dịch chỉ có hai lựa chọn: hoặc để nguyên từ nguyên gốc, hoặc tạo ra một từ mới.

Ðể nguyên từ nguyên gốc (và kèm theo chú thích) là cách đơn giản nhất. Chọn cách này chưa hẳn vì lý do nhàn hạn mà có thể vì không dịch được.

Tạo từ mới có hai cách: hoặc phiên âm từ gốc, hoặc tạo ra một từ mới hoàn toàn.

Phiên âm là biện pháp bản ngữ hóa một từ lạ của một ngoại ngữ thành một từ mới của bản ngữ. Từ mới thường có dạng viết gần giống từ gốc và được ghi âm theo cách phát âm của bản ngữ. "Café" (tiếng Pháp) được phiên âm (Việt hóa) thành "cà phê" (tiếng Việt).

Tạo một từ mới hoàn toàn là biện pháp khó nhất. Nó đòi hỏi người dịch phải thấu hiểu ngữ nghĩa của từ gốc và kiến thức về cách tạo từ sao cho đúng cú pháp của từng ngôn ngữ (ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ dịch). Ngoài những phạm trù ngôn ngữ, người dịch còn phải để ý tới nhiều yếu tố khác như lĩnh vực của đối tượng dịch, kiến thức chuyên môn, hậu cảnh văn hóa, xã hội, lịch sử, nghệ thuật, ... Thậm chí muốn dịch một số lượng lớn thuật ngữ, người dịch còn cần có bài bản, hệ thống quy tắc dịch thuật thống nhất. Thử lấy lĩnh vực tin học làm ví dụ:

Tin học là một ngành khoa học mới mẻ, đại diện cho thời đại thông tin. Có rất nhiều khái niệm mới đã ra đời từ khoa học này. Mỗi khái niện cần có một cái tên gọi (hardware, software, ...). Việc dịch thuật thuật ngữ tin học sang bản ngữ đã trở nên cần thiết đối với những xứ phát triển. Bởi số lượng thuật ngữ quá lớn và ngày càng tăng nhanh chóng, cho nên công việc dịch thuật càng trở nên phức tạp, từ đó, đã nảy sinh ra nhiều vấn đề. Điển hình là bài học kinh nghiệm Việt Nam.

Chỉ cần nhìn sơ qua một số thuật ngữ tin học được dịch sang tiếng Việt và đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam như thể đã được công nhận là những sản phẩm dịch thuật hoàn hảo, không cần điều chỉnh, bất kỳ người hiểu biết nào cũng có cùng một nhận xét rằng, dịch thuật thuật ngữ tin học ở Việt Nam ngay từ đầu đã thiếu hẳn bài bản. Nó có tính cách tự phát từ cá nhân hơn là đã được nghiên cứu kỹ lưỡng xuyên qua một hội đồng ngôn ngữ chuyên tin học. Vài ví dụ:

"Phần cứng" (hardware), "phần mềm" (software) là hai thuật ngữ tin học rất quen thuộc. Hai sản phẩm dịch thuật này có vấn đề.

Theo tác giả hai sản phẩm trên, thì "ware" được hiểu là "phần", "soft""mềm", "hard" "cứng", ghép "phần" với "mềm" thành ra "phần mềm", ghép "phần" với "cứng" thành ra "phần cứng". Cách tạo từ này theo đúng quy tắc cú pháp tiếng Việt: danh từ (noun) + bổ ngữ (complement) (bổ ngữ có thể là tính từ hay danh từ):


"Phần"           + "mềm" = "phần mền"
(danh từ)             (tính từ)
"Phần"           + "cứng" = "phần cứng"
(danh từ)             (tính từ)

Khác với tính phóng khoáng của dịch thuật văn chương, dịch thuật khoa học cần tính hiển ngôn và thống nhất về mọi phạm trù ngôn ngữ (cú pháp, ngữ pháp, ngữ nghĩa) như có thể để đạt tính tương đương. Cách tạo từ trên đã thỏa tính thống nhất về mặt cú pháp theo quy tắc: danh từ + bổ ngữ. Nó cũng thống nhất luôn về mặt ngữ nghĩa qua cách hiểu "ware" "phần" (trong "phần cứng", "phần mềm"). Vậy, có thể tin rằng, kết quả dịch thuật đã hoàn hảo ? Câu trả lời là: cần xét lại !

Từ "ware" của tiếng Anh ("Waren" của tiếng Đức) thực ra không có nghĩa là "phần" (part) mà là "đồ", "hàng". Ngoài "hardware", "software", trong kho tàng thuật ngữ tin học còn có những từ khác cũng chứa chữ "ware" như: "freeware", "shareware", "bookware".

Để thống nhất theo cách dịch "hardware" thành "phần cứng", "software" thành "phần mềm", ta phải dịch "freeware" thành "phần miễn phí", "shareware" thành "phần chia sẻ", "bookware" thành "phần sách". Kết quả là những từ tối nghĩa và tự động đã không tự chứng minh được tính hiển ngôn, tính tương đương ngữ nghĩa.

Còn nếu cho rằng, trong trường hợp này, không nên dịch "ware" thành "phần", mà là "đồ", "hàng" chẳng hạn (nghe có vẻ hợp lý hơn), thì lại thiếu tính thống nhất. Đó là vấn đề.

Rất dễ đoán được vấn đề của sản phẩm "phần cứng", "phần mềm" từ đâu ra. Một là do thiếu hiểu biết về tin học. Hai là có hiểu biết nhưng vội vã, thiếu tầm nhìn xa. Người dịch chỉ nhìn thấy trước mắt "software", "hardware", "firmware" chứ không ngờ sẽ còn có những thuật ngữ khác nữa sẽ lần lượt xuất hiện như "freeware", "shareware", "bookware", ... và bị hố.

Kinh nghiệm dịch thuật đã chỉ ra rằng, cách ứng xử khôn ngoan nhất đối với một khoa học còn mới mẻ là nên theo sát từ ngữ, dịch sát từng ngữ nghĩa nằm trong đó.

Đối với tiếng Việt nói riêng, muốn làm được việc ấy, điều cần thiết trước nhất là chọn một hình thức tạo từ tiếng Việt tối ưu nhất (thống nhất về mọi phạm trù ngôn ngữ như có thể). Có hai lựa chọn, hoặc theo hình thức Việt, hoặc theo hình thức Hán-Việt. So sánh hai hình thức này với nhau, ta thấy hình thức Hán-Việt có nhiều ưu điểm hơn, chẳng hạn khả năng làm tiền tố/hậu tố, bổ nghĩa bên tay trái, cấu trúc từ chặt chẽ (không bị lẫn lộn với cấu trúc mệnh đề, cấu trúc từ Việt với lối bổ nghĩa bên tay phải), ... Hầu hết thuật ngữ tiếng Việt đều theo hình thức Hán-Việt cũng vì ưu điểm của nó. Hình thức dịch thuật danh từ khoa học của Hoàng Xuân Hãn là một ví dụ điển hình [1] .

Chỉ cần phân tích sơ hai từ "phần cứng", "phần mềm" bên trên cũng đủ thấy công việc tạo từ khoa học không đơn giản chút nào. Còn nhiều yếu tố khác nữa cần lưu ý. Tất cả đều nằm trong lý thuyết ngôn ngữ. Lý thuyết ngôn ngữ có thể khô khan, phức tạp, thế nhưng đối với người làm công việc dịch thuật một cách nghiêm túc, đó là những cái thực sự cần thiết, không thể thiếu. (Có thể xem thêm tài liệu: Nguyễn Kim Thản (1997), Nguyễn Tài Cẩn (1999), Phan Khôi (1997), Nguyễn Đức Dân (1998)) [2] .


Thêm một vài vấn về dịch thuật văn chương, triết học

Câu hỏi phải dịch sát đến độ nào, được tự do đến độ nào đối với một văn bản văn chương vẫn còn là một đề tài tranh cãi suốt mấy trăm năm nay. Vấn đề chính vẫn nằm ở chỗ: tính đa dạng của văn bản văn chương. Theo nhóm ủng hộ lối dịch sát, dịch từng chữ một và trung thành tối đa với thể loại mới là biện pháp tốt nhất để đạt tính thẩm mỹ, tính đa nghĩa và tính nguyên gốc của văn bản gốc, kể cả việc bất phục tùng cú pháp ngôn ngữ dịch, nếu cần. Ðối nghịch lại quan niệm hướng người gửi ấy là quan niệm hướng người nhận của nhóm ủng hộ lối dịch tự do. Nhóm này cho rằng, dịch một văn bản một cách chủ quan chỉ có thể là một trong nhiều cách thức khả dĩ; sự chuyển tải tính đa dạng của văn chương thực ra chỉ bị ràng buộc vào cách thức ấy. Khó có thể tưởng tượng được điều, có hai dịch giả cùng dịch một văn bản gốc mà kết quả giống hệt nhau.

Để giải quyết xung đột này, Mounin (1967:19) đề nghị, dịch thuật văn chương nên hướng đến nguyên bản càng nhiều càng tốt, song không nhất thiết phải đi ngược lại văn phong, cú pháp, ngữ pháp của ngôn ngữ dịch. Cả hai ngôn ngữ (gốc và dịch) cần được tôn trọng giống như nhau. Được vậy, dịch thuật sẽ không còn thuần tính hướng người gửi hoặc hướng người nhận theo chủ trương của nhóm dịch sát cũng như của nhóm dịch tự do. Chẳng hạn, người dịch có thể diễn tả sát ý tưởng của Nguyễn Du bằng một thể thơ khác, thay vì lục bát; ngược lại, người dịch được quyền diễn đạt ý tưởng của Hölderlin bằng thể thơ lục bát hoặc một thể thơ nào đó.

Ngoài thể thơ có luật, đối tượng dịch thuật còn bao gồm các thể văn xuôi (truyện, kịch, ký, ...). Sự giới hạn số chữ trong mỗi dòng thơ có luật thường là một chướng ngại vật khiến câu cú không thể theo đúng ngữ pháp. Song ở thể văn xuôi, câu cú không bị giới hạn này. Người dịch có thể hành ngôn đúng cú pháp, ngữ pháp, dụng pháp của ngôn ngữ dịch. Sử dụng đúng ngôn ngữ dịch trong văn xuôi vừa là một nghệ thuật và đồng thời là một điều kiện "phải" ("Muß"-Bedingung).

Ðiều kiện "phải" càng cần được lưu ý đối với loại văn bản tinh thần có tính tư duy nghiêm túc, tiêu biểu là văn bản triết học. Làm việc với loại văn bản này, điều đòi hỏi tuyệt đối là ngoài khả năng chuyển tải đúng nội dung nguyên bản, người dịch còn phải có khả năng diễn đạt đúng ý tác giả (cách đặt vấn đề, cách suy diễn, quy nạp, ...). Ngay đến những nét ngữ nghĩa, tu từ, giá trị logic tinh vi nằm trong từng từ, từng chữ một cũng phải được lập thức đúng ý tác giả bằng một hình thức ngữ dụng tương tự. Ví dụ nét ngữ nghĩa phủ định trong cách dùng chữ của I. Kant trong tiểu luận Beantwortung der Frage: Was ist Aufklärung? [3] .

"Unmündig" (adj), "Unmündigkeit" (n) = "chưa trưởng thành", "vị thành niên" [4]
"Mündig" (adj), "Mündigkeit" (n) = "trưởng thành", "thành niên"

Tiền tố "un" (của tiếng Ðức) có nghĩa là "chưa", "không", "vô", "bất" (giá trị phủ định (Negation) trong logic học). Chủ ý của Kant là muốn diễn dịch nét phủ định của từ về mặt cú pháp cũng như ngữ nghĩa để rút ra công thức khai sáng. Về mặt cú pháp (tức cách tổ chức từ): bỏ tiền tố "Un" trong "Unmündig(keit)", ta được từ "Mündig(keit)". Về mặt ngữ nghĩa: muốn "mündig" (trưởng thành), thì phải bỏ tính "un" (chưa) của "unmündig" (chưa trưởng thành) đi. Bỏ nghĩa là phủ định. Đã hiểu được ý tác giả, người dịch cần tìm một lối ngữ dụng tương ứng (tương đương mỹ hình). Tiếng Việt cũng có lối ngữ dụng này: bỏ "chưa" trong "chưa trưởng thành", thì được từ "trưởng thành"; bỏ "vị" trong "vị thành niên", thì được từ "thành niên".

Nói tóm lại, dịch thuật văn chương, triết học đòi hỏi, thứ nhất, muốn hiểu rõ nguyên tác, người dịch phải có khả năng suy nghĩ, bày tỏ ý tưởng, cảm xúc của mình bằng ngôn ngữ gốc như chính tác giả, đồng thời phải hiểu tác giả đã suy nghĩ, bày tỏ ý tưởng, cảm xúc của mình bằng ngôn ngữ đó như thế nào; thứ hai, muốn chép lại nguyên tác ấy bằng một ngôn ngữ dịch, tốt nhất, người dịch nên nhuần nhuyễn ngôn ngữ đó như tiếng mẹ đẻ của mình.

Stuttgart, 13.04.2004

© 2004 talawas

Sơ lược về vấn đề dịch thuật (1/2)



Tài liệu tham khảo

Brekle, Herbert E. (1972) Semantik, 3. Auflage. München: Wilhelm Fink Verlag.
Bresnan, Joan (ed. ) (1982). The Mental Representation of Grammatical Relations. Cambridge: MIT Press
Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim (1925) Kiều. Hà Nội: Vĩnh Hưng Long Thư Quán.
Cao Xuân Hạo (1998) Tiếng Việt: Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa. TP.HCM: Nxb Giáo Dục.
Cao Xuân Hạo và nhiều tác giả (2000) Ngữ pháp chức năng tiếng Việt, quyển 1 - Câu trong tiếng Việt. TP.HCM: Nxb Giáo Dục.
Dũng Vũ (2003) Tiếng Việt và ngôn ngữ học hiện đại - Sơ khảo về cú pháp. Stuttgart: VIET.
Đào Duy Anh (1957) Hán-Việt Từ-Điển, Sài Gòn: Nxb Trường Thi.
Faber, Irene & Franz (1964) Nguyên Du - Das Mädchen Kiêu. Berlin: Rütten & Loening
Güttinger, Fritz (1963) Zielsprache - Theorie und Technik des Übersetzens, 2. Auflage. Zürich: Manesse.
Habermas, Jürgen (1971) Vorbereitende Bemerkungen zu einer Theorie der kommunikativen Kompetenz. In: Jürgen Habermas/Niklas Luhmann (Hrsg.), Theorie der Gesellschaft oder Sozialtechnologie - Was leistet die Systemforschung. Frankfurt/M: Suhrkamp.
Halliday, M.A.K (1994) An Introduction to Functional Grammar. London: Edward Arnold.
Hồ Xuân Hương (1991) Thơ Hồ Xuân Hương. Hà Nội: Nxb. Văn Hóa (Hrsg.)
Hönig, Hans G. (1995) Konstruktives Übersetzen, Mary (Hgsg.). Studien zur Translation. Bd. 1. Tübingen: Stauffenburg.
Hönig, Hans G./Kussmal, Paul (1996), Strategie der Übersetzung. Tübingen: Gunter Narr Verlag.
Narr Verlag.
Hymes, Dell (1972) Competence and performance in linguistic theory. In: R. Huxley & E. Ingram (eds.), Language Acquisition: Models and Methods. New York: Academic Press.
Koller, Werner (1992) Einführung in die Übersetzungswissenschaft, 4. Auflage. Heidelberg: Quelle & Meyer Verlag.
Kopetzki, Anenette (1996) Beim Wort nehmen: Sprachtheoretische und ästhetische Probleme der literarischen Übersetzung. Stuttgart: M & P. Verlag für Wissenschaft und Forschung.
Mounin, Georges (1967) Die Übersetzung: Geschichte. Theorie und Anwendung. München: Nymphenburger.
Nguyễn Chí Trung (2000) Le bateau ivre. Con tàu say. Bản dịch tiếng Việt (tài liệu riêng của tác giả).
Nguyễn Đức Dân (1998) Lôgích và tiếng Việt. Hà Nội: Nxb. Giáo Dục.
Nguyễn Kim Thản (1997) Nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt. Hà Nội: Nxb. Giáo Dục.
Nguyễn Tài Cẩn (1999) Ngữ pháp tiếng Việt. Hà Nội: Nxb. ÐHQG Hà Nội.
Phan Khôi (1997) Việt Ngữ Nghiên Cứu. Ðà Nẵng: Nxb. Ðà Nẵng.
Pollard, Carl and Ivan Sag (1994) Head-Driven Phrase Structure Grammar. Standford: CSLI Publications and Chigago: The University of Chicago Press.
Reiß, K. & Vermeer, H.-J. (1984) Grundlegung einer allgemeinen Translationstheorie. Tübingen: Niemeyer.
Rimbaud, Arthur (1972) Oeuvres complètes. Paris: Eđition Gallimord (Bibliothèque de la Pléiade). Walther Küchler (1978) Rimbbaud, Arthur. Sämtliche Dichtungen. Französisch und Deutsch. (Hrsg. und übertragen von Walther Küchler). Heidelberg: Verlag Lambert Schneider.
Searle, John R. (1969) Speech Acts : An Essay in the Philosophy of Language. Cambridge University Press. Có thể xem thêm: Minds, Brains, and Programs. Cambridge University Press, 1980. Consciousness and Language, Cambridge University Press, 2002.
Störig (1973) Das Problem des Übersetzens, Wege der Forschung VIII. Darmstadt: Wissenschaftliche Buchgesellschaft.



[1]Ví dụ này còn cho thấy một điều thú vị là một việc to lớn thế, không thua kém gì dịch thuật thuật ngữ tin học, mà một mình Hoàng Xuân Hãn cũng làm được chứ không cần đến một viện ngôn ngữ, hội đồng khoa học hay một đội ngũ dịch thuật.
[2]Các tài liệu ngữ pháp và cú pháp này giải thích khá kỹ về cách cấu tạo từ tiếng Việt. Tự chúng cũng khá thú vị. Có thể đọc Phan Khôi trước. Ông viết tương đối không nặng về lý thuyết như Nguyễn Kim Thản. Văn phong của Nguyễn Tài Cẩn cũng dễ đọc. Khác lối quan sát cấu trúc chữ/từ theo phạm trù cú pháp như những tác giả khác, Nguyễn Đức Dân chú tâm vào tính Logic của tiếng Việt. Đây là một yếu tố quan trọng trong việc tạo từ tiếng Việt mà xưa nay ít được để ý tới.
[3]Xem bản dịch Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì? - Thái Kim Lan, Talawas 12.02.2004. Chú dẫn của dịch giả: I. Kant: Beantwortung der Frage: Was ist Aufklärung?, S. 1 ff. Digitale Bibliothek Band 2: Philosophie, S. 24932 (vgl. Kant-W Bd. 11, S. 53 ff.). Các khái niệm Vormund, Unmündigkeit được dịch giả diễn đạt đúng ý Kant và đúng theo tinh thần tiếng Ðức.
[4]"Vị thành niên" là một từ Hán-Việt. "Vị" có nhiều nghĩa và ở đây có nghĩa là "chưa". (Đào Duy Anh (1957) Hán-Việt Từ-Điển, Sài Gòn: Nxb Trường Thi.)