© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
12.8.2004
Roland Barthes
Độ không của lối viết
Nguyên Ngọc dịch
 1   2   3   4 
 
Lối viết thủ công nghiệp và sự im lặng

Lối viết thủ công nghiệp nằm trong di sản tư sản, không xáo trộn tôn ti trật tự nào cả; không còn có cuộc đấu tranh nào khác, nhà văn có một niềm say mê đủ để biện minh cho mình rồi: sự thai nghén hình thức. Nếu anh ta từ chối công cuộc giải phóng một hành ngôn văn học mới, thì chí ít anh ta vẫn có thể nâng giá cái hành ngôn cũ lên, phủ lên nó đầy những ý đồ, một hành ngôn giàu có và sinh động. Lối viết truyền thống lớn ấy, lối viết của Gide, của Valéry, của Montherlant [1] , của cả Breton [2] nữa, chứng tỏ rằng hình thức, trong sức nặng của nó, trong sắc phục đặc biệt của nó, là một giá trị siêu việt đối với Lịch sử, cũng giống như hành ngôn nghi lễ của các vị giáo sĩ.

Lối viết thiêng liêng đó, nhiều nhà văn khác cho rằng chỉ có thể giải tà nó bằng cách làm phân rã nó ra: họ bèn đánh mìn hành ngôn văn học, mỗi lúc họ lại phá tung cái vỏ tái sinh của những sáo ngữ, những thói quen, cái vỏ hình thức quá khứ của nhà văn; trong mớ hỗn loạn các hình thức, trong sa mạc các từ, họ tìm đến một vật tuyệt đối không có Lịch sử, tìm lại vẻ tươi xanh của một trạng thái mới của hành ngôn. Song những bấn loạn ấy cuối cùng lại đào ra những rãnh mòn của chính chúng, làm ra những lề luật của chính chúng. Văn chương đe dọa mọi hành ngôn không thuần túy cơ sở trên lời nói xã hội. Cứ bị một cú pháp hỗn loạn đuổi chạy mãi về phía trước, sự tan rã của hành ngôn chỉ có thể dẫn đến một sự im lặng của lối viết. Chứng mất khả năng viết kết cục của Rimbaud hay một số nhà siêu thực khác - cũng chính vì thế mà bị rơi mất vào quên lãng - cuộc đánh đắm Văn học ngao ngán ấy, dạy ta rằng đối với một số nhà văn, hành ngôn, lối thoát đầu tiên và cuối cùng của huyền thoại văn học, rốt cuộc lại tái tạo ra chính cái mà nó định trốn chạy, rằng không có lối viết cách mạng nào đứng vững được, và rằng mọi sự im lặng về hình thức nếu không là bịp bợm thì cũng sẽ là một sự câm lặng hoàn toàn. Mallarmé, một kiểu Hamlet của lối viết, đã diễn đạt rất đúng cái khoảnh khắc mong manh này của Lịch sử, khi hành ngôn văn học chỉ đứng vững để mà hát cho hay hơn bài ca về cái chết tất yếu của nó. Lối đánh mất khả năng các con chữ của Mallarmé muốn tạo ra quanh các từ được làm loãng đi một khoảng trống trong lời nói, được giải phóng khỏi các hòa âm đầy tính xã hội và tội lỗi của nó, không còn vang vọng nữa. Từ ngữ, bị bóc đi lớp vỏ những sáo nghĩa quen thuộc, những phản xạ kỹ thuật của nhà văn, sẽ hoàn toàn vô trách nhiệm về mọi ngữ cảnh khả dĩ, nó tiến đến gần một hành vi ngắn gọn, đặc biệt, mà vẻ mờ đục xác định một sự cô đơn, tức là một sự vô tội. Nghệ thuật đó mang chính cấu trúc của sự tự vẫn, ở đấy sự im lặng là một thời gian thơ đồng chất, nó hãm kẹt và làm bùng nổ từ như một thứ ánh sáng, một chân không, một vụ sát hại, một tự do, hơn là một mảnh của một bản mật ước (Ta biết rằng giả thuyết về một Mallarmé người sát hại hành ngôn là của Maurice Blanchot). Ngôn ngữ Mallarmé ấy, đấy là anh chàng Orphée chỉ có thể cứu cái mình yêu bằng cách chối từ nó đi, và dẫu sao cũng quay nhìn lại phía sau một chút; đấy là Văn học được dắt dẫn đến ngưỡng của của Miền Ðất Hứa, nghĩa là đến ngưỡng của một thế giới không có Văn học, mà song le, chính các nhà văn sẽ phải làm chứng nhân.

Cùng trong một nỗ lực giải thoát hành ngôn văn học như thế, đây là một giải pháp khác: tạo nên một lối viết vô sắc, thoát khỏi mọi lệ thuộc vào một lề lối rõ rệt của hành ngôn. Một so sánh với khoa ngôn ngữ học có thể sẽ giúp ta nhận rõ điều này hơn: ta biết rằng một số nhà ngôn ngữ học phân định giữa hai từ ngữ đối cực (số nhiều - số ít, thời quá khứ - thời hiện tại) sự tồn tại một từ ngữ thứ ba, từ ngữ trung tính hay từ ngữ số không; như thế, giữa thức liên tiếp [3] và thức mệnh lệnh thì thức trình bày, hay nếu ta muốn, một lối viết phi thức; gọi đây là lối viết báo chí là đúng, nếu đích xác là báo chí không triển khai những hình thức khao khát hay mệnh lệnh (nghĩa là thống thiết). Lối viết mới trung tính đứng chính giữa những tiếng la hét và những lời phán xét ấy, mà không tham gia vào bên nào cả; chính sự vắng mặt những thứ đó làm nên lối viết này; nhưng sự vắng mặt này là toàn vẹn, nó không chứa một sự ẩn dấu, một bí mật nào, cho nên không thể nói đó là một lối viết thản nhiên; đúng hơn đó là một lối viết vô tội. Vấn đề ở đây là vượt qua Văn học bằng cách dựa vào một thứ ngôn ngữ cơ bản cách xa những hành ngôn sống ngang bằng với cách xa hành ngôn văn học, do Camus phát ra đầu tiên trong Người dưng, hoàn tất một văn phong vô tích, là sự vô tích gần như lý tưởng của văn phong; lối viết lúc này thu gọn lại thành một thức phủ định trong đó những tính chất xã hội hay huyền thoại của một hành ngôn triệt tiêu đi nhằm đạt đến một trạng thái trung tính và bất động của hình thức; như vậy tư tưởng gánh trọn mọi trách nhiệm, không cần phải dấu mình dưới một sự dấn thân thứ yếu của hình thức, vào một Lịch sử không thuộc gì về nó. Nếu lối viết của Flaubert chứa đựng một Lề luật, những lối viết của Proust, của Céline, của Queneau, của Prévert [4] , mỗi lối một cách, đều cơ sở trên sự tồn tại một tính chất xã hội, nếu tất cả những lối viết ấy đều bao hàm một vẻ mờ tối của hình thức, giả định một sự đặt lại vấn đề về hành ngôn và về xã hội, thiết lập lời nói như một sự vật cần được một người thợ thủ công, một nhà ảo thuật hay một người viết, chứ không phải một người trí thức xử lý, thì lối viết trung tính lại thật sự tìm lại được tình trạng sơ khởi của nghệ thuật cổ điển: tính chất công cụ. Song lần này, công cụ hình thức không còn phục vụ một ý thức hệ chiến thắng; nó là phương thức của một tình thế mới của nhà văn, nó là cách tồn tại của một sự im lặng; nó tự nguyện đánh mất đi mọi cầu viện đến vẻ thanh lịch hay sự trang trí, bởi vì hai thứ này sẽ lại du nhập Thời gian, nghĩa là một thế lực phát sinh, chuyển tải Lịch sử, vào trong lối viết. Nếu lối viết thật sự trung tính, nếu hành ngôn không còn là một hành vi cồng kềnh và không thể khuất phục, đạt được đến trạng thái một phương trình thuần khiết, không dày hơn một thứ đại số đối diện với sự sâu thẳm của con người, thì lúc đó Văn học sẽ bị đánh bại, tình thế nhân sinh sẽ được khám phá và bộc lộ trắng ra, nhà văn sẽ dứt khoát là một người lương thiện. Khốn nỗi không gì phản phúc hơn một lối viết vô sắc; những hiện tượng tự phát lại nảy sinh ngay tại chỗ trước đó từng có một tự do, một hệ thống những hình thức đông cứng mỗi lúc một siết chặt vẻ tươi tắn ban đầu của lời nói, một lối viết lại tái sinh vào chỗ một hành ngôn không xác định. Nhà văn, đạt đến tính cổ điển, trở thành kẻ kế nghiệp lối viết sơ khởi của mình, xã hội biến lối viết của anh ta thành một phong cách và đẩy anh ta trở lại thành tù binh của chính những huyền thoại hình thức của anh ta.


Lối viết và lời nói

Cách đây quá một trăm năm một chút, các nhà văn nói chung không biết rằng có nhiều cách nói tiếng Pháp - và rất khác nhau. Vào năm 1830, vào lúc giai cấp tư sản, bé ngoan, lấy làm thích thú về mọi thứ ở ngay sát trên bề mặt của nó, nghĩa là trong cái mẫu xã hội chật hẹp mà nó chia sẻ cho những kẻ phóng lãng, những người gác cổng và những tên kẻ cắp, người ta bắt đầu du nhập vào hành ngôn văn học chính cống vài mẫu thu nhặt, mượn lấy được từ những hành ngôn hạ cấp, miễn là chúng có vẻ thật kỳ quặc (nếu không chúng sẽ đáng ngại), những lối biệt ngữ mặn mà ấy trang trí cho Văn học mà không đe dọa cấu trúc của nó. Balzac, Sue [5] , Monnier [6] , Hugo, thích khôi phục vài ba hình thức thật biến dạng của lối phát âm và của từ ngữ; tiếng lóng của bọn kẻ cắp, thổ ngữ của người nhà quê, biệt ngữ Ðức, ngôn ngữ của người gác cổng... Những ngôn ngữ xã hội ấy, một thứ trang phục sân khấu được treo móc lên một tính chất, không bao giờ ràng buộc được toàn bộ người sử dụng nó; các niềm say mê vẫn tiếp tục diễn ra bên trên lời nói.

Hình như phải chờ đến Proust thì nhà văn mới hoàn toàn trộn lẫn một số con người với hành ngôn của họ, và chỉ cung cấp cho chúng ta những tạo vật của ông dưới dạng thuần khiết, dưới thể tích cô đặc và đa sắc trong lời nói của chúng. Trong khi những nhân vật của Balzac chẳng hạn có thể dễ dàng qui lại thành những tương quan lực lượng tạo nên như những rơ-le đại số, thì một nhân vật của Proust được cô đặc lại trong vẻ đục mờ của một hành ngôn riêng biệt, và toàn bộ tình cảnh lịch sử của nó được thật sự chuyển nhập và xếp đặt lại ở chính tầm mức đó: nghề nghiệp, giai cấp, tài sản, huyết thống, cấu tạo sinh lý của nó. Như vậy, Văn học bắt đầu nhận thức xã hội như một bản thể mà nó có thể tái tạo lại những hiện tượng. Khi nhà văn bám theo những hành ngôn vẫn thật sự được nói, không phải vì vẻ ý nhị của chúng, mà vì chúng là những sự vật chủ yếu tải được hết toàn bộ nội dung của xã hội, thì lối viết lấy lời nói thực của con người làm căn cứ cho những phản xạ của nó; văn học không còn là niềm kiêu hãnh hay nơi lẩn trốn, nó bắt đầu trở thành một hành vi thông tin tỉnh táo, cứ như là nó phải tìm hiểu chi tiết sự cách biệt về xã hội trước khi tái tạo lại được chi tiết sự cách biệt đó; nó tự nhận nhiệm vụ thuật lại tức thời, trước mọi thông điệp khác, tình cảm của những con người bị cầm tù trong ngôn ngữ giai cấp, địa phương, nghề nghiệp, huyết thống hay lịch sử của mình.

Vì lẽ đó, hành ngôn văn học cơ sở trên lời nói xã hội không bao giờ đánh mất đi một năng lực mô tả bởi vì trong trạng thái xã hội ngày nay, tính chất phổ cập của một ngôn ngữ là một vấn đề thính giác, chứ tuyệt đối không hề là vấn đề diễn đạt: trong một chuẩn mực quốc gia như tiếng Pháp, các lối nói khác nhau theo nhóm người, và mỗi người đều bị cầm tù trong hành ngôn của mình; bước ra khỏi giai cấp của mình, từ đầu tiên họ thốt ra báo hiệu, xác định và trưng họ ra ngay cùng với toàn bộ lịch sử của họ. Con người được bày ra, bộc lộ ra bằng hành ngôn của mình, bị tố giác bởi một sự thật hình thức vượt ra ngoài những dối trá vụ lợi hay cao thượng của mình. Như vậy sự đa dạng của các hành ngôn hoạt động như một Tất yếu, và chính vì vậy nó gây nên một tình thế bi kịch.

Cho nên việc khôi phục hành ngôn nói, thoạt đầu tưởng chỉ là một lối bắt chước vui vui cái chất ý nhị, cuối cùng đã bộc lộ toàn bộ nội dung của mâu thuẫn xã hội; trong tác phẩm của Céline chẳng hạn, lối viết không phục vụ một tư tưởng, như một trang trí hiện thực thành công, sẽ gắn liền với một bức tranh về một phân lớp xã hội; nó thật sự thể hiện sự dấn sâu của nhà văn vào trong bóng tối mờ đặc sếnh của tình cảnh mà ông mô tả. Ðương nhiên đấy vẫn là một sự biểu hiện, và vẫn không vượt quá Văn học. Nhưng phải nhận là trong tất cả mọi phương tiện mô tả ( bởi vì cho đến nay Văn học vẫn chủ yếu muốn làm điều đó) thì đối với nhà văn việc nắm được một hành ngôn có thực là hành vi văn học mang tính nhân văn hơn cả. Và cả một bộ phận của Văn học hiện đại đều thấm đượm những khúc đoạn ít nhiều rõ rệt của ước mơ này: một hành ngôn văn học bắt nối được với vẻ tự nhiên của các hành ngôn xã hội (chỉ cần nhắc lại những đối thoại tiểu thuyết của Sartre để có thể có một ví dụ gần đây và quen thuộc). Song dù những bức tranh ấy có thành công đến đâu, thì chúng cũng chỉ là những bản sao, những thứ dáng vẻ được đóng khung trong những khúc hát nối dài của lối viết hoàn toàn qui ước.

Queneau đích thị muốn chứng minh rằng đưa lời nói thâm nhiễm vào lối viết là có thể thực hiện ở tất cả các bộ phận, và ở ông, việc xã hội hóa lối viết tác động cùng lúc đến tất cả các lớp của lối viết: cách viết, từ vựng - và quan trọng hơn cả tuy không gây ấn tượng bằng, cách nói. Dĩ nhiên, lối viết ấy của Queneau không nằm ngoài Văn học, bởi vì bao giờ cũng được một bộ phận hạn chế của xã hội tiêu thụ, nó không mang một tính phổ cập, mà chỉ là một thử nghiệm và một thứ tiêu khiển. Ít ra, lần đầu tiên, không phải lối viết mang tính văn học; Văn học bị đẩy ra khỏi Hình thức: nó chỉ còn là một phạm trù; chính Văn học hóa ra mỉa mai, ở đây hành ngôn tạo nên kinh nghiệm sâu xa. Hay đúng hơn, Văn học công khai được qui lại thành một sự đặt vấn đề về hành ngôn; quả nhiên nó không thể hơn thế.

Từ chỗ này ta thấy hiện ra khả năng một chủ nghĩa nhân văn mới; thay thế vào một hoài nghi chung tàn phá hành ngôn suốt quá trình văn học hiện đại, đã có một sự giải hòa giữa ngôn từ của nhà văn và ngôn từ của con người. Chỉ đến lúc đó, nhà văn mới có thể coi là mình đã hoàn toàn dấn thân, khi sự tự do sáng tạo của anh ta nằm bên trong một tình thế ngôn từ mà các giới hạn của nó là những giới hạn của xã hội chứ không phải của một qui ước hay một công chúng: khác đi thì sự dấn thân sẽ chỉ mãi mãi là danh nghĩa; nó có thể bảo đảm một sự cứu vãn lương tâm, nhưng không làm nên được một hành động. Bởi vì không có tư tưởng phi hành ngôn, vì Hình thức là sự kiện đầu tiên và cuối cùng của tính trách nhiệm văn học, và bởi vì xã hội đã không hòa giải được, cho nên hành ngôn, cần thiết và tất yếu phải được điều khiển, đưa nhà văn vào một tình thế đau xé.


Không tưởng của hành ngôn

Việc có nhiều lối viết là một sự kiện hiện đại buộc nhà văn phải lựa chọn, khiến hình thức trở thành một lối ứng xử và tạo nên một đạo đức của lối viết. Cộng vào tất cả các kích thước làm nên sự sáng tạo văn học, từ nay có thêm một chiều sâu mới, là hình thức, chỉ riêng nó thôi đã tạo thành một thứ cơ chế ký sinh của chức năng trí tuệ. Lối viết hiện đại là một cơ thể thực sự độc lập lớn lên quanh hành vi văn học, trang trí cho hành vi này một giá trị xa lạ với ý định của nó, liên tục đẩy nó vào dạng tồn tại kép, và chồng lên trên nội dung của các từ những ký hiệu mờ đục mang trong chúng một lịch sử, một sự gây hại hay một sự chuộc tội thứ cấp, đem trộn thêm vào tình trạng của tư tưởng một số phận bổ sung nữa của hình thức thường là trái ngược, bao giờ cũng vướng víu.

Song tính định mệnh ấy của ký hiệu văn học khiến một nhà văn không thể viết một từ mà không nhận lấy tư thế đặc biệt của một hành ngôn đã lỗi thời, hỗn loạn hay mô phỏng, nói chung qui ước và phi nhân tính, tác động đúng ngay vào lúc Văn học ngày càng xóa bỏ tình trạng huyền thoại tư sản của nó, trở nên cần thiết, do những công trình và những bằng chứng của một chủ nghĩa nhân văn cuối cùng đã lồng Lịch sử vào trong hình ảnh của nó về con người. Cho nên các phạm trù văn học, trong những trường hợp tốt nhất được tước hết nội dung truyền thống của chúng, tức là sự biểu hiện một bản chất vĩnh hằng của con người, cuối cùng chỉ còn tồn tại bằng một hình thức đặc thù, một hệ ngôn từ hay cú pháp, nói tóm lại một hành ngôn: từ nay lối viết sẽ hấp thụ hết toàn bộ bản sắc văn học của một tác phẩm. Một cuốn tiểu thuyết của Sartre chỉ là tiểu thuyết vì nó trung thành với một giọng kể nào đó, tuy là gián đoạn, mà các chuẩn mực đã được thiết lập trong cả một lịch sử địa chất trước đây của tiểu thuyết; kỳ thực, chính lối viết của truyện kể, chứ không phải nội dung của nó, đưa tiểu thuyết của Sartre vào phạm trù Văn chương. Hơn thế nữa, khi Sartre cố phá vỡ thời lượng tiểu thuyết, và nhân đôi câu chuyện kể của mình lên để biểu đạt sự hiện diện ở mọi nơi của cái có thực (trong án treo), chính lối viết tự sự tái tạo bên trên vô số sự kiện một Thời gian đơn nhất và đồng nhất, Thời gian của người kể chuyện mà giọng nói riêng biệt, được xác định bởi những gập ghềnh dễ nhận ra, khiến cho việc bộc lộ Lịch sử vướng víu một tính thống nhất tạp âm, và tạo cho tiểu thuyết tính nước đôi của một bằng chứng có thể là sai.

Từ đó ta thấy một kiệt tác hiện đại là không thể có, nhà văn bị lối viết của mình đặt vào một mâu thuẫn không lối thoát: hoặc là đối tượng tác phẩm của anh phải thích nghi một cách ngây ngô theo những qui ước về hình thức, Văn học điếc đặc với Lịch sử hiện tại của chúng ta, và huyền thoại văn học không được vượt qua; hoặc là nhà văn nhận ra vẻ tươi mát mênh mông của thế giới hiển hiện, nhưng để nói về nó, anh ta chỉ có một ngôn ngữ lộng lẫy và đã chết; trước trang giấy trắng của mình, lúc phải chọn các từ có nhiệm vụ thẳng thắn chỉ rõ chỗ đứng của anh trong Lịch sử và chứng tỏ anh chấp nhận các dữ kiện của nó, anh nhận thấy môt sự chênh lệch bi đát giữa cái anh làm và cái anh trông thấy; dưới mắt anh lúc này thế giới dân sự hiện thành một Tự nhiên thật sự, và cái tự nhiên ấy cất tiếng nói, nó thiết lập những hành ngôn sinh động mà nhà văn bị loại trừ; trái lại Lịch sử lại đặt vào giữa tay anh một công cụ trang trí và nguy hiểm, một lối viết mà anh thừa kế từ một Lịch sử trước đó và khác lạ, mà anh không chịu trách nhiệm song là cái duy nhất anh có thể sử dụng. Một tình thế bi kịch của nhà văn đã nảy sinh như thế đó, bởi vì từ nay nhà văn có ý thức phải vùng vẫy chống lại những ký hiệu truyền lại từ tổ tiên và toàn năng, từ trong một quá khứ xa lạ, áp đặt Văn học lên anh ta như một nghi thức chứ không phải một hòa giải. Như vậy, trừ phi từ bỏ Văn học, giải pháp cho tình thế lối viết này không phụ thuộc vào các nhà văn. Mỗi nhà văn ra đời đồng thời mở ra trong chính anh một vụ án của văn học; nhưng nếu anh kết án nó, thì bao giờ anh cũng cho nó một khoản tạm miễn mà văn học sẽ dùng để chinh phục lại anh; anh hoài công sáng tạo ra một hành ngôn tự do, người ta sẽ ném trả nó lại cho anh đã được chế tạo, bởi vì sự xa hoa chẳng bao giờ vô tư: và anh phải tiếp tục sử dụng chính cái hành ngôn se cứng và đóng kín bởi sự thúc đẩy mênh mông của tất cả những người không sử dụng nó. Như thế là có một ngõ cụt trong lối viết, và đó là ngõ cụt của chính xã hội! Các nhà văn ngày nay nhận ra điều đó: đối với họ cuộc tìm kiếm một thứ phi - văn phong, hay một văn phong nói, một độ không hay độ nói của lối viết, nói gọn là sự hình thành sớm một trạng thái tuyệt đối thuần nhất của xã hội; phần đông hiểu rằng không thể có một hành ngôn chung cho tất cả ngoài một cái chung cụ thể chứ không phải thần bí hay danh nghĩa của thế giới dân sự.

Trong mọi lối viết hiện tại, có một tình trạng đặt định đề kép: vừa có một chuyển động đổ vỡ, vừa có một chuyển động đăng quang, có cả đường nét của một tình thế cách mạng, mà tính nước đôi cơ bản là ở chỗ Cách mạng phải rút ra từ trong cái nó muốn phá hủy, chính hình ảnh của cái nó muốn chiếm lĩnh. Cũng như toàn bộ nghệ thuật hiện đại, lối viết văn học chứa đựng sự tha hóa lẫn ước mơ của Lịch sử: Là tất yếu, nó chứng thực sự chia xé của các hành ngôn, gắn liền với sự chia xé của các giai cấp; là Tự do, nó là lương tri của sự chia xé đó và chính cái nỗ lực vượt qua tình trạng ấy. Cứ mãi tự thấy là thủ phạm của chính nỗi cô đơn của mình, nó không vì thế mà không là một ám ảnh vươn tới một thứ hạnh phúc của các từ, nó lao tới một hành ngôn mà vẻ tươi mát, bằng một kiểu trước hạn lý tưởng, sẽ biểu thị hoàn thiện của một thế giới tinh khôi ở đó hành ngôn không còn bị tha hóa. Việc có nhiều lối viết làm nên một nền Văn học mới trong chừng mực nền văn học này tạo ra hành ngôn của nó chỉ để nhằm một điều: Văn học trở thành không tưởng của hành ngôn.

Hết


[1]Montherlant (Henri Million de): Nhà văn Pháp (1895-1972). Tác phẩm chính: Những người độc thân, Các cô gái...
[2]Breton (André): Nhà văn Pháp (1896-1966). Một trong những người sáng lập chủ nghĩa siêu thực. Tác phẩm chính: Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực, Nadja, Bình thông đáy, Tình điên...
[3]Trong tiếng Pháp, có các thức khác nhau của động từ:
- Thức liên tiếp (mode subjonctif) dùng khi biểu hiện sự hoài nghi, không chắc chắn, hay mong muốn...
- Thức mệnh lệnh (mode impératif) dùng biểu đạt một mệnh lệnh, hay một sự tự vệ...
- Thức trình bày (mode indicatif) dùng để trình bày một sự vụ một cách trung tính, khách quan, không có sự giải thích...
[4]Prévert (Jacques): Nhà thơ Pháp (1900-1977), tác giả nhiều tập thơ mang phong cách vừa dân gian vừa hiện đại, lời thơ như tiếng nói hồn nhiên của con người trên đường phố.
[5]Sue (Eugène): Nhà văn Pháp (1804-1857), tác giả các tiểu thuyết nhiều kỳ trên báo, nói về tầng lớp dưới đáy xã hội (Bí mật Thành Paris...).
[6]Monnier (Henri): Nhà văn Pháp (1799-1877) người đã sáng tạo ra nhân vật Joseph Prud’homme, điển hình tên tư sản ngu ngốc và trịnh trọng.

Nguồn: Roland Barthes, Độ không của lối viết, Nhà xuất bản Há»™i Nhà Văn, 1998, bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của dịch giả