© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
19.10.2004
Phan Nhiên Hạo
Miễn xong một “sô”
(Vài nhận xét về Ðọc văn học Việt Nam hải ngoại [1] của Hoàng Ngọc Hiến)
 
Cảm giác của tôi sau khi đọc chuyên luận được tài trợ bởi trung tâm William Joiner của Hoàng Ngọc Hiến là rất hụt hẫng. Tôi tự hỏi: kết quả của một công trình nghiên cứu gây vô số tranh luận, kiện tụng hàng năm trời, rốt cuộc chỉ là một bài viết sơ sài vậy sao?

Mặc dù Hoàng Ngọc Hiến có nói ông chỉ đọc chứ không nghiên cứu—“tôi đọc văn học hải ngoại, không có thời gian để nghiên cứu”— ngay cả sự đọc của ông xem ra cũng rất khiếm khuyết. Tôi có vài nhận xét như sau:

Có quá ít tác giả được đề cập, không đủ đại diện các bộ môn văn học:

Chuyên luận của Hoàng Ngọc Hiến đề cập đến khoảng một tá tác giả văn xuôi, phần lớn chỉ được phân tích sơ sài. Khảo sát của Hoàng Ngọc Hiến đã bỏ qua nhiều nhà văn hải ngoại quan trọng như Võ Ðình, Nguyễn Xuân Hoàng, Thế Uyên, Cao Xuân Huy, Lâm Chương, Hồ Ðình Nghiêm... Hoàng Ngọc Hiến không nhắc đến nhà thơ nào ngoại trừ Nguyễn Bá Chung (!), không đề cập đến nhà phê bình nào ngoại trừ sự thoáng qua của cái tên Bùi Vĩnh Phúc. Thơ và lý luận là những bộ môn có nhiều chuyển động ở hải ngoại, không hiểu sao Hoàng Ngọc Hiến không “đọc”.

Tựa đề “Ðọc văn học Việt Nam hải ngoại” không phản ảnh chính xác phạm vi của chuyên luận:

Văn học hải ngoại, như thường được hiểu, là văn học của người Việt sống ở nước ngoài. Như vậy, nếu khảo sát văn học hải ngoại, Hoàng Ngọc Hiến phải đề cập văn chương người Việt không chỉ ở Mỹ mà ở cả châu Âu, Canada, và Úc. Trong chuyên luận, ngoài các tác giả ở Mỹ, Hoàng Ngọc Hiến có nhắc đến ba người ở Pháp là Hồ Trường An, Trần Vũ, và Kiệt Tấn. Nhưng không có các tác giả ở Canada và Úc.

Nếu chỉ muốn đề cập đến văn chương người Việt ở Hoa Kỳ—một sự giới hạn hợp với điều kiện nghiên cứu và sát với mục tiêu tài trợ của William Joiner hơn—Hoàng Ngọc Hiến cần thay đổi tựa đề, và minh định rõ hơn phạm vi khảo cứu. Trong trường hợp đó, ông không thể đưa các nhà văn ở Pháp vào. Cái tựa đề có vẻ an toàn, vô thưởng vô phạt của Hoàng Ngọc Hiến, thật ra lại rất mơ hồ. Nó cho ta ấn tượng tác giả đã chọn “đọc” dựa vào sự quen biết cá nhân hơn là căn cứ vào phạm vi khảo cứu.

Một cách tiếp cận tài liệu có vẻ bị động và hạn chế:

Hoàng Ngọc Hiến mô tả việc tiếp cận tài liệu của ông như sau:

“Tôi làm công việc đọc những tác phẩm văn học hải ngoại, những bạn đồng nghiệp am hiểu mảng văn học này làm cho tôi bản danh sách tối thiểu, tôi đến thư viện Yên Kinh (Ðại học Havard) tìm sách đọc, đi California kiếm những cuốn thư viện không có, tuy vậy, vẫn còn thiếu...”

Nếu chỉ căn cứ vào bản danh sách “tối thiểu” mà ai đó làm cho ông, có nhiều phần Hoàng Ngọc Hiến đã đọc rất phiến diện. Lẽ ra như một học giả, ông phải tự tìm cách tiếp cận những sách khác. Khi không tìm ra sách ở thư viện Yên Kinh (Yenching) của Havard, Hoàng Ngọc Hiến đi California. Ông không nhắc đến thư viện Echols của đại học Cornell, nơi có nguồn sách về Ðông Nam Á và Việt Nam lớn nhất Hoa Kỳ. Ðại học Cornell không xa Massachuset, nơi ông Hiến được bảo trợ, bao nhiêu. Việc Hoàng Ngọc Hiến đến California tiếp xúc với các nhà văn là cần thiết cho chuyên luận của ông. Tuy vậy, nó không nhất thiết là cách tốt nhất giúp ông tiếp cận tài liệu muốn đọc. Ông có thể sẽ mượn được dăm cuốn sách ở nhà người này, mươi cuốn sách ở nhà người khác, nhưng đó vẫn là cách tiếp cận thủ công. Nếu sử dụng các thư mục điện tử như WorldCat hay RLIN, Hoàng Ngọc Hiến sẽ tìm được nhiều sách Việt không chỉ trên khắp nước Mỹ mà cả ngoài nước Mỹ; ông sẽ có một cái nhìn bao quát và đầy đủ hơn về văn chương hải ngoại, sẽ có khả năng chọn đọc chủ động hơn. Cách Hoàng Ngọc Hiến mô tả việc “đọc” cho ta cảm giác ông đã không có sự tìm tòi của một người nghiên cứu. Và có vẻ như ông đang tự biện hộ bằng một “khó khăn khách quan” nào đó, kiểu biện hộ thường được dùng trong nước. “Khó khăn khách quan”, rất tiếc, thường ít được thông cảm ở Mỹ.

Giáo sư Hiến cũng có một ý kiến lạ lùng về việc đọc và nghiên cứu. Ông viết: “nghiên cứu mất thì giờ hơn nhưng có khi dễ hơn đọc”. Trước giờ tôi cứ tưởng việc đọc chỉ là một trong những thao tác đầu tiên của nghiên cứu. Nghiên cứu bao gồm nhiều công đoạn xử lý tài liệu phức tạp, và vì vậy, khó hơn đọc. Không biết có đúng không? Mong những người trong giới nghiên cứu giúp ý kiến.

Dùng triết học như một sự làm dáng và lẩn tránh vấn đề:

Chuyên luận của Hoàng Ngọc Hiến, tuy nấu nướng rất sơ sài, cũng không tránh khỏi bị nêm nếm quá tay với gia vị triết lý, một kiểu nấu nướng rất phổ biến của giới đầu bếp chữ nghĩa Việt Nam. Chỉ trong hơn hai mươi trang, mà phần lớn dùng để trích dẫn sáng tác của các nhà văn, Hoàng Ngọc Hiến vừa nhắc đến triết Tây vừa nhắc triết Ðông, vừa kêu tên Sartre vừa hô Mạnh Tử. Việc áp dụng triết lý (mà phần lớn khá cũ, như Hiện Sinh) vào một bài khảo cứu sơ sài có vẻ chỉ để làm dáng hơn là một cần thiết khoa học. Và như mọi sự làm dáng khác, nó không tránh khỏi khập khiễng. Như trong đoạn này, Hoàng Ngọc Hiến viết:

“Trong văn học Việt Nam hải ngoại có nhiều tác phẩm có giá trị nhân chứng, giá trị tố cáo về những địa ngục ở bên ngoài: những trại cải tạo, những phòng biệt giam, cuộc sống sau 30 tháng 4 của những người vô tội bị o ép (...) Phải chăng ở đây có ảnh hưởng của truyền thống hướng ngoại của tâm tưởng phương Tây? Khi chỉ ra: “Ðịa ngục, đó là Tha nhân” Jean-Paul Sartre chứng tỏ rằng ông triết luận trong truyền thống hướng ngoại của tâm tưởng phương Tây. Ông phát hiện ra địa ngục ở tha nhân, tức là một địa ngục ở bên ngoài...”

Ðem triết lý “địa ngục tha nhân” của Sartre để lý giải văn chương “nhân chứng” của hải ngoại là chuyện rất gượng ép. Tôi nghĩ, những tác giả viết về kinh nghiệm cải tạo và vượt biên, nhiều người là quân nhân trước 1975, chỉ viết như một thôi thúc tự thân, chứ không chịu ảnh hưởng triết lý gì của phương Tây hay Sartre cả.

Thay vì tập trung xem xét giá trị hiện thực của “văn chương nhân chứng”, Hoàng Ngọc Hiến cũng đã dùng triết học để lẩn tránh điều này. Ông có nhắc đến văn chương mô tả cái “địa ngục bên ngoài”, nhưng rồi ngay lập tức dùng triết lý của Sartre để nói rằng chính cái địa ngục tinh thần bên trong mới thật sự quan trọng:

“chừng nào mỗi người trong chúng ta, từ những người thường dân đến những người cầm quyền và lãnh đạo, chưa biết ngó đến ‘cái địa ngục trong đầu mình’, thì cuộc sống vẫn không khá lên được”.

Kiểu chân lý “huề cả làng” này không sai, nhưng có vẻ là một kiểu cách lẩn tránh không lấy gì là hay lắm đối với người nghiên cứu. Nó làm cho bài khảo cứu trở nên nhạt nhẽo và giả tạo. Ông lại còn “khen” một cách rất khó chịu: “Văn học hải ngoại dẫu sao ít ra cũng có đôi ba nhà văn [PNH nhấn mạnh] thấy ra được ‘địa ngục trong đầu mình’ ”.

Người ta nói mỗi người Việt là một nhà thơ, nhưng tôi thấy, mỗi trí thức Việt Nam thường cũng là một triết gia...bình dân. Chúng ta chỉ thiếu những nhà nghiên cứu giỏi.

Không có được sự thấu hiểu sâu sắc các vấn đề văn hóa của người Việt hải ngoại:

Sống ở Việt Nam, dĩ nhiên Hoàng Ngọc Hiến không thể có cái nhìn thông hiểu của người trong cuộc đối với các vấn đề hải ngoại. Và đây chính là một hạn chế quan trọng của người trong nước khi nghiên cứu về người Việt hải ngoại.

Ðối với người ở Việt Nam, từ nhà nước cho đến cá nhân, từ trí thức cho đến bình dân, khi nghĩ đến người Việt nước ngoài, họ thường chỉ nghĩ đến người Việt “định cư” ở nước ngoài. Một cách rất địa lý. Và chỉ dừng lại ở đó. Thật ra vấn đề không đơn giản như vậy. Người Việt sống ở nước ngoài vẫn là người Việt, nhưng về văn hóa phần nào cũng là người Mỹ, người Pháp, người Úc. Mức độ pha trộn này khác nhau tùy thuộc vào tuổi tác, thời gian định cư, điều kiện sống, và sự tiếp xúc với nền giáo dục bản xứ. Ðây là cả một thay đổi sâu sắc từ ngôn ngữ đến cư xử, từ hành động đến suy nghĩ; một thay đổi có tính căn cước bản thể (identity) không tránh khỏi, chứ không phải là sự học đòi hay “mất gốc”. Sự hội nhập văn hóa của người nhập cư là một quá trình tế nhị, mà chỉ những người đã trải nghiệm nó mới có thể chỉ ra được phần nào. Người trong nước như giáo sư Hiến thường sẽ rơi vào suy diễn khi bàn về những đề tài văn hóa hải ngoại. Ví dụ về cái gọi là “tính hiện đại”.

Hoàng Ngọc Hiến nhiều lần lập đi lập lại cái gọi là “sự điềm tĩnh” của con người hiện đại, mà theo ông, là đặc điểm quan trọng của văn chương hải ngoại. Trong những minh họa cho sự điềm tĩnh hiện đại, Hoàng Ngọc Hiến dẫn chứng nhân vật Cậu Út của Nguyễn Ý Thuần và một nhân vật bà mẹ trong Mùa biển động của Nguyễn Mộng Giác. Nhưng theo tôi, đây là hai dẫn chứng không thuyết phục. Sự “điềm tĩnh” lính tráng của Cậu Út, một người không còn cảm xúc nào trước quá nhiều những xác chết, chỉ có vẻ là sự chai lỳ của người sống trong bom đạn. Nhân vật bà mẹ của Nguyễn Mộng Giác cũng vậy. Hành động của bà—mang bao đến bệnh viện để đem cái chân bị cưa cụt của con trai về chôn-- khó có thể được coi là một hành động “điềm tĩnh” trong xã hội hiện đại. Con người xã hội hiện đại điềm tĩnh nhưng không chịu được những cảnh dã man như vậy. Hai nhân vật trên đây minh họa cho sự tha hóa của con người trong chiến tranh tàn bạo. Họ không phải là những dẫn chứng thuyết phục cho sự điềm tĩnh của con người xã hội hiện đại. Muốn chỉ ra sự trầm tĩnh của người Việt hội nhập vào xã hội phương Tây nhưng vẫn giữ được tính “dân tộc”, có lẽ Hoàng Ngọc Hiến nên trích dẫn văn chương Võ Ðình.

Vấn đề hiện đại hay hội nhập của người Việt hải ngoại là một vấn đề rất phức tạp. Có nhiều người ngoại ngữ kém, nhưng gặp Tây-Mỹ cứ khoa tay múa chân thân thiện, miệng luôn cười hềnh hệch, kể cả khi bị nói xỏ. Ngược lại, có những đứa trẻ lớn lên ở Mỹ, nhưng chỉ chơi với các bạn Việt hoặc Á Châu. Ðối với những đứa trẻ này, ý thức về sự khác biệt chủng tộc và văn hóa rất mạnh. Chúng hội nhập, nhưng kiêu hãnh về bản sắc dân tộc, và có những đòi hỏi rất cao về bình đẳng. Ðinh Linh, một nhà văn viết tiếng Anh lớn lên ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ viết về một mối tình Việt-Mỹ. Trái lại, nhiều nhà văn hải ngoại chỉ sống quanh quẩn trong cộng đồng lại mô ta rất... say đắm tình duyên của họ với những Lisa hoặc Jonny tóc vàng mắt xanh. Mà lại thường mô tả bản thân mình ở tư thế rất hào hoa, rất “quốc tế”.

Một người đến từ trong nước như Hoàng Ngọc Hiến sẽ không tránh khỏi ngộ nhận khi quan sát những hiện tượng văn hóa như trên trong văn chương hải ngoại.

Màn đã mở, nhưng ca sĩ thều thào:

Một năm không phải là nhiều cho việc nghiên cứu diện mạo một nền văn chương, nhưng cũng không phải ít đến nỗi chỉ đủ để sản xuất một chuyên luận sơ sài hơn hai mươi trang. Ðọc chuyên luận của Hoàng Ngọc Hiến, tôi có cảm tưởng ông đã dùng một năm để vừa học một ngôn ngữ hoàn toàn mới, vừa vất vả truy tìm tài liệu của một nền văn chương mà ông hoàn toàn không có ý niệm gì trước đó. Có thật văn chương hải ngoại xa lạ với người trong nước đến vậy không?

Sau rất nhiều rùm beng, cuối cùng màn đã mở, nhưng chỉ để trình ra một ca sĩ thều thào. Hát dở dĩ nhiên cho thấy sự kém cỏi của ca sĩ, nhưng trong trường hợp này, lại là một điều tốt cho anh ta. Trong tiếng phản đối giận dữ của khán giả phía trước và cái nhìn đe dọa của người bầu sô phía sau, hát thều thào là cách an toàn nhất để ca sĩ rời sân khấu. Miễn xong một “sô”.

© 2004 talawas



[1]Hoàng Ngọc Hiến, “Ðọc văn học Việt Nam hải ngoạI”. talawas, 10-11.9.2004. Theo bản in của tôi (PNH) từ talawas, khổ chữ nhỏ, chuyên luận này dài khoảng 18 trang. Nếu in chữ lớn hơn, chuyên luận khoảng hơn hai mươi trang.