trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
10.9.2004
Hoàng Ngọc Hiến
Đọc văn học Việt Nam hải ngoại
Chuyên luận trong chương trình nghiên cứu của William Joiner Center năm 2000-2001 (3 kì)
 1   2   3 
 
Tôi đọc văn học Việt Nam hải ngoại, không có thời gian để nghiên cứu. Có lần gặp nhà văn Tô Hoài, ông đưa tôi xem một cuốn sách và nói: “Tôi mới mượn được bộ tiểu thuyết này, lời giới thiệu viết rất hay”. Lần sau gặp lại ông nói với tôi: “Hoá ra nguời viết bài giới thiệu chưa đọc tác phẩm”. Như vậy nghiên cứu mất thì giờ hơn nhưng có khi dễ hơn đọc, vì có thể chưa đọc mà vẫn có thể viết được một bài nghiên cứu “rất hay”. Tôi làm công việc đọc những tác phẩm văn học hải ngoại, những bạn đồng nghiệp am hiểu mảng văn học này làm cho tôi bản danh sách tối thiểu, tôi đến thư viện Yên Kinh (Ðại học Harvard) tìm sách đọc, đi California kiếm những cuốn thư viện không có, tuy vậy, vẫn còn thiếu... Từ những ấn tượng đọc tác phẩm nảy sinh nhiều vấn đề, tôi chọn những vấn đề đáng quan tâm nhất. Sau đây là những suy nghĩ của tôi về những vấn đề này.


I. Văn học Việt Nam hải ngoại trước hết là văn học.

Ðánh giá một tác phẩm văn học hải ngoại, câu hỏi đầu tiên là giá trị văn học của nó (nó có đáng là một tác phẩm văn học không?), không mấy ai đặt câu hỏi về tính chất hải ngoại của nó, hoặc đó chỉ là một câu hỏi phụ. “Văn học Việt Nam hải ngoại trước hết là văn học” có nghĩa là như vậy.

Ðã có sự thảo luận về cách gọi tên: văn học di tản, văn học lưu vong, văn học ngoài nước... Nếu như văn học di tản trước hết là văn học, văn học lưu vong trước hết là văn học, văn học hải ngoại trước hết là văn học... thì sự khác biệt giữa những tên gọi không đến đỗi quan trọng như ta nghĩ. Trong văn học Việt Nam hải ngoại có mảng văn được gọi là “chống cộng” đối lập với mảng văn được gọi là “thân cộng”. Tưởng chừng như có một vực thẳm giữa hai mảng văn học này. Nhưng nếu như sự đối sánh được đặt ra trên quan niệm: văn học chống cộng cũng như văn học thân cộng trước hết là văn học, thì sự đối lập vẫn còn nhưng nó bị lu mờ bên cạnh sự thống nhất của phẩm giá “đáng gọi là văn học”. Giữa một tác phẩm “thân cộng” hay và một tác phẩm “chống cộng” dở, độc giả “chống cộng” hẳn là sẽ chọn tác phẩm “thân cộng” hay (để đọc cho mình). Ngược lại, trong thâm tâm độc giả “thân cộng” vẫn thích đọc một tác phẩm “chống cộng” hay hơn là một tác phẩm “thân cộng” dở. Ðấy là nói một cách rạch ròi. Vấn đề ở đây thực ra phức tạp hơn rất nhiều. Ðọc cũng như sáng tác văn học thuộc lĩnh vực mỹ học là đất của tâm xả (tôi mượn chữ của nhà Phật), đó là tâm thế buông bỏ những thành kiến và cố chấp, những sự phân biệt cứng nhắc và giả tạo thiện /ác, xấu/đẹp, cấp tiến /bảo thủ...

Thế nào là có phẩm giá “đáng là văn học”?

Có thể nêu lên nhiều phẩm giá. Tôi chú ý đến tính nhân loại phổ biến của văn học (còn gọi là tính nhân bản đại đồng).

“Bây giờ còn quá sớm - Nguyễn Mộng Giác viết - để phân biệt đâu là những bài viết có tính cách tuyên truyền giai đoạn và đâu là những tác phẩm văn chương có giá trị lâu dài, nhưng theo kinh nghiệm xưa nay, những tác phẩm đấu tranh chính trị chỉ sống được lâu khi nào nó vượt qua được những giới hạn giai đoạn, đề cập được những vấn đề chung muôn thuở của nhân sinh.” [1] Ðề cập những vấn đề chung muôn thuở của nhân sinh, đó là tính nhân loại phổ biến của văn học.

Nhận xét tác phẩm Chuyện một người di cư nhức đầu vừa phải của Nguyễn Bá Trạc, Nguyễn Mộng Giác viết: “Chuyện của một người di cư...? Không. Ðây là cuộc đời muôn thuở.” [2] Và đây là một lời đánh giá rất cao. Vì đụng đến cuộc đời muôn thuở, đó là tính phổ biến nhân loại của văn học. Giá trị văn học của tác phẩm này không chỉ ở những chuyện ngộ nghĩnh, lý thú về “người di cư nhức đầu vừa phải” mà chính là từ những “ngọt, bùi, đắng, cay” của nhân vật này, người đọc hiểu ra được những buồn, vui, khóc, cười thường tình của người đời và đời người.

Ngữ, một nhân vật yêu văn chương trong Mùa biển động của Nguyễn Mộng Giác, cảm thấy Natasa, Pier, Anđrêi..., những nhân vật trong Chiến tranh và Hòa bình của Lev Tolxtoi gần gũi với mình hơn là những nhân vật trong tiểu thuyết Lê Văn Trương. [3] Natasa, Pier, Anđrêi... sống trong một thời đại cách xa thời của Ngữ gần hai thế kỷ, thuộc một đẳng cấp xã hội rất khác, ngôn ngữ, văn hóa, lối sống hoàn toàn khác..., vậy thì cái gì khiến cho Ngữ cảm thấy họ gần gũi với mình? Ðó là tính nhân loại phổ biến của văn học. Về bản sắc dân tộc, hẳn là những nhân vật trong tiểu thuyết Lê Văn Trương gần với Ngữ hơn. Tuy vậy, như chúng ta đã biết... Tôi không có ý làm giảm nhẹ ý nghĩa của bản sắc dân tộc trong văn học. Cần đặt bản sắc dân tộc trong quan hệ mật thiết với tính nhân loại phổ biến - đó là điều tôi muốn nhấn mạnh. Tước bỏ tính nhân loại phổ biến là cách làm tốt nhất để xuyên tạc, biếm họa bản sắc dân tộc.

Cũng nhân vật Ngữ trong Mùa biển động, thời gian bị “đi đày” ở Bảo Chính, không cảm thấy cô đơn, nhờ có hai tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du và Cao Bá Quát anh mang theo. [4] Cái gì khiến cho Ngữ cảm thấy hai thi nhân thời xưa gần gũi với anh hơn người thời nay? Ðó là tính nhân loại phổ biến của văn học.

Không sao kể hết những biểu hiện của mô-típ phổ quát và thường trực này trong văn học.

Cảm giác “cái vô nghĩa của kiếp người, trong một sát na ngắn ngủi” (Hoàng Khởi Phong) là mô-típ ấy.

“Em không thấy rằng ta là tro bụi/ Và sinh ra từ một ánh trăng suông” (Khế Iêm) cũng là mô-típ ấy.

“… tất cả tuồn tuột trôi đi, trôi đi... Nhiều lúc tôi có cảm tưởng mình như một giọt nước nhỏ, sắp tan nhoà trong đại dương bao la cuộc sống.” (Khánh Trường) vẫn là mô-típ ấy...

Gọi thế nào đây những tác giả viết văn ở ngoài nước: nhà văn di tản, nhà văn lưu vong, nhà văn hải ngoại... Không ít tác giả trong những người cầm bút ở hải ngoại tôi thấy gọi đơn giản bằng từ nhà văn như thế là đúng và đầy đủ, chẳng cần kèm theo bất cứ định ngữ nào. Nhà văn Nguyễn Bá Trạc sớm hiểu ra điều này. Trong thư của ông gửi Phan Nhật Nam sắp rời Việt Nam sang Mỹ, có đoạn viết: “Nước Mỹ không phải là điểm đến. Nó là điểm khởi hành. Từ điểm này, người ta có thể bắt đầu những hành trình mới để nhìn thế giới một cách toàn bộ hơn. Nếu ông còn muốn tiếp tục viết thì cũng tốt lắm. Sau khi ổn định nên viết. Từ điểm khởi hành mới mẻ này, ông sẽ viết như một nhà văn, chớ không phải là nhà văn quân đội.[5]

Nho giáo có câu: “Tính tương cận, tập tương viễn” (bản tính làm cho con người ta gần nhau, những tập quán xã hội làm cho con người ta xa nhau). Bản tính con người (hoặc tính nhân bản) làm cho con người ta gần nhau, đó là tính nhân loại phổ biến của văn học. Trong các tập quán xã hội làm cho con người ta xa nhau, một số nhà văn hải ngoại mà tiêu biểu là Hoàng Khởi Phong đặc biệt chú ý đến những hệ tư tưởng “thống trị của thời đại” gieo rắc đủ thứ ngụy tín và ngụy lý, tạo ra ở chính ngay những đệ tử của nó trạng thái vô minh, nguồn gốc của không biết bao hành động tai quái, mù quáng (xem Viết lên trời xanh của Hoàng Khởi Phong). Có nhiều quan niệm về bản tính con người. Tôi quan tâm đến quan niệm của nhà Phật xem bản tính của con người là cái tâm của nó với những hạt giống tốt lành: từ, bi, hỷ, xả... Nếu như trong tâm địa của nó những hạt giống xấu (sinh ra tham, sân, si...) mặc sức nảy nở thì tự nhiên những hạt giống tốt bị che khuất (vô minh), vùi lấp. Và tâm địa của nó trở thành đất hoành hành của những súc sinh và qủy đói, chả mấy chốc chính nó thực sự hóa thành địa ngục, địa ngục trong đầu con người. Trong văn học Việt Nam hải ngoại có nhiều tác phẩm có giá trị nhân chứng, giá trị tố cáo cao viết về những địa ngục ở bên ngoài: những trại cải tạo, những phòng biệt giam, cuộc sống sau 30 tháng tư của những người vô tội bị o ép, bị nhục mạ trong tình trạng bần cùng, khánh kiệt, những quãng đời trôi dạt, long đong và vô vọng nơi đất khách quê người... Phải chăng ở đây có ảnh hưởng của truyền thống hướng ngọai của tâm tưởng phương Tây? Khi chỉ ra: “Ðịa ngục, đó là Tha nhân” Jean-Paul Sartre chứng tỏ rằng ông triết luận trong truyền thống hướng ngoại của tâm tưởng phương Tây. Ông phát hiện ra địa ngục ở tha nhân, tức là một địa ngục ở bên ngoài...

Trong truyện Em điên xõa tóc của Kiệt Tấn một nhân vật trí thức vượt biên rồi định cư ở Pháp tâm sự:

“Qua thư nhà, tôi thấy mình còn tốt phước hơn nhiều người. Như anh tôi, như bạn bè tôi đang học tập cải tạo, có thằng đã chết. Ở đó tù tội, hành xác, hành tinh thần, địa ngục triền miên. Vậy mà tôi không thấy sướng khi ở đây. Ðịa ngục Việt Nam tôi trốn được. Nhưng còn cái địa ngục tôi mang kè kè trong đầu, tôi biết lẩn trốn ở đâu. Mỗi chúng ta mang sẵn thiên đàng địa ngục trong tâm tưởng.” [6]

Là một nhà văn am hiểu văn hóa và lối sống phương Tây, Kiệt Tấn lại hơn ai hết mang tâm thế hướng nội của triết luận phương Ðông. Sartre thấy địa ngục ở tha nhân, theo cách nhìn của Kiệt Tấn, địa ngục ở ngay trong tâm tưởng mình. Hai nền văn hóa khác nhau. Nếu như Jean-Paul Sartre trước hết thấy địa ngục trong đầu của ông hẳn là cách nhìn của ông về tha nhân sẽ khác đi, đây là cách nhìn của tôi về tương quan giữa hai nền văn hóa. Trong truyện Chỗ trở về [7] của Khánh Trường nhân vật Kh. vượt biên, đến ngày thứ ba rơi vào tay hải tặc: “tàn nhẫn, man rợ, thú vật”, “tan hoang hồn phách, nhầy nhụa xác thân” (xem tr.62), bị “cột vào một can dầu, thẩy xuống sông”, “được vớt lên”, “vực sống dậy” và mang đến “thiên đường mơ ước”; ở đây, dường như có tất cả những gì mà trước đây Kh. từng mơ ước ở quê nhà: cũng nhà, cũng xe, cũng quần là, áo lượt, kẻ đón, người đưa... Nhưng mà, nhưng mà..., có điều gì sai trật, rất mơ hồ, rất trừu tượng... Kh. cứ mãi nháo nhác không yên? Vì lý do gì vậy? Không phải vì “chia cách mẹ cha anh em, họ hàng bè bạn”; không phải vì “dấu ấn đau thương kinh hoàng của mười ngày địa ngục”, cũng không phải vì “ngày lại ngày công việc nhàm chán ở xưởng thợ” (xem tr. 63)... Ðây chỉ là những điều ở bên ngoài nhân vật Kh. Cuối cùng sau một cơn “sốc” tâm lý, Kh. nhận ra được nguyên nhân đích thực ở bên trong con người mình: đó là “những vọng động tối tăm ẩn tàng trong thẳm sâu con người” mình, đó là những thói xấu “thả mồi bắt bóng, tham lam, ích kỷ, đua đòi, cuối cùng chỉ bêu riếu chính mình”, biến mình thành “đồ chơi cho lũ đàn ông cũng ích kỷ, cũng tham lam, cũng thả mồi bắt bóng” (xem tr.64), đây chính là “địa ngục” Kh. mang trong đầu mình (địa ngục không nhất thiết phải có vạc dầu, hoả lò). Ðồng thời, Kh. nhận ra chân tướng mình: “một chân tướng trơn nhớt lầy nhầy như loài lươn trạch”. Trong cách nhìn của Kiệt Tấn, của Khánh Trường có ảnh hưởng sâu sắc của triết luận Phật giáo. Sau đây là một đoạn văn thiền giải Kinh A di đà: “Chúng ta ai cũng biết địa ngục nóng như thế nào rồi. Chúng ta đã từng ở địa ngục, đã từng bị lửa giận, lửa phiền não, lửa tuyệt vọng đốt cháy. Chúng ta cũng đã biết rằng tất cả những đau khổ của địa ngục đều từ ở trong tâm mình ra chứ không phải từ ở ngoài đi vào.” [8] Văn học hải ngoại dẫu sao ít ra cũng có đôi ba nhà văn thấy ra được “địa ngục ở trong đầu mình”; văn học trong nước còn ít hơn nữa, thiếu hẳn đi một chiều sâu của triết lý phương Ðông. Dĩ nhiên trước sau rất cần những tiếng thét phẫn nộ, những lời tố cáo đanh thép đánh động công luận về sự ngang nhiên tồn tại của những địa ngục bên ngoài to và nhỏ. Tuy nhiên, chừng nào mỗi người trong chúng ta, từ những người thường dân đến những người cầm quyền và lãnh đạo, chưa biết ngó đến “cái địa ngục trong đầu mình”, thì cuộc sống vẫn không khá lên được. Một trong ba tiêu chuẩn Lev Tolxtoi đề ra cho một tác phẩm văn học lớn là: phản ánh được một vài “đặc tính cốt yếu của nhân loại mà nhân loại chưa ý thức được”. “Mang địa ngục kè kè trong đầu mình” là một đặc tính cốt yếu của nhân loại mà nhân loại chưa ý thức được.

Có thể xem xét tính nhân loại phổ biến từ góc độ cái “nhân loại trung bình”, cái “nhân loại thường thường bậc trung”, cái nhân loại của những con người bình thường, tầm thường được nhà văn Nguyễn Mộng Giác định nghĩa như sau: “con người bình thường là con người thụ động, ích kỷ, nhút nhát, rụt rè trước quyền lực, làm được cái gì cao cả cũng phải bị hoàn cảnh thúc đẩy đến chỗ không có lựa chọn nào khác, và khi ra khỏi hoàn cảnh đặc biệt ấy, lại trở về lối sống tầm thường cố hữu”. [9] Cách nhìn của Nguyễn Mộng Giác là một cách nhìn thấu đáo về con người, không bi quan, không lạc quan. Vẫn có sự tin tưởng ở con người, mà đối với con ngừời, sự tin tưởng có phần dè dặt thì cũng đúng thôi. Vả chăng một sự chờ đợi với những mong muốn quá cao về con người, nhất là lại được nhân lên bằng những lời đại ngôn hoa mỹ có khi càng làm ta sớm thất vọng ở con người.

Có thể hiểu tính nhân loại phổ biến từ quan niệm của Mạnh Tử về con người: “con người chỉ hơn cầm thú một chút[10] , nhưng cái “chút” này có khả năng phát triển vô tận.

Nhiệm vụ của văn học là góp phần đưa cái “chút” hơn cầm thú ở con người phát triển vô tận, chí ít thì cũng gìn giữ cái “chút” đó. Cái “chút” đó hết sức mong manh, đặc biệt dễ bị tiêu hủy trong những ngọn lửa của tức giận và oán thù. Trong không ít tác phẩm văn học hải ngoại có những trang hoặc âm ỉ hoặc hừng hực bốc cháy lửa tức giận, hận thù. Lửa truyền sức mạnh cho sự tố cáo, sự lên án, nhất là khi giận, thù có nguyên nhân chính đáng. Giận hờn và thù hận sẵn có ở những độc giả cùng cảnh ngộ với tác giả được khơi dậy và bùng lên khi họ đọc những trang sách này. Tôi đặc biệt chú ý đến những tác phẩm trong đó tác giả tiếp cận chủ đề oán thù (và giận hờn) với cái tâm hóa giải oán thù (cái tâm này đôi khi bị chỉ trích gay gắt). Tiêu bỉểu cho loại tác phẩm này là truyện Cánh cửa của Nhật Tiến. Câu chuyện xoay quanh mối quan hệ thù hằn giữa Trường, một sĩ quan đi cải tạo và Sủng, một công an “mặt non chọet” làm quản giáo ở trại. Vốn sẵn có thành kiến với “tất cả những thằng công an”, “chúng nó không đáng làm người”, “chúng nó chỉ sống theo bản năng và gần gũi với loài vật” (xem sách đã dẫn, tr.191), trước một cử chỉ hỗn láo của Sủng, Trường nổi giận và hận thù, anh “tức giận và khinh bỉ nó đến tột cùng”. Cuối cùng hận thù và giận hờn được hóa giải. Không có sự xóa bỏ hận thù. Không có sự quên lãng hận thù. Có sự hóa giải hận thù. Không có người đứng ra hòa giải. Không có sự kêu gọi lòng khoan dung (càng ngày tôi càng nghi ngờ đức tính này). Sự hóa giải giận thù diễn ra ngay trong tâm trí của Trường. Ðây là cả một quá trình, trong đó những sự tiếp xúc gây ra những hiệu quả tâm lý nho nhỏ nhưng hết sức quan trọng: Trường hiểu Sủng hơn, cảm thấy nó gần với mình hơn... Nhưng quá trình cơ bản là sự quán tưởng (contemplation) của Trường: anh tự vấn lương tâm, anh nhìn thẳng vào lòng mình để xem xét từng hành động, từng hành vi của mình, anh “vén những tấm màn che của thành kiến, nông cạn” án ngự trong tâm trí anh, anh “đâm toạc vào bóng tối u mê của những nhận thức cực đoan, một chiều” luẩn quất trong lòng anh... Sự quán tưởng ở Trường thường xuyên làm việc, kết quả là Trường tự hiểu mình hơn và cuối cùng thì anh có cảm giác tự mình “giải phóng chính mình” (xem tr. 196). Như vậy, hận thù và giận hờn ở Trường được hóa giải chủ yếu là do Trường tự mình giải phóng chính mình và Trường đã đạt được điều này bằng sự quán tưởng, dẫn đến sự tỉnh thức ngay trong thù hận của mình.

Trong trạng thái vô minh của hận thù, con người – bất kể người nào - bị “xổ toẹt” dễ dàng, huống hồ chi kẻ thù, nó là súc vật, bị đối xử còn kém hơn súc vật. Và không chỉ kẻ thù. Con dao được giơ lên không chỉ để “chém cá” mà còn “bằm thớt”. Sau đây là một cảnh trong tập hồi ký Ðại học máu của Hà Thúc Sinh.

Một đám tù đương đứng tắm “chuổng cời” cạnh giếng. Bỗng nhiên quản giáo Dương xuất hiện, nhanh quá không ai kịp mặc quần áo. Những người nhanh chân nhẩy ngay đến những cái phuy đặt rải rác quanh giếng để giấu đi một phần thân thể. Bùi Vịnh, chậm chạp, khi ngó lại thì không còn cái phuy nào cả, anh đành đứng yên tại chỗ và giơ tay bụm lấy “chim”.

... Quản giáo Dương bỗng mỉm cười ác độc… “hắn hét Bùi Vịnh. Mày bỏ tay ra và giơ cao lên tao coi.

Thân tù, Bùi Vịnh không thể nào làm được cái gì khác hơn là tuân lệnh. Anh đứng giữa sân, hai tay giơ cao, tồng ngồng như một con vượn. Tên Dương lừ một ánh mắt khinh bỉ rồi chửi. Mày có thấy mày dơ dáng dạng hình không? Mày phải nhớ rằng mày thua một con vật xét trên mặt tư cách. Vì con vật nó còn có cái đuôi, nó biết dùng cái đuôi đế che giấu đi những cái không đáng khoe ra. Mày nhìn lại mày coi...

Trong khi quản giáo Dương đang chửi mắng... thậm tệ thì quản giáo Hồng... từ nhà 2 bước ra phía giếng, không cần để ý đến sự có mặt của Dương, hắn hét mấy thằng tù đương lâm nạn.

- Mặc quần áo đi vào trong nhà tôi nói chuyện!

Quản giáo Dương nhìn Hồng uất ức ra mặt, nhưng có lẽ đã quá rõ tính Hồng nóng nảy, lại mang quân hàm trung uý trong khi hắn chỉ là chuẩn uý, hắn đành hậm hực bỏ đi một nước. Khi thấy Dương bỏ đi rồi, Hồng quay lại đám tù cười cười nói một câu không ai ngờ.
- Muốn tắm nữa thì cứ tắm đi. Nhưng đừng tắm truồng trước mặt nó. Thằng ấy nó mất vợ về tay nguỵ các anh đấy. Cứ giơ b... ra trước mặt nó, nó thấy lẫm liệt, nó lại liên tưởng đến chuyện xưa và đâm uất lên.” (Ðại học máu, 1985, tr. 443, 444) Ðây là một trong những trang thê thảm nhất của văn học Việt Nam.

Trong văn học ở trong nước cũng như ở ngoài nước, về chủ đề oán thù và giận hờn có hai loại sách: một loại sách vô tình hay cố ý lan truyền oán thù, một loại sách thiên về sự hóa giải oán thù (không phải bằng những lời kêu gọi suông: nào đoàn kết, nào hoà giải, nào bỏ qua quá khứ...) mà bằng cách kiên trì vun trồng ở độc giả những nề nếp quán tưởng tạo ra sự tỉnh thức. Loại sau thuộc về tương lai. Chúng ta đương bước vào thế kỷ 21. Và “Thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của sự quán tưởng hoặc sẽ không có thế kỷ 21” (André Malraux).

Michele Janette, bạn đồng nghiệp Mỹ cùng với tôi tham gia Ðề án nghiên cứu Cộng đồng người Việt hải ngoại của William Joiner Center, trong một bài phê bình tiểu thuyết Monkey Bridge (Cầu khỉ) của Cao Lan, có phê phán cách đọc văn học của những độc giả thiên về “hiểu tác phẩm cốt để xác nhận những gì họ cho là đúng, là phải”, và dĩ nhiên họ bỏ qua “những gì ngược lại, cãi lại”... [11] Giá trị của tác phẩm có khi lại là ở những gì thách thức những thành kiến, thị hiếu của độc giả. Những tri thức tác phẩm đem đến cho họ thường lại là “những điều quen thuộc” mà họ “chờ đợi”. Mà nếu như chỉ có vậy thì giá trị khai sáng của tác phẩm văn học là ở đâu vậy? Ðến đây có thể phân biệt hai loại chủ đề (và hai loại giá trị) thường thấy trong những tác phẩm văn học: chủ đề có tính chất thời sự (đặc biệt là thời sự chính trị) và chủ đề có tính nhân loại phổ biến. Những người tìm đến tác phẩm văn học lấy nó để xác nhận những quan điểm chính trị của mình thường quan tâm đến chủ đề thời sự.

Ðọc truyện Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu [12] của Trần Vũ, chủ đề thời sự được chốt lại trong câu nói của Mợ nhiếc móc con gái nuôi là Nhài ở cuối truyện:

- Tôi không có con gái, nên nhận lầm đứa con nuôi phản phúc! Bộ chị tưởng tôi
quên những bất hạnh chị đem đến cho gia đình này à! Tôi làm sao quên chị đã tố khổ gia đình này, đã xui người tra tấn cụ Cố đến tê liệt nửa thân người, đã tra điện chồng tôi đến mất trí?! [13]

Nhấn mạnh chủ đề này thì truyện của Trần Vũ chỉ là một lời tố cáo: tố cáo chế độ đấu tố trong xã hội miền Bắc truớc đây. Thực ra, cảm hứng chủ đạo của truyện là ở chủ đề khác, một chủ đề có ý nghĩa nhân loại phổ biến: chuỗi nhân quả hận thù tiếp nối, hậu quả khôn lường của hận thù, sức mạnh khủng khiếp của sự tích hận...Trong truyện, chuỗi nhân quả hận thù tiếp nối ngay trong cõi đời này (không phải chờ đến kiếp sau): Cố và Thầy đánh đập Nhàn tàn nhẫn (ở đây, ngoài sự khắt khe của đạo Khổng còn có chăng động cơ sex tiềm ẩn ở hai người đàn ông), Nhàn rắp tâm trả thù: Thầy và Cố bị đấu tố và tra tấn; cùng đường Nhàn trở về nhà, bị đuổi đi, mất chốn nương thân... Sức mạnh khủng khiếp của sự “tích hận” được miêu tả rất giỏi. Cụ Cố bị bán thân bất toại hai chục năm nay, chuyện cũ đấu tố cũng đã qua hai chục năm... vậy mà nhác thấy Nhàn, ở cụ già thân tàn ma dại này, máu uất nổi dậy, mãnh liệt, kinh khủng: “Trời ơi - đôi mắt Cố mới toé lửa dữ dội làm sao khi Cố xoay được đầu đăm đăm nhìn trừng về hướng tôi. Cố giương cặp mắt lớn quá khổ trên khuôn mặt xọm khô nhão nhoẹt. Ðôi con ngươi muốn vỡ ra ở hai hố mắt đầy tròng trắng, lăn tăn, lia tia nhiều gân máu. Ánh mắt nhìn trắng dã mà hai mươi năm nay tôi trốn tránh, lúc này hiển hiện phừng phừng lửa giận trong gian nhà. Cố bị bán thân bất toại nên hai chân và nửa người dưới bất động, song nửa người trên với mười lóng tay co giật cào cấu, chụp bắt liên hồi vào chiếu giường như muốn dựng dậy cái xác thân đã tàn phế...” [14] Về hậu quả của hận thù Trần Vũ thiên về việc miêu tả những thương tích mà người mang hận gây ra cho kẻ bị mình trả thù. Nhưng lòng hận thù còn gây ra thương tích trong tâm hồn và ngay cả trên cơ thể của chính những ngườ mang nặng hận thù. Trong truyện, Thầy bị mất trí, hoá ngây dại vì bị “tra tấn”, Cố bị liệt vì bị “tra điện”. Thực ra, hận thù da diết họ đau đáu mang trong lòng, ngày đêm và suốt đời thừa sức làm cho người này bị mất trí, người kia bị bại liệt. Cách nhìn của Trần Vũ về hận thù là cách nhìn hướng ngoại.

Trong bài thơ Nguyễn Bính của Nguyễn Bá Chung, hai câu thơ:

Nửa đời mới biết công danh hão
Giày cỏ, gươm cùn đến trắng tay [15]

có thể hiểu với ý nghĩa thời sự là tác giả mượn thân phận của nhà thơ giang hồ họ Nguyễn để cảm khái tâm trạng vỡ mộng của mình và những chàng trai cùng thế hệ hiện đương long đong nơi đất khách quê người. Có thể điểm xuất phát là tâm trạng tức cảnh này. Nhưng qua sự sáng tạo nghệ thuật, nó mang ý nghĩa nhân loại phổ biến. Hình như ở thời nào và ở bất cứ vĩ tuyến nào cũng có những kẻ làm trai “gắng hời” “chút công danh” để rồi “nửa đời” mới tỉnh ra điều này.

Trong truyện Tật nguyền của Nguyễn Ý Thuần [16] , sau năm năm ở Mỹ nhân vật xưng “tôi” có cảm tưởng chung về trạng thái nhân thế trong cộng đồng người Việt ở Mỹ như sau:

“Năm năm ở Mỹ, vật lộn với đủ thứ nghề và lang thang trên những vùng đất xa lạ tôi đâm ra ngán ngẩm sau khi tiếp xúc với một số cộng đồng tỵ nạn. Hầu hết đều khoác lên người một thứ gì đó – như lớp quần áo giấy - để sống, để khỏi khuất lẫn vào đám đông. Bằng quá khứ cũng có, bằng chức vụ hay bằng bằng cấp... Nhưng tựu chung chỉ nằm trong vòng thoả mãn tự ái cá nhân hay khoả lấp mặc cảm. Nói cho cùng, tôi vẫn gặp một số người sống bằng cả tấm lòng. Ở thiểu số này ranh giới giữa suy nghĩ riêng tư và cuộc sống tại đây hoàn toàn cách biệt. Họ âm thầm thực hiện hoài bão. Như những đốm lửa lạc loài trong đêm văn minh quá mức. Với họ – những đốm lửa nhỏ nhoi đó - điểm ra đi chính là nơi trở về...” [17]

Thế nào là mặc “quần áo giấy”? Có thể lấy nhân vật Vũ làm ví dụ: một con người có..., có..., có..., gì cũng có... Có job, có học vị, có gia đình, có nhiều chức vụ..., lại có tên trên nhiều tờ báo... “Thơ có, truyện có, phê bình có, quan điểm có... Vũ viết đủ loại... Tất cả những bài viết đều thòng theo một chức vụ trước cái tên. Khi thì học giả, lúc thì giáo sư, lúc thì nhà văn... kỹ sư... Và đau lòng hơn nữa là những điều viết ra đều trái ngược với chức vụ thòng theo. Rõ ràng hai thứ chẳng ăn nhậu gì với nhau cả. Bỏ một bài phê bình sách được ký tên bởi một ông Vũ kỹ sư xuống, tôi lại cầm lên đúng bài khảo cứu khoa học của ông Vũ nhà văn. Tôi thở dài quay sang Vũ, bộ quần áo đang mặc trên người nó tự nhiên giống hệt bộ quần áo giấy...” [18]

Tác giả truyệnTật nguyền đã nêu được một đặc điểm quan trọng trong lối sống, trong thế thái nhân tình của một số “cộng đồng tỵ nạn”. Nhưng không chỉ có vậy. Nếu chỉ có vậy, tác giả chỉ là một người quan sát giỏi sinh hoạt và lối sống những cộng đồng tỵ nạn của mình. Và bước thêm một bước nữa, triền miên với những nét dị biệt của những cộng đồng này, tác giả có cơ trở thành nhà văn của ghetto. Nhưng trong truyện Tật nguyền còn có một chủ đề khác có ý nghĩa nhân loại phổ biến: đó là chủ đề hội chợ phù hoa, tên này lấy từ nhan đề một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới của nhà văn Anh Thackeray:Vanity Fair (Hội chợ phù hoa). Chốn đô hội nào mà chả có phương diện hội chợ của nó. Hội chợ nào mà chả đông người mặc áo giấy. Ở đâu không biết, ở Hà nội, Sài gòn tôi thấy đám người mặc áo giấy đông nhung nhúc. Gọi Nguyễn Ý Thuần là “nhà văn cộng đồng tỵ nạn Việt Nam hải ngoại” thì có đúng không?

© 2004 talawas



[1]Văn Học (109), 1995, tr.21
[2]Nguyễn Bá Trạc. Chuyện của một người di cư nhức đầu vừa phải. Văn Nghệ, 1993, tr. 214
[3]Nguyễn Mộng Giác. Mùa biển động. Văn Nghệ, 1989, bộ I, tr.48
[4]Mùa biển động, bộ III, tr. 1780
[5]Chuyện một người di cư nhức đầu vừa phải (đã dẫn), tr. 419
[6]Kiệt Tấn. Nụ cười tre trúc. Văn Nghệ, 1987. tr. 120
[7]In trong tập truyện Khánh Trường. Có yêu em không? Tân Thư, 1997
[8]Nhất Hạnh. Thiết lập tịnh độ. (Kinh A di đà thiền giải), Lá Bối 2000, tr.119
[9]Nhìn lại những trang viết cũ của Nguyễn Mộng Giác, Việt, số 5 (2000), tr. 164
[10]“Nhân chi sở dĩ dị ư cầm thú giả, ky hy”. Xem Mạnh tử , tập hạ, bản dịch của Đoàn Trung Còn, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1996, tr.48
[11]Dẫn từ Michele Janette, Guerilla Irony in Lan Cao’ s Monkey Bridge (sẽ công bố trên tạp chí Mỹ Contemporary Literature )
[12]Trần Vũ, tuyển tập truyện ngắn Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu, Thời Văn, 1990
[13]Sách đã dẫn, tr. 253
[14]Sách đã dẫn, tr.239
[15]Nguyễn Bá Chung. Tuổi ngàn năm đến từ buổi sơ sinh. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 1999, tr.49
[16] Nguyễn Ý Thuần, Tối tháng Năm tại quán ăn đường Fìfth, Văn Nghệ, 1989
[17]Sách đã dẫn, tr.189
[18]Sách đã dẫn, tr.195