© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
20.1.2005
Joseph E. Stiglitz
Chủ nghĩa xã hội đi về đâu?
16 kỳ
Nguyễn Quang A dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16 
 
2. Tranh luận về chủ nghĩa xã hội thị trường: Cách tiếp cận cơ bản

Tranh luận về chủ nghĩa xã hội nói chung, và về chủ nghĩa xã hội thị trường nói riêng, đã có một lịch sử dài, với những đóng góp đáng kể vào các năm 1930 của Lange, Lerner, và Taylor, ở một bên, và Hayek, ở bên kia. Đã có nhiều chủ đề cho cuộc tranh luận này. Một số đã mất đi trong những thảo luận gần đây, còn các chủ đề khác lại được nhấn mạnh hơn.

Thí dụ, những thảo luận hiện đại nhấn mạnh tính hão huyền của chủ nghĩa xã hội thị trường nảy sinh từ thất bại của nó để tính đến các vấn đề kinh tế chính trị học: Liệu các nhà quan liêu có những khuyến khích để thực hiện các chỉ dẫn của những người chủ trương chủ nghĩa xã hội thị trường? Như vậy những phê phán chủ nghĩa xã hội thị trường lập luận rằng sự so sánh thích đáng không phải là giữa chính phủ lí tưởng hoá được các nhà xã hội chủ nghĩa mặc nhiên thừa nhận và nền kinh tế thị trường, mà là giữa nền kinh tế vận hành ra sao dưới sự kiểm soát thực tế của chính phủ và nền kinh tế thị trường. Nhưng những thảo luận cũ hơn nhấn mạnh tính hão huyền của mô hình cạnh tranh của nền kinh tế: Căn cứ vào sự phổ biến tràn lan của lợi tức tăng dần, so sánh thích đáng không phải là giữa chủ nghĩa xã hội thị trường và các thị trường cạnh tranh, mà là giữa chủ nghĩa xã hội thị trường và chủ nghĩa tư bản độc quyền.

Nhiều điều đã xảy ra trên thế giới - và trong lí thuyết kinh tế - trong hơn năm mươi năm kể từ khi các cuộc tranh luận lớn đó xảy ra. Không chỉ có vốn từ và thuật ngữ được các nhà kinh tế học dùng đã thay đổi, mà đã có, tôi tin, những tiến bộ đáng kể trong khoa học kinh tế cho phép chúng ta xem xét lại những vấn đề cũ này nhìn từ các viễn cảnh mới. Nhìn lại các vấn đề này từ viễn cảnh của hệ thuyết thông tin mới, như tôi đã nói, là mục tiêu trọng yếu của cuốn sách này. Nhưng trước khi trình bày chi tiết các lập luận của mình, tôi muốn cung cấp một phác hoạ rộng lớn hơn về những tiến bộ mới đây trong kinh tế học tham gia vào các cuộc tranh luận cổ xưa ra sao. Mỉa mai thay một số trong những tiến bộ này đã tạo sinh khí mới cho lí lẽ ủng hộ chủ nghĩa xã hội thị trường - hệt như các nền kinh tế đã thử chủ nghĩa xã hội thị trường lại đang trong quá trình rời bỏ nó. Đồng thời một số tiến bộ này đã nêu ra những vấn đề mới liên quan đến cả tính cần thiết và khả năng tồn tại của xã hội chủ nghĩa thị trường.


Vì sao lí thuyết hiện đại lại có thể gợi ý một vẻ hợp lí lớn hơn cho chủ nghĩa xã hội thị trường [1]

Ít nhất hai trong những kết quả chính của lí thuyết kinh tế học hiện đại, có lẽ, đã củng cố niềm tin vào chủ nghĩa xã hội thị trường.

Thiếu các thị trường kì hạn (Futures) và vai trò của chính phủ trong phân bổ đầu tư

Hiển nhiên là, nếu các nền kinh tế thị trường hoạt động theo cách mà những người chủ trương cho là như thế, thì các thị trường trong đó các hàng hoá và dịch vụ có thể trao đổi phải tồn tại. Một trong những giả thiết cơ sở trong mô hình, hiện nay được coi là mô hình chuẩn của các nền kinh tế (cạnh tranh) - mô hình dường như tạo ra nền tảng trí tuệ của mọi thứ lòng tin mà ta có trong nền kinh tế thị trường - là, tồn tại một tập đủ của các thị trường. Đây là một giả thiết mạnh hơn là nó có vẻ khi nhìn thoáng qua. Chắc chắn là, có các thị trường cho sắt thép, lao động, đất đai, cổ phiếu, cho ngũ cốc; trong khi các thị trường này có thể không "hoàn hảo" - có thể không có nhiều người mua và người bán trong mỗi thị trường này như được hình dung bởi mô hình cạnh tranh - và hầu hết các thị trường này có thể không được tổ chức theo cách mà lí thuyết chuẩn hình dung - với một nhà đấu giá phát ra các giá cho đến khi đạt mức giá làm cân bằng thị trường (market clearing)- nhưng vẫn có một sự đồng thuận rằng mô hình cơ bản của các nhà kinh tế học cung cấp một phép gần đúng, một xấp xỉ tốt, ít nhất cho nhiều loại hàng hoá và dịch vụ này.

Nhưng giả thiết rằng tồn tại một tập đầy đủ của các thị trường vượt quá điểm này. Phải tồn tại các thị trường trên đó không chỉ hàng hoá và dịch vụ của hôm nay được trao đổi mà trên đó các hàng hoá và dịch vụ tương lai được trao đổi. [2] Tất nhiên có một số thị trường kì hạn: Ta có thể mua ngô hay lúa mì cho giao hàng ba hoặc sáu tháng sau. Nhưng đối với hầu hết các hàng hoá và dịch vụ (ngoài một số ít mặt hàng nông sản, cho kì hạn vài tháng trong tương lai) không tồn tại các thị trường ở nơi ta có thể trao đổi hôm nay cho giao hàng trong tương lai.

Các thị trường kì hạn này là thiết yếu cho việc tiến hành các phân bổ đầu tư đúng. Lo ngại về khả năng của nền kinh tế thị trường trong phân bổ và điều phối đầu tư theo cách hữu ích về mặt xã hội tất nhiên tạo cơ sở cho việc mời gọi chủ nghĩa xã hội trong cả thế kỉ này và thế kỉ trước. Không có đủ các thị trường cần thiết thì không có giá cả để thực hiện các vai trò điều phối/thông tin, những cái là thiết yếu nếu một nền kinh tế muốn có hiệu quả. Mỗi xí nghiệp phải hình thành những kì vọng liên quan đến giá cả trong tương lai sẽ ra sao, và những kì vọng đó lại, một phần, dựa trên niềm tin của nó về các xí nghiệp khác sẽ làm gì. Các xí nghiệp khác thì có nỗ lực lớn để giữ thông tin ấy bí mật. Như vậy, thay vì trở thành một cơ chế cho điều phối các quyết định đầu tư, các nền kinh tế thị trường dường như tạo khuyến khích để cản trở điều phối. Có nhiều sự thể hiện trong thế giới thực của khiếm khuyết này: Đôi khi có sự tham gia quá đáng vào một ngành công nghiệp, khi khác lại phát sinh thiếu hụt. Thực ra, ngay cả các nỗ lực can thiệp hạn chế của chính phủ nhằm cung cấp thông tin cần thiết thông qua kế hoạch hướng dẫn [indicative planning] [3] (như ở Pháp) xem ra đã thất bại, vì các xí nghiệp dường như thiếu khuyến khích để tiết lộ trung thực kế hoạch của họ (và trong nhiều trường hợp có thể có những khuyến khích chiến lược để cung cấp khác đi chứ không phải thông tin trung thực).

Phải có các thị trường không chỉ cho các thời kì trong tương lai gần kề mà cho mọi thời kì kéo ra một cách vô tận vào tương lai xa. Không có một tập đầy đủ của các thị trường kì hạn kéo ra vô tận đến tương lai xa, thì nền kinh tế có thể đi theo một quĩ đạo hiệu quả cục bộ và nhất thời - giống hệt như một quĩ đạo kì vọng duy lí bình thường, với lợi tức thực tế (lãi vốn cộng tô) trên mọi tài sản là bằng nhau - và chỉ trong tương lai xa mới trở nên rõ ràng rằng nền kinh tế là phi hiệu quả. Dường như không có những khuyến khích tư nhân nào để hiệu chỉnh khả năng này đối với tính phi hiệu quả có vẻ ở tầm dài hạn. Trực giác nằm sau kết quả này là đơn giản. Hãy xét một xí nghiệp, trong năm 1990, dự tính xây một nhà máy, dự kiến sử dụng trong hai mươi năm, và sau đó sẽ bán cho xí nghiệp khác. Để lấy quyết định, nó phải lập một ước tính giá trị toà nhà ở cuối thời kì hai mươi năm, tức là, vào năm 2010. Nhưng giá trị của toà nhà ấy ở cuối hai mươi năm sẽ phụ thuộc, một phần, vào cung của các toà nhà khác được xây dựng trong khoảng từ nay và hai mươi năm nữa. Thậm chí các quyết định đó sẽ phụ thuộc vào những kì vọng liên quan đến cái gì sẽ xảy ra còn xa hơn nữa trong tương lai. Hãy xét, thí dụ, một toà nhà được cân nhắc xây cất trong mười năm nữa, tức là vào năm 2000. Các chủ của nó sẽ muốn biết liệu họ sẽ có thể bán toà nhà được bao nhiêu, thí dụ, hai mươi năm sau khi xây dựng, tức là trong năm 2020. Giá trị của một toà nhà trong năm 2020 sẽ phụ thuộc vào cung của các toà nhà tại thời điểm đó, cái đến lượt nó lại sẽ phụ thuộc vào mức xây dựng giữa hôm nay và năm 2020. Bây giờ hãy xét một toà nhà dự kiến xây vào năm 2010. Các chủ sở hữu của nó muốn biết giá trị của toà nhà vào năm 2030, và vân vân. Như vậy các quyết định hôm nay được liên kết một cách không thể tách ra khỏi cái sẽ xảy ra trong một mạng lưới liên kết mở ra mãi mãi. Trong thực tiễn, các xí nghiệp không theo quá trình suy diễn phức tạp này. Các nhà quản lí kinh doanh đặt cơ sở cho các quyết định của mình trên linh cảm và ước đoán. Điểm cốt yếu của lập luận lí thuyết chỉ là: Ngay cả dưới các điều kiện tốt nhất, với các nhà quản lí tiến hành các phân tích duy lí nhất, do sự thiếu vắng của các thị trường mở ra vô tận vào tương lai, thì chẳng có gì đảm bảo rằng các thị trường dẫn đến các kết quả hữu hiệu. Chắc chắn, nếu các nhà quản lí kinh doanh cắt ngắn việc này, bằng cách tiến hành những tính toán ít tinh vi hơn, thì niềm tin của chúng ta vào tính hiệu quả của các kết quả thị trường sẽ phải thậm chí yếu đi nữa.

Động học dài hạn: Một đoạn lạc đề mang tính kĩ thuật

Đã được nhận ra từ lâu rằng động học của các mô hình tối ưu hoá tạo ra các quĩ đạo điểm yên ngựa (thí dụ, Samuelson and Solow 1953); tức là, với các vấn đề "ứng xử-tốt", có một quĩ đạo duy nhất, bắt đầu từ bất kể tập nào của các điều kiện ban đầu, thoả mãn các điều kiện hiệu quả giữa kì (intertemporal) sẽ hội tụ đến trạng thái dừng. Tất cả các quĩ đạo khác thoả mãn các điều kiện hiệu quả giữa kì đều không hội tụ (phân kì). Mặc dù vậy đây không là một vấn đề kinh tế nghiêm trọng; luôn có một điều kiện nữa, điều kiện về tính ngang (transversality) phải được thoả mãn dọc theo quĩ đạo tối ưu, và điều kiện ngang này đảm bảo sự hội tụ đến trạng thái dừng. Hahn (1966) đã chỉ ra rằng các vấn đề tương tự nảy sinh nếu có nhiều hơn một tư liệu sản xuất trong mô hình mô tả của nền kinh tế. Nhưng, ông lập luận, với sự thiếu vắng các thị trường kì hạn kéo dài vô tận vào tương lai, thì không có đảm bảo nào cho sự hội tụ của nền kinh tế đến trạng thái dừng. Các công trình tiếp theo (Shell and Stiglitz 1967) đã chỉ ra rằng sự bất ổn định của nền kinh tế có thể được loại trừ nếu giả thiết về khả năng thấy trước hoàn hảo (các kì vọng duy lí) được thay thế bằng các giả thiết khác liên quan đến các kì vọng, như các kì vọng thích nghi, với tốc độ thích nghi chậm. Cũng đã được chỉ ra rằng những đặc điểm khác của nền kinh tế có thể tạo ra cân bằng là một nút ổn định; thí dụ, trong một mô hình về tiền tệ và tăng trưởng, Shell et al.(1969) đã chỉ ra rằng từ bất kể giá trị ban đầu nào của khoản vốn và cung tiền danh nghĩa, có nhiều quĩ đạo hội tụ cùng đến một trạng thái dừng. Các nghiên cứu khác (Stiglitz 1973a) đã chỉ ra rằng có những cân bằng kì vọng duy lí, tuy chúng không hội tụ đến một trạng thái dừng duy nhất, chúng cũng không "nổ tung". Thực ra ông chỉ ra rằng có vô số các quĩ đạo không hội tụ nhất quán với các kì vọng duy lí.

Thật lạ kì, cùng các kết quả giải tích lại có thể được lí giải theo những cách khác nhau. Các công trình cũ hơn trong lĩnh vực này (Samuelson 1967; Hahn 1966, Shell, Sidrauski, and Stiglitz 1969) đã nghĩ rằng các cân bằng điểm yên ngựa là một vấn đề đối với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, vì thiếu các thị trường kì hạn kéo vô tận vào tương lai, không có cách nào đảm bảo rằng nền kinh tế sẽ chọn quĩ đạo duy nhất hội tụ đến trạng thái dừng. Chắc chắn, sự tồn tại của vô số cân bằng (đại diện bởi trường hợp nhiều quĩ đạo hội tụ đến trạng thái dừng) gây ra vấn đề: Thứ nhất, nền kinh tế có thể không có khả năng tiên đoán quĩ đạo nào nó sẽ chọn; và thứ hai, một số trong số những quĩ đạo này có thể "tốt hơn", theo một nghĩa nào đó, so với các quĩ đạo khác, và chẳng có đảm bảo nào rằng nền kinh tế sẽ chọn ra quĩ đạo tốt hơn ấy. Nhưng các nhà kinh tế học này đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề bất ổn định kinh tế, và tính phi hiệu quả hiển nhiên có thể xảy ra (và có thể là rất lớn), so với có lẽ những khác biệt nhỏ trong phúc lợi liên quan đến sự lựa chọn một quĩ đạo hội tụ chứ không phải quĩ đạo khác.

Ngược lại, trong văn khoa về các kì vọng duy lí mới đây, các điểm yên ngựa được coi là tốt, còn các nút là xấu. Những người trong trường phái kì vọng duy lí đã muốn chỉ ra rằng nền kinh tế thị trường là hiệu quả. Bằng cách chứng tỏ rằng tồn tại một quĩ đạo duy nhất thoả mãn các điều kiện kì vọng duy lí - nếu họ có thể chứng minh rằng (1) quĩ đạo duy nhất đó là quĩ đạo "tối ưu về mặt xã hội", và (2) nền kinh tế luôn luôn ứng xử nhất quán với các kì vọng duy lí - thì họ coi là họ đã chứng minh rằng nền kinh tế thị trường có hiệu quả. Ngược lại, với các nút, có nhiều quĩ đạo xuất phát từ bất kể điều kiện ban đầu nào. Làm sao có thể nói nền kinh tế sẽ theo quĩ đạo nào? Và do không phải tất cả các quĩ đạo này có hiệu quả Pareto, các nút gây ra khả năng là nền kinh tế sẽ không theo một quĩ đạo hiệu quả.

Đáng lưu ý rằng mỗi trong những giả thuyết tạo cơ sở cho phân tích những kì vọng duy lí đều đáng ngờ. Như vậy không chỉ có thể là không có một cân bằng kì vọng duy lí, trừ với các điều kiện mạnh, mà cân bằng các kì vọng duy lí có thể không có hiệu quả Pareto, như tôi sẽ chỉ ra ở chương tiếp theo. Nhưng quan trọng nhất đối với mục đích hiện thời của chúng ta, là không có lí do để tin rằng - không có các thị trường kì hạn kéo dài vô tận vào tương lai, ngay cả nếu có một quĩ đạo duy nhất hội tụ đến trạng thái dừng- nền kinh tế thị trường sẽ "chọn" quĩ đạo đó. Luận điệu của những người cố cho rằng nền kinh tế thị trường (với những kì vọng duy lí) là có hiệu quả, và sẽ chuyển động theo quĩ đạo (duy nhất) hội tụ đến trạng thái dừng, không dựa trên lời giải của các vấn đề mà Hahn và những người khác nêu ra. Các vấn đề này đơn giản bị bỏ qua. Người ta đã giả thiết rằng nền kinh tế hoạt động giả như nếu có một cá nhân duy nhất tối đa hoá sự thoả dụng của mình trong thời gian vô tận. Cá nhân này đảm bảo rằng điều kiện ngang sẽ được thoả mãn - và cũng vậy, người ta quả quyết rằng nền kinh tế cũng thế. Sự thực rằng các thị trường kì hạn kéo dài vô tận vào tương lai là cần thiết đơn giản đã bị bỏ qua.

Tóm lại, dù có lí do hiển nhiên rằng do thiếu các thị trường kì hạn thì hệ thống giá không thực hiện vai trò điều phối thiết yếu của nó liên quan đến các hoạt động hướng tới tương lai, như đầu tư, hay có các lí do tinh tế hơn như vừa được thảo luận, rằng do thiếu các thị trường kì hạn mở ra vô tận vao tương lai xa, nền kinh tế thị trường chắc sẽ có những bất ổn định động học - chẳng có lí do gì để tin rằng ngay cả với các kì vọng duy lí nó sẽ hội tụ đến trạng thái dừng; chẳng có cơ sở nào để giả định rằng các thị trường, để tự chúng, sẽ là hiệu quả. Đối với những người chủ trương chủ nghĩa xã hội thị trường, hệ quả của phân tích này dường như rõ ràng: Cần có một loại kiểm soát của chính phủ đối với phân bổ đầu tư được hình dung trong chủ nghĩa xã hội thị trường.

Vấn đề người uỷ thác-người đại lí và sự tách biệt của chủ sở hữu và kiểm soát

Những thảo luận sớm hơn về chủ nghĩa xã hội thị trường đã ít chú ý đến vấn đề các khuyến khích. Các nhà quản lí tối đa hoá lợi nhuận, với giá do Ban định giá đưa cho họ, bởi vì họ được bảo làm vậy, và họ làm cái họ được bảo phải làm. Thiếu khả năng xem xét các khuyến khích đối với nhà quản lí là một trong những phê phán mạnh mẽ nhất đối với chủ nghĩa xã hội thị trường. Ngay cả trước cuộc tranh luận về chủ nghĩa xã hội thị trường của các năm 1930, các nhà quan sát chủ nghĩa tư bản hiện đại đã lưu ý rằng có sự tách biệt giữa quyền chủ sở hữu và kiểm soát (Knight 1921; Berle 1926; Berle and Means 1932). Nếu đã có sự tách biệt giữa quyền chủ sở hữu với kiểm soát, thì liệu có mấy khác biệt giữa hoặc các cổ phần được sở hữu trực tiếp bởi hàng triệu cá nhân hay bởi "tất cả" mọi người thông qua nhà nước? Những người chủ trương chủ nghĩa xã hội thị trường gợi ý rằng không có.

Phân tích các hậu quả của sự tách biệt giữa quyền chủ sở hữu và quyền kiểm soát đã là một chủ đề chính của nghiên cứu trong kinh tế học thông tin. Phân ngành [4] có tên "lí thuyết người uỷ thác- người đại lí: principal-agent theory" có thể được coi là tạo nền móng cho văn khoa của các năm 1950 nhấn mạnh đến quyền tự ý của các nhà quản lí (thí dụ, March and Simon 1958; Marris 1964). Nó xác nhận rằng, với thông tin đắt đỏ, các cổ đông chỉ có thể có kiểm soát hạn chế đối với các nhà quản lí. Những nghiên cứu lí thuyết đương thời và sau đó về sát nhập và các cơ chế kiểm soát khác đã củng cố thêm kết luận liên quan đến sự tự trị (ít nhất có tính hạn chế) của các nhà quản lí. Những quan sát lí thuyết này, có lẽ, đã được xác nhận bởi những diễn biến sau đó trong thời kì đam mê sát nhập và thôn tính ở cuối các năm 1970 và các năm 1980. Đối với các công ti lớn, không có "người chủ duy nhất" nào tối đa hoá giá trị kì vọng chiết khấu hiện tại của lợi nhuận, hoặc thậm chí của thị giá dài hạn. [5] Liệu quyền sở hữu có thật sự quan trọng? Hãng BP có kém hiệu quả hơn Texaco không? [6] Hãng Đường sắt Quốc gia Canada có kém Canadian Pacific? [7] Liệu có sự cướp đoạt lợi ích công nào lớn hơn sự cướp đoạt của Ross Johnson và những bạn hữu của ông trong những cổ đông của RJR? [8]


Vì sao lí thuyết hiện đại có thể gợi ý rằng chủ nghĩa xã hội thị trường là ít cần thiết hơn như trước đây đã tưởng

Lí thuyết hiện đại, tuy vậy, đã vô tư hơn trong đánh giá tranh luận về chủ nghĩa xã hội thị trường so với thảo luận trước có thể gợi ý. Hai kết quả nữa của lí thuyết hiện đại có các hệ quả mơ hồ hơn.

Cạnh tranh

Như tôi đã lưu ý trước đây, ít nhất một số người chủ trương chủ nghĩa xã hội thị trường đã tin rằng sự lựa chọn thích đáng không phải là giữa các thị trường cạnh tranh và chủ nghĩa xã hội thị trường, mà là giữa chủ nghĩa tư bản độc quyền và chủ nghĩa xã hội thị trường. [9] Họ tin rằng trong các khu vực lớn của nền kinh tế, cạnh tranh đã là không thể được. Một giả thiết cốt yếu trong phân tích chứng minh tính hiệu quả của các nền kinh tế thị trường là, mọi xí nghiệp đều là người chấp nhận giá; xí nghiệp phải hành động giả như nó tin rằng nó không có ảnh hưởng gì lên giá nó nhận được từ bán hàng hoặc lên giá nó trả cho các yếu tố sản xuất phải mua. Sự tăng trưởng của các công ti lớn trong phần đầu của thế kỉ hai mươi đã dẫn nhiều nhà kinh tế học đến ngoại suy ra xu hướng và hình dung về một nền kinh tế trong đó mỗi khu vực lớn - sắt thép, dầu, ô tô, nhôm, v. v.- được chế ngự bởi một hoặc nhiều nhất vài công ti. Lí thuyết kinh tế ủng hộ các tiên đoán: Các công nghệ kéo theo những khoản chi phí cố định lớn. Những kĩ thuật tổ chức mới, như được Alfred Sloan đưa ra ở General Motors, có nghĩa rằng các chí phí ngày càng tăng gắn với các doanh nghiệp qui mô lớn, phát sinh từ thiếu kiểm soát tổ chức, có thể là hạn chế. Việc thiết lập các thị trường quốc gia, và các phương tiện truyền thông quốc gia để quảng cáo trong các thị trường quốc gia ấy, cung cấp thêm cơ sở cho lợi tức theo qui mô. Không có nguồn chính giảm lợi tức đối với xí nghiệp, và một số nguồn chủ yếu tăng lợi tức, có thể kì vọng rằng mỗi ngành công nghiệp được thống trị bởi một, hoặc nhiều nhất vài công ti. [10]
Như thế sự lựa chọn đối mặt với các nền kinh tế đã là (1) cho phép chủ nghĩa tư bản độc quyền giữ vững, với những méo mó trong phân bổ nguồn lực (và hầu như không thể tránh khỏi sự tập trung quyền lực chính trị) phát sinh; (2) có kiểm soát trực tiếp của chính phủ với các khu vực này; hoặc (3) cố gắng điều tiết và kiểm soát sự thực hiện quyền lực độc quyền, hoặc bằng cách xé nhỏ các công ti độc quyền (với kết quả mất hiệu quả do không khai thác được tính kinh tế theo qui mô) hoặc bằng cách kiểm soát các thủ đoạn chống cạnh tranh. Ít chính phủ dân chủ nào thấy khả năng đầu tiên là có thể chấp nhận được. Hoa Kì có lẽ năng nổ nhất trong theo đuổi chiến lược thứ ba. Đến giữa thế kỉ, hơn năm mươi năm sau khi thông qua qui định chống trust mang tính bước ngoặt, nhiều ngành công nghiệp cốt lõi của Mĩ vẫn tập trung cao; ngay cả thành công trong xé nhỏ Standard Oil, đã có những tác động mơ hồ, vì đã có sự tin tưởng rằng Seven Sisters [bảy hãng nhỏ hơn được tách ra] đã hoạt động như một cartel, với sự câu kết và sự hiểu biết về quyền lợi chung trong hạn chế cạnh tranh thay cho thông đồng công khai. Các luật chống trust đã dẫn đến sự tinh vi hơn trong ứng xử chống cạnh tranh! Những sự kiện này đơn giản củng cố lòng tin vào chiến lược thứ hai - sở hữu và kiểm soát của chính phủ. [11]

Đối chọi với xu hướng trí tuệ này, cái ta có thể nghĩ là tạo hỗ trợ lớn hơn cho chủ nghĩa xã hội thị trường, là sự quốc tế hoá nền kinh tế toàn cầu. Cạnh tranh bị hạn chế bởi qui mô của thị trường, và do qui mô của thị trường đã thay đổi, nên tính hiệu quả của cạnh tranh cũng vậy. Như thế, trong khi vào các năm 1960, GM, Ford, và Chrysler đã khống chế thị trường ô tô Mĩ, ngày nay quyền lực thị trường của chúng đã bị xói mòn, vì chúng phải đối mặt với cạnh tranh hiệu quả trong mọi phân khúc của thị trường từ các nhà sản xuất Nhật Bản và Châu Âu. Trong khi thị trường Mĩ có thể chỉ đủ lớn cho duy trì ba nhà sản xuất lớn, thị trường toàn cầu lại lớn đến mức để duy trì nhiều hơn nhiều.

Kinh tế học Keynes

Trong tất cả các khuyết tật thị trường thì một thất bại, mà tác động làm xói mòn lòng tin của công chúng vào các quá trình thị trường, lớn nhất, đã là Đại suy thoái, thí dụ tồi tệ nhất của những khủng hoảng có chu kì gây tai hoạ cho các nền kinh tế thị trường suốt các thế kỉ của chủ nghĩa tư bản. Sự tồn tại và kéo dài của nạn thất nghiệp có thể coi như một sự bác bỏ thuyết phục mô hình tân cổ điển: vì trong mô hình đó, mọi thị trường, bao gồm cả thị trường lao động, đều cân bằng (clear).

Lạ kì là, cuộc tranh luận về chủ nghĩa xã hội thị trường đã không tập trung vào các công trạng tương đối của các hệ thống lựa chọn khả dĩ, và bằng chứng lịch sử có giá trị hạn chế: Mặc dù các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa "đã giải quyết" vấn đề thất nghiệp, lời giải của họ có thể đã làm cho nó bị che đậy chứ không phải công khai. Các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã dường như có thể hiện thăng giáng về tốc độ tăng trưởng, dấu hiệu của thăng giáng trong hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên vẫn còn có các lí do lí thuyết để nghĩ rằng chủ nghĩa xã hội thị trường sẽ giảm nhẹ vấn đề cơ bản. Một trong những chủ đề trung tâm trong các công trình kinh tế vĩ mô đã tìm dấu vết của các cuộc khủng hoảng trong những "khuyết tật điều phối". Nói toạc ra là, không có chỗ làm việc bởi vì không có cầu cho đầu ra của các xí nghiệp, và không có cầu cho đầu ra của các xí nghiệp bởi vì người dân không có việc làm. Nếu nền kinh tế được mô tả tốt bởi mô hình Arrow-Debreu, nếu giả như, thí dụ, có một tập đủ của các thị trường, thì các khuyết tật điều phối này có lẽ sẽ chẳng xuất hiện. Những người chủ trương chủ nghĩa xã hội thị trường lập luận rằng có thể khắc phục được vấn đề khuyết tật điều phối, và như thế loại bỏ sự tổn thất to lớn về hiệu quả kinh tế gắn với các cuộc khủng hoảng có chu kì đặc trưng của các nền kinh tế thị trường.

Một chủ đề khác gần đây coi sự sa sút kinh tế như hậu quả của sự bất hoàn hảo của thị trường vốn cản trở khả năng của nền kinh tế để dàn trải và đa dạng hoá rủi ro. [12] Như vậy, nếu các xí nghiệp cảm thấy gia tăng rủi ro, chúng sẽ giảm mức đầu tư của mình. Sự giảm bớt dòng tiền mặt có thể buộc giảm đầu tư, nếu các xí nghiệp đối mặt với phân phối tín dụng và nếu có cản trở trong việc kêu gọi vốn dưới các hình thức khác (thí dụ, qua vốn cổ phần). Lại nữa, chủ nghĩa xã hội thị trường, với sự kiểm soát đầu tư trực tiếp, dường như sẽ làm giảm nhẹ những vấn đề này: nó có lẽ đặt đầu tư ở mức cần thiết để duy trì toàn dụng lao động.

Trong các năm 1970 và đầu các năm 1980 đã có một tuyến công trình trong kinh tế học vĩ mô gợi ý rằng những mối lo ngại kinh tế vĩ mô này không quan trọng lắm. Các nền kinh tế điều chỉnh nhanh đối với những xáo động. Xu hướng trong các đại học Mĩ không đưa lịch sử kinh tế vào như một phần của môn học kinh tế đã tăng cường sự thiển cận của kí ức, dẫn nhiều học giả kinh tế học Mĩ đi đến kết luận rằng các cuộc suy thoái đã là vấn đề của quá khứ - nếu chúng đã là các vấn đề khi đó. Nhưng đáng tiếc, suy thoái lớn vào đầu các năm 1980, suy thoái của đầu các năm 1990, và sự thất nghiệp dai dẳng ở mức độ cao tại Châu Âu đưa ra một cảnh báo thô lỗ cho những người tin rằng thất nghiệp mang tính chu kì là chuyện của quá khứ. Những kinh nghiệm này đã chuyển một thông báo: Có cái sai căn bản nào đó với mô hình Arrow-Debreu. Giả như mô hình đó đúng, thất nghiệp sẽ không tồn tại, và sẽ khó giải thích tính dễ biến động của nền kinh tế, căn cứ vào vai trò của giá cả trong hấp thu các cú sốc và căn cứ vào vai trò của kho hàng, tiết kiệm, và các thị trường bảo hiểm trong việc làm đệm cho cả các xí nghiệp riêng lẻ lẫn các hộ gia đình khỏi tác động của các cú sốc.

Nhưng trong khi Keynes, cũng như những nghiên cứu sau đó theo trường phái Keynes mới, đã cung cấp sự giải thích cho cả thất nghiệp lẫn tính dễ biến động của nền kinh tế - trong khi nó cố thử nhận dạng chính xác cái gì là sai với mô hình Arrow-Debreu cái có thể tính đến những quan sát này - thì một thông điệp khác của Keynes càng thấy rõ ràng: Những căn bệnh kinh tế vĩ mô của chủ nghĩa tư bản là có thể chữa trị được. Không cần tiến hành những cải cách căn bản trong hệ thống kinh tế. Chỉ cần chính phủ can thiệp chọn lọc. Theo nghĩa này kinh tế học Keynes đã làm yếu đáng kể sự biện hộ cho chủ nghĩa xã hội thị trường.

Dù cho các vấn đề này có quan trọng đến đâu, bàn luận sâu về nó sẽ đưa tôi ra khỏi phạm vi của cuốn sách này.


Những nghi ngờ về tính thoả đáng của định lí Lange-Lerner-Taylor: Vài suy nghĩ sơ bộ

Cân nhắc kĩ, tôi ngờ rằng những phát triển trong lí thuyết kinh tế hiện đại, mà tôi đã tóm tắt - sự thừa nhận về tầm quan trọng của (sự thiếu vắng trong nền kinh tế thị trường một tập đủ của) các thị trường kì hạn và rủi ro, sự tách biệt của quyền sở hữu và kiểm soát, sự bất hoàn hảo của cạnh tranh, và sự tái diễn của những thăng giáng kinh tế và thất nghiệp - phải dẫn tới sự nghi ngờ lớn hơn với tính hiệu quả của các quá trình thị trường.

Thế mà hầu hết các nhà kinh tế học ngày nay lại biểu hiện một sự tin cậy lớn hơn, chứ không ít đi, vào các quá trình thị trường so với họ đã có thể có năm mươi năm trước. Họ, đặc biệt, nghi ngờ tính thoả đáng của định lí Lange-Lerner-Taylor. Nhận xét nhân quả gợi ý rằng các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa không giống hệt các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, còn xa mới thế. Mô hình chủ nghĩa xã hội thị trường đặt cơ sở cho định lí đó là sai lầm nghiêm trọng.


Nhưng luận điểm của chúng tôi là, cũng quan trọng ngang như nhận xét rằng mô hình của nền kinh tế thị trường - tạo cơ sở không chỉ cho định lí đó mà cả các định lí căn bản của kinh tế học phúc lợi - là sai lầm nghiêm trọng. Với một mô hình tồi của nền kinh tế thị trường và một mô hình tồi của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, không ngạc nhiên rằng bất kể vẻ giống nhau bề ngoài của sự tương đương của hai, nhiều nhất, có thể chỉ là vấn đề ngẫu nhiên!


Hayek đối lại với Stiglitz

Phần lớn của chương tiếp theo liên quan tới việc giải thích vì sao các định lí của kinh tế học phúc lợi tân cổ điển chẳng nói được mấy cho những người tiến hành lựa chọn các hệ thống kinh tế khả dĩ. Kết luận này, và thậm chí nhấn mạnh của tôi về lí do cho kết luận này, sự bất hoàn hảo thông tin, có thể xem ra quen thuộc với nhiều bạn đọc thông thạo với truyền thống Áo. Hayek đã lập luận mạnh mẽ rằng mô hình thông tin hoàn hảo đơn giản không thâu tóm được vai trò cốt lõi của giá cả và thị trường trong truyền đạt và tổng hợp thông tin.

Sự bất đồng của tôi không phải với khẳng định này, cũng chẳng với nhiều kết luận của ông, như tầm quan trọng của kế hoạch hoá của các xí nghiệp. Mối lo ngại của tôi là quan tâm kép: Thứ nhất, bởi vì Hayek (và những người theo ông) đã không phát triển được các mô hình hình thức của quá trình thị trường, không có khả năng đánh giá những đòi hỏi liên quan đến tính hiệu quả của quá trình đó, và thứ hai (và liên quan đến) sự thiếu vắng mô hình hoá như vậy, không có khả năng đề cập đến các vấn đề cốt yếu liên quan ở đây, sự kết hợp và thiết kế các hoạt động công và tư, bao gồm những hình thức khả dĩ của điều tiết ("những luật chơi" khả dĩ mà chính phủ có thể thiết lập) và những ưu điểm của các chính sách lựa chọn khả dĩ hướng tới tập trung hoá-phi tập trung hoá. Như Sanford Grossman và tôi đã viết khoảng mười lăm năm trước.

Mặc dù cuộc tranh luận [giữa lange-Lerner-Taylor và Hayek] trước đây có lẽ về tính hiệu quả thông tin của các cấu trúc tổ chức khả dĩ, các mô hình trong đó các hệ thống phải hiệu chỉnh với thông tin mới đã không được thiết lập; thay vào đó đã tranh luận rằng nếu thị trường giả là như nhau, thì phân bổ sẽ hệt như nhau, và như thế, sự so sánh các tổ chức khả dĩ trở thành vấn đề giống như so sánh chi phí khác biệt phát sinh từ các hình mẫu khác nhau của luồng thông tin, hoặc tốc độ hội tụ khác nhau. (Grossman and Stiglitz 1976, 252).

Chắc chắn, bất kể mô hình đơn giản nào đều không thể thâu tóm tính phức tạp của các vấn đề thông tin của nền kinh tế. Không mô hình đơn giản nào có thể thâu tóm các quá trình theo đó các định chế thích nghi với hoàn cảnh thay đổi. Chúng ta mắc rủi ro trong thiết lập một mô hình đơn giản, với một tập đơn giản các vấn đề thông tin phải khắc phục, quá trình thị trường có thể tỏ ra thực hiện khá tốt, khi trong thực tế, với một tập thực tiễn hơn của các vấn đề thông tin, hiệu suất của nó là kém hơn nhiều. (Điều ngược lại cũng có thể, tuy ít có khả năng hơn: thị trường thực hiện kém với những vấn đề đơn giản nhưng thực hiện tốt trong các vấn đề phức tạp hơn mà nó phải thích ứng).

Những người chủ trương theo truyền thống Áo thường bảo vệ sự thiếu vắng mô hình hình thức - và sự thiếu vắng các định lí hiệu quả một cách hình thức tương ứng: Nền kinh tế là một quá trình hữu cơ, quá phức tạp để có thể rút gọn thành các mô hình hình thức đơn giản. Công việc của các nhà kinh tế học là mô tả quá trình hữu cơ này và để nhìn ra những loại chướng ngại nào mà sự thiếu vắng, một mặt, của kết cấu pháp lí hoặc, mặt khác, sự can thiệp thái quá của chính phủ, có thể gây ra. Nhưng trong khi họ có thể không phải, hoặc thậm chí không muốn, viện đến tiêu chuẩn phúc lợi chuẩn của tính tối ưu Pareto, thì lại có những ngụ ý mạnh mang tính chuẩn tắc trong thảo luận của họ. Darwin có thể đã nghĩ rằng ông chỉ đơn thuần mô tả quá trình tiến hoá khi ông khẳng định cái dẫn đến sự sống còn của cá thể thích hợp nhất, nhưng những khẳng định như vậy đòi hỏi một định nghĩa về "thích hợp nhất - the fittest" và về nghiên cứu cân bằng chung, và về các tính chất động học của hệ thống. Ngày nay chúng ta thừa nhận rằng quá trình tiến hoá, dưới những hoàn cảnh đa dạng rộng, có thể không có các tính chất "hiệu quả". [13]

Và sự thực rằng thế giới là phức tạp hơn nhiều so với bất kể mô hình nào mà chúng ta có thể xây dựng không miễn cho chúng ta khỏi nhu cầu kiểm nghiệm các ý tưởng của mình bằng sử dụng các mô hình đơn giản và có thể hiểu được. Nếu các thị trường không hoạt động hiệu quả dưới các điều kiện lí tưởng hoá, thì làm sao chúng ta có thể tin được chúng sẽ hoạt động hiệu quả dưới những điều kiện phức tạp hơn? Chỉ có thể do lòng sùng đạo (và thực ra là vượt quá lòng tin)!

Chương trình nghiên cứu mà tôi tham gia hơn hai mươi năm qua đã bắt đầu xây dựng một số mô hình đơn giản như vậy, đánh giá xem các quá trình thị trường hoạt động trong thu thập, chuyển tải, và xử lí các loại thông tin đa dạng thế nào, trong các bối cảnh thị trường đa dạng khác nhau. Trong năm chương tiếp theo, tôi sẽ trình bày một số kết quả nghiên cứu đó.

© 2005 talawas



[1]Tôi sẽ quay lại chủ đề chung này trong cuốn sách. Ở đây đơn giản tôi muốn chuẩn bị trình bày: Có quá nhiều nhà kinh tế học ngày nay gạt bỏ chủ nghĩa xã hội thị trường ngay lập tức, nói rằng nó đã "hiển nhiên" sai.
[2]Cũng phải tồn tại các thị trường cho mọi rủi ro. Trong Chương 3 tôi sẽ tiếp tục vấn đề vì sao các thị trường kì hạn và rủi ro không tồn tại, và sẽ thảo luận bao quát hơn những hệ quả của việc không có những thị trường như vậy.
[3]Trong lập kế hoạch hướng dẫn, các xí nghiệp khác nhau trong nền kinh tế báo cho chính phủ biết họ sẽ có kế hoạch đầu tư và sản xuất bao nhiêu trong tương lai, và nhu cầu tương ứng của họ về đầu vào yếu tố là gì. Về nguyên tắc, sau đó, chính phủ có thể dùng thông tin này -thí dụ, để thông báo cho các xí nghiệp rằng sẽ có một sự mất cân bằng trong một số thị trường tương lai, hoặc, rằng căn cứ vào các kế hoạch hiện thời, cung về thép sẽ vượt cầu. Để cho kế hoạch hướng dẫn hoạt động, các xí nghiệp phải tiết lộ các đường cầu về yếu tố và cung về đầu ra của họ - tức là, họ "có kế hoạch" làm gì - tuỳ thuộc vào giá cả nào có thể xuất hiện trên thị trường. Hầu hết các xí nghiệp, tất nhiên, không có các kế hoạch vạch ra rõ ràng như vậy. Nhưng có lẽ lí do căn bản hơn cho thất bại của kế hoạch hướng dẫn đã là các xí nghiệp đơn giản không có khuyến khích để tiết lộ thông tin cần thiết, ngay cả nếu họ có.
[4]Văn khoa này, nảy sinh từ các bài báo của Ross (1973) và Stiglitz (1974), đã có rất nhiều. Cho một tổng quan ngắn, xem Stiglitz (1989a).
[5]Thực vậy, như tôi lưu ý trong bài giảng Tokyo (1972b) của tôi, do thiếu một tập đủ của các thị trường, nhìn chung sẽ không có sự nhất trí giữa các cổ đông liên quan đến mục tiêu mà công ti phải theo đuổi.
[6]Cho đến gần đây, đa số cổ phần của BP (British Petroleum) do chính phủ Anh nắm giữ. Texaco, là một công ti dầu mỏ tư nhân ở Mĩ, nổi tiếng trong ngành dầu do kết hợp tính kiêu ngạo và bất tài quản lí; khi Texaco thua kiện hàng tỉ đôla mà Pennzoil đã kiện, do đưa ra hãng dầu Getty vi phạm hợp đồng bán công ti cho Pennzoil, Texaco chẳng mấy được ưa chuộng.
[7]Bằng chứng, được Caves and Christensen (1980) cung cấp, cho thấy là không. (Đường sắt Quốc gia Canada do chính phủ sở hữu; Canadian Pacific là hãng tư nhân).
[8]RJR-Nabisco đã là một conglomerate lớn ở Mĩ, được biết đến ban đầu bởi hai dòng sản phẩm - thuốc lá do R.J. Reynolds bán, và các loại bánh (mì) do Nabisco sản xuất (bao gồm cả những sản phẩm khác, như Dứa Dole) - nhưng càng ngày càng khét tiếng về phong cách sống của các nhà quản lí của nó, bao gồm một đội lớn các máy bay phản lực, các nhà nghỉ và các khu trượt tuyết của công ti. Xem Barbarians at the gate [Những kẻ thô lỗ ở cổng] của Bryan Burrough và John Helyar để biết một biến thể phổ biến về chuyện thôn tính này. Có nhiều tài liệu lí thuyết và kinh nghiệm ngày càng tăng thảo luận về xung đột lợi ích giữa các nhà quản lí và các cổ đông. Xem, thí dụ, Morck, Shleifer, and Vishny (1989, 1990), Shleifer and Vishny (1986, 1989), và Jensen (1986).
[9]Xem, Persky (1989).
[10]Văn khoa lí thuyết trong cuối các năm 1920 và đầu các năm 1930 phản ánh mối quan tâm tới lợi tức gia tăng và tầm quan trọng của các chi phí chung. Xem, thí dụ, Lewis (1928) và Clark (1923). Trong các mối quan tâm có bản chất của cân bằng. Xem, thí dụ, Young (1928). Từ những mối quan tâm này sinh ra lí thuyết cạnh tranh không hoàn hảo. Trong khía cạnh này, trong khi đóng góp của Chamberlins (1933) có thể là độc đáo hơn, còn của Robinson (1933) liên quan trực tiếp hơn đến những vấn đề cốt lõi.
[11] Có lẽ tôi phải nhắc đến một thuyết minh lập luận rằng những bất hoàn hảo của cạnh tranh đã có ít hậu quả hơn như đã được hình dung trước đây - học thuyết khả năng tranh đoạt cho rằng cạnh tranh tiềm năng là tất cả cái cần để đảm bảo hiệu quả kinh tế; thậm chí với một xí nghiệp, các lợi ích của cạnh tranh sẽ được chuyển cho các khách hàng, bởi vì lợi nhuận sẽ được đẩy xuống bằng không. Nhưng khảo sát kĩ hơn về các thị trường hoạt động ra sao đã chỉ ra rằng cạnh tranh đã thậm chí ít vững chãi hơn là các nhà kinh tế học đã nghĩ trước đây: Có rất nhiều chiến lược mà các xí nghiệp đó có thể áp dụng (ngoài sự cấu kết công khai) để răn đe sự tham gia và hạn chế cạnh tranh giữa chúng. Cạnh tranh có thể bị hạn chế ngay cả với các chi phí cố định, chi phí lắng chìm rất nhỏ. Xem, thí dụ, Stiglitz (1987g).
[12]Về tổng quan, xem Greenwald and Stiglitz (1993) hoặc Stiglitz (1992b).
[13]Do thiếu một thị trường vốn hoàn hảo, thí dụ, các xí nghiệp thấy khó sống sót - nhưng ai biết rằng trong các hoàn cảnh tương lai họ sẽ thịnh vượng nếu họ chỉ có thể chịu đựng cho đến khi - không thể đi vay đối lại sự thịnh vượng tương lai của họ. Xem Stiglitz (1975a, 1992c). Về thảo luận các vấn đề "học hỏi", xem Bray and Kreps (1987).