© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
22.3.2005
Cao Xuân Hạo
Sự tích bốn chữ “CHÍNH TRƯỚC PHỤ SAU” trong Việt ngữ học
 1   2   3 
 
3. Tính nhất quán trong trật tự từ ngữ

Trong loại hình học ngôn ngữ (language typology) người ta thường phân biệt những loại hình như SVO, SOV, VSO, VOS, v.v., trong đó S (Subject) là “chủ ngữ” hay là “đề” (Topic); V (Verb) là “vị ngữ” hay là “thuyết”; O (Object) là “phụ ngữ” hay “bổ ngữ”. Ðó là cách phân biệt các loại hình ngôn ngữ theo J. H. Greenberg, vốn căn cứ vào trật tự của từ ngữ. Nhưng trong từng loại hình, không phải ngôn ngữ nào cũng có một kiểu trật tự từ ngữ như nhau. Mô hình SVO chẳng hạn, là mô hình chung của tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Anh, tiếng Pháp, v.v. Nhưng giữa các thứ tiếng này lại có những sự khác nhau khá rõ rệt về chi tiết, trong đó có thể phân biệt giữa những ngôn ngữ tuân theo mô hình một cách nhất quán hơn các ngôn ngữ khác cùng mô hình. Tính “nhất quán” (rigidity of word order) ở đây được ước đạc bằng tính nhất quán của hai thành phần sau (VO) trong mô hình. Nếu là ngôn ngữ VO thì tình nhất quán ấy được thể hiện ở chỗ các ngữ đoạn đều có mô hình chính trước phụ sau; còn nếu không (chẳng hạn nếu trong danh ngữ trật tự từ không mô phỏng theo trật tự “VO” (Trung tâm không đi trước phụ ngữ) thì đó sẽ là một ngôn ngữ “không nhất quán bằng”. Dĩ nhiên các ngôn ngữ không có “bổn phận” phải nhất quán. Tính nhất quán chỉ là một xu thế được coi là tự nhiên. Những khi có tình trạng thiếu nhất quán người ta thường đi tìm một nguyên nhân, và thường có thể tìm thấy một nguyên nhân nào đó trong ành hưởng của một nhân tố ngoại lai hay ít nhất là một ngữ trạng đã lùi vào quá khứ – một dí tích lịch sử.

Chẳng hạn khi so sách tiếng Việt với tiếng Hán cổ điển (Ðường –Tống), ta thấy trong tiếng Việt trật tự chính trước phụ sau đều có trong danh ngữ cũng như trong vị ngữ, cỏn trong tiếng Hán trật tự này chỉ thấy có trong vị ngữ và lượng ngữ mà thôi (ái nhữ, đa ngôn, bất tận, nhất đoá nhưng lại có lương thảo, tiền quân). So với tiếng Hán, tiếng Việt “nhất quán hơn nhiều.

Nhưng nếu so tiếng Hán cổ điển với tiếng Anh, ta thấy tiếng Hán nhất quán hơn ở trật tự từ trong danh ngữ (bao giờ phụ ngữ cũng đi trước trung tâm, kể cả khi phụ ngữ là một tiểu cú, trong khi tiếng Anh thường đặt dịnh ngữ tính từ trước trung tâm, nhưng định ngữ tiểu cú (relative clause) thì lại đặt sau trung tâm – The man (whom) I love.

Quả tình, có rất ít ngôn ngữ có trật tự từ hoàn toàn nhất quán như tiếng Việt, và thuộc tính này, tuy chẳng phải là một ưu điểm hay một ưu thế gì, nhưng ít ra cũng là một tình hình tiện lợi cho người làm công việc phân tích.


4. Vị từ tình thái

Một lĩnh vực chứa đầy những định kiến sai lạc nữa của ngữ pháp cổ điển và của những thời kỳ đầu của ngữ pháp hiện đại là vấn đề “thức” (mood) hay “tình thái” (modality). Ta biết rằng có những ngôn ngữ có một phạm trù “thức” ngữ pháp hoá thành một hình thái bắt buộc của vị từ, khiến người ta phải phân biệt những thức khác nhau như thức trần thuật (mode indicatif; cf. declarative clause) thức mệnh lệnh (mode imperatif), thức hạ thuộc (mode subjonctif), thức điều kiện (mode conditionnel hay conditional / hypothetical mood). Thức hay tình thái trong ngôn ngữ học Ấn Âu gắn liền với hình thái học đến nỗi trong tiếng Nga thuật ngữ tương ứng với nó là naklonenije, một thuật ngũ mà xưa kia nhà trường của chúng ta quen gọi là “cách chia động từ”. Trong những thứ tiếng phân tích tính như tiếng Việt (nhất là khi những thứ tiếng này lại ấy âm tiết làm đơn vị ngôn ngữ học cơ bản – tương ứng với từ (word) [1] trong những thứ tiếng tổng hợp tính), ý nghĩa “thức” hay “tình thái” dĩ nhiên phải được biểu thị bằng một tiếng (hay từ), và dĩ nhiên vấn đề vị trí của từ này phải được đặt ra (đồng thời với vấn đề cương vị của nó – chính hay phụ – trong ngữ đoạn).

Mặc dầu ý nghĩa thức hay tình thái làm thành một chương rất cơ bản trong logic học (phần Modal Logic), ngôn ngữ học cổ điển thường có một định kiến gần như có tính chất bản năng coi nó như một cái gì rất phụ, thậm chí như nằm bên ngoài ngôn ngữ, đến nỗi những từ biểu đạt tình thái như chắc, tất nhiên, phải, cần, dĩ nhiên, có lẽ, dù có liên quan đến tình thái nhận thức (epistemic modality) hay tình thái đạo lý (deontic modality), dù là tình thái khách quan (objective modality) hay tình thái chủ quan (subjective modality), thường đều được xử lý như những yếu tố ngoài câu, hay ít nhất là ngoài cấu trúc cú pháp của câu. Thản hoặc nếu có được chính thức đưa vào câu chăng nữa, thì cũng chỉ được coi là một thành phần phụ của vị từ, và được gọi bằng những thuật ngữ vô trách nhiệm như adverbs, subverbs hay co-verbs chẳng hạn. Hình như các tác giả dùng những thuật ngữ này đều cố tránh dùng mọi cách nói có liên quan đến cương vị chính hay phụ của từ mang ý nghĩa tình thái [2] .

Trong các thứ tiếng Âu châu, mặc dầu ý nghĩa tình thái đã được ngữ pháp hoá (và hình thái hoá) bằng thức, vẫn có một số không nhỏ những ý nghĩa tình thái được biểu đạt bằng những phương tiện từ vựng, trong đó có những thực từ gọi là vị từ tình thái (modal verbs) như devoir, être obligé de, pouvoir, être en mesure de, il faut, il est nécessaire de, của tiếng Pháp, must, may, to have to, to be obliged to, v.v. Những từ này đều được sách ngữ pháp coi là trung tâm của toàn ngữ đoạn vị từ, hay ít nhất là có một vị từ làm bổ ngữ trực tiếp. Cách xử lý này hoàn toàn thích đáng cả về nghĩa lẫn về ngữ pháp, vì hình thái bắt buộc của vị từ làm bổ ngữ trực tiếp cho vị từ tình thái phải có dạng vô định (infinitive) tức “nguyên dạng” hay dạng “zero” của vị từ, đúng như quy tắc ngữ pháp của nhiều ngôn ngữ Âu châu quy định.

Và cũng đúng như một thông lệ đã từng được A. Martinet coi là phổ quát trong ngôn ngữ học, ý nghĩa tình thái là một ý nghĩa rất rộng, bao quát rất nhiều lĩnh vực khác nhau của nghĩa học, được biểu đạt bằng rất nhiều phương tiện hết sức đa dạng trong các thứ tiếng khác nhau của nhân loại, trong đó có cả những ý nghĩa và phạm trù khái quát như khẳng định và phủ định, thời và thể, bên cạnh những ý nghĩa đã được ngôn ngữ học công nhận từ lâu là những ý nghĩa tìmh thái tiêu biểu [3] .

Ở đây cần nói thêm một chút về một khái niệm (và một ý nghĩa có nhu cầu được diễn đạt trong khá nhiều ngôn ngữ) mà người ta thường quen gọi là “thời tương lai” (“le futur” / “the future tense”). Vậy “thời tương lai” là gì? Ðó có phải là một khoảng thời gian mà xét về tính hiện thực khách quan quả là có thật trong thực tế – như thời quá khứ và thời hiện tại – không? Chỉ cần suy nghĩ một chút ta cũng thấy ngay rằng trong thế giới hiện thực chỉ có thời quá khứ và thời hiện tại; chứ thời tương lai chưa bao giờ có mặt cả. Nó chỉ có mặt trong trí tưởng tượng, trong lời nói của ông thầy bói hay của nhà tiên tri, trong những lời hứa hẹn (vốn ít nhiều vô trách nhiệm), chứ chưa bao giờ có thật trong thế giới hiện thực cả. Trong ngôn ngữ của loài người, điều này hết sức quan trọng, trước hết là vì ngôn ngữ không trực tiếp phản ánh thế giới khách quan, mà phản ánh cách con người nhận thức về thế giới khách quan. Cho nên các ngôn ngữ có thể khác nhau trong việc có thừa nhận hay không thừa nhận tương lai là hiện thực.

Có khá nhiều ngôn ngữ trả lời không cho câu hỏi chí cốt này, và do đó, nó xử lý thời tương lai không phải như một thời gian có thật, mà như một tình thái – một tâm trạng nào đấy của con người, thường được biểu đạt giống như một giả thiết, một cái gì không hịện thực, hay ít nhất là không chắc đã hiện thực. Chẳng hạn, tiếng Anh trung đại dùng một vị từ có nghĩa là “muốn” (willan) cho thời tương lai. Tiếng Pháp cổ dùng một hình thái gần với thức mệnh lệnh (có ý tiền giả định rằng người nghe chưa thực hiện lệnh này). Tiếng Việt dùng chữ sẽ, một từ có hai cách dùng song song: 1. khi việc còn chưa thành hiện thực; 2. khi câu dùng chữ nếu hay chữ hễ (thường có chữ theo sau) để cho biết rằng đó là một giả thiết [4] .

Cũng giống như trong các “kết cấu loại từ” bao giờ “loại từ” cũng là trung tâm của ngữ đoạn, còn từ đi sau nó lại chính là định ngữ chỉ chủng loại của danh từ trung tâm đi trước, các vị từ tình thái của tiếng Việt cũng chính là những vị từ trung tâm có tác dụng tình thái hoá toàn thể ngữ đoạn vị từ (và thường là cả toàn câu đi sau nó).

Vậy ở đây, cũng như trong danh ngữ mở đầu bằng một “loại từ” (thật ra là danh từ đơn vị chính danh có tác dụng vật hoá toàn bộ danh ngữ), cái vị từ tình thái thường được coi là “hư từ tình thái” có vai trò phụ trợ cho vị từ trung tâm để thêm cho câu một ý nghĩa “tình thái hoá”, thật ra chính là trung tâm của toàn ngữ đoạn vị từ và thường là toàn câu. Chính nhờ cái chức năng tác tử tình thái hoá (modalizing operator hay modalizer) của nó mà câu có được cái tình thái tất yếu mà không có một câu nào, kể cả những câu không thấy có mặt một từ tình thái nào, có thể thiếu được.

Sự không có mặt của một từ tình thái không có nghĩa là câu đang dùng không có tình thái. Tình thái không thể không có mặt trong câu. Chẳng qua đó là một câu không đánh dấu về phương diện tình thái – một câu vô trưng, một câu ở dạng cơ bản nhất, một câu trần thuật (mode indicatif / declarative sentence). Nó mang đặc trưng zero, và đặc trưng này khiến cho nó đối lập với những câu có hình thái phát ngôn riêng: câu hỏi, câu cảm thán, một loại câu có thể chỉ gồm có một từ – thán từ, vốn cũng được gọi là một “từ-câu”, câu mệnh lệnh, câu giả thiết (conditional hay hypothetic), thức hạ thuộc (subjunctive) thường cũng biểu hiện tính phi hiện thực, v.v.

Ở cấp dưới tình thái của phát ngôn, ta có tình thái của kết cấu vị ngữ, mà trung tâm là một vị từ tình thái đặt sau chủ ngữ (hay chủ đề) và đặt trước vị từ làm bổ ngữ trực tiếp cho vị từ tình thái, thường được hiểu như cùng một chủ thể với vị từ tình thái.

Trong tiếng Việt tất cả những vị từ hay chuỗi vị từ đứng sau chủ đề và đứng trước vị ngữ ngôn liệu (dictum) đều có ý nghĩa và cương vị của những vị từ tình thái, kể cả có, không, chưa, đã, đang, sẽ, được, bị, phải, không phải, có thể, không thể, dám, không dám, đành, không đành, nỡ, không nỡ, chịu, không chịu, muốn, không muốn, buồn, không buồn, thèm, không thèm, và hàng trăm vị từ khác.

Như vậy, quy luật chính trước phụ sau trong tiếng Việt được tuân thủ một cách nhất quán trong cả danh ngữ lẫn vị ngữ.


5. Trắc nghiệm Jaxontov

S. E. Jaxontov (đọc [‘jax nt f] – theo IPA) là một nhà Hán học Nga lão thành đã đóng góp nhiều công sức vào việc nghiên cứu thứ tiếng này, và là một trong những tác giả đã xây dựng lý thuyết Âm tiết-Hình vị (the Morpho-Syllabeme Theory) về cấu trúc đặc thù của từ và câu trong tiếng Hán, và nhờ đó mà khắc phục được một cách triệt để những định kiến dĩ Âu vi trung của ngôn ngữ học phương Tây. Nghiên cứu kỹ cấu trúc của tiếng Hán cổ điển và hiện đại, ông phát hiện ra một tính quy luật quan trọng có thể dùng như một thủ pháp hữu hiệu để xác định những mối quan hệ chính phụ giữa các từ ngữ trong câu [5] .

Năm 1980, một giảng viên Khoa Ngữ văn của Trường Ðại học Ðà Lạt. TS. Huỳnh Văn Thông, đã sử dụng những kết luận của ông về câu đơn (simple clause) trong tiếng Hán để kiến thiết một phương pháp trắc nghiệm mà ông gọi là “trắc nghiệm Jaxontov”. Nội dung của phương pháp ấy như sau:

Muốn trắc nghiệm xem trong một ngữ đoạn chính phụ từ nào là trung tâm, từ nào là phụ ngữ, ta hãy đặt một câu hỏi như thế nào mà người nghe phải dùng chính cái ngữ đoạn được dùng làm đối tượng trắc nghiệm ấy để trả lời cho câu hỏi vừa ra. Câu hỏi trắc nghiệm dĩ nhiên phải là một câu hỏi chuyên biệt (wh-question) có dùng một từ nghi vấn như ai, (cái) gì, nào, (thế) nào, đâu, sao (miễn sao trong câu hỏi ấy các từ nghi vấn ai, gì, sao này không làm chủ đề hay chủ ngữ). Trong câu trả lời của người được trắc nghiệm, từ nào trả lời trực tiếp vào từ nghi vấn trong câu hỏi là phụ ngữ, còn từ kia là trung tâm.

Chẳng hạn muốn biết trong con mèo từ nào là trung tâm, từ nào là phụ ngữ, ta thử tìm một câu hỏi như thế nào mà người được trắc nghiệm phải trả lời là con mèo. Câu hỏi duy nhất có thể trả lời bằng con mèo là (Con này là) con gì? (Chứ không phải là mèo nào hay mèo chẳng hạn). Cặp hỏi-đáp Con gì? –Con mèo.” cho phép ta kết luận rằng con là trung tâm, mèo là phụ ngữ, vì mèo, theo đúng quy tắc của những cặp câu “hỏi đáp”, trả lời trực tiếp cho gì, là từ nghi vấn làm phụ ngữ cho con, và do đó cũng là phụ ngữ (cụ thể hơn là định ngữ chỉ rõ tính chủng loại của con. [6]

Có thể lặp lại trắc nghiệm này với bất cứ loại ngữ đoạn chính phụ nào có thể có trong tiếng Việt (Thí dụ vị từ – bổ ngữ như ăn cơm, nấu cháo; danh từ - định ngữ như ngựa thồ, bò sữa v.v. Trong mọi trường hợp kết quả đều rõ ràng và chắc chắn đúng. [7]

Riêng đối với những kết cấu mà từ đi trước là một vị từ tình thái như dám, nỡ, phải, được, cần, câu hỏi trắc nghiệm không phải là gì? hay sao? mà là làm gì? hay ra sao?, vì đặc trưng của vị từ tình thái là ở chỗ bổ ngữ trực tiếp của nó là một vị từ chứ không phải một danh từ. Chính bằng cách đó mà TS. Huỳnh văn Thông đã xác định được cương vị trung tâm ngữ đoạn của vị từ tình thái trong câu tiếng Việt (cũng như trong câu tiếng Hán và nhiều ngôn ngữ khác) [8] .

Dĩ nhiên vị từ tình thái, dù là trong tiếng Việt hay trong bất kỳ ngôn ngữ nào khác, không phải là phương tiện biểu hiện duy nhất của ý nghĩa tình thái. Ðặc biệt phổ biến trong nhiều ngôn ngữ là các phó từ tình thái như được (phương tiện biểu đạt tình thái “khả năng” và/hay “kết quả”) đặt sau vị từ ngôn liệu (dictum verb) như trong ngữ đoạn: ăn được hai bát hay đi được ba dặm đường, và các tiểu từ tình thái cuối câu (sentence-final modal particles) như à, ư, nhỉ, nhé, đấy, đây, chăng, chứ, cơ (kia), thường có tác dụng tình thái hoá cả câu (có thể phối hợp với những phương tiện tình thái hoá khác trong câu, và được khu biệt với các từ khác (nhất là những từ đồng âm với nó như đây, đấy chẳng hạn) nhờ có khinh âm (tức sự vắng mặt của trọng âm).


6. Giới ngữ

Ngôn ngữ học cổ điển không biết đến giới ngữ (prepositional phrase). Giới từ (preposition, postposition hay adposition) [9] trước kia được quan niệm như một “hư từ“ đứng ngoài các ngữ đoạn, và một ngữ đoạn kết hợp với một “hư từ” được coi là một ngữ đoạn “ngoại tâm” (exocentric syntagm) – ngụ ý rằng trung tâm của nó nằm ở bên ngoài bản thân nó. Quan niệm này từ khá lâu đã được thay bằng một quan niệm phản ánh đúng hơn chức năng của các “hư từ”. Hư từ (function word) không phải là một từ vô nghĩa. Nó không có nghĩa từ vựng (lexical meaning), nhưng nó có nghĩa ngữ pháp (grammatical meaning), vốn quan trọng hơn nhiều, vì ý nghĩa này có tác dụng đồi với cấu trúc ngữ pháp của toàn câu. Nó chính là trung tâm của ngữ đoạn mà nó mở đầu, và có tác dụng biến ngữ đoạn ấy thành một cái gì khác hẳn: nó là một tác tử (operator) khiến cho một danh ngữ (làm bổ ngữ trực tiếp cho nó) thay đổi hẳn chức năng. Chẳng hạn so sánh:

a. Tôi tìm tờ báo hôm qua.

b. Tôi tìm trong tờ báo hôm qua (một bài quan trọng).

Ta thấy trong câu a. có một danh ngữ tờ báo hôm qua làm bổ ngữ chỉ đối tượng trực tiếp của tìm, còn trong câu b. có một giới ngữ mà trung tâm là trong làm cho danh ngữ tờ báo hôm qua, bổ ngữ trực tiếp của giới từ trong, và trong giới ngữ này danh ngữ nói trên đã trở thành một phụ ngữ trong một giới ngữ làm trạng ngữ chỉ nơi chốn (chứ không phải bổ ngữ chỉ đối tượng) cho vị từ tìm. Bây giờ đối tượng của tìm không còn là tờ báo hôm qua nữa, mà là một bài quan trọng. Phần lớn các giới từ của tiếng Việt vốn không phải là giới từ chính danh [10] , mà là những danh từ (như của, trên, dưới, trong, ngoài) hay những vị từ (như ở, ra, vào, lên, xuống, đi, đến, về, qua, lại, sang, với, bởi, bằng) trải qua một quá trình ngữ pháp hoá (grammaticalization) mà thành giới từ. Trong câu, những giới từ này khu biệt rất rõ với các danh từ và vị từ vốn là gốc gác của nó nhờ mô hình trọng âm: khi nó được dùng với nghĩa từ vựng, nghĩa là còn giữ nguyên tư cách danh từ hay vị từ, các từ này được phát âm với một trọng âm khá mạnh, còn khi được dùng như môt giới từ, các từ này mất trọng âm và được phát âm như một cường độ chỉ bằng 1/3 đến 1/6 và một trường độ chỉ bằng 1/4 đến 1/8 so với khi chưa ngữ pháp hoá. Và nếu không kể đến những nét “rườm” (redundamt features) mà ngôn cảnh cung cấp, người nghe nhận ra sự chuyển nghĩa chủ yếu là nhờ sự khu biệt về trọng âm ấy [11] . Ðiều này có thể dùng để biện minh cho tính hợp pháp của khái niệm giới ngữ được hiểu như ngữ đoạn có trung tâm là giới từ. Nếu khi được dùng như một thực từ (một danh từ hay một vị từ), các từ như trên, dưới, cho, về chính là trung tâm của ngữ đoạn và danh ngữ đi sau là định ngữ hay bổ ngữ của nó (x. những câu hay ngữ đoạn như:


(1)nó tự đặt mình ở (bên) trên nhân loại; [111] [12]
cháu còn dưới mức trung bình rất xa; [011]
Yêu nhau cởi áo cho nhau; [1111]
tôi muốn về quê mẹ.) [111]


thì khi được dùng như giới từ, mối quan hệ cú pháp của nó với danh ngữ đặt sau nó có thể coi là vẫn y nguyên: đó chính là cách xử lý nhất quán nhất, tuy về phương diện ngữ nghĩa, trong mấy câu và ngữ đoạn sau đây, nghĩa của các giới từ (sau khi ngữ pháp hoá) rất khác với nghĩa của các danh từ và vị từ gốc:


(2) Chim bay trên trời; [01]23
con đừng ngồi dưới đất, bẩn hết bây giờ! [01]
nó đang sửa xe cho tôi; [01]
Tôi đang nói về anh đây; [01]


So sánh cách dùng mấy chữ trên, dưới, cho, về trong hai ngôn cảnh khác nhau (1) và (2) trên đây, ta có thể thấy rõ một mặt là sự khác nhau rất rõ về nghĩa giữa giới từ và vị từ hay danh từ, và mặt khác là sự tương đồng của mối quan hệ chính phụ giữa giới ngữ với bổ ngữ của nó cũng như mối quan hệ chính phụ giữa trung tâm và phụ ngữ trong hai loại ngữ đoạn.

Ðến đây, ta đã bắt đầu thấy ló ra một điều chưa bao giờ được nói đến, dù chỉ bằng một dòng chữ ngắn, trong mấy trăm ngàn trang đã từng được viêt về ngữ pháp hay văn phạm tiếng Việt, kể cả mấy trăm ngàn trang được viết ra dưới sự lãnh đạo của Bộ Giáo dục. Ðó là một trong những điều quan trọng nhất của ngữ pháp tiếng Việt, được kết tinh lại trong bốn chữ CHÍNH TRƯỚC PHỤ SAU, không biết từ đời xa xưa nào truyền lại mà nghe như một câu tục ngữ cổ điển, và càng phân tích kỹ lưỡng, càng theo sát những bước tiến của ngôn ngữ học hiện đại bao nhiêu thì lại càng thấy ứng với những sự kiện có thật trong cách ăn nói hàng ngày của dân tộc. [13]


7. Léopold Cadière

Bây giờ ta đã có thể tìm đến cội nguồn đầu tiên, xa xưa nhất của bốn chữ CHÍNH TRƯỚC PHỤ SAU, bằng cách nhìn lại một sự việc diễn ra trong năm 1900 – năm bản lề chuyển sang thế kỷ XX, và nói đến tên tuổi một con người khiêm nhường không mấy ai biết đến, đúng vào năm ấy đã viết xong mấy trăm trang cố miêu tả thật chính xác thực trạng của một ngôn ngữ mà ông yêu mến như tiếng mẹ đẻ của mình, sau mười mấy năm quan sát và học hỏi, tay không lúc nào rời cuốn sổ ghi chép, và sau đó cho đến khi từ giã cuộc đời vẫn không ngừng bổ sung và chỉnh lý những trang đã viết từ năm mười mấy năm trước mà vẫn không thấy đủ yên lòng để cho xuất bản một công trình đánh dấu con đường dài hơn nửa thế kỷ của một người suốt đời chỉ mơ ước được trở thành một người Việt Nam thực sự [14] .

Ðọc những sách vở viết về tiếng Việt của những người đi trước, ông thấy hoàn toàn bất mãn, vì những sách vở ấy đều lấy tiếng Pháp làm căn cứ để miêu tả tiếng Việt theo cách cảm thụ của một người đã quen tư duy và diễn đạt ý nghĩ của mình bằng tiếng Pháp. Trong cuốn pháp tiếng Việt Nam mà sau khi ông mất các bạn đồng môn thân thiết nhất của ông đã quyết định đặt tên như vậy và đem xuất bản, L. Cadière viết:

Những cuốn sách ấy vốn được viết ra nhằm mục đích giúp người Pháp học tiếng Việt, cho nên đều xử lý các vấn đề ngữ pháp trên quan điểm của ngưởi Pháp, căn cứ vào cách nói năng của họ, cách sắp xếp ngôn từ của họ, cách tư duy của họ. Họ trình bày như thể tiếng Việt Nam cũng có một cấu trúc y hệt như tiếng Pháp. Và lạ hơn nữa là ngay những cuốn sách ngữ pháp do chính người Việt soạn cho học sinh người Việt học cũng được viết y hệt như thế. Cho đến nay vẫn chưa có một ai nghĩ đến việc soạn ra một cuốn sách ngữ pháp tiếng Việt dựa trên cơ cấu của chính tiếng Việt
để dắt dẫn người học đến chỗ tư duy thực sự bằng tiếng Việt (sđd).

Trong lời đề tựa cho cuốn Cú pháp, ông lại viết:

Trong chừng mực có thể làm được, tôi cố sao đứng trên quan điểm của tiếng Việt: nghĩa là không dùng cách chỉ bảo cho người học biết rằng muốn diễn đạt ý của một câu, một lối nói của người Pháp bằng tiếng Việt thì phải nói hay viết như thế nào, mà chỉ lấy những câu, những kiểu nói của chính người Việt nói ra để vạch rõ cái giá trị (valeur) của câu nói đó được dùng làm phương tiện để diễn đạt ý nghĩ gì: đó chính là cách dạy cho người ta biết được một thứ tiếng. [...] Còn cách kia chỉ là một cái mẹo để dẫn dắt lừa kéo xe (“guide-âne”), có thể rất có ích lúc ban đầu, nhưng không bao giờ có thể làm cho người ta ý thức được cái thần của một ngôn ngữ (le génie d’une langue) (sđd., tr. xxiv). [15]

Nhân thể cũng xin nói luôn rằng chính cách dạy tiếng Việt kiểu“guide-âne” đó đã phát minh ra ba chữ đã, đang, sẽ được coi là ba phương tiện diễn đạt ba thì quá khứ, hiện tại và tương lai trong khi người Việt không bao giờ dùng ba từ này như thế: họ dùng nó ở cả ba thì quá khứ, hiện tại và tương lai, để diễn đạt những ý nghĩa hoàn toàn khác [16] .

Có lẽ nơi mà cuốn sách của L. Cadière gói ghém những thành quả có giá trị nhất của ông là chương II, chương nói về Kết cấu của câu (Construction de la Proposition)), nhất là ở §1. dành cho Các quy luật của câu (Des Lois de la Proposition) là nơi ta có thể tìm thấy những ý kiến đáng quan tâm nhất, bộc lộ những suy nghĩ độc đáo nhất, đồng thời cũng là chính xác nhất, của L. Cadière, cho thấy những thành quả ưu việt của mấy mươi năm quan sát cặn kẽ những sự kiện quan trọng trong từng lời ăn tiếng nói của người Việt mà không vướng bận bất cứ một định kiến sai trái nào của người châu Âu, kể cả những điều mà họ tin là “hợp lý” và “văn minh” nhất.

Các quy luật khái quát chi phối cách kết cấu các từ ngữ trong câu được L. Cadìère quy lại thành ba như sau:

  1. Luật chính trước phụ sau (Loi de précision);
  2. Luật mô phỏng thứ tự thời gian (Loi de succession);
  3. Luật bất định (Loi d’indétemination).


1. Luật chính trước phụ sau (Loi de précision) [17]

Nội dung của luật này là như sau: Trong một câu đơn, các từ ngữ nối tiếp nhau theo một trật tự như thế nào mà mỗi từ đi sau làm rõ ý nghĩa của từ đi trước hay của một trong những từ đi trước (Les mots, dans une proposition simple, se succèdent dans un ordre tel que chacun des termes précise le sens du terme précédent ou d’un des termes précédents) (tr.137). Thí dụ:

Con bò đen của nhà tôi đang ăn cỏ ngoài cánh đồng ở cuối thôn.

Ta có thể lần lượt, theo thứ tự của câu nói, đặt câu hỏi từ chữ đầu trở đi và trả lời từng câu hỏi một. Ta sẽ có:

–Con gì? – con bò. –bò gì? – bò đen. –của ai? (Của ai- của nhà. – Nhà ai? – nhà tôi). – nó đang làm gì? – nó đang ăn.- ăn gì?- ăn cỏ. –ăn cỏ ở đâu? – ăn ở ngoài. – ờ ngoài nào? – ở ngoài cánh đồng. (- cánh gì? – cánh đồng). – cánh đồng nào? – cánh đồng ở cuối thôn - (đồng nào? – đồng ờ đâu? – đồng ở cuối.- cuối cái gì? – cuối thôn.

Nếu diễn thành một biểu đồ cho thấy các quan hệ chính phụ trong câu [18] , ta sẽ có:



Ðến dây, ta đã có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng cội nguồn của bốn chữ CHÍNH TRƯỚC PHỤ SAU chính là cái “quy luật” được gọi một cách không lấy gì làm rõ ràng cho lắm là loi de précision của L. Cadière.

Biểu đồ trên đây của chúng tôi có thể dùng để minh hoạ một cách đủ chính xác những mối quan hệ ngữ pháp nhiều tầng bậc mà L. Cadière miêu tả một cách khái quát trong quy luật thứ nhất của ông, trong đó ông chỉ có thể nói rất sơ sài về tổ chức tầng bậc. Tuy ngắn gọn và có phần quá giản lược, chúng tôi vẫn nghĩ rằng cái quy luật của ông hoàn toàn có thể chứng minh được [19] .

Nhìn chung, tiếng Việt rất nhất quán trong cách xử lý trật tự từ ngữ (chính trước, phụ sau, nhất là khi so với tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Hán, trong đó không thể có một nhận định tổng quát nào về trật tự từ ngữ. Trong tiếng Việt, những từ ngữ Hán-Việt làm thành một trường hợp lệ ngoại nổi bật đến mức người không có học bao nhiêu cũng biết đó là một trật tự “ngược”, nếu không kể những trường hợp lệ ngoại như những tổ hợp [vị từ tình thái+ ngữ vị từ] như các kết cấu mở đầu bằng bất hay vốn được xử lý như mọi tổ hợp [vị từ+ bổ ngữ] khác (chính trước phụ sau). Tuy vậy cũng không hiếm những kết cấu sai ngữ pháp Hán nhưng đã trở thành vốn văn học dân gian như cách nhại tiếng kêu của con đa đa (gà gô) là Bất thực cốc Chu gia (không thèm ăn lúa nhà Chu) được gán cho Bá Di vàThúc Tề (lẽ ra phải là Bất thực Chu gia cốc mới đúng ngữ pháp tiếng Hán).

Nhưng trong cuốn sách về Cú pháp tiếng Việt, L. Cadière hầu như không buồn chú ý đến những kết cấu Hán Việt chút nào (khác hẳn vời những cuốn sách sao phỏng ngữ pháp tiếng Pháp theo kiểu “Translatese” mà Triệu Nguyên Nhậm [20] từng nặng lời chế giễu).

Sau khi đã tìm được cội nguồn xưa nhất của bốn chữ CHÍNH TRƯỚC PHỤ SAU của L. Cadière, ta có thể nói đến hai quy luật còn lại được ông coi là cơ bản nhất đối với tiếng Việt.

© 2005 talawas



[1]Ðây là cách dùng từ của tất cả các sách viết về tiếng Việt bằng tiếng Anh. Trong các từ điển Việt-Anh hay Anh-Việt ta còn thấy có một cách xử lý đúng đắn nữa là tất cả những từ mà ta gọi là tính từ đều được gọi là verbs và dược dịch như những verbs (chẳng hạn dài được dịch là to be long chứ không phải là long. Cách làm này hết sức cần thiết đối với người quen dùng tiếng Anh, vì nó cho họ biết rằng dài có thể tự nó làm vị ngữ (predicate) mà không cần có một vị từ như to be đi trước.
[2]Có thể dẫn Nguyễn Phú Phong Le syntagme verbal en vietnamien. Mouton, La Haye-Paris,1976; Clark Marybeth, Coverbs and Case in Vietnamese. Pacific Linguistics Series B, No 48. 1978 .
[3]Có những ý nghĩa mà ngữ pháp học cổ điển không xếp vào ý nghĩa tình thái chẳng qua là vì nó không được diễn đạt bằng những phương tiện điển hình như bằng vị từ tình thái chằng hạn, mà bằng hình thái học (như hình thái “thức” hay “thể”) hay bằng những phương tiện từ vựng có cương vị phụ trợ như phó từ (adverbs), trong đó có các “phó từ phủ định” của tiếng Hy Lạp, tiếng La Tinh, tiếng Pháp, tiếng Ðức, v.v., đến nỗi khi có một tác giả nào nói đến “tình thái phủ định” hay tình thái thề” thì người nghe, dù là người trong nghề, có thể rất ngạc nhiên và thấy bất ngờ.
[4]Xin nhớ rằng những phương tiện được gọi là “trợ từ” (auxilliaries) như will, shall (ss, với would, should) xét về cương vị ngữ pháp thực sự chính là những trung tâm của ngữ đoạn vị từ (the Head of the VP),và những vị từ đi sau nó đều là những bổ ngữ trực tiếp của nó (đều ở thức vô định – bare infinitive) và cái được gọi là “trợ từ “ chính là từ duy nhất có biển hình với tư cách là trung tâm của ngữ đoạn.
[5]Jaxontov S. E. Principy vydelenija chlenov predlozhenija v kitajskom jazyke. Vestnik LGU. Vyp. 5 tr. 241-259.
[6]Xin chú ý là trắc nghiệm này chỉ có giá trị đối với những ngữ đoạn chính phụ mà thôi. Ðối với những tổ hợp khác (chẳng hạn kết cấu đề-Tthuyết hay chủ-vị, kết cấu lượng ngữ với danh từ, kết cấu gồm hai từ đẳng lập (kể cả những từ láy kiểu chùa chiền, chợ búa), nó đều cho những kết quả bất định.
[7]Sau Huỳnh Văn Thông đã có một vài tác giả khác dùng những ý kiến của S. I. Jaxontov như một thủ pháp trắc nghiệm. Chẳng hạn một tác giả, để phân tích cấu trúc của câu Thuốc nó cũng không hút, đã đặt những câu hỏi trắc nghiệm sau đây: Nó có hút thuốc không?; Nó không hút thuốc à? Những câu hỏi này đề không thể trả lời bằng câu cần được trắc nghiệm. Lẽ ra câu ấy chỉ có thể trắc nghiệm được bằng câu hỏi: (Thế thì) thuốc nó có hút không? mà thôi.
[8]Huỳnh Văn Thông. Các vị từ tình thái trong tiếng Việt. Luận án Thạc sĩ Ngôn ngữ học (Ðà Lạt 1980); Các phương tiện biểu đạt ý nghĩa tình thái trong tiếng Việt. Luận văn Tiến sĩ Ngôn ngữ học. HCM 2003; Cf. Phạm Thị Ly. Tiểu từ tình thái trong tiếng Việt. Luận văn Tiến sĩ Ngữ văn. HCM 2002. Về quan hệ chính phụ giữa vị từ tình thái và vị từ ngôn liệu làm bổ ngữ trực tiếp cho nó, xin xem danh sách ở phần Phụ luc đăng ở cuối bài này.
[9]Chữ preposition vốn được dùng thay cho adposition, chỉ vì trong các thứ tiếng châu Âu, giới từ thường đặt trước bổ ngữ của nó (danh từ). Thật ra, vị trí của giới từ còn tùy ở loại hình ngôn ngữ. Nếu là ngôn ngữ SVO thì giới từ thường đặt trước, nhưng nếu là SOV (như tiếng Nhật bản hay tiếng Triều tiên chẳng hạn), thì giới từ thường đặt sau. Cho nên adposition là thuật ngữ khái quát hơn preposition postposition. Như vậy thuật ngữ chung lẽ ra phải là adpositional phrase.
[10]“Giới từ chính danh” trong tiếng Việt chỉ có hai từ (vốn gốc Hán) là tại (chỉ nơi chốn) và từ (chỉ nguồn–điểm xuất phát. Còn lại là những vị từ có nghĩa di chuyển và những danh từ “khiếm khuyết” (không có đủ những thuộc tính định nghĩa của các danh từ tiêu biểu).
[11]cf. Trọng âm và các quan hệ ngữ pháp trong tiếng Việt. in Tiếng Việt. Mấy vấn đề Ngữ âm, Ngữ pháp, Ngữ nghĩa. Sđd., tr. 137. Quá trình ngữ pháp hoá đem lại sự hình thành của giới từ này còn thấy diễn ra trong khá nhiều ngôn ngữ quen biết trên thế giới. Chính vì không nhận thấy sự khu biệt này mà một số tác giả, trong đó có những trí tuệ lớn (như cụ Phan Khôi chẳng hạn, cho rằng người Việt tư duy không đúng khi nói “Chiến đấu ngoài mặt trận; Con đừng ngồi dưới đất; Chim bay trên trời; Cá lội dưới sông; Con chó nằm ngoài sân” v.v. Ngữ pháp của tiếng Việt (và khá nhiều ngôn ngữ khác) bắt buộc người bản ngữ phải đưa vào cách định vị sự vật một tham số mà tiếng châu Âu không có: vị trí của người nhìn so với sự vật cần định vị. (S. Kuno gọi tham số này là camera). Những câu như đã kể trên chỉ “sai” khi nào các giới từ kể trên mang trọng âm và do đó không còn là giới từ nữa (vì đã trở lại nghĩa gốc của danh từ hay vị từ).
[12]Những từ in đậm trong các thí dụ đều có chua mô hình trọng âm ở cột bên phải: [11] (hai trọng âm – một cho vị từ, một cho bổ ngữ), hay [01] (proclise – phụ từ mất trọng âm).
[13]Ðọc Thompson L. C. A Vietnamese (Annamese) Grammar. Washington D.C. 1965, ta có thể thấy rõ ông đã phải tốn bao nhiêu công sức để uốn nắn lại những tập quán behavioristic antimentalistic của trường phái miêu tả chính thống mà ông cố giữ lại, để phản ánh đúng những sự kiện có thật của tiếng Việt như sự thiếu vắng của chủ ngữ (grammatical subject), tầm quan trọng của chữ thì và cương vị chủ đạo của chủ đề (mà ông gọi là focal complement - và được ông coi như một phương tiện biểu thị chủ thể logic), v.v., và nhờ đó mà viết được một cuốn ngữ pháp tiếng Việt có giá trị hơn hẳn những cuốn sách sau này được chép thẳng từ sách ngữ pháp tiếng Pháp và được Bộ Giáo dục coi như những pháp lệnh không ai được thay đổi một cái dấu phảy.
[14]Cf. Cadière R. P. Leopold (1877-1948). Souvenirs d’un vieil annamitisant, Indochine, Hanoi, No 143, 8 Juillet 1943
[15]Trong nguyên bản, ta có: [Ces livres,] rédigés dans le but spécial de faire apprendre l’annamite à des Fran-çais, traitent les diverses questions de syntaxe, non pas en se plaçant sur le point de vue de la kangue annamite elle-même, mais en se plaçant ua pointe de vue des Français, de leur manìere de parler, de leur façon d’arranger le discours, de leur façon de pensée> Ils traient la langue annamite exactement comme si elle avait la même structure que la langue française. Et, chose plus curieuse encore, des grammaires com-osées par des Annamites, pour l’usage d’écoliers annamites., sont conçues exactement sur le même plan. Personne jusqu’ici ne s’est préoccupé de faire une grammaire annamite basée sur la constitution propre de la langue annamite, de façon à conduire l’annamitisant à penser vraiment annamite (Souvenirs..., Indochine, N o 143, 8 Juillet 1943) [...]

Je me suis plácé, autant que possible, au point de vue vietnamien; c’est-à-dire au lieu d’indiquer comment on rend en vietnamien telle ou telle tournure, telle ou telle constuction française, j’ai pris les ex-pressions, les tournures dont se sert la langue vietnamienne elle même, et j’ai indiqué leur valeur, en tant que moyen d’exprimer la pensée; c’est la vraie manìere de faire connâitre une langue (Syntaxe de la langue vietnamienne, p. XXIV.).

Những lời trên đây tưởng đâu như chép lại nguyên văn của F. de Saussure, “người cha của ngôn ngữ học hiện đại”, mặc dầu hồi viết cuốn Syntaxe, có lẽ L. Cadière vẫn chưa hề biết Saussure là ai.
[16]x. Phạm Duy Khiêm trong Trần Trọng Kim, Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỷ. Grammaire Annamite. (Traduction). Hanoi 1940. Trong bản tiếng Pháp, phần nói về “Temps” và phần nói về “Aspects du verbe” có trình bày rất rõ về ý nghĩa “thể” của đã, đangxong, với cách hiểu hoàn toàn trùng hợp với L. Cadière.
[17]Chúng tôi không dịch từng chữ của nguyên bản, mà cốt diễn đạt sao cho thật đúng cái ý mà tác giả muốn diễn đạt. Chẳng hạn như mấy chữ Loi de précision nếu dịch sát từng chữ sẽ là Luật chính xác, và người đọc sẽ hiểu đây là một quy luật yêu cầu phải dùng từ hay sắp xếp từ ngữ cho thật chính xác, trong khi tác giả muốn nói rằng từ ngữ trong câu phải đước sắp xếp như thế nào để từ đi sau làm rõ nghĩa (préciser le sens) của từ đi trước (chứ không phải ngược lại).
[18]Cách vẽ biểu đồ này, mà chúng tôi thường gọl là biểu đồ hình chậu, được dùng trong các bài tập phân tích cấu trúc ngữ đoạn cho sinh viện năm thứ tư. Nó được thực hiện theo nguyên lý sau đây: trung tâm của các ngữ đoạn là từ có mũi tên; các từ phụ thuộc vào cái trung tâm ấy đều nằm trong phạm vi bao bọc của cái “chậu”. Muốn tìm trung tâm của toàn ngữ đoạn lớn nhất, chỉ cần lần lượt dõi theo hướng đi của từng hình chậu cho đền khi đạt đến mũi tên cuối cùng (bao giờ cũng ở điểm tột cùng bên phải – vì nguyên lý chung bao giờ cũng là “chính trước phụ sau”. Chẳng hạn muốn biết chữ tôi (chữ thứ 5 trong câu) phụ thuộc vào chữ nào, chỉ cần lần theo mũi tên bên dưới chữ ấy, đi về phía trái, rồi chuyển xuống bậc dưới, đi tiếp về phía trái nữa, v.v., cho đến khi nào tới mũi tên cuối cùng chỉ vào chữ con. Chữ này chính là trung tâm của toàn thể danh ngữ là phần đề (Topic hay Theme) của câu. Sau chữ số 5, câu chuyển sang một ngữ đoạn khác – phần thuyết (Comment hay Rheme) của câu. cũng có một cấu trúc chính trước phụ sau như thế. Ðề và Thuyết là hai phần bình đẳng với nhau, không có phần nào phụ thuộc phần nào, tuy Ðề thường đi trước. Mối quan hện này chúng tôi xin biểu diễn bằng một đoạn thẳng có đánh dấu ở hai đầu bằng một chấm tròn“●”.
[19]Dĩ nhiên không khỏi nảy sinh những trường hợp lưỡng khả hay tồn nghi, chẳng hạn như trưởng hợp các lượng từ (nhất là số đếm), quán từ (cái thằng), trạng ngữ phương thức đặt trước vị từ (liệu có thể coi như những từ tình thái không?). X. Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt. Mấy vấn đề Ngữ âm, Ngữ pháp, Ngữ nghĩa. 1989. Sđd.
[20]Chao, Yuen Ren. Language and Symbolic Systems. Cambridge Un. Press. London. 1968