© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
3.6.2006
Jason Gibbs
Trần Tiến: Người hát rong của thời Đổi mới
Nguyễn Trương Quý dịch
 
Nhạc sĩ biểu diễn với cây đàn guitar là một biểu tượng quen thuộc của sự khai phá, của sự tự thể hiện và có lúc là của những biến động thời cuộc. Thanh niên Việt Nam bắt đầu chơi guitar vào những năm 1930, một biểu hiện của sự đam mê đối với một nền văn hoá phương Tây xa xôi. Năm 1944, nhạc sĩ Phạm Duy đã mang cây đàn guitar rong ruổi khắp nơi cùng một gánh hát lưu động, hát những bài hát tân nhạc hãy còn non trẻ dọc đường dài đất nước. Sau đó, ông cũng lên đường cùng cây đàn để ủng hộ cho cuộc kháng chiến của Việt Minh chống lại quân Pháp. Vào những năm 1960, một ca nhân và một nhạc sĩ khác, Trịnh Công Sơn, dùng cây guitar của mình để hát cho hoà bình trên khắp miền Nam Việt Nam. Trần Tiến là một người du ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, anh đã dùng cây đàn, tiếng nói và năng lượng sáng tạo của mình để hát cho quê hương, vừa ngợi ca vẻ đẹp cũng như đồng thời chỉ ra những điều tiêu cực của đất nước.

Giống như mọi người Việt Nam cùng trang lứa, Trần Tiến đã sống qua những thời kỳ đầy gian khổ, nhưng cũng rất trọng đại. Anh sinh năm 1947 trong kháng chiến, trên một miền đồi gần sông Đáy ở vùng Sơn Tây, trong khi chạy càn của quân Pháp. Sinh ra trong một gia đình khá giả ở Hà Nội, sau 1954, bố mẹ anh phải đi cải tạo. Do thành phần gia đình, cơ hội học hành của anh ban đầu bị hạn chế. Anh kể rằng đã trải qua thời trẻ sống lang thang trong những ngõ nhỏ Hà Nội. Vào lúc tuổi mới lớn, anh làm việc hậu trường cho một đoàn văn công tuyên truyền. Sau một thời gian, anh lên sân khấu và trở thành một giọng ca dự bị cho đoàn, rồi đảm nhiệm vai trò ca sĩ hát chính [1] .

Đoàn văn công biểu diễn ở vùng chiến sự và anh đi vào vùng Tây Nguyên và miền cao nguyên Lào. Thời gian này anh bắt đầu viết ca khúc. Ví dụ 1 là ca khúc “Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp” anh viết khi đang làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào năm 1968 (Đ.T. 1982, 6).

Ví dụ 1 - Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp

Này cô gái trên nương ơi chịu khó nuôi chiến sĩ
Người diệt thù vì dân ơ chưa về, Ô đê
Rồi mai đây đất nước vắng bóng thù
Đợi chờ anh lại về bên em người đẹp ơi anh về

Ơ này cô cô gái, ơ này cô gái Lào
Mình anh hát, mình anh lăm tơi
Múa một mình sao nó không đẹp, không đẹp, không đẹp, không đẹp
Em hỡi em ra đây cùng kêu lăm tơi khèn anh ngân vang
Trông kìa đôi tay mềm
Thân uốn cong lăm vông nhịp nhàng, nhịp nhàng, nhịp nhàng, nhịp nhàng
Anh đã nhìn thấy em cười tươi, trong tiếng cười ấm vui bạn bè
Ơi nụ cười sao duyên dáng
La na la nuôn na, la na la y nuôn na
Ơi cô em Sầm Nưa, nhớ thương anh đợi chờ.

Ca từ và nhạc của ca khúc gợi lên một điệu nhạc giải trí quen thuộc của Thái và Lào có tên lăm tơi và một điệu múa vòng tròn là lăm vông [2] . Khèn là một nhạc cụ thổi bản địa không cần có lưỡi gà được dùng trong những dịp lễ này. Tỉnh Sầm Nưa của Lào là một căn cứ của quân cộng sản Pathet Lào. Mặc dù bài hát liên quan đến chiến tranh và cuộc chiến đấu của Pathet Lào với sự hỗ trợ của Việt Nam, nó nói trực tiếp về những người phụ nữ hậu phương và sự ngóng đợi những người đàn ông từ mặt trận trở về. Bài ca khi đó đã tạo ra một sự say mê hơi lạ lẫm cho một bài hát Việt Nam và khi xuất hiện, nó đã được yêu thích cả ở Lào và Việt Nam [3] . Nó phục vụ cho mục đích truyên truyền cổ vũ tình đoàn kết và hữu nghị Lào-Việt, và đã giành được một giải thưởng ca khúc của cuộc thi “Tiếng hát át tiếng bom” [4] .

Năm 1971, Trần Tiến bị sốt rét ác tính và trở ra Bắc về Hà Nội. Sau đó anh theo học Nhạc viện, tốt nghiệp khoa thanh nhạc và sáng tác năm 1978. Những ca khúc đầu tiên sau khi tốt nghiệp mang chủ đề yêu nước. “Giai điệu Tổ quốc” là một bài ca ngợi lòng yêu nước, nói về những giai điệu anh nghe thấy từ sự hùng thiêng của sông núi, trong bài hát ru con, trong Truyện Kiều, và trong nhịp quân hành của những người lính ra trận. Chiến tranh lại trở thành một mối quan tâm trước sự xung đột với Khmer Đỏ năm 1978 và Trung Quốc năm 1979. Trước cuộc chiến bành trướng của Trung Quốc, anh viết bài “Những đôi mắt mang hình viên đạn”, đôi mắt của những người già và trẻ em đang khóc than từ nơi biên giới - trở thành động lực cho những người lính Việt Nam. Cũng trong khoảng thời gian đó, anh viết “Vết chân tròn trên cát”, một khúc ca ghi công những người thương binh trở về. Những vết chân tròn trong bài hát từ chiếc nạng gỗ của người cựu chiến binh, người đã tìm cho mình niềm khuây khoả trong công việc của thầy giáo làng quê miền duyên hải, nơi anh chơi cây đàn guitar của mình cho lũ trẻ (Gibbs 2006) [5] .

Trong thời gian này, một hình thức nổi lên trong âm nhạc phổ thông ở Việt Nam được gọi là nhạc nhẹ. Loại nhạc này mang một số hình thức được lấy từ mô hình ca khúc chính trị Đông Âu và nhạc cổ động diễn đàn của Xô-viết (estrada). Chính phủ nhận thấy, sau khi chiến tranh qua đi, có một nhu cầu nghe nhạc để thư giãn - mọi người muốn âm nhạc phải vừa vặn với nhịp điệu “nhộn nhịp, khẩn trương” của xã hội mới (Nguyễn Đức Toàn 2004 [1977], 703). Tuy nhiên, như một nhạc sĩ đã viết, mặc dù nhạc nhẹ “thường được dùng để đáp ứng đòi hỏi giải trí,... không hề có nghĩa là chức năng và tác dụng giáo dục của nhạc nhẹ hạn chế” (Phạm Đình Sáu 2004 [1978], 713). Những trào lưu Âu-Mỹ như nhạc rock đã tìm được con đường trở lại trong ca khúc Việt Nam thông qua hình thức này.

Hầu hết những ca khúc của Trần Tiến thời kỳ này thể hiện những hình thức giao thoa với đời sống xã hội. Ca khúc “Mặt trời bé con” nói về niềm vui được thấy những đứa trẻ háo hức xem tiết mục của anh, tìm thấy ý nghĩa trong sự hưởng thụ giản dị mà anh có thể mang lại cho chúng. Ca khúc “Thành phố trẻ” viết khoảng năm 1981 dùng những nhịp điệu rock để nhấn mạnh niềm lạc quan của đất nước.

Ví dụ 2 -Thành phố trẻ

Em đi đâu về? mà tóc đầy me!
Em ngồi em chải, nghĩ gì vui thế
Mà cười một mình.
Anh đi đâu về? dầu máy đầy tay
Lưng trần gió bể, nghĩ gì vui thế nhìn người vợ hiền. ( la la la ...)
Thành phố tôi (mang tình yêu) rất trẻ (như mùa xuân)
Bạn hãy nghe ... (vang lời ca) họ hát về mình,
Bằng trái tim ... (mang tình yêu) rất trẻ ... (như mùa xuân),
Bằng khát khao bỏng cháy...
Đêm khuya tiếng đàn xao xuyến hàng me
Có người lính trẻ, nhớ người bạn gái ngồi đàn một mình
Đi trong tiếng đàn thành phố tình ca
Thấy mình bỗng trẻ, ôm đàn tôi hát hoà cùng bạn bè.

Đó là chân dung của một thành phố, một tập hợp của những cá nhân tiên tiến được đặt trong một thế giới chia sẻ về công việc, tình yêu, tuổi trẻ và âm nhạc. Người vợ trong ca khúc yêu con đường rợp bóng cây rải lá me bay lên tóc cô. Người chồng hết mình trong lao động sản xuất tìm thấy niềm vui khi nhìn ngắm hạnh phúc riêng tư của mình. Thậm chí cả nỗi cô đơn của một người lính cũng có một chỗ trong bài hát. Mọi người trong thành phố của bài hát đều tràn đầy tuổi trẻ và sức sống. Đây là một khía cạnh hiện thực xã hội chủ nghĩa rất hợp thời – bài hát đã được thanh niên bình chọn là một trong mười ca khúc được yêu thích nhất năm 1982 (Thanh Bình 1982, 9) [6] .

Chân dung của “Thành phố trẻ” quả là quá tươi sáng khi so sánh với hiện thực lúc đó. Bản thân chính quyền Việt Nam đã nhận ra điều cần làm để cải cách, và những đổi thay cộng hưởng từ Liên Xô mở đường cho quá trình cải tổ (perestroika), ở Việt Nam gọi là đổi mới. Nhà lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Văn Linh đã khích lệ văn nghệ sĩ tấn công vào những vấn đề như "bệnh quan liêu, ức hiếp quần chúng,... ăn bám, sống phè phỡn trên lưng những người lao động chân tay và trí óc...” Để đáp ứng, năm 1987, Trần Tiến thành lập một ban nhạc rock có tên “Đen Trắng” [7] . Bài hát “Trần trụi 87” là tuyên ngôn mạnh mẽ nhất của anh về đổi mới, khắc hoạ một đất nước với những khẩu hiệu trống rỗng, nơi những người tài năng nhất bỏ ra nước ngoài, và sự hi sinh của những người lính cùng những nông dân đã nuôi giấu họ bị quên lãng (Gibbs 2006). “Rock đồng hồ” là một chân dung của một xã hội mà người lao động nghèo khổ được ví như chiếc kim giây mỏng mảnh chạy mãi không nghỉ, trong khi chiếc kim giờ - ám chỉ những quan chức nhà nước nhiều đặc quyền đặc lợi - hưởng mọi thành quả (Hiebert 1991). Kim giây chỉ được hỏi đến khi nào nó chết.

Ví dụ 3 - Rock đồng hồ

Bạn nhìn xem chiếc kim giây, khốn thân cho chiếc kim giây yếu gầy (tung tung, tích tắc)
Chạy loanh quanh suốt tháng năm, chạy như điên cho lũ kim kia nhích dần (tung tung, tích tắc)
Nhưng có ai xem đồng hồ, có mấy ai đi xem đồng hồ hỏi giây (tung tung tích, boong)
Rồi một hôm chiếc kim giây, chẳng ai chăm, chiếc kim giây yếu dần (tung tung, tích tắc)
Chạy loanh quanh đói nhăn răng, chạy như điên cho tới khi kim chết dần (tung tung, tích tắc)
Kim phút ư hay kim giờ? Không có kim giây coi như là bỏ đi (tung tung tích, boong)
Bao tháng năm vẫn âm thầm, nay chết đi kim giây mới được hỏi tên (tung tung tích, boong).

Tôi thấy bài hát này giống như một cách thể hiện của thời công nghiệp cho câu tục ngữ Việt Nam: “Nhất sĩ nhì nông / Hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ”. Sự hoán đổi của hệ thống trật tự xảy ra khi mất mùa, cũng như thế, khi người lao động kiệt quệ, như tình cảnh họ ở Việt Nam những năm 1980, thì cũng chẳng có nhiều nhặn để mà cho các vị tai to mặt lớn.

Một bài hát khác khi đó, “Chuyện năm người”, vẽ nên một cái nhìn khác về những bộ phận tiêu biểu của xã hội.

Ví dụ 3 - Chuyện năm người

Có khu rừng thanh niên xung phong thiếu đàn ông, toàn con gái chưa chồng...
Họ cứ cười như điên như điên, chiến tranh thì liên miên, liên miên, họ không cười thì chết mất,
Mi phá mi rề mi phá mi rề mi lá...
Có một nàng tiểu thư con quan, sống giàu sang, đời sung sướng vô vàn...
Cô suốt ngày soi gương, soi gương, tìm nỗi buồn trong thi ca văn chương, cô không buồn thì chết mất,
Có một chàng nhạc sĩ lơ mơ, suốt đời yêu, suốt đời nhớ, nhớ, nhớ,
Có một gã chán đời lang thang, suốt đời say, suốt đời quên, quên, quên, không quên thì chết mất,
Có một người không quên, không say, không buồn vui, chẳng thương nhớ ai bao giờ,
Sớm lại chiều đi lên cơ quan, chiếc xe cà tàng một lon cơm khô,
Họ chẳng chết bao giờ...
Vì có sống bao giờ đâu, Họ chẳng sống bao giờ ....
Thì có chết bao giờ đâu...

Đoạn đầu kể về một đơn vị nữ thanh niên xung phong trẻ, những người trong thời chiến mở đường Hồ Chí Minh, bảo vệ đường tiếp vận, đối mặt với những hiểm nguy và khó khăn thường trực. Trần Tiến nói thẳng đến sự gian khổ chiến trận của họ và những khoảnh khắc điên dại được giải phóng bằng những trận cười. Thế giới này cũng được định hình với một quý cô được nuông chiều chỉ biết tìm nỗi buồn qua sách vở. Nhạc sĩ mơ màng và gã chán đời say sưa cũng được cho vào cảnh này. Bên cạnh những người khác đang sống thực sự, năm mẫu người này tồn tại thông qua những thói quen, mọi thứ họ cần là sự bằng lòng. Chính họ là những đối tượng cần nhắm tới của những khẩu hiệu cổ động có ở khắp nơi tuyên truyền cho tiến bộ không ngừng và việc tạo ra “con người mới” luôn đấu tranh, luôn luôn hoàn thiện.

Một nhà nghiên cứu âm nhạc viết về những buổi biểu diễn của Trần Tiến khi đó đã thừa nhận bài hát Việt Nam đến thời điểm đó vẫn chủ yếu mang chức năng của một “vũ khí tư tưởng” và nó là kết quả của sự thể hiện bị giới hạn. Cùng với những khẩu hiệu yêu nước và một tinh thần lạc quan không nghỉ, dường như cần có tinh thần phê phán xã hội, và để có được một cách thể hiện cảm xúc nhiều sắc thái hơn, những cảm xúc như nỗi buồn và nỗi đau đã bị ngăn cấm trước đó [8] . Ông hoan nghênh cách thể hiện âm nhạc của Trần Tiến và tìm thấy ở người nhạc sĩ “một tiếng nói riêng, có những bài… tạo được hiệu quả nghệ thuật, làm xúc động lòng mọi người...” (Tú Ngọc 2004 [1988], 158-161) [9] .

Trần Tiến trở thành một hình tượng đầy khích động trong xã hội, giành được sự quý mến rộng rãi trong những người yêu nhạc, nhưng đã húc phải bộ máy quan liêu – ban nhạc của anh bị đình chỉ sau 3 buổi diễn (Hiebert 1991). Năm 1988, anh sang thăm Liên Xô, trình diễn với một ban nhạc rock của sinh viên đại học Xô-viết cho khán giả gồm những công nhân và sinh viên Việt Nam. Anh được gán cho cái tên “Vysotsky của vùng nhiệt đới” - một so sánh với Vladimir Vysotsky (Владимир Высоцкий), một kịch sĩ / ca sĩ và nhạc sĩ Xô-viết huyền thoại, người đã viết những bài hát không được thừa nhận chính thức nhưng những bài hát về cuộc sống đương thời diễn ra đã gây tiếng vang trong xã hội Xô-viết [10] . Sự hoan nghênh dành cho Trần Tiến ở Liên Xô đã làm tăng lên vị thế của anh ở quê nhà (Lưu Trọng Văn 1989, 8; phỏng vấn Trần Tiến, 17.9.2005 tại TP Hồ Chí Minh).

Bài hát năm 1990 “Sao em nỡ vội lấy chồng” là một thành công đại chúng vang dội. Bài hát chỉ liên quan rất ít đến bài thơ “Lá diêu bông” của Hoàng Cầm, một bài thơ bí ẩn được viết năm 1959 trong thời kỳ nhà thơ bị trừng phạt do tham gia Nhân Văn Giai Phẩm, là một nhóm các nghệ sĩ và trí thức tìm kiếm một cách thức thể hiện tự do trong việc phê phán mang tính xây dựng chính quyền nhưng đi quá giới hạn. Người kể chuyện trẻ tuổi trong bài thơ được một người phụ nữ nhiều tuổi hơn mà anh ta theo đuổi đưa ra một câu đố; tuy nhiên chiếc lá không bao giờ có, người phụ nữ sống cuộc đời riêng, lấy chồng và có con, trong khi ấy câu đố khiến cho chàng trai lang thang với một nỗi ám ảnh suốt đời và sự vỡ mộng. Trần Tiến dùng câu đố này và mối tình không được đền đáp để dệt nên một câu chuyện khác: người kể chuyện đi khắp nơi và khi quay về, người phụ nữ đã lấy chồng – nhưng ở đây là quá sớm.

Ví dụ 4 - Sao em nỡ vội lấy chồng

Lời ru buồn nghe mênh mang mênh mang sau lũy tre làng khiến lòng tôi xốn xang.
Ngày lấy chồng em đi qua con đê, con đê mòn lối cỏ về có chú bướm vàng bay theo em
Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi
Lấy chồng sớm làm gì / Để lời ru thêm buồn
Ru em thời thiếu nữ xa rồi, còn đâu bao đêm trong xanh tát gàu sòng vui bên anh
Ru em thời con gái kiêu sa
Em đố ai tìm được lá diêu bông / Em xin lấy làm chồng.
Ru em đời thiếu nữ xa rồi, mình tôi lang thang muôn nơi đi tìm lá cho em tôi
Ru em thời con gái hay quên
Thương em tôi tìm được lá diêu bông / Sao em nỡ vội lấy chồng.

Một người viết đã phân tích bài hát này có một trường nghĩa rộng tuỳ theo hệ quy chiếu của người nghe. Khi một người đàn ông hát với quan điểm cho rằng người phụ nữ đã quá vội vàng và bỏ lỡ cơ hội có được hạnh phúc với anh ta, bất kể cô ta có khao khát hạnh phúc đó hay không. Khi hát từ chỗ đứng của người phụ nữ, cô có thể cảm thấy tiếc nuối về một người bạn đời lý tưởng mà cô sẽ không bao giờ có nữa [11] . Nhà nước lại có một cách nhìn khác về bài hát – nó đã được giải thưởng của phong trào Dân số và Kế hoạch hoá gia đình nhằm ủng hộ cho chính sách gia đình chỉ có 2 con của Việt Nam (Phỏng vấn Trần Tiến, 17.9.2005). Sức phổ biến của bài hát được nhân lên bội phần do giai điệu tương tự với hát dân ca quan họ (Nguyễn Thị Minh Châu 2004), mang lại sự chú ý đến vấn đề trong bài hát, và dĩ nhiên nhờ đó mà có thể thuyết phục được thanh niên Việt Nam kết hôn muộn hơn. Ca khúc đã được Liên Hiệp quốc tuyên dương vì vai trò góp phần điều hoà dân số khi ca sĩ dòng nhạc enka Hàn Quốc Kim Yonja hát với một dàn nhạc giao hưởng (Hiền Đức 2000).

Anh đã hỏi đùa khán giả trong một buổi biểu diễn năm 1989 là liệu họ có thích nghe những bài hát về “tái tổ chức, tình yêu, quê hương hay sinh đẻ có kế hoạch” (Hưng Quang 1989, 4). Khi đó, anh viết hai bài hát khác, về sau được chính quyền dùng để cổ động cho kế hoạch hoá gia đình. “Thượng đế buồn” là một câu chuyện có tính phúng dụ châm biếm về việc Thượng đế tạo ra voi nhưng lại không có cỏ để nuôi chúng. Cũng tương tự như quan hệ yêu đương vợ chồng sinh ra những đứa trẻ nhưng không chăm sóc chúng thường xuyên, một lần nữa đây là lời kêu gọi chăm sóc gia đình của mỗi người. “Cô bé vô tư” là lời hát của một cô bé vị thành niên, vẫn đang còn ham chơi. Cô nói với người đang tán tỉnh mình những thứ cô cần là sao, mây, giọt sương và một con dế “lang thang hát”. Cô cầu khẩn anh ta đừng yêu cô – cô còn bé lắm.

Trong những năm 1990, Trần Tiến tiếp tục viết những ca khúc với những nhận thức đi sát với đời sống xã hội. Lúc này Việt Nam đã mở cửa với thế giới, những hiện tượng văn hoá toàn cầu đã xâm nhập và lôi cuốn mọi người. Năm 1990, một hiện tượng như thế là mốt nhảy lambada. Thứ bị gọi là “điệu múa cấm” này gây sốc cho những người Việt Nam khi họ mô tả nó như một trận gió lốc khuyến khích tình dục tập thể công khai (Binh Nguyên, Viết Thông 1990, 7; Lam Hà 1990, 3). Lambada của Trần Tiến là một biểu tượng cho xu hướng ngưỡng mộ và học theo những điều của nước ngoài mà không cần phải cố gắng hiểu làm thế nào để đồng hoá được trong đời sống người Việt. Tên bài hát của anh minh hoạ cho điều này – nó là một sự đọc trại có chủ ý của từ lambada, khi chữ cái “d” đọc thành “z”, và thành một từ đồng âm với “lắm bà già” trong dòng thứ tư. Làng “Lambaza” của anh là làng Bần ở Hưng Yên, một làng có nghề truyền thống nổi tiếng làm tương đậu nành.

Ví dụ 5 - Lambada quê ta

Ơi cô gái thôn tương Bần có còn mặc áo tứ thân
Ôi cô gái thôn tưng bừng có còn chơi điệu trống quân
Đêm trăng sáng đi Tây về quê nhà em chơi điệu lam ba da lam ba da
Quê ta lắm bà già thích nhảy lam ba da
Quê ta lắm ông già yêu điệu lam ba da
Quê ta nhiều Honda nhiều Coca Cola nhiều những bữa dưa cà
Quê ta nhiều villa nhiều xe Toyota nhiều đứa bé không nhà
Quê ta người ta yêu tình yêu thương bao la bao la theo kiểu lam ba da / Lam ba da.

Ngôi làng mỗi khi vào hội thường các thiếu nữ mặc áo tứ thân truyền thống và hát trống quân. Đối với người trở về từ nước ngoài họ thấy những yếu tố truyền thống này trong lễ hội bên cạnh những mặt hàng nhập khẩu như Coca Cola, xe máy Honda, và xe hơi Toyota. Cũng trong lúc đó, họ ăn cơm dưa cà và vẫn còn những đứa trẻ không nhà. Đoạn hai có thêm “ma sa” và “Si da”, tức dịch vụ massage và bệnh AIDS (ban đầu các tài liệu tiếng Việt viết theo tiếng Pháp là SIDA - ND) vào danh sách những căn bệnh xã hội hiệp vần với chữ “lambaza”. Dùng một nhịp điệu khiêu vũ sôi nổi, nhạc sĩ đã nhắc lại những bài dân ca truyền thống, trong khi chỉ ra những cạm bẫy mà người Việt quá dễ dàng bị mất khả năng kháng cự và mắc phải nhưng lại không bị phê phán trước những hàng hoá nước ngoài mà một số thứ mang theo những tệ nạn xã hội. Thay vì doạ nạt ầm ĩ công chúng, bài hát của anh bật ra sự trào lộng trước những vấn đề xã hội.

Sáng tác sau đó của anh tiếp tục khai thác những vấn đề xã hội. Một bài hát năm 1995 là “Sói con ngơ ngác" nhìn vào vấn đề của những đứa trẻ, thường là mồ côi, ra thành phố để đi ăn xin hay đi làm. Mặc dù anh so sánh chúng với những con sói con vì chất hoang dại của chúng, anh cho rằng chúng không có lỗi bởi vì không có được tình yêu thương và dạy dỗ của cha mẹ. Bài hát “Chị tôi” là cái nhìn cảm thông đối với những người phụ nữ mang nặng những trách nhiệm gánh vác gia đình, không lấy được chồng. Về một số phương diện, bài hát này đi cùng bài “Sao em nỡ vội lấy chồng” làm thành một cặp câu chuyện ngược chiều nhau; ở bài “Chị tôi”, quyết định hôn nhân đã bị trì hoãn, tuy nhiên, sự hi sinh được thực hiện một cách cao cả. Một số tác phẩm gần đây của anh trở nên hướng nội nhiều hơn. Sau một trận ốm nặng thập tử nhất sinh, anh đã viết ca khúc “Sắc màu” với cái nhìn về những đường nét thông qua cuộc đời và sự tồn tại thông qua những bảng mầu, so sánh giới hạn của bức tranh được vẽ với cái hữu hạn của kiếp nhân sinh. “Mưa bay tháp cổ”, ca khúc được khán giả yêu thích trong cuộc thi Bài hát Việt 2005 gần đây thể hiện những nỗ lực của nhạc sĩ khi tìm hiểu những bí ẩn của một nền văn minh đi trước, xem sự hữu hạn của những nỗ lực con người như một ẩn dụ của sự hiểu biết đối với những đổi thay mà anh nhận ra trong những khắc thời gian đó (Hoài Vũ; Trọng Thịnh 2005)

Một nhạc sĩ lớp trước khi khảo sát bối cảnh âm nhạc của thời đổi mới đã ghi nhận Trần Tiến như một “một cây bút 'dấn thân' viết rất khỏe” (Hoàng Vân 2004 [1987]: 129). Trong thời gian đó, Trần Tiến nằm trong số những người tiên phong trong một biển cả văn hoá rộng lớn nhiều đổi thay, song hành với tác phẩm của những nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Bảo Ninh hay Nguyễn Duy. Một nhà phê bình văn học khi viết về những tác giả này đã khẳng định văn học cần trở thành một “miền đất khuyến khích những cảm xúc nhân văn, một khu vườn nơi tâm hồn con người được đơm hoa.” [12] Điều này đã và luôn là địa hạt của Trần Tiến. Nhạc sĩ có nói anh muốn viết thứ “âm nhạc nhập cuộc” (Nguyễn Thanh Đức 1987, 4-5) – để đương đầu với những hiện thực khó khăn của đất nước, nhân dân và cũng để nói lên khát vọng của họ. Anh đã đứng ở vị trí có sức lôi cuốn hàng đầu trong những buổi diễn, bởi vì anh hát về những chuyện thực mà công chúng muốn giãi bày. Một người viết khác đã xác nhận điều đó “Trần Tiến biết mọi người muốn gì, cần gì, và sau đó sẽ đi ra sao. Anh mang lại cho họ những thứ họ muốn, thoả mãn những thứ họ cần, và anh biết rõ rằng sau đó người ta tốt hơn” (Hưng Quang 1989, 4). Điều này mang đến cho tác phẩm của anh một tầm quan trọng có thể so sánh được với những tác phẩm của hai nhạc sĩ lớp trước là Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. Trần Tiến dùng cách tiếp cận của hiện thực xã hội chủ nghĩa - sự tiếp xúc nghệ thuật với người dân và hoàn cảnh sống của họ - nhưng thay vì đưa nó vào minh hoạ cho những kế hoạch tiến triển không ngừng của nhà nước, anh dùng nó để ca ngợi chuỗi trải nghiệm đầy ắp của đời sống. Đây không phải là một tiếng nói bất đồng, mà là một tiếng nói khích lệ người Việt Nam và cổ vũ cho cuộc đời đầy màu sắc của họ.

Tham khảo
7 Tiêu.
2004. “bé hạt tiêu / Thành phố trẻ – Trần Tiến”, đăng trên Diễn đàn Vietnafc (10 tháng Chín)
http://www.vietnafc.com/diendan/lofiversion/index.php/t7044.html [theo bản lưu trên Google February 21, 2005].
Binh Nguyên and Viết Thông.
1990. “Lambada cơn lốc tràn vào thành phố”, Tuổi Trẻ (24 tháng 7), 7.
Đ.T.
1982. “Trần Tiến nói về những ca khúc của mình”, Tuổi Trẻ 7/24 (3 tháng 4), 6.
Gibbs, Jason.
2006. “An Unforgotten Song: Representations of the American War in Vietnamese Song after 1975”, bản tiếng Việt "Những biểu tượng của cuộc chiến tranh chống Mỹ trong ca khúc Việt Nam sau 1975” (Nguyễn Trương Quý dịch) talawas 21 tháng 2. http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6496&rb=0206 2005. “Yellow Music Turning Golden,” bản tiếng Việt “Nhạc vàng 'hóa' vàng”, (Nguyễn Trương Quý dịch) talawas 23 tháng 6. http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=4775&rb=0206
Hiebert, Murray.
1991. “Singing between the lines”, [Hát giữa những lằn ranh] Far Eastern Economic Review (February 21), 30-31.
Hiền Đức.
2000. “Nhạc Trần Tiến – những ngẫu hứng từ dân ca”, Nhân Dân điện tử (May 13). http://www.nhandan.org/vn/vietnamese/20000513/bai-vh10.html. [xem 14.5.2000] Đăng lần đầu trên Thế Giới Mới.
Hoài Vũ.
“Lễ trao giải Bài hát Việt 2005: À í a "đoạt" cúp” Bài hát Việt 2005. http://baihatviet.vtv.vn/Index.aspx?Page=ViewNews&ItemID=535.
Hoàng Vân.
2004 [1987]. “Ca khúc Việt Nam trên đường tìm tòi”, Hợp tuyển Nghiên cứu Lý luận Phê bình Âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. tập 5b. Hà Nội: Viện Âm nhạc, 128-132. [bản gốc trên Thể thao – Văn hóa #34].
Hưng Quang.
1989. “Ngọn lửa rừng - Trần Tiến”, Tuổi Trẻ Thủ đô (25 tháng 12), 4.
Lam Hà. 1990. “Lambada, điệu múa khêu gợi dục tình”, Thanh Niên (29 tháng 7), 3.
Lưu Trọng Văn.
1989. “Những chiếc hôn cho Trần Tiến”, Tuổi trẻ Chủ nhật #(9 tháng 3), 8.
Lý Kiệt Luân.
1994. Vài chuyện làng văn Hà Nội. San Francisco, CA: Ngàn Lau.
Nguyễn Đức Toàn. 2004 [1977]. “Trao đổi thêm về nhạc nhẹ”, Hợp tuyển Nghiên cứu Lý luận Phê bình Âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. tập 5b. Hà Nội : Viện Âm nhạc, 700-703 [bản gốc trên Văn hoá Nghệ thuật #11].
Nguyễn Thanh Đức.
1987. “Âm nhạc vào cuộc”, Tuổi trẻ #132 (14 tháng 11), 4-5.
Nguyễn Thị Minh Châu.
2004 [1991]. “Một bài hát mới thịnh hành của một nhạc sĩ đang được ưa thích”, Hợp tuyển Nghiên cứu Lý luận Phê bình Âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. tập 5b. Hà Nội: Viện Âm nhạc, 241-246. [Bản gốc trên Lá xanh: Phụ san Nxb. Quân đội Nhân dân #1].
Nguyen, Tuan Ngoc.
2004. Socialist Realism in Vietnamese Literature: An Analysis of the Relationship Between Literature and Politics [Hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn học Việt Nam: Phân tích về mối quan hệ giữa văn học và chính trị]. Luận văn tiến sĩ, Đại học Victoria University. Đăng trên mạng tại: http://eprints.vu.edu.au/archive/00000279/
Phạm Đình Sáu.
2004 [1978]. “Bàn về nhạc nhẹ”, Hợp tuyển Nghiên cứu Lý luận Phê bình Âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. tập 5b. Hà Nội : Viện Âm nhạc, 712-718 [bản gốc trên Văn hoá Nghệ thuật #1].
Smith, Gerald Stanton.
1984. Songs to Seven Strings: Russian Guitar Poetry and Soviet “Mass Song.” [Những bài hát trên bảy dây đàn: Chất thơ trong guitar Nga và “Ca khúc quần chúng” Xôviết] Bloomington: University of Indiana Press.
Thanh Bình.
1982. “Qua 10 bài hát đang được các bạn trẻ ưa thích nhất”, Tuổi Trẻ (28 tháng 4), 9.
Thanh Thúy.
1988. “'Tôi đang thở nghĩa là tôi đang yêu. Tôi đang yêu, nghĩa là tôi đang sống...'”, Thanh Niên (7 tháng 11), 8-9.
Trần Tiến. 1987. “Thành phố trẻ” trong Khi chúng mình xa nhau: tập ca khúc nhiều tác giả. Hà Nội: Nhà xuất bản Âm nhạc và Đĩa hát, 12-13. 1995. Tuyển chọn ca khúc Trần Tiến. Hà Nội: Nhà xuất bản Âm nhạc; Hội Nhạc sĩ Việt Nam. 2003. “Nhạc sĩ Trần Tiến trả lời phỏng vấn trực tuyến”, VnExpress (11 tháng 3) http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2003/08/3B9CA828/. [không năm]. Ca khúc Trần Tiến CD “Trần Tiến – chiến tranh & số phận”. CD tư liệu chưa xuất bản. [không năm]. Ca khúc Trần Tiến CD “Trần Tiến – Du ca Đồng nội.” Tư liệu chưa xuất bản.
Trọng Thịnh.
2005. “Trần Tiến nói gì về “Mưa bay tháp cổ”?” Tiền Phong Online 26 tháng 5. http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=10526&Channel ID=7.
Tú Ngọc.
2004 [1988]. “'Đối thoại 87' – một cách tiếp cận cuộc sống”. Hợp tuyển Nghiên cứu Lý luận Phê bình Âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. Tập 5b. Hà Nội: Viện Âm nhạc, 156-160. [bản gốc trên Âm nhạc #2].



Bản tiếng Việt © 2006 talawas


[1]Tiểu sử tóm tắt dẫn theo Hiền Đức 2000.
[2]Tôi xin cảm ơn giáo sư Terry Miller, người đã nghe bản ghi âm ca khúc này với lời dịch của tôi và chỉ cho thấy những điểm tương tự với nhạc Thái và nhạc đồng bằng Lào. Ông cũng chỉ ra điệp khúc “la na la nuan na” là điệp khúc thông dụng trong kiểu nhạc lăm tơi.
[3]Đây là cảm xúc của một người yêu nhạc khi nhắc đến một buổi trình diễn sau năm 1975 của Trần Tiến ở một quảng trường Hà Nội : "Lần đầu nghe Trần Tiến, xa lắm rồi, tôi nhớ ở quảng trường Ngân hàng gần vườn hoa Chí Linh và vườn hoa Con cóc. Trần Tiến vừa hát vừa múa bài "Cô gái Sầm Nưa": "Ơi này cô gái Lào, mình anh hát mình anh Lăm-tơi, không đẹp không đẹp không đẹp, em hỡi em...", hai tay dẻo quánh, giọng ngọt, ánh mắt trai lơ.”
http://www.giaidieuxanh.vietnamnet.vn/bantronamnhac/2005/04/413991/. Xem thêm Trần Tiến 2003.
[4]Bài hát đoạt giải “A” trong cuộc thi – xem Nhạc sĩ Việt Nam hiện đại. Hà Nội: Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1997: 587.
[5]Hiebert (2000, 31) cho rằng bài hát này có một nội dung chống chính quyền. Ông dẫn lời nhạc sĩ “tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng mọi điều những người lính mang lại [cho đất nước] trong chiến tranh đã không còn lại gì - giống như một dấu chân tròn trên bờ cát.” Cho dù có dòng phụ dẫn này, bài ca vẫn được đề cao ở Việt Nam như một lời bày tỏ cảm kích và biết ơn đối với những người thương binh Việt Nam.
[6]Trên một diễn đàn thảo luận internet, một người Việt đã cho rằng “Thành phố trẻ” có liên quan đến thời kỳ Thanh niên xung phong, với ấn tượng bài hát được gắn với nhiệm vụ cho hoạt động này. Người viết này nhận thấy bài hát mang một cảm xúc giả tạo, nhưng vẫn thích nghe “văn công xung kích” hát, thích hơn là phần thu âm nhà nghề mang phong cách rock (7 Tiêu 2004).
[7]Anh nói đối với anh, nhạc rock là một “ý tưởng, một cảm xúc mạnh mẽ của tuổi trẻ, của con người. Nó là con đường mạnh mẽ và cô đọng để thể hiện những điều tôi muốn nói” (Hiền Đức 2000)
[8]Tôi đã thảo luận về vấn đề này trong bài “Nhạc vàng hoá ‘vàng’” [Yellow Music Turning Golden], Gibbs 2005.
[9]Quan sát của Tú Ngọc có đặt song hành những nhà văn và những nhà phê bình khi đó. Nguyen, Tuan Ngoc 2004 tổng kết quan điểm của những nhà văn cho rằng nhân vật văn học của hiện thực XHCN là “thô sơ và đơn giản, rất giống một đường thẳng, không có chút phức tạp, và không có những đấu tranh nội tâm. Lý tưởng và niềm tin của họ đã chọn một lần là không suy xuyển. Dường như họ không có những cuộc đời riêng tư, không có những đêm mất ngủ trong đời họ” (trang 267-8). Những nhà văn của thời Đổi mới đã tìm cách bỏ đi những công thức “nhân vật lý tưởng” và tạo ra nhân vật đa diện trong đời sống trong cách thức giàu tự nhiên hơn.
[10]Xem Smith (1984, 145-179) về một thảo luận về tác phẩm sáng tác của Vysotsky. Xem Thanh Thúy 1988 để có một sự đánh giá của một người Việt Nam về Vysotsky.
[11]Xem Lý Kiệt Luân (1994: 107) về một sự thể hiện đầy đủ hơn cho ý tưởng này và một cuộc thảo luận về những cách diễn giải mang tính nhạc đối với bài thơ.
[12]Lê Ngọc Trà. “Về vấn đề văn học phản ánh hiện thực,” Văn học 16.7.1988, dẫn theo Nguyen, Tuan Ngoc 2004, 284.
Nguồn: Tham luận tại Há»™i thảo của Há»™i Văn hoá Phổ thông (Popular Culture Association), Atlanta, Mỹ, ngày 13 tháng 4, 2006.