© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
7.10.2006
Hoàng Hưng
Tự do sáng tạo và sự điều chỉnh của xã hội
 
(Bài phát biểu tại Hội nghị Lý luận Phê bình Văn học lần thứ hai “Phát huy thành tựu đổi mới văn học, phấn đấu có thêm nhiều tác phẩm chất lượng cao” tại Đồ Sơn, Hải Phòng trong 2 ngày 04 và 05 tháng 10/2006)

Có rất nhiều điều thiết yếu để có tác phẩm hay. Hôm nay, trên diễn đàn quan trọng và đầy trách nhiệm với sự phát triển của văn học nước nhà trong giai đoạn mới mà nhiều người gọi là "thời cơ vàng" của đất nước, tôi xin nói về một điều thiết yếu cơ bản nhất nhưng lâu nay đã bị vô tình hay hữu ý coi nhẹ hay né tránh, có lẽ vì sợ hiểu lầm, có lẽ vì sợ bị xuyên tạc hay lợi dụng. Đó là: Tự do sáng tạo trong văn học nghệ thuật.


1. Người sáng tạo chỉ mất tự do khi tự nguyện để bị tước đoạt.

Tự do là động lực và cứu cánh của sáng tạo.

Tôi nghĩ rằng định đề này không cần phải chứng minh. Trong thời kỳ chiến tranh ái quốc, tự do của cả dân tộc đã là động lực và cứu cánh của văn học cách mạng, đa số người cầm bút khi ấy tự nguyện dẹp bỏ tự do cá nhân để sáng tạo vì tự do của tổ quốc. Vấn đề tự do sáng tạo lúc ấy hầu như không ai đặt ra, hoặc có thể bắt chước lối nói kiểu cách của một nhà văn nọ trong Thế chiến thứ Hai mà không ngượng mồm: "Tôi viết theo mệnh lệnh của trái tim tôi mà trái tim tôi thì thuộc về tự do của dân tộc tôi".

Ấy vậy mà, mươi năm sau chiến tranh chống Mỹ, chúng ta đã chứng kiến một cuộc phản tỉnh không ít cay đắng của một trong những cây bút hào hùng nhất trong cuộc chiến: "Kiếm làm con rùa không thể yên thân trong cuộc sống thường/ Thơ chỉ sống một phần cho mình còn ba phần cho nhiệm vụ/ Nghĩ mà thương!"

Vì sao có tâm sự đó?

Vì chiến tranh và cách mạng dù thiêng liêng đẹp đẽ mấy cũng chỉ là thời kỳ bất bình thường của xã hội. Những cái được coi là quy luật của cuộc sống thời chiến chỉ là ngoại lệ so với quy luật phổ biến của đời sống con người. Với nghệ thuật cũng vậy. Trước sau gì thì người nghệ sĩ bôn ba trên những chốn ngoài mình cũng phải quay về ngôi nhà đích thực của mình là nghệ thuật và đối mặt với nhu cầu sống còn của anh và cũng là thử thách quyết liệt nhất đối với anh: đó là tự do sáng tạo.

Dĩ nhiên, tự do sáng tạo trước nhất và quyết định nhất là tự do nội tâm của cá nhân người sáng tạo. Theo dõi quá trình sống và sáng tác của các cây bút đã mất hay đang sống, chắc bạn có thể đồng ý với tôi rằng những người có sức sáng tạo mạnh mẽ, lâu bền đều là những người đủ bản lĩnh giữ được cho mình sự tự do nội tâm, tránh được càng nhiều càng tốt những ràng buộc, sức ép của danh lợi, của cái ngoài mình. Trong một buổi đọc thơ ở Pháp, có người hỏi tôi rằng: "Ở trong nước, ông có được quyền tự do sáng tác không?". Tôi đã trả lời ngay không cần suy nghĩ: "Người sáng tác chân chính bao giờ cũng có tự do, không chờ ai ban phát và cũng không để ai tước đoạt, trừ khi anh tự nguyện để cho người ta tước đoạt".

Tự nguyện để bị tước đoạt quyền tự do sáng tạo có nghĩa là người viết tự kiểm duyệt mình, nhiều khi ý thức tự kiểm duyệt trở thành vô thức, vô hình trung anh chỉ còn là người thợ gia công sản xuất những mặt hàng theo mẫu mã được đặt sẵn của các báo, các nhà xuất bản, các ban giám khảo giải thưởng. Tự nguyện để bị tước đoạt quyền tự do sáng tạo cũng là lười nhác sản xuất theo những mẫu mã đã thành công của chính mình, tự copy chính mình, không dám phiêu lưu tìm kiếm chân trời mới, cũng không dám thay đổi theo dõi những thay đổi bên trong của chính mình.

Tự nguyện để bị tước đoạt quyền tự do sáng tạo chính là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nhàng nhàng, vô thưởng vô phạt, nhạt nhẽo của phần lớn sản phẩm viết hiện nay.

Tôi tin rằng trong một xã hội phát triển tự nhiên, bình thường thì xét đến cùng sức hấp dẫn thuyết phục của tác phẩm trước tiên là ở hàm lượng tự do sáng tạo mà nó chứa đựng, ở độ mãnh liệt của khát vọng tự do bộc lộ trong nó. Tác động tích cực của tác phẩm đối với người đọc chính là ở khả năng lây nhiễm, nói đúng hơn là khả năng đánh thức lòng khao khát tự do, niềm kiêu hãnh ngẩng đầu, cái tiềm năng sáng tạo trong mỗi con người nhiều khi bị chôn vùi trong cuộc sống mòn giá áo túi cơm hàng ngày. Khi một xã hội xác định mục tiêu của nó là "dân giàu nước mạnh, dân chủ công bằng và văn minh" thì tự do sáng tạo nghệ thuật là đồng thuận hoàn toàn với hướng phát triển của xã hội, là nhân tố kích thích sự phát triển, vì một xã hội như thế chỉ có thể được xây dựng bởi những con người tự do, những con người tự hào và tự tin ở chính mình, biết rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, không chấp nhận cúi đầu mua lấy sự bình yên hay miếng cơm rẻ mạt, không dung thứ sự giả dối, cường quyền, bất công.

Cho nên tự do sáng tạo phải được coi là vấn đề trung tâm của sáng tạo văn học nghệ thuật trong thời kỳ hiện nay.


2. Quyền tự do phổ biến tác phẩm và ba cái "bất":

Tự do sáng tạo trong nội tâm đại đa số người viết mặc nhiên chịu áp lực rất lớn, nhiều khi không cưỡng nổi, của áp lực bên ngoài, đó chính sự điều chỉnh của xã hội. Ở những xã hội có sự kiểm soát chặt chẽ đối với văn học nghệ thuật, sự điều chỉnh đó thể hiện trước tiên ở quyền tự do phổ biến sản phẩm sáng tạo.

Tôi thực sự tin rằng các bạn đồng nghiệp của tôi đều nghĩ như tôi, mặc dù có thể nghĩ mà không nói ra. Tôi xin kể một chuyện "người thật, việc thật" để minh hoạ cho xác tín này của mình. Sau buổi họp báo công bố kêt quả một cuộc thi sáng tác văn học cách đây ít năm, tôi, lúc đó phụ trách mảng văn hoá nghệ thuật của một tờ báo lớn, đã yêu cầu được phỏng vấn ông chủ tịch hội đồng giám khảo, một nhà văn tầm cỡ, về những phát hiện tài năng mà ông đã tuyên bố hùng hồn trong cuộc họp báo. Nhà văn quyết liệt từ chối. Sau năm lần bẩy lượt bị tôi chất vấn lý do không chịu trả lời, nhà văn buông ra một câu xanh rờn khiến những người có mặt và cả tôi phải bất ngờ: "Đây tao trả lời thẳng thừng thế này mày xem có đăng được trên báo không nhé: Không có tự do tư tưởng thì làm sao có tác phẩm hay?". Tôi đành chỉ cười ha hả mà chào thua. Cũng gần thời gian ấy, khi các nhà lãnh đạo nước ta nói nhiều về xây dựng "nền kinh tế trí thức", tôi xin phỏng vấn một nhà khoa học tên tuổi trong ngành tin học, ông cũng từ chối. Hỏi tại sao, ông đáp: "Ông là bạn nên tôi nói thật. Không có tự do thông tin thì làm sao có kinh tế trí thức?".

Phải công bằng thừa nhận rằng: Nếu so sánh với 5, 6 năm trước đây, khi có cuốn tiểu thuyết bị thu hồi và nghiền thành bột mà tác giả không kêu được một tiếng, khi cuộc tranh luận về một tập thơ bị chấm dứt ngang xương với một bài viết công kích mà không được quyền trả lời, thì hôm nay ta đã có một chương trình truyền hình tranh luận công khai về một truyện ngắn "rất vấn đề", đã có một công luận sôi nổi bênh vực một tác giả trẻ bị lãnh đạo một tỉnh làm khó, đã có một hội thảo nghiêm chỉnh và công bằng đối với một tác phẩm thách thức sự hiểu của công chúng mà chỉ vài năm trước đây khó thể hình dung được ra đời. Phải thừa nhận rằng những người viết văn trong nước hôm nay đã có được cơ hội công bố tác phẩm rộng rãi nhất trong lịch sử văn học nước nhà. Có bản thảo trước đây vài năm không được các nhà xuất bản duyệt in thì nay đã đàng hoàng lên sách hoành tráng, lên giao lưu xôm tụ, lên tivi suốt ngày. Những bản thảo không thể nhẫn nại chờ đợi sự nghe ngóng mút mùa của các quan chức nhát đòn trong hệ thống xuất bản báo chí chính thống thì có thể lập tức lên các mạng internet không chính thống nhưng lại được tìm đọc nhiều hơn là được in ra, hơn đến cả chục lần.

Vậy thì những người viết chúng ta đã có thể bằng lòng với tình hình thực thi quyền tự do phổ biến tác phẩm như hiện nay chưa?

Câu trả lời là: Chưa.

Trừ vài kẻ bất tài háo danh coi mạng internet là chỗ tự do gây ồn, phá bĩnh, trừ một số cực đoan coi đó là cách phản ứng quyết liệt với cơ chế kiểm duyệt hiện hành, tất cả những người viết có thiện chí, có trách nhiệm và liêm sỉ chỉ coi đó là giải pháp bất khả kháng, giải pháp cuối cùng khi đứa con tinh thần rứt ruột của họ bị lạnh lùng từ chối trong hệ thống xuất bản báo chí của chính quê hương mình. Họ đòi quyền tự do công bố tác phẩm mà hiến pháp và pháp luật của nước CHXHCNVN đã thừa nhận phải được thi hành một cách triệt để và minh bạch.

Trách nhiệm thực thi quyền trên trước nhất thuộc về những người trực tiếp làm công việc xét duyệt ở cái chỗ "một dấu một cửa" là nhà xuất bản. Công luận thường lên tiếng về những vụ thiếu trách nhiệm để cho ra đời những quyển sách chất lượng tồi, ngược lại chưa hề phản ứng những vụ thiếu trách nhiệm không cho hoặc chậm trễ cho ra mắt những tác phẩm lẽ ra tác giả phải được quyền công bố và độc giả phải được quyền đọc. Trong phạm vi nắm vững của tôi, tôi xin đơn cử: Nhà tiểu thuyết hàng đầu của Việt Nam là Nguyễn Xuân Khánh ngoài 2 tác phẩm được in là Hồ Quý LyMẫu thượng ngàn đều đã thành công rực rỡ, còn 2 tác phẩm viết về đề tài đương đại: một là Trư cuồng, sau khi gửi dự thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn mà bị làm lơ đến mức không được nêu cả tên trong thông báo về các tác phẩm gửi dự thi và không được các nhà xuất bản trong nước chấp nhận, đã phải đưa lên mạng; hai là Miền hoang tưởng từng được xuất bản nhưng phải ẩn dưới một cái tên tác giả khác, đến hôm nay xin tái bản cũng không được chỉ vì một vài ý kiến phê phán cực đoan.

Nói các nhà xuất bản thiếu trách nhiệm thì thật ra cũng tội cho họ. Họ chịu biết bao áp lực hữu hình và vô hình. Những người làm xuất bản thiếu bản lĩnh thường sẵn sàng hy sinh quyền lợi của tác giả và cả của đối tác kinh tế để bảo vệ sự an toàn cho riêng mình. Trường hợp NXB tự thu hồi tập thơ Dự báo phi thời tiết là một biểu hiện thiếu bản lĩnh khá rõ. Thực ra chỉ cần thuyết phục tác giả thay đổi vài từ thường được coi là thô thiển và thay cái bìa bị coi là dung tục thì quyển sách có thể ra mắt một cách bình thường. Mấy ai như ông giám đốc NXB Trẻ đã quá cố Trương Văn Khuê, khi có cơ quan chức năng đòi xem bản thảo sắp in đã kiên quyết từ chối và trả lời: "Các đồng chí sẽ đọc sau khi nó được xuất bản, và lúc ấy xin mời có ý kiến". Hoặc như ông giám đốc NXB Thanh Niên Bùi Văn Ngợi sau khi sách nhà ông bị thu hồi, đã khảng khái trả lời báo chí rằng nếu có cơ hội in một tác phẩm tương tự ông sẽ vẫn in. Hoặc như ông giám đốc NXB Văn hoá Thông tin Quang Huy khi chính tác giả lưu ý ông cứ việc bỏ ra vài bài thơ nếu thấy có thể gây khó cho ông, đã hào sảng tuyên bố "không phải bỏ bài nào hết", và kết quả là một bài thơ mà ông cho in đã gây không ít phiền nhiễu cho ông và cho tác giả, nhưng sau đó đã được khẳng định giá trị trong tất cả những tuyển tập thơ quan trọng nhất của nước nhà. Và cũng như để bù đắp cho sự thiệt thòi của tác giả một tập thơ không được ông in vì vướng phải một chùm thơ khá nhạy cảm trong đó, nhà thơ Ngô Văn Phú ngay sau khi về hưu đã công bố một bài viết về tác giả nọ, trong đó ông công khai khen và trích dẫn những bài thơ mà ông đã không dám cho in với cương vị giám đốc NXB Hội Nhà văn.

Vậy thì rõ ràng trong nhiều trường hợp ta không thể trách cứ NXB. Hãy hỏi nhà thơ Phạm Ngà giám đốc NXB Hải Phòng, vì sao tập thơ Nguyễn Duy đã đưa xuống nhà in còn bị bóc ra? Hãy hỏi nhà văn Tạ Duy Anh vì sao số phận hai cuốn truyện của anh đến hôm nay vẫn còn trôi nổi qua hết NXB này đến NXB khác?

Ai cũng biết tuy tiếng là NXB được giao quyền tự chủ, nhưng trên họ có những cơ quan quyền lực quyết định số phận các quyển sách, cả khi nó chưa ra đời đến sau khi nó ra đời.

Ngày hôm nay chính là thời điểm thích hợp để những người có trách nhiệm trả lời công khai về những vụ thu hồi sách tràn lan trong những năm gần đây, như kiến nghị của nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã nêu trong một hội nghị văn học đầu năm nay. Ngoài cuốn Chuyện kể năm 2000 mà sự thu hồi không đủ lý do thuyết phục, ta còn có thể nêu không ít những sách khác, như Chiều chiều của nhà văn lão thành Tô Hoài, Thượng đế thì cười của nhà văn tầm cỡ Nguyễn Khải, cuốn hồi ký của nhà thơ Đào Xuân Quí, cuốn sách phê bình Trần Mạnh Hảo của nhiều tác giả, cuốn Vào cuộc chiến ra cửa thiền của cựu giám đốc NXB Văn học Lý Hải Châu, cuốn Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh…

Trong một bài phát biểu trước một số quan chức của Bộ Văn hoá Thông tin Việt Nam và các cơ quan văn hóa EU tại Hà Nội vào dịp tháng 3 năm nay, tôi đã phân tích "3 cái bất" của cung cách kiểm duyệt văn hoá của nước ta trong suốt thời gian qua:

Một là bất minh, vì quyền xét duyệt công bố và quyền thu hồi sách nằm trong tay một số người không bao giờ công khai danh tính, không bao giờ có ý định thuyết phục công luận về lý do chinh đáng của những quyết định của họ, và không chịu trách nhiệm pháp lý đối với những quyết định ấy. Đó là chưa nói chúng ta hoàn toàn có quyền đặt dấu hỏi về trình độ chuyên môn của những người nắm trong tay quyền sinh sát đối với tác phẩm văn học vốn là thực thể rất phức tạp, rất khó phán xét theo tư duy "hoặc A hoặc B".

Hai là bất lực, vì trên thực tế, tất cả những sách bị cấm, bị thu hồi ngay liền đó đã được xuất bản tại hải ngoại, được photocopy truyền tay hoặc vào tận buồng ngủ của hàng vạn người có trang bị máy PC.

Ba là bất lợi vì:
Vì sao có sự trớ trêu như trên?

Cái gốc là ở tình trạng cảm tính tùy tiện, nhiều trường hợp rõ ràng là "cửa quyền", của việc thực thi quyền lực nhà nước trong lĩnh vực văn hoá, ở sự chồng chéo của bộ máy quản lý văn hoá. Hãy hình dung một cỗ xe mà có đến mấy người có quyền đạp phanh bất cứ lúc nào theo cảm giác chủ quan của mình về sự nguy hiểm có khi mới là tiềm ẩn, có khi chỉ là tưởng tượng, cỗ xe ấy sẽ chạy ra sao?


3. Một kiểu "tòa án" văn chương, tại sao không?

Để giải quyết tình trạng chưa hợp lý trên, chỉ có một con đường là: triệt để "sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật". Trước tiên là nghiêm cấm mọi hành vi kiểm duyệt trá hình phản hiến pháp. Hãy để cho các sản phẩm văn hoá được thực sự hưởng quyền tự do ra mắt công chúng và chịu sự điều chỉnh của dư luận xã hội. Tôi hoàn toàn tin tưởng ở khả năng thẩm định tác phẩm của công chúng hôm nay, một công chúng trưởng thành, dày kinh nghiệm và thừa đủ trình độ phán xét, như đã thể hiện trong vài cuộc tranh luận tương đối dân chủ gần đây. Xin đừng coi công chúng như những đứa trẻ cần phụ huynh chọn cho sách để đọc nữa. Và đương nhiên sản phẩm văn hoá cũng chịu sự chế tài của luật pháp. Nhưng phải là một sự chế tài công khai, minh bạch, dân chủ, đúng luật như đối với mọi sản phẩm xã hội khác.

Đã đến lúc chúng ta "luật hoá" mọi sự can thiệp vào quyền phổ biến tác phẩm sáng tạo của công dân. Trong khi chờ đợi, điều tối thiểu có thể làm được ngay bây giờ, tại sao không, là tổ chức một kiểu "toà án" khi cần thiết xem xét việc thu hồi một tác phẩm văn học. Hãy mời những đại diện giới chuyên môn và công luận, đại diện Hội Nhà văn nếu "bị cáo" là hội viên, vào "bồi thẩm đoàn". Cơ quan chức năng làm nhiệm vụ công tố. Tác giả có tiếng nói giải trình tự biện hộ. Và hãy xét xử theo luật chứ không theo cảm giác về một sự "không có lợi trong tình hình hiện nay" khá mơ hồ như thường nghe trong các lý do cấm sách.

Gần đây ta nghe nói về vụ kiện của công ty phân bón Ba Con Cò gì đó đối với việc cấm lưu hành sản phẩm của họ trên địa bàn tỉnh nọ.

Một câu hỏi nảy ra: Tại sao chúng ta nhạy cảm đối với những thiệt hại vật chất (lợi tức doanh thu) và phi vật chất (uy tín thương hiệu) của công ty Ba Con Cò mà không phản ứng gì trước thiệt hại ghê gớm của "con cò" Nguyễn Xuân Khánh chẳng hạn: trong 30 năm "con cò" này lặn lội làm ra được 4 tiếu thuyết, mà 2 cuốn không được lưu hành, thế tức là thành quả sức lao động của nó trong 15 năm (tính trung bình) bị mất trắng còn gì!

Một câu hỏi khác: Cứ tình trạng đối xử với sản phẩm viết một cách phi luật như thế này, bao giờ chúng ta mới có được đội ngũ viết văn chuyên nghiệp, những người phải sống thực sự bằng lao động viết văn và phải hoàn toàn được đảm bảo rằng những gì mình viết sẽ đến được tay người tiêu thụ một khi chúng không trái luật?


*


Để kết luận bài phát biểu này, tôi xin chốt lại một câu: nhà văn phát huy quyền tự do sáng tạo và xã hội tôn trọng quyền tự do ấy không phải là phép thần để có ngay tác phẩm hay nhưng là bước thứ nhất để có tác phẩm hay. Các bước khác đã và sẽ được các vị khác trong hội thảo này nêu lên đầy đủ. Xin cảm ơn quí vị đã lắng nghe.

© 2006 talawas