trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
22.6.2006
Hoàng Hưng
Nhà bảo trợ hay người kiểm soát?
 
(Bài ghi ý kiến phát biểu miệng tại cuộc đối thoại về Vai trò của nhà nước trong sự phát triển văn hoá nghệ thuật do các viện văn hoá châu Âu tại Việt Nam tổ chức tại Viện Goethe Hà Nội đêm 7/6/2006, với sự tham dự của lãnh đạo các tổ chức văn hoá một số nước châu Âu, lãnh đạo Vụ Hợp tác Quốc tế và Vụ Mỹ thuật Bộ Văn hoá Thông tin, các văn nghệ sĩ và nhà báo, nhà nghiên cứu phê bình nghệ thuật)
Cỗ xe văn hoá của ta do nhà nước cầm lái (ở ta có đặc thù là tay lái văn hoá có tới ba người cầm: Ban Tư tưởng Văn hoá của Đảng Cộng sản, Bộ Văn hoá Thông tin và Bộ Công an). Cỗ xe văn hoá của ta đang chạy trên đường phát triển nhưng chạy chưa trơn tru, chạy chậm và ngập ngừng. Nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản là: cỗ xe bị lệch. Tôi xin nêu ra 3 chỗ lệch nặng nhất:


1. Lệch tay lái

Định hướng của ta là "xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc", nếu hiểu đúng và thực hiện đúng thì rất tốt. Nhưng trong thực tế, cái đầu là "tiên tiến" lại không được chú trọng bằng cái sau. Và nội dung của cả hai cái khá mơ hồ:

"Bản sắc dân tộc" là khái niệm mà nội hàm bị tranh cãi kéo dài không dứt. Nếu văn hoá là dòng sông, thì bản sắc dân tộc là cái thế, cái dáng chảy của dòng sông chứ không phải đoạn sông đã qua, vì dòng sông không bao giờ lặp lại, từ dòng suối trên núi cao xuống trung du, về đồng bằng và tuôn ra biển cả. Nhưng người cầm lái thường đồng nhất bản sắc với những gì đã hình thành trong lịch sử, tức là mê mải ngoái lại quá khứ, dẫn tới khôi phục tràn lan, khôi phục cả nhiều cái dở trong truyền thống. (Làm ngơ trước mê tín dị đoan nở rộ kéo dài, tốn kém và băng hoại tinh thần xã hội: nhân vật văn học gần đây nhất là một quan chức cao cấp đi lễ cầu chức quyền, đội bát nhang đến trụi cả đầu.)

"Tiên tiến", ngược lại, chưa bao giờ được bàn đến. Không có cơ sở xét đoán, nên cũng dựa trên kinh nghiệm quá khứ để xét những cái mới lạ: dị ứng cái lạ, tuy đó là những thành tựu đã có sức sống từ lâu trên thế giới, như installation, performance, nghệ thuật đường phố (street arts, arts de la rue), một hiện tượng rất thú vị của đô thị hiện đại, mang tính quần chúng và dân chủ cao, tổng hợp ca, nhảy, xiếc, hài, mỹ thuật. Sự kiện nghệ thuật đường phố đầu tiên ở Việt Nam do sáng kiến của l'Espace đã bị cấm, mới đây được thực hiện, do British Council tổ chức, tại Festival Huế.

Cần hội thảo để có cái nhìn khoa học về khái niệm "tiên tiến". Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa trước kia được coi là tiên tiến, nay ra sao? Theo tôi, ta chưa có chuẩn nào đáng tin cậy ngoài một chỗ dựa thực tế (tuy còn những bất cập): cái tiên tiến trong văn hoá chính là cái mới đã được thử thách ở các xã hội tiên tiến.

Ta dễ dàng đầu tư tốn kém cho những hình thức phô trương để kỷ niệm, tôn vinh quá khứ (lễ lạt), nhưng lại không đầu tư thích đáng cho hiện đại hoá nền văn hoá nghệ thuật: dịch thuật để phổ biến tư tưởng văn hoá hiện đại, thư viện công cộng, công nghiệp điện ảnh, mỹ thuật không gian ở đô thị…

Có thể ghi nhận một số tiến bộ và thành tựu trong khi thực hiện định hướng “xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” này: Bảo tàng dân tộc học, một số lễ hội văn hoá (Festival Huế), trại điêu khắc quốc tế... Song phải có một bước chuyển căn bản theo hướng hiện đại hoá, tiên tiến hoá.


2. Lệch trọng tâm

  • Coi trọng tuyên truyền chính trị nhất thời hơn là cung cấp sự hưởng thụ văn hoá cho nhân dân: đầu tư tốn kém và không hiệu quả cho các đề tài chính trị hơn là cho những sản phẩm có giá trị nghệ thuật lâu dài (rõ nhất là trong điện ảnh, tựơng đài);

  • Thị hiếu dòng chính (được coi là chính thống) đè bẹp các thị hiếu bị coi là bền lề (thấy rõ trong các Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, nhàm chán do sự áp đảo của lối vẽ cũ). Nên nhớ rằng rất nhiều cái bên lề sẽ nhanh chóng trở thành chính thống, nhất là trong thời đại bây giờ.


3. Lệch cơ cấu máy: Tay ga yếu hơn tay phanh: lo an toàn hơn lo phát triển. Quá bận tâm về việc ngăn chặn tác phẩm "sai đường lối" mà không chú ý đúng mức đến đầu tư khuyến khích sáng tạo, đào tạo và giáo dục văn hoá thẩm mỹ.

Tay phanh: Ngăn chặn, mang tính đối phó, cảm tính, mất dân chủ nghiêm trọng. Qui định vụn vặt (trang phục diễn viên, tiêu chuẩn ảnh tranh khoả thân). Cấm đoán tràn lan. Đơn cử lĩnh vực sách văn học gần đây: Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn và cuốn sách phê bình Trần Mạnh Hảo của nhiều tác giả.

  • Ba cái “bất”: Bất minh (các tác phẩm bị cấm không trên cơ sở phân tích công khai, thuyết phục. Đầu năm 2006 trong một hội thảo văn học, nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã chính thức yêu cầu những người hữu trách công khai cho biết tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 vi phạm luật xuất bản ở chỗ nào để bị đối xử tàn tệ như thế: tịch thu và tiêu hủy, một việc làm mà nhiều người cho rằng giống như ở thời Tần Thủy Hoàng; đến nay không ai trả lời ông Bùi Ngọc Tấn. Tịch thu sách để bảo vệ một người như Trần Mạnh Hảo, đến nay những người ra lệnh ấy có ân hận?); Bất lực (không thể chặn trong thời đại Internet và giao lưu quốc tế mở rộng) và Bất lợi (chỉ có tác dụng ngược: làm tăng uy tín của tác giả và làm giảm uy tin quốc gia trong thời đại đề cao nhân quyền). Lĩnh vực văn hoá là lĩnh vực quyền công dân bị xâm phạm "vô tư" nhất.

  • Khẩn thiết đề nghị nhà nước bãi bỏ kiểm duyệt dưới mọi hình thức, để tác phẩm tự do ra mắt công chúng và tự nó phải đối mặt với chế tài của pháp luật (giống như đối với mọi sản phẩm kinh tế xã hội). Công chúng Việt Nam đầy đủ ý thức xã hội và trình độ văn hoá để đánh giá tác phẩm, không nên quá coi thường công chúng. Nếu vì lý do nào đó còn kiểm duyệt thì phải công khai, dân chủ (có hộI đồng chuyên gia, có phản biện, có đương sự như hình thức một phiên toà). Tại sao phải né tránh công khai hoá? Vì người kiểm duyệt không tự tin ở lẽ phải của mình? Vì trong lòng người kiểm duyệt biết nó trái với thông lệ quốc tế?


Tay ga:

  • Hệ thống đào tạo lạc hậu cả về chiến lược, phương pháp lẫn cơ sở vật chất;

  • Giáo dục thẩm mỹ cho quần chúng chưa được chú trọng (giáo dục qua hệ thống bảo tàng, phối hợp với ngành giáo dục để giáo dục trong nhà trường);


*


Để có thêm tư liệu bàn bạc về vai trò của nhà nước đối với sự phát triển nghệ thuật, ta thử nhìn ra ngoài xem thiên hạ làm như thế nào?

Một thí dụ: Công việc của Bộ Văn hoá Thông tin Pháp, một nước có truyền thống bảo trợ nghệ thuật mặc dù không giàu lắm, và trong thời kỳ được coi là hoàng kim của văn hoá dưới quyền ông Jack Lang, theo đuổi chính sách của Đảng Xã hội, tóm lại là nhiều cái gần gụi với ta (1981-1986, 1988-1993).

Mục tiêu: Tăng tốc hiện đại hoá, mở cửa văn hoá ra với xã hội đương đại

Ngân sách: 1%, tăng gấp 2 trong năm 1982, từ 2,6 tỷ FF năm 1981 lên 13, 8 tỷ FF năm 1993

Trọng tâm:

  • Đào tạo: làm mới và lập mới (Trường Di sản, Viện Điện ảnh, 2 Nhạc viện, Trường Louvre)

  • Giáo dục nghệ thuật trong trường học (các lớp văn hoá, lớp di sản...). "Operation de la sensibilisation" (giáo dục cảm thụ nghệ thuật) 

  • Mở rộng phạm vi công tác văn hoá: ca khúc, jazz, nghệ thuật đường phố, thời trang, thiết kế mỹ thuật... (Trung tâm Quốc gia về Cakhúc) 

  • Điều hoà thị trường: trợ giúp cinema, bình ổn giá sách, khuyến khích Mạnh Thường Quân 

Chính sách: dân chủ hoá văn hoá

  • Giảm bớt sự phân biệt đẳng cấp nghệ thuật: Xiếc (trung tâm quốc gia), photo (trường quốc gia), nhạc nhẹ

  • Đề cao người sáng tạo ("Ministre des Artistes" - Bộ trưởng của các nghệ sĩ): tài trợ kịch bản điện ảnh

  • Quan điểm định giá các dự án xin tài trợ: "dân chủ của thị hiếu" (mỗi người chọn thứ văn hoá mình thích và là "người sáng tạo" văn hoá, các tác phẩm xuất phát từ đời sống hàng ngày trở thành văn hoá, (thực tế về tài trợ của "Trung tâm sách"mang tính dân chủ)…


Kết luận

Nhà nước nên làm tốt vai trò "nhà bảo trợ" hơn là "người kiểm soát" trong văn hoá nghệ thuật. Việc quản lý văn hoá cần nghiêm túc tuân thủ luật pháp, tôn trọng quyền công dân. Cần có chính sách thực hiện đúng mục tiêu chiến lược, coi trọng hiện đại hoá nền văn hóa nghệ thuật dân tộc.

© 2006 talawas