Chương năm
Ý thức sinh tồn – Đêm ngày và William Saroyan hay là con người lang thang trong đời sống
Tặng Thanh Tuệ, người bạn khó quên với nụ cười dễ nhớ
Chương này được viết ra trong giai đoạn thơ mộng nhất của tôi ở Đà Lạt cách đây đúng mười năm,tức là năm 1960. Dạo đó, tôi dạy sinh ngữ ở trường Việt Anh tại Đà lạt, tôi ở trọ dưới hầm nhà của một biệt thự số 14 đường Yagut. Phòng tôi nhỏ hẹp, nhưng có một cánh cửa lớn mở ra, khu vườn đầy hoa hồng và bướm. Tối đến, có những con bướm nhỏ bay lạc vào phòng tôi (bây giờ, không biết những con bướm ấy ở đâu? Chắc chúng đã chết từ lâu và chỉ còn tôi ở lại với những gian phòng đóng cửa). Những buổi sáng sớm, tôi nằm ngó ra vườn đầy sương mù và thấy rằng mình đang sống thơ mộng, yêu đời, mênh mang, lòng tôi lúc ấy cất lên tiếng hát ngọt ngào như tiếng chim vừa mới thức dậy trong vườn. Ngày này kéo đi đến ngày khác, tôi sống từ cơn mộng này đến cơn mộng khác. Mộng mị tuôn chảy đêm ngày trong gian phòng rộng cửa mở ra đón tiếng chim và cánh bướm. Đôi khi có vài con ong say mật bay lảo đảo vào phòng tôi. Cánh cửa sổ phòng tôi không phải vẫn mở luôn luôn, vì tôi vẫn đi vắng gần như thường xuyên. Sau những giờ dạy là tôi đi lang thang suốt đêm khắp mọi đường phố Đà lạt. Cả ban ngày tôi vẫn buớc đi khắp đồi núi Đà lạt, cả những ngày mưa, tôi cũng đi trong mưa và dường như không thấy ướt.
Có một đêm tôi đã đi suốt đêm như vậy, tôi đi đê mê trong đêm tối như đi vào trong câu chuyện thần thoại của trẻ em. Và lúc sáng trở về nhà, tôi đã ngồi viết một mạch trọn cả chương này.
Viết xong tôi nằm ngất mê man trên giường. Lúc tôi thức giấc thì Đà Lạt đã về chiều và mưa đập mạnh vào cửa sổ. Tôi vội đứng dậy, choàng áo, đi xông ra ngoài mưa. Đi suốt đêm nữa. Nước mưa ngọt một mùi vị chỉ nếm được trong tiền kiếp.
P. C. T
1. Đêm
Tĩnh mịch im lặng chó sủa tiếng ho buồn buồn của một người đàn ông tất cả đều tĩnh mịch im lặng thiên thu dế kêu nhỏ nhẹ nặng nề mộng mị chó sủa từng hồi từ hoàng hôn Đà - lạt đêm nay trời không làm mưa đêm nay Đà Lạt âm u tĩnh mịch ngày tận cùng của nhân loại sự im lặng thánh kinh của buổi khai thiên lập địa bầu trời nhiều sao hay không tôi khóc nức nở bởi vì khắp nơi đều toàn là sự mù quáng ngộ nhận hiểu lầm thực là lạ lùng.
It was this other thing this incredible blindness everywhere I cried bitterly phải thế không William Saroyan người trẻ tuổi gan dạ trên cái đu bay và người con trai sung sướng là tôi thường thức suốt đêm để hỏi mình là ai và để suốt đời hưởng được một chút thanh bình trong trái tim tôi muốn đi tu vì sợ ở đời sẽ mau trở thành người điên bởi vì cuộc đời quá tươi đẹp và nụ cười của sự chết trên đôi mắt tôi
and the smile of death in my eyes Saroyan đã gọi thế trong chuyện
Aspirin is a Member of the NRA bởi vì tôi là người bị bịnh thần kinh quá nặng cho nên đêm nay tôi thường nhắc lại tên Saroyan như tên quá khứ để mà thấy rằng cuộc đời đáng sống và để nhớ lại những kỷ niệm xa xôi sẽ làm thuyên giảm bệnh thần kinh như những viên thuốc Névrovitamine 4 hay như nhưng bản nhạc buồn của Chopin của những nhạc sĩ tôi không biết tên và thường lắng nghe đau khổ trong những quán về khuya những lúc chán đời vì cuộc đời quá tươi đẹp và bởi vì William Saroyan là nhà văn Mỹ từ chối giải thưởng Pulitzer và viết văn nhẹ nhàng hay gợi lại những kỷ niệm nồng nàn xa xôi Saroyan thường cười cái chết và nghĩ rằng thực sự tuyệt đối không có gì để nói
there was absolutely nothing to say trong truyện
The Earth Day Night Self và Saroyan viết văn bàng bạc khơi khơi trên đời chứ không có giọng điệu bệnh hoạn thần kinh neurasthénie psychasthénie hypochondrie dépression schizophrenie et caetare như Hemingway John Dos Passos Faulkner James Joyce và Dosto và Kafka và Leonid Andreyev bởi thế đêm nay không ngủ được nằm tráo trở trên giường thao thức trong đêm tối không thắp đèn vì tôi ghét ánh sáng tôi thích ngồi trong bóng tối đen và nhớ và
the light I disliked so I used to sit in the darkness remembering nhớ gì chỉ nhớ lại William Saroyan nhớ Saroyan có nghĩa là nhớ lại những kỷ niệm của chính mình tôi tự hỏi tại sao ngày xưa tôi chỉ ưa thích những điều giản dị và thanh bình và bình lặng và những gia đình
We went in for the simple things peace anh quiet and families thế mà loài người không bao giờ để tôi yên và trời ơi sao ở đời lại quá nhiều ngộ nhận bi thương để cho James Dean phải đi bơ vơ lạnh lẽo trên quãng đường vắng vẻ loáng nước mưa và để cho Rimbaud phải du côn đau đớn đi tìm những gì miên viễn ở mấy bến Phi – châu hiu quạnh và để cho Van Gogh bàng hoàng đi ăn mày một ánh lửa mơ hồ ở mặt trời thiêu đốt và để cho Blaise Cendrars phải đau lòng cầu nguyện van xin Thượng đế hãy xót thương những gái giang hồ vào ngày lễ Phục sinh thế rồi Blaise Cendrars từ trần ngày 21 tháng giêng 1961 và trần gian mật một con chim én vàng một con chim én không làm thành mùa xuân như anh đã nói nhưng mùa xuân là cái gì tôi không cần mùa xuân ấy vì cuộc đời chỉ cần có một con chim én thôi và thực ra tôi ghét lý luận lôi thôi và ghét lý trí phân minh cho nên hồi chiều này tôi đã xé trọn 911 trang
Histoire de la Philosophie occidentale của Bertrand Russell dù tôi rất yêu Bertrand Russell song tôi rất bực bội mà được Bertrand Russell cho biết rằng William James đã mắng chửi Santayana một cách tồi tệ và Santayana cũng ghét William James vô cùng, tôi lấy làm lạ tại sao những triết gia thường ghét nhau như thế, bởi vậy tôi ghét triết học vì triết học chỉ dạy tôi một điều là ghét triết học tôi ghét triết học cũng như con gái của Luther nói rằng ai không yêu rượu không yêu đàn bà con gái và không yêu bài hát thì vẫn là thằng điên dại suốt đời
Wer nicht liebt Wein Weib und Gesang, bleibt ein Narr sein Leben lang tôi chỉ yêu bài hát bài ca âm nhạc chứ không hề muốn yêu con gái vì thế tôi sung sướng làm thằng điên dại suốt đời tôi ghét con gái cũng như tôi ghét Thượng đế cũng như một đứa học trò trốn học ghét thầy cũng như một đứa con hoang đàng bỏ nhà mà đi và ghét cha mình và tôi ghét Thượng đế đến nỗi không bao giờ thích sống trên thiên đàng và muốn sống đời đời dưới hoả ngục để nhìn xem lửa thiêu đốt muôn triệu người triệu triệu triệu triệu người để mà có thể đo được sức tàn nhẫn của Thượng đế và tôi muốn làm quỷ Lucifer để có thể chửi rủa Thượng đế cho hả giận còn nếu Thượng đế không muốn cho tôi làm quỷ thì tôi xin được làm người và đệ một cái đơn xin phép được sống
sometime soon I must write an Application for Permission to Live như
The Daring Young Man on the Flying Trapeze của William Saroyan và bỗng nhiên tôi nhớ đến hình ảnh đau buồn của một người làm vườn nghèo khổ khum num chắp tay thưa ông chủ nhà rằng xin lạy ông vui lòng cho con nghỉ làm vườn một ngày thôi vì nhà con mới lên Đà Lạt chưa quen lạnh nên đã bị đau phổi con phải nghỉ việc để chạy tiền đi bác sĩ xin ông cho con lạy ông thương hại con không hiểu sao chuyện ấy xảy ra hồi chiều này thế mà tối nay giữa đêm khuya tịch mịch tôi sực nhớ lại có lẽ sẽ nhớ mãi suốt đời cũng như tôi sẽ nhớ mãi thiên thu nét mặt lặng buồn của một người ăn mày bơ vơ đứng giữa ngã ba phố chợ giữa bao nhiêu người bình thản chen chúc vui cười ca tụng cuộc đời tươi đẹp trong khoé mắt đau thương và tôi thương người làm vườn người ăn mày bơ vơ cũng như tôi thương người Ba-lan hay người Do Thái hay người Mỹ Da đen hay người cha già Phi châu quê mùa lum khum đưa tiễn con trai qua Mỹ du học như tôi đã thấy trong tạp chí
Life là một tờ báo tôi ghét cũng như tôi ghét
Paris Match và
Time và
Reader’s Digest và cử chỉ điệu bộ của André Malraux không hiểu tại sao ban đêm tôi thường hay khóc lặng lẽ trong đêm tối chắc là tôi cảm thấy đời mình quá cô độc và cuộc đời hết lối cảm thông toàn là ngộ nhận và đôi lúc tôi mỉm cười vì nghĩ rằng chính mình cũng là hiện thân của ngộ nhận không hiểu sao ban đêm tôi thường khóc có lẽ vì quá cô độc bơ vơ giữa vũ trụ lặng lờ người sẽ bảo tôi như đứa con nít khóc trong giường vì mẹ đi vắng ư thực đúng đôi lúc như đêm nay vì quá khổ cho nên tôi tự an ủi tôi bằng cách tự nhủ như vầy
con ơi hãy ngủ đi con tôi bắt chước giọng nồng nàn của một người mẹ và khi tự nói tôi tưởng tượng đó là những lời của một người mẹ hiền lành trên đời đang nhìn tôi khổ và ôm tôi vào lòng mà nói như thế
con ơi hãy ngủ đi con tôi cười rồi tôi khóc bởi vì tôi nhớ đến người mẹ trần gian của tôi mỗi lần ngày xưa khi còn nhỏ mà được mẹ tôi gọi tôi là
con thì tôi sung sướng vô cùng nhưng ít khi mẹ tôi gọi thế thường thì bị gọi là
mầy tôi đau khổ tủi lòng nhưng tôi rất thương mẹ tôi và cha tôi cũng thế ít nói suốt ngày không nói với con một lời hình như cha mẹ tôi không bao giờ sống được một ngày hạnh phúc mặc dù ngày trước đời sống vật chất của gia đình quá thừa thãi thế mà mỗi lần cha mẹ tôi lôi thôi ồn ào với nhau thì mấy anh em chúng tôi là những đứa nhỏ bé bỏng phải xúm lại khóc lóc và quì lạy van xin cha mẹ đừng ghét thù nhau từ đó từ những ngày như vậy tôi bắt đầu biết thế nào là đau khổ từ đó trở đi khi lớn lên bơ vơ bước vào cuộc đời tôi thường bi quan chán đời dù tóc hãy còn quá xanh và tôi thường rụt rè nhút nhát tôi đã đi tìm khắp nơi để tìm thử coi ai có nét mặt mà không mang sự đau khổ nhưng tôi không gặp mà tôi nhớ đến William Saroyan như nhớ đến dòng sông nào tê tái trong giấc mộng đời
I could see the pain in the faces everybody I looked everywhere for one face that was not the mask of pained life but I did not find such a face tiếng khóc nức nở của trẻ con và trong tiếng khóc của trẻ con ta thấy tình huynh đệ của loài người
and the way they cry there you have the brotherhood of man tiếng chuông linh quang hay linh sơn và tiếng trẻ con khóc xa xa trong đêm tối tiếng chuông nhà thờ có lẽ khoảng năm sáu giờ sáng rồi suốt đêm không ngủ Van Gogh khi tôi đau khổ tôi cố gắng cười và mỗi lúc khi muốn điên lên vì quá đau khổ tôi nhớ trong
lust for life và tôi thấy Van Gogh và
savoir souffrir sans se plaindre biết khổ mà không than thở tiếng chó sủa vài tiếng chim kêu Chaplin đang khóc và cuộc đời ôi cuộc đời ngõ hẹp buồn bã hương thời gian màu sắc một đêm và những con chim hải âu trên mái nhà của Anne Frank và em bé bán bánh mì rao buồn trên đường cái trời sáng rồi hay sao nét mặt trầm tư của Albert Schweitzer và Einstein viết về Gandhi và đôi mắt của Kafka không có gì để nói
there was nothing to say không có gì để nói giọng hát tiếng hát tha thướt của Connie Francis của Dalida của Françoise Hardy mai này tôi chết đi hãy chôn tôi với cây đàn ghi-ta Federico Garcia Lorca mai nầy tôi chết đi xin hãy chôn tôi với cây đàn ghi-ta trời ơi não nùng cuộc đời ho lao ngôi sao bạc mệnh căm căm cuối trời một người con trai cô đơn đau khổ trời bắt đầu sáng chim kêu tiếng chân ai khua động trên sàn gỗ ôi cuộc đời
O swift moment of life it ended the earth is again now ôi cuộc đời ôi khoảnh khắc nhanh chóng của cuộc đời và chấm dứt và trần gian mặt đất bây giờ trở lại.
2. Ngày
Quờ quạng bật đèn lấy nước rửa mặt, suốt đêm không ngủ, nước mát rượi, lạnh và trong, nước của Trời, nước của Đà Lạt thiên thu hay là của William Saroyan (nước của
Going Home), mùi vị, hương vị ngọt dịu dàng của nước khiến tôi ngạc nhiên lạ lùng, lúc tôi uống nước, trời, sao mà tuyệt diệu, tôi cảm thấy dòng nước mát tung toé thể chất tôi, làm mát dịu thoải mái con người tôi
The sweet rich taste of the water amazed him, and as he drank he thought, God, this is splendid. He could fell the cool water splashing into his being refreshing and cooling him (W. Saroyan
Going home). Tôi sung sướng, hơi thở trở nên nhẹ nhàng đôi mắt mơn trớn nhìn vào kiếng soi mắt. Rất không đẹp trai.
Very unhandsome. Tôi mỉm cười hát khẽ
La vie en rose, Green Field và
A many splendoured thing; buổi sáng sắp trở về, tôi choàng áo vào người; Đà Lạt sáng tinh sương lạnh lắm; mở ngăn tủ ra còn lại năm đồng, lấy hết bỏ vào túi áo và bước ra ngoài đường phố. Đường Yagut còn ngủ trong tĩnh mịch thần tiên của buổi sáng tinh mơ, sương mai còn loáng thoáng đâu đây, gió thổi mạnh mơ hồ; tôi hát khẽ trên đường phố chim bay là đà khắp nơi, chim từ đâu sao bay ra nhiều quá; những con chim lí nhí như những cô gái hồn nhiên bước ra trường lúc tan học, tôi mỉm cười khi nghĩ ra một lối so sánh đa tình như vậy; tại sao buổi sáng nào gà cũng gáy sung sướng triền miên và bây giờ mấy con chó cũng không còn sủa nữa, nửa đường Yagut loáng nước, đêm vừa qua không mưa, có lẽ đây là nước ở trong mấy căn nhà đổ ra hay là người ta rửa xe vào lúc đêm, có lẽ thế. Một đàn chim vụt bay ra, không biết từ đâu… những đôi cánh mảnh khảnh khua động trên khúc đường loáng nước. Dế kêu trong đám cỏ ướt sương. Tôi nhìn những hòn sỏi đá nhỏ hao mòn lác đác trên mặt đường hoang vắng. Phân bò rải rác dọc theo bờ. Những đường phố Sài-gòn không bao giờ được như vậy, tôi tự nghĩ và cười sung sướng; buổi sáng xám, lạnh, không vui, một buổi sáng cho nguồn sinh lực bên trong, thực là một buổi sáng tuyệt vời.
It was really a splendid morning: gray, cold and cheerless, a morning for inward vigor (Saroyan,
The daring young man…) Gà gáy trong trẻo hơn, vài ba con chó lạnh lùng sủa lên đôi tiếng, vài ba tiếng guốc khua lẻ tẻ trên mặt đường, bốn năm con ngỗng vừa chạy vừa kêu vang rền trong mấy bụi cây, tôi ca khẽ những bài hát ngày xưa và ngước nhìn những con chim bay đi, rồi quay về dưới mái nhà rêu bám ở đường Hoàng Diệu. Tôi đã đi đường Hoàng Diệu có cả trăm lần mà mãi đến sáng nay tôi mới thấy một ngôi nhà kia có một cây bưởi xanh, ôi con người vô tình, mấy chục trái bưởi đung đưa nhí nhảnh trên những cành lá ướt át (vì hơi đêm), trái tươi tròn, những cái vú căng sữa của những người mẹ hiền. Vài ba người vừa mới thức giấc, mặt hãy còn ngây ngủ, đứng nhìn bâng quơ ra ngoài đường, một bà cụ gánh hàng đang bước nhanh trước mặt tôi, cuối đường hai ba người xách giỏ thì thào, đi chợ, hai người đàn ông đăm chiêu chạy xe đạp chầm chậm; mộng mị ban đêm còn lảng vảng chập chờn trước đôi mắt kia; bây giờ tôi đang đi ngay giữa thị thành, giữa những người đang sống. (
He was now walking in the city itself, among living men (Wiliam Saroyan,
The daring young man…). Một bầy chim đang bay qua mái nhà. Một con chó thiu thiu ngủ (suốt đêm đã thức nhiều nên mệt), nằm dài, lừ đừ, vài ba con chim hồn nhiên bay xuống đậu ngay trước mặt, nhưng chó vẫn nằm im lặng. Hai cậu học trò nhỏ bé đi học sớm, trên tay mỗi cậu là mấy đoá hoa tươi, có lẽ mới hái ở dọc đường. Ôi tuổi xanh đã mất. Tôi dừng lại bên cầu HảI Thượng. Hơi sáng bay thoảng vào người tôi. Tôi hít nồng nàn vào phổi. Nhìn xuống dòng nước chảy dưới cầu. Toàn là rác dơ bẩn và hôi. Trong đống rác lềnh bềnh ở dưới chân cầu, tôi sửng sốt nhận ra một đám hoa lục bình xanh: vài đoá hoa tím nở trên ấy và vài cánh bướm trắng chập chờn. Rác. Lục bình trong rác. Hoa trong lục bình. Bướm trong hoa. Tôi mỉm cười ca hát sung sướng trong tâm hồn. Một buổi sáng huy hoàng. Tôi thở nhịp nhàng. Từng đàn chim bay chập chùng trên mái nhà xưa cũ rồi bay trên những ngọn cây cao. Gió thổi nhẹ qua những lá cỏ xanh non. Mùa này mưa bắt đầu trở về và cỏ xanh lạ lùng. Khói nhà ai đun lên tận trời. Những điệu nhạc xa xôi của Chopin trở về bàng bạc trong tâm tưởng.
Anh hãy đàn cho tôi nghe bản nhạc Tristesse của Chopin và bản Paloma, anh đàn đi anh. Tôi thích hai bản này nhất. Thằng này mơ mộng quá, còn nhỏ quá mà thích tình tứ mộng mơ rồi, tao biết tại sao mày thích hai bản này. Gió thổi nhẹ một chiếc lá rơi xuống đất.
Trông anh như thằng ngáo. Nhìn nét mặt ngơ ngác. Đi đường phố nào anh cũng tần ngần. Nhìn bộ tịch anh người ta có thể đoán anh mới đến Đà Lạt lần đầu tiên. Gặp cái gì anh cũng nhìn hết, anh chưa đến Đà Lạt bao giờ sao? Vâng đây là lần đầu tiên tôi đến Đà Lạt. Anh sao khó tính quá, anh hãy để tôi nhìn Đà Lạt chứ sao? Đà Lạt đẹp quá vậy anh? Anh trông tôi đứng lại, nhìn đằng trước cũng đẹp, nhìn bên phải cũng đẹp, nhìn bên trái cũng đẹp, nhìn lên trời cũng đẹp mà nhìn dưới đất cũng đẹp, anh nhìn xem: mấy con bướm trắng bay thơ mộng quá, tôi thương mấy con kiến kia quá, anh ơi. Tôi tự tính lại thì ngạc nhiên thấy mình đã sống ở Đà Lạt khá lâu, mấy con bướm và mấy con kiến (mà tôi gặp hồi đến Đà Lạt lần đầu tiên) chắc đến ngày hôm nay chúng nó đã chết rồi. Con người tôi ngày trước bây giờ không còn nữa, con người hồn nhiên ấy cũng chết theo dòng đời. Đôi mắt tôi ngày nay không còn là đôi mắt ngày xưa, của lần đầu tiên đến Đà Lạt. Tôi là một kẻ khác, không phải là tôi nữa. Tôi đã chết lâu rồi. Nghĩ lại mấy năm tôi sống ở Đà Lạt, tôi mới thấy rằng tôi sống như một cái xác không hồn, lãnh đạm, thờ ơ, lạnh lẽo, khó khăn, bơ phờ, mất mát, chết giữa ngày tháng tịch mịch; mỗi sáng mỗi chiều cũng bấy nhiêu cử động, ăn uống, đi dạy, ngủ, ăn, dạy, ngủ, ăn, dạy, đi, về, ngủ, thức, ăn, dạy, đi, về, đi, đi, về, đi rồi về, cũng bấy nhiêu cử động lặp đi lặp lại, ngày nào cũng như ngày nấy, cũng bấy nhiêu cử động máy móc, cũng bấy nhiêu sáng, chiều, tối trở đi, trở lại, trở đi, trở lại, bao nhiêu lần tôi đi lang thang giữa phố chợ mà không biết mình là ai, bao nhiêu lần tôi đi giữa đường phố mà đôi mắt kia không nhìn thấy gì cả, đôi mắt thao láo như đôi mắt của một người chết. Buổi sáng hôm nay bỗng nhiên tôi cảm thấy
sống lại; con người tôi của ngày đầu tiên đến Đà Lạt bỗng nhiên trở về nhập lại cái xác không hồn này, tôi lắng nghe hơi thở của tôi dịu dàng trong thể xác, tôi lắng nghe điệu nhạc triền miên của thuở hoa niên xanh mộng trở về thướt tha trong lòng tôi, tôi lắng nghe tiếng lá rơi nhẹ trên mặt đất tôi trố mắt nhìn từng sự vật, tôi có cảm giác như đã mù từ lâu rồi và bỗng nhiên hôm nay mắt được sáng lại; tôi phân biệt từng đợt màu xanh khác nhau trong từng chiếc lá, tôi đứng lại để lặng nhìn một con kiến bé nhỏ đang bò lên lá cỏ; tôi ngửi được hương vị nồng nàn của không khí, mùi thoảng của lá khô, hương thơm của khói, của cây non, của một đoá hoa héo trong bụi cây bên đường; mấy năm nay, tôi đã đi trên đường này biết bao lần nhưng nào có thấy, nghe, ngửi, cảm gì đâu, thế mà hôm nay, cũng trên con đường này, đột nhiên tôi ý thức rằng mình đang thở nhịp nhàng, rằng bao nhiêu sự vật xinh đẹp lạ lùng đang thở quanh tôi. Tôi có cảm giác lạ lùng mới lạ của một đêm ngủ miên man trong một ngàn năm rồi bỗng thức dậy và mắt sửng sốt nhìn tất cả hình ảnh huyền diệu vây phủ chung quanh mình. Tất cả sự vật chung quanh đều xuất hiện ra lần đầu tiên trước đôi mắt tôi. Thực là huy hoàng tuyệt vời.
I walked into town, into the streets where we had put up our building, and suddenly I saw them for this first time, suddenly I was really seeing them and they were splendid (W. Saroyan,
And Man). Tôi chỉ đứng lại trên cỏ và lắng nghe mình thở; chỉ thở thôi và sung sướng rồi,
now it was a pleasure even to breath (Saroyan,
Going Home). Thế rồi tôi giựt mình khi nghe tôi cười vang lên giữa đường phố; tôi cười tất cả những điều thảm thương ở trần gian, sự ngộ nhận khắp nơi, sự xung đột đời đời, sự hung dữ tàn ác, những điều đó làm con người trở nên một con vật nham hiểm, tôi cười sự chết,
he was laughing at all the pathetic things in the world, the misunderstandings everywhere, the everlasting conflict, the cruelty, the things that made man a malignant thing… (Saroyan,
Laughter).
The worst that can happen to any of us, I used to laugh, is death. (Saroyan,
Aspirin is a Member of NRA).
Tôi cúi xuống hái một lá nhỏ, lặng lẽ nhìn và hôn vào lá ấy. Một người đi đường ngơ ngác ngó lại. Tôi cười. Tôi cảm thấy thương yêu tất cả nhân loại, yêu cả kẻ thù, yêu cả những điều tôi ghét, yêu hết mọi sự vật ở trần gian này. Tôi bước đi. Người ấy ngó theo. Năm sáu con chim én tung bay lên trời. Ý nghĩa trọn vẹn hiện ra; hình ảnh trọn vẹn của trần gian và của con người xuất hiện huy hoàng trước đôi mắt rực ngời của tôi. Ôi trần gian mặt đất này đẹp biết bao.
The earth was so lovely (Saroyan,
The Earth, Day, Night, Self). Chỉ sống thôi thì thực là vinh quang biết bao.
How glorious it is to be alive, to be still living (Saroyan,
My self upon the earth). Tôi yêu và thờ phượng cuộc đời… Tôi tin rằng tôi sống… Thoáng giây này sẽ không bao giờ bị xoá nhoà; nó vượt thời gian,
I love and worship life… I believe that I live … and the living of this moment can never be effaced. It is beyond time (Saroyan,
My self upon the earth). Tôi là tôi,
je suis moi, vũ trụ
là vũ trụ, trần gian này
là trần gian, cuộc đời
là cuộc đời, con người
là con người. Tôi đang đi đây, ngày nay, năm này tại thành phố Đà Lạt ; tôi biết rằng rồi đây tôi sẽ chết, bởi thế hôm nay tôi sống.
Chết là một
thực tại, bởi thế
sống cũng là một thực tại.
Chết không thể nào tránh được, cũng giống như
sống cũng không thể nào tránh được.
In order not to be a fool, you must believe that as much as death is inevitable life is inevitable (Saroyan). Sự huy hoàng tuyệt vời của
Sống. Hãy để con người đi và nói và nghĩ và ngủ và mơ và thức và lại đi và lại nói và lại di động và sống.
The splendor of the mere fact of his being alive… Let him walk and talk and think and sleep and dream and awaken and walk again and move and be ALIVE (Saroyan,
A cold day). Hãy sống. Đừng chết nữa. Tôi đã chết. Rất nhiều người đã chết. Hầu hết nhân loại hiện nay đang chết. Hãy sống. Hãy ca tụng tình huynh đệ của những sự vật sống,
the brotherhood of things alive (Saroyan). Sống là tuyệt đối là trọn vẹn, vĩnh cửu, thiên thu.
Sống là chân lý. Nhớ là sống, cười là sống, không hấp tấp vội vã là sống,
you are in a hurry but I am not: I shall witness your disintegration (Saroyan,
Aspirin is a Member of the NRA). Ngủ là sống,
It is only sleep that we my know that we live (Saroyan,
The daring young man…). Yêu thương là sống, đau khổ là sống, trung thành với chính mình là sống,
I want him to be himself (Saroyan,
Myself upon the earth). Luật lệ, phép tắc, quy chế, truyền thống, ngôn ngữ, triết học, lý trí không phải là sống.
All my life I have laughed at rules and mocked traditions, styles and mannerisms… I do not believe in philosophies (Saroyan,
Myself…). Sự thù ghét, sợ hãi, sự ham quyền lực không phải là sống, những chủng tộc, những chính quyền không phải là sống.
I do not believe in races, I do not believe in governments ( Saroyan,
Seventy thousand Assyrians).
Những nhà đạo đức, luân lý, những kẻ hèn nhát và những hiền nhân, thánh nhân, hiền triết không phải là sống.
I love to make small explosions with the infated bags of moralists cowards, and wise men (Saroyan,
Myself upon….). Tất cả những ngôn ngữ hợp lại là sống, hay không có ngôn ngữ nào cả là sống, sự im lặng là sống,
We see the universe through the language we know, we do not see it through all languages or though no language at all through silence. If I want to do anything, I want to speak a more universal language (Saroyan,
Seventy thousand Assyrians). Trái tim của con người là sống,
the heart of man, the unwritten part of man that which is eternal and common to all races (Saroyan,
Seventy thousand…). Mâu thuẫn, nghịch lý là sống,
Every life is a contradiction… I believe in the right of man to contradict himself (Saroyan,
Myself upon….). Hình ảnh trọn vẹn, hình ảnh của sự trọn vẹn là sống.
Chương trình kế hoạch của tôi là SỐNG vô hạn định,
It is my plan to stay ALIVE indefinitely (Saroyan,
Fight your own war).
Đà Lạt có nhiều chim hơn bất cứ nơi nào ở Việt Nam. Tôi vừa đi vừa lắng nghe tiếng chim kêu. Tôi cười miên man và nhìn mấy chiếc lá đung đưa trên những cành cây gầy yếu.
Tại sao anh trông gầy yếu xanh xao như vậy? Bởi vì mấy tháng nay tôi bị bịnh mất ngủ, tối nào tôi cũng nằm trằn trọc suốt đêm, nằm ngó trần nhà chứ không làm gì cả. Suốt đêm, tôi nằm trong bóng tối, không dám nghĩ gì cả, nhiều khi tôi cười sặc sụa lúc khuya khoắt hoặc tôi lấy tay đập mạnh vào giường. Tôi không hiểu tại sao tôi làm như vậy; có những đêm, tôi tự hỏi tôi là ai, tại sao lại nằm nơi cái giường này, tôi giựt mình toát mồ hôi ra; sáng thức dậy tôi cử động ăn nói vô ý thức vắng mặt, đi đứng bơ phờ, đầu óc mệt mỏi, chán chường không thích, không thèm gì cả, không ham, không ghét gì cả; tôi sống xa lạ chơi với tất cả mọi người, - tôi không biết đi đâu, không biết thuộc về đâu; tôi là ai, là ai, thân xác này thuộc về ai, mười ngón tay của ai, của tôi; tôi là gì, tôi không biết, tôi không gì cả; tôi không biết gì cả; anh đừng hỏi tôi tại sao tôi gầy yếu, anh đừng hỏi, xin đừng hỏi, tôi là ai, tôi chết, tôi sống, gầy yếu, mạnh khoẻ, trắng, đen, không, có, sống, chết, tôi không biết, xin đừng hỏi, tôi không hiểu gì cả, tôi hét đây, tôi la đây, tôi không hiểu gì cả, anh có nghe không? Thuở ấy tôi đã chết và tôi không biết rằng mình chết, tôi chạy loanh quanh trốn tránh hư vô: tôi đã trốn tránh đủ cách, đủ đường, đủ lối mà càng trốn tránh hư vô tôi càng gặp hư vô và tôi chết; không hiểu sao bỗng nhiên sáng nay tôi thấy mình
sống lại và
sống là một bí mật, là sự huyền nhiệm, chân lý là đã đi trong sự chết để rồi mới thấy lại sự sống. Tôi không thể cắt nghĩa được và thực ra, tuyệt đối không có gì để nói cả,
there was absolutely nothing to say (Saroyan,
The earth, day, night, self). Hôm nay, tôi biết rằng tôi sống, tôi thở. Chỉ có thế thôi. Sống là Chân lý. Tìm chân lý là tìm sống. Sống là thiêng liêng, ngoài ra trên đời chẳng có gì thiêng liêng cả,
there was no sacred thing in the world (Saroyan,
Seventeen). Sống là gì? Tôi không hiểu. Đó là chân lý. Tôi không thể kể nói gì cả. Mỗi người phải tự tìm lấy chân lý cho chính mình. Chân lý ấy không ở trên trời mà lại ở tại trần gian này, tại mặt đất này.
I cannot tell anyone. Everyone must see for himself. Everyone must seek the truth for himself (Saroyan,
And man). Tôi sống cuộc đời tôi. Anh sống cuộc đời anh. Chị sống cuộc đời chị. Tôi thở cho tôi; tôi không thể nào thở hộ cho ai được. Tôi hoàn toàn vô trách nhiệm; tôi chỉ có trách nhiệm đối với riêng tôi; cũng như anh có trách nhiệm đối với anh. Tôi không có kẻ thù. Nếu có kẻ thù chăng thì chính tôi mới là kẻ thù của tôi. Chính tôi tự cứu lấy tôi; chỉ những nỗ lực của chính tôi mới cứu được tôi; tôi không trung thành với bất cứ một ý niệm hoặc một danh từ trừu tượng nào; tôi phản bội với tất cả; đôi khi tôi cũng phản bội với chính tôi; tôi chỉ trung thành với hơi thở nhịp nhàng của tôi và của con người. Ở đời không có
tốt và không có
xấu không có
giả , chỉ có
chết và
sống mà thôi; thực ra thì chỉ có
sống bởi vì
chết chỉ là một hình thức triền miên của
sống và
sống và
chết chỉ là
một; sau cùng chỉ có
hơi thở là duy nhất, thiên thu, bất diệt, vĩnh cửu, tuyệt đối, trọn vẹn.
Hai ba chiếc lá rơi xuống, tôi đứng lại nhìn rồi lại tiếp tục bước đi. Mây trắng bàng bạc đầy trời. Chim én tung bay đầy trời. Mây trắng, chim én, lá rơi, ôi cuộc đời! Đà Lạt đẹp. Trần gian đẹp. Ôi cuộc đời!
Mặc dù trần gian này đầy đau khổ, nhưng trần gian này vẫn luôn luôn là một trần gian tươi đẹp. Nếu sự đau khổ không còn ở trần gian này thì trần gian không còn tươi đẹp nữa. Thế giới này phải được thoát thai trong sự đau khổ để làm trần gian này trở thành một toàn thể (une totalité). Trần gian này, cuộc đời này, sự sống này là một cái gì trọn vẹn mà chúng ta không bao giờ nhìn thấy đủ hết tầm vóc. Bất cứ một hệ thống triết lý nào, bất cứ một ý thức hệ nào, bất cứ một chính trị nào cũng thất bại. Con người muốn nhìn thấy rõ sự thật, sự trọn vẹn của cuộc đời, của trần gian, của con người mình thì phải đánh đổ phá hủy tất cả những gì hiện nay mình yêu quý hoặc mình ghét; con người ấy phải là con người chỉ sống trong hiện tại, không quá khứ, không tương lai, không truyền thống, không đất đứng, không một mái nhà để che đầu. Con người ấy tự lột cả áo quần, đứng trần truồng và nhìn sự trần truồng của trần gian, của cuộc đời. Con người ấy phải là một đám mây trắng lênh đênh trên trời, bềnh bồng trong sự sống không vô hạn, bay trên những ti tiện và cao siêu của nhân thế. Bay trên tất cả những chiều hướng xung khắc đối chọi nhau của cuộc đời. Đám mây trắng phiêu bạt ấy không thuộc về một bầu trời nào, không thuộc về một lũng đồi nào, không thuộc một giải đất nào, không thuộc về một đại dương nào; đám mây trắng ấy không thuộc về riêng một cái gì và đám mây trắng ấy thuộc về tất cả. Con người hãy ngước nhìn mây trắng, con người không cần phải thuộc về đâu cả, không cần phải thuộc một nhóm nào, một đảng phái nào, một tôn giáo nào hoặc một chủ nghĩa nào. Con người không cần phải nhập Đảng cộng sản hay đi theo tư bản mới có thể sống được. Con người không cần phải đi nhà thờ hoặc đi chùa mới thở được. Không cần phải đứng dưới một lá cờ nào mới có thể sống. Trái lại phải tránh tất cả những thứ ấy. Hơi thở là hơi thở; có những thứ ấy hay không hơi thở vẫn là hơi thở. Dù sao tôi vẫn tin rằng tất cả mọi sự đều được tạo ra để trần gian này được thở. Người ta sinh ra để thở. Người ta sinh ra để hạnh phúc. Bởi vì người ta không
muốn thở, không
muốn hạnh phúc cho nên người ta chết và không hạnh phúc. Tôi xin mãnh liệt rằng tôi đang sống và tôi
muốn sống. Tôi không đòi hỏi những kẻ khác phải tự hy sinh để thực hiện đức tin của tôi. Tôi không cần người khác phải trung thành, phải kính trọng tôi. Tôi chỉ ước rằng những kẻ khác cũng
muốn sống trọn vẹn như vậy. Tôi là một người có đức tin. Tôi tin nơi tôi. Tôi tin nơi con người
et ma foi est dans l’ homme. Tôi tin nơi quả tim của con người. Quả tim ấy ngừng, tôi sẽ không còn thở nữa, chỉ có thế thôi. Tôi ước mong thế giới này sẽ tiêu tan ra từng mảnh và nhân loại sẽ bị tiêu diệt hết đi để còn sót lại hai người thôi; hai người ấy sẽ sinh con đẻ cái, tạo ra những con người mới, những con người thực sự, yêu thương nhau, lắng nghe hơi thở nồng nàn và được kết hợp nhau bằng nhịp điệu du dương của con tim chớ không phải bằng giai cấp, tôn giáo, tổ quốc, nòi giống, nghề nghiệp, chính trị, nhân sinh quan hay ý thức hệ. Dù sao tôi vẫn tin rằng nhân loại vẫn không đến nỗi phải đáng chịu tiêu diệt như vậy bởi vì tôi vẫn tin nơi con người; nói như Anne Frank,
tôi vẫn tin nơi lòng tốt bẩm sinh của con người (omdat ik nog steeds aan de innerlijke goedhied van de mens geloof)
It is the heart of man that I am trying to imply in this work… Man has great dignity, do not imagine that he has not (W. Saroyan,
Seventy Thousand Assyrians). Tôi tôn thờ một tổ quốc: con người, nghĩa là trần gian và tất cả những người ở trần gian. Tổ quốc con người hiện nay đang đổ vỡ điêu đứng nhưng rồi đây tất cả mọi điêu đứng tan thương sẽ qua hết. Tôi phải giết con người tôi hiện nay để mà có thể sống lại giữa đất ngước loài người. Con người của tôi hiện nay là con người giả dối, hèn nhát, không dám trung thành với chính mình mà chỉ trung thành với những khuôn thước mẫu mực của người, không dám ăn, không dám nói, không dám đi đứng, di động và không dám thở. Tôi phải giết tôi để tìm lại tôi. Tôi chúc anh tìm lại anh.
Đường này là đường Phạm Phú Thứ? Nhiều cây lá lắm. Lá thông khô đưa ra một hương vị ngày xưa. Hoa đỏ từng chùm trong bụi cây xanh. Hai ba chiếc lá rơi xuống, tôi đứng lại nhìn rồi tiếp tục bước đi. Mây trắng bàng bạc đầy trời. Chim én tung bay đầy trời. Mây trắng, chim én, lá rơi, ôi cuộc đời! Đà Lạt đẹp. Trần gian đẹp. Ôi cuộc đời!
Cuộc đời lạ lùng biết bao. Mỗi cuộc đời là một sự mâu thuẫn, một chân lý mới, một phép lạ mới.
Every life is a contradiction, a new truth, a new miracle (W. Saroyan,
My self upon the earth). Tôi phải bỏ tất cả tư tưởng và lăn mình vào cuộc sống. Cuộc đời đầy mâu thuẫn. Đây không phải là bi kịch; chỉ bi kịch là khi người ta sợ mâu thuẫn, chân lý là sự bí mật, đầu tiên là Trời, tiếng Trời, ngoài tất cả mọi vật mà vượt lên trên, không có không gian và không thời gian, rồi hư vô, sự trống rỗng im lặng rộng hơn trí óc của con người, trừu tượng và đích xác và thực sự và mất mát, bản thể trong sự trống rỗng, rồi lại đích xác và với sức nặng và sự cứng cỏi và hình thể, hoả và chất lỏng và rồi đi bách bộ qua những vườn nho.
The truth was the secret, god first, the word, the word god, out of all things and beyond, spaceless and timeless, then the void, the silent emptiness, vaster than any mortal mind could conceive, abstract and precise and real and lost, the substance in the emptiness, again precise and with weight and solidity and form, fire and fluid, and then, walking through the vinegards. (W. Saroyan,
And man).
Thế giới của tôi sống hiện nay là một thế giới hoàn toàn phi lý, không luật lệ, đầy mâu thuẫn, con người hiện nay cảm thấy bơ vơ lạc lõng, mất gốc. Hư vô phủ đầy trời. Ngày xưa tôi thường chạy trốn như vô, tìm nguôi khuây trong sự giả dối tạm bợ, tìm lãng quên bằng trăm vạn lối. Tôi đã chạy trốn và tôi đã thất bại. Hôm nay, tôi đã biến thành con người mới. Tôi không trốn hư vô nữa. Tôi không than thở nữa. Tôi không tìm về mái nhà xưa nữa. Tôi không còn đau khổ vì mình phải bị mất gốc và mất đất đứng giữa cuộc đời. Tôi sung sướng bơi lội trong hư vô. Tôi hoàn toàn cảm thấy thoải mái trong hư vô và không cảm thấy hãi hùng nữa mà lại cảm thấy tuyệt diệu thanh thoát. Hư vô không phải là bi kịch; chỉ bi kịch là người ta không muốn bơi lội trong Hư vô, khi người ta buông xuôi để cho dòng nước Hư vô cuốn trôi đến chết, khi người ta không cố gắng nhô lên mà thở, khi người ta không chịu học bơi lội. Đây là chân lý. Chân lý thường giản dị như thế.
Muốn bơi được trong Hư vô mà không bị chìm, tôi phải làm những điều giản dị như sau: trước hết tôi phải cởi bỏ tất cả quần áo giầy dép nặng nề, tôi lột truồng ra để cho được nhẹ người; công việc này cũng khá khó khăn và hơi kỳ cục vì hiển nhiên người ta sẽ gọi tôi là một thằng điên. Nhưng có hề gì. Thà làm thằng điên để được sống hơn là làm thông thái thánh nhân để bị chìm mà chết. Trước hết tôi cởi bỏ
công ước ra ngoài thân thể tôi. Công ước (convention) là một bộ phần quần áo nặng nề nhất có thể làm tôi bơi lội không được;
công ước là kiến thức, ngôn ngữ, dấu hiệu, luật lệ, luân lý, đạo đức, nhãn hiệu, số đếm, vai trò, nghệ thuật, vân vân. Nói tóm lại, tất cả những quy ước do loài người đặt ra để tiện giao thiệp với nhau. Tôi gọi những thứ ấy là
công ước bởi vì đó là một sự ký kết đồng ý giữa xã hội này đối với xã hội khác. Tôi lột bỏ những thứ ấy bởi vì những thứ ấy đã thất bại trong việc giúp tôi làm nhẹ nhàng thân thể tôi trong giòng nước Hư vô. Tất cả những gì thuộc về
công ước để có thể nhìn được hình ảnh trọn vẹn của vũ trụ và của đời tôi; tôi không thể nào dùng những danh từ trừu tượng để diễn tả thực tại cụ thể. Dù muốn dù không, khi lớn lên, con người phải sống trong giả tạo, sống trong những lề lối công thức đã có sẵn. Khi tôi bắt đầu có trí khôn, tôi phải đi học và đi học có nghĩa là học cách chấp nhận những luật lệ công ước của xã hội; nếu tôi biết chấp nhận thâu thái những thứ đó thì tôi sẽ trở thành phần tử kiên cố của xã hội, một người công dân tốt và gương mẫu. Còn trái lại thì tôi sẽ trở thành một con người bị bỏ rơi, mất đất đứng, sống ngoài vòng xã hội, một
persona non grata. Khi ra đời sống với con người, tôi phải làm hoà với công ước và nếu tôi không thể làm hoà được thì sẽ có sự giao tranh mãnh liệt giữa công ước xã hội với lòng khát sống phong phú của tôi, khi sự giao tranh ấy trở nên quá phũ phàng, tôi rất dễ trở thành một người điên, một người tội lỗi, một kẻ giết người, một tu sĩ, một người tự tử hoặc một kẻ biết sống trọn vẹn với đời mình. Chỉ có hai đường như trên, một đường thông thường của thế nhân chứa nhiều thành công, hứa hẹn nhiều hạnh phúc và một đường bất thường của một số ít người chứa nhiều thất bại cay đắng, hứa hẹn đầy nguy hiểm giông tố. Tôi tha thiết muốn sống thực sự với tôi, tôi muốn giữ gìn bản ngã tôi,
but I have said that I want to preserve my identity (W. Saroyan,
My self upon…) bởi thế tôi xin chọn con đường thứ hai. Anh sẽ bảo rằng tôi cực đoan bởi vì người ta không thể nào sống được nếu ở đời không có công ước giả tạo như thế, dù muốn hay không khi lớn lên tự nhiên con người đã biết nói rồi, người ta không thể nào tự mình muốn câm được. Tôi cũng có nghĩ như anh, nhưng thực ra chính công ước tự nó không có gì xấu, chỉ có
thái độ của người ta hiện nay đối với những công ước ấy mới là nguy hiểm; người ta đã vô tình quên đi vai trò của những công ước ấy và tự đồng hoá sức sống mênh mang của mình với những ý niệm chết cứng, khô khan trừu tượng. Khi tôi nghĩ rằng phải lột bỏ tất cả thứ gì thuộc công thức không có nghĩa là tôi phải cởi tất cả quần áo ra, cởi bỏ kiến thức, giáo dục, ngôn ngữ, tư tưởng vân vân. Tôi có thể ăn mặc sang trọng, thắt cà vạt, quần áo chải chuốt, ăn nói trưởng giả, làm công công chức, ở nhà lầu, đi xe huê kỳ; nhưng mà tôi vẫn có thể tự hào là một người chống công ước mãnh liệt nhất, bởi vì chính những cái cà vạt kia, những chiếc xe huê kỳ kia, những nhà lầu kia thực sự chẳng có gì xấu cả, chỉ nguy hiểm là thái độ của tôi đối với những thứ ấy. Tôi xin lặp lại một sự thật đơn sơ; ở đời chẳng có gì là
xấu và chẳng có gì là
tốt; chỉ có lối nhìn của ta mới nguy hiểm thôi, ta
nghĩ rằng có
tốt, ta
nghĩ rằng nó
xấu, chỉ có thế thôi. Ta nên xem những thứ công ước ấy chỉ là phương tiện tiện lợi nhất và đừng để những thứ ấy dùng lại ta. “Con người trọn vẹn nhất ở trần gian này là những đứa hài nhi. Những đứa hài nhi chưa bị học nói bất cứ một ngôn ngữ nào mới là nòi giống duy nhất của trái đất này, nòi giống con người thực sự; tất cả những gì còn lại đều là giả dối, hư ngụy như văn minh, hờn ghét, sợ hãi, ham quyền lực, vân vân… khi lớn lên con người học tiếng và chữ của một ngôn ngữ và xem nhìn vũ trụ qua ngôn ngữ ấy”.
Babies who have not yet been taught to speak any language are the only race of earth, the race of man: all the rest is pretense, what we call civilization, hatred, fear, desire for strength… we grow up and we learn the words of a language and we see the universe through the language we know (Saroyan,
Seventy thousand assyrians). Tuy thế hiển nhiên là ta không thể nào là hài nhi mãi mãi ta phải lớn và cũng như ông cha của ta, ta phải chấp nhận những giả tạo công ước đã có sắn từ bao nghìn năm. Bi kịch không phải là chấp nhận những thứ ấy. Bi kịch là ta đã lãng quên vai trò giới hạn của những thứ ấy và đồng hoá
những–tên-để-gọi-sự-vật với sự vật.
Tôi nhìn mây trắng trên vòm trời xanh và tiếp tục bước đi trên vệ đường, đến gần thư viện Đà Lạt, tôi đứng lại và bước qua bãi cỏ bên kia, nhìn sang thung lũng và những ngọn đồi bé nhỏ. Mùa này cỏ xanh lạ lùng và thơm. Tôi không muốn nghĩ ngợi gì nữa, vì mỗi khi nghĩ thì người ta luôn luôn quên thở. Tôi sinh ra không phải để nghĩ. Tôi sinh ra để thở. Một cơn gió rào rạt vi vu thoảng qua người tôi. Mát lạnh. Vài tà áo màu bay xa xôi trong rừng thông bên kia. Một con chim non đậu. Và nhìn tôi. Tôi nhìn lại chan chứa rồi lại tiếp tục bước đi nhè nhẹ. Tôi nhìn thấy nét mặt của Thượng đế trong một đoá hoa capucine ở một bụi lá bên đường. Tôi tiếp tục đi chậm rãi. Bước đến nhà thờ Đà Lạt tôi đứng lại nhìn mấy cây thông rồi bước vào nhà thờ, quì xuống làm dấu thánh giá rồi thì thầm: “Xin Chúa và Đức Mẹ, không hiểu tại sao con không bao giờ chịu tin có Chúa và Đức Mẹ”. Nói nho nhỏ như thằng khờ, rồi tôi lại ngồi trên ghế và khoanh tay nhìn thánh giá ở đằng xa, rồi bỗng nhiên đôi mắt tôi hướng về những luồng nắng vàng từ ngoài đưa vào khung cửa kính của nhà thờ. Tôi sung sướng nhìn nắng vàng và quên cả Chúa. Thế rồi tôi bước ra nhà thờ, cảm thấy khoan khoái nhẹ nhàng hơn, tôi bước đi xuống đường bờ hồ. Một cơn gió thoảng bâng quơ. Hàng cây anh đào không hoa. Xuân đã xa rồi.
Tôi sống trong giây phút thiên thu bất diệt. Giờ đây tôi thấy tôi có thể làm bất cứ chuyện gì trên đời này. Tôi đang sống trọn vẹn với tôi. Tôi không còn đau khổ nữa. Tôi đã chấp nhận đau khổ “Không có sự đổ vỡ nào mà vô phương cứu chữa. Tất cả ý nghĩa cuộc đời đều nằm trong chữ đau khổ” (
Aucun désastre n’est irrémédiable. Tout le sens de la vie est contenu dans le mot souffrance.) (Henry Miller,
Assassinez l’ assassin). Chính sự đau khổ đã làm cuộc đời có ý nghĩa và sống. Tôi không còn than van oán trách nữa. Tôi cười. Tôi thường nghĩ đến sự đau đớn và sau cùng tôi chỉ biết cười.
I used to think about the pain and in the end all I could do was laugh (Saroyan). Sống là thiêng liêng. Đau khổ cũng thiêng liêng. Không có sự đau khổ, tôi không thể nào đi vào bên trong cuộc đời và không thể nào hiểu được những bí mật của đời người; không có sự đau khổ tôi sẽ nằm triền miên trong sự khô khan của cuộc đời tẻ nhạt. Sự đau khổ làm phong phú tâm hồn tôi. Biết đau khổ mà không than mới là chân lý của đời.
Savoir souffrir sans se plaindre. Tôi càng bị đau khổ nhiều chừng nào, tôi càng phải cảm tạ trời đất nhiều chừng ấy. Giữa cuộc đời tôi phải đứng bơ vơ với một trái tim rỉ máu. Tôi phải lặn hụp lầy lội trong sự đau khổ. Con người duy nhất thuộc về trần gian này là con người mà thượng đế không bao giờ giết được. Sự đau khổ chỉ giết những kẻ yếu đuối và những kẻ không đáng sống. Tôi đang trôi miên man trong đại dương của Hư vô. Tôi không sợ và không trốn sự đau khổ. Tôi không trốn Hư vô. Tôi thênh thang đi về những phương trời miên viễn để tìm xa lạ.
Il s’agit d’arriver l’inconnu par le dérèglement de tous les sens, les souffrances sont énormes mais il faut être fort (Arthur Rimbaud). Cuộc đời đẹp. Giây phút này thiên thu và tôi đang thở khoan khoái.
Le vierge, le vivace et le bel aujourd’hui.
Tôi yêu cuộc đời không phải chỉ vì cuộc đời đẹp. Tôi là một tình nhân say đắm. Tôi yêu cả những nét xấu xa nhất của cuộc đời. Những gì xấu xa ấy, đối với tôi vẫn duyên dáng và đẹp đẽ. Tôi biết rằng ngày mai tôi chết nhưng có hề gì, bởi vì cuộc đời tôi là vĩnh cửu thiên thu; cuộc đời tôi hơi thở tôi vẫn không bao giờ chấm dứt; mỗi một kinh nghiệm chỉ là sự thai nghén ra một kinh nghiệm khác. Ngay đến cái chết cũng thế.
Sau cùng đây là đạo sống:
Hãy cố gắng tập thở cho nồng nàn, khi ăn cho ra ăn, khi ngủ thì cho ra ngủ, hết sức cố gắng trọn vẹn và khi cười, cứ cười ầm lên, và khi giận cứ giận điên lên. Cố gắng sống. Chẳng bao lâu anh sẽ chết.
Try to learn to breathe deeply, really taste food when you eat, and when you sleep, really to sleep. Try as much as possible to be WHOLLY ALIVE , with all your might, and when you laugh, laugh like hell, and when you get angry, get good and angry. Try to be ALIVE. You will be dead soon enough. (William Saroyan)
Hai ba chiếc lá rơi xuống, tôi đứng lại nhìn rồi tiếp tục bước đi. Mây trắng bàng bạc đầy trời. Chim én tung bay. Mây trắng, chim én, lá rơi, ôi cuộc đời! Đà Lạt đẹp. Trần gian đẹp. Ôi cuộc đời! Gió lạnh thổi vi vu. Mưa bắt đầu rơi. Điệu Fantaisies impromptu của Chopin từ xa xưa đưa lại theo nhịp mưa trên đường vắng. Mưa trở nên nặng hột. Nước mưa càng ướt lạnh cả người tôi. Tôi mỉm cười sung sướng. Ngày trước mỗi lần đi đường bị mưa bất chợt, tôi thường vội vã chạy đi tìm chỗ trú mưa. Hôm nay, tôi không làm thế nữa. Tôi thản nhiên vui sướng đi dưới cơn mưa phũ phàng của cuộc đời.
Trên con đường hoang vắng, một bóng người bước lặng lẽ dưới mưa.
Viết thêm về Saroyan
Tôi bao giờ cho đến bây giờ, đối với tôi, Saroyan vẫn là một hiện tượng đáng yêu quý. Nhiều lần, tôi đã chán Saroyan, tôi thấy ông chỉ lặp đi lặp lại bao nhiêu chuyện, cũng như nhiều lần tôi nói tôi đã chán Krishnamurti, tôi thấy ông cũng chỉ lặp đi lặp lại có bao nhiêu lời, cũng như nhiều lần tôi đã chán Hermann Hesse, tôi cũng thấy Hesse chỉ lặp đi lặp lại có bao nhiêu chuyện, cũng như tôi đã chán D.T. Suzuki, tôi chỉ thấy D.T. Suzuki lặp đi lặp lại có bao nhiêu việc.
Nhưng tại sao tôi chưa chán kinh Phật, vì tất cả kinh điển Phật giáo cũng đều chỉ lặp đi lặp lại nói tới nói lui nói lên nói xuống nói ngang nói ngược nói thuận nói nghịch cũng trong mấy điều duy nhất? Ngày nào tôi đã chán hết mọi kinh Phật thì chắc chắn ngày đó tôi đã thành Phật! Tại sao tôi chưa muốn thành Phật mặc dù tôi có thể là Phật bất cứ lúc nào? Tại sao tôi triển hạn? Tại vì thành Phật không quan trọng bằng không thành Phật. Không chịu thành Phật, đó là khả năng tối thượng để thành Phật mà tôi muốn san sẻ với tất cả con người trên mặt đất.
*
Có một buổi chiều nổi cơn điên, tôi chạy hối hả tại thư viện của trường đại học Columbia ở Nữu Ước để mượn toàn thể tác phẩm của Saroyan để đọc lại, từ trường đại học Columbia, hai tay ôm hai chồng sách, tôi thả bộ lừ đừ trở về phòng tôi ở khu phố Riverside Drive gần con sông Hudson, gió thổi lạnh vì trời sắp đổ tuyết, tôi bước đi lểnh khểnh như chàng say rượu, mặc dù buổi chiều ấy, tôi không uống một giọt rượu nào cả. Cả thành phố New York đã ám sát tôi, một “thiên tài hạng nặng” từ Việt Nam gửi đến, tôi, một đứa con trai của một nước nghèo nhất thế giới, một nước ngang tàng nhất thế giới. Tôi cao có một thước sáu mươi phân, thế mà tôi có cảm tưởng hai chân của tôi đang đạp lên đầu của cái cao ốc cao nhất nước Mỹ, Empire State Building!
Tôi, một người con trai của một đất nước quê mùa thất học nhiều nhất ở thế giới, đã nắm trọn cả văn hoá Mỹ quốc trong mười ngón chân. Tôi thừa biết rõ rằng một ngày nào gần đây trong tương lai gần đây, nếu tôi còn sống, nhất định tôi sẽ chinh phục cai trị Mỹ quốc với năm ngón tay phải của tôi; tôi sẽ viết những quyển sách ký đi bằng chữ Anh và xô đẩy toàn thể Mỹ quốc vào trong hố thẳm!
Lòng tôi đầy căm thù, thù hận mặc dù tôi thừa biết rằng chỉ có trái tim nguyên vẹn của tôi
mới có sức chuyển hoá thế giới tan nát này thành một toà sen vĩ đại!
Tôi căm thù Mỹ quốc nhưng tôi sẵn sàng khoan dung tha thứ tội lỗi của Mỹ quốc: vì Mỹ quốc cũng tạo ra được những đứa con hoang đàng vĩ đại như Thoreau, Emerson, Whitman, Henry Miller, Faulkner, Wolfe, Robinson Jeffers, E.E. Cummings, Kenneth Patchen, Saroyan, Salinger, Tennessee Wiliams, Carson Mc Culler. Leswis Mumford, và ad infinitum!
Mấy ngày trước đó, tôi đã nhận thư mời của viện Giáo Dục Quốc tế ở New York, tức là Institute of International Education (I.I.E): viện này cử tôi làm đại diện sinh viên ngoại quốc để dự buổi tiếp tân do đại sứ Arthur Golberg khoản đãi; trong một thoáng căm hờn bốc đồng, tôi đã viết thư cho Viện Giáo Dục Quốc tế ấy rằng “tôi là thiên tài vĩ đại của nước Việt Nam gửi đến, tôi không tham dự buổi tiếp tân nào hết, tôi đã chán ngấy Mỹ quốc, vì thấy Mỹ quốc chỉ là trống rỗng, hoàn toàn trống rỗng. (utterly empty, awfully, dreadfully empty).
Có lẽ nhờ thiên thần hộ vệ, bức thư ấy được gửi đi rồi, thế mà tính mạng tôi vẫn an toàn.
Không ai ám sát tôi, vì chắc họ cho tôi là một thằng điên, điên, điên, điên.
Chỉ có những thằng điên mới cứu vớt thế giới này khỏi điên loạn.
Saroyan, buổi chiều hoang trống ở Nữu Ước dạo ấy, tôi đã đóng kín cửa phòng, đóng kín cửa sổ, bật đèn lên, cởi truồng ra, nằm soải người ra để đọc Saroyan và tôi khóc như đứa con nít.
Sức nóng của tình người đã thổi vào phòng tôi buổi chiều hoang vắng ấy. Tôi thương hết tất cả, tất cả. Tôi thương con gà, con bò, con cá, con chó, con kiến; tôi thương trái đất, trái cây, trái vú; tôi thương dân Mỹ, dân Nga, dân Tàu, dân Pháp, dân da đen, da đỏ, dân Tây, dân Thổ, dân nghèo, dân giàu.
Saroyan còn khổ, còn đau, còn bị chà đạp gấp trăm lần tôi; Saroyan nghèo đói, cô độc, điên gan, ngu dại, ngây thơ, lung tung, bất thường gấp trăm lần tôi. Saroyan viết văn thơ mộng gấp trăm lần tôi: Saroyan thông minh tế nhị, nhạy cảm gấp trăm lần tôi.
“Trong gang tấc lại gấp mười quan san.”
Câu thơ ấy của Nguyễn Du đã trở về ám ảnh tôi giữa một chiều thu lạnh giữa Nữu Ước.
Tại sao tôi phải căm thù bọn nổi loạn? Buổi chiều hôm ấy, trên các thành phố hoang vu ở Mỹ quốc, ít nhất cũng có hàng trăm triệu người cũng cô độc, cũng tàn tạ, cũng gẫy đổ tan nát như tôi. Họ cũng không biết phải làm gì cho đời họ, họ cũng bắt buộc phải sống, phải hiện lên một lần cô liêu ở trái đất buồn thảm này để rồi chết đi trong đôi mắt khép kín của kiếp người.
Cuộc đời cần tình yêu của tôi, trái tim trong sạch của tôi hơn là cần hận thù chua xót.
Hận thù quá dễ. Chán đời quá dễ. Yêu thương mới khó, yêu đời mới khó.
Hãy đứng dậy đạp mạnh hai chân xuống đất, đưa hai tay lên trời, khom xuống và vùng dậy và cười lên một tiếng cười ầm ầm như sấm sét. A ha! aha, aha, aha aha aha aha, tôi yêu đời, tôi yêu hết, yêu, yêu, thương, thương…
Aha aha aha aha aha aha…
Nữu Ước, ngày 8 tháng 10 năm 1965, William Saroyan thương mến.
Tôi, Phạm Công Thiện, có cha có mẹ, có tim có phổi, còn hai chân đi được, xin gửi đến anh một bức thư không gửi.
Tôi biết hiện giờ phút này anh đang yêu đời và anh đang nói chuyện với tôi, mặc dù anh không biết tôi là ai và anh cũng không thấy mặt mày tôi lần nào cả.
Tôi sướng hơn anh, vì tôi đã nhìn thấy mặt mày anh cả trăm lần, thấy hình anh đăng trong báo, đằng sau bìa sách: tôi biết mọi sự rất rõ về anh, về đời anh, về những ý tưởng trong đầu anh, về vợ con anh, về cha mẹ, ông nội ông ngoại của anh, về tuổi thơ tuổi trẻ của anh, về quê hương bạn bè của anh, tôi biết rõ rằng anh uống mấy tách cà phê mỗi ngày, anh ăn ngủ làm sao, anh đi chơi gái thế nào, thánh thiện thế nào, dâm đãng thế nào, vui buồn thế nào.
Còn anh thì anh chẳng biết gì về tôi cả, thế là có nghĩa anh đã biết hết về tôi rồi đó:
anh biết rõ tôi hơn là tôi biết anh, anh biết rõ tôi hơn cha mẹ anh em tôi,hơn cả bạn bè gọi là “thân thiết” của tôi, anh biết rõ tôi hơn cả chính tôi tự biết tôi, nhưng điều huyền diệu lạ lùng là anh không gặp tôi lần nào cả, anh cũng chẳng biết tên tôi là gì cả, nhưng giờ phút này tôi biết rằng đang có hai dòng sóng điện kỳ dị đang xẹt xẹt trong không khí, một dòng đỏ và một dòng vàng, làn sóng điện của tôi có màu vàng đang xẹt xẹt với dòng sóng điện màu đỏ của anh. Tôi với anh đang nói chuyện nhau trong không khí xẹt lửa.
Tôi biết rằng anh không còn sống được bao năm nữa, nhiều nhất là hai chục năm hay ba chục năm nữa; lúc chết anh hãy đầu thai làm thằng con trai của tôi và tôi sẽ dạy anh (con trai của tôi) đọc lại tất cả những chuyện anh viết lúc anh đầu thai ở Mỹ quốc. Lúc ấy, tôi sẽ nói với anh như vầy:
“Này con, kiếp trước con đã viết những chuyện lạ lùng như thế, chỉ có tuổi thơ mới hiểu con nói gì, còn người lớn thì họ cho con điên và sống như đứa con nít; kiếp này, cha sẽ dạy con làm người lớn vì người lớn cũng thơ mộng như con nít; kiếp này, con phải sống như người lớn, lấy vợ, sinh con để cái và làm việc đứng đắn để nuôi sống con của con cho đàng hoàng, rồi cha sẽ chết và sẽ đầu thai làm con trai của con và lúc ấy con phải dạy cha (tức con trai của con và cháu của cha), con phải dạy cha cho ra hồn, phải sống như con nít, phải biết ăn ở dơ dáy, đánh lộn, trèo cây, kéo đuôi con chó; kiếp trước, cha đã lỡ làm cha của con và cha đã bỏ mất tuổi thơ của cha, cha đã sống như ông già lúc mới 9 – 10 tuổi thôi, kiếp này, con phải dạy cha sống lại cho đàng hoàng, con đừng bắt cha đi học, đừng bắt cha phải ăn nói lễ độ khả kính, cực cha lắm con ơi! Nhưng riêng đối với con, cha khuyên con hãy làm người lớn cho ra hồn, rồi bỏ quách hết mọi sự, lủi mất vào đồi non núi lá nào đó, ngồi tham thiền nhập định, thỉnh thoảng nhớ đọc Tâm Kinh
để cứu vớt mấy trăm ngàn ức tỷ con ma đang khổ bơ vơ đang chờ con tế độ… Mỗi khi con giận, thù ghét bất cứ người nào thì con phải nhớ rằng kẻ ấy vừa là người
ma cũng vừa là ma-sẽ-thành,
bất cứ người nào cũng sẽ là con ma trong tương lai, vậy thì con hãy đọc Tâm Kinh
và hô lớn đại thần chú
để giúp đỡ họ sang sông. Kiếp trước, con là một đạo sĩ ở Tây Tạng, nhưng vì con đã tỏ ra khinh khỉnh với hạng văn nghệ sĩ, cho nên kiếp vừa qua con đã đầu thai làm Saroyan và con phải viết văn lung tung, nhưng kiếp này, con đã làm con của cha thì con phải trở lại con đường đạo sĩ của con, mỗi ngày, cứ ngồi tham thiền nhập định và khi nào buồn lắm thì hãy phóng làm điện đỏ lên mây và cha sẽ rẩy lên làm sóng điện vàng để ca cười múa hát với con…”
“Thôi, cha cũng đã nói nhiều với con rồi, cha đã xúc phạm đến cõi vô hình, bây giờ cha tập im lặng, không khéo thì cha lại bị đầu thai làm cháu, làm chắt của đứa con của con nữa thì tội cha lắm.”
Anh Saroyan thân mến,
Nằm dài trên giường nệm trắng toát, tôi nghe tiếng xe điện subway chạy rầm rộ lên tiềm thức.
Nếu anh đã bắt được làn sóng điện của tôi thì sẽ hẹn gặp lại anh vào kiếp sau.
Chào thân mến.
Phạm Công Thiện
(Chép lại từ
Nhật ký không ghi chép xong ngày 1-8-1970)