© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
20.11.2006
Phạm Công Thiện
Ý thức mới trong văn nghệ và triết học
(Luận về ý thức mới sau mười năm lang bạt)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20 
 
Chương tư

Ý thức khắc khoải - Tưởng niệm Jean – René Huguenin hay là niềm bơ vơ của thanh niên thời đại

Một con ong chết
(J. R. Huguenin, La Côte Sauvage, trang 67)

Một con ong chết.

Nắng xế qua triền cửa sổ.

Mùa hè đổi hướng.

Cummings chết: tôi không buồn. Hemingway, Blaise Cendrars, Hermann Hesse, Faulkner chết, tôi không buồn. Một con ong chết: tôi buồn lắm.

Jean-René Huguenin vừa mới chết: tôi buồn lắm. Anh mới hai mươi sáu tuổi và chỉ xuất bản một tác phẩm; quyển La Côte Sauvage là quyển tiểu thuyết duy nhất của anh. Anh viết tiểu thuyết quá buồn. Nắng chiều. Đêm. Đêm tối. Raymond Radiguet. Chatterton. Anne Frank, Lenau, James Dean.
M. Monroe vừa mới chết.

Jean-René Huguenin vừa mới chết.

“Tôi không biết. Anh đã tìm thấy gì?”

“Một con ong chết”.

Je ne sais pas. Qu‘est-ce que vous avez trouvé?”

“Une abeille morte.”

Jean-René Huguenin đã viết hai câu trên trong quyển La Côte Sauvage (trang 67).

Pierre, nhân vật trong quyển ấy, là một chàng trai trẻ rất buồn, một người cô độc, một kẻ ích kỷ không tự thương mình L‘égoiste qui ne s‘aime pas (tr. 70). Pierre yêu người em gái của một người bạn thân chàng…

Một hôm. Pierre bỗng tìm thấy một con ong chết trên triền cửa sổ. Et ce fut l’autre versant de l’été, le jour où Pierre découvrit, sur le rebord de sa fenêtre, une abeille morte (tr. 65). Lòng người luân lưu thay đổi như những cây dương xỉ vàng xẫm, như hoa bát tiên chóng tàn, như những ngày xế bóng hoa đưa, như những con ong khô chết: Alors l‘évidence éclatait; les fougères brunissaient, les hortensias se fanaient, les jours déclinaient plus vite, les abeilles mouraient- c’était l’autre versant de l‘été (tr. 65).

Ừ, hỏi làm gì? Đời là ngộ nhận triền miên. Người làm gì biết được. Mỗi người là một vạn lý trường thành, chắn lại hết giao thông. Người làm gì hiểu được ta. Ngộ nhận là chân lý: chắc người không hiểu tôi đã tìm thấy gì trên triền cửa sổ vào buổi sáng ngay?

Vous ne savez pas ce que j‘ai trouvé ce matin sur le rebord de ma fenêtre? (tr. 66)


*


Báo Pháp đăng tin rằng Jean-René Huguenin đụng xe chết. James Dean, Albert Camus.

Tôi giở lại quyển La Côte Sauvage và tình cờ gặp lại một đoạn văn như sau:

On ne meurt pas d‘ennui

Non, pas d’ennui. De rien… Je mourrais comme ça, de rien (tr. 86).

Jean-René Huguenin sinh ngày 1 tháng 3 năm 1936 tại Paris, bắt đầu viết văn hồi còn rất nhỏ, viết báo vào năm 18 tuổi, xuất bản quyển La Côte Sauvage vào năm 1960.


*


Nhân vật chính của La Côte Sauvage là Olivier. Chàng đi quân dịch vài năm rồi được giải ngũ trở về sống lại với gia đình.

Gia đình chàng chỉ gồm có mẹ, chị và em gái. Quê hương chàng buồn lắm. Biển, Gió, Đá cuội. Sương mù. Olivier rất yêu em gái, nhưng không thích chị. Sau hai năm nhập ngũ, lúc trở về lại đời sống bình thường, Olivier thay đổi. Chàng cảm thấy cô đơn dị thường (tr. 29, 43, 57 v. v…) Đứa em gái chàng tên là Anne, chàng thương Anne ngay từ thuở bé thơ. Bây giờ chàng được tin em sắp lấy chồng; chồng Anne là bạn thân của chàng tên là Pierre. Pierre và Anne đầm ấm xoắn xít nhau. Olivier cô đơn. Olivier định ngăn cản đám cưới. Những thoáng nhìn, những câu hỏi xa xôi, những cử chỉ thông thường của Olivier đã khiến Pierre buồn nhiều. Pierre chán nản. Một dạo, Olivier cũng khiến Anne chán Pierre. Olivier vẫn muốn Anne sống mãi bên cạnh chàng. Tại sao thế? Thực khó trả lời. Sau cùng, Pierre và Anne vẫn lấy nhau. Họ dẫn nhau đi Paris và Tây Ban Nha. Chỉ còn Olivier ở lại sống cô đơn.

Quyển La Côte Sauvage đưa tôi vào nỗi cô đơn mênh mông của Olivier, của Pierre.

Lối văn của Huguenin rất ngắn và giản dị. Tôi đã đọc quyển La Côte Sauvage đến hai lần. Thế mà tôi không thể viết nhiều về quyển này vì La Côte Sauvage là một quyển để đọc và cảm và im lặng. Chúng ta đã tìm được sao mai rồi?



Chương năm

Ý thức hư vô – Ernest Hemingway và độc thoại nội tâm: Từ chết sang sống

Tặng Hoàng Vĩnh Lộc

Hemingway qua đời. Phạm Công Thiện muốn trình bày với bạn đọc cuộc đời kỳ dị của nhà văn hào Mỹ chiếm giải Nobel năm 1954. Thấm nhuần tư tưởng của Hemingway được như Phạm Công Thiện kể đã là hiếm có. Tìm được cách biểu diễn tư tưởng và thân thế của nhà văn hào trong mấy trang giấy như Phạm Công Thiện kể là có một. Dưới hình thức độc thoại nội tâm, Phạm Công Thiện đã thu tóm cả cuộc đời nhà văn hào trong một đêm thao thức, không ngủ, từ canh khuya cho tới bừng sáng,sau tiếng súng nổ ở Ketchum. Người thanh niên Việt bồng bột và ham sống ấy đã nói lên gần hết cái tâm trạng nung nấu của Hemingway bị đặt trước Hư Vô. Hư Vô thật kinh khủng từ thuở còn măng non cho đến tuổi 63, Hư Vô đuổi Hemingway như bóng theo hình, không để cho Hemingway được một phút an nghỉ. Hư vô đục khoét Hemingway như một ung thư ăn mòn, ăn ruỗng tâm hồn của mình cho đến lúc chết. Phải chăng Hemingway, một kẻ có khí thế cao ngạo, không che giấu nổi nông nỗi lo âu ray rứt khôn tả, đã tự kết liễu cuộc đời để chứng tỏ mình có thể bị “diệt” chứ không “chịu thua”? – Chúng tôi khôngtin như vậy. Thiên tài nào trong thế gian mà không bị một ám ảnh theo rõi mình cho đến khi tắt thở? Chính ám ảnh ấy đã tạo nên thiên tài. Cái bi kịch của Hemingway là cái bi kịch lạ lùng của một thiên tài, của một thiên thần bị trích giáng mất quê hương mà xao xuyến muốn về với quê hương. Và dường như hoá công chỉ dành cho một số rất ít có đủ năng lực mà chịu đựng treo gương muôn thuở. Cái ám ảnh Hư Vô khốc liệt có phần nào giống với cái ám ảnh Hư Vô siêu tuyệt của Chúa Ki Tô trong vườn Gethsémani khi Ngài toát mồ hôi máu mà xua tay trước chén đắng Đức Chúa Cha trao cho và bảo phải uống cho tới hết cặn. Và khi bị chết treo trên cây thánh giá, Hư Vô vẫn theo đuổi Ngài. Ngài là đấng bằng hữu trong Đức Chúa Cha, đời đời đối diện cùng Đức Chúa Cha mà phải thốt lên lời này trong cơn hấp hối: Eli, Eli, lamma sabacthani. Lạy Cha, Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con một mình? Ôi Hư Vô ghê rợn chừng nào, thử thách căm go biết bao!

Nhưng, sau thử thách là chiến thắng, sau thất bại là khải hoàn, sau tối tăm là ánh sáng, sau tranh đấu là nghỉ ngơi, sau cực hình là an hưởng.

Khổ nạn của Hemingway có phản ảnh phần nào khổ nạn của Đấng Cứu Thế chăng?

Hoàng Minh Tuynh (Trích từ tạp chí Mai, số 28. 1961)


*


RƯỢU. Mấy con sư tử ở bãi biển. Sylvia Beach. Tại sao lại trước Shakespeare and Company. Boulevard des Capucines, boulevard Raspail. La rue de l’Odéon. You are all a lost generation… Papa, Sun Valley. Tutti Mi Chiamano Bionda. Em có một quà tặng cho anh. Mary hát hay quá.Tutti Mi Chiamano Bionda.Tutti…Tutti... Mary Welsh. London. Pauline Pfeiffer. Hadley Richardson. Thôi. Hãy nhắm hai con mắt lại. Ngủ, ngủ… Hadley Richardson. Oak Park, Chicago, Nick Adams và Ernest Hemingway. Hai và một. Một và hai. Thôi. Lộn xộn, Lôi thôi. Khuya rồi. Hai giờ? Khuya. Ngủ, ngủ, ngủ… 19 ngày nữa là sinh nhật. Sinh nhật lần thứ sáu mươi ba. 63. 64. 65. 66. 70. 71. 80. 89. 90… Sinh nhật lần thứ sáu mươi ba. Nhắm mắt đi, rồi ngủ, rồi ngủ, Mister Papa. Ừ, ba lúc chết mấy tuổi? Tại sao lại chết? Chết có khó không, hở ba? – Không, cũng hơi dễ, còn tùy (“Indian Camp”). Phải rồi, hồi ở Michigan, ba có dẫn mình đi đến một làng mọi da đỏ. Ba đỡ đẻ cho một người đàn bà da đỏ. Mụ này đẻ khó quá. Mụ hét như con heo bị thọc tiết. Chồng của mụ nằm trên giường trên, chịu không nổi, lấy dao cạo râu tự cắt cổ. Ba rất tiếc đã lỡ đem con đến đây… Ba đã vô tình đem con đến chỗ nhơ nhuốc. Ba buồn rầu nói thế với mình. Có phải mấy người đàn bà luôn luôn phải đẻ khó khăn như thế này không ba? Không, đôi khi thôi. Vậy chứ tại sao chồng của mụ lại tự tử, hở ba? Tao không biết, mầy ạ, mầy hỏi lẩn thẩn rắc rối, có lẽ chồng của mụ chịu không nổi. Có nhiều người tự tử không hả ba? (Indian Camp). Mình không hiểu tại sao hồi đó mình còn nhỏ như thế mà hỏi ba lung tung vậy?

Tại sao hồi đó ba trả lời lôi thôi vậy? Sau này, mình đã viết một truyện ngắn tên là “Indian Camp” (Làng Mọi) in trong quyển In Our Time. Ừ, trong quyển In Our Time (Thời đại chúng ta) có truyện Indian Camp. Ừ, trong quyển Indian Camp có cái gì mà ít đứa phê bình nào hiểu nổi. Toàn bọn ba hoa rườm rà… Tại sao? Tại sao hình ảnh của người chồng cắt cổ kia lại ám ảnh tuổi thơ mình? Hình ảnh bi đát kia có ảnh hưởng gì đến tâm tưởng của mình? Sau này đôi mắt mình có bơ phờ trước cuộc đời phải chăng hình ảnh kia có đôi phần trách nhiệm? Ừ, In Our Time. Xin Thượng đế ban thanh bình cho thời đại chúng con. Give peace in our time, O Lord … Thượng đế? Có một Thượng đế? You do not love Him at all? I’m afraid of him in the night sometimes. Đôi khi ban đêm mình sợ Thượng đế (A Farewell to Arms, trang 54). Thượng đế? Thôi khuya lắm. Đừng nghĩ nữa. Ngủ. Ngủ đi. Ngủ. Ngủ…. Tại sao lại ngủ không được? Peace. Serenity. Peace. Separate peace. Thanh bình riêng biệt… Big Two-Hearted River. Con sông hai lòng… Mình cảm thấy hạnh phúc. Mình cảm thấy rằng mình đã bỏ tất cả ở đằng sau, không cần suy nghĩ mông lung, không cần viết và không cần gì cả. Tất cả đều xa xôi, đã xa xôi rồi… (“Big Two – Hearted River”). Xa xôi hay gần gũi? Hạnh phúc hay không hạnh phúc? Nguỵ biện? Liệu mình có trốn thoát được hay không? Có thoát được chăng? Thanh bình riêng biệt? Không được. Đi nơi nào hay chốn nào, dù suối, dù núi hay dù con sông ba lòng hay bốn lòng, mình cũng khó lòng không cảm thấy có bóng hình của một cái gì bi đát đang ẩn hiện đâu đây? cái đó là cái gì? Nada. Nada y pues nada y nada y pues nada… (“A clean, well-lighted place”) Tất cả con sông đều chảy về biển… All the rivers run into the sea; Yet the sea is not full; and the place from whence the rivers come, thither they return again (“Ecclesiastes”). Các anh đều thuộc thế hệ mất gốc. You are all a lost generation (Gertrude Stein) Mặt trời vẫn mọc, mặt trời lặn… The sun also ariseth, and the sun goeth down…

Chiến tranh bùng nổ, gây bao nhiêu điêu đứng tang thương và Thượng đế không còn sống trong lòng mình. Không cần lý luận lôi thôi, mình hiểu ngay rằng bóng hình Thượng đế đã mất rồi. Và Nada và Nothingness và Néant đang ám đầy mặt mình. Tất cả những điều mình muốn biết là biết sống thế nào (The sun also rises) Sống thế nào mà có thể quên Néant đi? Mình theo Lady Brett Ashley, Mike Campbell, Cohn, Jake Barnes, Romero để lê thê nghiêng ngửa từ những hè phố Montparnasse đến Pamplona, mình cùng chung rượu trà be bét, ăn chơi đàng điếm ngày này đến ngày nọ, rồi đi xem đấu bò, rồi đánh lộn và đi câu cá. Mình làm những hành động này để trừ con tà Néant, song rồi cũng chẳng đi đến đâu. Trừ nó được ít lâu thì nó lại trở về như cũ và có phần mãnh liệt hơn. Bởi thế mình mới vội vã chạy theo Frederic Henry và Catherine Barkley để tìm sự giải thoát cá nhân hay tìm an bình riêng biệt. Nghĩa là anh em yêu nhau tha thiết giữa bờ tuyết trắng thơ mộng của đất Thụy sĩ hiền lành. Song Néant vẫn chạy theo, và em Catherine Barkley yêu dấu đã chết dưới con mưa tầm tã. Néant đã lừa đôi ta và đã phỉnh gạt đôi ta một cách dơ nhớt. It’s just a dirty trick (A Farewell to Arms, trang 248). Đi tìm giải thoát cá nhân không được, ừ, thì mình đi tìm giải thoát tập thể, mình trở lại với xã hội loài người, tìm một lẽ phải để bênh vực và bảo vệ, phát huy tự do của con người, hoà mình sống theo nhân phẩm con người, You believe in Liberty, Equality and Fraternity. You believe in Life, Liberty and the Purssuit of Happiness. Anh tin tưởng vào Tự do, Bình đẳng và Bác ái. Anh tin tưởng vào cuộc đời, Tự do, và sự theo đuổi hạnh phúc (For whom the Bell tolls, trang 305). Mình và Robert Jordan tìm cường độ mãnh liệt trong giây phút, trong tình yêu. Mình và Robert Jordan trốn Néant trong Hiện tại, Maintenant, Ahora, Now, Heute… Hiện tại thực là mãnh liệt vô cùng. Mình và Robert Jordan tìm Thiên Thu trong giây phút, tìm sự Sống trong sự chết, tìm Thành công trong thất bại... Any mans death diminishes me, because I am involved in Mankinde; and therefore never send to know for whom the belt tolls; it tolls for thee (John Donne), sự chết của bất cứ người nào đều giảm bớt tôi đi; bởi vì tôi là một phần của nhân loại; Đừng hỏi rằng chuông đó báo ai chết, chuông ấy báo anh chết.

Gà rừng gáy… có lẽ ba giờ khuya. Duổi mình ra, thôi ngủ nhé… Đồng hồ nhịp tí tắc. Mắt tôi vẫn mở thao láo. Trần nhà đen tối. Mary đang ngủ mê và mớ ấm ức.

Lạy Hư vô, chúng tôi ở trên hư vô, chúng tôi nguyện danh hư vô vang dậy; nước hư vô trị tôi xin vâng ý hư vô dưới hư vô bằng trên hư vô vậy. Xin hư vô cho chúng tôi rày hằng ngày dùng hư vô đủ và hư vô chúng tôi như chúng đã hư vô kẻ có hư vô với chúng tôi. Lại chớ để hư vô chúng tôi sa chước hư vô và chữa chúng tôi cho khỏi hư vô; Pues Nada.

Our nada who art in nada, nada be thy name thy kingdom nada thy will be nada as it is in nada. Give us this nada our daily nada and nada us our nada as we nada our nadas and nada us not into nada but deliver us from nada; pues nada (“A clean, well-lighted place”).

Néant lủa bủa chập chùng tứ phía. Cộng đồng nhân loại, Bình đẳng, Tự do, Dân chủ, vân vân, để mà làm chi? Tất cả rồi sẽ chẳng đi về đâu cả, mình muốn tạo niềm tin nào đó trong bao niềm tin đã mất. Có niềm tin mãnh liệt nào có lý do tồn tại khi đứng trước hư vô thăm thẳm? Và mỗi khi Néant thoáng hiện chập chờn, chỉ có một mình ta, một thân ta là đương đầu với nó; lúc bấy giờ không ai còn có thể giúp mình được. Những danh từ rỗng kia (Tự do, Danh dự, Xã hội, vân vân) không còn nghĩa lý gì nữa. Con người hoàn toàn cô độc.

Chính mình giúp mình, Không người hay không Thượng đế nào giúp mình cả. He looked across the sea and knew how alone he was now. Mình nhìn qua biển và biết rằng mình hiện cô độc biết bao (The old Man and the sea, trang 58). Mình tin rằng đời là một tấn bi kịch và mình biết rằng rồi đây cuộc đời cũng chỉ chấm dứt có một lối mà thôi. Từ trước tới bây giờ mình chỉ đi tìm đủ lối để chạy trốn hư vô, tuy nhiên chạy trốn chừng nào hư vô lại đeo miết chừng ấy, Từ Big Two Hearted River đến The Sun also rises đến A Farewell to Arms, Death in the Afternoon, To have and have not For whom The Bell tolls, tất cả mọi đường lối rút cục chỉ đưa cho mình trốn được hư vô một thời gian ngắn nào đó mà thôi. Rồi thì những con đường ấy lại đưa mình trở về hư vô mờ tối. Kính Mừng hư vô đầy hư vô, đức hư vô ở cùng ngườ. Hail nothing full of nothing, nothing is with thee (“A clean, well-lighted place”).

Không còn cách nào, ngỏ nào để trốn hư vô, mình đánh trở lại mình, lấy sự cô độc chính mình để đương đầu với hư vô. Mình không tìm cách lãng quên hay bỏ chạy như trước; mình chiến đấu lại với hư vô. Chính sự nỗ lực của mình đương đầu cầm cự với nada. BIẾT chỉ là tự HIỂU mình bị tiêu diệt cuộc đời chỉ là một bãi chiến trường mà chúng ta luôn luôn bị chiến bại. Đương đầu với hư vô, mình sẽ bị thua cuộc. Mình chắc chắn như thế mình tự ý thức mình rằng không bao giờ chinh phục được Nada. Nhưng không hề gì? Mình cứ chiến đấu hùng dũng. Hiển nhiên là mình thua, nhưng việc đáng kể là mình tự mình cư xử thế nào cho ra hồn trong khi mình sẽ bị tiêu diệt. Nghĩa là khi bị tiêu diệt mà đôi mắt mình vẫn trừng, đầu mình vẫn nhìn thẳng và ôm bầu nhiệt huyết nồng nàn trong trái tim hừng hực? Mình và Santiago phải hết sức cầm cự với những con cá mập (hình ảnh của Hư vô), rút cục mình chỉ giữ được bộ xương của con kiếm ngư khi mình trở về bến cũ. Mình đã hành động nên người. Và khi về nhà, nằm dài xuống ngủ, mình nằm ngáy khì khò thoải mái và mộng thấy một bầy sư tử hiên ngang. The old man was dreaming about the lions (The old man and the sea, trang 127). Thế là mình đã thắng trong sự thua. Con người không nên bao giờ chịu thua. Một người có thể bị tiêu diệt nhưng không bao giờ chịu thua. But man is not made for defeat. A man can be destroyed but not defeated (The old man and the sea, trang 103). Mấy giờ rồi? Mary Welsh còn ngủ say quá. Tutti Mi Chiamano Bionda. Everybody Tells me I’m Blonde… Mười chín ngày nữa là mình được sáu mươi ba tuổi. Trẻ. Già. Rồi chết. Chết là gì? Sống? Từ Oak Park đến Idaho. Rồi chết. Mấy con sư tử ở bãi biển Phi Châu. Một trăm con sư tử. Một nghìn con sư tử. Hai nghìn con sư tử. Một triệu con sư tử. Hai triệu con sư tử. Một con sư tử. Một con sư tử già rồi sẽ chết. Tại sao hồi chiều lên giường, mình không ngủ luôn tới sáng. Tại sao nửa đêm lại thức dậy như thế này? Để cho đêm tối bên kia bờ lảng vảng nơi đây? Mình là ngọn đèn bé nhỏ nằm ẩn trong bốn bức tường yếu đuối để trốn giông bão của phân tán và điên cuồng, mình leo lét và đôi khi gần như sắp tắt. Phải không Erich Maria Remarque? Phải không một bầy sư tử lố nhố đằng kia? We are little flames poorly sheltered by frail walls against the storm of dissolution and madness, in which we flicker and sometimes almost go out (All quiet on the western Front, trang 164).

Mấy con chim nào luýt chuýt ngoài kia. Ngày xưa còn nhỏ mình chọc nhái tiếng chim kêu trên vòm cây. Ngày xưa, Ngày xưa. Ngày nay. Maintenant. Ahora. Now. Heute. Rút cục mình (hay Santiago) đã già rồi mà cũng không hơn mình thuở còn con nít (hay Manolin). Không chừng con thua nhiều; ừ con chim gì luýt chuýt ngoài kia? Thôi, nhắm lại đừng nghĩ lôi thôi. Có gì là không lôi thôi? Néant không lôi thôi. Néant lôi thôi? Mình không biết. Mình không biết tại sao mình không vui. Làm thằng ngu, biết hà tiện, biết mê tiền, mê danh vọng, mê hào nhoáng, chấp nhận những cái tầm thường nhất của cuộc đời. Như thế chắc mình sung sướng? Mình không biết ý thức thì mình sung sướng. Làm thằng ngu là sung sướng, Ừ, mà sung sướng đấy. Hoan hô những thằng ngu, hoan hô những thằng mê tiền, những thằng mê làm quan, những thằng mê công thức, những thằng trí thức năm xu. Con xin hoan hô các ngài. Con muốn làm thằng ngu như các ngài. Chúng con không mỉa mai đâu, không phải bác Henry Miller? I told them that i was an ignoramus (The colossus of Maroussi, trang 135). Ernest Hemingway là thằng ngu.

Đừng biết gì hết có được không. Mấy mươi năm trời, mình đã đi tìm vô hạn trong hữu hạn, hy vọng trong thất vọng, thứ tự trong hỗn độn, chiến thắng trong thất bại, lẽ sống trong sự chết, đơn giản trong phức tạp, tài hoa trong vụng về, rõ ràng trong mập mờ… Và mình đã đi tìm hữu hạn trong vô hạn, thất vọng trong hy vọng, hỗn độn trong thứ tự, thất bại trong chiến thắng, sự chết trong lặng lẽ, phức tạp trong đơn giản, vụng về trong tài hoa, mập mờ trong rõ ràng… Để rồi giờ đây, nằm dài trong phòng ngủ của gian nhà này (ở Ketchum Idaho), nằm dài trên giường, đôi mắt mình mở rộng trừng trừng nhìn trần nhà, trừng trừng nhìn vào đêm tối và mình thấy rằng mình đã tìm được hết, nhưng thực ra mình không tìm được gì cả. Con người không nên bao giờ chịu thua. Một người có thể bị tiêu diệt nhưng không bao giờ chịu thua. But man is not made for defeat. A man can be destroyed but not defeat. Mais l’homme ne doit jamais s‘avouer vaincu. L’homme n’est pas fait pour la défaite. Un homme, ça peut être détruit, mais pas vaincu.

Ừ, thắng, không chịu thua. Thắng trong khi thua. Chiến thắng trong thất bại. Ừ, có thể bị diệt chứ không bị thua. Nghĩa là thắng. Nghĩa là mình là một kẻ thắng. Ừ, mà thắng để làm gì. Để được gì?

Không được gì cả. Winner take nothing Ừ, mà chàng Graham Greene muốn nói gì đây mà là Loser takes all? Tất cả đây là không gì cả. All có nghĩa là Nothing. Không. Nothing có nghĩa là all. Không. Không có nghĩa gì cả. Không gì cả. Winner take nothing. Không gì cả. Không gì cả. Nothing – Nichts – Rien – Nada. Lạy Nada chúng tôi ở trên Nada, chúng tôi nguyện danh Nada vang dậy, nước Nada trị tới, vâng ý Nada dưới Nada bằng Nada vậy Kính mừng Nada đầy Nada, đức Nada ở cùng người… Some lived in it and never felt in but he knew it all was nada y pues nada y nada y pues nada. Our Nada who is in nada, nada be thy name thy kingdom nada thy will be nada in nada as it is in nada…

Gà rừng gáy. Vài ba con chim non luýt chuýt, luýt chuýt trên cây.

Phải chăng mình chỉ là kẻ bị đày. Trần gian này là chốn tù đày. Mình biết mang máng mình là kẻ bị đầy. Và ta là kẻ bị đầy mang bệnh mất trí nhớ. Bởi thế, mình không biết vì sao mình bị đày và mình không nhớ quê hương mình ở phương nào? Có những lúc nhớ quê hương quá, mình muốn trốn bỏ nơi chốn tù đày này mà đi trở về. Nhưng trở về đâu? Khi mình không còn trí nhớ thì biết phương nào mà về?

Hết hạn tù đày thì mình đi về đâu? Ôi quê hương thân yêu. Con người là con người ý thức được rằng mình mất quê hương. Mình đã tìm nguôi khuây trong men rượu nồng nhất, trong trụy lạc điên cuồng nhất, trong tình yêu, trong tất cả mọi lạc thú mạnh nhất của đời. Mình đã tìm nguôi khuây trong tất cả mọi sự trên đời này. Mình đã làm thánh, mình đã làm quỉ, mình đã làm kẻ thông thái, mình đã làm kẻ ngu đần. Thế mà không có gì làm mình quên được rằng mình là kẻ mất quê hương. Ngày mãn hạn tù đày là ngày vui nhất đời mình. Ừ, mà cũng là ngày buồn nhất và chua xót nhất đời mình; bởi vì mình không còn trí nhớ? Về đâu? Về đâu? Mình đã yêu nồng nàn, mình đã chơi hả dạ, mình đã lên xe xuống ngựa, mình đã ăn khô lân chả phụng, mình đã được sống chung những kinh nghiệm hãi hùng nhất, mình đã viết cả chục quyển sách vĩ đại, mỗi trang giấy của mình bán được vô số đô la, danh tiếng mình vang dậy cả hoàn cầu, mình đã được giải Nobel, mình đã được nhắc nhở khắp hoàn cầu. Danh vọng của mình còn hơn mấy chục ngàn vua chúa. Như thế để làm gì? Để rồi đi về đâu? Biết có quê hương nhưng không biết quê hương ở đâu mà về. Còn gì chua xót hơn?

Chiều chiều trông nước Lai giang chảy
Thấp thoáng buồm treo mộng cố hương
(Quách Tấn)

You are all a lost generation (Gertrude Stein). Các anh là thế hệ mất gốc. Génération perdue. mình đã tìm nguôi ngoai trong men rượu, men tình, bê tha, trác táng, đấu bò, câu cá (The Sun also rises); mình đã tìm nguôi khuây trong tình yêu, trong thanh bình riêng lẻ của hai đứa một trời (A Farewell to Arms). Mình đã tìm nguôi khuây trong săn bắn trong rừng già heo hút (Green Hills of Africa); mình đã tìm nguôi khuây trong phiêu lưu, trong nguy hiểm, trong phũ phàng, trong lý tưởng, trong tình huynh đệ giữa loài người, trong giây phút thiên thu, trong hiện tại vĩnh cửu (For whom the Bell tolls); mình đã tìm nguôi khuây trong chiến đấu riêng lẻ; trong kiêu hãnh, trong sự vĩ đại của thằng ta bé nhỏ, trong sự thắng lợi cuối cùng của thân phận con người (The old Man and the Sea).

Thế mà niềm nguôi khuây ấy không bao giờ được trọn. Và mình vẫn buồn, vẫn băn khoăn và xao xuyến. Niềm xao xuyến sâu đậm và mơ hồ của một kẻ mất quê hương. Muốn tìm trở về quê hương nhưng không biết đâu mà tìm. Quê hương chỉ là một danh từ. Tất cả chỉ là những danh từ. Và những danh từ chỉ là những danh từ mà thôi.

Rắc rối. Nhắm mắt ngủ đi. Ủa, trời gần sáng rồi. Tất cả hãy còn tối đen. Hãy ngồi dậy đi ra ngoài rừng chơi. Nằm đây nghĩ vớ vẩn hoài; mấy con châu chấu ngoài rừng không nghĩ lẩn thẩn như mình. Tinh sương. Hừ, gió thổi lạnh gớm. Sương ở đâu mà ra chập chùng ở đồi thông bên kia. Đi chân không, mình bước nhẹ trên đường cỏ quanh đồi. Cỏ ướt và đất lạnh. Cảm giác là lạ. Gió vi vu. Dế cơm, dế nhủi, dế mèn cũng vi vu. Mình tắm bơi trong bầu trời trong veo. Trên đường đi, cành cây, cái lá, đống đất và tảng đá đều trở nên mặn mà quen thuộc dễ thương. Mình cởi trần truồng ra và chạy tung tăng như con bò con trên nội cỏ. Mình nằm lăn tròn trên cỏ; hừ, sương mai sao mà lạnh quá. Ngày đầu tiên của buổi khai thiên lập địa. Hình như mình đang bay lênh đênh trong mây, trong gió, trong không khí, trong làn khói. Hình như mình đang chảy rì rào trong giông nước dưới cống, dưới rãnh, dưới cầu… Hốt nhiên mình nghe tiếng cười giòn của mình. Rồi bất giác thân thể của mình bỗng nhẹ nhàng, nhẹ nhàng và thanh thoát… Mình không còn là mình nữa. Hemingway là mình. Hemingway là ai? Tại sao mình là Hemingway? Mình là ai? Hemingway? Không? Là mình ? cũng không. Mình không là gì cả. Không gì cả. Không gì hết. Nada. Nada là gì? Không là gì cả. Không là Nada. Không là không là không là không…

Ernest Hemingway? Là mình? Mình? mình? Tại sao có lỗ mũi này? Hai con mắt này? Mình không là mình? Mình là mình, là không là mình? Không là không là không là không là không…


Kết luận

Trời hửng sáng. Tất cả đều im lặng mênh mông tĩnh mịch và bát ngát. Bỗng nhiên người ta nghe tiếng súng nổ từ trong nhà Hemingway ở Ketchum (Idaho). Ngày hôm đó và vài ngày sau báo chí ở Mỹ và ở khắp hoàn cầu đều đăng tin đại khái như sau: Nhà văn hào Ernest Hemingway đã thiệt mạng vì đã “sơ ý lỡ tay trong khi lau súng”

Khi nghe tin buồn trên, người ta bàng hoàng chợt nhớ đến nhân vật George trong truyện The Alien Corn của Somerset Maugham. Hemingway cũng chết vào trường hợp giống như George.

(Trong những tờ nhật báo, người ta thường đọc nhiều bài tường thuật những “tai nạn” tương tự như
vậy…)

P.C.T
Nguồn: Phạm Công Thiện, Ý thức má»›i trong văn nghệ và triết học (Luận về ý thức má»›i sau mười năm lang bạt), tái bản lần thứ tÆ°, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1970. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thÆ°c hiện. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của tác giả.