© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
14.3.2007
 
Giai phẩm mùa Thu 1956 - Tập III
 1   2   3   4 
 


Mục lục





Lời của nhà xuất bản

Để góp phần vào việc chuẩn bị Đại hội Văn nghệ Toàn quốc, để phát huy và đẩy mạnh tự do sáng tác văn nghệ theo phương châm trăm hoa đua nở, chúng tôi xuất bản tập Giai phẩm mùa Thu này, gồm có nhiều bài của nhiều tác giả bản sắc khác nhau, khuynh hướng nghệ thuật khác nhau. Mỗi tác giả chịu trách nhiệm bài viết của mình. Trên tinh thần này, nhà xuất bản thiết tha mong các bạn văn nghệ sĩ cộng tác đông đảo.

Nhà xuất bản Minh Đức


*



Trương Tửu
Văn nghệ và chính trị

“… Trong sự nghiệp văn học, tuyệt đối phải bảo đảm phạm vi thật rộng rãi cho sáng kiến cá nhân, cho sở thích cá nhân; bảo đảm phạm vi thật rộng rãi cho tư tưởng và sức tưởng tượng, cho hình thức và nội dung…”

Lê-nin
(Tổ chức Đảng và văn học Đảng)

Đối với công tác văn học nghệ thuật, Đảng chỉ có một yêu cầu, đó là phục vụ công nông binh, nói trong hoàn cảnh hiện nay, tức là phục vụ tất cả nhân dân lao động bao gồm trí thức

Lục Định Nhất
(Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng)

Gần đây, nhân bài “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” của cụ Phan Khôi (đăng trong Giai phẩm mùa Thu, tập I) vấn đề quan hệ giữa văn nghệ và chính trị đã được nêu thành một đầu đề tranh luận trên báo chí. Báo Nhân dân có hai bài, một của ông Xuân Trường, một của ông Quang Đạm, đặt ra và giải đáp vấn đề dựa theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Các báo Cứu quốc, Văn nghệ, Thời mới, Độc lập, Tổ Quốc, Tiền phong, Nhân văn… đều nói đến vấn đề cách này hay cách khác.

Đồng thời, một số văn kiện Trung Quốc và Liên Xô được dịch và công bố, cung cấp cho chúng ta nhiều quan điểm soi sáng vấn đề. Đặc biệt có: Văn kiện của Đại hội các nhà văn Xô viết lần thứ hai; Văn kiện của Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20; bài “Vấn đề điển hình trong văn học và nghệ thuật” in trong tạp chí Người cộng sản (Liên Xô); bài nói chuyện “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” của ông Lục Đình Nhất bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 26-5-1956, trong Hội nghị các nhà văn hoá ở Hoài nhân đường; bài toát yếu bản “Tham luận về vấn đề văn học và nghệ thuật” của ông Chu Dương đọc tại Đại hội lần thứ 8 Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 25-9-1956; Tạp văn Lỗ Tấn tuyển tập (cụ Phan Khôi dịch) trong đó có 6 bài bàn về vấn đề vận động văn học cách mạng ở Trung Quốc.

Hiện giờ, chúng ta đang chuẩn bị Đại hội văn nghệ toàn quốc. Công việc chủ yếu là đặt nền móng cho một hệ thống lý luận văn nghệ thích ứng với yêu cầu khách quan của chế độ dân chủ nhân dân tiến lên xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc vận động lý luận văn nghệ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang tiến hành, vấn đề quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, theo ý tôi, là vấn đề mấu chốt, căn bản. Được giải quyết đúng đắn, nó sẽ gỡ mối cho mọi thắc mắc của văn nghệ sĩ về những điểm: tự do sáng tác và lãnh đạo của Đảng, phục vụ kịp thời và sáng tác lâu dài; bảo đảm nghệ thuật tính và tuyên truyền chính sách, khai thác vốn cũ và hiện đại hoá nghệ thuật, tổ chức chuyên môn và chỉ đạo của Đảng, thâm nhập quần chúng và phát triển cá tính v.v…

Vì vấn đề có một tầm quan trọng quyết định như vậy nên không thể giải quyết nó một cách thô thiển, phiến diện, hấp tấp, giáo điều chủ nghĩa. Phải nghiên cứu nó về mọi mặt, ở mọi khía cạnh với một tinh thần thực sự cầu thị và nghiêm túc. Phải nhận thức nó qua lịch sử thực tiễn văn nghệ nói chung và không được sao nhãng quy luật của sáng tác văn nghệ. Phải tránh lối suy luận xã hội học thô thiển. Phải đặc biệt chú ý đến thực trạng của quan hệ giữa văn nghệ và chính trị ở xứ ta từ sau Cách mạng tháng tám đến giờ mới tránh được tật lý thuyết viển vông, chủ quan, không lợi gì cho sự thúc đẩy phong trào văn nghệ hiện tại.

Để góp phần vào công cuộc xây dựng lý luận văn nghệ tạo điều kiện cho sự thành công của Đại hội văn nghệ toàn quốc sắp tới, tôi xin trình bày dưới đây một vài ý kiến về vấn đề quan hệ giữa văn nghệ và chính trị.

1. Chính trị tính và tác dụng chính trị khách quan của văn nghệ

Mối quan hệ mật thiết giữa văn nghệ và chính trị không phải là một vấn đề lý thuyết. Đó là một thực tế khách quan. Nội dung thực tế khách quan này là: văn nghệ, tự thân nó, tất yếu phải mang chính trị tính và có tác dụng chính trị; các giai cấp xã hội, xưa cũng như nay, đều sử dụng nó như một vũ khí đấu tranh chính trị - dù người sáng tác văn nghệ muốn hay không muốn, có ý thức hay không có ý thức, có ý thức đúng hay sai. Lý thuyết về sáng tác văn nghệ cũng như lịch sử thực tiễn văn nghệ đều chứng minh sự tồn tại của thực tế khách quan ấy.

Văn nghệ, căn bản, là một thể cách nhận thức và tái tạo thế giới thực tại, một thể cách biến cải xã hội, biến cải con người (về tư tưởng, tình cảm, ý chí, sinh hoạt) bằng đường lối thẩm mỹ. Quy luật sáng tác văn nghệ yêu cầu thực tại khách quan phải xuyên qua tâm hồn chủ quan của cá nhân văn nghệ sĩ mới hiện hình vào tác phẩm được. Nói như nhà phê bình văn học Nga Dobrolioubov, “văn nghệ sĩ đúc kết và thống nhất những cục diện phong phú và trái ngược nhau của cuộc sống vào thế giới quan của mình”. Cho nên, “bất cứ tác phẩm nào cũng biểu hiện thái độ của tác giả đứng trước thực tế… Qua các nhân vật, nghệ sĩ suy luận về việc này, về một khía cạnh nọ của thực tế, bài bác hay tán thành nó và nói rõ lý tưởng của mình”. [1]

Vì lẽ đó, mỗi tác phẩm văn nghệ, xét đến cùng, mặc nhiên là một quan điểm phê phán của tác giả (bài bác hay tán thành) đối với thực tế xã hội đương thời – quan điểm này được thể hiện qua những hình tượng nghệ thuật ảnh hưởng đến người khác bằng mỹ cảm. “Con người” văn nghệ sĩ nào cũng phải sống trong một hoàn cảnh xã hội nhất định và cụ thể. Trong một xã hội có giai cấp và do đó tất yếu có đấu tranh giai cấp, quyền sống còn của văn nghệ sĩ không thể không trực tiếp liên quan đến một giai cấp nào đó và không thể không bị định đoạt trong hướng phát triển của cuộc đấu tranh giai cấp. Đứng trước những vấn đề thiết thực do cuộc đấu tranh đẻ ra, văn nghệ sĩ không thể không có thái độ và ý kiến, vì những vấn đề ấy giải quyết cách này hay cách khác sẽ ảnh hưởng quyết định đến đời sống của văn nghệ sĩ. Đã có thái độ và ý kiến, văn nghệ sĩ không thể không biểu hiện chủ quan mình trong khi sáng tác. “Không tài nào sáng tác được nghệ thuật nếu cá nhân nghệ sĩ không khái quát triệt để những hiện tượng và sự trạng của cuộc sống, không có một quan niệm triết lý về cái mình biểu hiện…” [2] . Sáng tác văn nghệ là tự xác định một thái độ, một lập trường đối với cuộc đấu tranh giai cấp đương thời. Một tác phẩm văn nghệ tự thân nó là một hành động đấu tranh giai cấp, trực tiếp hay gián tiếp, ý thức hay vô ý thức, mạnh hay yếu, tuỳ trình độ tư tưởng, tài nghệ và cá tính tác giả. Và khi tác phẩm đã đem phổ biến ra giữa xã hội thì khách quan nó sẽ có tác dụng, ít hoặc nhiều, cách này hoặc cách khác, đến những người đang tham gia đấu tranh giai cấp. Nghĩa là: nó sẽ có lợi cho tầng lớp xã hội này hay có hại cho tầng lớp xã hội khác, ủng hộ giai cấp này hay bài xích giai cấp khác. Sự tác dụng này nhiều khi vượt ra ngoài hoặc ngược lại với ý định chủ quan của tác giả.

Mang nội dung giai cấp và có tác dụng đến quá trình đấu tranh giai cấp tức là có chính trị tính. Một hành động (kinh tế, quân sự, xã hội, văn nghệ, khoa học…) có ảnh hưởng đến cuộc đấu tranh giai cấp là một hành động có ý nghĩa chính trị và bị các tầng lớp xã hội đánh giá như một hành động chính trị. Sự thực này được chứng minh rõ rệt khi ta nghiên cứu lịch sử văn nghệ từ trước đến nay. Tần Thuỷ Hoàng đốt sách, vua quan triều Louis XIV cấm diễn vở kịch Tartufe của Molière, triều đình Louis XV truy nã Voltaire, tịch thu Bách khoa toàn thư của nhóm Diderot, bọn cầm quyền Napoléon III truy tố tiểu thuyết của Flaubert, thơ của Beaudelaire, bỏ tù những người bán tập Châtiments của V. Hugo; Tưởng giới Thạch thủ tiêu các nhà văn Tả dực tác gia liên minh, thả đặc vụ lùng bắt Lỗ Tấn; trước đây thực dân Pháp cấm và tịch thu những tác phẩm văn học chống lại chúng (thơ của Phạm tất Đắc, văn của Trần huy Liệu, truyện của Vũ trọng Phụng, Nguyễn công Hoan v.v…); bọn tân phát xít Pháp cấm chiếu phim Bel ami của Louis Daquin, sai cảnh sát phá tranh bầy ở Phòng Triển lãm Algérie (Paris); bọn tân phát xít Mỹ cấm phim của Charlie Chaplin; bọn Ngô đình Diệm cấm nhân dân miền Nam hát những bài ca yêu nước, cấm diễn những điệu vũ chiến đấu, phá toà báo Tiến thủ, ném lựu đạn lên sân khấu để khủng bố gánh cải lương Kim Thoa đang diễn một vở tuồng tương đối tiến bộ v.v… - những “văn tự ngục” đàn áp khủng bố văn nghệ sĩ, cấm sách, đốt sách đầy rẫy trong lịch sử các nước không sao kể xiết. Tất cả những sự kiện ấy chứng minh rằng các giai cấp bóc lột cầm quyền, bất cứ thời nào và bất cứ ở đâu, đều nhất trí nhận định: văn nghệ là một vũ khí đấu tranh chính trị sắc bén và nguy hiểm; chúng xử trí văn nghệ như xử trí một chiến tuyến chính trị.

Một mặt khác, nhân dân bị bóc lột và áp bức, bất cứ thời nào và bất cứ ở đâu, vẫn lấy văn nghệ làm vũ khí đánh kẻ thù. Thơ Đỗ Phủ, truyện Thuỷ hử của Thi nại Am, Hồng lâu mộng của Tào tuyết Cần, Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, thơ trào phúng của Trần tế Sương, hài kịch của Molière, Beaumarchais, tiểu thuyết của Rabelais, Diderot, Voltaire, những bài hát của Béranger, nhạc của các nghệ sĩ thiên tài cổ điển, hội hoạ của thời đại Phục hưng, phim ảnh của Charlot, Tạp văn của Lỗ Tấn, kịch của Tào Ngu, tác phẩm của những đại văn hào Pouchkine, Gogol, Tchernychevsky, Tchékov, Leon Tolstoi, Gorki, Ostrovki, Cholokov, thơ của Maiakovski, của Pablo Néruda, của Eluard, của Hikmet, bài ca “Marseillaise” của Rouget de Lisle, bài “Quốc tế ca” của E. Pottier v.v… đó là những tác phẩm văn nghệ đã được nhân dân lao động dùng làm những mũi tên hòn đạn bắn vào đầu giai cấp bóc lột rất có hiệu quả. Điều này cũng chứng minh rằng văn nghệ không phải là trò du hí mà là những cung tên gươm giáo súng ống trên mặt trận đấu tranh giai cấp. Dù các tác giả văn nghệ có ý định hay không, những công trình sáng tạo của họ, khách quan, vẫn được sử dụng vào cuộc đấu tranh giai cấp liên tục trong lịch sử, từ xưa đến nay. Chính trị tính của văn nghệ là ở đó [3] .

Bản thân văn nghệ mang chính trị tính như bản thân không khí mang ốc-xy gien. Chính trị là thực chất nội dung của văn nghệ. Quy luật sáng tác văn nghệ, tác dụng xã hội tất yếu của văn nghệ đẻ ra chân lý khách quan ấy. Quan hệ giữa văn nghệ và chính trị là một quan hệ hữu cơ. Muốn tách văn nghệ ra khỏi chính trị là một điều ngu xuẩn, một ảo tưởng.

2. Tự do tư tưởng của văn nghệ sĩ trong các chế độ người bóc lột người

Trong các chế độ người bóc lột người, quan hệ giữa văn nghệ - cụ thể là văn nghệ sĩ – và chính trị như thế nào? Có thể nói ngay rằng: tất cả những văn nghệ sĩ chân chính và thực tài, trong các chế độ ấy, đều sáng tác chống lại chính trị của giai cấp cầm quyền. Lịch sử văn nghệ căn bản là lịch sử chiến đấu của những văn nghệ sĩ nhân đạo chủ nghĩa đối kháng với chế độ áp bức con người, bảo vệ quyền tự do tư tưởng, tự do nói sự thực trong tác phẩm. Các nhà văn nghệ cổ điển, Đông cũng như Tây, đều dùng nghệ thuật, mỗi người một cách, tố cáo những cái độc ác, xấu xa, bỉ ổi của bọn thống trị chuyên sống bằng tội lỗi, bằng mồ hô, nước mắt và máu xương của nhân dân lao động. Họ căm thù, thống mạ, lên án mọi hành động, mọi chính sách của các bè lũ cầm quyền đã chà đạp lên con người, giày xéo lên đạo đức làm người, đè nén tài năng, bán dân bán nước để duy trì địa vị giàu sang hống hách. Đồng thời, họ cảm thông sâu sắc với những tầng lớp người bị áp bức, đầy đoạ, bóc lột; họ đề cao tự do, bình đẳng, nhân phẩm; họ ca tụng say sưa lòng yêu nước, tình nhân loại, chí quật cường bất khuất của những người nô lệ vùng dậy bẻ gẫy xiềng xích; họ đề cao những đức tính: hy sinh, trung thành với chính nghĩa, cần cù lao động; họ thương yêu con người, tin tưởng ở tương lai ngay trong những quãng lịch sử tối tăm nhất của xã hội. Mỗi tác phẩm văn nghệ cổ điển vừa là bản cáo trạng kết tội chính quyền mục nát đương thời, vừa là một bài hùng ca biểu dương khát vọng nhân đạo chủ nghĩa và tinh thần chiến đấu.

Để đạt được những kết quả tốt đẹp ấy, các văn nghệ sĩ cổ điển đã phải quyết liệt đấu tranh với mọi uy quyền vật chất và tinh thần muốn nô dịch tư tưởng tình cảm của mình. Họ là tử thù của giai cấp bóc lột vì giai cấp bóc lột là tử thù của sự thực, của nhân đạo chủ nghĩa, của quyền tự do nói thực. Bao nhiêu chính sách, biện pháp, công cụ đàn áp khủng bố của bọn thống trị đều chỉ nhằm mục đích: che giấu sự thực, cấm nói sự thực – vì sự thực lên án chúng, Sự thực là cách mạng. Nói sự thực, làm cho nhiều người biết sự thực là đánh một đòn quyết liệt vào đầu bè lũ bóc lột, đồng thời cũng là cổ võ nhân dân bị áp bức nổi lên tự giải phóng. Nói sự thực, theo lời Mác, là “làm cho sự áp bức càng đè nặng hơn bằng cách đưa vào bản thân nó một ý thức” [4] .

Các văn nghệ sĩ cổ điển đã nói sự thực, bất chấp mọi đe doạ. Đại thi hào Pouchkine có câu: “Nhà văn không nên hèn nhát kêu ca oán thán vì phải bất thần chịu đựng những viên đạn đầu tiên trên mặt trận, vì phải nếm trải những nỗi khổ cực nguy hiểm do sự viết văn gây ra”. Đó cũng là thái độ của tất cả những văn nghệ sĩ cổ điển Đông và Tây - của những Đỗ Phủ, Nguyễn Du, Molière, Heine, Rousseau, Diderot v.v… Họ dũng cảm bảo vệ tự do tư tưởng, tự do nói thực đến kỳ cùng trước sức tấn công hiểm độc của các giai cấp bóc lột – như người lính cách mạng bảo vệ khẩu súng, như người nông dân cách mạng bảo vệ làng xóm, như người công nhân cách mạng bảo vệ nhà máy, trước sức xâm lược khốc liệt của quân thù dân tộc và giai cấp. Đó là điều kiện cơ bản của sự thành công nghệ thuật. Sự thực về con người, chân lý cuộc sống là huyết mạch của nghệ thuật. “Thiếu chân lý đó, không thể có tác phẩm nghệ thuật thực sự quan trọng được” [5] .

Văn nghệ sĩ, muốn biểu hiện chân lý ấy, phải xâm đoạt nó bằng con mắt mình, bằng trái tim của mình, bằng lý trí của mình. Phải tự sức mình biến nó thành thực chất của tâm hồn mình, văn nghệ sĩ mới sáng tạo được một thế giới độc đáo chiếu toả ra một ánh sáng độc đáo soi đường cho mọi người đi sâu vào cuộc sống.

Muốn sáng tạo ra một thế giới độc đáo, văn nghệ sĩ phải có một cái nhìn độc đáo, một nhận thức độc đáo về thực tại, một trí tưởng tượng độc đáo, một lối nói độc đáo. Phải duy trì, bảo vệ, phát triển tính độc đáo ấy không để một sức mạnh bên ngoài nào xâm phạm đến hay làm cho mất đi. Phải tự do nhìn sự thực, tự do xúc cảm, tự do suy nghĩ, tự do tưởng tượng, tự do vận dụng ngôn ngữ nghệ thuật - để có thể phản ánh hiện thực một cách trung thành. Tự do đây có nghĩa là: chống lại mọi áp bức tư tưởng, mọi mệnh lệnh, mọi công thức, mọi quyền uy bắt mình nói điều mình không muốn nói, nghĩ điều mình không muốn nghĩ, nhận là đúng điều mình cho là sai, yêu những cái mà mình ghét, ca tụng những cái mà mình phản đối. Không có tự do ấy, sự sáng tác của văn nghệ sĩ sẽ giả tạo. Giả tạo là kẻ thù của nghệ thuật. Giả tạo là tiêu diệt nghệ thuật. Một tác phẩm văn nghệ không tiết ra từ những cảm nghĩ thành thực và sâu sắc của chính tâm hồn tác giả sẽ là một phản ảnh nhạt nhẽo của thực tại. Nó khô khẳng vì thiếu chất sống. Nó bất thành nghệ thuật, và do đó, chẳng xúc động được ai cả.

Các tác phẩm văn nghệ cổ điển sở dĩ có tác dụng mạnh mẽ đến người đọc là vì những người sáng tạo ra nó đã có can đảm “là mình” trong những điều kiện xã hội bắt họ “không được là mình”. Họ đã tự do nhìn, cảm, nghĩ, nói theo chủ định cá nhân mình trong những điều kiện xã hội buộc họ phải nhìn, cảm, nghĩ, nói theo những công thức thống trị. Họ đã tự lực vượt ra ngoài những gông cùm tư tưởng của các giai cấp bóc lột - để nói sự thực, tự do nói thực. Họ đã thoả mãn được những người cần biết sự thực, nghĩa là những người bị áp bức muốn giải phóng. Nhờ điều kiện này mà tác phẩm của họ được các nhân dân bị trị yêu mến, tôn trọng, ca ngợi, mặc dầu bản thân họ chưa đứng hẳn vào hàng ngũ nhân dân, chưa vượt được ra thoát hẳn khuôn khổ tư tưởng của giai cấp thống trị. Giá trị lớn lao của các nhà văn cổ điển là ở đó.

Trong bài “Quan hệ giữa chính trị và văn nghệ”, ông Quang Đạm viết: “Thứ chính trị ấy (chính trị phản động của các giai cấp bóc lột) dĩ nhiên là tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc, cưỡng ép mọi ngành hoạt động trong xã hội đều phải thực hiện âm mưu riêng của nó. Nhưng không phải nó lợi dụng văn nghệ thì nó đem lại cho văn nghệ thứ tự do sáng tác gì quý báu. Chẳng qua nó chỉ dành cho văn nghệ một thứ tự do độc địa nguy hiểm là bôi nhọ sự thật, đầu độc nhân dân, bôi nhọ và đầu độc bản thân văn nghệ”. Điều nhận xét này rất đúng. Nhưng không phải vì “chính trị phản động lợi dụng văn nghệ…chỉ giành cho văn nghệ thứ tự do bôi nhọ sự thật đầu độc nhân dân…” mà có thể suy diễn lầm rằng trong một xã hội mà chính trị phản động giữ bá quyền, văn nghệ sĩ đã mất tự do tư tưởng, tự do nói sự thực. Áp lực, âm mưu chính trị phản động bên ngoài chỉ càng làm sắt đá thêm cái tự do nội tâm của văn nghệ sĩ chân chính. Và thực tế, họ vẫn duy trì, bảo vệ và sử dụng tự do ấy, lấy ngay nó làm vũ khí chiến đấu chống lại mọi áp lực âm mưu chính trị định tiêu diệt nó. Bộ Hoàng triều luật lệ và tất cả chính trị cực kì phản động của Gia Long không ngăn cản được đại thi hào Nguyễn Du thống mạ bọn phong kiến vô nhân đạo và ca tụng Từ Hải khởi nghĩa đánh triều đình. Phòng kiểm duyệt nghiệt ngã ngục Bastille, đao phủ của Louis XV không ngăn cản được những Voltaire, Diderot, Rousseau, Beaumarchais v.v… tới tấp tấn công liên tục vào thành trì phong kiến và đề cao tự do, bình đẳng, bác ái. Roi vọt, lưỡi lê, nhà tù, kiểm duyệt, mật thám của Nga Hoàng nửa sau thế kỷ XIX không ngăn cản được những Pouchkine, Gogol, Nekrassov, Biélinski, Dobrolioubov, Tchernichevsky, Léon Tolstoi, A.Tchékov v.v… tuyên chiến với mọi hình thức áp chế dã man của giai cấp thống trị và cổ võ tinh thần chiến đấu của nhân dân khao khát tự do, bình đẳng, hạnh phúc trên mặt đất. Các thứ đao to búa lớn, các thứ sấm sét hỗn loạn của các thứ Hàn lâm, Viện mỹ thuật thống trị không ngăn cản được những Cézanne, Courbet, Manet, Picasso biểu hiện thực tại theo quan điểm và kỹ thuật hội hoạ riêng biệt của từng người. Cũng như tất cả Chính phủ Felix Faure, Brisson, Barthou và toàn thể Bộ tham mưu quân đội của bè lũ Cavaignac, de Pellieux, de Boisdeffre không ngăn cản được nhà văn hiện thực Emile Zola tuyên bố giữa toà án, giữa trang báo, giữa công luận thế giới: Dreyfus vô tội, trong lúc Dreyfus bị bọn phản động kết án tù vì “tội” gián điệp hoàn toàn bịa đặt…

Chính trị phản động đến mức nào của một giai cấp bóc lột tàn độc đến mức nào cũng không thể cưỡng đoạt được tự do tư tưởng, tự do nói thực của người văn nghệ sĩ nhân đạo chủ nghĩa. Các lưới bẫy ác nghiệt của bọn thống trị phản nhân dân càng chi chít trong xã hội- và cả trong tâm hồn một số người nhu nhược- không thể cản được sự thực cách mạng bước những bước vững chắc về phía trước theo hướng đi và sức hấp dẫn của quy luật lịch sử. Văn nghệ sỹ là sứ giả của sự thực ấy- mặc dầu có nhiều khi họ chưa có ý thức sáng suốt, thật triệt để về sự thực, về hướng đi, về quy luật. Chính trị phản động chỉ hạn chế được phần nào phạm vi hoạt động của tự do tư tưởng, làm vướng chân một phần nào bước tiến của văn nghệ sĩ chân chính; nó không tài nào diệt được tự do ấy, chẹn được bước tiến ấy.

Nhà hoạ sĩ lập thể chủ nghĩa trứ danh Fernand Léger trong một phút suy nghĩ về thân thế và sự nghiệp nghệ thuật của mình, đã viết: “Nếu anh sinh ra ở đời có óc tự do mà lại làm công việc sáng tạo với tất cả sức mạnh, sự phóng khoáng và sự nhiệt tâm bao hàm trong danh từ này thì anh sẽ có một cuộc sống đẹp nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất. Nghệ sĩ, thi sĩ, người sáng tạo cái đẹp: tất cả những người ấy đều mang nặng trong đời mình một định mệnh anh dũng là “hành động trong tự do”. Cái tự do thân thiết này… họ phải trả bằng một giá đắt vô cùng, trong sự gian nan liên tục, hàng ngày… Họ đã đứng thẳng lên tuyên chiến với xã hội mới quan niệm và sáng tạo được những công trình nghệ thuật tràn đầy sinh lực… Chỉ có tự dochân lý làm bạn chiến đấu, họ đã sáng tạo ra những tác phẩm ấy hoàn toàn bằng sự quan sát những thực tế mới bao trùm thời đại của họ, những thực tế mà, một mình một bóng, họ đã tự lực nhìn và thông cảm…” [6] . Người văn nghệ sĩ sống bằng tự do tư tưởng. Tự do tư tưởng của văn nghệ sĩ là bất khả xâm đoạt.

Một phương diện khác của mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị trong các chế độ có giai cấp là quan hệ giữa các nhà văn nghệ chân chính và quảng đại quần chúng bị áp bức. Quan hệ này như thế nào? Nó rất phức tạp, tuỳ theo những điều kiện lịch sử khác nhau của cuộc đấu tranh giai cấp mà khoác những hình thái khác nhau. Đại cương, có thể chú ý đến ba trường hợp lịch sử nổi bật dưới đây:

A. Thời đại đấu tranh chống phong kiến của nông dân chưa có giai cấp tư sản lãnh đạo.

Đó là thời đại mà quần chúng nông dân, dưới sức thúc đẩy của đói rét và của lòng căm thù sôi sục đối với phe lũ cầm quyền vô nhân đạo, nổi dậy, cầm cầy bừa, đòn càn, giáo mác kéo nhau đi tiêu diệt bọn bóc lột và áp chế. Phần lớn những cuộc khởi nghĩa này chỉ nhằm mục đích thay vua đổi chúa, cải lương chế độ phong kiến, làm cho gánh nặng sưu thuế tô tức đè trên vai nông dân được nhẹ đi đôi chút. Kết quả: Một lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa, sau khi đánh đổ triều đình đương thời, lại nhẩy lên ngai vàng và quay lại đàn áp bóc lột nông dân như cũ. Đâu lại vào đấy: nông dân lại tiếp tục một cuộc đời nô lệ thảm đạm dưới roi vọt phong kiến - để một ngày nào đó lại vùng lên chiến đấu…

Trong những điều kiện lịch sử này, hầu hết các văn nghệ sĩ cổ điển - tuyệt đại đa số là xuất thân ở giai cấp thống trị - không có quan hệ trực tiếp với quảng đại quần chúng, chủ yếu là nông dân. Họ cũng không đứng trong hàng ngũ nông dân. Thường thường họ vẫn ở hàng ngũ thống trị. Lý Bạch, Đỗ Phủ vẫn phục vụ triều đình. Nguyễn Du vẫn là quan Tham tri bộ lễ của triều đình Gia long, Gogol (phần cuối đời) vẫn tuyên bố trung thành với Nga hoàng… Tuy vậy, các văn nghệ sĩ thiên tài ấy vẫn chịu ảnh hưởng gián tiếp của phong trào đấu tranh quần chúng ở đương thời. Gián tiếp nhưng quyết định. Vốn sẵn có một tâm hồn cao quý, họ hấp thụ được những khát vọng về tự do bình đẳng, nhân đạo của quần chúng cần lao - những khát vọng này biểu hiện sự yêu cầu phát triển thường xuyên của những lực lượng sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp suốt thời phong kiến. Có thể nói chính những khát vọng lý tưởng đó của đại chúng sản xuất đã là cơ sở lịch sử của sự xuất hiện những tâm hồn cao quý bất kể xuất thân ở tầng lớp xã hội nào.

Những khát vọng ấy được bộc lộ rõ rệt nhất, mãnh liệt nhất trong những cuộc đấu tranh của nhân dân cần lao chống triều đình phong kiến. Cũng chính trong quá trình đấu tranh giai cấp, các tầng lớp thống trị mới bị dồn vào thế phải trút bỏ cái mặt nạ giả nhân giả nghĩa chúng vẫn đeo thường ngày, hiện ra nguyên hình một loại người ích kỷ, độc ác, lừa lọc, dã man, không từ một thủ đoạn nào dù vô nhân đạo đến đâu để bảo vệ quyền lợi riêng xây dựng trên tội ác. Văn nghệ sĩ sống giữa thực tế đấu tranh ấy đã gặp điều kiện tốt nhất để ghê tởm chế độ bóc lột, nhìn rõ và thù ghét giai cấp thống trị, thương xót và kính phục quần chúng chiến đấu, cảm thông với những yêu cầu của các tầng lớp cần lao về công lý, tự do, bình đẳng, nhân đạo, hoà bình. Đó là cái gốc lịch sử và xã hội của nhân đạo chủ nghĩa và hiện thực chủ nghĩa ở các nhà văn nghệ cổ điển thời phong kiến.

Văn nghệ sĩ cổ điển tố cáo những tội ác, kích thích tinh thần đấu tranh chống áp bức, đề cao tự do, bác ái là hoàn toàn theo sự suy nghĩ riêng, sở nguyện riêng, lương tâm riêng của bản thân họ, không có đảng chính trị tiến bộ nào lãnh đạo, không phụ thuộc vào tổ chức chính trị nào cả. Họ hoàn toàn độc lập tác chiến, độc lập tư tưởng, độc lập sáng tác. Nhưng nhờ hấp thụ ảnh hưởng khách quan của cuộc đấu tranh quần chúng, họ đã tiến đến được một chính trị tính (về tư tưởng cũng như về nghệ thuật), hợp với nguyện vọng quần chúng và có lợi cho công cuộc chiến đấu của quần chúng.

Tiến lên một bước nữa mà nói, tác phẩm của họ lại đã giáo dục quần chúng rất đắc lực. Bằng tài năng nghệ thuật, họ đã làm cho những nguyện vọng còn bàng bạc trong tiềm thức quần chúng hiện lên thành những hình thức tư duy sinh động có những đường viền, đường nổi rõ rệt trong tâm hồn mọi người đang chiến đấu. Có thể nói: ở trường hợp này, văn nghệ đã có tác dụng soi sáng đường hướng cho chính trị quần chúng, “góp phần làm phát triển những khuynh hướng giải phóng…” - tuy rằng văn nghệ sĩ, cũng như quần chúng, bị thời đại lịch sử giới hạn, chưa tìm được lối thoát cho tình trạng bế tắc của xã hội đương thời.

B. Thời đại đấu tranh chống phong kiến của đệ tam đẳng cấp do giai cấp tư sản lãnh đạo.

Trong hoàn cảnh lịch sử này, những văn nghệ sĩ chân chính cũng đóng một vai trò khá quan trọng trên chiến tuyến đệ tam đằng cấp. Đó là những người thợ công đầu xây dựng ý thức hệ cách mạng cho giai cấp tư sản đang lớn lên và cho toàn thể nhân dân muốn thoát khỏi ách phong kiến. Những tên tuổi chói lọi của họ chiếu ánh sáng tư tưởng cách mạng trên các chặng đường chiến đấu của nhân dân chống phong kiến – Rabelais, Cervantès, Léonard de Vinci, Rambrandt, Raphaël, Shakespeare, Molière, Diderot, Voltaire, Rousseau, Goethe, Shiller, Lermontov, Henri Heine, Biélinski, Tchernichevsky v.v… - chứng tỏ rằng họ đã thực sự vạch đường chỉ lối cho quần chúng, cho giai cấp tư sản tiên tiến ngay từ lúc những lực lượng xã hội này còn chưa có ý thức rõ rệt về nhiệm vụ lịch sử của mình. Nói thế không có nghĩa là những văn nghệ sĩ tiền phong kia không chịu ảnh hưởng của mọi cuộc vận động kinh tế, chính trị, xã hội, tự phát của đệ tam đẳng cấp nói chung và tầng lớp tư sản nói riêng. Ý thức hệ cách mạng của họ cũng bắt nguồn từ những cuộc vận động quần chúng ấy, và hình thành thông qua quá trình đấu tranh bản thân của họ chống chính trị phong kiến phản động. Nhưng không phải cuộc vận động quần chúng “lãnh đạo” tư tưởng và sáng tác nghệ thuật của họ. Ngược lại, ai cũng đã biết những tác phẩm văn học của Rousseau, Voltaire, Diderot đã vạch đường chỉ lối, trong căn bản cho những lãnh tụ cách mạng Jacobins như thế nào trong cuộc cách mạng 1789. Văn nghệ cách mạng Pháp hồi thế kỷ XVIII quả đã là ý thức sâu sắc, tiền phong của cách mạng dân chủ tư sản Pháp. Nó không “phụ thuộc” vào chính trị tư sản. Nó đã soi sáng cho chính trị tư sản. Không những ở Pháp mà thôi, nó còn là bó đuốc dẫn đường cho nhiều phong trào cách mạng dân chủ của giai cấp tư sản ở nhiều nước khác. Nói ngay như ở Việt nam ta, cả phần tư thế kỷ này, cuộc đấu tranh dân tộc và dân chủ của những người yêu nước đều lấy những tác phẩm của Montesquieu, Voltaire, Rousseau làm lý thuyết hướng đạo cách mạng.

Sở dĩ các văn nghệ sĩ tư sản cách mạng có ảnh hưởng lịch sử vĩ đại như vậy là bởi, suốt đời, họ dũng cảm chiến đấu với những sức mạnh phản động, kiên quyết phất cao lá cờ tự do tư tưởng ngay trước mũi quân thù, duy trì một thái độ tự do triệt để trong khi sáng tác văn nghệ; là bởi họ đã biểu hiện được trong tác phẩm tất cả sự thực của thời đại, đặc biệt là hướng phát triển cách mạng của xã hội đầy mâu thuẫn đương thời; là bởi họ đã nhập thân vào sức mạnh lịch sử đang tiến lên, đã tìm lẽ sống và giá trị làm người trong nhiệm vụ thúc đẩy sức mạnh ấy tiến lên. Trong sáng tác, họ chỉ thể hiện lý tưởng chủ quan của họ, mà đồng thời lại thể hiện được lý tưởng khách quan của xã hội đang phá vỡ chế độ phong kiến để vươn mình đến hình thái lịch sử tư bản chủ nghĩa. Quan hệ hữu cơ giữa chính trị của giai cấp tư sản cách mạng và văn nghệ tư sản cách mạng trước 1789 là: văn nghệ hướng đạo chính trị.

C. Thời đại giai cấp vô sản đấu tranh chống đệ tư bản và các lực lượng phản động khác câu kết với giai cấp tư bản.

- Đây là thời đại mà các khoa học tự nhiên và xã hội đều tiến những bước khổng lồ như chưa từng thấy bao giờ trong lịch sử loài người. Sự kiện quan trọng bậc nhất xuất hiện trong quá trình tiến bộ ấy là chủ nghĩa Mác – Ănghen. Với chủ nghĩa vĩ đại này, sự hiểu biết về lịch sử, về xã hội đã có tính cách khoa học rõ rệt. Với nó, giai cấp công nhân có một vũ khí lý luận sắc bén để tấn công kẻ thù, tiến hành đấu tranh có đường lối khoa học. Với nó, giai cấp công nhân có cơ sở khoa học để tin ở sự đắc thắng cuối cùng của xã hội chủ nghĩa, có ý thức về vai trò lịch sử của mình trong công cuộc giải phóng nhân loại.

Đây cũng là thời đại mà giai cấp công nhân đấu tranh đã có tổ chức, có bộ Tham mưu - tức là Đảng – có chiến lược chiến thuật vạch ra với một tinh thần cách mạng khoa học triệt để. Đảng của giai cấp công nhân ảnh hưởng quyết định đến toàn bộ cuộc chiến đấu của toàn thể nhân dân lao động bị áp bức bóc lột. Nó làm rung động cả chế độ tư bản và bắt buộc mọi tầng lớp xã hội đều phải xác định thái độ đối với những mục tiêu đấu tranh của nó đề xuất ra. Vì lẽ giai cấp công nhân chỉ có thể giải phóng mình hoàn toàn bằng cách giải phóng tất cả nhân loại bị áp bức bóc lột, nên cuộc đấu tranh của công nhân phải tiến dần đến chỗ thu hút vào với mình quảng đại quần chúng lao động khao khát tự do bình đẳng và dân chủ. Nó nghiễm nhiên là đội ngũ tiền phong của nhân loại tiến bộ chống lại tất cả những sức mạnh đen tối cản đường phát triển của lịch sử.

Do hai điều kiện ấy – có chủ nghĩa Mác và có Đảng - mà chính trị của giai cấp công nhân mỗi ngày một thấm sâu vào các ngõ ngách của xã hội tư bản chủ nghĩa, mỗi ngày một lay động mạnh mẽ mọi tâm hồn có khả năng cách mạng. Trong hoàn cảnh này, những văn nghệ sĩ chân chính muốn chống lại chính trị phản động của giai cấp tư bản góp phần vào sự thúc đẩy xã hội tiến đến lý tưởng “không có người bóc lột người” không thể không tự giới thuyết mình, tự khẳng định mình đối đãi với chủ nghĩa Mác, với chủ trương chính sách của Đảng tiền phong của công nhân. Nhưng sự xác định thái độ của văn nghệ sĩ tiến bộ đối với chính trị vô sản không phải chỉ theo một đường thẳng như vậy - vì trong thời đại này vũ khí lý luận của giai cấp công nhân không phải chỉ là chủ nghĩa Mác, và bộ Tham mưu của nó cũng không phải chỉ là một Đảng duy nhất. Bởi bản thân giai cấp công nhân hình thành một cách phức tạp, bởi cuộc đấu tranh chống tư bản chủ nghĩa mỗi ngày một mở rộng bề mặt, nên bên cạnh một chính trị vô sản thuần tuý (theo chủ nghĩa Mác) còn nhiều đường lối chính trị khác (Proudbon, Bakounine, Fourrier, Jaures, Blanqui v.v…) nhiều Đảng khác cũng ảnh hưởng khá nặng nề đến công nhân. Có khi ngay trong hàng ngũ những người xã hội chủ nghĩa ở trong một Đảng cũng xẩy ra xung đột và đưa đến phân biệt…

Giữa tình trạng ấy, văn nghệ sĩ tiến bộ chịu ảnh hưởng của chính trị tiến bộ cũng theo những hành trình đa dạng. Bước lên, lùi xuống, rẽ ngang, nhẩy tắt là những hiện tượng tất yếu. Nhưng nói chung thì những đường lối chính trị của giai cấp công nhân (thuần tuý vô sản hay không) càng ngày càng ảnh hưởng quyết định tới hướng đi của văn nghệ tiến bộ. Nhà tiểu thuyết hiện thực Emile Zola từ chỗ lãnh đạm với chính trị và tin theo thực dụng chủ nghĩa tư sản tiến đến sự nghiên cứu lý thuyết xã hội chủ nghĩa của Fourrier, Saint Simon và sáng tác những truyện Germinal, La Terre, Travail bênh vực quyền lợi của công nông (trong một bức thư gửi Van Santen Kolff, người Hoà-lan, dịch giả những sách của ông, Zola đã phải nói: “Bất cứ bắt đầu nghiên cứu đề tài gì, tôi cũng chạm trán với chủ nghĩa xã hội”); John Ruskin, William Moris, Gérard Manley Hopkins (ba nhà văn hào Anh cuối thế kỷ 19) do ảnh hưởng của Ba lê công xã mà đoạn tuyệt hẳn với giai cấp tư sản nhẩy sang chiến tuyến công nhân xã hội chủ nghĩa; các thi sĩ Heine, Freiligrath (Đức) được Các Mác giúp đỡ trở thành những nhà thơ anh dũng của phong trào vô sản; Anatole France rời bỏ tư tưởng tài tử, hoài nghi chủ nghĩa để sáng tác chống giai cấp tư bản phản động (trong cuộc vận động duyệt lại án Dreyfus) và chiến tranh đế quốc v.v…: những hiện tượng trên đây biểu thị một quy luật: ở thời kỳ lịch sử này, văn nghệ sĩ muốn phục vụ sự tiến bộ của xã hội một cách có hiệu quả tối đa thể tất phải tiến đến triết học và chính trị đúng đắn của giai cấp công nhân.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thấy rằng: nói chung, hầu hết các văn nghệ sĩ tiến bộ trong thời đại này (trừ một thiểu số có chân trong các Đảng Cộng sản) chỉ chịu ảnh hưởng của tư tưởng giai cấp công nhân biểu hiện qua các lý thuyết xã hội chủ nghĩa và trong những cuộc đấu tranh quần chúng chống đấu tranh bóc lột chứ không hề sáng tác, suy nghĩ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của giai cấp công nhân thông qua những đảng công nhân. Họ không hề bị một tổ chức nào bắt buộc chấp hành một chủ trương chính sách nào của một đảng công nhân nào. Họ hoàn toàn tự do trong công việc nghiên cứu thực tế và sáng tạo nghệ thuật. Họ tự nguyện tự giác tham gia đấu tranh chống tư bản chủ nghĩa và các lực lượng phản động bên cạnh giai cấp công nhân, nhưng không bị một kỷ luật đảng nào ràng buộc, không bị một chỉ thị của tổ chức chính trị nào hướng đạo sự sáng tác. Họ chỉ tuân theo kỷ luật và chỉ thị của trái tim họ, của khối óc họ, của hiện thực xã hội mà phản ánh trong tác phẩm tuỳ theo trình độ nhận thức cá nhân họ.

Nhờ có tự do tư tưởng triệt để ấy và nhờ công trình thâm nhập thực tế sâu sắc của mình, một đôi khi, nhà văn nghệ lại phát hiện được những vấn đề đấu tranh có lợi cho giai cấp vô sản và nhân dân lao động mà Đảng của giai cấp công nhân, không nhìn thấy. Hành động chống vụ án Dreyfus của nhà văn Emile Zola ở Pháp là một bằng chứng cổ điển. Dreyfus bị bè lũ phản động cầm đầu chính phủ và quân đội vu cho tội gián điệp và kết án đầy chung thân (22-12-1894). Có nhiều dấu hiệu làm cho Zola nghi rằng Dreyfus là một kẻ vô tội. Tức thì, ông tự mình mở cuộc điều tra để biết sự thực. Ông tìm hỏi các trạng sư cãi cho Dreyfus, nghiên cứu hồ sơ, khám phá ra những thủ đoạn và vu khống của kẻ cầm quyền.

Từ nghi ngờ, Zola tiến đến chỗ tin là Dreyfus hoàn toàn vô tội. Tức thì, ông quả quyết hành động…Chỉ vũ trang bằng sự can đảm của riêng mình và bằng sự tin ở thắng lợi tất yếu của sự thực, ông đương đầu với chính quyền, với tập đoàn các phe lũ phản động trục lợi, với sự dâng cao của ngu dại và căm hờn…” [7] Ông viết trên báo Rạng đông bài “Tôi tố cáo” tuyên chiến với toàn bộ các giai cấp phản động đang thống trị. Bài báo chấn động trong cả nước và thế giới. Ông bị truy tố, bị kết án, bị chửi rủa và doạ đánh phải lánh nạn sang Londres.

Chính lúc đó, Đảng công nhân Pháp của Jules Guesde- một nhà truyền bá chủ nghĩa Mác có uy tín- không nhìn thấy tầm chính trị quan trọng của phong trào Dreyfus. Trong phiên họp của Trung ương Đảng ngày 24-7-1898, Guesde vì muốn duy trì sự độc lập giai cấp của Đảng, đã đề ra và làm thắng chủ trương “không động viên giai cấp vô sản hành động đứng sau một phân số tư sản này đang tranh chấp quyền lợi với một phân số tư sản khác”. Nhà lãnh tụ Đảng công nhân Pháp lúc bấy giờ cho phong trào Dreyfus chỉ là “một cuộc nội chiến tư sản”, thợ thuyền không nên tham gia. Sau này, Maurice Thorez có phê bình chủ trương của Guesde là biệt phái chủ nghĩa.

Chung quanh vụ Dreyfus, nhà lãnh tụ Đảng Công nhân Pháp đã tỏ ra có nhãn quan chính trị thiển cận không sáng suốt bằng nhà văn hiện thực không đảng phái. Bài “Tôi tố cáo” của Zola đã làm lợi rất nhiều cho phong trào bảo vệ của chế độ Cộng hoà ở Pháp lúc ấy, và do đó, làm lợi rất nhiều cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân.


Nói tóm lại, lịch sử văn nghệ trình bày trên đây đã chứng minh rằng: hầu hết các văn nghệ sĩ chân chính, trong các chế độ người bóc lột người, đều tư tưởng và sáng tác hoàn toàn theo ý thức riêng của mình, không phụ thuộc trực tiếp vào một đảng chính trị nào. Họ không chủ định phục vụ một đảng chính trị. Họ làm nghệ thuật để phục vụ một lý tưởng mà chủ quan họ cho là cao cả, tốt đẹp. Lý tưởng này, tuỳ từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể, hợp với nguyện vọng của giai cấp cách mạng này hay giai cấp cách mạng khác – có chính trị tính. Trên đường phục vụ lý tưởng, họ có thể gần gũi, sát cánh những tổ chức chính trị (nếu có) cũng theo đuổi một chí hướng vị tha như họ. Họ có thể chịu ảnh hưởng của phong trào quần chúng chiến đấu cho lý tưởng ấy. Nhưng, căn bản, họ vẫn hoàn toàn tự do trong sự nhận thức lý tưởng ấy, hoàn toàn tự do trong sự sáng tác phục vụ nó. Không một sức mạnh bên ngoài nào ép buộc được họ phải theo và phục vụ một lý tưởng. Nếu họ theo và phục vụ một cách bị ép buộc thì họ đã không thành văn nghệ sĩ vĩ đại và hữu ích.

Nghệ sĩ chỉ có thể chiếu toả ra ngoài đời cái ánh sáng của chính bản thân mình. Không có tự do tư tưởng thì không thể có nghệ thuật chân chính được. Đó là một chân lý bất di bất dịch. Đó là một sự thực khách quan trong lịch sử thực tiễn văn nghệ. Bàn đến quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, trước hết không thể lãng quên được sự thực ấy.

(còn nữa)

Kỳ sau: Tự do của văn nghệ sĩ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa và chế độ dân chủ nhân dân – Văn nghệ và Đảng Cộng sản: lý thuyết Lê-nin.

(Trang 3-18)


*


Mai Hanh
Những cánh cửa đời


Trên màu bảng đen
Hiện lên giòng chữ trắng
Những giòng ánh sáng
Dưới bàn tay em

Anh từ biển sóng
Đưa lại con thuyền
Hồn căng bão lớn
Một ngày tìm em.

Nhà em cửa khép
Quanh năm âm thầm
Tiếng đời cách biệt
Mơ hồ bước chân
Bỗng đâu ánh sáng
Lớp học bình dân
Đưa em ra cửa
Nắng những con đường

Anh lại gần em
Ngập ngừng bỡ ngỡ
Bước đầu e sợ
Giông bão tình duyên

Em ngừng nhìn lên
Má em ửng đỏ
Mắt em rực rỡ
Biển xanh êm đềm

Học sinh cười nụ
(Các cụ học sinh)
Nhìn cô giáo nhỏ
Nhớ tuổi đa tình

Anh về gác cao
Mở tung cửa sổ
Bên trang sách dở
Nghe gió dạt dào

Sách không còn chữ
Chỉ thấy hình em
Mặt trời trong đêm
Nụ cười rực rỡ
Toả thành đôi chữ
I Tờ bay lên
Anh ngồi bên em
Chụm đầu lại đọc
Anh học em học
Những chữ yêu đầu

Ngày mai tươi cười
Tiếng người tha thiết

Em không cách biệt
Cuộc đời như xưa
Lớp học I Tờ
Cho em cuộc sống
Lòng anh như sóng
Đưa buồm ra khơi
Mắt em mở rộng
Ngập bốn chân trời
Từng đêm
Từng đêm
Hình em trong tim
Anh đi khắp phố
Hồn như biển gió
Nghe tiếng I Tờ
Sóng cuộn nhấp nhô
Lòng anh tự nhủ
- Dân ta đang mở
Những cánh cửa đời!

(Trang 19-21)


*


Quảng cáo

Sắp phát hành Giai phẩm mùa Thu tập IV, gồm những bài của Hoàng Cầm, Trần Công, Trần Duy, Nguyễn Dậu, Nguyễn Hữu Đang, Hữu Loan, Sỹ Ngọc, Tử Phác, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Trần Lê Văn…



[1]Tạp chí Người cộng sản – Bài “Vấn đề điển hình trong văn học và nghệ thuật.”
[2]Báo Pravda, số ra ngày 3-11-1953.
[3]Trong một xã hội không có đấu tranh giai cấp như Liên Xô hiện nay, chính trị tính của văn nghệ thể hiện ra ở nội dung xã hội chủ nghĩa của nó và ở tác dụng của nó đối với sự nghiệp xây dựng cộng sản chủ nghĩa (bồi dưỡng những nhân tố tích cực và đả phá tàn tích của những ý thức hệ giai cấp bóc lột).
[4]Nguyên văn chữ Pháp dịch câu của Mác: “Rendre l’oppression plus oppressive en lui donnant une conscience.”
[5]Tạp chí Người cộng sản – Bài “Vấn đề điển hình…”
[6]Trích ở bài “Sự ấy bắt đầu thế nào? Bút ký của Fernand Léger”, đăng trong báo Văn học Pháp ra ngày 25-8-1955 để kỷ niệm nhà hoạ sĩ mới từ trần. Trong số báo này có đăng một bức điện chia buồn của Maurice Thorez: “Rất đau đớn được tin mất của Fernand Léger một hoạ sĩ, một nhà nhân đạo chủ nghĩa, một người bạn”. Các văn sĩ tiến bộ Pháp và thế giới đều ca tụng nhiệt liệt sự nghiệp hội hoạ của Fernand Léger.
[7]Jean Fréville – Zola, semeur d’arages, trang 129 (Éditions Sociales), 1952.

Nguồn: Giai phẩm mùa Thu tập III - Vá»›i sá»± cá»™ng tác của Đào Duy Anh, Bùi Quang Đoài, Mai Hạnh, Phan Khôi, Chu Ngọc, Phùng Quán, TrÆ°Æ¡ng Tá»­u, Nguyá»…n Mạnh Tường. Bìa của Sỹ Ngọc. In tại nhà in Minh Đức. Bản khắc của Tiến Mỹ. Minh Đức xuất bản. In tại nhà in Xuân Thu 89, Nguyá»…n Thái Học, Hà Ná»™i. In 3200 cuốn. Khổ 16x24. 68 trang. Hoàn thành ngày 30-10-1956. Số xuất bản 51. Số nhà in 330. Ná»™p lÆ°u chiểu ngày 5–11–1956. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.