trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
22.8.2003
Nguyễn Hữu Liêm
Cái tật văn chương tào lao
 
Cái bệnh của học giả, nói như Nietzsche, là không viết lên được gì nếu không dựa trên sự trích dẫn từ kẻ khác. Tính sáng tạo của viết lách trên bình diện tư tưởng là sự nấu nướng những gì có sẵn thành một món ăn mới. Thế còn viết văn? Là đem những vật liệu còn sống, chưa được nấu, để như vậy và chỉ bày biện thành món ăn với thật nhiều gia vị. Cái giá trị của văn chương là phẩm chất tươi mát của sự trình bày. Và cũng đó là cái khuyết điểm lớn của nó: trạng thái sống sượng của sự kiện chưa được nấu nướng, chuyển hóa.

Văn hóa Việt Nam là một thứ phong hóa văn chương: một quá trình dàn dựng sự thể của sự kiện nhân sinh vào một mâm cỗ ngôn ngữ, cho thêm nhiều gia vị, và không được chuyển hóa. Người ăn mâm cổ văn chương tiếng Việt phải chấp nhận cái tươi mát và sống sượng của cuộc đời làm thực phẩm cho mình. Và dù họ có nhận thấy sự giới hạn và nghèo nàn của thức ăn sống, họ cũng không có chọn lựa nào vì con người và văn chương Việt Nam chưa bước lên tới bình diện tư tưởng để chuyển hóa sự thể sống sượng của sự đời. Người đọc văn tiếng Việt phải ngậm đắng nuốt cay mà nuốt tiếp cái phong hóa văn chương này.

Giá trị của tư tưởng nằm ở bình diện khái niệm và nguyên tắc: tính trừu tượng của ý thức được chuyển hóa từ sự thể trần truồng. Nó như là công việc nấu nướng vốn đòi hỏi nhiệt độ cao của lửa nhằm chuyển hóa đồ ăn sống sang thức ăn chín cho con người. Ẩm thực là một quá trình văn hóa đòi hỏi chuyển hóa từ nấu nướng, dọn ăn, hành vi ăn uống và sự tiêu hóa của thức ăn khi được đưa vào miệng cho đến khi trở thành nhiệt lượng để nuôi sống cơ thể. Khi chúng ta ăn là chúng ta tiếp thu cái gì đã được chuyển hóa nhằm thúc đẩy một tiến trình tiêu hóa mới trong cơ thể. Cũng như thế, khi chúng ta đi vào thế giới của ngôn ngữ, của sách vở, cái cần thiết là tư tưởng - khi cuộc đời đã được thăng biến trên cơ sở phạm trù. Văn chương Việt Nam thiếu cái đó. Nó cứ dọn những bữa ăn sống và tươi và đổ lên thật nhiều gia vị. Ðối với trái cây hay là salad thì được. Nhưng lịch sử và con người Việt Nam là thịt, là cá, là gạo. Nếu không nấu, kẻ ăn chỉ có bị bội thực và ngộ độc. Lịch sử và văn hóa Việt Nam đang bị bội thực và ngộ độc vì khả năng tri thức của dân tộc chỉ dừng lại ở biên giới văn chương - thứ văn chương thuần diễn tả.

Hãy nhìn Việt Nam suốt năm mươi năm qua cho đến hôm nay. Lâu lâu lắm mới có một vài tác giả viết về tư tưởng, nhưng hoàn toàn thiếu sáng tạo, và rồi bị bỏ quên. Trước 1975, ở ngoài Bắc thì chỉ có học thuyết Marx-Lenin,vốn không thể gọi là tư tưởng vì không có tự do tư duy; còn trong Nam thì một chút ít triết học hiện sinh từ Âu Châu nhiễm trùng văn chương bị bày biện vụng về trên các mâm cổ tràn ngập đồ ăn chưa được nấu, sống sượng và thô thiển. Ngày nay vẫn còn như thế, cái phong hóa văn chương này trở nên một cái bệnh "văn học." Nhìn đâu cũng thấy "văn học" - kể cả những cái gì rất là "vô văn học." Cái phong trào văn học và thi ca này trở thành chất men chính cho thế giới tư duy Việt Nam. Muốn nói một đều gì, người Việt đều nói qua thể dạng văn chương và thi ca và nhân danh chúng là văn học. Các tạp chí nhan nhản khắp nơi ở hải ngoại, kể cả các mạng điện tử, đều cũng chỉ có cái màn kịch - và trò chơi - văn học. Cả một cộng đồng ngôn ngữ tiếng Việt bị chìm đắm và ngột thở trong cái sống sượng và chưa tiêu hóa của những làng xã văn học vốn chỉ làm xanh tươi những luỹ tre và các cụm chuối - chứ không gầy giống và nuôi nổi một gốc cây đa lớn nào.

Với cái tật văn chương, và là một hệ quả từ đó, con người trí thức Việt ở khắp nơi, mang một năng ý lạ: ý chí làm báo. Báo chí là một thứ văn chương: dọn các mâm cỗ chỉ có diễn tả sự kiện còn sống sượng. Tật làm báo cũng như tật viết văn, làm thơ - tham dự vào các trò bát nháo. Ðây là cái thói quen thích nhậu nhẹt ở những vỉa hè ồn ào, náo nhiệt mà trong đó, con người với cơn say tràn ngập cảm giác khích động với cái đang là. Ði vào các làng xóm văn chương hải ngoại cũng như trong nước, khi các cụ, các bà văn chương gặp nhau là chỉ có nhậu nhẹt, ồn ào. Và cái phong hóa của họ được thể hiện trên các tờ báo, các tạp chí văn chương: ồn ào với đầy thức ăn chưa được nấu. Ngày nay thì còn nguy hơn với các trang báo điện tử trên mạng. Người Việt mình suy nghĩ cả năm mà còn chưa viết lên được một câu ra hồn; huống gì bây giờ họ viết lách theo tốc độ của điện.

Người Việt ở ngoài Bắc thì ưa viết văn, người Trung thì làm thơ, người Nam thì làm báo. Viết văn thì mang cái bệnh đểu, bệnh "sâu sắc" của diễn tả bóng gió, nói cay, nói đắng, lấy cái gia vị của ớt, của gừng làm cái ngon miệng - vì thức ăn chính thì chẳng có gì. Dân Bắc viết văn thì cũng giống như ăn một chén cơm gạo sống mà hai phần ba là gừng, là tỏi, là nghệ. Thế mà bà con cứ ào lên mà khen hay. Ðọc Nguyễn Huy Thiệp, Nguyệt Dung, Phạm Thị Hoài, hay gần đây, Phạm Hải Anh, thì sẽ thấy điều đó. Dân Trung thì đem cái máu thi ca vớ vẩn biến thành cuộc đời: ý chí đi làm cách mạng và đi tu. Xứ nào càng khổ thì càng nhiều thi sĩ. Các thi sĩ này biến thi ca thành ý chí hiện sinh: các tu sĩ và chính trị gia chỉ là các nhà thơ thất chí với cuộc đời. Dân gốc Quảng Trị, Quảng Nam bị cái bệnh thi ca này nhiều nhất vì không có cái xứ nào vừa nghèo, vừa đầy nhắp các tu sĩ của các tôn giáo, và nhiều con người muốn hy sinh cuộc đời cho cách mạng và chính trị như vậy. Còn dân Nam thì ưa nhậu. Và khi nào xỉn xỉn lên là hay ca vọng cổ. Tôi đề nghị là Sài gòn nên đặt tên cho đúng bản chất của nó và con người ở đó: thành phố Nhậu. Khi nhậu say lên là dân Nam ta nói chuyện làm báo. Vì báo chí là một kiểu nhậu khác - nhậu văn chương.

Nhưng dân Việt cả ba miền, viết văn, làm thơ, hay là làm báo, đều cũng chỉ là một loại: thứ mắc bệnh văn chương. Dân Bắc bây giờ bị đồng hóa bởi dân Nam qua cái bệnh nhậu, bệnh làm báo. Thử hỏi: nếu cái niềm vui duy nhất - và cao nhất - của dân Bắc bây giờ là ngồi bệt xuống chiếu bên bờ đê sông Hồng để ăn thịt chó và uống bia hay rượu đế, thì mần răng mà dân ta có tư tưởng cho được? Không những chỉ ở ngoài Bắc, mà là cả nước, đi đâu cũng là những bàn nhậu ồn ào, ăn tục nói phét, mà ở đó con người hành động thiếu tư cách, thiếu nhân phẩm, hạ cấp. Ở hải ngoại cũng thế, khi các cụ các bà các cô các cậu văn học ngồi lại là biến thành bàn nhậu. Không thấy có hội thảo nghiêm chỉnh, không có bài nói chuyện của những khách được mời. Các xóm văn chương hải ngoại, cũng như trong nước, lấy cái bầy nhầy, vô nghĩa làm vui, làm lẽ sống. Vì vậy, ngay cả ở tầm mức văn chương, các cộng đồng Việt Nam cũng chưa khá lên được.Ðừng mong chờ gì ở bình diện tư tưởng.

Ðó là chưa kể đi đâu cũng nghe các cô cậu viết văn tiếng Việt lý luận, trao đổi theo cái phong trào "deconstructionism" và "post-modernism" - tức là "lấy cái thấp để giải thích cái cao." Nhìn đâu họ cũng lấy chuyện dục tính, quyền lợi kinh tế, quyền lực là cái chính để giải thích cho sự việc. Không còn giá trị tinh thần, không còn thế giới của khái niệm và nguyên tắc, không có trực giác về ý nghĩa. Cái sành điệu của trí thức Việt Nam ngày nay là thứ sành điệu văn chương của các bàn nhậu thịt chó ở các vỉa hè ồn ào, dơ bẩn.

Có lần Tô Văn, một nhà báo gốc Bắc, ở Sài Gòn trước 1975, nổi tiếng là ăn thịt chó, uống rượu, hút thuốc phiện, nói rằng, "Hễ ghét thằng nào thì xúi nó làm báo. Hễ nó dính vô nghề báo là nó mang nghiệp vào thân. Chẳng bao giờ nó bỏ được, dù sẽ tan nát gia can, nghèo, khổ, lao động như là chó." Tô Văn có cái thú là, mỗi buổi chiều, khi báo mới được in ra, đem về phòng, hút thuốc phiện, và đọc bài của mình viết. Và chỉ đọc duy nhất có mỗi bài mình viết. Cái thú đọc bài mình viết trên báo cũng giống như là một cậu thiếu niên mặc áo đẹp nhìn vào gương. Không có gì là mới hay lạ cho đối tượng cả. Nó chỉ là cái ta, cái ngã mạn được xoa nắn. Ðó là cái thú văn chương trong vòng lẫn quẫn: lấy cái hiện tại của sự kiện quen thuộc, bày biện nó lại qua một thể tướng hơi khác, để chiêm ngưỡng lần nữa. Trong cái thú này, con người bị chìm đắm vào cái ta, không bước lên hay thoát ra ngoài cái tù túng của cuộc sống bằng tinh thần hay tư tưởng. Vì văn chương thiếu tinh thần và tư tưởng không đánh thức được ai. Nó chỉ ru ngủ thiên hạ - và làm cho mình bị say đắm với chính mình.

Trở lại để trích dẫn Nietzsche lần nữa: "Con gà mà đẻ nhiều thì trứng sẽ nhỏ đi." Cái dở của văn chương Việt Nam là nhiều chữ quá mà không nói lên được điều gì. Văn chương diễn tả làm cho người đọc bị kiệt sức: một múi chanh của sự thể khi vào trong tay của nhà văn Việt thì bị vắt, vắt, vắt, đến nát nhừ nhằm rút ra thêm được chút tàn lực của chất chua, chất chát. Nói tới, nói lui, theo Nguyên Ngọc, thì cũng chỉ lập lại một âm điệu đã nhàm - cái âm điệu bi đát, ai oán, đầy tiêu cực và thiếu tinh thần. Cuối cùng họ chỉ lặp lại chính mình. Cái tật văn chương, làm báo, làm thơ, tiêu hóa thời gian qua cái bận rộn của chữ nghĩa trống rỗng, đang là cái vũng bùn mềm nhũn cuốn hết cả một thế hệ Việt Nam. Thôi đi các anh chị viết văn Việt Nam: hãy tha đi cái múi chanh của sự đời dân tộc. Hãy đứng lên và bước ra khỏi vũng bùn của sự kiện - cái văn chương tào lao - để bước đi.
Nguồn: Đàn chim Việt, số 45, tháng 9.2003