trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
28.1.2004
Trần Lai Khê
Tranh luận về phương Đông và phương Tây
 
Trước tiên tôi xin cám ơn Trần Văn HậuNguyễn Văn Cường đã đọc kĩ điều tôi viết và phản đối những đánh giá của tôi về giáo sư Trần Đình Hượu, vì bằng vào những công kích của quí vị tôi có dịp khai triển những vấn đề rất quan trọng với nền khoa học xã hội còn non trẻ ở Việt Nam.

Trần Văn Hậu khẳng định là Trần Đình Hượu không áp dụng học thuyết Mác vào nghiên cứu văn hóa Việt Nam và Nho giáo. Còn Nguyễn Văn Cường cho biết là giáo sư đã dùng Nho giáo để nghiên cứu và giải thích văn hóa và văn học Việt Nam. Trong bài viết này tôi muốn: (1) đề cao vai trò của lý thuyết khoa học trong nghiên cứu khoa học, (2) chứng minh không thể lấy Nho giáo làm nền tảng cho nghiên cứu khoa học và (3) đề ra một giải pháp cho vấn đề Trần Đình Hượu quan tâm: xây dựng một xã hội ổn định trên nền tảng đạo đức.


Vai trò của lý thuyết khoa học

Trước hết xin phân biệt triết Đông và lý thuyết khoa học.

Về phương pháp triết lý Đông phương dùng trực giác trong khi khoa học Tây phương dùng suy luận trên những bằng chứng do quan sát và thí nghiệm mang lại. Theo Trần Trọng Kim, "Khổng Tử sở dĩ không dùng phép luận lý như của Tây là vì Ngài chủ lấy trực giác của tâm làm cái biết nhanh hơn và rõ hơn". Vậy Nho giáo dùng trực giác để khám phá thực tại bên trong và bên ngoài con người. Khoa học Tây phương không có tham vọng nghiên cứu một đề tài bao quát như vũ trụ, nhân loại từ cổ chí kim nên thường giới hạn vào một đề tài nhỏ. Tóm lại nghiên cứu kiểu Đông phương là đề tài vô cùng rộng lớn và chuyên dùng trực giác, còn kiểu Tây phương là đề tài nhỏ có giới hạn và dùng suy luận. Người Đông phương mơ tưởng trực giác thấy toàn thể, tròn đầy và tối hậu. Người Tây phương không tin vào trực giác nhưng tin vào quan sát, bằng chứng, suy luận. Xin lấy một ví dụ. Giả dụ có hai điều tra viên tên Đông và Tây cùng điều tra một vụ án mạng chết người. Đông chuyên dùng trực giác đứng trước hiện trường quan sát hiện trường tang vật những kẻ tình nghi bèn cảm thấy rằng X có lẽ là thủ phạm vì những lý do a, b, c. Tây chuyên dùng suy luận không cả quyết điều gì trước khi nắm được bằng chứng; Tây kiên nhẫn thu thập bằng chứng trước khi kết luận ai là thủ phạm. Thật là nguy hiểm cho những kẻ bị tình nghi khi điều tra viên hay dùng trực giác.

Nguồn gốc sâu xa của niềm tin vào trực giác là quan niệm "vạn vật đồng nhất thể" hay "thiên nhân tương dữ". Đó là niềm tin vào khả năng cảm nhận chân lý trực tiếp của con người một khi người ấy đã gạn lọc hết những tham vọng thấp hèn. Triết gia phương Đông kể cả Khổng Tử, Đức Phật đều không hiểu rằng không thể nào bỏ hết thành kiến, kiến thức, truyền thống văn hóa, ngôn ngữ có sẵn trong mỗi chúng ta. Điều kiện cần để nhận thức bất cứ hiện tượng xã hội nào cũng là một lý thuyết, có khi khoa học vì tính khách quan, hệ thống vì được xây dựng bởi lý trí, có khi là một khối tạp nham lộn xộn vì phát xuất từ nhiều nguồn. Tôi rất đồng ý với Trần Đình Hượu về hiện tượng trầm tích trong tư tưởng Việt.


Không thể lấy Nho giáo làm nền tảng nghiên cứu khoa học

(1) Một lý thuyết khoa học cần có nhiều khái niệm mới kết thành một hệ thống như chủ nghĩa Mác. Áp dụng chủ nghĩa Mác với các khái niệm "tha hoá" (alienation), "ý thức hệ", "đấu tranh giai cấp", v.v. nhà nghiên cưú nhìn ra những mặt trước kia ông không thấy. Khi nhà nghiên cứu không có nền tảng lý thuyết ông không phát hiện được điều gì mới mẻ và quan trọng vì tầm nhận thức của ông ngang tầm người thường.

(2) Triết lý Nho giáo không thể làm nền tảng cho nghiên cứu khoa học vì bản thân nó dựa vào trực giác, coi thường lý trí và tin tưởng vào những niềm tin phi khoa học. Những khái niệm cơ bản của lý thuyết khoa học có tính chính xác, có biên giới rõ ràng vì dựa trên nguyên lý đồng nhất A khác với không A. Những khái niệm cơ bản của triết Đông có tính mơ hồ vì không tin vào nguyên lý đồng nhất, đôi khi còn phủ nhận nguyên lý đồng nhất với lý do là mọi sự vật đều biến đổi với thời gian. Đúng là không có ai có thể tắm hai lần y hệt nhau trên cùng một dòng sông nhưng tri thức khoa học không nhắm đến cái thức thường chuyển đó. Khoa học nhắm đến cái cốt lõi, đầu mối của mọi sự. Ví như tấm bản đồ không có đầy đủ chi tiết như tấm ảnh chụp từ máy bay nhưng tấm bản đồ giúp ta dễ dàng di chuyển trong thành phố lạ. Sự thực khoa học có thể chứng minh, phô bày còn chân lý của đạo học chỉ có thể cảm nghiệm. Hậu quả là khoa học thì rõ ràng chính xác còn đạo học thì mơ hồ, tha hồ suy diễn.


Xây dựng một xã hội ổn định lâu dài

Tranh luận về con đường tốt nhất để phát triển đất nước có lẽ bắt đầu rất lâu trước nghiên cưú của Trần Đình Hượu về bản sắc văn hóa dân tộc và Nho giáo sau khi người Việt yêu nước thất bại trong việc đẩy lùi quân đội viễn chinh Pháp trong phong trào Cần Vương và Văn Thân. Có hai chủ trương khác nhau giữa những trí thức yêu nước tôi tạm đặt tên là nhóm dung hòa và nhóm duy tân. Nhóm dung hòa muốn xây lại căn nhà đổ nát Việt Nam trên cái nền Nho giáo cũ với gạch ngói mới từ phương Tây. Nhóm duy tân muốn thay cả cái nền nhà cũ theo kiểu phương Tây. Những người nổi bật trong nhóm dung hoà là Phan Bội Châu, Trần Trọng Kim và trong nhóm duy tân là Phan Chu Trinh, Phan Khôi, Hoàng Đạo và những người Mác-xít. Giáo sư Trần Đình Hượu thuộc nhóm dung hòa theo sự trình bày của Đỗ Lai Thúy trong "Trần Đình Hượu - một ngọn gió":

"Có chăng là trong khi chưa thể cách ngay cái mạng của nó thì vẫn phải tìm cách lợi dụng những chỗ còn dùng được của nó. Để tránh những đổ vỡ không cần thiết. Và có lẽ đó là cách đi thích hợp nhất trên con đường hiện đại hoá?"

Cá nhân tôi ủng hộ nhóm duy tân nghĩa là ở phe đối nghịch với Trần Đình Hượu vì những lý do sau:

(1) Đạo đức là nền tảng của xã hội. Xã hội hỗn loạn hay không tùy thuộc sự hiện hữu hay không của một nền đạo đức được toàn thể hay đa số thành viên trong xã hội tin tưởng và thực hành. Đạo đức là niềm tin căn bản vào những giá trị phổ quát (universal). Một nền đạo đức chân chính phải chấp nhận nguyên tắc bình đẳng. Peter Singer, giáo sư triết học tại Đại học Princeton giải thích nguyên tắc bình đẳng là được thụ hưởng đồng đều về quyền lợi (the principle of equal consideration of interests). Quyền lợi (interest) ở đây được hiểu là ước vọng được sống tự do như được phát biểu trong Công ước quốc tế về Nhân quyền. Nếu chấp nhận nguyên tắc bình đẳng là nền tảng đạo đức người ta không thể chấp nhận đạo lý Nho giáo vì quan niệm tam cương, quân, sư, phu.

(2) Sai lầm căn bản của Mác là phủ nhận nguyên tắc bình đẳng khi đặt quyền lợi của giai cấp công nhân cao hơn các giai cấp khác. Trong các nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa chủ trương ưu đãi công nông đã thủ tiêu đạo đức cổ truyền, điển hình là phong trào cảỉ cách ruộng đất. Vì đạo đức nghiêng về một thành phần trong xã hội sẽ không được toàn thể xã hội công nhận. Không có sức mạnh nào làm con người tuân phục kính trọng nền đạo đức ưu đãi một nhóm trong xã hội. Gốc rễ của hỗn loạn xã hội bắt nguồn từ sự biến mất đạo đức cổ truyền và không có gì thay thế. Đạo đức cộng sản hay đạo đức cách mạng không thuyết phục được ai vì nó không bình đẳng và công bình. Một nền đạo đức cần thiết cho sự ổn định xã hội phải đặt trên những nguyên tắc căn bản được chấp nhận như những công lý hay định đề trong toán học.

(3) Nguyên tắc bình đẳng mở đường cho đối thoại và tranh luận. Trong bất cứ xung đột nào về quyền lợi, mỗi người mỗi phe nhóm đều có quyền phát biểu và bảo vệ quan điểm của mình. Chỉ có tranh luận trên nền tảng chấp nhận một số từ ngữ căn bản, tôn trọng nguyên tắc đồng nhất. Đạo học Đông phương nghĩ cho cùng chỉ là giải đáp cho những vấn đề cá nhân, không có khả năng giải quyết bài toán xã hội.

Ngày 22/01/2004

© 2004 talawas