trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữDịch thuật
12.3.2005
Trịnh Chí Trung
Có phải ai cũng hiểu máy vi tính đúng là cái máy đó không?
 
Trong thư đăng ngày 25.2.2005, một độc giả đề tên Tám phản đối việc tranh luận từ vi tính. Cũng như một số độc giả và tác giả khác, ông cho rằng mọi người hiểu từ đó chỉ đúng cái máy đó là được rồi, “chiết tự” đúng sai mà làm gì. Thực ra, có phải ai cũng hiểu máy vi tính đúng là cái máy đó không?

Sau khi đọc bài Nhân thân mờ ám của tác giả Bùi Việt Bắc, tôi cũng bắt chước hỏi thử những người xung quanh, đa số trả lời “vi tính là tính cái tinh vi”, một người cho là “tính cái nhỏ”, và tất cả đều thống nhất là để phân biệt với cái calculator. Quý vị thử hỏi xem. Thực ra từ microcomputer sinh ra và ta dịch là máy vi tính là để phân biệt với cái máy tính điện tử đồ sộ chứ không phải để phân biệt với cái máy tính cầm tay (calculator) như tuyệt đại đa số mọi người tưởng. Hôm qua, trong hiệu sách tôi tình cờ vớ được một bằng chứng làm tôi suýt bật cười. Trong cuốn “Từ điển Anh-Việt. Theo chủ đề” của tác giả Lã Thành, Nhà xuất bản TP HCM, 2001, ở trang 291 có đoạn:

7. Computer 7. Máy điện toán
Analog (analogue) computer Máy vi tính tương tự
Desk computer Máy vi tính để bàn
First generation computer Máy vi tính thế hệ thứ nhất (dùng đèn điện tử)

Ðoạn này chứng tỏ không những người bình thường mà cả người soạn từ điển cũng hiểu sai ý nghĩa của chữ vi chèn vào giữa máytính. Rất ít người hiểu đó là cái PC hoặc cái máy tính cực nhỏ. Dù tôi không hỏi cũng biết ông Lã Thành đinh ninh máy vi tính là tất cả các loại máy tính lập trình (nói nôm na là máy tính cái tinh vi). Trong đoạn trích trên, dòng thứ hai và dòng thứ tư chính là máy tính điện tử đồ sộ.

Như vậy cuộc tranh luận không vô ích như một số ông tưởng đâu! Ngoài ra, tôi thích đọc vì một số bài thực sự giúp tôi học hỏi được nhiều điều bổ ích về tiếng Việt, về lịch sử máy tính, quan điểm dịch thuật... Qua các bài viết ta còn phác thảo được vài nét “chân dung” của những người mình chưa hề gặp ngoài đời. Văn là người mà. Một ông bạn tôi lại gọi cuộc tranh luận này là trò chơi trí tuệ.

Tôi thấy chẳng có ai chiết tự ở đây cả, chỉ có phân tích ngữ pháp, chuyên mục Ngôn ngữ và Dịch thuật mà không phân tích từ ngữ thì phân tích gì? Chiết tự chỉ có với chữ tượng hình. Ngày xưa người ta hay tách từng nét chữ Nho ra để bói điềm lành dữ. Ðây bàn luận về tiếng mẹ đẻ, ai thấy thích, thấy cần, hiểu được thì đọc. Ai không thích, khỏi. Có gì mà phải phản ứng, không khéo có người lại nói là cáo chê nho chua.

Về ba cặp từ tạp ghi, đại bịp, đại bợm mà ông Ðông A nêu lên, tôi hoàn toàn nhất trí với ông/bà N.H. ở điểm cho rằng trong tiếng Việt trạng từ có thể viết trước động từ cũng như có thể viết sau động từ (cười hớn hở=hớn hở cười). Còn tính từ với danh từ thì không như vậy, phải theo quy tắc chính trước phụ sau như ông Bùi Vĩnh Phúc và ông Dũng Vũ đã hướng dẫn. Tiếng Việt ta không có biến âm nên một từ có lúc là danh từ lúc khác lại là động từ, hoặc nơi này là tính từ, chỗ khác lại là trạng từ, tuỳ theo ý nghĩa trong câu. Thí dụ: “Con tôi học tiếng Pháp” thì học là động từ nhưng trong câu: “Dạo này học hành của con ra sao?” thì học đã là danh từ. Không nhất thiết phải viết “việc học hành” mới thành danh từ.

Như vậy trạng từ tạp (một từ Hán Việt, trong trường hợp này có thể xem như một từ Việt) đứng bên trái một động từ là không có gì lạ cả. Nếu xem tạp là một tính từ và ghi là một danh từ mới không ổn theo cách phân tích của ông Ðông A.

Tương tự, đại bịp hoặc đại bợm là hai cặp từ dùng theo tiếng Việt trong đó đại là âm Hán Việt được xem là âm Việt bổ nghĩa cho động từ bịp hoặc bợm là có thể chấp nhận được. Bịpbợm ở ngữ cảnh khác có thể là tính từ, trạng từ đại bổ nghĩa cho chúng cũng không có gì sai. Khác với cặp từ tạp ký, hai cặp từ sau mang tính chất dân dã, hài hước hơn là một từ tiêu chuẩn. Có khả năng mới đầu bịp bợm chỉ là tiếng lóng, dần dần nhiều người dùng, nó trở thành từ chính thức, nhưng dẫu sao nó cũng không hoàn toàn là chính thức. Ngay cả từ tạp ghi, thoạt nhìn cũng hơi nghịch mắt, hơi chông chênh vì cảm giác là một tính từ đứng bên trái danh từ nhưng xét từ góc độ khác nó vẫn đúng, không dễ gì bắt bẻ được.

Các nhà văn lại thích như thế. Trong khi các chính khách xuất hiện trước công chúng thường vận com lê, cravat nghiêm chỉnh thì văn nghệ sỹ có thể để tóc bù xù, quần áo cẩu thả theo kiểu của họ. Ngôn từ cũng có loại nọ loại kia. Ở đây tôi cũng xin phép được chia sẻ với ông/bà N.H. ở điểm là các nhà văn thường phải tìm tòi, sáng tạo từ mới. Những từ đã dùng quá nhiều họ cho là sáo mòn, nhàm. Thỉnh thoảng họ phải làm xiếc một chút để gây hứng thú cho người đọc. Cho nên việc họ dùng những từ hơi gây nghi ngờ, hơi informal là chuyện dễ hiểu, những người soạn từ điển thuật ngữ khoa học không nên bắt chước. Nhưng cũng chính vì các nhà văn là thợ chữ nên không dễ dàng bắt bẻ họ như anh Ðông A đã doạ đâu.

Trường hợp từ vi tính lại không thể lý giải theo cách này. Tính có thể làm động từ nhưng vi không thể làm trạng từ để bổ nghĩa cho nó. Có thể tính nhiều - tính ít, tính nhanh- tính chậm, tính đúng- tính sai chứ nhất quyết không thể tính vi (tính một cách cực nhỏ được). Như vậy đi với vi, tính chỉ có thể làm danh từ và cái sai đã được một số tác giả lý giải.

Ðây cũng chính là điểm tôi đồng ý với một số tác giả là khó mà tồn tại từ microcomputing. Cái máy có thể nhỏ chứ tính toán làm sao nhỏ được! Từ máy vi tính dịch ngược ra tiếng Anh phải là microcomputing machine(s) là điều chưa ai gặp. Trong bài Vậy mà... ông Hà Sơn Tây viết: “Google trả lời có 43000 trường hợp xuất hiện từ microcomputing” mà không nói rõ là ở đâu, trong khoảng thời gian bao nhiêu, qua kiểm tra bao nhiêu tài liệu, của những nước sử dụng tiếng Anh hay không sử dụng tiếng Anh? Câu vừa nêu cũng lấp lửng và vô nghĩa như câu “Có 2000 trường hợp bị nhiễm HIV” mà không nói ở tỉnh, thành, nước nào, phát hiện trong khoảng thời gian bao lâu, hay là phát hiện trong số bao nhiêu người được kiểm tra. Trong bài Vậy máy bán tính... đăng ngày 24.2.2005 ông Nghiêm Xuân Thông đã nêu một số câu hỏi cho ông Hà Sơn Tây và nay tôi xin đưa thêm câu hỏi này.

Còn “giả thuyết” của ông Hà Sơn Tây cho rằng micro-ordinateur là máy tính có microprocessor chứ không phải vì nó nhỏ làm ông Nghiêm Xuân Thông băn khoăn, tôi cũng xin thưa luôn để ông Thông khỏi phải mong câu trả lời. Nếu cái ông người Pháp đó khẳng định “giả thuyết” đó của ông Hà Sơn Tây trước một hội nghị tin học, tôi dám chắc có nhiều người sẽ cười ồ lên, vặn lại rằng, thế ông cho mainframe và supercomputer cũng là micro-ordinateur chắc? Hai loại máy tính này cũng dùng microprocessor nhưng không có ai gọi là micro-ordinateur.

Nếu tác giả bài Cái cối xay vi tính cho rằng dịch từ electronic computer ra thành máy tính điện tử và máy điện toán mà còn sai thì tôi nghĩ tất cả các dịch giả sẽ thất nghiệp hết. Máy tính điện tử lấy đầy đủ ý nghĩa của từ cần dịch nhưng hơi dài. Máy điện toán gọn hơn, nghe “nổ” hơn, là có chút biến báo sáng tạo của người dịch. Lúc này điện bổ nghĩa cho toán chứ không phải điện tử bổ nghĩa cho máy tính. Ðiện ở đây thời đó ai cũng hiểu là cách nói tắt của điện tử. Nếu ai bắt bẻ đi nữa thì điện toán cũng chẳng có gì sai, nó là tính toán, xử lý bằng điện, tức là bằng máy. Ngày nay máy điện toán không còn dùng bóng điện tử nữa, ta có thể hiểu theo cách thứ nhất là cái tên này do lịch sử để lại. Còn hiểu theo cách thứ hai: cái máy tính toán bằng điện hay máy tính chạy bằng điện cũng chẳng có gì sai, quan trọng ở chỗ nó chính là cái computer, không hề có chút nhầm lẫn nào hết.

Ngày nay máy tính làm được mọi tính toán con người làm được và cả những tính toán con người không làm được hoặc không làm xuể: dự báo thời tiết, điều khiến tàu vũ trụ, hạch toán tài chính ngân hàng, thực hiện mọi tính toán nẩy sinh trong quá trình nghiên cứu khoa học-công nghệ... Trong thời đại máy tính, tính hoặc toán người ta không hiểu đơn giản là mấy phép tính như ông Tám tưởng đâu. Nó bao gồm cả suy diễn lôgic, xử lý ngôn ngữ tự nhiên... Thế thì các từ computer, máy tính sai là sai chỗ nào!

Riêng tôi, không dám khuyên ai dùng từ gì, nhưng đã nhận thức được, phần nhiều qua một số bài tốt ở đây. Nếu tôi là người soạn từ điển, từ computer tôi sẽ dịch là máy điện toán, máy tính. Từ microcomputer tôi sẽ dịch là máy tính cực nhỏ, máy vi tính. Trong sử dụng hằng ngày, khi không sợ lẫn với calculator và khi có tính từ kèm theo tôi dùng máy tính: máy tính cá nhân (PC), máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính chủ... Khi sợ lẫn với calculator nên dùng máy điện toán, thí dụ thông báo các hạng mục thuế chẳng hạn, nhầm hai mặt hàng này thì gay go. “Vi” chẳng gì cũng đã chung sống với chúng ta hàng chục năm, ai thích thì cứ dùng, nhưng lưu ý để đừng hiểu sai sang cái máy khác. Ngoài ra, mặc dù từ microcomputer chỉ được dùng nhiều trong thập kỷ 70 và ngày nay nó chỉ còn chỗ trong từ điển cũng như trong lịch sử máy tính, ta cứ thoải mái dịch nó là máy vi tính nếu muốn mà không phải bận tâm đến ngữ pháp. Dĩ nhiên, khi đứng riêng, như tên tờ báo, hay tạp chí chẳng hạn, có lẽ nên gọi là Ðiện toán.

© 2005 talawas