trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 80 bài
  1 - 20 / 80 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
1.1.1990
Micha Schulze
“Tên em là Ðào”
Đặng Hoàng Giang dịch
 
Vương quốc của Trường không tới tám mét vuông. Cái giường đã chiếm gần một nửa. Niềm tự hào của anh, chiếc tivi cùng đầu video, được phủ khăn đặt ở một góc phòng, ai vào cũng phải thấy. Một bức ảnh Leonardo DiCaprio treo trên tường. “Anh ấy cùng hội với chúng ta, đúng không nhỉ?”, Trường hỏi.

Trường 30 tuổi, làm tiếp tân tại một khách sạn quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh. Anh sống cùng bố mẹ và ông bà. Bức ảnh bán khỏa thân của tay diễn viên Mỹ trong phòng anh là ám chỉ kín đáo duy nhất về sự đồng tính luyến ái của Trường. Mẹ anh vẫn đợi anh cưới vợ và mỗi ngày giục một nhiều hơn. Ở tuổi Trường, hiếm đàn ông chưa lập gia đình, cả bẩy chị em gái Trường cũng đã đâu vào đấy từ lâu. Nhưng anh vẫn vô tư . “Mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đấy mà”.

Khi anh muốn sống cuộc sống gay của mình (khoảng tuần một lần), thì Trường lại đánh chiếc quần lót Calvin Klein chính hiệu của mình, hôn mẹ một cái rồi cưỡi xe máy tới một trong những phòng tắm hơi nhan nhản của thành phố. Hoặc buổi chiều anh gặp bạn gay tại quán quen 343, tán gẫu dưới đài phun nước và ngắm trai. Buổi tối người ta có thể nhìn thấy anh nhẩy ở disco Sầm Sơn. Vào thứ ba, thứ sáu và chủ nhật gần như một trăm phần trăm khách ở đây là dân gay. Cái thủ phủ náo động 6 triệu dân của miền Nam này không thiếu gì tụ điểm.

Chỉ có làm tình là không đơn giản. Trường không thể đem bạn về cái phòng tường mỏng dính của mình được. Anh phải sử dụng lúc thì một góc tối của phòng tắm hơi, lúc thì nhà vệ sinh của một disco, lúc một khách sạn tồi tàn. Ðối với người Ðức chuyện nghe có vẻ cổ hủ nhưng với Trường đây là một lựa chọn có ý thức: “Tất nhiên là tôi đồng tính luyến ái và tôi thích đàn ông”, Trường nói, nhưng anh vẫn không hình dung được một quan hệ vợ chồng gay. “Gia đình tôi quan trọng hơn là một người bạn trai cố định. Nếu không thì ai sẽ chăm sóc bố mẹ và ông bà tôi bây giờ?”

Trường là một đại diện điển hình của “thế hệ gay” mới, thế hệ muốn kết hợp giá trị truyền thống và cuộc sống đồng tính luyến ái. “Phần lớn dân gay sống cùng bố mẹ mình và một lúc nào đấy sẽ phải lập gia đình”, Chung xác nhận. Giọng Chung đầy tự hào, bởi cậu dám đi một con đường khác. Chàng trai 28 tuổi này đi một chiếc xe máy đắt tiền, điện thoại di động lúc nào cũng áp tai. Cậu sống chung với bạn trai trong một ngôi nhà riêng. Chung luôn luôn ăn mặc đúng mốt, trông không khác gì một người hay giao du trong giới gay Ðức. “Có tiền thì dân gay có thể sống thoải mái tại Sài Gòn, chả có phiền hà gì”, Chung cười. Chung chủ ý nói Sài Gòn, chứ không phải Thành phố Hồ Chí Minh. Cậu không muốn dính dáng gì đến những ông “Việt cộng già”, cậu là một đứa con của thời kỳ Ðổi mới.

Hầu như chả có dấu vết gì của chủ nghĩa xã hội tại cái thành phố này, thậm chí Bác Hồ người ta cũng chỉ nhìn thấy trên những tờ tiền nhầu nát. Kinh tế thị trường bảo vệ quyền lợi của kẻ mạnh trong mọi lĩnh vực cuộc sống, phân cách giầu và nghèo ngày một tăng. Càng có nhiều quán ăn xa xỉ và tiệm quần áo quý tộc tại Quận 1 thì càng có nhiều người tàn tật và ăn mày ngồi trước cửa. Chung hay ra vào những chỗ này, cậu chả để ý đến họ nữa. Cậu làm hướng dẫn viên cho hãng du lịch gay Utopia-Tours và dẫn khách Mỹ, Úc, thỉnh thoảng châu Âu, thăm thú Việt Nam. Cậu giới thiệu văn hóa, bãi biển, di tích và tất nhiên cả cuộc sống gay của Sài gòn. Khách của cậu thường trên 40, độc thân, và rất mê cậu. Chung là người quảng cáo tốt nhất cho đất nước của mình, cậu phóng đại tô màu cả những chỗ không cần thiết. “Gần như trăm phần trăm văn nghệ sĩ ở đây là dân gay”. Chung tự hào về Việt nam và công việc của cậu. Cậu không quan tâm đến chuyện xuất ngoại, bởi ở đây cậu đã đạt được thành công nhất định. “Tên em là Ðào”, cậu tiết lộ tên gay của mình. Dân gay Việt Nam thường hay gọi nhau bằng tên con gái Tầu.

“Trong thời gian tới người ta sẽ chưa thấy những khu phố gay, khách sạn hay tiệm nhảy Go Go gay”, Douglas Thompson, một người Mỹ am hiểu Việt Nam, làm giảm hy vọng của một số khách du lịch. Anh xuất bản cuốn “Ðàn ông Việt Nam” vào năm 1998, làm việc cho Utopia Tours ở Bangkok, và là sếp của Chung. Anh ngăn chặn những hiểu lầm của một số khách gay: Việt Nam không có một nơi chốn sinh hoạt giới gay riêng với nhau như ở phương Tây, không có một lối sống gay hay phong trào đấu tranh cho người đồng tính luyến ái. Nhưng trong truyền thống văn hóa Việt Nam, sự tiếp xúc cơ thể với người cùng giới có một chỗ đứng lâu đời. Trên đường phố Sài Gòn người ta thường xuyên thấy nam giới cầm tay hay khoác vai nhau, thậm chí hôn nhau cũng là bình thường. Tình dục đồng giới được ghi chép lại từ thời Khổng Tử và được khoan dung, mặc dù thời đó họ không gọi nhau là đồng tính luyến ái.

Donn Colby, người Mỹ, điều tra về những “MSM” (man have sex with man) - đàn ông ngủ với đàn ông - tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khuôn khổ một dự án một năm được tài trợ bởi Bộ Y tế Mỹ, ông tìm hiểu số lượng người nhiễm HIV trong số đàn ông gay và lưỡng tính. Ông phỏng đoán Sài Gòn có đến 100 000 MSM. Những phỏng vấn ban đầu cho thấy, chỉ khoảng 40% sử dụng bao cao su trong khi làm tình qua hậu môn.

Về mọi mặt, Donn Colby là người tiên phong. Mặc dù Bộ Y tế Việt Nam trương áp phích đầy đường kêu gọi sử dụng bao cao su (“Chuyện này ở Mỹ chẳng thể có!”), nhưng kem bôi trơn tan được trong nước (được dùng trong khi nam giới làm tình với nhau – Người dịch) thì chẳng nơi nào có bán. Người ta ít biết về những đường truyền bệnh SIDA. “Dân gay tại Thành phố Hồ Chí Minh chịu một sự nguy hiểm về SIDA rất lớn”, Colby thở dài, “trong khi đó những người công tác xã hội có thể tiếp xúc với họ tương đối dễ dàng”.

Tuy nhiên, đã có những thử nghiệm đầu tiên. Thanh, với những lọn tóc vàng và động tác ve vẩy của mình, trông từ xa đã biết ngay là cậu thuộc về “gia đình”. Tối thứ ba hàng tuần, cậu đứng phân phát bao cao su trước cửa disco Sầm Sơn ở đường Lê Lợi và thử bắt chuyện với khách về chuyện an toàn trong khi làm tình. Một công việc khó khăn: phần lớn người ta quay đi, hoặc từ chối không nhận bao cao su, chỉ cười ngượng ngịu, hoặc họ tránh xa ngay từ đầu. Mọi người đều biết Thanh làm công tác xã hội. “Không ai nói về Sex cả, đây là chuyện cấm kị”, Thanh giải thích hoàn cảnh khó khăn của mình. Douglas Thompson tài trợ việc phân phát bao cao su này bằng tiền bán quyển sách của anh, trong đó có một chương bằng tiếng Việt nói cách phòng tránh các bệnh tình dục.

Chung, hướng dẫn viên du lịch, có thể nói về Sex mà không ngại ngùng gì. Trái lại, anh luôn tò mò tìm hiểu sở thích của khách hàng và cũng chẳng cần giấu giếm cách làm tình của mình: “Một tuần thì em làm vợ, anh bạn em làm chồng, tuần sau em làm chồng, bạn em làm vợ, tuần sau nữa thì lại ngược lại”. Chung không thể thông cảm được với những cô chàng làm ở quầy bar hay hầu bàn tại những quán cafe thanh niên. “Em chả muốn mình cố định vào một vai”.

Việt Nam có nhiều phản ứng trái ngược nhau với “Thế hệ gay” đang ngày một định hình này. Mặc dù đồng tính luyến ái chưa bao giờ bị coi là một tội phạm, nhưng những người lãnh đạo đang lưỡng lự không biết nên chống lại cái “mốt phương Tây” này, nên coi đó như một trò kỳ quặc vui vui, hay nên chấp nhận nó như một hiện tượng không tránh khỏi đi đôi với kinh tế thị trường. Vì vậy mà những phong trào chống mại dâm gay xuất hiện luân phiên với những cuốn sách kêu gọi lòng khoan dung.

“Ở đây thiếu hoàn toàn những cái nhìn thiện ý cho lối sống gay”, nhà văn Michael Sollorz, sau một chuyến đi Sài Gòn cách đây hai năm, đã viết một cách bi quan trên tờ báo này. Trong bầu không khí của “vô hình và im lặng” ở Việt Nam, người đồng tính luyến ái “hầu như không thể nuôi được một sự tự tin.” Sollorz đã nhầm. Ông đã không tiếp xúc được với sự yêu đời của Trường, Chung, Thanh và nhiều thanh niên khác, những người đã tìm được bản sắc của mình mặc dù thiếu cờ cầu vồng, “Spartacus” và quán Phòng tối. Thế hệ gay đầu tiên của Việt Nam ý thức rất rõ về sự đồng tính luyến ái của mình. Họ chỉ sống với mình một lần trong tuần, thậm chí ít hơn, nhưng lúc đó họ sống thật. Mọi người truyền miệng nhau những tụ điểm gặp gỡ như Cafe Phương Cát vào sáng chủ nhật, hay đường Huỳnh Văn Bánh, nơi hàng trăm dân gay ngồi uống tới sáng. Họ biết họ đã đạt được những điều nhất định, mọi việc nhất định rồi sẽ tốt đẹp lên, và họ tiếp tục cuộc hành trình với sự nhẫn nại đặc trưng của Việt Nam. “Chúng tôi luôn tìm được khoảng trống cho mình”, Ðức, 25 tuổi, nói. Như phần lớn mọi người, cậu ở cùng bố mẹ và anh chị. Ðể sống mảng đồng tính luyến ái của mình, cậu cùng tám người bạn khác của mình thuê một căn hộ riêng...

Tất nhiên, một số thanh niên không muốn tiếp tục chịu đựng cảnh nghèo khổ và sự bế tắc về đường gia đình nữa, họ muốn ra nước ngoài. Ví dụ như Nhật. Tại tiệm mua vui mờ ám Apocalypse Now cậu hay sán lại những khách du lịch gay trông có vẻ như từ Hà Lan, Ðức hay Bắc Âu tới, những kẻ mà trong một buổi tối có thể dễ dàng tiêu vung một số tiền tương đương với một tháng lương của một công nhân Việt Nam. Chẳng phải là cậu khoái dân tóc vàng, mà cậu nghe nói là nam giới nước này được quyền lấy đàn ông, kể cả đàn ông nước ngoài như cậu. Nhưng tới giờ cậu vẫn không thành công. Có lẽ cậu tiếp cận đối tượng vội vàng quá, hoặc bản thân cậu cũng không tin tưởng lắm vào một cuộc hôn nhân gay.

Ðáng mừng là Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay vẫn còn xa mới giống Bangkok, nơi mà giới gay đã bị ngành du lịch và ngành thương mại Sex lũng đoạn. Tại Việt Nam, đặc biệt là ở miền Nam tự do hơn, “Thế hệ gay” có cơ hội tự quyết định con đường phát triển của mình, mặc dù bây giờ người ta cũng đã nhìn thấy những cảnh đáng kinh tởm, như cảnh một tay da trắng giầu có để một cậu bé 12 tuổi phục vụ dưới vòi hoa sen của Worker’s Club. Tiền công là một đôla.

“Có thể mấy năm nữa em sẽ mở một phòng tắm hơi cho dân gay”, Chung tâm sự về kế hoạch tương lai của mình. Chừng nào còn được thì Chung vẫn muốn làm hướng dẫn du lịch, cùng khách đi chơi đây đó, ra vào khách sạn và quán ăn sang, hưởng thụ vật chất và được mọi người biết đến. Có thể một ngày nào đó cậu sẽ cưới bạn cậu, Chung mơ mộng. “Tất nhiên không thể đường đường chính chính, nhưng mà em muốn có lễ thật to và thật nhiều khách”.

Cả Trường, người tiếp tân với bức ảnh Leonardo DiCaprio, cũng mơ đến chuyện mở một tiệm Cafe gay, nhưng rồi anh lại tự cười ngay ý định của mình. Anh đủ thực tế để hiểu rằng sẽ chẳng thể nào giải thích cho mẹ anh được. Nhưng anh cũng biết là anh còn nhiều điều để khám phá. Tại khách sạn, Trường tận dụng mọi cơ hội để tìm những trang gay trên Internet. Anh cũng để ý thấy khá nhiều người trong số những nam chiêu đãi viên của một hãng hàng không Úc hay ở khách sạn anh đem khách đàn ông Việt Nam lên phòng “nhưng tất nhiên chỉ tới 11 giờ đêm và khách phải trình chứng minh thư”, Trường quen với nguyên tắc ở đây.

Gần đây anh đọc được trên Internet về Mardi Gras ở Sidney (một cuộc diễu hành lớn của người đồng tính luyến ái – Người dịch). “Hàng trăm nghìn người gay nhảy múa ngoài đường?” Trường không thể tưởng tượng được, anh hỏi, vừa thích thú vừa ngại ngùng. Mấy tuần nay rồi anh định hỏi một tay chiêu đãi viên Úc về chuyện này. Ngày mai, ngày mai nhất định anh sẽ quyết tâm hỏi.

Nguồn: QUEER, Tạp chí hàng tháng cho người gay nam và nữ, lưỡng tính và hoán tính, tháng Hai 2002.
Micha Schulze (34) là chủ biên và biên tập viên về chuyên mục du lịch của tạp chí QUEER. Anh sống với bạn trai ở Köln.