trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
31.10.2008
Hoàng Ngọc-Tuấn
Một lối nghiên cứu đáng ngờ, và một lối phản biện đáng chê trách
 
I. Về bài phản biện của ông Hoàng Ngọc Hiến

1.

Trong bài phản biện có cái nhan đề mỉa mai “Một lời cám ơn và một lời chúc mừng”, ngay ở câu nhập đề, ông Hoàng Ngọc Hiến viết:

Tôi cám ơn ông Hoàng Ngọc-Tuấn đã chỉ ra 2 sai sót trong bài viết của tôi: tên tác giả Jencks tôi viết sai là Djenks, tên tác phẩm là Ngôn ngữ kiến trúc hậu hiện đại tôi sót mất từ “hậu”. Nếu như nơi ấn loát có một biên tập viên trình độ như ông hoặc bằng một phần nửa ông thì hai sai sót “khủng khiếp” này đã được sửa một cách ngon lành, tôi khỏi bị rầy rà và ông cũng đỡ mất thì giờ viết bài chỉ trích.

Cảm ơn ông Hoàng Ngọc Hiến đã nhận 2 cái “sai sót” ấy. Có lẽ ông muốn nói rằng 2 cái “sai sót” ấy là do ông đánh máy bị “sai” và “sót” chữ. Nhưng, thưa ông, tôi phát hiện 2 “sai sót” này trong bản đăng trên tạp chí Sông Hương ngày 16/7/2008. Tôi không thể hình dung nổi, trước đó hơn một tháng, khi ông đọc bài tham luận của ông tại hội thảo “Lý luận Văn học Việt Nam thế kỷ XX” tổ chức ngày 7/6/2008 tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thì ông có đọc 2 cái “sai sót” ấy cho cử toạ nghe hay không. Nếu chính ông đã đọc lại nguyên văn 2 cái “sai sót” ấy, mà cả ông lẫn cử toạ hàn lâm vẫn không nhận ra cái 2 cái “sai sót” ấy, để rồi, hơn một tháng sau, ông lại đem gửi đăng lên báo cả 2 cái “sai sót” ấy, thì thật là khó hiểu lắm vậy.


2.

Tuy nhiên, trong bài viết của tôi, tôi không chỉ nêu lên 2 cái sai ấy. Tôi nói rằng khi ông Hoàng Ngọc Hiến viết “Thuật ngữ chủ nghĩa hậu hiện đại lần đầu tiên xuất hiện năm 1977, trong cuốn sách Ngôn ngữ kiến trúc hiện đại của Charles Djenks” là ông nói hoàn toàn sai, cả tên sách, tên tác giả và thời điểm xuất hiện của thuật ngữ ấy.

Chính ông, trong bài phản biện của ông, cũng tự nhận thấy rằng:

Thực ra nói rằng thuật ngữ “hậu hiện đại” lần đầu tiên xuất hiện trong cuốn sách nói trên của Jencks vẫn còn là yếu, cần phải khẳng định Jencks là “nhà phê bình lần đầu tiên định nghĩa chủ nghĩa hậu hiện đại trong kiến trúc, một biến cố đã dẫn đến sự định nghĩa tiếp theo của nó trong nhiều lĩnh vực…” (nguồn AKAA) và Jencks “đồng nghĩa với khái niệm Hậu hiện đại trong kiến trúc, bởi ông là người đầu tiên triển khai những ý tưởng này trong diễn ngôn kiến trúc với cuốn sách của ông…” (chuyển dẫn từ “Charles Jencks: Being Iconic”, Archinect Features, 11.12.2005)

Yếu. Đúng thế. Và do cái “yếu” đó mà câu nói của ông trở thành sai, cần phải bổ sung cho thuật ngữ ấy một nội hàm về kiến trúc, thì câu nói ấy mới khá hơn. Khá hơn, chứ không phải là hết sai, bởi vì (căn cứ theo chính cái link do ông cung cấp trên đây) Charles Jencks là người đầu tiên “triển khai” (the first to “extend”) những ý tưởng này trong diễn ngôn kiến trúc, chứ không phải là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ này trong lĩnh vực kiến trúc. (Điều này được chứng minh trong phần tiếp theo ngay dưới đây.)


3.

Một khi chính ông đã tự nhận thấy cái “yếu” ấy, thì không còn lý do gì ông lại cho rằng tôi “quy kết hơi vội” và “đánh tráo vấn đề”. Hãy xem ông phản biện như thế nào nhé.

Ông viết:

Tôi muốn ông Hoàng Ngọc-Tuấn dẫn ra những công trình bàn về kiến trúc hiện đại xuất bản trước tác phẩm của Jencks và đã có sự xuất hiện của thuật ngữ “chủ nghĩa hậu hiện đại”. Ông chỉ đưa ra những công trình trước 1977 có nói đến từ “chủ nghĩa hậu hiện đại” nhưng lại bàn về những lĩnh vực khác: tâm lý, văn hóa, hội họa, triết học, âm nhạc, thơ ca, văn học. Như vậy trong khi tôi đặt vấn đề: “trong lĩnh vực kiến trúc hiện đại từ chủ nghĩa hậu hiện đại lần đầu tiên xuát hiện trong công trình nào?” thì ông Hoàng Ngọc-Tuấn lại đưa ra một vấn đề khác: “trong các lĩnh vực văn hóa từ chủ nghĩa hậu hiện đại lần đầu tiên xuất hiện trong công trình nào?” Ở đây có một sự đánh tráo vấn đề.

Thưa ông, tôi chẳng hề “quy kết hơi vội”, cũng chẳng hề “đánh tráo vấn đề” như ông kết án. Ngược lại, ông “hơi vội” tưởng rằng bản liệt kê tên sách / tên bài trong phần PHỤ LỤC của tôi đã quá đầy đủ. Chính tôi đã ghi rõ rằng: “Dưới đây là bản liệt kê một số những tiểu luận, luận văn tiến sĩ, tạp chí và sách được công bố từ 1970 đến 1979 có sử dụng các từ ‘postmodern’ và/hoặc ‘postmodernism’ ngay trên nhan đề. Bản liệt kê này tất nhiên còn rất thiếu sót, vì chỉ là những gì tôi lọc ra từ những tài liệu mà tôi sưu tập được cho công việc nghiên cứu của riêng mình...”

Bây giờ ông thách tôi dẫn ra những công trình bàn về kiến trúc hiện đại xuất bản trước tác phẩm của Jencks [The Language of Post-Modern Architecture (1977)] và đã có sự xuất hiện của thuật ngữ “chủ nghĩa hậu hiện đại”. Giọng thách thức của ông đầy vẻ tự tin, vì ông tưởng rằng tôi sẽ kẹt cứng, nhưng, tiếc thay, sự tự tin ấy hoàn toàn sai, vì hoá ra việc ấy lại quá dễ dàng đối với tôi. Tôi rất vui lòng dẫn ra một vài món trước 1977. Mời ông xem nhé:

- Năm 1961, Nikolaus Pevsner đã dùng thuật ngữ này trong bài nói chuyện về kiến trúc hiện đại, nhan đề là “The Return of Historicism”, trên đài phát thanh BBC, trong chương trình “BBC Home Service and Third Programme”, sau đó, cho đăng lại thành một tiểu luận dưới nhan đề “Modern Architecture and the Historian or the Return of Historicism,” trên tạp chí RIBA Journal 68, No. 6 (April 1961), trang 230-40. Gần đây, bài ấy được in lại trong cuốn Pevsner on Art and Architecture: The Radio Talks (London: Methuen Publishing, Ltd., 2004), trang 272-277.

- Sau đó, năm 1974, thuật ngữ này được lý thuyết gia kiến trúc Robert Stern tái sử dụng. Perry Anderson viết trong cuốn The Origins of Postmodernity (London & New York: Verso, 1998), trang 21-22:

By 1974, the term “postmodern” — anticipated a decade earlier by Pevsner, to castigate a weak historicism — had entered the art world in New York, where perhaps the first architect to use it was Venturi's student Robert Stern. But the critic who made its fortune was Charles Jencks...

- Thật vậy, năm 1975, Charles Jencks lần đầu mượn lại thuật ngữ này để sử dụng trong một tiểu luận về lý thuyết kiến trúc, nhan đề là “The rise of Post-Modern architecture”, đăng trên tạp chí Architecture Association Quarterly, No.7, Issue 4, trang 3-14. Từ đó, ông tập trung khai triển lý thuyết này và hoàn thành cuốn sách nổi tiếng The Language of Post-Modern Architecture (1977). Theo nhận định của Hans Bertens, trong The Idea of the Postmodern (London & New York: Routledge, 1995), trang 58, thì cuốn sách The Language of Post-Modern Architecture (1977) bao gồm những điều tương tự như nội dung của bài tiểu luận Charles Jencks viết năm 1975. Hans Bertens viết:

“The rise of Post-Modern architecture” (1975) is a plea for a postmodern pluralism that is obviously influenced by Venturi and Scott Brown. Among the alternatives to modernism Jencks lists the restoration of old buildings; what he calls 'ersatz' architecture; a consumer-oriented architecture; a new 'social realism'; and radical traditionalism. The first edition of The Language of Post-Modern Architecture (1977) is similarly inclusive.”

Thế nhưng, nên nhớ rằng, ngay cả trong năm 1977, không phải chỉ có Charles Jencks sử dụng thuật ngữ này trong lĩnh vực kiến trúc, mà một số lý thuyết gia kiến trúc khác cũng đồng thời sử dụng. Chẳng hạn, Paul Goldberger cho đăng tiểu luận “Post-modernism: an introduction” trên tạp chí Architectural Design, No. 47, Issue 4, 1977, trang 256-260; và Philip Johnson cho đăng tiểu luận “On style and the International Style: on postmodernism: on architecture” trên tạp chí Oppositions, No.10, 1977, trang 15-19.


4.

Ông Hoàng Ngọc Hiến kết án rằng tôi chơi “không đẹp”, vì tôi dẫn ý kiến của ông “không trung thực”. Nhưng một khi chính ông đã tự nhận thấy câu văn của ông là “yếu”, nghĩa là sót ý, dẫn đến ý nghĩa sai, thì ông không thể kết án tôi như thế được nữa, vì tôi đã dẫn ý kiến của ông hoàn toàn trung thực, và đúng với từng chữ của ông:

Thuật ngữ chủ nghĩa hậu hiện đại lần đầu tiên xuất hiện năm 1977, trong cuốn sách Ngôn ngữ kiến trúc hiện đại [sic] của Charles Djenks. [sic]

Ông nói lần đầu tiên thuật ngữ ấy xuất hiện năm 1977 trong cuốn sách ấy, nhưng ông không hề nói ai đẻ nó ra, vậy nếu ngay tác giả cuốn sách ấy cũng không phải là người đẻ nó ra, thì hoá ra nó tự sinh ra hay sao?

Bây giờ, thậm chí, khi ông đã chữa lại chỗ “yếu” ấy, ông vẫn kết luận sai một cách rành rành. Ông viết:

Tôi chưa bao giờ nói ông Charles Jencks đã đẻ ra từ này. Ai đó đã đẻ ra nó, nhưng trong lịch sử kiến trúc hiện đại [đây là cái ý ông mới bổ sung], từ này lần đầu tiên xuất hiện năm 1977, trong một công trình của Charles Jencks.

Đấy, lại vẫn sai, như tôi đã chứng minh ở trên.

Nói tóm lại, phần phản biện của ông Hoàng Ngọc Hiến hoàn toàn vô giá trị, vì dù ông có bổ sung bằng cách đặt cái thuật ngữ ấy vào lịch sử kiến trúc hiện đại, thì những điều ông nói vẫn hoàn toàn sai.


II. Về vụ tranh luận trên Hợp Lưu năm 2000

1.

Có lẽ vì ông Hoàng Ngọc Hiến tự cảm thấy bài phản biện của ông quá yếu về mặt học thuật, nên ông ráp thêm cái chuyện năm 2000 vào bài phản biện năm 2008 này với mục đích chuyển hướng chú ý của độc giả vào phần “tâm thuật và khẩu khí” của tôi. Ông viết:

Để hiểu rõ bài của ông Hoàng Ngọc-Tuấn về “Một quái trạng văn hoá”, ngoài phần học thuật, cần hiểu thêm tâm thuật và khẩu khí của ông... [...] Về tâm thuật và khẩu khí của ông, tôi đã có dịp trình bày ý kiến của tôi trong cuộc tranh luận giữa ông và tôi mùa Hè năm 2000.

Thế nhưng, chính ông Hoàng Ngọc Hiến lại tường thuật không trung thực về chuyện năm 2000. Ông viết:

Trong một bài báo đăng trên Hợp Lưu, tôi có trích dẫn một đoạn trong một bài mục có trong CD Bách khoa Encarta 98 [sic]. Bộ Bách khoa của tôi phiên bản Deluxe Edition. Ông Hoàng Ngọc-Tuấn chúi mũi tìm trong một bộ Bách khoa Encarta phiên bản thường và không thấy bài mục có đoạn trích dẫn của tôi. Ông cho rằng tôi đã bịa ra đoạn trích dẫn và cho công bố ngay một bài báo với một tít rất giật gân: “Sáng chế tài liệu giả: một hiện tượng phản trí thức đáng chê trách trong văn học Việt Nam đương đại.”

Trong đoạn văn ngắn này, ông nói đến hai điều, nhưng cả hai điều đều không đúng. Xin ông xem lại những chi tiết sau đây:


Chi tiết 1:

Trong bài “Coi trọng trình độ văn hoá phải chăng là 'phản trí thức'?” (Hợp Lưu số 52, trang 5-10), khi nêu ra một tài liệu để phản biện một ý kiến của ông Nguyễn Hưng Quốc, ông Hoàng Ngọc Hiến viết:

... sẵn có trong tay C.D. 99 bộ Encyclopedia Encarta tôi mở bài mục Literary Criticism [...] thì tôi thấy rằng N.H.Q... nói sai. (trang 5)

Vì ông Hoàng Ngọc Hiến trình bày xuất xứ của tài liệu như thế, nên tôi vào đúng cái “C.D. 99 bộ Encyclopedia Encarta” để xem, thì hoàn toàn không thấy có tài liệu ấy. Tôi liền gửi đăng trên Hợp Lưu số 53 một bài phê phán ông Hoàng Ngọc Hiến về hành vi bịa đặt tài liệu.

Sau đó, ông Hoàng Ngọc Hiến có phản hồi bằng bài “Trí thức là gì vậy?” (Hợp Lưu số 54, trang 5-13). Trong bài phản hồi ấy, ông Hoàng Ngọc Hiến đã xác nhận:

Lời kết tội của HNT là có căn cứ. Nhưng tài liệu của tôi xuất trình không phải là tài liệu giả. Một thiếu sót tai hại của tôi là trình bày tên gọi của C.D. tôi bỏ sót nhãn hiệu Deluxe edition. (trang 6)

Và:

Tôi không khỏi phiền lòng, thiếu sót tai hại của tôi đã làm cho ông HNT “hết sức khổ tâm”, “khổ tâm sâu sắc”, một lần nữa ông phải chứng kiến những biểu hiện của “một căn bệnh hiểm nghèo của văn học Việt Nam đương đại”, đã cám dỗ ông làm một công việc vô duyên (đành rằng ông không có lỗi) là kết tội giả mạo tài liệu một người không làm tài liệu giả. (trang 6-7)

Đấy, ông Hoàng Ngọc Hiến đã trình bày xuất xứ. Tôi theo đúng xuất xứ đó mà tìm thì không thấy gì cả. Và ông đã nhận rằng đó là một thiếu sót tai hại của ông, đồng thời ông cũng nhận rằng tôi không có lỗi. Thế mà bây giờ ông lại nói rằng tôi “chúi mũi” tìm trong một nguồn khác, và ông kết án tôi. Thế là thế nào?


Chi tiết 2:

Bài viết của tôi trên Hợp Lưu số 53, trang 19-44, có nhan đề là “Sáng chế tài liệu giả: một hiện tượng phản trí thức trong văn học Việt Nam đương đại” chứ không phải là “Sáng chế tài liệu giả: một hiện tượng phản trí thức đáng chê trách trong văn học Việt Nam đương đại.” Ông Hoàng Ngọc Hiến thêm các chữ “đáng chê trách” vào làm gì thế? Không khéo trong trường hợp này ông lại đổ lỗi cho ban biên tập talawas là không đủ trình độ để tìm hiểu và xoá bớt ba chữ ấy đi cho đúng, như ông đã viết ở đầu bài phản biện của ông:

Tôi cám ơn ông Hoàng Ngọc-Tuấn đã chỉ ra 2 sai sót trong bài viết của tôi: tên tác giả Jencks tôi viết sai là Djenks, tên tác phẩm là Ngôn ngữ kiến trúc hậu hiện đại tôi sót mất từ “hậu”. Nếu như nơi ấn loát có một biên tập viên trình độ như ông hoặc bằng một phần nửa ông thì hai sai sót “khủng khiếp” này đã được sửa một cách ngon lành, tôi khỏi bị rầy rà và ông cũng đỡ mất thì giờ viết bài chỉ trích.


2.

Không biết cách nào để làm cho bài phản biện của mình mạnh hơn, ông Hoàng Ngọc Hiến đi ngược về 8 năm trước, vác thêm một câu văn dịch của tôi trên Hợp Lưu năm 2000 vào đây để hạ thấp tôi xuống. Ông viết:

Trong một bài báo, tôi có trích dẫn một câu 3 dòng của nhà nghiên cứu W. J. T. Mitchell. Để chứng tỏ trình độ tiếng Anh và trình độ lý luận của mình, ông Hoàng Ngọc-Tuấn đã dịch lại. Trong bài báo “Trí thức là gì vậy?” (Hợp Lưu số 53 [sic]) tôi đã chỉ ra, trong một câu 3 dòng ông đã dịch sai 2 chỗ, một chỗ đặc biệt nghiêm trọng là từ moment như là một khái niệm triết học bị ông dịch là “khoảnh khắc” (nghĩa thông thường). Dĩ nhiên tôi sẽ không không [sic] căn cứ vào những chỗ sai này để nói rằng ông Hoàng Ngọc-Tuấn chỉ đáng trình độ phổ thông hoặc sinh viên năm thứ nhất.

Nếu ông không có ý như thế, thì ông viết cái đoạn này vào bài phản biện của ông để làm gì vậy?

Đã nói, thì phải nói cho đầy đủ. Ông Hoàng Ngọc Hiến chỉ nói lập lờ như thế thì làm sao độc giả biết “câu 3 dòng” ấy là thế nào và tôi đã dịch ra sao. Câu văn của W. J. T. Mitchell như thế này:

The antitheoretical polemic is one of the characteristic genres of theoretical discourse... an inevitable dialectical moment within theoretical discourse, the moment when theory's constructive, positive tendency generates its own negation.

Trong bài viết của ông Hoàng Ngọc Hiến trên Hợp Lưu số 52 (đã nêu), ông Hoàng Ngọc Hiến dịch câu văn trên của W. J. T. Mitchell thành ra thế này (tôi xin chép lại đúng từng chữ của ông Hoàng Ngọc Hiến):

Lời lẽ tranh cãi phản lý thuyết là một trong những thể loại (genre) đặc biệt của lời lẽ lý thuyết (theoretical discourse)... một moment biện chứng không tránh khỏi ở bên trong lời lẽ lý thuyết... (W. J. T. Mitchell)

Trong bài viết của tôi trên Hợp Lưu số 53 (đã nêu), tôi dịch câu văn trên của W. J. T. Mitchell thành ra thế này (tôi xin chép lại đúng từng chữ của tôi):

Luận chiến phản lý thuyết là một trong những thể loại mang tính đặc trưng của hành ngôn lý thuyết... một khoảnh khắc mang tính biện chứng không thể tránh khỏi xảy ra trong phạm vi hành ngôn lý thuyết, một khoảnh khắc khi xu hướng mang tính xây dựng, tích cực của lý thuyết làm phát ra sự phủ nhận của chính nó.

Tôi không cần nói thêm gì nữa về điều này. Xin kính mời các bậc thức giả so sánh và góp ý để tôi được học hỏi thêm.


3.

Ông Hoàng Ngọc Hiến lại còn vác thêm vào bài phản biện của ông ba đoạn văn không có tên tác giả và không rõ xuất xứ, trong đó, vì một lý do gì không rõ, tác giả vô danh ấy đã gán cho tôi nhóm chữ “thái độ đạo đức giả như vậy”.

Ông Hoàng Ngọc Hiến viết: (tôi để font chữ xiên cho 3 đoạn văn của tác giả vô danh)

Cơ bắp trí thức của ông Hoàng Ngọc-Tuấn không tồi. Trong bài “Phản tri thức trong tranh luận văn học” của một ký giả ngoài nước (lâu ngày tôi quên mất xuất xứ), những thành tựu nghiên cứu của ông được đánh giá cao:

Những bài viết gần đây nhất của ông Hoàng Ngọc-Tuấn, như “Vấn đề cái mới trong tiểu thuyết thế kỷ 20”, “Viết: từ hiện đại đến hậu hiện đại”…, không thể phủ nhận, là những bài viết rất công phu, đóng góp lớn trong việc truyền bá những tư tưởng triết học và lý luận phê bình văn học tiên tiến của thế giới cho văn học Việt Nam.

Về personality của ông, thì có đấy, nhưng nó chật chưỡng, đôi khi cảm thấy là faux. Chính ký giả bài báo nói trên nhận định về personality của ông như sau:

… Cũng với thái độ đạo đức giả như vậy, ông Tuấn “cảm thấy khổ tâm vì biết rằng, từ nay về sau, chắc chắn tôi sẽ không còn hoàn toàn yên tâm khi đọc những bài viết ngay cả của những tên tuổi khả kính trong văn học Việt Nam đương đại”’. Ông thừa biết rằng, với tư cách một người đọc chuyên nghiệp và một con người biết suy nghĩ, không ai hoàn toàn yên tâm khi đọc bài viết của bất cứ ai, bất cứ tên tuổi khả kính nào, không chỉ của Việt Nam mà của toàn thế giới… Đối với người đọc có lý trí, không có những tên tuổi khả kính, chỉ có văn bản và văn bản. Ông khổ tâm như vậy là thừa!

Không dừng lại ở chỗ đó, ông Tuấn còn đi xa hơn trong việc quy chụp cho hiện tượng trên là “một căn bệnh của tình trạng đói kiến thức dài lâu trong một đất nước nghèo nàn và bưng bít… vì chỉ ở một đất nước thiếu nguồn thông tin và kiến thức trầm trọng thì người ta mới có thể dám đánh lừa nhau bằng những thông tin giả và kiến thức mạo hóa”… Một đất nước như ông nói, “nghèo nàn và bưng bít”, nên rất cần những cánh tay bao dung giúp đỡ, chứ không phải một thái độ phỉ báng.

Ngay trong ba đoạn văn ngắn của tác giả vô danh, vô xuất xứ này, ta cũng có thể thấy ngay sự mâu thuẫn đến ngớ ngẩn. Ở đoạn thứ ba, ông ta chê trách tôi là không đưa ra “những cánh tay bao dung giúp đỡ” cho cái đất nước “nghèo nàn và bưng bít”, nhưng ở đoạn thứ nhất, ông lại nói ông “không thể phủ nhận” những bài viết của tôi “là những bài viết rất công phu, đóng góp lớn trong việc truyền bá những tư tưởng triết học và lý luận phê bình văn học tiên tiến của thế giới cho văn học Việt Nam.” Thế là thế nào? Tôi đã “đóng góp lớn” cho văn học Việt Nam, nhưng tôi lại không đưa ra “những cánh tay bao dung giúp đỡ” cho đất nước ấy? Quả là lạ lùng.

Điều đáng ngạc nhiên là tại sao ông Hoàng Ngọc Hiến có thể nhớ rõ từng chữ trong ba đoạn văn dài, và nhớ rõ tên bài, nhưng không cung cấp tên tác giả và không nhớ xuất xứ của chúng. Điều này chỉ một mình ông mới có thể giải thích được. Tôi xin miễn bàn dài thêm về phần nội dung.


III. Về một lối nghiên cứu và một lối phản biện:

Sau những gì tôi đã trình bày trong bài viết này, tôi xin nói lên hai ý nghĩ:

1. Lối nghiên cứu của ông Hoàng Ngọc Hiến là một lối nghiên cứu rất đáng ngờ, vì ông vi phạm vào nguyên tắc căn bản nhất của công việc nghiên cứu. Nguyên tắc ấy đòi hỏi người nghiên cứu khi trích dẫn hay đề cập đến một tài liệu nào đó thì phải ghi thật chính xác: tên tác giả, nhan đề tác phẩm, và xuất xứ (nơi xuất bản và năm xuất bản) của tài liệu ấy. Thế nhưng, ông Hoàng Ngọc Hiến đã chứng tỏ ngược lại.

- Ông nói về nội dung một tác phẩm, nhưng ghi sai tên tác giả (ví dụ: Charles Jencks biến thành Charles Djenks.)

- Ông nói về nội dung một tác phẩm, nhưng ghi sai nhan đề tác phẩm (ví dụ: Ngôn ngữ kiến trúc hậu hiện đại biến thành Ngôn ngữ kiến trúc hiện đại; và “Sáng chế tài liệu giả: một hiện tượng phản trí thức trong văn học Việt Nam đương đại” biến thành “Sáng chế tài liệu giả: một hiện tượng phản trí thức đáng chê trách trong văn học Việt Nam đương đại.”)

- Ông trích dẫn nội dung, và ghi rõ nhan đề tác phẩm, nhưng không cung cấp (hoặc không nhớ) tên tác giả, và không cung cấp (hoặc không nhớ) xuất xứ (ví dụ: ba đoạn văn của tác giả vô danh, vô xuất xứ trên đây.)

- Ông trích dẫn nội dung, và ghi rõ nhan đề tác phẩm, nhưng cung cấp xuất xứ sai (ví dụ: Encyclopedia Encarta Deluxe Edition 1999 biến thành Encyclopedia Encarta 1999.)

Một nhà nghiên cứu nghiêm túc không thể liên tục vi phạm vào cái nguyên tắc căn bản nhất ấy. Và một nhà nghiên cứu nghiêm túc không thể đổ lỗi ấy cho một biên tập viên thiếu trình độ nào đó. Một khi đã chứng tỏ là liên tục vi phạm vào nguyên tắc ấy, công trình nghiên cứu không thể đáng tin cậy.

2. Lối phản biện của ông Hoàng Ngọc Hiến là một lối phản biện lệch ra ngoài nguyên tắc học thuật, vì ông liên tục đem vào trong nội dung bài phản biện những việc ở bên ngoài nội dung cần phản biện. Làm thế, ông lái chủ đích học thuật sang chủ đích công kích vào “tâm thuật” hay “khẩu khí” của đối phương.

Tôi cho rằng lối phản biện ấy là một lối phản biện đáng chê trách.

Như tôi đã nói trong bài “Một quái trạng văn hoá”, hai bài tham luận của ông Hoàng Ngọc HiếnTrịnh Lữ có rất nhiều cái sai, chứ không phải chỉ có cái sai về xuất xứ thuật ngữ. Ông Nguyễn Đăng Thường đã có vạch ra thêm một số cái sai của ông Trịnh Lữ về kiến thức mỹ thuật. Tôi nghĩ ông Trịnh Lữ nên đọc kỹ lại bài tham luận của mình và tự nghiên cứu để tìm những cái sai còn lại. Về bài tham luận của ông Hoàng Ngọc Hiến, tôi sẽ viết một (hay vài) bài khác để lần lượt liệt kê ra những cái sai khác của ông, và mời ông tiếp tục phản biện. Chỉ yêu cầu ông giữ đúng nguyên tắc nghiên cứu và phản biện để giữ cho sinh hoạt trao đổi học thuật được nghiêm túc và lành mạnh.

Sydney, 30.10.2008

© 2008 talawas