trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
23.11.2004
Nguyễn Thế
Về bài “vấn đề so sánh”
 
Tôi nghĩ rằng không một người Việt Nam nào ở trong nước hay ở ngoài nước, có lương tri, lương tâm, còn nghĩ đến mình là người Việt Nam, lại không lo lắng, đau lòng khi nhìn thấy giáo dục Việt Nam đang sa sút khủng hoảng, nên tất cả các góp ý, chỉ ra những tiêu cực ở khía cạnh này hay khía cạnh khác cần phải khắc phục để chấn hưng giáo dục đều là thiện chí. Không nên có thái độ giận dữ hằn học với người góp ý nếu trong bài đó có chỗ nào đụng chạm đến cá nhân mình mà xông lên “bào chữa” cho cái mà cả xã hội Việt Nam đang bức xúc đòi đổi mới, không khác gì cầm ô đòi che mặt trời mà thôi. Ðáng sợ nhất là những người thờ ơ, vô cảm với thực trạng giáo dục hoặc vờ như vô tư trong nhận thức để nói rằng: “không có gì để đáng dùng chữ “chấn hưng”, bởi vì có suy sụp đâu mà chấn hưng!”…

Trước đòi hỏi bức xúc của nhân dân, phải mất một năm trời, sau bao nhiêu lần nghe hội thảo và góp ý kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới làm xong cái báo cáo về thực trạng giáo dục Việt Nam như thế nào để đọc trước Quốc hội ngày 15.11.04. Chỉ nội một điều đó cũng thấy là giáo dục Việt Nam có biết bao nhiêu vấn đề cần phải “đại phẫu”, tìm nguyên nhân, đánh giá những yếu kém và tồn tại để tìm ra những giải pháp chấn hưng (xin xem bản Báo cáo của chính phủ do bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đọc và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng do bà Trần Thị Tâm Ðan đọc).

Trong bài “Vấn đề so sánh”, Nguyễn Văn phê phán những ý kiến trong bài “Cái danh và cái thực…” của tôi. Nguyễn Văn đã suy luận từ bài báo là: “hiện trạng ảm đạm và một tương lai vô vọng”,”giới khoa bảng Việt Nam ở trong nước quá dốt, dở, bất tài” đi đến cực đoan: “khủng hoảng đến độ hết thuốc chữa” và đi đến nhận định bài viết đó là: “thừa, phiến diện, khôi hài”… Ở đoạn cuối ông còn mỉa mai người viết là: “những người hay nhẩy đầm với những con số thống kê ở hải ngoại“đặt bút miệt thị”, “mở miệng nguyền rủa”, nào là: “mở bộ não tìm câu chữa kết tội giáo dục nước nhà”, “người mù húp cháo”… Có lẽ bạn đọc cũng thấy là những lời ông Văn đã dùng và lối nói của ông có nên dùng trong tranh luận báo chí không?

Thực trạng giáo dục Việt Nam như thế nào thì căn cứ vào hai bản báo cáo chính thức trước Quốc Hội cũng đủ rõ. Cùng với những góp ý của nhiều người khác cho báo cáo của Chính phủ, bài viết “Cái danh và cái thực…” chỉ đề cập đến một vấn đề xung quanh việc phong chức danh giáo sư và phó giáo sư của ta cần phải xem xét lại để đảm bảo khách quan, khoa học, không thể xuê xoa hay gian dối để dẫn đến tình trạng có khá nhiều người có danh mà không có thực, nghĩa là không làm được những công việc đúng với cái danh đã được phong. Bài viết nói lên cái tệ gian dối trong phong chức danh cần được nhìn nhận và chấn chỉnh. Trong một phần ba của bài viết, tôi đã nêu ra những biện pháp như thúc đẩy các giáo sư phải nghiên cứu đề tài khoa học hay các báo chí không nên nêu chức danh trong một bài báo viết không thuộc chuyên ngành.

Hãy khách quan đi vào từng vấn đề. Về chức danh giáo sư, quan niệm của mỗi nước có khác nhau. Ở Việt Nam, từ trước đến gần đây, người ta gọi bằng Tiến sĩ là học vị, còn giáo sư hay phó giáo sư là học hàm. Ðến nay người ta hiểu rằng giáo sư không phải là hàm mà là chức danh (chỉ người làm nhiệm vụ giảng dạy ở bậc đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học). Việc phong chức danh giáo sư cũng tuỳ thuộc vào mỗi nước, có thể những người dạy từ trung học trở lên cũng được gọi là giáo sư, có thể là do trường đại học, có thể là do nhà nước phong, kể cả có thể là do tôn vinh… Người đã được phong giáo sư khi được cử giữ chức vụ khác như bộ trưởng… có mang theo chức danh cũ là giáo sư nữa cũng không có ai quy định, tuỳ theo mỗi nước. Chuyện về phong học hàm giáo sư Việt Nam trước đây, các trường đại học bầu như thế nào thì có nhiều, không mang bàn ở đây. Chức danh giáo sư ở Việt Nam do một Hội đồng nhà nước phong, Việt Nam đang hội nhập với thế giới, giáo sư Việt Nam cần vươn lên ngang trình độ quốc tế để đảm đương nhiệm vụ đào tạo đội ngũ nhân lực tương đương với khu vực góp phần công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước trong cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu. Bài “Cái danh và cái thực…” muốn nói đến: 1/ Tình trạng 75% người có chức danh giáo sư không giảng dạy, người ta bỏ việc giảng dạy để đi làm quan, là một thiệt thòi cho giáo dục đại học; người ta dùng cái hàm đã có để trang trí cho chức vụ hành chính mà họ đang làm. 2/ Việc phong hàm giáo sư trước đây có lúc quá dễ dàng, có khá nhiều người không dạy đại học cũng được phong, được phong nhưng không có thực tài, nên tuy số tiến sĩ, giáo sư nhiều như vậy (so với các nước xung quanh) mà giáo dục Việt Nam vẫn thấp kém, nhất là giáo dục đại học còn lạc hậu nhiều năm (nói chung) so với khu vực. Ðó là một thực tế không thể nào bào chữa cho tình trạng “lạm phát” cái danh giáo sư ở Việt Nam trong những năm qua (có tình trạng đến 1/3 người được phong giáo sư là thuộc một bộ môn xã hội trong khi họ giữ các chức vụ hành chính không giảng dạy). Nguyễn Văn có nói đến “nhiều đại học Mỹ vẫn có người mang hàm giáo sư mà có bao giờ qua bậc tiến sĩ đâu” thì điều đó ở Việt Nam cũng thế, có nhiều người mang hàm giáo sư mà không có cả bằng đại học hoặc sắp được cấp học vị phó tiến sĩ mới đi thi đại học hàm thụ… nhưng họ lại được trong ngành thừa nhận, xứng là giáo sư. Còn có bao nhiêu người có bằng tiến sĩ (?) được phong giáo sư (!) nhưng cả xã hội ai cũng thấy là họ chỉ có danh mà không có thực, con số này chắc không phải là ít nếu như có cách kiểm tra thực lực của họ.

Ông Văn viết: “Chất lượng bằng cấp thường được đánh giá (ngầm) một cách chung chung dựa vào nền khoa học kĩ thuật của một nước hơn là dựa vào khả năng của người có bằng cấp”. Đó là một nhận định mà tôi phải bác bỏ. Một luận án tiến sĩ khoa học nếu không đạt được mặt bằng quốc tế trong một chuyên ngành khoa học thì dù nó được nước nào cấp cũng đều kém giá trị như nhau, và trường hay nước cấp cái bằng đó sẽ bị các trường đại học các nước khác trên thế giới coi thường, xếp vào đẳng cấp thấp. Còn luận án tiến sĩ của những trường danh tiếng ở các nước phát triển, nói chung, nhất định có chất lượng hơn những trường không có danh tiếng, hơn những trường ở những nước đang phát triển do các giáo sư kém hướng dẫn, chính vì vậy mới có chuyện phải gửi sinh viên ra nước ngoài học ở những trường có danh tiếng. Ðó là điều chắc chắn. Luận án tiến sĩ của người Việt Nam gần đây là Vũ Minh Khương, một tiến sĩ đại học Harvard được đánh giá là “một tiến sĩ đẳng cấp thế giới trong lĩnh vực kinh tế học phát triển” (đánh giá của Dale Jorgenson, nhà kinh tế học lừng danh thế giới) với luận án: “Phân tích những ảnh hưởng của công nghệ thông tin với tăng trưởng kinh tế toàn cầu”. Chắc ông Văn cũng phải thấy rằng luận án tiến sĩ của Vũ Minh Khương ở đại học Harvard có giá trị cao toàn cầu nên đã được đánh giá như vậy chứ không phải là “được đánh giá (ngầm) một cách chung chung dựa vào nền khoa học kĩ thuật của một nước hơn là dựa vào khả năng của người có bằng cấp”. Chắc chắn luận án tiến sĩ đó chứng minh cái năng lực xuất sắc của Vũ Minh Khương chứ không phải được đánh giá do “dựa vào nền khoa học kĩ thuật” của Mỹ, chắc chắn nó sẽ hơn hẳn một luận án tiến sĩ xuất sắc nào đó do trường đại học kinh tế quốc dân Hà Nội “sản xuất” ra. Ðó là một thực tế, chỉ có trường danh tiếng với những giáo sư giỏi mới đào tạo ra những tiến sĩ có đẳng cấp quốc tế. Trong khoa học, không thể có luận án tiến sĩ được“đánh giá (ngầm) một cách chung chung dựa vào nền khoa học kĩ thuật của một nước” được.

Về tình trạng gian dối trong bằng cấp và phong giáo sư ở Việt Nam thì chính Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Văn hóa- Giáo dục… Quốc hội đã nhận định: “Những năm gần đây, sự gian dối trong học tập ngày càng gia tăng, ở các lớp trên xảy ra nặng và nhiều hơn ở lớp dưới, ở người lớn nghiêm trọng hơn ở thanh thiếu niên…”. Nhận định chính thức này là rất thận trọng, đã nói lên thực chất của một số bằng tiến sĩ và chức danh giáo sư trong những năm gần đây có chất lượng đến đâu, thực hay giả nhiều hay ít, thiết nghĩ không cần tốn thêm giấy mực nữa. Chỉ nên bàn chấn chỉnh lại như thế nào mà thôi.

Về vấn đề ngoại ngữ, ông Văn viết: “Nhưng có cần tiêu chuẩn ngoại ngữ để đề bạt giáo sư hay không? Tôi ngờ lắm.” Ông Văn hẳn thừa biết rằng hiện nay không một nền giáo dục nước nào lại không dạy trong trường từ một đến hai ngoại ngữ ngay từ phổ thông, còn lên đến đại học thì đương nhiên từ việc nghe giảng bằng một ngoại ngữ… đến tham khảo các công trình khoa học của các nước viết bằng tiếng nước đó đều không đặt thành vấn đề. Chuyện cấp bằng tiến sĩ và phong giáo sư ở các nước, theo lẽ tự nhiên không ai đặt vấn đề ngoại ngữ ra là vì như thế. Không thể nào hình dung được một người có học vị tiến sĩ sau đó được phong giáo sư lại không đọc được một tờ báo, bài viết bằng tiếng nước ngoài trong thời đại hội nhập, giao lưu ngày nay. Ông Văn lại viết: “Có bao nhiêu giáo sư người Nhật… biết tiếng Pháp, tiếng Anh?” Ông cũng thừa biết không có nước nào trên thế giới lại có giáo sư không biết ngoại ngữ và không có ai đếm giáo sư không biết ngoại ngữ để trả lời ông câu hỏi ấy. Ở Việt Nam, việc học ngoại ngữ rất kém, lên đại học lại học từ a,b,c nên nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, làm luận án phó tiến sĩ, tiến sĩ, vẫn không đọc được sách tham khảo bằng tiếng nước ngoài. Ông không lạ gì, để làm luận án tiến sĩ, phong giáo sư, phải tham khảo được những bài viết về khoa học tự nhiên kĩ thuật, kể cả khoa học xã hội, xung quanh đề tài mình đang làm bằng tiếng nước ngoài. Do đó trong quy định phong giáo sư (có lẽ chỉ riêng Việt Nam) mới đề ra phải biết một, hai ngoại ngữ (bằng B, C) và nhiều vị đã chạy cái chứng chỉ ngoại ngữ bằng C đó tại các trung tâm ngoại ngữ (tôi không muốn chỉ tên) để nộp vào hồ sơ xét phong hàm giáo sư. Ðó không phải là một thực tế yếu kém của người giáo sư có danh mà không có thực ở Việt Nam hay sao? Chính ông Nguyễn Lân Dũng đã nêu ra trong hội thảo một chuyện tiếu lâm về trình độ ngoại ngữ của giáo sư Việt Nam là nhốt các giáo sư Việt Nam vào trong một cái phòng, mỗi cửa ra do một người ngoại quốc canh giữ, ai nói chuyện được với người canh cửa bằng tiếng nước họ được thì đi ra, còn ai không nói được thì ở lại. Ông đã nói là chắc sẽ có khối người chịu nhịn đói vì không ra được. Câu chuyện mà ông Dũng nêu lên đã chẳng nói đến cái yếu kém ngoại ngữ của khá nhiều giáo sư Việt Nam hay sao, mà yếu kém ngoại ngữ thì cánh cửa tiếp xúc với khoa học đâu dễ mở để học tập, bổ sung thêm trong khi khoa học ngày càng tiến nhanh như vũ bão?

Về vấn đề thứ ba, người giáo sư với các thông báo khoa học, bằng sáng chế và các công trình, ông Văn cũng công nhận: “các nhà khoa bảng nước ta, nói chung, còn quá kém trong lĩnh vực này” nhưng ông lại cho rằng: “có nên căn cứ vào những bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế để đánh giá khả năng của giáo sư hay không?”; sau đó ông khẳng định: “Có lẽ không”, thật là mâu thuẫn! Ông đưa ra lí do như sau: “Ưu tiên hàng đầu của phần lớn đại học nước ta là giảng dạy chứ không phải làm nghiên cứu”. Chúng ta đều nhận thấy rằng một giáo sư lên lớp, hướng dẫn đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trẻ không phải là người “nhai lại” những kiến thức khoa học của người khác mà mình không có gì, một khi đã là giáo sư “thật”, nghĩa là có thực tài, là phải có công trình nghiên cứu, hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh tham gia nghiên cứu đề tài của mình hoặc mở ra những hướng mới, khía cạnh mới cho họ nghiên cứu. Do đó việc công bố những nghiên cứu khoa học phục vụ kinh tế phát triển của đất nước trên các tạp chí thông tin khoa học cũng dễ dàng không có gì khó khăn nếu như giáo sư đó đang làm việc, đang nghiên cứu. Việc công bố thông báo khoa học, cập nhật kiến thức khoa học để giới khoa học trong ngành kiểm nghiệm, trao đổi thông tin, hỗ trợ hướng nghiên cứu… (trừ những nghiên cứu thuộc bí mật quốc gia) là bình thường và cần thiết của một người nghiên cứu. Còn trong việc công bố những thông tin, công trình khoa học, cũng khó có thể tránh những “tiêu cực” theo ý định của người chủ tạp chí, nước chủ nhà, hoặc của người nào đó muốn đánh bóng mình… nhưng không có nghĩa là không cần công bố vì chỉ có những giáo sư lười không nghiên cứu, không có công trình thì lấy gì mà công bố. Không nên có lối nói “làm phách” tỏ ra coi thường các tạp chí khoa học, coi khinh các thông báo khoa học “mà chúng ta chỉ có thể nói là rác rưởi” như vậy. Các công trình công bố nếu là rác rưởi thì tác giả của rác rưởi đó sẽ bị các nhà khoa học đánh giá và lên án, Việt Nam có tham khảo được gì không đó là chuyện khác. Chắc ông Văn cũng thừa biết là đánh giá một giáo sư phải căn cứ vào kết quả đào tạo các nghiên cứu sinh mà người đó hướng dẫn và thành tựu của công trình khoa học đã đóng góp cho đất nước, cho khoa học, chứ không căn cứ vào các bài báo “rác rưởi”. Nhất là trong cùng ngành, như sinh học chẳng hạn, thì người ta biết rõ nhau ai làm khoa học, ai chuyên đi đánh “võ mồm”!

Ông Văn còn viết: “Nghiên cứu là một hoạt động xa xỉ…” Ôi! thật là không còn gì để nói nữa! Với một giáo sư trường đại học, nghiên cứu khoa học hoàn toàn không bao giờ là “một hoạt động xa xỉ”. Tuỳ theo nhu cầu, tình hình thực tế của mỗi nước mà việc nghiên cứu khoa học trong các trường đại học và viện nghiên cứu khác nhau, nhằm vào khoa học cơ bản hay khoa học ứng dụng, lĩnh vực này hay lĩnh vực khác như công nghệ sinh học, vật liệu mới hay nano…, (tất nhiên Việt Nam không thể nghiên cứu Di truyền trị liệu như Mỹ hay Anh…). Một giáo sư, nhà khoa học không nghiên cứu tốt thì cũng không thể nào giảng dạy tốt được. Trong bài phỏng vấn báo Giáo dục và Thời đại số ra ngày 20.11.2004, Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã nói: “Thời nào cũng cần phải nghiên cứu khoa học. Khoa học luôn thách thức chúng ta. Phải có thầy giỏi mới có trò giỏi. Người thầy giỏi không phải cầm tay chỉ việc mà là người gợi mở ý tưởng, người có nhiều ý tưởng. Người thầy mà không giỏi, không nghiên cứu khoa học thì làm sao bảo được học trò”. Trong lãnh vực giảng dạy và nghiên cứu, từ phát minh đến thành sản phẩm thương mại thì những trường đại học ở Mỹ như Massachusetts, Stanford với Thung lũng Silicon và bán đảo sinh học San Francisco… đã mở ra con đường cho các trường đại học châu Âu và cả thế giới noi theo, thiết nghĩ không một giáo sư nào có thể nói “nghiên cứu là một hoạt động xa xỉ”. Do quan niệm sai lầm, áp dụng mô hình cổ điển của một số nước châu Âu nên đại học Việt Nam trong nhiều năm qua tách rời trường và viện, tách rời giảng dạy và nghiên cứu, nên chất lượng cả thầy và trò nói chung đều thấp kém so với đại học trong khu vực, chưa nói so với các nước phát triển, đó là một thực tế. Ðây là nói chung tình hình, còn thực tế đại học nước ta cũng có nhiều giáo sư thực sự có tầm cỡ quốc tế, nhiều đại học các nước đã mời đến giảng. Còn sinh viên ta chỉ có ra nước ngoài học mới trở thành nhà khoa học thì thực tế đã rõ, không phải bàn nữa. Thầy kém thì trò kém, đó là hệ quả không thể bào chữa qua một dẫn chứng bình thường, cụ thể sau đây. Bà Nguyễn Thị Hồng Xinh, đại biểu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hằng tuần bà kí tiếp nhận không dưới 200 lao động là sinh viên tốt nghiệp ÐH người nước ngoài đến làm việc cho các công ti liên doanh ở Vũng Tàu; khi xem văn bằng và điểm tốt nghiệp của họ cũng không có gì đặc biệt. Trong khi đó, Tập đoàn dầu khí BP đã chọn 200 sinh viên VN vừa tốt nghiệp loại khá, giỏi và xuất sắc đưa đi đào tạo thêm trong hai năm rưỡi, tốn tới 2,5 triệu USD, vậy mà học xong chỉ có 20% đáp ứng được yêu cầu công việc! (báo cáo trước Quốc hội). Thực tế chất lượng giáo dục đại học là sinh viên loại khá giỏi và xuất sắc sau khi đưa đi đào tạo thêm 2 năm mà cũng chỉ sử dụng được 20%, vậy thì những tiến sĩ, giáo sư dạy những sinh viên này, nếu nghiêm khắc mà nói có lẽ cũng phải đi đào tạo lại cho rồi. Ngày 15.11.2004, Báo cáo thẩm tra của UBVH, GD, TN, TN và NÐ đã thừa nhận: “Cơ cấu lao động của giảng viên ở đại học của nước ta rất bất hợp lí, số thời gian dành cho nghiên cứu khoa học của đa số giảng viên đại học là rất thấp. Giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ cơ bản của giảng viên đại học có liên quan chặt chẽ với nhau, giảng viên chỉ có thể nâng cao trình độ của mình thông qua công tác nghiên cứu khoa học và từ đó mới có đủ trình độ để đưa ra những đề tài nghiên cứu có giá trị lí luận, thực tiễn để đào tạo sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ và đóng góp cho sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ nước nhà”. Một giáo sư nào nói “nghiên cứu là một hoạt động xa xỉ” là vì không có năng lực nghiên cứu hay vì muốn chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực khác nổi danh hơn, có lẽ nên trả lại chức danh giáo sư để khỏi bị chính ngay đồng nghiệp trong ngành khoa học đó lên án trước hết.

Vấn đề thứ tư là lâu lắm tôi mới lại thấy kiểu bào chữa rất khôi hài, tưởng đã lùi về dĩ vãng của ông Nguyễn Văn là đổ mọi tội vạ yếu kém của giáo dục Việt Nam cho “trăm năm đô hộ giặc Tây, hơn hai mươi năm đánh nhau giành độc lập và hai mươi năm bị Mỹ cấm vận…. Nghe như chuyện hơn 50 năm trước người ta giải thích cho nông dân vì sao đói khổ. Ông đã đi nhiều nước, chắc ông đã nhìn ra những nước xung quanh ta, có nước cũng bị thực dân đô hộ hàng trăm năm nhưng bây giờ ta mong sao đuổi kịp cái hiện tại của họ thôi cũng phải vài chục năm nữa, không hiểu làm sao đến tận bây giờ ông còn lôi mồ ma thực dân Pháp cách đây hàng trăm năm ra để bào chữa cho cái yếu kém do chính mình gây ra. Dù bảo thủ hay nịnh bợ đến đâu cũng không một ai, nhất là một đại biểu Quốc hội, dám bào chữa cho sự yếu kém của giáo dục hiện nay bằng lí do “trăm năm đô hộ giặc Tây…, hai mươi năm...”

Ông nên đọc lại báo cáo của ông Nguyễn Minh Hiển giải thích những yếu kém của giáo dục là: “… do tư duy giáo dục chậm đổi mới chưa theo kịp yêu cầu phát triển của đất nước… Cơ chế quản lí chưa tương thích với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Quản lí nhà nước về giáo dục còn nặng tính quan liêu, chưa thoát khỏi tính ôm đồm, sự vụ. Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch còn nhiều bất cập. Ngoài ra còn các nguyên nhân khách quan tác động làm tăng thêm các yếu kém bất cập của giáo dục như: Nhu cầu học tập của người dân ngày càng cao, trong khi khả năng đáp ứng của ngành giáo dục và trình độ phát triển kinh tế của đất nước còn hạn chế… Hiệu quả của việc ngăn chặn một số hiện tượng tiêu cực thâm nhập vào trong nhà trường và các cơ quan giáo dục chưa cao…”

Trong đoạn cuối ông Nguyễn Văn đã dùng những lời lẽ: “Trước khi đặt bút miệt thị, trước khi mở miệng nguyền rủa, thậm chí trước khi mở bộ não tìm câu chữ kết tội giáo dục nước nhà,… chắng khác gì người mù húp cháo” Xin miễn bình luận về kiểu dùng chữ này.

Hai Báo cáo trước Quốc hội đã đánh giá chất lượng giáo dục Việt Nam yếu kém như thế nào và đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến. Bây giờ hãy cùng nhau bàn bạc đến cách sửa chữa những yếu kém, những đổi mới giáo dục và lộ trình hợp lí cho từng vấn đề, trước hết là đổi mới tư duy giáo dục, cải tiến quản lí điều hành giáo dục ở tầm vĩ mô, nâng cao chất lượng đội ngũ người dạy các cấp trong đó có các giáo sư ở bậc đại học.

© 2004 talawas