trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
15.10.2007
Nguyá»…n Há»™i


 

Tôi xin có hai câu hỏi về bài của Trần Thiện Huy, rất mong được biết ý kiến của tác giả.

1. Như ông Trần Thiện Huy đã cho biết, tên bài viết của ông lấy cảm hứng từ tác phẩm Sự nghèo nàn của triết học của Marx phê phán một đối thủ "có tầm vóc vĩ nhân" là Proudhon. Mặc dù tên tác phẩm này trong bản dịch tiếng Anh là The Poverty of Philosophy, nhưng nội dung của nó không có liên quan gì đến... sự nghèo nàn. Đây là câu trả lời của Marx với tác phẩm Système des contradictions économiques ou Philosophie de la misère (1846) của Proudhon. Bản tiếng Pháp tác phẩm của Marx nhan đề Misère de la philosophie. Réponse a la philosophie de la misère de M. Proudhon (1847). Chữ "misère" ở đây được các dịch giả Việt Nam chuyển rất hay và lột tả đúng nội dung là Sự khốn cùng của triết học. Trả lời triết học của sự khốn cùng của ông Proudhon. Tôi không muốn gây cảm giác bắt bẻ trong tiểu tiết, nhưng sự khốn cùng của triết học mang một ý nghĩa khác so với sự nghèo nàn của triết học. Tôi quan niệm rằng trong bất kỳ ngôn ngữ nào, gọi được chính xác tên một khái niệm là dấu hiệu cho thấy sự hiểu chính xác khái niệm đó. Không rõ ông Trần Thiện Huy quan niệm về điều này như thế nào? Xin nói thêm, nhan đề cuốn Les Misérables của Victor Hugo cũng được chuyển sang tiếng Việt rất tuyệt là Những người khốn khổ chứ không phải Những người nghèo nàn. Nhân nhắc đến Proudhon, tôi thấy cũng nên nói ngay rằng ông này là một trong những người tham gia vào "bộ môn phản biện Marx" ngay từ thuở Marx miễn cưỡng trở thành một người mác-xít (thời điểm này được xác nhận là năm 1845). Cụ thể hơn: Trước khi có vụ "khốn cùng" này, Marx đã hơn một lần ca ngợi Proudhon (xem Gia đình thần thánh), từng nhiều lần đến thăm Proudhon, và ngày 5.5.1846 còn viết thư tha thiết mời Proudhon cùng tham gia hoạt động trong Phòng Liên lạc Cộng sản. Ở Pháp khi ấy, nhất là sau Cách mạng tháng Hai, Proudhon là nhân vật nổi tiếng và có ảnh hưởng hơn Marx nhiều lần. Proudhon, theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa phi bạo lực, đã từ chối lời mời của Marx và cảnh báo Marx trước những nguy cơ của việc sử dụng bạo lực cách mạng và phản đối các phương tiện cũng như mục tiêu mang tính chuyên chế. Không rõ cái ông Proudhon này có vừa được mang "tầm vóc vĩ nhân" vừa có chân trong "sự thảm hại" của "bộ môn phản biện Marx" mà ông Trần Thiện Huy đã vạch trần, tức là một "vĩ nhân thảm hại" không?

2. Làm thế nào để "nền dân chủ tư sản" coi Machiavelli là "bậc khai phá", xin ông Trần Thiện Huy làm ơn giải thích thêm. Sự nghiệp của ông này quả nhiên là rắc rối, nhưng ít nhất cái mà chúng ta thường được biết dưới khái niệm "chủ nghĩa Machiavelli" thì có thể diễn đạt nôm na là: vì cái gọi là raison d’état, nhà cầm quyền có thể và được phép áp dụng mọi phương tiện và bằng mọi giá mà không cần phải băn khoăn áy náy gì hết. Mục đích biện minh cho phương tiện! Chủ nghĩa Machiavelli có thể tồn tại trong mọi chế độ, nhưng theo tôi thì nó chăm chỉ hiện diện hơn ở các chế độ toàn trị, chuyên chế. Các nhà cầm quyền cộng sản theo đường lối Mác-Lê là những nhà thực hành chủ nghĩa Machiavelli xuất sắc hơn hẳn một vài đồng nghiệp của họ ở các "nền dân chủ tư sản". Nếu Marx đứng đầu một nhà nước chuyên chính vô sản thì tôi tin rằng ông sẽ là một Machiavellist. Còn công lao của Machiavelli cho nền dân chủ tư sản như thế nào, rất mong được nghe thêm từ ông Trần Thiện Huy.