trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
16.10.2007
Trần Thiện Huy

 

Trả lời ông Nguyễn Hội,

1. Về hai chữ “nghèo nàn” và “khốn cùng”: Thưa ông, tôi tuy chưa nghe nói đến hai chữ “khốn cùng” nhưng cũng biết đã từng có bản dịch là Sự lầm than của triết học. Tuy nhiên, phải thú nhận hai điều: thứ nhất, tôi chỉ đuợc đọc cuốn này qua bản tiếng Anh, và thứ hai, tôi đã cố ý sử dụng hai chữ “nghèo nàn” vì nó vừa là do chính mình đọc, chứ không phải chỉ nghe nói, và có vẻ nó hoà hợp vào với bài viết của tôi hơn. Khi có hai cách dịch khác nhau giữa tiếng Anh và tiếng Pháp, thì có lẽ chúng ta nên kêu gọi vị nào có thẩm quyền về tiếng Đức đứng ra phân xử cho dứt khoát việc này, để cho những lần tham chiếu trong tương lai. Dù sao cũng xin ghi nhận sự chỉ bảo của ông.

2. Về Proudhon: tôi không ngang ngược đến nỗi cho rằng hễ cứ phản biện Marx là “thảm hại”. Mà có lẽ hương hồn ông Marx cũng không cho phép tôi tôn vinh ông theo kiểu con gấu của La Fontaine như vậy. Vì phép lịch sự và có lẽ, vì thói tu từ quá mơ hồ, tôi đã không nói rõ được ý mình muốn nhắc đến loại phản biện nào ngay từ đầu bài. Đây là nguyên văn những gì tôi đã viết, xin nhắc lại ở đây, cũng là để trả lời góp ý của ông Nguyễn Thanh Bằng:

Bộ môn phản biện Marx, bao gồm những người nhận lãnh một kinh phí khổng lồ hàng năm, và những người chí nguyện nhiệt thành, không đóng góp được gì trong việc giải quyết những “vấn đề” do Marx đã tạo ra cả.”

và:

Một chú thích sau cùng trước khi bước vào phần chính: chữ ‘phản biện’ mà tôi dùng để chỉ quan hệ của các tác giả dưới đây với tư tưởng của Marx là một cách nói quy ước nhiều hơn là chính xác. Những tác giả nào tự nhìn nhận nguyện vọng của mình là ‘đả kích’ Marx chắc sẽ rộng lòng tha thứ cho sự lễ độ thừa thãi này.”

Như vậy độc giả chắc cũng hiểu là tôi không có ý nói chung đến tất cả những tác giả đã có quan điểm phê phán Marx. Ngoài ra, tôi cũng rất đồng ý với ông Việt Hải: “Bởi vậy, tôi cho rằng, tranh luận về Marx lúc này không cần thiết nữa, không giải quyết được một vấn đề gì ngoài việc sinh ra mối bất hòa.”

Độc giả sẽ lưu ý được rằng loạt bài mà tôi nhắc đến đều đã xuất hiện trên talawas trong vòng năm 2007. Hai yếu tố tôi vừa nhắc đến, lập trường đả phá Marx và thời gian xuất hiện (dù chỉ là của bản dịch), giới hạn lại những gì tôi gọi chung là “bộ môn phản biện Marx” - xin lưu ý hai chữ “bộ môn” – mặc dù nó không phải là tất cả những gì đã viết ra để phản biện Marx, cũng như ông Proudhon không phải là tất cả triết học.

Và tiện dịp tôi cũng xin nói thêm là nếu không phải vì giờ phút này, tôi cảm thấy sự tuyên truyền đấu tranh với tư tưởng Marx không những không giải quyết được gì cho vấn đề của chúng ta, mà còn có thể gây những trở ngại cho việc đó, thì tôi đã không đăng bài viết của mình, vì lòng tôn trọng đối với tâm huyết của các tác giả và dịch giả.

3. Về Machiavelli: Ý niệm về Machiavelli như nguời thầy của thủ đoạn xuất phát phần nhiều từ cảm tính và thói quen lâu đời của chúng ta. Giới học thuật phương Tây phần lớn đã công nhận một cách chính thống rằng ông là cha đẻ của khoa học chính trị, cứu thoát chính trị khỏi nền tảng thần học và luân lý không tưởng, nghĩa là đã áp dụng phương pháp quan sát thực nghiệm và diễn giải khách quan vào chính trị. Những ảnh huởng cụ thể của ông đối với nền dân chủ tư sản, có lẽ cần phải một công trình nghiên cứu hẳn hoi mới trình bày được hết, nhưng tôi xin phép được sơ lược qua những trích dẫn mà tôi đã vội vàng thu thập và dịch lại dưới đây:

James Burnham - trong cuốn Machiavellians – những nguời bảo vệ tự do (!) – đã viết: “Họ (Machiavelli và những người theo truyền thống của ông – TTH) không những giải thích tự do là gì, ý nghĩa của nó đối với xã hội như thế nào, mà còn cả những điều kiện để bảo tồn nó. Quyền đối kháng với người cai trị của công chúng, trung tâm điểm của tự do, sẽ không sống được chỉ bằng ước muốn. Nó đòi hỏi sự tồn tại của những lực lượng xã hội tương đối tự chủ.”

Antonio Gramsci trong Ghi chép từ nhà tù: “Chủ thuyết Machiavelli đã giúp cải tiến những thủ thuật chính trị truyền thống của các nhóm cầm quyền bảo thủ, cũng giống như chủ nghĩa Marx. Không nên để cho điều đó che giấu đi bản chất cách mạng chủ yếu của nó, điều mà ngày nay vẫn còn có thể cảm nhận đuợc, và giải thích tại sao có sự đả phá Machiavelli.

Harvey Mansfield trong bài “Burke và Machiavelli trên lãnh vực nguyên tắc chính trị”: “Đầu tiên, hai nguời đều lập luận ủng hộ chính quyền đảng phái... Machiavelli là triết gia đầu tiên lý luận là đảng phái có thể là điều tốt. Thứ hai, họ đều quan tâm đến các nguyên tắc trong chính trị, và đồng ý với nhau là chính trị lành mạnh nhất khi có sự đa nguyên về nguyên tắc.”

Như vậy, Machiavelli được công nhận là người khởi xướng chủ nghĩa đa nguyên, mô hình đảng phái bình dân qua đó quần chúng can thiệp trực tiếp vào chính trị, và trường phái thực dụng. Đó chính là những nền móng của sinh hoạt chính trị dân chủ tư sản. Độc giả có thể tham khảo cuốn Đức tính của Machiavelli của Harvey Mansfield, hay bài “Câu hỏi về Machiavelli” của Isaiah Berlin, hoặc bắt gặp những ghi nhận như đã nói trong vô số các tác phẩm trình bày lịch sử tư tưởng chính trị phuơng Tây.