trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Con đường xã há»™i - dân chủ
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
22.5.2007
Tạ Thao
Mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ và tiền đồ Trung Quốc
Tam Dương dịch
 
Thế kỷ hai mươi là đỉnh cao lý luận của nhân loại. Các loại trào lưu tư tưởng, các loại chủ nghĩa đều có một loạt tín đồ và kẻ đi theo, giương ngọn cờ mà bọn họ tin thờ bước lên vũ đài lịch sử. Đây là một “cuộc thi người mẫu” nhằm chọn được người đẹp nhất của chế độ xã hội, cung cấp cho nhân loại trong một thời đoạn tương đối dài, nghe họ nói, xem họ làm, thông qua so sánh lý tính đưa ra phán đoán và lựa chọn.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt, chủ nghĩa đế quốc suy thoái, trên thế giới còn lại ba loại chế độ xã hội triển khai cạnh tranh hoà bình. Loại thứ nhất là chủ nghĩa tư bản do Mỹ làm đại biểu, loại thứ hai là chế độ cộng sản do Liên Xô làm đại biểu (trong cuốn sách của mình, Tân Tử Lăng [1] gọi đó là chủ nghĩa xã hội bạo lực), loại thứ ba là chế độ chủ nghĩa xã hội dân chủ do Thuỵ Điển là đại biểu. Kết quả cạnh tranh là chủ nghĩa xã hội dân chủ thắng lợi vừa diễn biến chủ nghĩa tư bản vừa diễn biến chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội dân chủ đang thay đổi thế giới. Trong “Lời kết thúc” cuốn sách của mình, Tân Tử Lăng đã trình bầy một cách sinh động mà sâu xa quá trình phát triển lịch sử này:

Cuối thế kỷ 20, Đảng Dân chủ Xã hội đã cầm quyền qua tranh cử tại phần lớn quốc gia châu Âu khiến châu Âu hoà bình tiến vào thành tựu có tính lịch sử của chủ nghĩa xã hội dân chủ, tỏ lời an ủi linh hồn Marx và Engels trên trời. Trong 15 nước thuộc EU có 13 nước là Anh, Pháp, Đức, Thuỵ Điển, Phần Lan, Áo, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Italia, Đan Mạch, Hy Lạp, Bỉ, Luxembourg là do Đảng Dân chủ Xã hội hoặc Công đảng cầm quyền. Quốc tế Đảng Xã hội lấy hoa hồng đỏ làm tiêu chí, người đời kinh ngạc kêu lên, làn sóng đỏ châu Âu dâng mạnh. Ngày 16 tháng 4 năm 2003, nguyên thủ các nước châu Âu hội tụ tại Athen Hy Lạp. Dưới sự chứng kiến của di chỉ thành bảo vệ xưa, nguyên thủ các nước thành viên EU và mười nước thành viên mới đã cùng ký một điều ước gia nhập liên minh. Từ đó các nước Đông Âu như Czech, Estonia, Latvia, Lithuania, Hung, Malta, Ba Lan, Slovenia, và Slovakia gia nhập đại gia đình EU, tuyên bố kết thúc cục diện chia cắt đông, tây châu Âu sau chiến tranh thế giới thứ hai. Một châu Âu kinh tế phồn vinh, chính trị ổn định và xã hội hài hoà xuất hiện đã tự nhiên tăng thêm mấy phần mầu sắc rực rỡ cho cái thế giới đang hỗn loạn. Những người cải cách của những xí nghiệp trên toàn thế giới bảo lưu tiền đồ chủ nghĩa xã hội của đất nước họ đều chuyển ánh mắt nhìn về phong trào chủ nghĩa xã hội dân chủ.

Những người dân chủ xã hội đã có những cống hiến có tính lịch sử đối với văn minh nhân loại là: đại biểu cho yêu cầu phát triển sức sản xuất tiên tiến, hoá giải mối thù không đội trời chung giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản, hoá giải mối thù không đội trời chung giữa chế độ xã hội chủ nghĩa và chế độ tư bản chủ nghĩa, làm cho phong trào xã hội chủ nghĩa trở thành quá trình tiến hoá hoà bình, lý tính. Những người dân chủ xã hội đã sáng tạo một cách thành công con đường, từ trong khuôn khổ dân chủ của các nước tư bản chủ nghĩa phát triển quá độ hoà bình sang chủ nghĩa xã hội. Trước đây chúng ta bị hạn chế trong kinh nghiệm hẹp hòi của cách mạng bạo lực, chỉ trách móc người ta là “chủ nghĩa xét lại”, bây giờ xem ra nên khôi phục lại danh dự cho chủ nghĩa xét lại. Bởi vì những người dân chủ xã hội không phải là không có đấu tranh với giai cấp tư sản, không phải là đơn phương nhượng bộ, không chỉ “xét lại” chủ nghĩa xã hội mà còn “xét lại” cả chủ nghĩa tư bản.

Năm 1965, nhằm học tập những chỗ mạnh của các nước xã hội chủ nghĩa khắc phục những khó khăn trong phát triển tự thân, các nước tư bản đã từng tụ tập tại thành phố Philadelphia (Mỹ), mở một “Đại hội chủ nghĩa tư bản thế giới”, phát biểu “Tuyên ngôn của nhà tư bản” đề xuất: “rút kinh nghiệm nhân dân xã hội chủ nghĩa làm chủ, thực hiện chủ nghĩa tư bản nhân dân chế độ cổ phần; rút kinh nghiệm chế độ phúc lợi xã hội chủ nghĩa thực hiện chủ nghĩa tư bản phúc lợi bao cấp từ sống đến chết; rút kinh nghiệm kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa, thực hiện chủ nghĩa tư bản kế hoạch nhà nước can thiệp.” [2]

Chúng ta đã quen coi các nước chủ nghĩa tư bản phát triển phương Tây đều đã là chủ nghĩa tư bản mới, đã chủ nghĩa xã hội dân chủ hoá ở trình độ không giống nhau. Từ sau những năm hai mươi của thế kỷ XX, Anh, Đức, Pháp, Thuỵ Điển, Na Uy và Mỹ đều đã lần lượt xuất hiện sự điều hoà lao động và tư bản có tính toàn quốc, dùng thoả hiệp thay thế cho sự đối lập lao động, tư bản mà trước đây thề là không cùng đứng với nhau, một số nhân sĩ đã bắt đầu đề xướng dùng xây dựng công để giải quyết vấn đề thất nghiệp, cũng có nghĩa là nói lấy việc nhà nước tích cực dính líu vào để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế thị trường mất linh nghiệm. Tổng thống Roosevelt lãnh đạo nước Mỹ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảnh kinh tế thế giới năm 1929 đã mạnh dạn đưa vào chính sách chủ nghĩa xã hội dân chủ.

“Con đường thứ ba” do Blair, Thủ tướng Công đảng Anh và nguyên Tổng thống Mỹ Clinton làm đại biểu là bản sửa chữa của chủ nghĩa xã hội dân chủ. Ngày 3 tháng 6 năm 2000, Clinton đã tham gia hội nghị người đứng đầu con đường thứ ba (“lần thứ ba”) họp tại Berlin. Ông ta nói trong hội nghị: “Chúng ta muốn kinh tế tăng trưởng, lại muốn xã hội công bằng. Chúng ta không tin tưởng chủ nghĩa tự do bỏ mặc, nhưng chúng ta cũng không tin chỉ dựa một mình vào chính quyền là có thể giải quyết được một số vấn đề.” Công báo của hội nghị nhấn mạnh: “Chúng tôi tin tưởng kinh tế thị trường phải kết hợp có trách nhiệm với xã hội, từ đó tạo ra tăng trưởng kinh tế, ổn định và có công ăn việc làm toàn diện một cách lâu dài, còn nhà nước phải trên phương diện chính sách kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, nâng cao độ minh bạch và đề xướng cạnh tranh công bằng.” [3]

Kết quả xem xét gần đây cho thấy, có 61 nghị sĩ hai viện Thượng và Hạ Nghị viện Mỹ (toàn là Đảng Dân chủ) là hội viên của “chủ nghĩa xã hội dân chủ Mỹ”. Quan niệm kinh tế của Đảng Dân chủ Mỹ bắt rễ từ tư tưởng kinh tế của Marx và Keynes, chủ trương chính phủ hướng dẫn kinh tế thị trường, quốc hữu hoá ở mức độ thích hợp, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, chính phủ làm trường học, giảm, miễn thu thuế người nghèo, nâng cao phúc lợi, nâng cao mức lương tối thiểu, quan tâm nhiều hơn đến nhóm người dễ bị tổn thương. Đảng Cộng hoà lên cầm quyền cũng không thay đổi chính sách xã hội của Đảng Dân chủ. Chủ nghĩa xã hội dân chủ đã “đỏ hoá” nước Mỹ.

Thành tựu vĩ đại nhất của chủ nghĩa xã hội dân chủ là tại những nước tư bản già cũ, thông qua phát triển mạnh sức sản xuất và điều tiết phân phối, về cơ bản tiêu diệt được chênh lệch thành thị và nông thôn, chênh lệch giữa công nông, chênh lệch giữa lao động chân tay và lao động trí óc, tạo dựng lên chủ nghĩa xã hội dân chủ huy hoàng. Thành tựu này đã làm cho mô hình chủ nghĩa xã hội bạo lực của Liên Xô trở nên âm u mờ nhạt. Đó là nguyên nhân cơ bản thúc đẩy Liên Xô và các nước Đông Âu “diễn biến hoà bình”. Những người Đảng Dân chủ Xã hội dùng biện pháp đoàn kết giai cấp tư sản phát triển sức sản xuất tiên tiến, thực hiện cùng giầu có, chênh lệch ngày càng rút ngắn. Tại các nước chủ nghĩa xã hội dân chủ đã không còn nông thôn và nông dân. Theo tư liệu do một vị khách du lịch cho biết hồi tháng 9 năm 2003, tại thành phố Bordeaux Pháp trên 7% thị dân phổ thông có thu nhập trung bình tháng là 1.500 Euro (tỷ giá giữa Euro và NDT là 1/9), những người làm việc ở ngoại ô và nông thôn (vốn là nông dân) thu nhập từ 1.000 -1.200 Euro, tầng lớp cổ trắng là từ 1.800-2.000 Euro, thầy thuốc, luật sư, giáo sư cao hơn một chút, có người lương tháng đạt 8.000 Euro, thu nhập của các cổ đông xí nghiệp lớn, nhân viên quản lý cao cấp, chủ nhân trang trại nho thì vượt xa mức độ trên. Cùng với sự phát triển của kinh tế tri thức và khoa học kỹ thuật, cơ cấu ngành nghề không ngừng nâng cấp, cấu thành đội ngũ sản nghiệp cũng đang thay đổi, thể hiện chủ yếu ở chỗ tầng lớp cổ xanh lấy lao động chân tay là chính đang giảm gấp, tầng lớp cổ trắng lấy lao động trí óc làm chính đang nhanh chóng mở rộng. Đầu thế kỷ XXI, công nhân cổ xanh Đức chỉ chiếm 6% tầng lớp lĩnh lương. Do vậy giai cấp công nhân được “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” coi là quân chủ lực đối địch với giai cấp tư sản đã biến thành thiểu số, mà mức sống của thiểu số người này cũng cao hơn Tổng thống Rumania. Giai cấp công nhân chẳng cần vùng lên làm cách mạng, theo đà của sự phát triển sức sản xuất, đã được “giải phóng” như vậy đó. Sự thu nhỏ ba chênh lệch lớn, không gửi gắm vào sự diệt vong triệt để của chủ nghĩa tư bản mà lại gửi gắm vào sự phát triển cao của chủ nghĩa tư bản.

Trung Quốc không bị sụp đổ trong sự biến đổi to lớn của Liên Xô, Đông Âu, điều này phải qui công cho Đặng Tiểu Bình trước đó đã thực hành chính sách cải cách mở cửa. Sau khi đường lối cải cách mở cửa được đại đa số người ủng hộ và giành được địa vị chủ lưu, bắt đầu từ hội nghị Trung ương 3 khoá 11 [Đảng Cộng sản Trung Quốc], Đặng Tiểu Bình và các trợ thủ Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương đã chặn được sức ép “phục hồi chủ nghĩa tư bản”, giải tán công xã nhân dân, thực hiện khoán tới hộ, loại bỏ chế độ công hữu dường như là đơn nhất (năm 1978 tỷ trọng chế độ công hữu là 99,1%) thực hiện nhiều loại chế độ sở hữu cùng phát triển, cho phép bộ phận người giầu lên trước, mời nhà tư bản trở về, mời sức sản xuất tiên tiến trở về. Các độc giả có thể nhìn thấy, hàng loạt chính sách mới đó thuộc về chủ nghĩa xã hội dân chủ, nhưng để tránh nỗi nghi ngờ “chủ nghĩa xét lại” chúng ta đã gọi nó là con đường xã hội chủ nghĩa có sắc thái Trung Quốc. Hội nghị Trung ương 3 khoá 14, dưới sự chủ trì của Giang Trạch Dân đã bước thêm một bước then chốt: loại bỏ kinh tế kế hoạch, thực hiện kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, năm 2002 gia nhập WTO, hội nhập với nền kinh tế thế giới. Hội nghị Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc lần thứ hai khoá X, Hồ Cẩm Đào mới bắt đầu chủ trì chính quyền, đã đưa văn kiện quan trọng: tư tưởng quan trọng “ba đại biểu” và bảo vệ chế độ tư hữu vào trong hiến pháp, điều này tiêu chí Trung Quốc đã đi lên con đường chủ nghĩa xã hội dân chủ.

Công cuộc cải cách mở cửa do Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào lãnh đạo đã thu được thành tựu to lớn được cả thế giới công nhận, đó là “đạo lý cứng” đủ để thống nhất tư tưởng toàn Đảng và nhân dân cả nước. Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố tại Hội nghị giúp nghèo thế giới: “Từ cải cách mở cửa đến nay, nền kinh tế quốc dân phát triển tốc độ nhanh, bền vững, từ năm 1979 đến năm 2003, tổng giá trị sản xuất quốc dân dã từ 360,24 tỷ NDT tăng lên đến 11.069 tỷ NDT, trừ đi nhân tố tăng giá đã tăng trưởng 8,4 lần; cùng trong thời kỳ đó, mức tiêu dùng trung bình của cư dân toàn quốc tăng 7%; tính theo hối suất hiện hành tổng trị giá sản xuất quốc dân tính theo đầu người năm 2003 là 1.090 US$, về tổng thể mức sống nhân dân đã đạt trình độ khá giả.”

Năm 2003, năng suất lao động tạo ra cao hơn năm 1978 là 33 lần (theo tính toán của Cục Thống kê Quốc gia, năng suất lao động của năm 1978 chỉ bằng năng suất lao động trong 11 ngày của năm 2003). Xét cho cùng năng suất lao động là cái quan trọng nhất, cái chủ yếu nhất để chế độ mới chiến thắng chế độ cũ, đường lối chính xác chiến thắng đường lối sai lầm, chủ nghĩa xã hội dân chủ chiến thắng chủ nghĩa xã hội bạo lực.

Cũng cần nói thẳng ra rằng cải cách mở cửa cũng đã xuất hiện một số vấn đề, chủ yếu là tham ô, hủ bại, tài sản quốc hữu bị mất và phân phối không công bằng. Đặc biệt là phân phối không công bằng dẫn tới phân hoá hai cực, làm cho sôi sùng sục, lòng người trôi nổi. Từ đó gây ra những suy nghĩ lại và kiểm thảo đối với cải cách mở cửa. Số đông người mang theo thiện ý quí trọng thành quả cải cách mở cửa hiến kế, hiến biện pháp, dùng chúng để uốn nắn lệch lạc, phát triển tình hình tốt đẹp. Điều đáng chú ý và cảnh giác là, “phái tả” trong Đảng đã sôi nổi như chưa hề có, họ lợi dụng tình hình bất mãn của bộ phận quần chúng đối với cải cách mở cửa để phủ định cải cách mở cửa về căn bản, cổ suý trở về thời đại Mao. Giống như thời kỳ đầu của Cách mạng Văn hoá, trước tiên đẩy phần tử tri thức lên đàn tế, điểm tên phê phán một số “học giả chủ lưu” đã từng góp ý, hiến kế, có cống hiến cho cải cách mở cửa, nói họ chủ trương thúc đẩy kinh tế thị trường là “tự hoá của giai cấp tư sản”; lại phân chia các cấp cán bộ lãnh đạo, chủ trì cải cách mở cửa ra thành “phái cải cách tư bản (phái cải cách tự do hoá tư bản)” và “phái cải cách xã hội”, xúi giục trong ngoài Đảng triển khai một cuộc đấu tranh lớn, đoạt quyền của “phái cải cách tư bản” đả đảo “phái cải cách tư bản”, Bọn họ đã trình bầy tình hình chính trị trong nước như thế này: “trận quyết chiến sẽ tới về thực chất là đi con đường tư bản chủ nghĩa hay là đi con đường xã hội chủ nghĩa, phái cải cách tư bản nắm quyền hay là phái cải cách xã hội nắm quyền, là cuộc vật lộn sống chết giữa hai loại tiền đồ, hai loại số phận: là vật phụ thuộc của đế quốc Mỹ hay bảo vệ được độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.”

Chủ trương ngoại giao của “phái tả” càng làm cho người ta phát sợ: “phải lấy các nước xã hội chủ nghĩa làm hạt nhân nhỏ, lấy các nước thế giới thứ ba như Trung Quốc, Brazil, Venezuela, Iran làm trung tâm, lấy Trung, Nga, Ấn làm hạt nhân lớn, kết thành mặt trận phản bá rộng rãi nhất ở trình độ nào đó bao gồm cả EU, Canada v.v…, tiến hành cuộc đấu tranh không thể tránh khỏi với chủ nghĩa bá quyền, đó là cái trục cơ bản cho đường lối ngoại giao của Đảng và nhà nước ta.” [4]

Khi Hồ Cẩm Đào tuyên bố với thế giới suy nghĩ chiến lược, đối nội xây dựng xã hội hài hoà, đối ngoại thực hiện trỗi dậy hoà bình, thì “phái tả” muốn thông qua cuộc cách mạng văn hoá lần thứ hai để thay đổi đường lối nội chính và ngoại giao của Trung ương. Bọn họ cho rằng cải cách và mở cửa hiện nay là thay đổi phương hướng chủ nghĩa xã hội, là diễn biến hoà bình, “là chịu ảnh hưởng của loại luận điệu hoang đường ‘chủ nghĩa tư bản’ của chủ nghĩa xét lại cũ đưa hoà bình vào chủ nghĩa xã hội và ‘tư duy mới’ của chủ nghĩa xét lại hiện đại.”

Sai lầm lớn nhất về lý luận từ cải cách mở cửa đến nay là không làm rõ thế nào là chủ nghĩa Marx? Thế nào là chủ nghĩa xét lại? Chính thống của chủ nghĩa Marx rốt cuộc là ở đâu? Lý luận cực tả “phòng, chống chủ nghĩa xét lại” luôn luôn xuất hiện lại, quấy rối cải cách mở cửa buộc những người cầm quyền chỉ có thể áp dụng sách lược “bật đèn trái nhưng rẽ phải”, cải cách mở cửa được thực hiện trong tình trạng được bảo hộ về chính trị, bị trách cứ về hình thái ý thức. Những người lãnh đạo chủ yếu Trung ương từ Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân đến Hồ Cẩm Đào chỉ có quyền cầm quyền, không có quyền ăn nói. Chính sách “không tranh luận” chỉ thủ tiêu quyền trả lời để biện hộ cho mình, sự công kích và chê trách của “phái tả” đối với cải cách mở cửa không hề ngừng một ngày.

Đúng vào lúc tôi đang “lo việc không đâu”, ông bạn già, giáo sư Trần Thúc Bình (ông là chuyên gia nghiên cứu Đảng Dân chủ Xã hội châu Âu) giới thiệu với tôi bản thảo cuối cùng của cuốn Mao Trạch Đông ngàn năm công tội của Tân Tử Lăng, tôi đã đọc một số chương quan trọng, đặc biệt là phần lý luận “Lời nói đầu” và “Lời kết thúc” vẽ rồng điểm mắt [ý nói rất tinh tế], phấn chấn không thôi. Hai chúng tôi cùng cho rằng, bất kể là từ sự thực lịch sử hay là từ hình thái ý thức đó là một cuốn sách đã triệt để hoàn thành việc vứt bỏ cái sai trở lại cái đúng về vấn đề chủ nghĩa xã hội là gì, xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào. Tác giả dùng học thức chủ nghĩa Marx tinh xảo và tri thức lịch sử phong phú đã tranh cho cải cách mở cửa địa vị lịch sử chính thống, đã thiết lập quyền ăn nói cho phái cải cách trên lĩnh vực chủ nghĩa Marx.

Trước hết, bằng những khảo chứng lịch sử khiến người ta phải tin phục tác giả đã thuyết minh, vào cuối đời Marx, Engels là những nhà chủ nghĩa xã hội dân chủ, là những người đầu tiên đề xướng “đưa hoà bình vào chủ nghĩa xã hội”, chủ nghĩa xã hội dân chủ là chính thống của chủ nghĩa Marx. “Lời kết thúc” bản thảo cuối cùng của Tân Tử Lăng chỉ ra:

Năm 1866 bùng nổ khủng hoảng kinh tế thế giới. Sau khi khủng hoảng qua đi, tập trung tư bản có sự phát triển kinh người. Đầu tư ngân hàng qui mô lớn và sự xuất hiện công ty cổ phần đã thay đổi kết cấu xã hội của xã hội tư bản chủ nghĩa. Cùng với sự xuất hiện của chế độ ngân hàng mới, tích luỹ tư bản không còn dựa vào sự tiết kiệm, để dành của cá nhân nhà xí nghiệp để tự mình trù liệu vốn nữa, mà dựa vào sự tiết kiệm để dành của toàn xã hội. Thu hút tiền vốn của xã hội để xây dựng xí nghiệp, do vậy công ty cổ phần đã sinh ra đúng thời cơ. Trên đại lục châu Âu, trước hết là công nghiệp gang thép, tiếp sau đó là công nghiệp hoá chất, công nghiệp chế tạo cơ khí và công nghiệp dệt, từng bộ môn này tiếp nối bộ môn khác biến thành xí nghiệp cổ phần. Marx vô cùng coi trọng những thay đối đó, cho rằng công ty cổ phần “trên cơ sở bản thân hệ thống chủ nghĩa tư bản đã thực hiện việc vứt bỏ sản nghiệp tư hữu tư bản chủ nghĩa”, “đó là sự vứt bỏ của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong bản thân phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, bởi vì đó là một mâu thuẫn có thể tự vứt bỏ, rõ ràng điều này chỉ là một điểm quá độ để tiện tiến vào một hình thức sản xuất mới mà thôi.” [5]

Nhà tư bản không còn có xí nghiệp nữa mà chỉ còn có tài sản riêng, phần tài sản tư nhân này là một bộ phận của tài sản xí nghiệp được lượng hoá bằng tiền; họ không còn là chủ xí nghiệp nữa mà chỉ là cổ đông của xí nghiệp, là chủ nợ hợp pháp của phần nhất định trong lợi nhuận. Công ty cổ phần đào tạo bồi dưỡng tầng lớp giám đốc, xưởng truởng tổ chức và chỉ huy sản xuất, khiến quyền sở hữu và quyền quản lý tách rời. Tầng lớp quản lý nắm quyền kinh doanh của xí nghiệp làm cho sự thống trị của giai cấp tư sản bị không hư hoan [chân thực] hoá. Sự tách rời này là một cuộc “cách mạng” hoà bình, làm cho quá độ hoà bình sang một chế độ mới trở thành khả năng.

Trong quyển ba Tư bản luận, Marx chỉ ra:

“Trong công ty cổ phần, chức năng và quyền sở hữu tư bản đã tách rời, lao động cũng đã hoàn toàn tách rời khỏi quyền sở hữu tư liệu sản xuất và quyền sở hữu lao động thặng dư. Loại kết quả chủ nghĩa tư bản phát triển sản xuất cực độ là một điểm quá độ phải đi qua, nhằm thuận tiện cho tư bản tái chuyển hoá thành người sở hữu sản xuất, thế nhưng lúc đó nó đã không còn là tài sản tư hữu của người sản xuất đứng riêng từng nguời từng người mà là tài sản cùng có, của những người cùng sản xuất, là tài sản xã hội trực tiếp.” [6]

Chủ nghĩa tư bản đã hoàn thành quá độ hoà bình lên chủ nghĩa xã hội như vậy đó. Quyển 3 Tư bản luận đã lật đổ kết luận của quyển 1 Tư bản luận, không cần phải làm “nổ tan” cái “vỏ ngoài” của chủ nghĩa tư bản nữa. Chủ nghĩa tư bản Manchester trong tim óc Marx đã diệt vong rồi. Và sự xung kích của Tư bản luận trong chủ nghĩa tư bản sau này đã từng bước chủ nghĩa xã hội hoá. Quyển 3 Tư bản luận là kết luận cuối cùng của Marx và Engels qua mấy chục năm học tập, nghiên cứu chủ nghĩa tư bản tới già, qua mười năm biên tập và sửa chữa của Engels, vào một năm trước ngày Engels tạ thế - được xuất bản vào tháng 6 năm 1894.

Năm 1883, sau khi Marx tạ thế, Engels tiếp tục lãnh đạo phong trào công nhân quốc tế lâu tới 12 năm, và thành lập Đệ nhị quốc tế năm 1889. Engels đã chỉ đạo cụ thể Đảng Dân chủ Xã hội Đức tiến hành đấu tranh hợp pháp, nhấn mạnh Đảng Dân chủ Xã hội Đức giành được thành công trong bầu cử là có ý nghĩa rất lớn đối với cả phong trào công nhân quốc tế: “có thể thiết tưởng, trong cơ quan đại biểu nhân dân tập trung được mọi quyền lực vào trong tay mình, chỉ cần giành được sự ủng hộ của đại đa số nhân dân là có thể theo hiến pháp tuỳ ý làm các công việc trong quốc gia, xã hội cũ có thể đưa vào xã hội mới, ví dụ như tại các nước Cộng hoà Dân chủ như nước Pháp và nước Mỹ, tại các nước quân chủ như nước Anh.” [7]

Ngày 6 tháng 3 năm 1895, trong Lời nói đầu cuốn Đấu tranh giai cấp tại Pháp, Engels đã suy ngẫm lại và sửa chữa lần cuối cùng toàn bộ hệ thống chủ nghĩa Marx:

“Lịch sử cho thấy rõ chúng ta đã từng sai lầm, quan điểm mà chúng ta giữ lúc đó chỉ là một ảo tưởng. Lịch sử còn làm được nhiều hơn: nó không chỉ xoá bỏ mê muội sai lầm của chúng ta, mà còn hoàn toàn thay đổi điều kiện tiến hành đấu tranh của giai cấp vô sản. Phương pháp đấu tranh năm 1848 [8] ngày nay đều đã cũ kỹ về mọi mặt, điểm này ở đây đáng được tiến hành nghiên cứu một cách tương đối tỉ mỉ. Lịch sử đã thể hiện một cách rõ ràng, tình trạng phát triển của kinh tế lục địa châu Âu lúc đó còn lâu mới đạt được trình độ thành thục để có thể loại bỏ chủ nghĩa tư bản... vào năm 1848 mà muốn dùng một lần đột kích đơn giản để đạt được cải tạo xã hội là một việc không có nhiều khả năng. Khởi nghĩa kiểu cũ, từ năm 1848 về trước, thì chiến đấu trên đường phố với công sự ở nơi nào cũng có tác dụng quyết định, bây giờ phần lớn đều xưa cũ rồi. Nếu như nói điều kiện tiến hành chiến tranh giữa các quốc gia đã có sự thay đổi, thế thì điều kiện đấu tranh giai cấp cũng có sự thay đổi giống như vậy. Thời đại thực hiện đột kích đột ngột, thời đại do thiểu số người giác ngộ dẫn dắt quần chúng không tự giác thực hiện cách mạng đã qua rồi. Một phương thức đấu tranh mới của giai cấp vô sản đã bắt đầu được áp dụng hơn nữa đã nhanh chóng giành được sự phát triển hơn nữa. Vốn là trong cơ cấu quốc gia mà giai cấp tư sản dựa vào để tổ chức sự thống trị của mình, cũng có nhiều cái mà giai cấp công nhân có thể lợi dụng để đấu tranh với bản thân những cơ cấu đó. Công nhân bắt đầu tham gia tranh cử tại hội nghị các bang, uỷ ban thị, trấn cũng như toà án trọng tài công thương; bọn họ bắt đầu tranh đoạt mỗi một chức vụ do bầu cử sản sinh với giai cấp tư sản chỉ cần khi chức vụ đó thay người có đủ số phiếu công nhân tham gia biểu quyết. Kết quả là giai cấp tư sản và chính phủ sợ hãi hoạt động hợp pháp của chính đảng giai cấp công nhân lại càng sợ hãi hoạt động bất hợp pháp của nó hơn, sợ hãi thành tựu bầu cử càng sợ hãi thành tựu khởi nghĩa hơn. Trong các nước nói tiếng Roman, người ta cũng bắt đầu hiểu thêm phải tiến hành sửa đổi sách lược cũ. Nước Đức đã nêu gương trong việc lợi dụng quyền bầu cử để đoạt lấy mọi trận địa mà chúng ta có thể đoạt được, chỗ nào cũng có người bắt chước; công kích không chuẩn bị thì ở chỗ nào cũng phải lùi xuống địa vị thứ yếu.” [9]

Không đến 5 tháng sau khi nói những lời này, ngày 5 tháng 8 năm 1895, Engels qua đời. Nếu như cái quan định luận, thì đây là ý kiến cuối cùng của Engels đối với vấn đề sách lược cách mạng của các nước châu Âu. Cái mà ông chờ đợi là thông qua đấu tranh hợp pháp của giai cấp công nhân giành được chính quyền, bảo lưu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, quá độ hoà bình đến chủ nghĩa xã hội. Nên nói là, đó là di ngôn cuối cùng của Engels đối với phong trào xã hội chủ nghĩa các nước châu Âu, là sự sửa đổi quan trọng đối với “sách lược cũ” của “Tuyên ngôn cộng sản”

Từ đó có thể thấy, không phải là Bernstein (1850-1932) “xét lại” lý luận cách mạng bạo lực của chủ nghĩa Marx, đề xuất lý luận quá độ hoà bình, Bernstein chỉ nhắc lại những lời của Engels, kế thừa và phát huy những suy ngẫm lại và sửa đổi của Engels đối với lý luận cách mạng do Marx và ông cùng sáng lập. Ngược lại chính Lenin mới làm trái tư tưởng chủ nghĩa Marx về chủ nghĩa xã hội cùng thắng lợi tại các nước tư bản tiên tiến, đề xuất lý luận tại một nước phương đông lạc hậu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa Lenin là sự kế thừa và phát triển của chủ nghĩa Blanqui. Louis Auguste Blanqui (1805-1881) là người lãnh đạo tổ chức xã hội bí mật nước Pháp hồi thế kỷ 19, phái cách mạng bạo lực trong Quốc tế thứ nhất, lãnh tụ quân sự của Công xã Paris. Nội dung quan trọng của chủ nghĩa Blanqui là tin chắc: bất kể sự phát triển sức sản xuất ở vào trình độ nào, chỉ cần dựa vào bạo lực là có thể sáng tạo ra một thế giới mới không có bóc lột, không có áp bức.

Nhiều nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc chúng ta còn chưa đọc Tư bản luận, còn chưa đọc tác phẩm cuối đời của Engels [10] , cái mà họ đọc tương đối nhiều là các tác phẩm của Lenin và Stalin. “Tiếng súng của Cách mạng tháng Mười” đưa lại là chủ nghĩa Lenin chứ không phải là chủ nghĩa Marx. Họ lãnh đạo cách mạng chủ nghĩa dân chủ mới, vũ trang cướp chính quyền là cách mạng dân chủ tư sản, là hoàn toàn chính xác; nhưng sau khi xây dựng nước đã bất chấp tình hình đất nước Trung Quốc sức sản xuất vô cùng lạc hậu, vứt bỏ chủ nghĩa dân chủ mới tức con đường phát triển chủ nghĩa tư bản, kiên trì phải làm chủ nghĩa cộng sản, cái dựa vào là bộ máy quốc gia lớn mạnh trong tay, không sợ giai cấp tư sản dân tộc tạo phản. Từ Trung Quốc chúng ta có thể nhìn thấy ảnh hưởng của chủ nghĩa Blanqui - chủ nghĩa Lenin đối với họ. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đã từng đi trên con đường chủ nghĩa xã hội bạo lực.

Sau khi Marx, Engels tổng kết bài học kinh nghiệm của cách mạng, thừa nhận sai lầm năm 1848, bảo lưu phương thức sản xuất tư bản, tiến vào chủ nghĩa xã hội một cách hoà bình, đó mới là thành quả tối cao của Tư bản luận, mới là chủ đề của chủ nghĩa Marx, mới là chính thống của chủ nghĩa Marx. Những điều chính thống này gọi là chủ nghĩa xã hội dân chủ.

Trong thời đại Marx-Engels, Đảng Dân chủ Xã hội là chính đảng Mác-xit chính thống đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân tham gia phong trào chủ nghĩa xã hội. Chính là Lenin sáng tạo cái mới khác người, năm 1918 đã đổi tên Công đảng Dân chủ Xã hội Nga thành Đảng Cộng sản, thành lập Quốc tế Ba (Quốc tế Cộng sản) chia rẽ phong trào công nhân quốc tế. Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông mới là những người xét lại lớn nhất. Họ đã mang “phương pháp đấu tranh năm 1848” mà Engels đã vứt bỏ làm ngọn cờ để múa lên, xét lại chủ nghĩa Marx từ mặt “tả”.

Nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Marx là phát triển sức sản xuất là cơ sở của toàn bộ tiến bộ xã hội. Chênh lệch giầu nghèo và phân hoá xã hội là kết quả của phát triển sức sản xuất, sự gia tăng của cải xã hội, do đó nhìn chung mà nói là tiến bộ xã hội; nhưng đồng thời lại bao hàm thoái bộ, xuất hiện bóc lột, áp bức và đấu tranh giai cấp. Xã hội đã là một thể thống nhất mâu thuẫn như vậy, đó là hình thức tồn tại và phát triển để loài người từ biệt thời đại dã man tiến vào xã hội ngưỡng cửa văn minh. Điểm để mắt cơ bản của chủ nghĩa Marx là cái trước, đó là hòn đá tảng của chủ nghĩa duy vật lịch sử; cái sau nhấn mạnh quá mức là phái chủ nghĩa xã hội không tưởng.

Phân phối của cải xã hội không công bằng là đòn bẩy động viên tính tích cực thành viên xã hội, thúc đẩy xã hội tiến bộ, Thao túng chiếc đòn bẩy này có một “độ” hợp lý (khoa học kinh tế hiện đại gọi là “hệ số Keynes”), vượt qua cái độ đó, xã hội sẽ bùng nổ; tiêu diệt cái “độ” đó, xã hội sẽ mất đi sức sống và động lực tiến lên. Mà kết quả của nó đều phá vỡ thể thống nhất mâu thuẫn, phải nhường ngôi cho vương triều mới hoặc chế độ mới. Toàn bộ nghệ thuật của người lãnh đạo hoặc kẻ thống trị là phải nắm tốt, điều chỉnh tốt cái “độ” đó. Những người cộng sản vì xã hội lý tưởng mà phấn đấu mấy chục năm, sai lầm lớn nhất về chính sách là đã ý đồ tiêu diệt cái “độ” này, dùng biện pháp “nồi cơm lớn” để “chia đều nghèo giầu”, chỉ cần công bằng, không cần năng suất, thậm chí tự hào vì đã “chia đều cái nghèo”, tạo ra sự trì trệ và suy thoái về sản xuất trong mấy chục năm qua, cái gọi là “tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội” mãi chẳng phát huy ra được, đã đập nát nhãn hiệu “chủ nghĩa xã hội”.

Ở những nước tiền tư bản chủ nghĩa sản xuất nhỏ chiếm ưu thế, công nghiệp chưa phát triển thì biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách dùng quan hệ sản xuất biến động để thu hồi tư liệu sản xuất về quốc hữu, là sai lầm căn bản làm trái chủ nghĩa Marx của những người cộng sản từ Lenin đến nay. Về cuối đời Lenin đã nhận thức được sai lầm đó và đề xuất chính sách kinh tế mới, ông nói: “mặc dù chúng ta còn chưa thể thực hiện quá độ trực tiếp từ sản xuất nhỏ đến chủ nghĩa xã hội, vì thế với tư cách là chủ nghĩa tư bản sản xuất nhỏ và trao đổi sản vật tự phát trong phạm vi nhất định là không thể tránh khỏi, cho nên chúng ta nên lợi dụng chủ nghĩa tư bản (đặc biệt là phải dẫn dắt nó vào quỹ đạo chủ nghĩa tư bản nhà nước) với tư cách là khâu trung gian giữa sản xuất nhỏ và chủ nghĩa xã hội, với tư cách là thủ đoạn, con đường, phương pháp và phương thức nâng cao sức sản xuất.” [11]

Đảng chúng ta vào tháng 12 năm 1956, sau khi hoàn thành “ba cuộc cải tạo lớn” dẫn tới kiêu ngạo đã nhanh chóng nhận thức được đó là một sai lầm, đã đề xuất tới chính sách kinh tế mới của ông. Đồng chí Mao Trạch Đông nói: “Nhà máy bí mật ở Thượng Hải đối lập với xí nghiệp quốc doanh. Do xã hội đòi hỏi nên đã phát triển. Muốn làm cho nó thành công khai, hợp pháp hoá, có thể thuê công nhân. Hiện nay may quần áo đã 3 tháng, nhà máy hợp tác may tay áo một dài, một ngắn, khuy không có khuyết, chất lượng kém. Tốt nhất là mở nhà máy tư doanh, đối lập với (nhà máy) công khai, còn có thể mở quán vợ chồng, mời người làm cũng được. Điều đó gọi là chính sách kinh tế mới. Tôi nghi ngờ chính sách kinh tế mới của Nga kết thúc quá sớm. Chỉ làm 2 năm, lùi rồi chuyển sang tiến công, đến bây giờ vật tư còn chưa đủ. Chúng ta đã bảo lưu cán bộ công nhân viên công thương tư doanh là 2,5 triệu người (công nghiệp 1,6 triệu, thương nghiệp 900.000), nước Nga chỉ bảo lưu tám, chín vạn người. Còn có thể suy nghĩ, chỉ cần xã hội đòi hỏi, nhà máy bí mật còn có thể gia tăng, có thể mở nhà máy lớn tư doanh, ký điều ước mười năm, hai mươi năm không tịch thu, Hoa kiều đầu tư hai mươi năm, một trăm năm không tịch thu, có thể mở công ty đầu tư, trả vốn trả lãi. Có thể làm quốc doanh, cũng có thể làm tư doanh. Có thể tiêu diệt chủ nghĩa tư bản nhưng lại làm chủ nghĩa tư bản.” [12]

Đó là một chính sách chúng ta nhận thức được nhưng lại không có dũng khí thực hiện. Một số suy ngẫm lại về sai lầm của mình, cũng chỉ dừng lại trên cửa miệng, hoa lửa của tư tưởng chính xác vừa loé lên một cái đã nhanh chóng tắt ngấm. Bây giờ chúng ta phải sửa chữa sai lầm mà Mao Trạch Đông nhận thức được nhưng không có dũng khí sửa chữa, thực hiện chính sách kinh tế mới của ông. Không nên vì nghẹn mà bỏ ăn. Nhìn thấy sự phát triển hừng hực của kinh tế tư bản là hoảng hốt kêu lên: “Việc lớn không tốt, chủ nghĩa tư bản phục hồi ở Trung Quốc rồi!” Không có chế độ nô lệ cổ đại sẽ không có châu Âu cận đại. Không có của cải vật chất do chủ nghĩa tư bản tạo ra, chủ nghĩa xã hội sẽ mãi mãi chỉ là không tưởng, mãi mãi chỉ ở trình độ “nồi cơm lớn”. Marx cho rằng: “phương thức sản xuất chủ nghĩa tư bản” so với hình thức chế độ nô lệ, chế độ nông nô v.v.. trước đó, đều có lợi hơn cho sự phát triển các loại sức sản xuất, có lợi hơn cho sự phát triển quan hệ sản xuất, có lợi hơn cho việc sáng tạo ra các loại yếu tố mà một hình thái xã hội mới cao cấp hơn đòi hỏi.” [13]

Nếu như so sánh chế độ xã hội do Quốc tế Hai (Quốc tế Xã hội) và Quốc tế Ba (Quốc tế Cộng sản) thiết lập là hai loại hình thực nghiệm chủ nghĩa xã hội thì sự thất bại của cái sau là tất nhiên, bởi vì nó chưa có điều kiện như vậy để phát triển đầy đủ chủ nghĩa tư bản, hơn nữa ngay những mầm mống của chủ nghĩa tư bản cũng đều bị tiêu diệt rồi. Đúng như Tân Tử Lăng đã nói: “Một cuộc cách mạng lấy tiêu diệt chế độ tư hữu làm kết cục, một loại chế độ lấy việc bài xích sức sản xuất tiên tiến làm đặc trưng thì bất kể dùng danh nghĩa đường hoàng nào cũng đều không có tiền đồ.” Từ đó có thể thấy Liên Xô tan rã, Đông Âu thay đổi lớn, Trung Quốc đi lên con đường cải cách mở cửa đều là thất bại của chủ nghĩa xét lại “tả” khuynh, là thắng lợi của chủ nghĩa Marx. Còn những thực nghiệm mà những người Đảng Xã hội đã làm, lấy mô hình Thuỵ Điển làm đại biểu đã ảnh hưởng tới toàn bộ các nước công nghiệp phương Tây, thay đổi phương hướng lịch sử loài người. Chúng ta cần phải coi trọng hơn, tôn trọng hơn thành quả cao nhất của chủ nghĩa Marx - chủ nghĩa xã hội dân chủ.

Thứ hai, Tân Tử Lăng với những khảo chứng kịch sử khiến người ta tin phục đã thuyết minh, vào cuối đời Engels đã vứt bỏ cái gọi là lý tưởng tối cao “chủ nghĩa cộng sản” Trong “Lời nói đầu” ông đã chỉ ra:

Chẳng có mục tiêu lớn “chủ nghĩa cộng sản” gì cả, đó chỉ là một mệnh đề được người khai sáng ra chủ nghĩa Marx đề xướng lúc trẻ nhưng vứt bỏ lúc cuối đời. Tháng 10 năm 1847, Engels viết bài “Nguyên lý cộng sản chủ nghĩa”, chàng thanh niên 27 tuổi ấy đã ảo tưởng vẽ ra mơ ước đối với xã hội lý tưởng tương lai. Ngày 11 tháng 5 năm 1893, khi 73 tuổi, Engels đã phát biểu với phóng viên báo Figaro Pháp, phủ định mô hình xã hội tương lai mà mình thiết kế lúc trẻ.

Engels nói: “Chúng tôi không có mục tiêu cuối cùng. Chúng tôi là những người theo lý luận phát triển không ngừng, chúng tôi không dự định mang qui luật cuối cùng nào đó áp đặt cho nhân loại. Còn về cách nhìn, dự định tỉ mỉ tình hình của phương diện tổ chức xã hội tương lai ư? Ngay cái bóng của chúng các ngài cũng không thể tìm thấy ở chỗ chúng tôi.”

Luba Brezhnev, cháu gái của Leonid Brezhnev - cựu Tổng Bí Thư Đảng CS Liên Xô, trong hồi ức đã viết, năm đó Brezhnev đã từng nói với em trai mình: “Chủ nghĩa cộng sản cái gì, đều chỉ là những lời nói trống rỗng nhằm dỗ dành dân chúng.” Sai lầm của những người lãnh đạo Liên Xô cũ không phải ở chỗ vứt bỏ mục tiêu cộng sản chủ nghĩa, một khi phát hiện được đó là không tưởng, không thể thực hiện được thì tự nhiên nên vứt bỏ, nhưng lại mang cái lý luận mà mình không tin tưởng nữa tiếp tục coi là hình thái ý thức để lừa gạt nhân dân. Một chính đảng lãnh đạo nhân dân tiến lên, cần phải giống như Engels tiến cùng thời đại, đưa ra những điều chỉnh với mục tiêu phấn đấu của mình, đồng thời trịnh trọng nói cho nhân dân.

Thiết lập mục tiêu phấn đấu cuối cùng là truyền thống văn hoá của đạo Cơ Đốc. Tin tưởng là một ngàn năm sau khi Giêsu giáng sinh, Giêsu phải sống lại, phải xây dựng thiên quốc trên thế giới. Mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản là phát triển biến hoá từ đó mà ra, là bản hiện đại của quan niệm thiên quốc Cơ Đốc giáo. Hegel và Marx, Engels đều tin là sự tiến hoá của xã hội loài người không phải là liên tục vô hạn, không có chỗ tận cùng, mà là phải đạt được một mục tiêu cuối cùng, hoàn thành một hình thái xã hội. Tại điểm này Hegel và đệ tử của ông-Marx, Engels đều làm trái phép biện chứng. Đối với Hegel mà nói đó là vương quốc tự do; đối với Mac, Engels mà nói thì là chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản trở thành ngọn cờ của Utopia [không tưởng]. Khi Bernstein chủ trương xã hội cải lương một cách chắc chắn, mưu lợi thiết thực cho công nhân, đề xuất “mục tiêu cuối cùng là nhỏ bé không đáng kể, phong trào mới là tất cả.” Lẽ đương nhiên ông trở thành kẻ thù của Lenin, người đang giương cao ngọn cờ cộng sản chủ nghĩa.

Cách nghĩ xây dựng thiên quốc được thể hiện vào thời đại khoa học còn chưa phát triển mạnh đã thể hiện nhân loại chưa biết làm gì để cải thiện hoàn cảnh, nâng cao chất lượng sống một cách cụ thể, đẩy những việc không thể thực hiện trong hiện thực tới tương lai xa xôi. Cái gọi là mục tiêu lớn của “chủ nghĩa cộng sản đều không giống nhau trong các thời đại lịch sử mà là cụ thể, có thay đổi. Khi Marx nói: “làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu” ông đã không nghĩ đến lúc mọi người đều cần một máy điện toán; Engels nói, người người đều ở trong căn phòng có hơi sưởi ấm thì là chủ nghĩa cộng sản rồi. Chủ nghĩa cộng sản trong thời đại lý tưởng chúng ta ở Diên An là “trên lầu dưới lầu, đèn điện, điện thoại.” Sự thực là những văn minh vật chất mà hôm nay chúng ta có, chúng ta hưởng thụ đều đã vượt qua từ lâu mọi tưởng tượng của Marx, Engels, vượt qua tiêu chuẩn chủ nghĩa cộng sản mà các ông đã chế định.

Dùng cái gọi là “lợi ích lâu dài” để phủ định “lợi ích trước mắt”, dùng cuộc sống hạnh phúc của thiên đường chủ nghĩa cộng sản để vỗ về nhân dân, bảo nhân dân chịu đựng hiện thực đói khát, nghèo nàn và khổ sở là trò hề mà những kẻ xã hội chủ nghĩa không tưởng lừa bịp nhân dân. Tất cả những cái đó nên kết thúc.

Từ sau khi chống “phái hữu” vẫn không ngừng suy ngẫm câu nói của Cố Chẩn - đại biểu ưu tú của trí thức Trung Quốc: “Tôi đã nghiền ngẫm vấn đề này rất lâu, kết luận của tôi là, không thể xây dựng thiên quốc trên mặt đất, thiên quốc là ảo tưởng triệt để, còn mâu thuẫn thì tồn tại mãi mãi. Vì thế không có mục đích cuối cùng gì cả, nếu có, thì chỉ là sự tiến bộ.” [14]

Tôi thường nghĩ, không biết liệu người Đức có hiểu Marx hơn chúng ta không, liệu người Nga có hiểu Lenin hơn chúng ta không, giống như so với người nước ngoài, chúng ta hiểu Khổng Phu tử hơn. Vì sao người Đức vứt bỏ bộ phận chủ nghĩa Marx không thích hợp với cuộc sống hiện thực, vì sao người Nga vứt bỏ chủ nghĩa Lenin, trong khi chúng ta phải coi là thần để cung phụng vậy? Làm ngọn cờ để giương cao vậy?

Chủ nghĩa xã hội dân chủ loại bỏ thành phần không tưởng trong chủ nghĩa Marx, làm cho chủ nghĩa Marx từ không tưởng biến thành hiện thực. Với tư cách là chủ nghĩa Marx sống động, chủ nghĩa Marx mọc rễ trong phong trào công nhân, chủ nghĩa xã hội dân chủ mang lại cho giai cấp công nhân tiền lương cao, phúc lợi cao chứ không phải là không tưởng chỉ có thể đứng nhìn, chứ không thể có. Cái viết trên ngọn cờ chủ nghĩa Marx đương đại là chủ nghĩa xã hội dân chủ. Kiên trì chủ nghĩa Marx là kiên trì chủ nghĩa xã hội dân chủ. Những người Đảng Xã hội Dân chủ vừa đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân vừa đại biểu cho lợi ích chung của toàn xã hội, có cơ sở giai cấp và cơ sở quần chúng rộng rãi. Không phải là xúi giục xung đột giai cấp, làm gay gắt mâu thuẫn xã hội mà là đoàn kết các giai cấp trong xã hội lại, thúc đẩy kinh tế phát triển; trong tổng lượng của cải xã hội không ngừng gia tăng, điều tiết phân phối đi con đường cùng giầu có.

Cùng giầu có không phải là biến những người hữu sản thành người vô sản mà biến những người vô sản thành người hữu sản; không phải là biến người giầu thành người nghèo mà là biến người nghèo thành người giầu. Đó chính là con đường suy nghĩ chung để quản lý quốc gia của những người xã hội dân chủ. Con đường suy nghĩ mới mẻ này so với con đường suy nghĩ “đấu tranh giai cấp” cướp của của người giầu cứu tế cho người nghèo cao siêu hàng trăm lần, cái trước là cùng giầu có, cái sau là cùng nghèo nàn.

Khi chủ nghĩa xã hội bạo lực đi đến sơn cùng thuỷ tận, thì chủ nghĩa xã hội ở Tây Âu và Bắc Âu lại giành được thành công cực lớn. Nghèo nàn không phải là chủ nghĩa xã hội, giầu có + hủ bại có bản quyền, cũng không phải là chủ nghĩa xã hội. Sự giầu có của nhân dân phổ thông và sự liêm khiết của các quan chức chính quyền là hai điểm sáng lớn của chủ nghĩa xã hội dân chủ. Loài người gửi gắm hy vọng vào chủ nghĩa xã hội dân chủ.

Từ góc nhìn lớn lịch sử, Tân Tử Lăng đã nhìn lại lịch sử phong trào chủ nghĩa xã hội thế giới, đã lật án cho cái gọi là “chủ nghĩa xét lại” bị phê phán nhiều năm, đã chính danh cho chủ nghĩa xã hội dân chủ, đã vì Đảng Cộng sản Trung Quốc quét sạch cản trở khi chuyển biến sang chủ nghĩa xã hội dân chủ. Ông chỉ ra, kinh nghiệm cầm quyền của Đảng Xã hội Dân chủ Thuỵ Điển có giá trị tham khảo quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề gai góc khi chúng ta vượt qua các cửa ải khó.

“Núi không cần cao, có tiên là nổi tiếng. Đầm không cần sâu, có rồng là thiêng.” [15] Mặc dù Thuỵ Điển là nước nhỏ, mặc dù Đảng Xã hội Dân chủ Thuỵ Điển là đảng nhỏ, nhưng Thuỵ Điển là tấm gương của chủ nghĩa xã hội dân chủ, kinh nghiệm của Thuỵ Điển có giá trị phổ cập thế giới, là cống hiến vĩ đại cho văn minh nhân loại. Trong khuôn khổ chính trị dân chủ, Đảng Xã hội Dân chủ Thuỵ Điển dựa vào sự chính xác của chính sách của mình, đã đại biểu cho lợi ích của đông đảo nhân dân, có được kinh nghiệm khoá nào cũng thắng cử, cầm quyền lâu dài; trong xây dựng kinh tế đã thống nhất hiệu suất và công bằng, có kinh nghiệm phân hoá đồng hướng, cùng giầu có; trong xử lý chính xác quan hệ giữa lao động và tư bản, động viên hai tính tích cực của công nhân và nhà doanh nghiệp, đã thực hiện kinh nghiệm lao động-tư bản cả hai cùng thắng, có kinh nghiệm ngăn chăn có hiệu quả tầng lớp đặc quyền xuất hiện, ngăn chặn triệt để quan chức dùng quyền hành mưu lợi riêng, tham ô hối lộ, giữ vững được liêm chính lâu dài, cung cấp tấm gương thành công cho chúng ta trong kiên trì phương hướng xã hội chủ nghĩa, trong cải cách mở cửa. [16]

Tạo thành mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ là chính trị dân chủ, hỗn hợp chế độ tư hữu, kinh tế thị trường xã hội, và chế độ an sinh xã hội. Hạt nhân của chủ nghĩa xã hội dân chủ là dân chủ, không có sự bảo đảm của dân chủ ba hạng mục khác đều sẽ dị hoá và biến chất. “Bốn pháp bảo lớn”, chúng ta học ba dạng sau, chỉ không học chính trị dân chủ.

Từ cuối đời Thanh đến nay có một lời dạy của tổ tiên khi học văn minh phương Tây: “Học phương Tây để dùng, học Trung Quốc là thể” Học công nghiệp, học khoa học, học giáo dục đó chính là cái gọi là bộ phận “dùng”; còn về “thể” tức là thể chế chính trị, là gia pháp tổ tông, không thể thay đổi. Độc tài chuyên chế mà tổ tông truyền lại là thể chế chính trị tốt nhất, cải tiến một chút cũng không được, quân chủ lập hiến cũng không được, kết quả là nhà Thanh mất.

Tôn Trung Sơn sáng lập Dân quốc, đã có hiến pháp, đã có quốc hội, nhưng Tưởng Giới Thạch nhấn mạnh một đảng, một lãnh tụ, đảng ở trên hiến pháp, quốc hội, lãnh tụ ở trên đảng, vẫn là độc tài chuyên chế.

Mao Trạch Đông thay thế Tưởng Giới Thạch, các đảng các phái, nhân dân cả nước đều hy vọng Mao Trạch Đông thực hiện lời hứa dân chủ của thời Diên An, trở thành Washington của Trung Quốc, mở ra kỷ nguyên mới quốc gia dân chủ. Vào ở Trung Nam Hải, Mao Trạch Đông đã trở mặt, tuyên bố ông là “Marx + Tần Thuỷ Hoàng” hơn nữa còn lợi hại hơn Tần Thuỷ Hoàng hàng trăm lần, trở thành hoàng đế không mặc long bào. Kết cấu quyền lực và chế độ chính trị do ông thiết kế là một loại chế độ bảo đảm và không cản trở tới sự độc đoán chuyên quyền của Mao Trạch Đông. Do không chịu bất kỳ ràng buộc nào, không nghe bất kỳ ý kiến phản đối nào, 3 năm nhẩy vọt lớn đã chết đói 37,5 triệu người, trở thành bạo chính lớn nhất cổ kim và trong ngoài nước.

Có người nói chế độ chúng ta rất tốt, quyết không học dân chủ phương Tây, tam quyền phân lập. Một chế độ tốt hay không tốt, không phải là vấn đề lý luận mà là vấn đề thực tiễn. Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm dân chủ thật và dân chủ giả. Chế độ chúng ta không thể ngăn cản được việc biến hơn 50 vạn phần tử trí thức thành phái hữu, không thể ngăn cản cuộc phát động điên cuồng công xã hoá và nhảy vọt lớn, khi Cách mạng Văn hoá kiểu phát xít huỷ bỏ hiến pháp, đình chỉ hoạt động của quốc hội, chế độ của chúng ta đã không có bất kỳ phản kháng nào. Nói cái chế độ đó không hề có chút tác dụng nào trong các mặt bảo đảm dân chủ, bảo đảm nhân quyền, bảo vệ tôn nghiêm của hiến pháp chẳng lẽ không phù hợp sự thực chăng?

Năm 2004, Hồ Cẩm Đào nói chuyện tại Quốc hội Pháp, đã trịnh trọng nói rõ với thế giới: “Phát triển chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa là mục tiêu phấn đấu trước sau không thay đổi của chúng tôi. Chúng tôi đề xuất một cách rõ ràng, không có dân chủ sẽ không có chủ nghĩa xã hội, sẽ không có hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi tích cực thúc đẩy cải cách thể chế chính trị, hoàn thiện chế độ cụ thể của dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nhân dân thực hiện đầy đủ các quyền lợi bầu cử dân chủ, quyết sách dân chủ, giám sát đôn đốc dân chủ.” Cách nói này mang lại hy vọng mới cho chính trị dân chủ Trung Quốc.

Cải cách thể chế chính trị không thể để chậm được nữa. Nếu Đảng ta, nước ta chỉ cải cách mở cửa về kinh tế mà không làm cho cải cách thể chế chính trị theo sát sau, nói nặng lời, chúng ta thực sự có khả năng lại giẫm phải con đường chủ nghĩa tư bản quan liêu mà Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch đã đi tới diệt vong tại đại lục. Chỉ có chính trị dân chủ mới có thể giải quyết về căn bản vấn đề đảng cầm quyền tham ô hủ bại. Chỉ có chủ nghĩa xã hội dân chủ mới có thể cứu Trung Quốc.

Hiện nay đang suy nghĩ chuẩn bị thông qua tam quyền phân lập trong Đảng (sẽ tách rời quyền quyết sách, quyền giám sát đôn đốc và quyền chấp hành: Đại hội Đảng và các Uỷ ban thiết lập lâu dài của đại hội thi hành quyền quyết sách, Đảng uỷ thi hành quyền chấp hành, Uỷ ban kỷ kuật kiểm tra thi hành quyền giám sát đôn đốc), thực hiện dân chủ hoá thể chế lãnh đạo, với tư cách là đột phá khẩu của cải cách thể chế chính trị, và sẽ làm thử ở một số khu vực. Từ chỗ bài xích tuyệt đối đến hình thức thực hiện kết hợp với thực tế thăm dò tam quyền phân lập là đột phá về tư tưởng chỉ đạo của cải cách thể chế chính trị.

Phải tạo dựng một cục diện chính trị như thế này: với tư cách là người lãnh đạo có sai lầm thì trong Đảng có thể có được sự ngăn chặn và uốn nắn có hiệu quả; với tư cách là quan chức của đảng cầm quyền có sai lầm thì có thể được cơ quan quyền lực quốc gia - quốc hội, ngăn chặn và uốn nắn có hiệu quả. Với tư cách là đảng cầm quyền phương thức vận tác của Đảng Cộng sản phải có sự thay đổi căn bản, hoạt động theo hiến pháp, chứ không phải là đứng trên hiến pháp. Phải làm cho các Hội đồng Nhân dân các cấp thiết thực thi hành chức quyền của Quốc hội quốc gia dân chủ, xây dựng trong hệ thống chính trị cơ chế uốn nắn sai lầm, ngăn chặn độc tài, ngăn chặn hủ bại, ngăn chặn sai lầm. Thiết lập và cường hoá [làm mạnh] một cách có ý thức mặt đối lập như thế, sẽ bảo đảm Đảng ta trở thành đảng cầm quyền có quyết sách dân chủ, trong sạch công bằng liêm khiết, lãnh đạo chính xác.

Từ cải cách thể chế đảng cầm quyền lãnh đạo, đến cải cách thể chế chính trị quốc gia, đó là chiến lược đi hai bước, có khả năng là con đường chính trị dân chủ có sắc thái Trung Quốc.

Người giới thiệu tôi vào Đảng - Trương Hữu Ngư, năm 1994 khi hấp hối đã từng nói với tôi: “Sau kháng chiến thắng lợi, chúng ta tận mắt nhìn thấy Quốc dân Đảng độc tài chuyên chế tham ô hủ bại cuối cùng mất hết nhân tâm, mất chính quyền. Một số đồng chí già chúng ta không thể trơ mắt ra nhìn Đảng ta cũng lại đi trên con đường như vậy.” Lúc đó tương đối đau thương nức nở và không có kế sách hay. Đọc cuốn sách của Tân Tử Lăng nhân đà phấn chấn viết ra những lời nói này, coi như là đã chấp hành lời dặn trước lúc lâm chung của Trương lão. Một lòng canh cánh cứu Đảng, đồng chí bạn bè sáng suốt xem xét. [17]


Bản tiếng Việt © 2007 talawas


[1]Tân Tử Lăng: Nguyên là đại tá, nghiên cứu viên Học viện Quốc phòng, cấp sư đoàn trưởng Quân Giải phóng Trung Quốc, nhà chuyên nghiên cứu về Mao Trạch Đông (ND).
[2]Biện Hồng Đăng: “Phương lược vận doanh tư bản” Nhà Xuất bản Cải cách, 1997, tr. 227
[3]Nguyễn Tôn dịch: Con đường thứ ba và nước Anh mới, Nhà xuất bản Phương Đông, bản lần thứ nhất tháng 12/2001, tr. 290-291
[4]Bài viết trên mạng tháng 10 năm 2005 của Trương Đức Cần: “Quan niệm phát triển dung tục là ‘nguồn gốc của bách bệnh’”. Những đoạn dẫn dưới đây nếu không chú thích xuất xứ đều lấy trong bài viết này.
[5]Tư bản luận quyển 3, Nhà xuất bản Nhân dân, in lần thứ hai, 1966, tr. 504
[6]Sđd, tr. 502
[7]Marx Engels toàn tập quyển 22, tr.273
[8]Chỉ cách mạng bạo lực nói trong “Tuyên ngôn cộng sản”
[9]Marx, Engels toàn tập quyển 22, tr.595,597,603,607
[10]Tác phẩm cuối đời quan trọng nhất của Engels: Lời nói đầu cuốn Đấu tranh giai cấp ở Pháp, năm 1930 mới xuất bản ở Liên Xô, năm 1956 mới xuất bản ở Trung Quốc
[11]“Bàn về thuế lương thực”, Lenin toàn tập quyển 32, tr.342
[12]“Con đường nước Cộng hoà đã đi qua - Tập hợp các bài viết quan trọng từ ngày xây dựng nước đến nay” [1953-1956] tr. 308
[13]Tư bản luận quyển 1, Nhà xuất bản Nhân dân, 1966, tr. 962
[14]Cố Chuẩn văn tập, Nhà xuất bản Nhân dân Quí Châu, 1995, tr.370
[15]Lưu Vũ Tích - đời Đường: “Lậu thất minh”
[16]Sách của Tân Tử Lăng, “Lời kết thúc”
[17]Các luận điểm của Tạ Thao và Tân Tử Lăng đang được tranh luận sôi nổi trên các mạng của Trung Hoa lục địa (ND).
Nguồn: Dịch từ