trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 80 bài
  1 - 20 / 80 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
2.6.2002
Lê Quốc Tuấn
Phải là nỗ lực của cả hai phía
 
Ðồng tính luyến ái (ÐTLA) là vấn đề dễ gây tổn thương bởi vì tập thể những người ÐTLA vốn là một tập thể nhỏ, lại mang nhiều thương tích do những nghi kỵ, phân biệt, hắt hủi, hiểu lầm... gây ra từ hai tập thể đa số (đàn ông, đàn bà) từ biết bao lâu nay.

Nói cho công bình, dù ÐTLA có do bẩm sinh, do phát triển tâm lý hay do sự lựa chọn cá nhân đi nữa thì cũng không nên là đối tượng để bị khinh miệt, hắt hủi. Thế nhưng, sự việc đã không phải như thế. Bao lâu nay, những người ÐTLA ở khắp nơi trên thế giới – từ những nước văn minh nhất đến lạc hậu nhất - đã luôn phải chịu những mặc cảm, đau khổ về sự khác thường giới tính của mình. Bi kịch của họ là bi kịch của những người gần như không có chỗ đứng tử tế, công bằng trong xã hội, luật pháp, đạo đức chung. Phản ứng của họ hiện nay chính là phản ứng của những con giun đã bị xéo quá lâu.

Tại sao sự khác biệt về giới tính của họ lại chuốc phải những phản ứng tiêu cực như thế từ dư luận chung quanh? Kẻ không may tàn tật, hình dạng xấu xí cũng không bị những khinh miệt đến như thế và ngay cả những kẻ tội phạm, những kẻ suy đồi đạo đức phẩm hạnh nhất cũng không đến nỗi bị phân biệt, khinh rẻ đến như thế. Tại sao vậy?

Câu trả lời chính là vì: Sự khác biệt của họ chính là đầu mối đe dọa đến cái trật tự yên ổn của những người có phái tính đa số ở chung quanh. Và, gánh nặng tâm lý càng đè nặng lên họ, càng đẩy họ sâu vào việc che dấu, úp mở phái tính khác biệt của mình chừng nào, lại càng làm tăng thêm ác cảm của những người chung quanh, tăng thêm mối lo ngại đến an bình đời sống của đa số chung quanh chừng nấy.

Bởi vì xã hội và trật tự công cộng xưa nay đều dựa trên đa số. Nền tảng gia đình, đạo đức, tôn giáo và tất tất thảy mọi thứ nhằm tạo ra sự yên ổn cho xã hội bỗng chốc bị đảo lộn bởi sự phát hiện ra một tập thể có giới tính thứ ba. Hãy thử nghĩ coi, mọi người không sợ hãi sao được khi mà người bạn trai của chồng mình có thể là một người "vui" (gay), y sẽ dẫn chồng mình đi chơi xa hơn; hoặc ngược lại người bạm gái của vợ mình là một người lesbian, nàng có thể tha mẹ của bầy con mình ra khỏi nhà? Hãy thử nghĩ coi, trong một tập thể nam giới đang thân thiện với nhau, bỗng nhiên khám phá ra đôi mắt bất thường của một chàng nào đó nhìn mình, và muốn bày tỏ với mình một tình cảm khác hơn là thứ tình cảm mình thường nghĩ đến? Và "đáng sợ" hơn cả là: những người gay, lesbian... này lại cứ úp mở, che dấu, khiến không ai biết được mà... đề phòng?

Tuy nhiên, muốn suy nghĩ kiểu gì, dựa trên căn bản nào đi nữa thì ai cũng phải thấy là tình trạng này cần phải chấm dứt. Và muốn chấm dứt tình trạng này cần có nỗ lực từ hai phía. Phía xã hội nên có những đối xử tế nhị, công bằng đối với người ÐTLA, mặt khác những người ÐTLA nên công khai mình để tránh những nghi kỵ, những mặc cảm không cần thiết từ hai phía. Trong tiến trình này, ở các xã hội văn minh đã đi được những bước rất xa. Một mặt, những người ÐTLA ở các xã hội này liên kết lại với nhau, công khai, thậm chí hãnh diện về giới tính của mình; mặt kia: những người ở giới tính đa số, cũng đang phải chấp nhận họ, sửa chữa mình, sửa chữa các kỷ cương, quan niệm tổ chức xã hội để trở nên công bằng hơn đối với những người ÐTLA.

Xã hội VN cũng nên học theo các tiến bộ này từ các nước tiến bộ khác. Những người ÐTLA Việt Nam cần có thái độ đúng đắn hơn để buộc xã hội phải chấp nhận mình. Bởi vì, nói cho cùng: thái độ e sợ, dấu mình là một thái độ thiếu khôn ngoan, thiệt thòi nhất và cũng chẳng bao giờ mang lại kết quả gì. Nếu chưa nói là còn làm xấu hơn đi mối quan hệ của mình và những người chung quanh. Những người ÐTLA ở các xã hội Tây phương đã dũng cảm công khai sự khác biệt giới tính của mình để đòi hỏi cả xã hội phải chấp nhận mình, khiến cả đại khối xã hội chung quanh phải nhìn lại, phải thay đổi, kể cả thay đổi luật pháp để có phản ứng tốt đẹp hơn, công bằng hơn đối với ngừơi ÐTLA. Thành thử, những người ÐTLA Việt Nam đừng chờ đến khi xã hội, luật pháp VN thay đổi để bảo vệ mình mà hãy tự bảo vệ mình trước!

Còn nếu như, người ÐTLA Việt Nam chưa cảm thấy mối bức bách phải làm để thay đổi cái nhìn của công chúng, xã hội đối với họ thì... thôi, chúng ta bàn gì nữa đây?

Nói cho cùng, bất kỳ cái gì tồn tại cũng đều có lý do chính đáng của nó cả thôi và sự thay đổi nào cũng không thể là sự thay đổi qua đêm, thay đổi của một phía.