trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
4.8.2007
Ðỗ Kh.
Trận hải chiến bí mật của Hoa Kỳ
 
Ngày 9 tháng 6 năm 1967, vào một trưa hè oi ả, chiến hạm tình báo điện tử của Hoa Kỳ, tàu USS Liberty đang rập rình tắm nắng ngoài khơi Ai Cập tại Địa Trung Hải. Nếu thuỷ thủ đoàn lúc đó dùng kính viễn vọng để theo dõi phụ nữ chân đong đưa võng và trẻ em đội thúng bán ghẹ trên bãi biển thơ mộng Gaza thì đã không có chuyện. Đằng này, họ ở xa bờ, ở ngoài hải phận quốc tế và trên bờ thì đang khói lửa, vào giai đoan kịch liệt của Cuộc chiến 6 ngày giữa Do Thái và các quốc gia Ả Rập lân bang.

Từ sáng sớm, đã có nhiều chuyến bay thám thính đi ngang nhận diện tàu Liberty. Không lực Ai Cập thì đã tan tành mới mấy ngày trước và Israel làm chủ vùng trời. Các chuyến bay ngang này là các chuyến của không lực Israel và tàu Liberty là một tàu Mỹ nên không có gì phải lo sợ. Nhưng nếu đó là một tàu Liên Xô thì đã chẳng ai (dám) đánh như sự việc cho thấy vào lúc 14 giờ. [1] Một máy bay lạ mặt không mang phù hiệu, thuộc loại chiến đấu cơ Mirage II từ đâu xà xuống nã đạn đại bác vào tàu đang phất phới cờ Hợp chủng quốc. Thuỷ thủ đoàn vội vã trương ngay một cờ lớn hơn, trong chiến tranh, lảng vảng gần nơi chí choé, bị bắn nhầm cũng là chuyện thường vẫn thỉnh thoảng xảy ra [2] , tuy trong ngày như đã nói, có đến ít nhất là 8 phi tuần thám thính trước đó của Israel.

Tàu USS Liberty, mang mã số rành mạch GTR 5, kẻ bằng mẫu tự la tinh chứ không phải bằng mẫu tự Ả Rập hay cyrillic (Nga) nhưng thế cũng không đủ an toàn. Nếu mang mã số bằng mẫu tự hebrew (Do Thái) thì chắc là mới thoát. Các phi tuần liên tục sau đó thuộc loại Super Mystère cũng do Pháp chế tạo, tiếp tục dùng đại bác 20 ly, tên lửa và bom napalm để tấn công. Nửa tiếng sau phi tuần đầu tiên, ba thuỷ lôi đỉnh của Israel xuất hiện, bắn 5 thuỷ lôi về phía chiếc USS Liberty. May thay cho chiếc Liberty, hai thuỷ lôi đỉnh trong khi bày trận, lại đâm vào nhau nên bốn thuỷ lôi bắn ra vào lúc đó trượt đích. Một thuỷ lôi khác trúng tàu Liberty, làm thiệt mạng thêm 26 quân nhân Mỹ, ngoài 8 người bị chết trong các cuộc công kích bằng phi cơ.

Hạm trưởng, trước tình thế này, ra lệnh bỏ tàu và hạ các xuồng cấp cứu. Các thuỷ lôi đỉnh Israel tiếp tục nã súng vào boong tàu và các bè cấp cứu, tiêu huỷ tất cả các bè này khi được thả xuống nước. Thường thì, khi thuỷ thủ đoàn một chiến hạm địch rời tàu và thả bè thì được kể như là buông súng ngưng chiến, sau đó chỉ việc vớt họ bắt làm tù binh. Quân lực Israel lại là “quân lực đạo đức cao nhất thế giới,” nhưng trong trường hợp này không phải là tàu địch mà là tàu Mỹ đồng minh cho nên luật hải chiến nhân đạo kể trên không thể áp dụng?

Phải nói, tàu Liberty là một tàu tình báo điện tử (là phương tiện do thám kỹ thuật thông dụng trước thời tình báo vệ tinh) cho nên nhiều ăng ten nhưng ít súng. Ngoài vũ khí cá nhân tàu chỉ có 4 ổ đại liên 50 dùng để đuổi địch leo lên cướp tàu chứ vô dụng trong trường hợp hải chiến (tầm tác xạ của đại liên 50 là một hai kí lô mét vung vãi). Trong lúc bị tấn công, các phương tiện liên lạc của tàu Liberty đều bị phá sóng và bất khiển dụng. Nỗ lực chữa chạy, tàu Liberty liên lạc được với Đệ Lục Hạm đội Hoa Kỳ xin khẩn cấp cứu viện. Hai mẫu hạm USS Saratoga và USS America cho 12 phi cơ F4 cất cánh với lệnh bảo vệ chiếc Liberty bằng vũ lực. Lệnh này được chuyển bằng bạch mã (ai cũng nghe thấy được) và ba thuỷ lôi đỉnh Israel, chắc là nghe được, thấy thế bèn lùi ra. Vào cùng lúc, hai trực thăng Do Thái chở xung kích võ trang đến vờn ở trên đầu chiếc Liberty. Hạm trưởng McGonagle ra lệnh chuẩn bị chống trả cuộc đổ bộ bằng trực thăng này nhưng hai chiếc trực thăng lòng vòng một lúc rồi bỏ đi.

Vào phút này, Israel đã nhận ra là quân bạn và ngỏ ý muốn giúp đỡ chiếc Liberty bị nạn. Đề nghị này không được Hạm trưởng McGonagle [3] chấp nhận, chẳng hiểu vì… thận trọng, hay vì ông có đến 207 lý do để bất bình. Thuỷ thủ đoàn Liberty 294 người tất cả có 34 người chết và 173 bị thương tức là thiệt hại 2 phần 3. Chiếc Liberty lết về đến Malta cập bến, không sửa chữa được. Thân tàu mang trên 800 vết đạn to hơn bàn tay và hàng ngàn vết đạn nhỏ. Cờ Hoa Kỳ bị rách bươm. Tàu trị giá 40 triệu USD này năm 1970 được bán cho đồng nát và sắt vụn với giá 101.000 USD.

Ba năm trước, tại vịnh Bắc Phần, chiến hạm USS Maddox bị ba thuỷ lôi đỉnh Bắc Việt tấn công, mang đúng một vết đạn đại liên 14.5 ly. Hai ngày sau đó, chiếc USS Maddox và Turner Joy lại bị tấn công tưởng tượng bằng thuỷ lôi, mập mờ thấy dấu trên màn hình ra-đa. Chiếc Maddox được võ trang bằng 6 hải pháo 127 ly và chiếc Turner Joy bằng 3 khẩu 127 ly, không kể các đại bác cỡ bé hơn và tất nhiên là “chống trả mãnh liệt”. Tổng thống Johnson vào dịp thứ nhì này nhận xét “Chắc mình bắn cá voi” nhưng ông không ra lệnh ném bom cá voi mà ra lệnh ném bom Bắc Việt và gửi quân trực tiếp tham chiến tại miền Nam. Nhưng Bắc Việt nào có phải là đồng minh của Mỹ như là Israel. Ngày 8.6.67, khi hai chiếc Saratoga và America tung chiến đấu cơ đi tiếp cứu, bộ trưởng quốc phòng McNamara ra lệnh phải lập tức thu hồi. Đệ Lục Hạm đội lằng nhằng trình bày quan điểm của cấp dưới thì đích thân Johnson lên máy nói với phó đề đốc Lawrence Geis “Tôi sẽ không để cho một đồng minh phải lúng túng” (I will not embarrass an ally.)

Khỏi cần nhấn mạnh thì ai cũng biết, Hoa Kỳ không hành xử với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà như là với Israel. Nhưng sự việc dù sao cũng hệ trọng này, bị truyền thông hoàn toàn lơ là, và nếu tàu Liberty không chìm ở Địa Trung Hải thì thông tin trên bị chìm lỉm trong quần chúng. Phải nói, ở đây có hai chuyện đáng để ghi nhận. Việc đầu là chính quyền Mỹ làm ngơ trước chí ít là một tai nạn nghiêm trọng do Israel gây ra. Đây là chuyện chính sách, việc đáng để ý hơn là truyền thông Mỹ, độc lập với chính quyền và được cho là tự do nhất thế giới, lại giấu biệt tin giật gân và động trời này, nghĩa là phải nói đến thì nói đến cho qua. Nếu đây là trường hợp nước Pháp, hay Anh, Đức, Ý gì gì đánh tàu Liberty thì đã có bao nhiêu bài viết tường thuật, bình luận, điều tra. Các cô nhi quả phụ được phỏng vấn, lên hình, các chứng nhân bị theo đuổi bắt phải kể đi kể lại. Nội vụ nhiều bí ẩn sẽ càng thêm gay cấn, được theo dõi, cập nhật với thông tin mới, kỷ niệm 40 năm sẽ có ảnh con côi nay đã lớn và vợ nay đã già của các nạn nhân bên cạnh hình cha. Nhưng hoàn toàn không là như vậy và tin hấp dẫn này chìm xuồng trong công luận không để lại một bọt bong bóng. Thử hỏi, nếu đây là thái độ của truyền thông Hoa Kỳ khi 34 quân nhân Mỹ bị Israel sát hại thì thường dân Palestine bị sát hại, họ trung thực thi hành nhiệm vụ thông tin ra làm sao? Đánh một tàu nước ngoài vô can ở hải phận quốc tế là một hành động chiến tranh phạm pháp [4] , thế nhưng không thấy có tòa án quốc tế để tìm cho ra lẽ, khác với (thí dụ) chuyện còn đang rầm rộ điều tra vụ ai ám sát một thủ tướng Lebanon Rafik Hariri. Và cho đến ngày hôm nay, chỉ có các đương sự bị ném bom, bị bắn thuỷ lôi và hoả tiễn, tức là thuỷ thủ đoàn còn sống sót tiếp tục nỗ lực nhắc nhở đến. Theo thuỷ thủ đoàn Liberty, dĩ nhiên là không vô tư và trung lập sau khi lãnh bằng ấy đạn, thì Israel vì một lý do nào đó đã chủ ý đánh chìm tàu USS Liberty và chủ ý tàn sát toàn thể thuỷ thủ đoàn để phi tang chứ không hề có chuyện đánh nhầm trong bằng ấy bận, bằng ấy phương tiện hải không, kể cả biệt kích định xuống tàu bằng trực thăng.

Một khi sự việc này thất bại thì âm mưu sau đó cũng không thể thực hiện được. Một quân nhân Mỹ trên tàu nhận xét là quân lực Israel đã tỏ ra tồi, đánh một tàu không võ khí tự vệ đáng kể mà cũng không đánh chìm nổi! Nhưng âm mưu và mục đích tối hậu của việc đánh tàu Liberty là gì thì chỉ có thể đoán mò.

Giả thuyết thứ nhất cho rằng Do Thái sợ tàu Liberty phát hiện việc thủ tiêu tập thể một ngàn tù binh Ai Cập (xảy ra vào lúc chiếc Liberty đang lảng vảng ngoài khơi). Nhưng để giấu nhem việc “đạo đức cao nhất thế giới” này mà phải “hy sinh” cả một tàu chiến nước bạn thì cũng khó tin vì phải giết thêm 300 mạng quân nhân của đồng minh vĩ đại.

Một giả thuyết khác là Israel sợ tàu Liberty phát hiện việc sửa soạn đánh chiếm đỉnh Golan của Syria. Đây là việc lan rộng chiến tranh có thể làm Liên Xô nổi nóng và can thiệp cho nên Hoa Kỳ có thể ngăn cản đàn em. Giả thuyết này về sau mới biết là cũng sai lầm vì Israel đã thông báo trước cho Hoa Kỳ dự tính trên và được anh Hai làu bàu chấp thuận.

Giả thuyết chót là Israel định đánh chìm tàu Liberty để đổ vấy cho Ai Cập, kéo Hoa Kỳ vào cuộc chiến cho vui, anh em cùng đánh, thay vì chỉ đứng ngoài đưa vai ngang để dằn mặt và đề phòng Liên Xô. Đợt phi cơ đầu từ mẫu hạm Saratoga theo giả thuyết này là để dự bị ném bom Cairo, có mang theo cả vũ khí nguyên tử nhưng bị thu hồi khi thấy không xong vì thất bại trong việc đánh chìm tàu Liberty. Đợt phi cơ thứ nhì từ mẫu hạm America là để cứu tàu Liberty, và đợt này phải trở về tàu để tránh khỏi đụng độ với Israel. Toan tính này, nếu quả vậy, thì cấp thi hành không được biết, ở mức độ Bộ tư lịnh Hạm đội hay ngay cả ở mức Tham mưu trưởng Quân lực. Chuyện thông đồng này chỉ có thể ở mức tổng thống Johnson và bộ trưởng quốc phòng Mc Namara mà thôi.

Đằng nào, âm mưu gì, và đánh nhầm hay chủ ý, thì cũng không có điều tra tầm cỡ của Quốc hội mà chỉ có một điều tra nội bộ của Hải quân phải thực hiện trong vòng có 7 ngày! Năm 2004, đại tá Ward Boston [5] thuộc Toà án Điều tra này lên tiếng sau khi tuyên thệ hẳn hoi (tức là không phải chỉ kể chơi cho vui) là đô đốc Kidd, chủ tịch Toà án này (đã tạ thế) cũng như chính ông đều kết luận sau cuộc điều tra tuy vội vã và sơ sài này là rõ rệt Israel đã chủ tâm đánh tàu Liberty. Theo đại tá Boston, đô đốc Kidd còn gọi (riêng) Israel là “bọn giết người chó đẻ” (murderous bastards). Ông giải thích việc lên tiếng chậm trễ này, có 37 năm thôi, là ở tư thế một quân nhân, ông phải chấp hành lệnh của bộ trưởng quốc phòng và tổng thống, tức là câm cái miệng lại.

Uỷ ban Điều tra (tư nhân) của đô đốc Thomas Moorer (lúc đó Trưởng phòng Hành quân của Hải quân và sau này là Tham mưu trưởng Quân lực) hơn 30 năm sau cũng đi đến kết luận này. Một số cựu viên chức cao cấp của chính quyền Mỹ như ông Dean Rusk (lúc đó làm ngoại trưởng) và ông Richard Helms (lúc đó giám đốc CIA) về sau cũng cùng một cùng một ý với Đô đốc Moorer, trễ còn hơn không. Tuy nhiên, việc “đánh nhầm” này đã chính thức được hai bên chính quyền trao đổi công văn để xếp sổ vào năm 1987, Israel đồng ‎ ý bồi thường 13 triệu USD, chắc cũng là từ tiền của… Mỹ, và không bằng hai ngày viện trợ cho Israel (hiện nay) của Hoa Kỳ. Trong vụ đánh bom tàu Pan Am 103 tại Lockerbie năm 1988, Lybia, đã không hề được một đồng viện trợ của Mỹ, phải bồi thường thiệt hại là 2,7 tỉ USD.

Trong người mà ngẫm đến ta, thử tưởng tượng Việt Nam Cộng hoà vì một lý do nào, đặt quyền lợi của quốc gia lên trên tình đồng minh, ra lệnh đánh chìm một tàu chiến Mỹ tại Vịnh Thái Lan. Sau đó nhờ thế mà biết đâu đồng minh này lại chẳng càng tha thiết hơn (“Mình ơi đánh anh nữa đi! Mạnh hơn! Mạnh hơn!”) và đã không “tháo chạy” vào năm 1975?

© 2007 talawas


[1]http://judicial-inc.biz/uss_liberty.htm
[2]Trong cuộc hải chiến tại Hoàng Sa vào tháng 1-1974 giữa miền Nam và Trung quốc, tàu HQ 16 Lý Thường Kiệt bị trọng thương. Khi về đến bến mới phát hiện là quả đạn không phát nổ này là một quả đạn Hoa Kỳ do tàu bạn HQ4 bắn đi. Theo hạm trưởng HQ 16 thì đây là hậu… quả của việc “tham chiến từ xa” của hai tàu HQ 4 và HQ 5, ở ngoài lòng chảo Hoàng Sa trong lúc HQ 16 và HQ 10 đụng độ với địch (HQ 10 bị đánh chìm). Theo trung tá Lê Văn Thự thì HQ 4 chỉ nhắm mắt bắn với vào cầu may, nếu trúng tàu Trung quốc thì rất tiện thắng trận http://www.calitoday.com/news/view_article.html?article_id=fb336f62a416bad35e0bd58cf39db6a1. Hạm trưởng tàu HQ 4 phản đối nhận xét bôi bác xuyên tạc này và phần hạm trưởng HQ 5 thì tuyên bố không buồn nhắc đến chuyện xưa.
[3]Trung tá Mc Gonagle được ân thưởng Huân chương Danh dự của Quốc hội, huy chương cao qu‎ý nhất của quân đội Mỹ, nhưng ông được trao trong một buổi lễ kín đáo tại bến tàu trong một căn cứ quân sự chứ không phải tại Bộ Quốc phòng hay Toà Nhà trắng như thông lệ.
[4]http://www.ussliberty.org/report/report.pdf
[5]http://www.ifamericansknew.org/us_ints/ul-boston.html