trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
24.8.2007
Nguyễn Hữu Liêm
Từ Kim Dung đến Gurdjieff: Cuộc tao ngộ nay đã không còn
 
Có hai cuộc gặp gỡ từ sách vở mà tôi mang nhiều ấn tượng nhất. Trước hết là cuộc gặp gỡ giữa Đoàn Dự và Kiều Phong trong không gian ảo, thời gian vô định (nhà Tống) của tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung trong bộ Lục mạch Thần kiếm [1] . Thứ hai là giữa Peter Ouspensky, một triết gia gốc Nga và George Gurdjieff, một huyền nhân gốc Armenia ở Moscow vào năm 1915, giai đoạn tiền cách mạng cộng sản. Để tôi nhắc lại một số chi tiết.

Đoàn Dự, một công tử của nước Đại Lý, sau khi từ giã Vương Ngọc Yến tại Thinh hương Tịnh xá trong khu vực Cô Tô Mộ Dung, trong buồn bã và luyến ái, chèo thuyền suốt đêm, cho đến ngày hôm sau thì thuyền đến thành Vô Tích. Thành Vô Tích là một đô thị lớn của Trung Hoa từ thời Xuân Thu Chiến Quốc. Từ "vô tích sự" nói về sự việc ăn chơi, vô nghĩa, phát xuất từ địa danh này. Đoàn Dự vào thành, leo lên Tùng Hạc Lầu, "gọi tửu bảo một bình rượu và mấy món nhắm. Chàng ngồi vào chiếc bàn kê ngoài hiên, rót rượu uống một mình, cảm thấy nỗi thê lương cô quạnh nặng trĩu trên đầu, bất giác buông một tiếng thở dài não nuột. Tiếng thở dài chưa dứt, một gã đại hán ngồi đầu mé tây, hai mắt sáng như điện, quay lại nhìn chàng hai lần. Đoàn Dự cũng nhìn gã thì thấy ông ta thân thể cao lớn, trạc ngoài ba mươi, mặc áo vải màu tro, có vẻ sơ sài, mộc mạc, mặt vuông, chữ điền, tướng mạo tuy không tuấn tú nhưng oai phong, lẫm liệt. Đoàn Dự lẩm bẩm khen thầm, “Người này trông oai gớm, có lẽ là một kẻ sĩ khẳng khái đất Yên, Triệu. Bất luận Giang Nam hay Đại Lý không có nhân vật thế này”. Trên bàn trước mặt đại hán có đặt một mâm thịt bò chín, một bát canh lớn, một hồ rượu to". Sau đó, Đoàn Dự làm quen với đại hán này, thi nhau uống rượu, và trở nên một đôi bạn giang hồ chí thân, chí nghĩa suốt cả cuộc đời. Đại Hán này là Kiều Phong, bang chủ của Cái Bang, một bang hội của giới ăn xin Trung Hoa lớn nhất thời đó. Người ăn mày của Trung Hoa thời ấy là những tay võ sĩ cao thượng, cũng như các tu sĩ khất thực của Ấn Độ là các đạo sư siêu việt. Họ là những nhân cách lớn trong thế giới văn minh cổ, phi vật chất, của một giá trị văn hóa làm người mà ngày nay chúng ta khó hình dung ra được.

Còn Ouspensky là một nhà toán học và một triết gia lớn của Nga thời tiền cách mạng Xôviết. Khi một nhà trí thức như ông đi giữa cuộc đời, đối diện với một thế gian tràn ngập với "những phi lý hiển nhiên" (obvious absurdities), ông bèn đi tìm một con đường khác, con đường của trí tuệ mà trong đó cá nhân nhận thức ra ý nghĩa sâu xa của cuộc sống và những liên hệ cơ bản từ biến cố và lịch sử. Trong sự tìm kiếm đó, Ouspensky gặp Gurdjieff, một huyền nhân (mystic) gốc Amernia và Hy Lạp. Gurdjieff đang truyền giảng một đạo lý khác, theo một trường phái bí truyền mà ông học được từ Tây Tạng và Ấn Độ. Đây là một con đường tu học cho kẻ trí thức, vận dụng lý trí để chứng nghiệm, với quyền đòi hỏi được thông hiểu trong vận hành hợp lý tính của giới tri thức. Trong cuốn In Search of the Miraculous (Đi tìm sự nhiệm mầu) [2] , Ouspensky kể, "Tôi nhớ lại buổi gặp gỡ đầu tiên (ở Moscow) với Gurdjieff rất rõ ràng. Khi đến một quán café nhỏ nằm trên một con lộ ồn ào, tôi thấy một người đàn ông, không còn trẻ, với chòm râu mép đen và đôi mắt sáng quắc. Tôi cảm thấy ngạc nhiên vì hình như ông ta đang đóng kịch hay giấu kỹ mình là ai, không có vẻ gì đang hòa chung với không khí phố chợ cả. Tôi thì vốn đang mang nhiều ấn tượng về Đông phương, mà con người này thì có khuôn mặt như là người Ấn giáo hay là một nhân vật gốc Ảrập. Ông ta mang loại y phục cổ điển, màu đen, đội nón nỉ, trông như là một nhân vật huyền thoại, cái thật và cái giả trộn lẫn nhau một cách bất ngờ và kỳ lạ". Trong câu chuyện, khi biết rằng Ouspensky đang là một nhà báo, Gurdjieff khuyên Ouspensky nên bỏ cái chuyện viết báo vô bổ đi. Đừng hy vọng rằng bằng những bài báo mà bạn có thể thay đổi được biến cố hay ý kiến, chính trị hay cuộc sống của con người, dù họ có đọc đến đi nữa. Hãy "work on oneself" (tu luyện chính mình) để thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của thế gian đầy biến cố bất thường. Cái gì xẩy ra thì nó sẽ phải xẩy ra. Con người chỉ là cái máy thuần phản ứng. Đừng mong là có ai đó làm được cái chi. "Man can do nothing" (Con người không làm được gì cả) là thông điệp căn bản của Gurdjieff gởi cho Ouspensky. Từ buổi gặp gỡ này, cả hai đã trở nên thầy trò trong trường phái học thuật Gurdjieff. Tình sư đệ này đã kéo dài với nhiều trắc trở và đã tan vỡ khi cả hai gần hết cuộc đời.

Bản chất tao ngộ giữa Đoàn Dự và Kiều Phong là của số phận của hai nhân vật võ lâm, trong một cõi giang hồ gió tanh, mưa máu, nơi mà con người bị chìm đắm trong tình cảm cá nhân và tổ chức, với sức mạnh thể chất trộn lẫn những huyền thoại lạ lùng về khả năng võ thuật trong ý chí quyền lực và đạo đức võ lâm. Còn sự gặp gỡ giữa Ouspensky và Gurdjieff là thuộc về huyền thuật giải thoát, trong trăn trở suy tư của một con người tri thức Tây phương, nhận chân ra cái lẽ vô thường và vô lý của cuộc sống ngày nay, để đi tìm con lộ vượt ra khỏi cái đống bầy nhầy và vô vọng của nhân thế hiện thời. Gurdjieff so sánh, như Plato đã, thân phận nhân loại như là các tù nhân trong một nhà tù lớn, vô hình mà con người không biết đến. Hãy ý thức được rằng mình là tù nhân để tìm đường đi ra khỏi cõi ngục thân. Và bước đầu tiên là phải thay đổi chính mình.

Đoàn Dự và Kiều Phong là hai nhân vật ngoạn mục và huy hoàng từ một đầu óc đầy hư cấu của thiên tài Kim Dung, một thượng đế trong thế giới tiểu thuyết Trung Hoa. Trái lại, Ouspensky và Gurdjieff là hai con người lịch sử, đại diện cho mẫu người thời đại, mà câu chuyện, nội dung học thuật của họ vẫn còn là một nguồn hứng khởi sâu sắc trong giới trí thức Âu Mỹ ngày nay. Đoàn Dự và Kiều Phong là hiện thân của hai tâm hồn ngây thơ, trong sáng, chân chất với đầy khả năng võ thuật, nhưng bất lực trước số phận và tính tình của chính họ. Cái hên của Dự cũng như là cái xui của Phong chỉ là hai mặt của một đồng cắc định mệnh con người khi mà họ không biết mình là ai và sống cho mục đích gì. Trong khi đó, cái bơ vơ trống vắng của kẻ sĩ Ouspensky đã được trộn lẫn với tính huyền hoặc và khó hiểu mà Gurdjieff toát lên trong một tinh thần tự tin chắc nịch của ông. Hai nhân vật này còn là hai đầu gánh trong món nợ ý chí muốn cùng tri thức vươn thoát ra khỏi định mệnh ngặt nghèo của nhân loại.

Trên bình diện tác động tỉnh thức, Kim Dung chính là Gurdjieff - và ngược lại. Cả hai vị tái định nghĩa con người qua ngôn ngữ và khái niệm, qua chuyện kể và tác hành. Một thì bằng tiểu thuyết kiếm hiệp mang thể tường thuật những huyền thoại về con người võ lâm Trung Hoa đã bị diệt vong; cái kia là của một bí thuật từ Tây Tạng nay đã thất truyền vì thế gian không còn xứng đáng với mệnh lệnh nhiệm mầu.

Khi Đoàn Dự gặp Kiều Phong thì tính bi luỵ của kẻ trí gặp một tầng bi luỵ khác của kẻ dũng. Và khi Ouspensky gặp Gurdjieff thì tính cách ngã mạn của trí thức gặp cõi siêu ngã của một đạo sĩ đã trưởng thành. Kiều Phong là hiện thân của nỗi cô đơn lớn cho người chính trực, đầy dũng khí và tài ba. Trong rượu say, Đoàn Dự làm bạn với Kiều Phong như là thấy được nỗi cô đơn của kiếp người. Trong khi đó, Ouspensky gặp và bái Gurdjieff làm sư phụ như là một hành trình trở về lại chân thức để phá tan cái ngã mạn nhỏ nhen của cái tôi luôn nhân danh chữ nghĩa. Và kết cuộc, Kiều Phong tự tử chết giữa chiến trường khi không chấp nhận được thực tế khắc nghiệt của thế gian, còn Đoàn Dự thì hân hoan hạnh phúc trong hôn nhân và gia đình hoàng tộc; Gurdjieff thì sống tiếp giữa tri kiến của các môn đệ lớn trong giới trí thức Âu Mỹ nhưng lại mang tiếng đầy thị phi, tiêu cực cho những ai không hiểu được ông - kể cả Ouspensky, khi về già cũng bỏ hết tình thầy trò để phủ nhận Gurdjieff.

Hư cấu tiểu thuyết của Kim Dung và câu chuyện lịch sử của Gurdjieff đều cùng cmột mẫu số chung về duyên lành gặp gỡ. Cái gì nó cũng là của duyên nợ và, nói theo Leibniz, sẽ phải xẩy ra vì đó là điều tốt nhất trong tất cả những gì có thể xẩy ra. Các nhân vật gặp nhau ở đây là những hình ảnh khuôn thức (archetypal figures) mà dù là của tiểu thuyết hay truyền thuyết, họ đại diện cho mệnh lệnh và ý chí chuyển hóa của nhân loại. Nhưng kết cuộc của duyên lành là vẫn của cá nhân trong cuộc. Làm thế nào để cơ duyên gặp gỡ không biến thành bi kịch hung dữ là vấn đề chính. Kim Dung đã nhận chìm Đoàn Dự và giết chết Kiều Phong trong một viễn kiến bi hùng, chìm ngập trong triết lý Phật giáo. Gurdjieff thì đã bằng cuộc đời của mình hoàn tất được vai trò của một "tiên tri tỉnh thức" (avatar) để rồi phá chấp bằng chủ ý tự huỷ bỏ tên tuổi của mình với những hành vi và lối sống đầy tranh cãi. Còn kẻ sĩ Ouspenski thì không hiểu được sư phụ để cuối cùng phải thất vọng bỏ thầy - và trong cô độc uống rượu cho đến chết ở giữa phố London. Ouspensky là một "trí thức xuất chúng nhưng là một học trò bị thất bại lớn vì không nắm được cú khích lạ lùng từ một học thuyết huyền nhiệm quá mới lạ." [3] Cũng như thế, trong giới văn học ngày nay, độc giả chỉ có thể thưởng ngoạn Kim Dung qua Kiều Phong và Đoàn Dự, nhưng cũng như Ouspensky, họ không thể có khả năng chấp nhận được Gurdjieff như là một nhân cách biểu tượng phá chấp hiện thân cho nội dung đầy nghịch lý trong học thuyết của ông. [4]

Mọi cuộc gặp gỡ có ý nghĩa cũng như vậy. Từng mỗi tao ngộ là một cơ duyên chuyển hóa cho người trong cuộc - nếu bị bỏ mất, thì cũng chỉ vì họ vô minh mà thôi. Từ Đoàn Dự, Kiều Phong đến Gurdjieff và Ouspensky, những khuôn mẫu con người xã hội như họ nay đã không còn. Nhân loại bây giờ làm sao còn có người như thế để chúng ta gặp nữa?

Có thể rằng trận đồ chuyển hóa con người nay không còn ở trên bình diện xã hội mà đã đi về đơn vị gia đình, nơi mà quan hệ vợ chồng chính là sự gặp gỡ thường trực duy nhất còn mang nhiều ý nghĩa. Điều này thì cả Kim Dung và Gurdjieff đều không hề nói đến.

© 2007 talawas



[1]Kim Dung, Lục mạch thần kiếm. Dịch thuật: Hàn Giang Nhạn. NXB Đại Nam xuất bản ở Hoa Kỳ, không đề năm.
[2]P. D. Ouspensky, In Search of the Miraculous. (New York: Harcourt, Brace and Company, 1949)
[3]W. P. Patterson, Struggle of the Magicians. (Fairfax: Arete Communications, 1996)
[4]Về những bình luận tiểu thuyết Kim Dung, xin đọc Bút kiếm Kim Dung, chủ biên Dương Ngọc Dũng (TP Hồ Chí Minh: NXB Tổng Hợp, 2005)