PHẦN I CHƯƠNG MỘT Vũ giật mình tỉnh giấc, thể xác mỏi mệt khiến Vũ không muốn đứng dậy. Chàng khẽ mở mắt nhìn lên trần nhà với ý nghĩ lan man. Bên ngoài ánh sáng dịu. Qua khe cửa Vũ thấy những đám lá xanh còn ướt đẫm sau cơn mưa buổi trưa. Một cảm giác mát mẻ và dịu dàng thấm dần vào cơ thể chàng. Tiếng nhạc ngoại quốc yêu cầu vang lên từ các phòng khác. Chàng nhớ hôm nay chiều thứ bảy, một dấu hiệu của sự lặp lại làm Vũ thoáng buồn và chán nản. Vũ mường tượng là tiếng nhạc này vừa vang lên từ vài hôm trước, thế mà đã một tuần lễ trôi qua. Một tuần lễ hay một tháng Vũ cũng không để ý, nhưng cái cảm giác phải sống lại nếp sống đã qua làm Vũ thấy bâng khuâng và bối rối.
Vũ bước ra khỏi giường, đứng trước chiếc gương đã mờ vì một lớp bụi mỏng. Vũ để ý đến nét mặt mình trong gương như đang quan sát một người lạ. Chàng quay lại nhìn quanh gian phòng với cảm tưởng mới mẻ như ngày mới dọn đến. Trên cánh cửa tủ, mấy tấm ảnh trần truồng cắt từ những tấm lịch hay tuần báo treo đầy rẫy. Vũ lấy làm lạ tại sao đến hôm nay chàng mới thấy thứ này là có – có đã bao lâu rồi. Thầm còn ôm gối trằn trọc ngủ nữa, mũi vẫn khìn khịt thành tiếng. Trông giấc ngủ nặng nề và vất vả của hắn, Vũ liên tưởng đến kết quả của cả mười hai giờ thức giấc hiếu động và nông nổi. Khuôn mặt Thầm là kết qủa bởi những đường nét dễ dãi đến nhạt nhẽo. Vẻ cởi mở thật hoàn toàn nếu không có sự hiện diện đến ngang trái của một cặp mắt đen và sâu với cái nhìn ray rứt đè nén. Sống bấy lâu biết tính hắn, mỗi giấc ngủ, sự cần tĩnh dưỡng nghỉ ngơi, chỉ là sửa soạn cho những phung phí dao động không đâu sắp tới. Trong vóc dáng và tư cách nói chuyện, lúc nào hắn cũng muốn tỏ vẻ hùng biện về những đề tài cỏn con của đời sống thường nhật. Lúc người hắn đứng thẳng lên vai cong lại và giơ tay lên cao, mặt bốc đỏ; lúc mà người ta tưởng hắn sẽ nói được nhanh và nhiều nhất thì thật là thất vọng cho sự chờ đợi. Sự thất vọng đó quả được báo trước trên đôi mắt nửa bối rối nửa tức giận, lưỡi hắn đưa nhiều vòng và ríu lại hỗn loạn. Ý tưởng đầy rẫy sôi động bỗng dưng bị bế tắc, phải tìm một lối thoát bằng cái cổ lúc lắc, bằng cái nhún vai, bằng hai tay giơ lên và bàn tay xòe ra với những ngón tay ngó ngoáy. Coi như nói xong hắn lại ngồi xuống thu mình trên ghế, bàn tay đặt lên đùi, ngón trỏ cong lên như râu con kiến gặp chướng ngại, đứng lại ve vẩy và nghe ngóng. Thế rồi cứ sống gần hắn lâu dần cũng quen đi. Bình thường và chậm rãi hắn còn diễn tả rành rẽ nên một ý tưởng, một câu nói nhưng hễ cứ hăng hái là cuống lên, hắn trở nên một tài tử đóng kịch câm có tài diễn tả những bất bình hay niềm vui miên man của những tẹp nhẹp trong đời sống lẽ ra không có gì đáng nói...
Vũ thấy bấy lâu nếp sống ở cư xá không có gì thay đổi, có chăng chỉ là sự tồi tàn luộm thuộm hơn mà thôi. Vũ vác gầu ra giếng, chiếc máy bơm tay đã cũ hỏng, nước rỏ xuống nền xi măng một đám hoen ố màu rỉ sắt. Vũ dựa mình vào thành giếng nhìn xuống, mặt nước có vẻ dâng cao và phẳng lặng. Chàng thấy bóng mình phản chiếu nổi bật trên một khoảng trời sáng. Chiếc gầu đụng mặt nước làm nhoà hết các hình ảnh, chàng giơ cao gầu nước và rùng mình, nước lạnh như mơn trớn xoa dịu một cơn sốt.
Trở về phòng, Hồ đã thức giấc. Hắn còn lật xấp mình nằm trên giường hưởng thêm cái thú dằn vặt về thể xác. Có tiếng máy nổ quen thuộc trước cửa, Huề chạy vào chưa thấy người đã nghe thấy tiếng:
“Hồ dậy chưa mày, hẹn tao mà giờ này còn ngủ hả?”
Hồ vẫn nằm im nhắm mắt và nhếch mép cười. Huề tới dựng hắn dậy. Hồ vẫn khoanh chân ngồi trên giường, tóc xoã cả xuống vành tai, mắt đỏ ngầu, lằn chiếu hằn trên một bên má núng nính và cả một bên vai.
Mãi cả giờ sau Hồ mới vác chậu trở vào, hắn lại trước chiếc quạt điện quay vù vù, ngồi xổm xuống để xấy tóc. Huề sốt ruột nhưng cũng chỉ giục chiếu lệ:
“Mau lên mày, khéo không kịp đâu!”
Hồ lại ra đứng trước gương nắn từng cánh tóc. Vũ chú ý tới chiếc gáy trắng có ngấn của hắn và lúc nào cũng nhẵn nhụi như mới cắt tóc. Hớt tóc đối với hắn ta cũng là một lạc thú của đời sống, một nhu cầu của hàng tuần. Đối với Hồ công việc đánh bóng một đôi giày, cắt một mái tóc hay gói ghém một món quà tặng xinh xinh đều là những thú vui khó chán. Cách gói giấy buộc một nút giây, hắn có thể làm khéo hơn một người con gái. Gần hai giờ sau Hồ và Huệ đi khỏi. Chuông nhà thờ bên cạnh đổ hồi đầu. Bên ngoài trời trong xanh với những đám mây đỏ quệch ở phía tây, gió mát thổi nhẹ. Trong này Thầm vẫn ngủ mệt nhọc, mắt để lộ lòng trắng mà miệng đang còn há hốc...
Có tiếng huýt sáo quen thuộc, Vũ mở cửa chạy ra:
“Kìa Bách!”
“Vũ, tôi mới nhận được tin của Tuân nhưng là một tin rất buồn.”
“Cậu nói sao?”
“Tôi nói có tin buồn, tới báo cho cậu biết, chúng mình nên đi ngay.”
Bách cố dằn giọng và xúc động:
“Tuân mới chết, không phải vì tai nạn rủi ro hay bệnh hoạn, hắn đã gặp một cái chế có duyên cớ...”
Vũ chưa hết kinh ngạc:
“Tôi không ngờ sự thể lại như thế.”
“Tuân ở Ban Mê Thuột, như cậu biết, cách đây ba hôm đi công tác bằng công xa bị trúng mìn. Ba người kia bị thương nhẹ thoát chết, còn riêng Tuân nặng quá phải đưa về đây. Thương tích nặng lại mất quá nhiều máu nên buổi chiều thì...”
Vũ nói vội:
“Bách dẫn tôi vào thăm ngay.”
“Không được, sáng mai nhà thương mới cho vào. Bây giờ phải xuống báo tin cho chị Chi, em Hà biết cái đã.”
“Nhưng Bách biết hiện chị Chi đang rất yếu, riêng tôi thấy ngại lắm.”
Bách thoáng chút lưỡng lự nhưng lại nói ngay:
“Không làm sao khác hơn được. Sớm muộn Chi cũng biết. Giấu diếm không cho chị em thấy mặt nhau lần cuối là có tội. Sau này nếu biết được Chi sẽ đau khổ hơn, hậu quả sẽ tai hại và đáng trách nữa.”
Vũ cúi đầu ngẫm nghĩ rồi buột miệng:
“Cậu nói phải, đợi tôi sửa soạn chúng mình xuống chị ấy ngay.”
Vũ nhớ lại cách đây hơn một năm, Tuân ngỏ ý muốn xuống Đại học xá ở để năm tới sẽ theo ban Khoa học. Sau đó ít lâu, gặp lại Tuân đổi ý kiến:
“Thời cuộc này, đèn sách mãi cũng thế thôi, để tôi thử lên đó xem sao.”
Và Tuân quyết định từ bỏ Sài Gòn lên làm khu Dinh điền. Suốt đời Tuân ngay từ hồi nhỏ còn đi học, chỉ mơ ước làm sao có được một trại chăn nuôi ở cao nguyên canh tác theo phương pháp khoa học. Quyết định ra đi cũng chỉ là thể hiện được phần nào ước mơ đó. Bẵng cho đến hôm nay, Vũ đột ngột được tin Tuân chết. Tuân chết quá sớm đem theo tất cả những ước vọng của đời mình. Ước vọng tuổi trẻ vẫn chỉ là những ước vọng, có đấy và không có đấy. Vũ nghĩ nhiều tới cái chết của Tuân, đến tương lai của các bạn và của chính mình với cảm tưởng như bị sa lầy. Cảm giác tức tưởi khiến Vũ có ý tưởng sớm muốn thoát ly.
Vũ dắt xe theo Bách ra cổng, hai người đi cạnh nhau không ai muốn nói. Ngoài đường, những chuyến xe be chở nặng đã bắt đầu chạy qua cư xá, tiếng xích sắt kéo lê trên mặt đường nghe sít sao rờn rợn như những nhát dao cạo mạnh trên ống suốt sắt...
CHƯƠNG HAI Mới hôm qua, bữa tiệc tiễn đưa tàn đi một cách dễ dãi như bữa ăn phiếm nào đó, ai cũng quên nghĩ rằng đấy là bữa tiệc cuối cùng để rồi trong tụi bạn lại vắng đi thêm một đứa. Nghĩ đến cái chết quá mới mẻ của Tuân, sự ra đi của Bách - mỗi người vắng mặt nột cách thế khác nhau cho những ước vọng tương lai.
Ra đến phi cảng đã chín giờ rưỡi tối, không khí ban đêm thoáng mát dễ chịu. Xe du lịch, xe hãng hàng không đậu thành từng dẫy trên một khoảng đất trống. Số hành khách không bao lăm mà số người tiễn đưa nhiều quá đến nỗi trong phòng đợi chật ních. Gia đình Bách có lẽ đông hơn cả. Mẹ Bách dẫn con tới trước mặt mọi người:
“Các bác và anh chị hôn em nó đi kẻo năm năm không gặp lại nhớ.”
Bách cao sẵn, tới trước mặt mọi người phải cúi xuống, những chiếc hôn nhẹ ngượng ngập nhưng đầy thương mến. Bách có vẻ cảm động thật sự, riêng mẹ Bách miệng vẫn tươi cười nhưng nước mắt chảy quanh. Mỗi người xiết tay cầu chúc điều mới tốt lành nhất.
Ông Huyên bố chồng chị Dung, chị thứ ba của Bách cười bảo đùa:
“Cậu có đi thì ít nhất phải cố cho được bằng anh là tốt lắm rồi.”
Anh đây là Lý chồng chị Dung. Nếp sống của Lý có lẽ là mẫu mực mà các cụ vẫn thích, nhưng Bách không có cảm tình với anh từ lâu. Bách trả lời có vẻ tự tin:
“Dạ nhưng nếu hơn nữa thì sao ạ?”
Ông Huyên chỉ cười xoà. Bản chất ông hay đùa và vốn dễ tính. Riêng bà Huyên vẻ mặt không được vừa ý, Bách cũng nhận thấy thế, lúc này điều đó không có gì là quan trọng. Bách nghĩ, phải Lý có học thức, còn trẻ lại đẹp trai, mẹ chàng cũng bảo thế, nhưng với Bách, Lý có vẻ xanh xao yếu đuối, dáng mặt xương xương, nụ cười dù tươi tắn, Bách nhận thấy cái vẻ rất đàn bà nơi anh. Bách vốn thiên về lý tưởng, hồi Lý mới dạm hỏi chị Dung, chàng đã có ý không thích. Cùng lúc đó, Khoa học năm thứ tư trường thuốc tới hỏi, Bách tán thành ngay, chàng thấy mến Khoa vì tìm thấy nơi đời sống anh một sắc thái riêng biệt với một cá tính đáng yêu. Nhưng mẹ chàng không nghĩ thế; hơn nữa việc hôn nhân của chị Dung phần lớn tuỳ chị và mẹ chàng, Bách đâu có được quyết định gì. Chị Dung cũng có vẻ mến Khoa hơn nhưng mẹ chàng thực tế lý luận:
“Thằng Khoa mẹ cũng mến lắm, nhưng nó mới năm thứ tư. Nếu nhận cho nó cưới thì con gái mẹ cũng khổ. Nó học quân y lúc ra nay đây mai đó, tiền lương chẳng bao nhiêu lại còn gia đình bà mẹ già và một lũ em nhỏ nữa, lấy nó con mẹ cũng vất vả. Đằng này thằng Lý con bác Huyên tốt nghiệp kỹ sư ở Pháp, đã có việc làm chắc chắn, nó lại được cấp nhà ở rộng rãi, bố mẹ nó không cần bắt nó giúp đỡ gì, mai kia nó còn đi dạy học thêm thiếu gì lương. Chả gì con gái mẹ cũng đỡ nhọc thân cái đã.”
Bách không phản đối mà cũng chẳng tán thành gì cuộc hôn nhân đầy tính toán này. Tình cảm Bách thật khó cứu vãn nhất là sau khi Lý hỏi Dung:
“Liệu mẹ có thể cho chúng mình sau khi cưới một chiếc xe và thứ gì khác nữa không?”
Điều Lý nói ra Bách cho đó là đào mỏ hèn hạ không xứng đáng; cho nên khi ông Huyên lấy con trai mình làm đối tượng khuyên răn khiến chàng thấy khó chịu. Hành lý sách vở mang theo quá mười cân, Lý tất tưởi chạy đi xoay sở, lúc trở ra Lý tươi cười vỗ vai Bách:
“Xong cả rồi, anh đã bảo mấy nhân viên họ thu xếp xong.”
“Thật may quá, không phải bỏ lại cuốn sách nào!”
Bách thốt ra như thế, chàng tự nghĩ giá mình bỏ được tất cả những thành kiến về Lý đi có hơn không, nhất là đã đến lúc này. Tuy nghĩ thế, Bách cũng chẳng quyết định thêm được gì hơn. Vũ theo chân Bách ra trạm soát vé, ngồi phía trong là mấy cô chiêu đãi hàng không trẻ đẹp và niềm nở tươi tắn. Vũ để ý tới Ngân, người con gái chợt ngẩng mặt nhìn lên, nàng linh tính là có người đăm đăm nhìn nàng. Hai ánh mắt gặp nhau, Vũ mỉm cười trước, Ngân cười theo vẻ mặt sáng rỡ hẳn lên. Ngân tuy hơn Vũ mấy tuổi nhưng trẻ đẹp và linh hoạt trong khung cảnh tấp nập bận rộn. Như chưa từng bao giờ, chàng thấy Ngân đẹp rực rỡ như đêm nay.
Bách theo Vũ ra sân, bên ngoài gió hơi mạnh và gây lạnh đến rùng mình. Hai người đi sát nhau yên lặng, xa dần tiếng ồn ào. Bóng tối lớn dần chùm lấy khuôn mặt Bách. Vũ nói:
“Dù xa cách khá lâu, tôi mong cậu vẫn xứng đáng cho đến lúc trở về.”
Bách nắm chặt tay Vũ nói giọng xa vời:
“Tôi cũng cố tin như thế, sang đó nếu có một vài thay đổi về thói quen và nếp sống, còn tâm hồn tôi vẫn cố định, điều ấy làm cho tôi vui mừng.”
“Điều quan trọng là phải giữ vững chỗ đứng trong mọi hoàn cảnh với quy ước tổng quát nhất của đời sống chúng mình đã có.”
“Trong một hoàn cảnh như hiện tại tôi không muốn ra đi, năm năm sẽ bao nhiêu biến đổi của đất nước mà tôi không được tham dự vào, nhưng cuối cùng tôi nghĩ sự nhiệt thành không chưa đủ, tôi cần ra đi để tìm kiếm một khả năng xứng đáng. Mong cậu viết thư cho tôi luôn, một phương tiện để giúp tôi được sống một phần nào cái đời sống của quê nhà, nơi mà tôi mong ngóng sớm được trở về dùng những gì tôi đã thâu lượm được ở nước ngoài.”
Về đêm trời có vẻ lạnh, mấy hạt mưa rơi lác đác, dần dần thay thế bởi một thứ sương nặng hạt như mưa phùn. Cả hai quay về phía phòng đợi:
“Giống mưa phùn ngoài Bắc quá.”
Vũ cười nói:
“Ở đây thì nghĩ quê hương là Hà Nội chứ sang bên đó ý nghĩa quê hương chỉ là nuớc Việt Nam duy nhất.”
“Đúng thế, lúc sắp ra đi tôi mới biết sự quyến luyến mảnh đất này là thế nào.”
Phía trong chị Dung chạy ra:
“Gớm các em đi đâu mà chị kiếm mãi không thấy. Mẹ đang sốt ruột tìm Bách, sắp đến giờ rồi đấy!”
Vũ cúi nhìn đồng hồ:
“Còn sớm chị ạ, mới mười một giờ.”
“Nhưng cứ sửa soạn dần đi là vừa, không có lúc ấy lại lúng túng quên hết.”
Chiếc Jet từ Úc đã đến phi cảng từ nãy. Cũng vào thứ Năm đêm nay, Bách sẽ đáp chuyến Constellation cất cánh vào nửa đêm. Mươi phút sau, chiếc Jet sưả soạn cất cánh, hiện ra như một bóng trắng vĩ đại từ từ chuyển bánh tới cuối sân bay. Tiếng động cơ rít lên như xé tai, chiếc Jet lao mình vào bóng đêm, lúc qua khán đài bánh sau đã rời khỏi mặt đất. Bách chạy xuống phòng đợi khi có tiếng phóng thanh vang vang mời khách vào sân bay. Người tiễn đưa, kẻ ra đi, bắt siết tay nhau, ôm nhau lần cuối.
Hành khách đi bộ ra sân bay, hành lý nhẹ nơi tay, nối đuôi nhau một hàng lầm lũi đi trong bóng tối mờ mờ sương trắng đục. Vũ liên tưởng tới những cuộc hành quân tiếp viện ban đêm, những chàng trai trẻ ra đi ném mình vào không gian đen tối hiểm nghèo: lúc đó chánh nghĩa, sự sống còn... dòng tư tưởng như bị dứt hẳn khi thấy Bách nơi dưới chân máy bay còn quay lại cố vẫy tay liên tiếp. Mỗi người trên khán đài đều tung khăn tay ra dấu vẫy laị.
Chiếc Constellation lướt trên sân bay ướt đen loáng để lại một khoảng sân bay trống trải lạnh lẽo. Vẻ nhộn nhịp và hoạt động của phi trường đã nhường chỗ cho sự uể oải vắng lặng của đêm khuya. Tiếng rồ máy của những chiếc xe đỗ bên ngoài cách quãng và xa dần. Vũ xuống tầng dưới thì gặp Ngân cũng sửa soạn ra về;
“Làm việc khuya thế mà Ngân không buồn ngủ và mệt?”
Ngân vẫn nụ cười tươi lúc nãy:
“Anh tính cũng quen đi chứ, cả ngày chỉ có một nửa buổi tối có gì đâu anh.”
Chàng im lặng nhìn Ngân với vẻ trìu mến khác thường, người con gái trong nghề nghiệp vốn rất tự nhiên nhưng trong một hoàn cảnh như lúc này cũng có vẻ ngượng ngập. Vũ buột miệng nói tự nhiên thay cho một câu khen:
“Phải thức đêm, thế mà Ngân vẫn đẹp ra nhiều lắm.”
Ngân nhìn Vũ rồi nhìn ra ngoài vui vẻ đáp:
“Làm việc khuya về ngủ ngon ăn nhiều, mập ra Ngân sợ lắm. À vừa rồi anh ra tiễn ai đấy?”
“Tiễn một anh bạn đi học Lyon không ngờ lại gặp Ngân. Thế chuyến bay có ghé nhiều nơi không?”
“Dạ có ghé mấy nơi như Bangkok, Karachi, Beyrouth nhưng chỉ có chuyến ghé Rome là lâu nhất, có hy vọng được viếng phong cảnh nơi đó. Còn anh bao giờ đi cho Ngân tiễn?”
Câu hỏi thăm dò được Vũ đáp lại với nhiều tình ý:
“Tôi thì còn lâu, khi Ngân không còn là cô Ngân nữa lúc đó may ra mới đi.”
Tiếng Ngân cười trong trẻo. Vũ bắt tay Ngân, họ quen nhau nên vốn tự nhiên nhưng lúc này cái cảm tưởng thật dịu dàng khi cầm bàn tay nhỏ tháp bút đẹp và ấm áp. Rời phi trường Vũ bảo Hiển cho xe chạy thật mau; tốc độ lúc này có công dụng giữ nguyên vẹn những cảm giác êm ả.
*
Số bệnh nhân mới qua một đêm, tăng lên gấp bội. Một số người phải nằm trên băng ca dưới đất chờ mổ. Vũ đến phòng thay áo và mang khẩu trang, trước khi vào phòng giải phẫu. Trên bàn mổ bệnh nhân đã được đánh thuốc mê, cô y tá lạnh lùng và thành thạo sắp các dụng cụ dao kéo trên khay. Hỏi y tá chàng được biết nạn nhân đang đứng thơ thẩn trước nhà không dưng quỵ xuống máu ra lênh láng, khiêng vào đây mới biết đạn trúng vào bắp chân. Ánh đèn phản chiếu trên gọng kính vàng lóng lánh, thầy học vũ đưa tay rạch những nét mạnh thành thạo, chính xác kẹp ngay những mạch máu bị đứt vỡ và gắp viên đạn ra một cách dễ dàng. Thầy để cho mấy sinh viên phụ mổ khâu lại vết thương rồi bước vội ra ngoài. Nội trú Khoa lúng búng qua mạng khẩu trang nói với cô y tá:
“Cô An giữ cho tôi viên đạn đó, gác mới một đêm qua đến giờ đã gắp được sáu viên.”
Thái bạn cùng lớp với Khoa xen vào:
“Không viên đạn này tôi giữ làm kỷ niệm, anh lấy gì mà lắm thế?”
Cả hai vừa làm việc vừa tranh giữ viên đạn, xen vào là tiếng cười trong thanh và ấm áp của Huyền cô y tá phòng mổ… Vũ hé cửa bước ra ngoài, trong biến động không khí nhà thương vẫn bình thản và bận rộn. Trong phòng trực, mấy cô y tá, y công, mọi người xúm quanh chiếc radio transitor nhỏ xíu, hồi hộp theo dõi tin tức đảo chánh. Tiếng nói như ngạt mũi lẫn với những nhiễu âm không nghe thấy gì. Vũ đứng yên giữa phòng quan sát, mọi người không ai để ý đến sự có mặt của chàng, như thế càng hay, Vũ nghĩ thế. Căn phòng y tá trực nhỏ nhắn sạch sẽ, cách trang trí ấm cúng với bàn tay người đàn bà khiến chàng có cảm giác thật yên tĩnh và dịu dàng. Vũ thấy như bao giờ, mỗi khi chàng phải sống với những ý nghĩ khắc khổ, trước những khó khăn và nghịch cảnh, sự hiện diện của người đàn bà dù chưa quen biết vẫn đem lại cho chàng những cảm xúc êm dịu và nhẹ nhàng.
Ngoài tiếng bàn tán và tiếng cười khúc khích của đám người xúm quanh chiếc radio, Vũ thấy tấy cả còn lại là sự yên tĩnh. Chiếc quạt trền cũ quay chầm chậm với những tiếng kẽo kẹt đều đặn như nhịp đưa võng. Chàng nghĩ tới nhà thương như một nơi bất khả xâm phạm của các tai hoạ chiến tranh. Nhưng trong đầu óc chàng lại tưởng tượng ra cảnh tàn phá của bom đạn, sự xụp đổ điêu tàn nơi đây. Chàng thấy các bệnh nhân mệt lả rên xiết trong bộ áo trắng, lồm cồm bò giữa đống gạch vữa như những con bọ trắng ngầy ngụa trong một đống rác. Vũ hơi rùng mình, đồng thời chàng thấy đời mình có thể hy sinh trọn vẹn cho những nơi như đây, cho những con người bất hạnh của chiến tranh và bệnh tật cần được chăm sóc. Một ý nghĩ tương phản hiện tới, Vũ tự hỏi không biết chính chàng đang mong muốn gì, chàng có đang thực sự theo đuổi cái mình tha thiết mong muốn hay không? Trước những biến chuyển như hôm nay, sự xáo trộn laị tới để xâu xé đời sống chàng.
Vũ rời nhà thương với bao ý nghĩ vô định. Ra đến Nhà hát lớn, cảnh phố xá vắng ngắt, nền gạch trắng rộng trống trải và thẳng tắp. Bất chợt, một tràng đạn xé tai không biết từ đâu tới, một thân xác người từ gác hai rơi xuống như một bị cát. Dưới gốc cây lớn, một người lính chết ngồi co ra cạnh khẩu súng, vũng máu đã đông và đen lại, mặt mũi xanh ngắt và xám xỉn. Phía xa một chiếc xe Jeep chạy ngược chiều phóng tớ như bay, một chiếc khác nữa ló ra: họ vừa quần đuổi nhau trước Nhà hát lớn vừa nhả đạn. Vũ lánh vội vào một quán hàng ngay đó. Chàng thấy rõ trên xe một người ngã gục về phía trước trong vòng tay một đồng đội. Trên tầng gác cao, mấy bóng người nhỏ nhắn di động, tuôn từng tràng đạn xuống đường xoẹt lửa, bẻ gẫy mấy cành cây, lá bay rụng loả toả. Khi hai chiếc xe Jeep biến mất dạng, Vũ đi nép theo các hàng hiên và tiến ra phía chợ. Bóng người lưa thưa còn đi lại khiến chàng hơi vững dạ. Trên một chiếc xe ba bánh chở hai thường dân máu me đầy mình và bả vai, máu vẫn ra xối xả trong lúc người phu xe gò mình cố đạp mà Vũ thấy hai bánh trước vẫn như quay rất chậm và bình thản.
Đến giữa trưa Vũ trở về Đại học xá. Dọc đường các cửa hiệu đóng cửa, trước nhà từng nhóm người đứng bàn tán, phỏng đoán. Đường phố có cái vắng vẻ là lạ như mấy ngày trước Tết, ai nấy đều ở lại nhà để sửa soạn trang hoàng nhà cửa bên trong. Cổng chính của cư xá khoá hẳn, cửa bên cũng đóng và có người canh gác. Bữa cơm thay đổi trông thấy, chỉ vỏn vẹn một bát canh tôm khô trong vắt, một đĩa tôm khô kho mặn và muối vừng. Hôm nay Vũ thấy lạ miệng và đói nên ăn rất nhiều cơm.
“Ấy cứ sắp loạn thì ăn khoẻ dữ dội hơn ngày thường.”
Ai cũng cười và có vẻ tán đồng ý kiến đó. Ăn xong Vũ trở về phòng, nằm chờ một giấc ngủ đến chậm rãi. Lúc tỉnh dậy, chiếc radio phòng bên vẫn lải nhải đọc lại bản thông cáo đã phát từ buổi sáng.
*
Vũ tỉnh dậy lúc trời đã sáng hẳn, mọi chuyện hôm qua bây giờ đối với chàng như một giấc mơ của ban đêm. Tiếng hót trong trẻo của mấy con chim chào mào trên cây trứng cá trước cửa phòng nghe vui vui. Chàng muốn nằm im như thế để thưởng thức cái tê mỏi dễ chịu sau giấc ngủ. Vũ khẽ cựa mình co chân lại nhức nhối lại tới. Vũ hoang mang và cũng biết chắc rằng sự hãi hùng là có thật và còn đang tiếp diễn. Vũ trở dậy vẻ băn khoăn hiện rõ trên nét mặt, cơn đau nhức nhối trở lại, miệng đắng và gây gây như lên cơn sốt.
Sáng nay như theo một tiếng gọi xa xôi, Vũ thấy mình lại phải ra đi. Sự yên tĩnh của đêm qua như báo trước cho những đụng độ lớn lao sắp tới. Các ngả đường phố chính đều có chiến xa canh gác, mũi súng chĩa vào trung tâm thành phố, kèm theo những băng đạn đồng sáng loáng thả dài lê thê. Dân chúng mon men lại gần các xe bọc sắt, trèo lên đứng nghe ngóng, chuyện trò với những người lính. Thái độ bình thản, tò mò đến liều lĩnh của đám người này khiến vũ có cảm tưởng đây là một cuộc duyệt binh thao diễn hơn là một chính biến với đụng độ đổ máu thực sự giữa hai lực lượng. Thỉnh thoảng không biết từ đâu, một tràng đạn nổ dài, đám đông lại xô đẩy nhau, vứt cả xe đạp nón mũ ù té chạy. Xem tình thế yên yên, họ lại mon men tụ lại và di chuyển tới gần.
Phía toà án tiếng súng bắn trả nhau dữ dội, những viên đạn bắn tới xoáy thành lỗ trên thành tường xám đen, phá tan những mảng kính cửa sổ. Số dân chúng hiếu kỳ ở đây có vẻ đông hơn. Họ nấp sau những bức tường dày kiên cố, lẫn trong đám đông đó là các phóng viên ngoại quốc lăm lăm máy ảnh nơi tay như đang chờ đợi một pha gây cấn bất ngờ.
Lại một tràng đạn nổ lớn. Khói và lửa từ chiếc xe tăng nốc lên ngùn ngụt. Vũ nghe thấy tiếng người la hét lớn quá át cả tiếng đạn. Một người từ trong tháp xe phóng mình ra vì sức nóng, có lẽ cả bị trúng đạn nên ngã gục ngay cạnh chiếc xe đang bốc cháy ngùn ngụt. Tiếng rên rỉ lồng lộn của người kẹt trong xe nghe thê thảm và yếu nhỏ dần. Vũ thấy rõ từng lưỡi lửa đỏ và khói đen liếm lấp cả mặt người đó. Chiếc xe tiếp tục cháy như một bó đuốc, thỉnh thoảng có vài tiếng đạn nổ bên trong vì quá nóng. Một phóng viên người Mỹ phóng tới quỳ gối bấm ảnh liên tiếp. Đạn từ bên trong Dinh vẫn bắn ra. Vũ thấy người phóng viên vẫn ôm chắc chiếc máy ảnh tập tễnh chạy, máu chảy đầm từ đầu gối. Nửa giờ sau ngọn lửa nhỏ dần để trơ lại chiếc xe còn nguyên hình và cháy xém, bên trong là một xác chế ngồi, hai tay cháy thành than, mặt nứt nẻ, mắt nổ tung lòi cả ra ngoài. Xác chết cạnh đấy cũng cháy hết cả quần áo. Còn lại sau đó là sự vắng lặng và chết chóc.
Vũ len lỏi tìm đường về, qua những con đường lạ xa xôi diệu vợi. Số người và xe cộ bị đổ dồn về một chiều nên tạo thành một luồng rối loạn và đông đảo. Chàng bị đám đông vô ý thức kéo theo đi. Tiếng còi, tiếng kèn, tiếng la hét, tiếng súng nhỏ và cả tiểu liên vẫn nổ lác đác ở phía sau.
Vũ trở về cư xá khoảng mười một giờ, tâm trạng bơ vơ. Chàng nghĩ sáng nay nếu một viên đạn vô tình ghim vào lưng chàng thì mọi sự vẫn y nguyên. Sự tới và ra đi của đời sống mỗi người như chàng không mang chút ý nghĩa nào với tình hình biến chuyển. Có chăng chỉ là lưu lại nơi vài người thân yêu chút niềm thương nhớ ban đầu rồi sau đó mờ nhạt dần với thời gian năm tháng - sự đương nhiên là thế, ai mà giữ mãi nỗi u buồn trong lòng.
Hình ảnh một tháp chuông cao vút với chiếc thánh giá nổi bật trên nền trời xanh đã in sâu vào tâm trí Vũ thời thơ ấu nay không còn nữa. Những toà nhà chọc trời kiêu hãnh vươn lên, đón hết mọi ánh sáng, biểu tượng cho sự tiến hoá quá nhanh của con người về vật chất; ngôi nhà thờ quét vôi màu xám cũ cố thoi thóp vươn lên để đón nhận chút ánh mặt trời thừa thãi. Vũ cho đó có ý nghĩa tượng trưng sự thất bại tiến hoá của tinh thần con người, kéo theo cả sự lung lay tới cỗi rễ đức tin. Những buổi chiều ở học xá, chàng nhớ lại lúc gặp Phong, khi nghe chuông nhà thờ vẫn chán nản và kiên nhẫn rung lên; Phong buồn rầu bảo chàng: “Từ ngày về đây, tất cả Âu châu còn lại với tôi là tiếng chuông nhà thờ này”. Câu nói đó Vũ cho bao hàm một ước vọng thiêng liêng, một khát khao hướng thượng của linh hồn mà ít ai đạt tới. Lúc chiều tà không khí giáo đường gieo vào tâm hồn chàng những ý nghĩ xa xôi – thời khắc ấy đối với Vũ như những cơ hội duy nhất để chàng cảm thông với những ý lực huyền bí. Nhưng ở những lúc khác, đời sống xã hội trả lại cho chàng những bộ mặt nguyên cũ của những mâu thuẫn vô lối và bất tận. Chàng đã có lần mỉm cười ngạo mạn và châm biếm khi thấy trên chiếc thánh giá của đỉnh nóc nhà thờ còn đính theo một cột thu lôi. Hình ảnh người lính lăn lộn trong vòng lửa hay ngã quỵ dưới làn đạn gợi trong óc Vũ bao câu hỏi: “Rồi sao nữa, hết cả rồi chăng”. Có lần chàng muốn trở thành vô tri giác, không còn biết rung động hay suy nghĩ gì nữa…
Quán cơm sinh viên còn yên lặng, chưa một bóng người. Ba dãy bàn chạy dài tới tận cuối phòng. Từng chồng bát đũa sắp liên tiếp. Mấy chiếc quạt trần ngả màu vàng khói đứng bất động. Tất cả như bình thản đến lãnh đạm để chờ sự náo nhiệt sắp tới. Từ nhà dưới, người bếp thong thả bước lên, gặp Vũ ông nhe hàm răng đen ra cười:
“Chào ông, hôm nay ông cần ăn cơm sớm?”
Chàng trả lời vui vẻ:
“Không, tại về sớm đi quanh quẩn nên tạt qua.”
Ngưng một lúc chàng quay lại hỏi:
“Sao ông không về nhà lúc này, đêm qua chỗ ông động tĩnh ra sao?”
Ông ta cười phơi hàm răng đen đã phai sang màu nâu nhạt, đáp:
“Dạ mà về sao được khi các ngài còn ở cả lại đây. Công việc anh em chúng tôi là sắp dọn ngày hai bữa trước đã, còn công việc gì có đến đâu cũng là sau. Vả lại mấy ông bếp kia đã kiếm cớ nghỉ cả rồi, tôi cũng xin nghỉ nữa thì làm sao… Nhà tôi cũng không muốn cho tôi đi làm trong lúc này nhưng công việc không đừng đuợc nên tôi cứ vác xe ra đi.”
Chàng nhìn người bếp rồi nở nụ cười tỏ cảm tình. Trong số những người giúp việc ở đây từ hồi di cư, ông ta là người khéo léo đức hạnh hơn cả. Ông có đaọ Thiên chúa và tin tưởng mạnh mẽ. Vẻ mặt ông điềm đạm và thoáng một chút khắt khe với chính mình bộc lộ qua cặp mắt hơi nheo lại, vầng trán cao hơi gợn nhăn. Có lần ông tâm sự là ở ngoài Bắc trước kia ông cũng thuộc hàng hương phẩm trong làng, cả ngày không phải mó tay vào việc gì, chỉ quanh quẩn giồng hoa trông vườn tược, đến dịp hội hè thì vác ô ra làng cùng ngồi vào hàng chiếu trên chiếu dưới. Nhắc lại cái quá vãng mà ông cho là oanh liệt, mắt ông mơ màng, vẻ mặt bâng khuâng nhớ tiếc. Có điều mà Vũ lấy làm lạ là một người nặng tình cảm như ông lại có thể bỏ phắt cả vợ con ở lại, một mình đi vào Nam. Ông than với Vũ:
“Nhà tôi hồi đó còn đần lắm ông ạ, nó chỉ tiếc ngôi nhà với mảnh vườn và dăm xào ruộng. Nó bắt giữ tôi lại, còn tôi thì tôi biết rõ muốn sống còn đức tin, muốn có ngày về thì phải dứt khoát ra đi. Nó không chịu, nó giữ hết con lại, sau hồi dằng co không xong, tôi vứt bỏ hết và đi vào đây. Chả giấu gì ông bấy giờ vào trong này đang bơ vơ, gặp được người cùng làng, chúng tôi lấy nhau và thấm thoát cháu đầu lòng cũng đã lên bốn.”
Vũ nhớ laị có lần bà vợ tới xin phép cho chồng nghỉ vì ốm, hình ảnh người đàn bà Bắc kỳ trẻ hơn ông đến một giáp, tươi cười với hàm răng đen láy, với những bước chân đi chắc chắn khoẻ mạnh, gợi lại hình ảnh của các cô gái quê miền Bắc. Chàng vui vui với ý nghĩ “Chiến tranh đã tạo nên nhiều cuộc gặp gỡ thú vị và tình cờ”.
Người đầu bếp đi khỏi, trả lại cho Vũ sự yên lặng ban nãy. Chàng bước ra ngoài, qua một sân sỏi, những viên sỏi nhỏ bị ngiến lạo rạo dưới chân. Mặt trời đã đứng bóng, không một chút gió, ngọn cờ vàng ba sọc thản nhiên rũ xuống buồn vời vợi.
CHƯƠNG BA Thế là xong, khỏi thắc mắc thêm gì nữa. Minh đã có một quyết định chắc chắn là sẽ tự vẫn. Minh cũng lấy làm lạ về chính mình. Đứng trước một ý định quan trọng và quyết liệt như thế mà chàng thấy vẫn bình thản. Kể cũng lạ, ngày mà Minh tìm đến cái chết như hôm nay lại là ngày sinh nhật của chàng. Sinh nhật, hai chữ đó làm Minh mỉm cười. Trước đến giờ có lúc nào Minh nghĩ đến sinh nhật của mình đâu. Với Minh ngày sinh nhật như hôm nay và cả những sinh nhật trước chả có mang một chút ý nghĩa nào. Minh không muốn nhắc lại các ràng buộc tình cảm của đời sống quá khứ có thể khiến chàng thay đổi ý định dễ dàng – cái ý định mà cho đến bây giờ Minh vẫn thấy là hợp lý nhất.
Chiếc đồng hồ lớn của nhà Bưu điện trung ương chỉ gần tám giờ rưỡi tối. Minh lại chợt nhớ tới bức ảnh khá cũ mà hồi mới sinh ra cha chàng đã chụp cho: hình ảnh một đứa bé co quắp, giẫy giụa khóc trong chiếc nôi bên cạnh quyển lịch ghi ngày hôm nay và một chiếc đồng hồ để bàn chỉ rõ giờ sinh. Tính ông bao giờ cũng cẩn thận và chu đáo như thế; nhất là các giấy tờ liên hệ tới con cái, tất cả đều được sắp thứ tự cất vào tủ khoá kỹ lưỡng. Trong óc Minh lại hiện ra hình ảnh tươi cười của ba chàng ua hình ảnh quen thuộc của cặp kính trắng gọng nâu hồng, làn trán cao và rộng bóng, nhất là hàm răng trắng thật đều lộ ra mỗi lúc cười. Minh như đang nghe lại văng vẳng tiếng cười thật trong của ba chàng, một âm thanh đặc biệt đã in sâu vào tâm khảm Minh từ tấm bé… Cho đến bây giờ Minh thấy mình thực sự bị thiếu thốn. Mẹ chàng còn trẻ, Minh biết lắm. Minh cố đền đáp thêm vào một số tình thương hơn nữa. Mẹ chàng hình như cũng không chú ý đến thứ cố gắng đó. Tình thương của đứa con đem đến, mẹ chàng không cảm thấy hoặc cho là nhạt nhẽo. Có một điều mà Minh nhận thấy rõ là càng sau này mẹ chàng càng đẹp ra, vì trang sức và quan tâm sửa soạn hơn trước hay vì có được hạnh phúc hơn xưa. Cách đây gần hai năm, Minh còn nhớ rõ: tan học về quá mười hai giờ rưỡi, cửa buồng mẹ vẫn đóng kín và khoá trái, Minh phải nhảy qua lối cửa sổ chạy vào để chứng kiến một cảnh làm chàng chôn chân chết đứng. Một ống thuốc ngủ trống trơn lăn lóc dưới đất, mẹ chàng thì xám ngắt xùi bọt mép lăn lộn quằn quại trên chiếu. Có lẽ duyên kiếp còn nặng nợ, mẹ chàng được cứu sống sau đó. Ít lâu sau Minh nghe lời thì thào bàn tán của xung quanh liên quan đến mẹ: “Đấy cứ xem con Lệ thì biết, con gái mắt một mí hum húp giống hệt như thàng bố An nhà nó.” An là gã làm kế toán cho cơ sở kinh doanh của ba chàng. Minh đau khổ khi khám phá ra sự thật mà vì quá tin yêu chàng không dám nghĩ là có. Lúc đó Minh chỉ có ý muốn giết mẹ. Nhìn lại lũ em nhỏ, nghĩ đến tương lai chúng, Minh thấy mình hoàn toàn bất lực với tình cảm xáo trộn và điên đảo. Con Lệ đứa em gái nhỏ nhất nhà, vốn quen nhõng nhẽo với Minh thì sau đó bị Minh ghét cay ghét đắng. Có hôm Minh đánh hay tát nó đau khóc váng nhà chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt không đâu, đánh em xong Minh biết mình vô lý và nhỏ nhen ngay cả với một đứa bé ngây thơ vô tội. Nhưng mỗi lần thấy con Lệ chạy ra trước mặt thì máu Minh lại sôi lên vì những nguyên do vô căn cứ… Thế rồi, mẹ chàng trở lại cái đời sống tự cho là thiếu thốn, đi lại với một người bạn của ba chàng trước kia. Sự chung đụng đi lại được coi là ngang nhiên. Ngẫu nhiên hay không, Minh tự hỏi như thế, khi đứng trên gác nhìn xuống cùng một lúc thấy mẹ bước xuống xe với ông bạn và Thái An gã thư ký kế toán của ba chàng. Minh thấy tự ngượng cho cách ăn mặc và cử chỉ của mẹ. Rồi chàng tự hỏi liệu con người có thể đóng kịch dối trá đến thế ư. Thái An vẫn một giọng thưa chị, ông Cảnh vẫn trịnh trọng thưa bác. Minh vẫn đứng im, ghé mặt qua tấm màn cửa nhìn xuống sân hằn học. Lúc đó Minh muốn có súng chĩa xuống giết hết, kể cả mẹ chàng. Minh thấy tâm hồn tan nát và đau đớn khi nghĩ đến danh dự gia đình đến tương lai. Có những hôm Minh thức gần trắng đêm để chờ mẹ: tiếng cửa khoá, tiếng guốc cao gót nhẹ thanh và rón rén bước vào nhà quen thuộc, tiếng nước chảy trong buồng tắm; Minh nằm trong bóng tối nặng trĩu lắng nghe mọi tiếng động dù nhỏ nhất, chuông đồng hồ thong thả buông bốn tiếng thì ánh sáng le lói chiếu qua khe cửa ở buồng bên mới tắt hẳn. Còn lại là sự im lặng chán chê, cảm xúc quá Minh gục mặt xuống gối khóc rưng rức…
Ra đến bờ sông ngược chiều đi lên, Minh tìm một quãng thật im vắng, kiếm một chiếc ghế xát bên sông. Cũng chẳng còn bao lâu nữa, Minh muốn sống lại vài hình ảnh của dĩ vãng trước khi phải rời bỏ vĩnh viễn. Minh tự nhủ: - Mà vấn vương thêm chỉ vô ích, mình chỉ còn một công việc cấp thiết hiện tại là tự vẫn. Minh muốn mình sẽ chết trong trường hợp thật tự do bình thản. Minh tự nhủ sẽ buông thả hết khi gieo mình xuống. Nhìn mặt đồng hồ dạ quang chỉ mười hai giờ mười phút, chàng ngẩng mặt nhìn vầng trăng tròn sáng tỏ, toả xuống mặt nước những gợn sóng sáng lăn tăn như thuỷ ngân. Mấy lùm cây đen đen sẫm phía xa mờ dần trong im lặng trầm ngâm. Chàng để tay lên ngực phía trái như tự hỏi mình có tiếc nuối hay sảng sốt trước cái chết không. Minh tự nhủ “Không ngờ mình thản nhiên đến thế!”…
Trong nhà xác hai chân Minh hở ra từ tấm vải trắng, xanh xao lợt lạt. Mấy ngọn nến lập lòe trước gió, xung quanh là bóng tối chập chờn; yên lặng và chờ đợi như trôi qua thật chậm và lâu lắm. Có tiếng bà mẹ khóc nghe từ xa rõ dần, tiếng kể lể than van, theo sau là mấy đứa em nhảy tới ôm chầm lấy xác Minh khóc lóc, những dòng nước mắt trào ra theo tiếng nấc. Tiếng bà mẹ ăn năn nhưng tiếng khóc của mấy đứa nhỏ lớn át đi không nghe rõ mẹ nói gì. Tiếng mẹ khản nhỏ dần, khắc khoải lẫn theo những tiếng nấc như một con vật hấp hối. Từ miệng Minh tự dưng ứa máu đỏ trào ra hai bên mép. Tiếng bà mẹ la hét kinh hoảng hơn, thất thanh trong đêm khuya nặng không khí chết chóc...
Minh choàng tỉnh dậy. Ánh sáng trăng toả xuống người trắng xoá. Sương đêm nặng hạt, chiếc ghế đá ướt đẫm nước. Ngọn đèn pha từ một choì canh bên kia sôngquét từng chùm sáng dài, dọc theo con nước. Minh đưa tay ké0 cao cổ áo quay về phía tiếng động:
“Khuya lắm rồi ông không về sao?”
Người cảnh sát nhìn Minh ái ngại, chàng mỉm cười nói:
“Trời mát quá, trăng lại đẹp, ngủ quên lúc nào không biết nữa.”
Chàng đứng dậy giơ tay chào kiểu lính nói:
“Thôi chào ông.”
Minh không còn ý nghĩ gì về việc tự vẫn nữa. Ý tưởng đó như chưa tới với chàng. Minh nhìn phố xá buồn tênh và vắng lặng miệng lẩm bẩm: - Nhưng mình còn mấy đứa em. Minh ngạc nhiên về câu nói đó, câu nói có ý nghĩa một phủ nhận và bào chữa.
Ra đến con đường lớn Minh dừng lại chờ đợi. Một chiếc taxi chạy tới, Minh vẫy xe và nhảy lên. Tiếng đóng cửa mạnh làm dao động cả chiếc xe Renault cũ. Chàng bảo người tài xế cho xe chạy về hướng nhà mình. Minh ngồi yên lặng nhìn cảnh vật bên ngoài. Các khung cảnh quen thuộc loang loáng hiện ra rồi chìm sâu vào bóng tối phía sau không gợi ra trong Minh một ý nghĩ nào. Đến đường phố nhà, người tài xế hỏi Minh:
“Tới rồi, nhà cậu quãng nào?”
“Được, tới nơi thì tôi bảo ngưng…”
Đến lúc này bỗng Minh chú ý tới tiếng đồng hồ nhảy tí tách ở phía trước, tiếng sợi dây văn mình mỗi chốc trong khe tối. Xe chạy qua nhà mà Minh vẫn không bảo ngừng lại. Chạy hết một co đường tới ngã ba, xe tự động quẹo qua trái xuống hướng Chợ Lớn. Gã tài xế chắc cũng đã quen với tính kỳ quặc của mấy ông khách về đêm. Con đường vắng và thẳng tắp, thỉnh thoảng bắt gặp một gánh hàng rong ban đêm hay bóng đen của một cặp tình nhân nào đó thập thò sau những gốc cây. Lại có tiếng hỏi ban nãy của bác tài xế:
“Về đâu bây giờ cậu Hai?”
“Nhà thờ ngã Sáu…”
Đến trước cổng Đại học xá, Minh mở cửa bước xuống. Bên ngoài lạnh và hơi mưa. Minh rút túi lấy tờ giấy hai trăm mà Vũ mới đưa cho khi sáng.
“Làm gì có tiền thối cậu Hai.”
“Làm sao được bây giờ.”
Minh ngoảnh nhìn phố xá vắng tanh, lưỡng lự và chưa biết tính sao.
“Thôi được không sao… ế lắm mà!”
Vừa nói gã tài xế vừa nghiêng mình đóng sập cánh cửa sau, rú ga cho xe chạy thẳng, chưa kịp để Minh nói thêm. Đứng trơ ra nhìn chiếc xe khuất dần, Minh có cảm tưởng mình vừa phạm vào điều gì bất công lắm. Chàng đi bộ vào cư xá bằng lối bên. Các đèn ống thắp sáng cả con đường nhựa. Minh thấy rõ từng lớp những hạt mưa nhẹ rơi xuống chênh chếch. Đã về khuya lại mưa, các dãy nhà im vắng chạy dài, những cửa phòng đều khép kín. Minh bước đi yên lặng, dẫm lên những vệt sáng ngắn song song chiếu qua các khe cửa trên hiên. Chàng quen thuộc luồn tay vào phía trong cửa sổ, tự động mở cửa bước vào buồng. Nghe tiếng động, Vũ ngoảnh ra cười với Minh rồi quay vào bàn làm việc. Sắp đến kỳ thi, đèn cư xá thường mở đến rất khuya. Biết tính Vũ, Minh ngồi bên giường yên lặng giở tờ báo mới ra xem. Một lúc sau Vũ đứng dậy trở ra:
“Đi đâu khuya thế, anh cũng đang muốn gặp Minh. Từ thứ hai sau tức đúng đầu tháng em bắt đầu đi dạy học được rồi. Đây là chỗ quen biết nên anh chắc cũng dễ chịu… Phải cái cậu còn trẻ quá, thôi cũng không sao.”
Minh thấy vui sướng, lòng rộn lên. Tối đó Minh ngủ lại, hai anh em nằm nói chuyện đến thật khuya. Mấy tiếng “tắc kẹ tắc kè” vang lên từ ngoài sân. Vũ bảo Minh:
“Hai giờ rưỡi đêm rồi, thôi ngủ đi, mai dậy sớm.”
*
Ăn sáng xong, Minh xực nhớ có hẹn anh Vũ tới nhận chỗ dạy học vào chín giờ. Chàng vừa tự mỉm cười trong gương sửa soạn vừa huýt sáo. Minh lấy một chiếc cravate mới ra thắt thử và lấy làm ưng ý. Chiều qua Minh đã có ý định đi cắt tóc nhưng lại thôi. “Để dài một chút trông tự nhiên và đứng đắn hơn”. Khác ngày thường, Minh hôm nay cạo râu thật kỹ. Lưỡi dao cùn lại quên không mua, cạo mãi vẫn không thật nhẵn, với một chút “eau de lavande” xoa vào cằm tuy xót điếng nhưng khoái trá. Minh cho tay vào túi, đi đi lại lại trong nhà, trầm ngâm cố tưởng tượng công việc sắp tới. Chàng thoáng lo ngại khi nhớ tới lời anh Vũ nói “Cậu còn trẻ quá, lại dậy cái ngữ con gái mới lớn… khó quá”. Minh cũng thấy phân vân và bắt đầu nghi ngờ về khả năng của chính mình. Minh lại muốn tự bào chữa, chàng muốn bước chân ra đi với lòng tự tin. Chàng cố lấy vẻ bình thản, đi ra phía tủ với một cuốn sách chăm chú đọc từng hàng chữ. Bên cạnh nhà, mấy đứa trẻ đang ê a bài học thuộc lòng “Tôi đi học” của Thanh Tịnh:
“Hàng năm… ăm cứ vào cuố… ối thu… u…”
Tiếng khoá cửa lách cách, Vũ mở cửa bước vào mỉm cười khi thấy Minh đã đứng đó. Nhìn ra bên ngoài, Minh thấy cảnh sắc chung quanh như xa lạ và biến đổi hẳn. Một hiển hiện sáng đẹp ánh lên trong ánh mắt Vũ. Minh gỡ vội chiếc cravate vứt lại trên bàn, hấp tấp khoác tay Vũ bước ra ngoài. Ánh sáng phản chiếu vào bức tường vàng bên bể nước chói sáng lung linh. Minh có ý so sánh cảnh vật với cái rộn rã của lòng mình… Như sực nhớ ra chuyện gì, Minh giằng khỏi tay Vũ chạy vào nhà bảo em:
“Lệ em bảo chị Loan chốc nữa đưa em đi học, sáng nay anh mắc bận nghe không?”
Lệ nghe thế phịu mặt xuống nũng nịu:
“Nhưng chị Loan cũng đi vắng… thôi em không đi học nữa đâu.”
“Thì chị Nhật hay anh Thái, anh bảo Lệ chóng ngoan, vào nhà đi không có nắng.”
Tuy quay đi mà Minh vẫn còn nghe được tiếng tí tách của đôi guốc nhỏ xíu gõ vội trên nền xi măng vào nhà.
CHƯƠNG BỐN Buổi sáng cư xá như triền miên trong giấc ngủ còn dài. Minh trở dậy thao thức. Một nỗi buồn không đâu chầm chậm len lỏi vào giữa những ý nghĩ bâng quơ. Đó không phải là nỗi buồn dịu nhẹ của buổi chiều chập choạng và chết đắm trong hư vô. Minh không biết đó là những ray rứt của lương tâm nghiêm khắc hay sự trỗi dậy dằng co của những ham muốn thể xác bị đè nén. Minh có ý muốn làm vài cử động thật mạnh nhưng chân tay chàng như lười biếng bải hoải. Con người Minh hiện giờ không con người duy nhất của bản thể mình nữa. Chàng mường tượng mình có thể là hình ảnh của một thể xác đòi hỏi bất kham, cũng có thể là tiếng vọng dậy của một lương tâm khe khắt. Dù sao cũng có một điều chắc chắn là hiện giờ chàng thất bại, đó không phải là đời sống nữa. Đó là một cuộc xô sát kịch liệt mà chính Minh thấy mỏi mệt vô cùng. Còn lại vẫn chỉ là sự bế tắc.
Minh có cảm giác là mình vừa quên bẵng điều gì quan trọng mà chàng tự nhắc là phải cố ghi nhớ. Minh vác gầu ra giếng, kéo nước đổ vào chậu, đáy chậu trong suốt phản chiếu những hạt hơi nước nhỏ lăn tăn. Ánh nắng từ ngọn cây cao đang leo thấp dần xuống. Phía cổng lão già gác cửa đã trở dậy; con chó đen đứng trên hai chân vẫy đuôi mừng rỡ nhưng với những tiếng rít nghe ghê rợn. Ngoài đường tiếng guốc dép, tiếng cười nói của người lớn và trẻ con nghe vui tai. Cuộc lễ sáng sớm vừa tan, mọi người từ phía trong nhà thờ tản mạn ra về. Chuông nhà thờ Ngã sáu đổ xuống, Minh nghe xa dần như còn phảng phất trên các bước chân đi.
Bến xe buýt buổi sáng trước giờ đi làm vẫn đông như mọi ngày. Đến hôm nay Minh nới có cảm giác mơ hồ về một hoàn cảnh xã hội quen thuộc mà chàng vẫn sống bấy lâu. Cô y tá nhà thương Bình Dân, tay xách làn đã đứng đấy. Cô khoảng ba mươi, nước da trắng đến hơi xanh xao vì thiếu nắng, cặp mắt đen và hiền từ xung khắc với đôi gò má cao, nét mặt cô bình thản đến lãnh đạm với xung quanh. Minh để ý đến bàn tay trắng đẹp của cô chưa vướng một chiếc nhẫn nơi ngón tay. Ý nghĩ vẩn vơ về một cuộc sống độc thân làm chàng tự mỉm cười. Minh thấy nét mặt cô tươi lên và cười theo một cách kín đáo. Chuyến xe tới nơi, mọi người vội vã bước lên. Xe chật hết chỗ, cả đến mấy người mù cũng phải đứng. Mỗi chặng dừng lại vớt thêm một ít khách, chuyến xe mỗi lúc một đông như nêm. Minh đứng sát phía cửa nhìn xuống đường. Hai bên đường các cửa hiệu lác đác mở. Trước mấy mái hiên gần chợ, các gia đình không nhà còn nằm ngủ ngổn ngang, chồng chất lên từng cục, những đứa bé co ro ôm ấp lấy nhau như những khối thịt lổn nhổn làm Minh liên tưởng tới những năm chết đói. Một người mù nói:
“Đến chợ Đũi rồi mau quá!”
Minh nghiêng đầu nhìn ra ngoài ngạc nhiên đến ngơ ngác. Đến trạm ngưng, Minh rẽ đám đông bước xuống, bỏ dở mọi ý nghĩ.
Tới cửa trường nắng đã vãi khắp sân cỏ. Chiếc vòi nước xoáy tròn đều đặn phun lên những tia nước lóng lánh như thuỷ ngân. Hình ảnh nơi sân trường buổi sáng nhắc Minh thời còn ở trung học. Hồi đó tâm hồn minh khác bây giờ. Chàng chưa có ý nghĩ về đàn bà như những thú vui vật chất, không có những ý nghĩ tăm tối về con người cũng như chàng chưa hề có những thất vọng về các giá trị căn bản của tình nghĩa. Ít lâu nay Minh như sống trong trạng thái tạm bợ, mất cả phấn khởi và lòng hy vọng, ngay cho đến cả một niềm tin.
Trước văn phòng cô thư ký xinh xinh đứng dựa cửa nhìn ra. Chiếc áo đỏ màu huyết dụ mang vẻ khiêu khích ấm cúng, chiếc áo len ngắn tay trắng muốt xù lên những sợi lông tơ láng mịn khiến Minh liên tưởng tới vũng máu đỏ trên một nền tuyết trắng. Mấy hôm nay trời bỗng trở lạnh, lạnh như ngoài Bắc ấy, Vân Anh nói thế. Một cái lạnh khô ráo vẫn có nắng đẹp và gió heo may. Chàng có cảm tưởng một triệu người di cư có đủ sức mạnh lôi kéo cả cái lạnh thân yêu quen thuộc vào miên Nam vốn mưa nắng hai mùa này. Minh nhớ tới vụ lụt lội năm nay, nước dâng cao như chưa bao giờ có. Chàng tự hỏi hay người ta đã vào đây đem theo cả rét mướt lẫn tang thương, lẫn cả những trận lụt khủng khiếp của sông Hồng Bắc Việt. Dẫu sao trong cả ba xứ, trong khó khăn và gian nguy có lẽ con người dễ đoàn kết và thân yêu nhau hơn.
“Ông Minh có học bổng rồi đấy.”
“Có rồi nghĩa là sao cô?”
“Chiều qua nhận được danh sách gửi về có tên ông.”
“Có tên bây giờ, đầu năm sau mới lãnh, còn lâu.”
Minh thấy việc mình được cấp học bổng chỉ như một hình thức phải có. Chàng vẫn phải đi dạy học thêm. Năm nào cũng được học bổng nhưng chính Minh không cảm thấy số tiền đó có ảnh hưởng can dự gì tới đời sống chàng. Mỗi lần làm đơn Minh tự nhủ “Thì cũng còn hơn không…”
Rồi buổi học tan đi chậm rãi, Minh ở lại trường, vào thư viện đã đông kín chỗ, Minh phải trở ra, như một cố gắng hay thói quen chàng tự mỉm cười.
*
Thượng Đế ơi tôi buồn quá!
Tiếng Hoà hét đùa trong đêm khuya vắng mà Minh tưởng như thật.
“Em ơi vào đây chơi với anh không?”
Tiếp theo là một chuỗi cười dài mà lúc này Minh không cho là khả ố. Bóng một người đàn bà hiện ra nơi khoảng sáng của ngọn đèn trước cổng ngoảnh nhìn vào rồi lẫn ngay vào bóng tối bên kia. Tuy trong quãng tối nhìn ra Minh cũng thấy được đôi môi dày và đỏ chót, cặp vú căng hất về phía trước. Một ý nghĩ đen tối liều lĩnh thành hình, cái cảm giác rạo rực về thể xác vừa thoáng hiện đã tự nhiên dịu đi vô căn cứ khi người đàn bà khuất vào bóng tối, như một cơn gió lạnh thổi qua chỉ đủ gây một cái rùng mình.
Tối ba mươi Tết, trời không tối đen như mực mà rải rác đầy sao. Bầu trời trong và các vì sao như hạ thấp xuống. Minh ngồi bệt xuống thềm trước cửa buồng, ngửa mặt ngắm từng ngôi sao long lanh trong đêm khuya. Minh chú ý tới một ngôi sao sáng phía bầu trời sa thấp xuống; vì sao sáng đẹp nhấp nháy như một viên kim cương. Cả một bầu trời đầy sao như mờ đi, chỉ còn lại một vì sao sáng run rẩy cô đơn. Minh nheo mắt lại vừa đúng lúc vì sao mờ đi và biến mất hẳn, còn lại chỉ là sự vắng vẻ hư không.
Tết đến Minh ở lại đây. Các bạn hầu hết đã về quê từ mấy hôm trước. Cư xá vắng vẻ và yên lặng. Mấy dãy nhà có vẻ sâu thẳm và dài hun hút. Cuối dãy bên kia, phòng ai để quên đèn, cửa đóng kín mít mà bên trong vẫn sáng trưng. Ánh sáng len qua cửa chớp chiếu rải ra sân. Minh tưởng đế cái đầm ấm của khung cảnh bên trong ; một cặp vợ chồng trẻ, đêm Ba mươi không đi đâu, nằm trong chăn ấm nói chuyện và lắng nghe tiếng pháo nổ lẻ tẻ ngoài đường phố vắng.
Qua mấy cành cây khô rụng hết lá, trong bóng tối mờ mờ, Minh còn thấy rõ mấy bóng đen của tổ chim trên gạc cây cao. Đã lâu thỉnh thoảng Minh mới lại thấy đôi chim di mẹ trở về rồi lại bay đi đâu mất. Mấy tổ chim trông như những đám rác, buông tủa xuống những cọng rơm; lúc này Minh như nghe bằng cảm giác một tiếng chim non thiếu mẹ kêu rất khẽ và yếu ớt. Một ý nghĩ vẩn vơ thoáng tới, sự có mặt yên ổn đến vô tình của mấy tổ chim trước buồng như tang chứng hiển nhiên về một tuổi thơ đã mất. Minh thấy ân hận và hối tiếc - hối tiếc cái trò chơi hồn nhiên nhưng độc ác của tuổi thơ hay những trong sạch đã bị mất, chính Minh cũng không rõ nữa. Cảm giác của Minh lúc này giống hệt như cái vẻ ngẩn ngơ khi cầm một tổ chim trên cây làm nghiêng rơi nát những con chim non dưới đất. Một kỷ niệm không đâu sao lúc này Minh thấy lại rõ rệt trong ký ức. Minh rũ quần đứng dậy đi trên con đường rải đá, bước sâu vào bóng tối. Tiếng guốc gõ trên nền đất khô vang trong đêm thanh vắng. Mỗi tiếng guốc nện xuống vang lên và tan loãng, Minh thấy mình thực sự cô độc. Những ý nghĩ về sự cô độc lúc này làm Minh hoảng sợ hơn chính sự cô độc tự nó. Minh rẽ vội sang bên mặt, đi dưới rặng cây tối đen, chân bước rào rạo trên đám lá khô, Minh nghe rõ từng chiếc là vỡ ròn dưới từng bước chân đi. Chàng nghe rõ được cả tiếng tim đập nhanh hoà lẫn trong những hơi thở ngắn. Bước đi của chàng mỗi lúc một vội như chạy trốn. Mở cửa bước vào phòng Hoà, Minh đứng sững lại, ý thức được rằng nỗi hoảng sợ vừa rồi là vô lý. Hoà ngoảnh ra:
“Sao hôm nay anh không về với mợ? Ngày Tết về cho mợ và các em vui.”
Minh không để ý đến câu hỏi của Hoà, nói:
“Làm gì cho hết mấy ngày Tết?”
Như chưa bỏ rơi ý nghĩ lúc nãy, Hoà gợi lại:
“Những thằng không gia đình không thân thích như tôi hôm nay mới phải nằm bò ở đây, chứ anh…”
Minh nói không nghĩ:
“Mọi người về hết không khí vắng vẻ ở đây làm tôi thấy dễ chịu, chẳng cần đi đâu hết.”
Minh nghĩ giờ này chắc mẹ chàng đang đi lễ ở Lăng Ông. Minh lấy làm bực bội về chính mình với ý nghĩ không xôn xao, không rung động trước một ngày Tết. Ngay cả về gia đình chính Minh cũng không ý thức được những liên hệ rõ rệt. Minh tự cho sự hiện hữu của mình là một tự nhiên không lý do và cội rễ. Hoà vứt xạch cuốn sách xuống đất, nhắc cặp kính trắng ra và dụi mắt:
“Tối nay định đọc hết quyển
Testament Espagnol mà không đọc nổi, buồn như lúc này thì không thiết làm gì nữa.”
Hoà bỏ kính ra, trông hai con mắt thông minh và buồn. Nụ cười của hắn lúc này dù chua chát không vui, Minh vẫn thấy có một vẻ duyên dáng tệ, chiếc má lúm đồng tiền bên trái còn gợi lại được nguyên vẹn cái vẻ trong sạch ngây thơ xưa cũ. Minh kéo Hoà ra ngồi ở bực cửa, dựa vai vào nhau nhìn ra bóng tối. Tiếng vài con muỗi vo ve đậu vào mặt buồn buồn, Minh giơ tay tát mạnh vào má, một cái tát đau không cần thiết. Bóng một người đàn bà chập choạng đi vào con đường giữa. Hoà chỉ ra:
“Nếu cô kia vào hỏi tôi lúc này thì dù chột mắt hay què chân tôi cũng lấy làm vợ được lắm.”
“Lúc này thì nói thế…”
“Không, thật đấy, chỉ cần một người đàn bà, một vài cử chỉ thương yêu thành thật tôi thấy là đủ rồi. Tôi còn nhớ Tết năm ngoái, buồn quá thao thức suốt đêm, bốn giờ sáng mò xuống con Tình, nó cũng dị đoan nên gặp mình nó vui lắm, mắt nó cảm động đến long lanh, nó bắt mình bỏ kính ra xem cho rõ mặt, rồi nó săn sóc vuốt ve tao như một con vợ. Về sau nghĩ lại mới thấy mình vô lý, mình rất có thể lấy được nó chứ sao đâu… Hừm, còn nhớ ba ngày Tết nằm nhà nó, ăn rồi lạ lên giường không đi đâu, mệt nhoài nhưng tránh cho mình được cảm giác trống không…”
Ánh đèn phía trong hắt ra, Minh để ý nét mặt Hoà lúc đó mà thương hại. Tóc và làn da mặt khô cứng, chiếc vai nhỏ dựa vào Minh, chàng cảm thấy những đầu xương nhô ra. Hình ảnh Hoà làm Minh nhớ đến Thi. Thi cũng thế, lối sống không khác, có khác là hắn có một gia đình mà ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tết còn đủ sức bứng hắn rời khỏi nơi đây để về nhà. Có lần Thi phàn nàn với Minh:
“Mới về nhà có mấy hôm mà đã nhớ trong này quá, ấy lạ cứ đi đâu xa là mình chỉ mong mau trở về cư xá này, không hiểu tại sao.”
Thi dáng cao lênh khênh, tóc mềm và lượn sóng tự nhiên. Cái dáng cao lẽ ra là đẹp đẽ nhưng chiếc cổ nhỏ và dài đến thiểu não làm tăng vẻ vêu vao lêu đêu của một thân thể không vững. Hoà, Thi như những thân cây khô cạn hết nhựa và già cằn cỗi trước cả tuổi tác dù có đem bứng qua một khu đất khác chắc cũng không tươi tắn lại được nữa. Cái sinh lực gom góp ít lâu chỉ đủ làm điểm tựa cho một chút suy tư thì lúc đó chính là giờ phút của ý thức đổ vỡ tuyệt vọng, chính họ đã bẻ gẫy ngay tận gốc chút chồi non mới nhen nhú, để chỉ còn lại một thân xác khô queo dễ bề buông trôi và quên lãng.
Có tiếng Hoà nói khẽ:
“Nhớ Thanh quá.”
Hoà như tuyệt vọng:
“Yêu Thanh mà không thể nghĩ chuyện lấy Thanh.”
Minh nói:
“Thanh đẹp và đơn giản chắc không nghĩ thế.”
“Không, tôi biết trong cái đơn giản có chứa nhiều tham vọng và tàn nhẫn, dĩ nhiên tham vọng đó không hợp với một thằng chết đói như mình.”
Như một ý nghĩ đến bất chợt, Hoà tiếp:
“Bốn giờ sáng nay phải xuống lại em Tình mới được.”
Bầu trời trong và cao lên. Vì sao sáng ban nãy lại hiện rõ. Minh thấy được những tia sáng xanh hơi run run từ ngôi sao toả xuống như thấm lạnh cả hơi xương.
*
Đúng bốn giớ sáng, Hoà đến nhà Tình mở cửa bước vào. Tình mặc chiếc áo dài màu cyclamen đỏ chót, môi thoa son và má hồng lên như có đánh phấn. Dưới ánh đèn nến và khói hương mờ mờ, Hoà thấy Tình có vẻ đẹp trong sạch và nồng nàn. Hoà có cảm tưởng nàng như một người vợ hiền vừa đi lễ giao thừa về, đang sửa soạn bàn thờ cúng tổ tiên. Nhìn chiếc giường rộng rãi trắng tinh, chàng thấy có một vẻ mỉa mai đến chua xót.
Thấy Hoà, Tình cười quen thuộc và kín đáo, nàng quay ra khoá trái cửa, ánh mắt tình tứ và ranh mãnh, bước vào bảo Hoà:
“Nghĩ đến Tết năm ngoái đang nhớ tới anh thì anh lại đến.”
Tình bỏ dở câu nói, bình thản cởi áo. Như một ý nghĩ bồng bột chợt tới, Tình vứt áo xuống ghế chạy lại ôm Hoà hôn rất lâu. Hoà có cảm tưởng đó là cái hôn trong đêm đầu tiên của một cặp vợ chồng mới cưới. Hoà đẩy Tình ra khỏi mình, nói một ý nghĩ đã có từ lâu:
“Anh sẽ cưới em làm vợ…”
Tình nheo mắt lắc đầu dáng khó chịu như vừa bị mỉa mai:
“Chỉ được cái nghĩ quẩn. Anh nhớ đã sang năm mới, không nói chuyện gì vui được sao?”
Hoà để ý tới hai làn mi nặng và mệt mỏi của Tình, khoé mắt đen mờ đi long lanh như có nước. Mấy giọt mồ hôi nhỏ lăn tăn trên trán dính theo mấy sợi tóc loã xoã. Hoà nằm yên lặng thẫn thờ nhìn Tình bỏ mặc mọi ý nghĩ. Chàng chắc rằng mình sẽ nhớ mãi hình ảnh đó, không bao giờ quên. Tình trong manh áo mỏng phong phanh ngã người trên cánh tay Hoà, yên lặng.
“Em khóc?”
“Không!”
Tình đưa tay kéo sát Hoà vào mình rồi xiết chặt lấy, nàng kéo Hoà vào lòng ngủ yên tĩnh trong chăn ấm cho đến buổi sáng muộn ngày hôm sau.
Tình trước khi xách ví ra đi còn ngoảnh cổ nhìn lại; Hoà ngủ li bì trên giường, thiểu não như một con chó ốm. Tình cúi xuống hôn nhẹ lên môi Hoà khô và lạnh. Nhìn chiếc kính trắng gọng vàng quen thuộc đặt trên bàn ngủ dưới ngọn đèn đêm, Tình cầm lên ngắm nghía trìu mến rồi không dưng cất bỏ vào ví xách đứng dậy. Buổi chiều Hoà thức dậy lúc chập choạng tối, đưa tay lên bàn mò mẫm tìm kính, miệng lẩm bẩm:
“Mới đầu năm đi chơi đã quên kính.”
Và Hoà nhớ rõ ràng là trước khi đi còn để quên kính trên bàn cạnh chồng sách cũ nơi cư xá. Tự nhiên Hoà lại thấy nhớ tới Thanh, tình yêu trở lại bồng bột và mãnh liệt. Nghĩ tới Thanh, tới mái tóc mây đen mun xoã xuống cổ và bờ vai trắng, Hoà lãng mạn với ý tưởng là có thể dìm cả đời mình vào trong màu tóc mây đen mun đó. Rồi hình ảnh Tình đêm qua lại hiện ra trong trí óc khiến ngực chàng đau nhói – như một qủa bóng cao su vừa bơm căng gặp ngay mũi tên nhọn nổ tung ra, đầu óc chàng lại đầy dẫy những ý nghĩ đen tối và bất lực.
Nệm bông mềm trũng xuống làm Hoà thấy mệt và khó thở. Hoà dặn lên mấy tiếng ho khan và thấy hơi thở lại nhẹ đi. Chàng trở lại với ý nghĩ sẽ hỏi cưới Tình làm vợ.