trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 13 / 13 bài
  1 - 13 / 13 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
20.12.2007
Nguyễn Đình Toàn
Ngày tháng
(truyện dài)
 1   2 
 
Những tháng mưa làm cho ngày ngắn đi. Buổi chiều tan sở ra đến cửa đã thấy bóng tối chạng vạng lẫn trong sương mù và hơi nước, tôi đi dọc theo các khu phố trở về nhà dưới trời mưa, nghe gió lạnh thổi vào thấm qua quần áo, hôm nào có Vinh còn đỡ, bữa nào phải về một mình, vừa rét vừa buồn. Xe hơi bật đèn chạy khi còn ánh sáng làm cho buổi chiều hình như mất hết vẻ của nó. Đó là một khoảng thời gian không tên gọi, như tuổi ba mươi của một người đàn bà, ngày tháng và hy vọng đã bắt đầu thoi thóp. Vinh đối với tôi như ngọn đèn xanh đỏ ở ngã tư đường, giam hãm, giữ lại trong giây lát trước khi tôi vượt biên qua bên kia. Đó là lúc nghỉ chân nhưng cũng nhiều khi làm mình bực bội. Anh ở trên cao đó không liên quan gì đến tôi, nhưng tôi phải nghe theo anh, nếu không tôi không thể tránh được cảm tưởng là mình phạm lỗi. Tôi phải tuân theo hiệu đèn trước khi qua đường. Hắn rằng ở đây không có người biên phạt. Nhưng ít ra tôi cũng phải tuân theo một luật lệ nào đó trong khi đến tuổi già, nếu không tôi chỉ là kẻ trôi xuôi trong dòng ngày tháng. Tôi phải được giữ lại trong cánh tay anh. Phải được sống với anh để nhận ra thân thể mình. Không thể ù lì như buổi chiều bị đêm nuốt không còn lại một dấu vết gì. Dù việc ấy ích lợi hay không tôi không cần biết, nhưng nếu còn có thể ngoi đầu lên khỏi mặt nước để thở, tôi phải ngoi lên để thở. Thở để sống. Và sống có nghĩa là sống với anh, sống với một người nào đó. Sống một mình là ngoắc ngoải, là chiều không ra chiều, đêm không ra đêm. Tự sờ mó thân thể mình là một điều nhục nhã, và tự làm ung thối mình. Không có nắng ấm làm cho chín. Phải có một người chồng chết đi trên tay tôi mới biết ra điều ấy. Tôi có yêu anh không có lẽ đây là việc tôi cũng chẳng cần đặt ra với mình nữa, bởi vì anh ấy đã chết. Còn Vinh? Lần thứ nhất gặp Vinh khi vừa từ một tỉnh xa trở về Sài Gòn, cái nóng bức của thành phố cũ còn vây hãm lấy tôi làm cho tôi khiếp sợ. Ở đó đêm không thể ngủ thẳng giấc vì trời nóng và vì tiếng phi cơ bay lượn suốt hai mươi bốn giờ một ngày. Gió từ những bãi cát trắng chói mắt ngoài bờ biển và các dãy núi đá, về mùa hè, thổi tới như hơi nước sôi. Những cây thông trong vùng phi trường cháy đen vì gió. Hoa phượng vĩ trên các hè đường giống như những tia lửa nhìn thấy đằng sau các chiếc phi cơ phản lực đinh tai nhức óc lên xuống mỗi phút. Đời sống cũng bàng hoàng như tin tức về cuộc chiến tranh mỗi ngày đè nặng lên đất nước, tiếng bom đạn và động cơ rung chuyển nhà cửa, người nói chuyện không nghe thấy tiếng nhau. Người lớn ngày tắm hai ba lần vẫn nóng, trẻ con rôm sẩy đầy mình. Tôi có thể nói một điều gì về Vinh trong tình trạng này chăng? Hơi lửa mặt trời còn chạy rần rần trong máu chưa thoát khỏi các lỗ chân lông cùng với cái chết của chồng tôi còn ở bên cạnh những đêm ngủ một mình. Vinh mời tôi uống một tách trà trong ngày đầu tiên ấy và tôi nghĩ anh còn trẻ hơn tôi nhiều. Buổi chiều đó cơn mưa thổi bụi và lá vàng bay xao xác trong công viên ở phía bên kia đường. Tôi nghĩ giá được sang ngồi trên chiếc ghế đá ở góc vườn hoa lúc đó cũng thích. Vinh bỏ đường, vắt chanh vào tách trà cho tôi. Chén trà ấy sẽ là phai đi phần nào lượng mặt trời đang muốn biến tôi thành cây thông cháy trong phi trường. Khi Vinh hôn tôi cái hôn đầu tiên, tôi nghĩ, cuộc hỏa hoạn đã được dập tắt, tôi bắt đầu phải thở hết thán khí ra khỏi ngực. Mấy ngón tay Vinh thơm mùi vỏ chanh. Mùi thơm ấy báo hiệu rằng tôi phải làm người làm vườn trở lại. Phải trồng trọt lại những tình cảm của mình. Trên mảnh đất tôi không nhìn rõ mặt. Trên mảnh đất tôi đã khóc than và đã chôn một quãng đời của mình. Chiếc taxi chạy đến, tôi mở mắt, nhìn vầng trán Vinh che kín trước mặt tôi chỉ biết lúc ấy trời đã tối, đèn lộ đã được thắp lên, Vinh đưa tôi đến một quán ăn. Chúng tôi ngồi trên gác và nhìn xuống phố, phía xa là đường xe lửa. Vinh hỏi tôi, Hà ăn gì? Tôi nói, em không đói. Không đói cũng phải ăn chứ. Đĩa thức ăn bốc khóc trước mặt, máy điều hòa không khí chạy ì ì, dao nĩa và những chiếc thìa mạ kền sáng bóng, môi tôi bị bỏng rẫy, Vinh nhìn tôi, tôi biết anh đang làm quen với tôi và làm quen với cuộc tình anh vừa bắt gặp. Bữa ăn chẳng có gì ngon lành vì tôi không để ý đến các món. Tách cà phê cuối cùng cho tôi lấy lại bình tĩnh. Nhưng những giây phút bình tĩnh đối với tôi chỉ là những giây phút buồn bã. Chất nước đen ấm và ngọt làm tôi nhớ tới những buổi sớm làm lấy bữa ăn sáng của mình trước khi đến sở. Nói là bữa ăn sáng nhưng thường thường tôi chỉ uống một tách cà phê nhỏ mà thôi. Ngồi một mình trong chiếc ghế nhìn căn phòng vắng vẻ, chiếc quạt máy quay đều, tôi tưởng tượng hình dáng của chính mình sáng ngày hôm sau sẽ làm những cử động tương tự ra sao, và ngày tới có lúc bất chợt thấy mình có những dáng điệu giống như đã làm một lần rồi, khiến tôi hoảng sợ, không biết có phải mình bị dẫn dắt bởi tưởng tượng ngày hôm trước hay thực ra đã có những lần tôi đi lại, cử động như thế. Khi chúng tôi còn sống, có những sáng thức giấc, chợt nhìn thân thể mình trần trên giường, giống như nhiều sáng khác, nhưng chính nó lại cho tôi cảm giác thoải mái, cảm giác nôn nao của thứ hạnh phúc đầm đầm dưới da thịt, ngây ngất như giấc ngủ chưa đi hết, những sự lập lại này cho tới ý nghĩa rõ ràng rằng mình đã sống qua một đêm và mình đang tiếp tục sống. Tôi đang sống, đó là tiếng reo vui thì thầm thường làm tôi cười trong lúc nửa thức nửa ngủ đó, và giật mình vì bị ngạt hơi tỉnh hẳn dậy vì anh hôn tôi, anh đã mặc quần áo bay, sửa soạn ra phi trường, còn tôi, anh bắt em ngủ thế chứ bộ tại em sao, tôi làm nũng với anh, và giữ chặt anh với quần áo của anh để thấy rõ da thịt mình, hôm nay anh bay đâu, thôi đừng có cắn em đau nghe, tôi sẽ khép hai chân lại, nhưng làm thế nào giữ nổi anh, em ngủ lại nhé, anh đi nhớ khóa trái cửa rồi ném chìa khóa vào cho em, không ngộ nhỡ có ai đến thì chết. Những buổi sáng như thế tiếp diễn không biết được bao lâu, rồi có một buổi tôi chờ không thấy anh trở về nữa. Vị chỉ huy trưởng của anh đến tận nhà nói rõ hơn cho tôi hay là thôi, có lẽ anh không còn bao giờ trở về nữa. Buổi sáng đó là buổi sáng tôi tỉnh một lượt giấc ngủ của mình chứ không tỉnh làm hai ba lần như xưa nữa. Tôi rửa mặt soi bóng mình trong gương, nhìn chân tay người ngợm chỗ nào cũng làm tôi muốn khóc hết. Tôi khóc cả giờ trong buồng tắm, khóc cả giờ khi trở ra nằm xuống giường. Lúc anh đi anh không đánh thức tôi dậy. Thành thử tôi đã không nhớ được mặt anh trong ngày cuối cùng. Sự im lặng trong một góc phòng, dưới gầm giường, trên trần nhà, trong bồn nước, đè cứng lấy chân tay, tôi ăn uống và sống bằng một ý thức trong suốt, không lúc nào nín khóc, anh đã bị rơi máy bay đâu đó trong một khu rừng, tất cả chỉ còn lại một chút tro than, người ta đã phủ cho anh một lá cờ, thổi hiệu kèn vĩnh biệt, bồng súng chào người chết cho Tổ quốc. Tôi trả lại căn nhà cho căn cứ, ra phố thuê nhà ở, kiếm việc làm, những sáng thức dậy quen dần với sự vắng mặt của anh, tự làm bữa ăn lót dạ, và những cử chỉ dáng điệu lặp lại từ đó đã cho tôi ý nghĩa của cái chết chứ không phải sự sống nữa. Khi anh còn sống tôi sống với anh và hưởng những giây phút êm đềm hay gay gắt cùng với anh, sự hiện diện của anh lẫn lộn với những xúc động đó trong tôi, và tôi không một lần để ý phân biệt. Bây giờ anh không còn nữa, tôi không ngờ sự trống trải anh để lại, lại rộng lớn đến thế. Tôi đã bơi đến muốn kiệt sức mà không ra khỏi, tôi đã ngụp lặn, ngoi ngóp, thở những hơi tanh nồng, buổi sáng trở dậy đánh răng rửa mặt tôi ngửi rõ mùi rỉ sắt trong nước, buổi tối nằm ngủ trên chiếc giường mênh mông chỉ có chỗ người chạm xuống nệm là đủ cho tôi tin được một mình không ngã, đôi lúc trở mình tôi hốt hoảng tưởng như mất đà và đang lao đầu xuống vực, choàng thức dậy, tôi muốn gọi anh, muốn gọi tôi, nhưng không cất được thành lời, bởi vì lời kêu gọi ấy cũng như cái chết của anh, tôi làm sao lấy lại được, hai mắt khô cứng và cay xót vì thiếu ngủ và đã mở hoài trong tôi. Mọi sự đối với tôi bỗng trở nên bưng bít, hơi thở đau trong ngực tim đập từng hồi thôi thúc, lúc thoi thóp như không còn theo được nhịp máu, tôi mê thiếp trong giấc ngủ một nửa, phải lấy tay bóp dưới ngực giúp máu chạy đều sau khi vùng thoát được cơn thoi thóp, núm vú căng dưới bàn tay sâm sấp mồ hôi, có những sự chuyển động như các gân máu chằng kéo bên trong và đang xiết lại. Những trận thức dậy không giờ giấc nhất định như thế, đã tập cho tôi thói quen hút thuốc lá. Buổi tối trước khi đi ngủ việc đầu tiên của tôi là phải kiếm bao thuốc và chiếc hộp quẹt để trên mặt bàn ngủ để lúc cần thì lấy châm hút. Ngồi một mình trong màn, lưng tựa vào thành giường, đốt thuốc nhìn ngó căn phòng với ánh sáng mờ của ngọn đèn ngủ, tôi tập thở khói ra đằng mũi, ngó những ngón tay mình, ngửi mùi thuốc bắt đầu bám khét trên đó, ngó nhìn chiếc tủ áo nơi góc phòng, khung cửa sổ đóng kín, nghe ngóng tiếng những con chuột lục lọi nơi phía nhà sau, có lần ngủ quên để điếu thuốc rơi xuống nệm suýt cháy nhà, tỉnh dậy thấy khói bay mù mịt ho sặc sụa phải chạy xuống bếp lấy nước dội bừa lên dập tắt, sau đó giường ướt sũng phải ngủ dưới đất nơi tấm cói trải sàn chỗ bàn khách, sáng dậy phải lau lại nhà cửa, gói chiếc khăn trải giường và chiếc chăn mỏng bị cháy vào một bóc giấy bỏ thùng rác trước khi đi làm, tự nghĩ giá đừng thức dậy đêm qua. Mùi cháy khét làm cho căn phòng thêm mờ ám, buổi trưa về thay quần áo tôi tự ngửi mùi trên vai và trên hai cánh tay mình. Chỉ là những mùi vị ảo tưởng mà thôi. Một chút gì đó nơi mình đã bị cháy thiêu cùng với chăn nệm.

Người bạn ngày còn con gái đến chơi sáng Chủ nhật cho một bức tượng phù thủy đựng trong chiếc hộp gỗ sơn, dưới chân hộp có chiếc ngăn kéo nhỏ, mở ra sẽ nghe một điệu nhạc từ trong phát ra, giống như tiếng dương cầm đồ chơi của trẻ con, hay chuông đồng hồ. Anh dạy học có vợ và đã có một đứa con trai, tôi chưa bao giờ gặp mặt vợ anh, đêm nghe điệu nhạc trong chiếc hộp nghe đi nghe lại trong vô thức, tưởng nhớ lại lúc còn nhỏ, một tỉnh lỵ nào buổi sáng có sương mù, có ga xe lửa, có chiếc cầu bắc qua một con sông nhỏ giữa hai triền núi, trong vườn có những cây đào trái chín đỏ cắn ngập răng, mùa đông co ro trong những tấm áo dày, hình dáng người bạn nói cười sâu trong trí nhớ không rõ nét, anh uống rượu và hút thuốc từ khi còn là sinh viên, anh mời tôi dự một buổi khiêu vũ gia đình do một người bạn tổ chức nhân dịp lễ đính hôn, đêm đó sáng trăng, khách rất đông, người ta nhảy từ trong nhà ra ngoài thềm, từ ngoài thềm xuống sân, rồi từ sân ra các lối đi lát xi măng xuống vườn, những điều anh nói cho tôi cười bây giờ cũng chỉ còn giống như thứ ánh sáng xanh biếc lọt qua kẽ lá xuống khu vườn.

Tôi hỏi anh bản nhạc trong chiếc hộp là bản gì thế? Cần gì biết. Chị cứ nghe cho đỡ buồn là được. Tôi bảo, có lẽ tôi không ở đây nữa đâu. Anh nói, chị gầy quá sức. Tôi bảo, tôi mất bình tĩnh quá. Tôi cũng hỏi anh, tại sao bức tượng trong chiếc hộp lại là một mụ phù thủy? Anh cười bảo, chắc người làm ra họ cho thế là đẹp. Có thể nó đã được giảng nghĩa bằng bản nhạc và cả chị lẫn tôi đều không hiểu. Tôi nói, anh đi dạy triết mà vẫn có cách trả lời như một sinh viên vậy. Anh vẫn cười bảo, giáo sư làm thế nào giỏi bằng phù thủy được. Chị muốn Sài Gòn à? Vâng. Cứ kể chị đổi chỗ ở đi cũng phải. Tôi nói, làm gì cũng được nhưng tôi không muốn ở đây nữa. Anh tỉ mẩn ngồi cho chạy lại bản đàn. Tiếng linh tinh bỗng làm tôi buốt óc. Chịu đựng một cái chết trong đời mình quả là một việc khó khăn quá. Anh bảo tôi, thôi chị làm thế nào thì làm, miễn chị bỏ được sự ám ảnh cũ. Vì cũng chẳng còn cách nào hơn. Tôi nói, vâng, và cũng không còn biết phải bắt đầu, có lẽ tôi đã bắt đầu rồi, từ hôm anh ấy bay đi, từ ngay cái phút anh ấy mới bước ra khỏi cửa, vâng, và từ phút này dù muốn hay không tôi cũng bắt buộc phải để lại tất cả những gì thuộc nửa quãng đời về trước, để tiếp tục phần còn lại, dầu với ý nghĩa như thế nào. Tiếng phản lực cơ xé trời giúp tôi khỏi phải nói với người bạn những lời tôi nghĩ ra được.

Tôi đáp phi cơ vào Sài Gòn, tàu bay nghiêng cánh cho nhìn thấy cái thành phố đầy cát trắng và mặt trời lần cuối. Vĩnh biệt những cây thông đen trong phi trường nơi tôi cũng đã cùng bốc cháy nhưng với ngọn lửa hạnh phúc nên chẳng thành tro than. Vĩnh biệt những chiếc buồng tắm mỗi ngày phải dùng tới hai ba lần. Vĩnh biệt anh yêu dấu, em sẽ phải quên anh. Mặt biển xanh trong suốt nhìn thấy cát dưới đáy sâu, dâng lên rồi xoáy hút xuống bên dưới, lấp kín cả ngôi mộ tôi không tìm thấy phương hướng, là lời đáp giã từ. Từng đám mây trắng xóa ngoài khung cửa phi cơ lướt qua không kịp nhận biết hình thù hút theo trí nhớ, tôi bịt mũi thổi hơi ra ngoài lỗ tai cho khỏi bị ù. Thân xác nhẹ tênh trong một cảm giác choáng váng, tôi cởi bỏ sợi dây an toàn, nhắm mắt thở nhẹ để cố giữ cho những hình ảnh còn sót lại trong óc đừng tan biến đi nốt, tưởng lại khu nghĩa trang trên cát và những lần tôi vào viếng thăm với bó hoa nhỏ trên tay, nhìn những cây thông đen đủi nứt nẻ reo trong hơi nóng, tôi phải tháo giầy ra cầm tay để đi chân không vào, giẫm trên những xác trái khô chìm lẫn dưới cát bỏng đến nỗi tôi lại phải bỏ giầy xuống đi, trở về nhà hai ngón chân cái thường bị xước da phía trên vì cát bám cọ vào mũi giầy. Lòng tôi cũng mang những xót xa tương tự, những nỗi xót xa nhỏ bé, vô ích, tôi biết một cách se thắt rằng giữa anh và tôi, dù thế nào, cũng chỉ còn một sự liên lạc mà thôi, đó là tấm bia mộ vô tri tôi phủi bụi mỗi lần.

Người bạn đã giới thiệu Vinh cho tôi, để “nếu có gì trục trặc về nơi ăn chốn ở mới, chị có thể nhờ anh ấy”, Vinh làm thông tấn ngoại quốc ở đây. Tôi không biết Vinh làm công việc đó với một ý hướng như thế nào, nhưng đối với tôi chỉ có một ý nghĩa đáng kể trước nhất là, cả anh nữa, anh cũng hàng ngày ở gần với cái chết. Anh nói với tôi về những trận đánh trên núi, người ta đã thả bom lửa khiến cả mấy ngọn núi cháy dữ dội như hỏa diệm sơn. Anh cũng nói với tôi về những quãng đường hành quân nghe tiếng nổ và nhìn thấy khói ở dưới đất bay lên, lính chết, và người ta có khi mất cả tháng không đi hết những đường hầm tìm thấy, một toán đi trên, một toán đi dưới hầm, liên lạc bằng máy vô tuyến, đánh nhau với địch cả trên và dưới đất suốt đêm ngày, không biết lúc nào và ở đâu. Anh đã ở những đồn quân tiền tuyến không nhớ nổi bao nhiêu ngày đã không ngoi ra khỏi hào lũy, không ló đầu lên khỏi mặt đất, trời mưa cũng như trời nắng.

Tôi cũng chẳng muốn nhắc với Vinh về cái chết của chồng tôi. Vinh đưa tôi đi ăn ở những tiệm ngoài thành phố, có khi anh ở lại Sài Gòn một vài ngày, nhiều là một hai tuần, rồi lại tiếp tục đi, cả tháng tôi mới gặp lại anh, anh trở lại với bụi bậm, mồ hôi và tính tình mỗi ngày một thay đổi, anh vừa thân vừa lạ với tôi như khắp mọi nơi, tôi chẳng tham dự nhưng hình như đã phải đơn phương vào đó bằng cái chết của chồng tôi, tôi hỏi Vinh có yêu tôi không, đó là câu hỏi hết sức tránh phải trả lời, anh chiều chuộng và mua tặng tôi những món quà không phải tôi không thích nhưng không cần thiết.

Nhưng có cần gì, đối với tôi, chỉ có anh, chỉ có sự gần gũi thực sự của anh bên cạnh là đáng kể. Tôi không thể chịu nổi nữa cái cảnh nói không ai nghe tiếng mình, có lẽ tất cả những người đàn bà không có ai yêu, hay người yêu đã chết đều hiểu rõ điều này, mặc dù tôi biết, tôi hiểu rằng, những điều tôi nói ra không có gì đáng nói, nhưng ý nghĩa của nó là được nói với người khác không phải nói một mình.

Căn phòng tôi thuê ở tầng thứ tư một building gần bờ sông có thang máy để lên xuống. Tôi mở chiếc cửa sắt bước vào, đóng cửa tìm cái nút số 4 ấn một cái. Chiếc thang máy chuyển động rồi chạy lên. Trời còn mưa ào ạt bên ngoài. Ngọn đèn nhỏ trong hộp thang chiếu trên đầu, tôi nhìn chiếc bóng mình áp trên tấm vách gỗ. Tầng thứ nhất rồi tầng thứ hai, bao giờ đứng trong thang máy tôi cũng cảm thấy nôn nao, chóng mặt. Tôi nghĩ giá lầu tôi ở cao hơn nữa, tầng thứ mười lăm hay hai mươi có lẽ tôi sẽ không chịu nổi. Chiếc thang dừng lại, tôi mở cửa bước ra, đi lại phía phòng mình, vừa đi vừa cởi bỏ áo mưa, tai vẫn còn nghe tiếng mưa đổ bên ngoài. Tôi nghĩ trước và sợ đêm nay sẽ phải ngủ một mình, mở cửa sổ ngó xuống chiếc sân bên dưới, sâu thẳm, ở đó những người ở cùng building đã lấy sơn trắng kẻ ô làm một chiếc sân đánh vũ cầu mỗi buổi chiều, bây giờ mưa chắc những phòng ở bên dưới không ai mở cửa sổ ánh sáng lọt qua các khe cửa không đủ sáng sẽ làm cho khoảng sân tối hơn và trở thành sâu hơn. Có lần đứng với Vinh nhìn xuống mảnh sân đó, tôi đã nghe Vinh nói đến cái vẻ quyến rũ của cái chiều sâu đó. Tiếng nói của anh đột ngột thổi suốt linh hồn, tôi cảm thấy rõ ràng như có một con vật gì như một con sâu nhỏ, có lông mềm, bò ở trong ống xương hai đầu gối. Tôi ngước mắt nhìn anh, mặt anh không có vẻ gì khác lạ khi anh nói một cái gì làm cho tôi sợ hãi, anh bỗng cao lớn và nặng nề như cái bóng đè trong lúc mê sảng, lúc đó tôi không hiểu anh, không thể nào thông cảm được điều anh nói, đối với tôi cái chết không thể nào có được vẻ quyến rũ, tôi không muốn chết, tôi không thích chết, cái chết của chồng tôi đã dạy cho tôi sự tuyệt vọng. Thế nhưng rồi một vài lần, mươi mười lăm lần, vào buổi trưa, buổi chiều, lúc sẩm tối, đứng một mình nhìn xuống cái chiều sâu thăm thẳm dựng đứng bên dưới đó, cái mặt sân láng xi măng cứng rắn bên dưới đó, đủ cao và đủ rắn cho một cái đầu bể nát, tôi tưởng tượng ra sự bắn vỡ tung tóe của máu óc, của một thân xác mềm nhũn, trút bỏ được hết ưu phiền, tôi cũng nhận ra sự khoan khoái rạo rực được lao xuống cái vực sâu đó, một cảm giác sung sướng thật sự như cơn khoái lạc của dục tình, nhưng to lớn hơn, rộng rãi hơn, nó mở thoát ra khỏi chân tay, chà xát được bằng cả sự ân ái trong mơ, tôi đã đứng nhìn như thế, và sự xúc động chỉ chấm dứt như chiếc đĩa hát quay hết một vòng cuối cùng ở đằng sau lưng.

Thế nhưng không phải lúc nào cái chiều sâu quỷ quái đó cũng hiển hiện. Có nhiều lúc nó chỉ còn là một cái hố trơ trẽn làm chóng mặt, cuốn rút lấy thân thể như muốn nhấc bổng chân đứng khiến tôi muốn mửa cả bữa ăn vừa nuốt vào dạ dày.

Đó có lẽ là lúc này đây, tôi đương cảm thấy, tôi sẽ phải bật đèn, mở cửa sổ và không thể không ném một cái nhìn xuống cái chiều sâu đó. Tôi tra chiếc chìa khóa vào ổ, mở cửa và làm y như những điều đã nghĩ. Ngọn đèn vừa bật cháy chưa đủ làm ấm căn phòng, trời mưa suốt buổi chiều và vẫn còn đang mưa làm cho tường vôi, giường nệm, quần áo treo trên móc đều có vẻ thấm ẩm hơi nước, cũng có thể sự ẩm ướt có trước nhất ở trong trí tưởng tượng của tôi. Khi tôi đứng dựa đầu vào thành chiếc cửa sổ sơn màu xám nhìn ra ngoài, tôi có cảm tưởng đã áp mặt trên một tảng nước đá, một vết lạnh in hằn trên má và trán, đường sơn trắng không còn thể nhận thấy, đêm đã hoàn toàn đen, ánh đèn soi rõ những hạt mưa rơi như không tới nổi chiều sâu bên dưới. Cảm giác, hình ảnh nhầm lẫn tôi chẳng thiết phân biệt, mưa trên dòng sông đen phía xa, mặt nước lẫn với bãi đất, những căn nhà thấp phía bên kia bờ thắp đèn, tựa như không có nóc, ánh lửa cháy trong không, bóng đen đã bôi xóa tất cả những gì ở trên và dưới. Tôi quay vào thay quần áo và nhìn thấy gói thuốc lá để trên bàn, chiếc bàn nhỏ, bao thuốc đã được khui, tôi nhớ hình như tôi không bóc, bao thuốc đã được hút, các điếu xộc xệch, một hai điếu đã được rút ra, vậy nếu tôi không phải là người đã bóc gói thuốc, thì bữa nay Vinh về, anh đã vào đây, và vì tôi chưa về anh bỏ đi ăn, đi quanh quẩn ở đâu đó, tôi cảm thấy bị xúc động mạnh, tôi dốc bao thuốc lấy một điếu bật diêm quẹt châm thuốc hút, quay lại khép bớt một cánh cửa thay quần áo, bao giờ được mặc thứ quần áo bằng vải mềm ở nhà, bỏ được quần áo lót, tôi vẫn cảm thấy dễ chịu, chỉ có lúc đó người tôi mới cảm thấy được nghỉ ngơi thật sự. Tôi trở lại đẩy cánh cửa sổ vừa khép lại ra, một trận gió đầy hơi nước ùa vào trong phòng thổi lọt qua lần vải truyền đi khắp người. Tôi ngồi xuống chiếc ghế có nệm và tựa bằng mousse bọc vải hoa màu da mận dày. Tôi thử sờ những mẩu thuốc còn lại trong gạt tàn. Không còn một chút hơi ấm nào. Có lẽ chính là những điếu thuốc tôi đã hút, không phải Vinh. Tôi đứng dậy đi lại phía chiếc tủ lạnh kiếm đồ ăn. Mấy trái mận, một ly sữa, vài chiếc bánh biscuits trong hộp để trên nóc tủ lạnh. Thôi cũng được. Sớm mai nếu tiện tôi sẽ ăn bù bữa cơm thiếu này. Tôi mang mọi thứ trở lại bàn, bày biện, ngồi xuống, dụi điếu thuốc và bắt đầu ăn. Vừa ăn tôi lại nghĩ bữa nay mưa lạnh, ăn xong không có nước uống, phải uống nước lạnh cũng khổ, tôi lại đứng dậy đi lấy cái ấm đun nước bằng điện, vào phòng rửa mặt mở vòi máy lấy nước, nước chảy xối trong ấm, tôi ngó bóng mình trong gương, miếng bánh cắn giữa hàm răng, tôi ghé sát mặt vào nhìn cho rõ hai con mắt, dấu vết những đêm thiếu ngủ chưa hết, hai cái quầng trũng thâm, hằn rõ những đường nhăn nhỏ, hơi thở từ mũi làm mờ mặt kính, ấm nước đầy tràn, tôi phải tắt máy, đổ bớt ra, tôi thở thật mạnh làm như thở khói ra, hơi nước bám mờ loang lớn thêm, tôi lấy lưỡi đưa nốt miếng bánh vào miệng, gầm gừ với bóng mình rồi trở ra cắm điện đun nước, tôi muốn được uống một ngụm nước trà sau bữa ăn. Bữa ăn chẳng ra bữa ăn, đời chẳng ra đời… Nghĩ thế tôi lấy lòng càng chua chát. Tôi lắng tai nghe các phòng bên cạnh, xem người ta đang làm gì.

Ở tầng trên cùng này là những người độc thân. Đàn ông thì viết văn, làm báo, công tư chức già, thương gia giàu có thuê phòng riêng để hưởng lạc, đàn bà thì làm gái nhảy, vợ lẽ, sống bao lương tháng và những thứ lỡ thì, lỡ tuổi, lỡ đời như tôi. Tôi lắng nghe và tôi chẳng nghe tiếng gì hết, ngoài tiếng mưa và gió thổi bên ngoài. Tôi mới ở building tôi không rõ đời sống nơi này lắm, nhưng có điều những tiếng động ở đây thường là những tiếng động gây tưởng tượng, cả sự yên lặng nữa. Mỗi phòng như một nhà giam nhỏ người ta đi về đều đóng cửa, tự giam, tự giấu mình trong đó. Tôi không thích đời sống ở đây nhưng không dễ thuê được một căn nhà ngoài phố bây giờ. Vả chăng, dầu sao cũng còn một sự dễ chịu là người ta không phải chú ý đến những người chung quanh cho lắm. Đi về gặp nhau mỉm cười gật đầu chào một cái cũng được, không cũng chẳng sao. Ở ngoài phố thì không làm thế được. Quanh quẩn đã gần chín giờ. Tôi lấy ấm pha trà và thấy cần đi ra nhà sau. Làm việc này thật ngại. Cần lắm tôi mới đi. Thế nhưng có nhiều hôm ra đến nơi thấy người ta đứng xem báo đợi đến lượt mình, tôi đi thẳng xuống tầng dưới mất công đi ngược cái hành lang suốt dọc building leo một cầu thang lên lại lầu mình ở đầu đằng này. Tôi đi ra sau, trở về rửa ráy xong, ấm trà vừa ngấm. Hương sen thơm và nước nóng thấm qua tách ra tay, tôi uống từng ngụm nhỏ, ngồi ngửa mặt nhìn lên trần nhà, tựa đầu trên thành ghế. Uống hết hai tách nước, tôi lại châm thuốc hút và ngoẹo đầu ngủ, vừa ngủ vừa thức vừa hút thuốc tôi không biết mình ngủ lúc nào, thức lúc nào, nhưng tôi còn nhớ được là tôi đã tiếp thêm một điếu thuốc mới nữa. Nhớ lại buổi tối bị cháy nệm ở nơi cũ. Anh ấy đã chết thật ở trong tôi và ở ngoài tôi. Không còn một tí hy vọng nào, không còn một ý nghĩa nào thiết thực cho đời sống tôi. Đàn bà mau quên hay đích thực người ta không còn thể nào tìm thấy được sự liên lạc với người đã chết?

Vinh về thật, anh vào lúc nào tôi không hay, anh lại gần nhấc điếu thuốc ra khỏi tay tôi, anh gọi, đánh thức tôi bằng cách hôn tôi. Tôi giật mình mở choàng mắt chống đỡ. Vinh hỏi Hà về bao giờ. Tôi nói em đoán anh về mà. Đoán thế nào? Tôi mỉm cười nhìn xuống bao thuốc. Vinh cũng cười bảo, đợi em buồn quá, nên anh xuống phố. Em ăn gì chưa? Tôi nhìn anh gật đầu. Anh đã cạo râu, rửa mặt, thay quần áo sạch sẽ. Tôi nói, chưa bao giờ em thấy anh sạch sẽ đến thế. Vinh vẫn cười, vì lâu lâu phải chưng bảnh với em một lần chứ. Tôi nói, mưa buồn quá, lúc tan sở em ngóng anh ở cửa không thấy. Anh phải lại đằng hãng gửi cho họ ít hình và tin tức mới. Vinh bế tôi lên lòng. Anh ngồi vào chiếc ghế tôi đang ngồi. Bàn tay anh lùa vào lưng áo tôi. Anh hôn môi tôi, say đắm và âu yếm. Cái hôn của anh làm thức dậy trong tôi một nỗi sung sướng bải hoải. Tôi thốt nghĩ đến con sông mù mù dưới trời mưa khi nãy, làn nước đen bốc khói hay bụi nước bay hơi, tôi nhớ lại những sợi chỉ nhăn trên quầng mắt và dáng điệu mình tìm cách ăn miếng bánh ngậm trên răng. Vinh cắn trên cổ, trên ngực làm tôi buồn, tôi nói buồn em anh. Vinh bảo chiều đi máy bay bị bão bết quá, hành khách đều mửa hết. Tôi hỏi anh từ đâu về. Vinh nói, ngoài Trung, kể cũng chán, tôi nói, anh đi đâu em cũng chẳng biết, anh về em cũng chẳng hay. Bàn tay Vinh bóp chặt trên vai tôi, anh về thì anh tới đây, thế nào anh cũng tới mà. Tôi cũng hỏi, công việc của anh ra làm sao? Việc gì cơ? Ồ, việc này việc khác. Vinh nói, được đến đâu hay đến đó. Đó là những câu hỏi, trả lời, không định rõ, nhưng nó liên quan tới chúng tôi chẳng khác nào bàn tay anh vuốt ve ôm giữ tôi, một chuyện nào đó xảy ra, một chuyện không may dĩ nhiên, có thể chia lìa khỏi tôi bàn tay ấy, cái không may và cái may mắn đều ngang hàng không biết trước. Vinh rủ tôi đi ăn. Tôi nói tôi không đói nhưng nếu anh muốn ăn thì tôi sẽ đi. Anh nói, em lười quá, không đói cũng phải đi chứ. Anh vừa lãnh một cặp tiền không tiêu cũng uổng.

Câu nói giỡn của Vinh bỗng làm cho những cảm giác ngây ngất êm đềm anh đang gây cho tôi bằng hai bàn tay anh vuốt ve dưới lưng áo, bằng môi và những chân râu vừa cạo của anh sát trên cổ, vụt tắt, tắt như ngọn đèn chói lóa chợt chiếu thẳng vào mắt, làm lẫn lộn ánh sáng và bóng tối, tắt mà vẫn sáng rực trong tâm hồn tôi vừa trũng xuống như đêm, tôi bỗng cảm thấy trí óc sáng suốt một cách tuyệt vọng, sáng suốt mà không suy nghĩ được gì. Dòng sông đầy khói sương bên ngoài, vạch sơn trắng sâu dưới sân bay lên, quấn quít trong đầu tôi. Quãng đường đi qua lúc buổi chiều, khoảng trời đục mù trên cao không phân biệt được giới hạn chiều cao chỗ nào, mưa và bóng tối đã nối liền trời và quãng không trên các nóc nhà và đỉnh cây. Một cái gì đã thoát ra khỏi tay chân tôi, mất như một ngày vừa hết, tôi không thể làm dừng lại những xúc động, không thể vui buồn như ý muốn, hai hàng nước mắt chảy trên má, Vinh hỏi tôi, em khóc đấy à? Tôi nói kỳ quá, em không nhịn được. Anh thay quần áo cho tôi như trẻ con. Một cơn gió ùa mạnh vào trong phòng làm rớt chiếc ly không trên mặt bàn xuống sàn vỡ tan tành, mất công nhặt mảnh vụn, Vinh hôn tôi nồng nàn trên môi, để em thoa lại chút phấn đi anh, mình đi đâu bây giờ, đâu cũng được, tôi lấy chiếc phất trần quơ những mảnh thủy tinh vụn gói vào một gói giấy, để rồi vứt ra ngoài, trời vẫn mưa đều, gió lùng bùng quanh quẩn trong mấy bức tường bay lất phất những quần áo treo trên móc, vạch sơn trắng và ngọn đèn cháy trên dòng sông sương mù còn lởn vởn, mưa rào rạo trên mặt gỗ mấy cánh cửa sổ, đêm đã sâu, những ngọn đèn đường nhìn thấy thấp thoáng sau những hàng cây đen ngang tầm mắt. Thang máy có người dùng nên chúng tôi đi bằng lối cầu thang xuống phố. Vinh đưa tôi tới chiếc xe nhỏ kiểu thể thao có chụp mui, mở cửa xe cho tôi vào, xe của ai thế, anh mượn của một người bạn, anh mở máy xe ngả đầu hôn phớt trên má tôi trước khi cho xe chạy, mưa xối trên nóc, hai chiếc que gạt nước chạy đi chạy lại trên mặt kính trước mặt, tiếng nước bắn nghe rõ hai bên thành xe, mặt đường mưa rơi vỡ thành bụi trắng, hai người cảnh sát đội mũ mặc áo mưa tùm hụp đứng khuất vào căn nhà góc ngã tư nơi trụ đèn giao thông. Mình ra bờ sông ăn nhé, Vinh nói. Tôi nhắm mắt ngả đầu vào thành ghế và vai Vinh, em thèm ngủ quá, bờ sông hả anh, ờ phải đó ra ngoài đó ngồi một lúc cho thoáng. Vinh bảo, em coi chừng ăn uống thất thường mất hết sức khỏe. Tôi nói, mỗi bữa phải đi ăn ngại quá. Đứa trẻ cầm một cái tàn lớn che cho chúng tôi đi vào trong quán. Trời mưa quán vắng, nhiều bàn bỏ trống, chúng tôi ngồi một bàn ở phía sát lan can, Vinh đề nghị tôi uống rượu, tôi nói phải đấy, tôi muốn được thoát khỏi mình, chiếc ly thủy tinh nhỏ trong suốt nước rượu đỏ và viên đá thả bên trong, mưa lấp kín mặt sông, chỗ này chúng tôi đã ngồi nhiều lần vào giờ nước lên và rút đi, những buổi chiều trời đẹp nước trong xanh hay lều bều rác rưởi, vở dừa, những con chuột chết bụng trương phềnh trôi dập dềnh mắc kẹt trong những sợi dây neo mấy chiếc thuyền làm quán ăn nổi bên cạnh, bãi bùn bẩn thỉu đầy những nút chai, vỏ hộp, những mảnh gạch vụn, đồ thừa thãi những thứ người ta không thể nào biết được nó là cái gì nữa, hớp rượu lúc đó có vị ngọt khác thường, hơi men bừng lên mặt và làm đói, tôi cầm chiếc thìa nhỏ vứt qua khe chiếc lan can sắt xuống dòng sông, mưa vùi kín không còn một dấu tích, một sự thổn thức không thành từ lúc nghe câu nói đùa của Vinh vẫn còn muốn thức dậy, trí óc lãng đãng một điều gì muốn quen, muốn nhớ, đường sơn trắng bay lên, uốn mềm như một dải khăn, Vinh nói, ăn đi chứ em, dòng sông đen mờ hơi nước và ngọn đèn cháy sáng giữa khoảng không, em uống rượu nữa không, em muốn uống nhưng sợ lát say, cứ uống đi, anh đưa về, không đời nào đâu, em sẽ đi một mình, bữa cơm ngon, tôi ăn được nhiều hơn tôi tưởng nữa, Vinh nói có ngày vì lười em ăn cả chiếc ly uống nước của em nữa, tôi bảo em đói thật, buổi chiều em đã ăn mấy chiếc bánh rồi mà sao vẫn còn đói, một trận gió lớn tốc từ dưới sông lên làm bát đĩa rơi vỡ loảng xoảng, những người bồi cuống quýt chạy đi chạy lại để giữ, sự thay đổi bất chợt của thời tiết và tiếng rơi vỡ làm tôi thích thú, tôi muốn hất luôn ly rượu xuống đất, nhưng nghĩ đã vứt chiếc thìa xuống sông, nên không làm nữa. Vinh nói bão rớt. Có lẽ cơn bão này đã làm mọi người nôn mửa trên chuyến máy bay anh vừa đi lúc chiều. Còn chiếc máy bay đâm xuống một khu rừng không tên, viên đá tan trong nước rượu lạnh buốt, còn chuyến phi cơ tôi đã ngồi nhìn xuống vùng biển xanh trong suốt, một cây thông đen mọc sững trong đầu, tôi nói với Vinh, bữa nay em không nghĩ được gì rõ cả. Vinh bảo tôi, em nên nghỉ ít lâu đừng đi làm nữa, độ này em gầy quá đó. Tôi gầy quá đó là điều tôi cứ nghe nhắc hoài, tôi cứ gầy đi mãi sao, hai con mắt nhìn thấy trong gương buổi chiều bây giờ tôi thử nhớ lại, cái gạt tàn với những mẩu thuốc lạnh ngắt, tôi nói, sẽ có ngày em nhảy thử xuống cái sân sau của anh, em sẽ nhảy trúng cái vạch sơn làm đích. Vinh nhìn tôi cười bảo nhưng coi chừng vỡ mất cái đầu xinh đẹp em sẽ không còn cái gì để mà nghĩ bậy. Tôi nhìn sang bên kia sông, những tấm bảng quảng cáo lớn giờ trông thấy cũng mờ mờ, tôi hỏi Vinh, anh đã sang bên ấy chơi lần nào chưa? Vinh bảo chưa và anh bảo nếu em muốn sang chơi hôm nào anh đưa sang. Tôi nói em có việc gì đâu. Nghe nói ở bên đó có một nữ tu viện. Mưa vẫn không ngớt. Một chiếc đèn pha từ căn cứ hải quân chiếu sáng từng mảnh khu vườn căn nhà lớn phía hải cảng. Một chiếc tàu lớn đậu ở bến thắp đèn trên các cột và sau các cửa sổ, không nhìn thấy bóng người, những lá cờ nhỏ treo dọc theo các sợi dây vừa bị gió thổi vừa vì mưa lớn không còn thể phân biệt được màu sắc nên tôi trông như tất cả đều đen. Lúc ra xe tôi hơi choáng váng. Vinh bảo coi chừng em say thật đa. Tôi phải nói sẽ với Vinh, cái đầu em, anh dắt em đi. Ngồi trong xe quay kính kín như một chiếc hộp, tôi thèm được ngủ quá sức. Vinh vỗ vỗ vai tôi, về nhà hãy hay chứ. Tôi bảo Vinh, anh cho em điếu thuốc đi. Vinh mở hộp xe kiếm thuốc và tôi tự làm lấy việc này, anh còn lái xe, tôi lấy thuốc, bật quẹt châm hút. Phố chỉ còn lại xe cộ và những quán cóc thấp thoáng người đứng ngồi.

Tôi chợt nhớ có lần Vinh bảo anh chỉ có một chỗ thôi, đó là đời sống, không có chỗ ấy thì không còn chỗ nào khác nữa. Thế còn chỗ của tôi, chỗ của tôi là chỗ nào đây, hai mi mắt nặng trĩu, nhưng tôi biết đêm nay tôi sẽ không ngủ được, anh có hút không em châm cho, Vinh nói ừ châm cho anh một điếu. Tôi mồi lửa cho anh, nghĩ đến những buổi chiều ở một mình trên căn gác. Chúng tôi trở về phòng, Vinh bảo, thôi đừng bật đèn, anh bước lại mở cửa sổ và chúng tôi bỏ quần áo trong thứ ánh sáng lờ mờ đó. Vinh nói cứ để cửa đêm ngủ cho mát, gió hắt theo những hạt nước nhỏ vào người nhưng cũng đủ làm tôi nổi gai vì rét, tôi nhào xuống giường cuốn tấm chăn len nhẹ lên mình, em lạnh quá. Vinh vẫn còn điếu thuốc trên môi nằm xuống bên cạnh, khung cửa sổ nhìn ngược hình như đảo lộn, nhưng có lẽ tại tôi say, những giọt nước lạnh rớt trên mặt, gió thổi mạnh, tôi nhìn thấy tấm vải dày phủ ngoài hốc tường làm tủ treo quần áo bay tung hẳn lên và reo phần phật, tôi nói gió quá anh, Vinh dụi tắt điếu thuốc, anh phủ kín tôi và bàn tay anh dịu dàng sờ lên môi, trên cổ tôi, anh nói, xương vai em nhô cả ra đây này, chiều sâu, ngọn đèn, dòng sông, ly rượu, cùng một lúc nổi lềnh bềnh cùng với thân thể tôi, rồi mất tăm từng thứ và hiển hiện trở lại, vui buồn lẩn khuất trong đám sương, tôi nhầm lẫn tên gọi, một mặt trời nhỏ bây giờ sáng giữa thân thể, đốt cháy, phân chia mặt mũi và chân tay, tôi phải tách rời một cái tôi không thể tách rời, như thân thể, phần nào em dâng hiến cho anh, phần nào cho em, phần nào cho người đã chết? Mưa làm thành những tiếng rì rầm đều đều dìm sâu thêm trí giác, sợi khói trắng bay ra khỏi đầu, tôi thở hụt từng hơi.

Trí não và chân tay duỗi ra sau cơn co rút, mùi tanh hăng ngửi thấy cùng với sự buồn chán bắt đầu, đời sống ứa nhựa hay cái chết tự vắt mình, Vinh lau cho tôi, bụi mưa bám lấm tấm trên cánh tay bỏ ngoài chăn và trên mặt, cảm giác còn tê cứng, những hạt nước lạnh buốt tôi đã nhận thấy từ lúc nãy nhưng trong một ý thức mù tịt tựa bị tràn qua một lớp mật trắng. Mưa mau nhưng nhỏ hạt hơn, phố không còn tiếng động, Vinh ngủ dễ dàng có lẽ anh bị mệt vì chuyến bay buổi chiều. Anh ngủ để lát sẽ trở dậy, tôi biết, tôi lần nhẹ ra khỏi chăn, lấy thuốc hút. Gió lạnh quá, tôi phải ra khép cửa sổ lại. Đốm lửa và khói thuốc làm tôi đỡ rét. Đêm đen chẳng còn nhìn thấy gì bên dưới cái chiều sâu bên ngoài. Mọi xúc cảm, ý nghĩ trong tôi bây giờ cũng đã tắt cùng với ngọn đèn mơ tưởng nào. Tôi nhìn xuống da thịt mình trắng rợn trong đêm, ánh sáng đã thoát ra, hay đó chính là cái anh gọi là đời sống? Đời sống có từ thân thể của chính mình hay là những người ngồi lê la trong mấy cái quán cóc. Tôi lấy áo mặc, ngồi xuống ghế hút hết điếu thuốc rồi trở lại giường nằm. Miệng khô mới nhớ thèm uống nước, nhưng lười tôi không muốn bò dậy nữa. Vinh nuốt nước miếng tóp tép, tôi bắt chước làm như anh cho đỡ khát. Tôi nghĩ, không gì buồn thảm bằng lần mò làm những công việc nhỏ nhặt trong tối và nghĩ về điều đó. Tìm một bao diêm, nhặt một cái áo treo lên móc, quơ tay tìm một cái tách để uống nước, những cử động đó có khi làm xong rồi ngồi xuống ghế hay lên giường nằm tôi lại tưởng như còn thấy chính mình đang mò mẫm đi tìm những thứ khác nữa. Tưởng tượng mạnh và rõ ràng đến nỗi có nhiều khi đã làm tôi hoảng sợ. Những lúc đó tôi muốn chết, cái chết nhẹ nhàng như tiếng chết tôi muốn la lên một mình, nhưng nó chỉ lí nhí, lúng búng trong cổ họng, tôi trở dậy đóng cửa sổ hay mở ra, làm một cử chỉ gì đó, kiếm một viên thuốc uống, đi lại trong phòng và chính lúc đó, tôi lại nhìn thấy tôi nằm trằn trọc trên giường. Dĩ nhiên đó chỉ là những ảo tưởng. Ba mươi năm sống của tôi càng ngày càng nhiều ảo tưởng. Nhiều đến nỗi tôi không thể phân biệt cái nào cũ, cái nào mới, cái nào mất đi hay trở lại, ảo tưởng là cái gì tôi nhìn thấy, sờ thấy hay những cái đã biến đi, những cái hoàn toàn do tôi tưởng tượng, cái chết của chồng tôi và nỗi ám ảnh của tôi về anh cũng là ảo tưởng, như những ngày anh đã sống thật với tôi, tôi còn nhớ, ảo tưởng là tủ áo của tôi xếp đều trong ô kính và xếp đều trong trí nhớ, anh đã sống và chết bên cái tủ áo ấy, ảo tưởng là những chiếc áo tôi mặc mỗi ngày, Vinh thức giấc. Anh sờ trên người tôi và hỏi em mặc áo rồi à? Tôi thấy ngứa ngáy trong cổ và ho mấy tiếng. Vinh nói, coi chừng em bị cảm đấy. Tôi bảo, em chưa ngủ được tí nào. Vinh nói, anh mệt quá. Trong hơi thở của anh còn mùi rượu, có lẽ mùi rượu ở trong mũi tôi không chừng, tôi hỏi anh còn say không, Vinh nói, anh đâu có say. Anh đi lần này có gì lạ không? Thì cũng vẫn thế, súng đạn, tàu bay, tàu bò, và người chết. Anh không muốn đổi nghề à? Đổi làm gì chứ? Vả lại làm gì ra tiền nhiều hơn? Tôi nói, cái may đâu có đến với mình mãi. Bàn tay Vinh làm tôi ham muốn trở lại, anh nói, biết đâu, trận đánh nào cũng vẫn có người sống sót. Em đổi hiệu sáp môi rồi à? Anh ngửi thấy mùi khác à? Đêm chẳng còn bao lâu, có lẽ đã ba, bốn giờ. Mai thứ mấy anh nhỉ? Thứ Bảy. Thứ Bảy à. Thế thì tốt. Buổi chiều được nghỉ tha hồ ngủ trưa. Mưa ngớt. Bóng tối ngoài cửa sổ bắt đầu loãng bớt màu đen. Đời sống dễ dàng nhất là lúc chẳng có gì để giữ. Mình có thể nhấm nháp và thụ hưởng từng giây phút của đời mình. Vinh lùa tay vào tóc tôi, anh hôn và dò đón để cùng chung phút cuối cùng. Hai môi tôi lạnh ngắt. Một hơi gió hết sức nhẹ thổi lùa trên mặt nhưng cũng làm tôi rùng hết cả mình, hơi gió như một làn nước mỏng tràn đầy ngũ quan và dìm sâu tôi xuống mãi. Giấc ngủ sau đó không còn mộng mị. Tôi cảm thấy mỏi mệt một cách dễ chịu, buổi sáng, lúc thức giấc. Chúng tôi rửa mặt, đánh răng và pha cà phê uống ở nhà trước khi đi làm. Vinh hẹn sẽ đón tôi buổi trưa. Tôi nghĩ, thực ra, tình yêu có lẽ chỉ có một cách chứng tỏ. Trời sáng trong nhưng chưa có một tia nắng nào. Những ngọn cây nhìn thấy trên hai bên lề đường dưới phố, xanh mướt sau một đêm mưa. Ở một vài chỗ còn những đám sương mỏng như khói thuốc. Xe cộ chạy ì ầm ngoài lộ, những âm thanh đó khua động trong tôi một vài điều gì rõ ràng, nhưng tôi tự nhủ, nghĩ làm chi cho mệt. Cái bóng đen của ngọn đèn đã tắt. Em có muốn lấy thêm đường không? Anh cho em một thìa nhỏ thôi. Nó đã chìm, đã khuất, đã tắt, nhưng tôi biết là nó vẫn còn. Sao độ này em hay chọn những màu áo già dữ vậy? Những mảnh vụn của hạt cà phê nhìn thấy dưới đáy cốc khi chất nước đen đã được nuốt dần. Có lẽ chính những hạt bụi nhỏ đó đã làm tôi nhiều đêm mất ngủ. Nhưng những viên thuốc màu hồng, màu trắng, màu xanh đã giúp tôi ngủ, nếu tôi muốn và cả hai thứ đã làm tôi mệt như nhau và trí óc có nhiều hôm không còn đủ sáng suốt để làm một việc gì, buổi sáng đi làm cần mang theo áo mưa xuống đến đường tôi mới biết tôi cầm theo cái hộp đựng giày, tôi tự hỏi cầm giày đi làm chi vậy, và lại phải leo lên phòng đổi lấy chiếc áo, buổi trưa hết giờ làm đi về gần tới nhà tôi lại phải trở lại lấy chiếc áo để quên trên móc ở sở sợ buổi chiều mưa vào lúc đi làm lại không có áo mặc. Tôi hút thuốc để quên hai cái trò chơi quái ác đó, và mỗi ngày một lần phải rửa hai ngón tay bằng chanh cho khỏi vàng. Trò chơi? Thì cái gì chẳng trò chơi. Chúng tôi đóng cửa xuống đường, Vinh đưa tôi đến sở trước khi anh đến sở anh. Người bạn ở sở hỏi tôi, chồng chị đấy à? Tôi nói không. Tôi làm việc buổi sáng không nhầm lẫn chi hết. Lúc mười một giờ một người bạn Mỹ, khách quen của cơ quan tôi làm việc, mời tôi ra phố ăn sáng. Tôi đi với ông ta. Ở trong quán chúng tôi mỗi người đều mua báo đọc. Có lúc ông ta hỏi tôi nghĩ thế nào về cuộc chiến tranh này. Tôi cười bảo, sao ông lại đem hỏi tôi điều mà tôi không thể nào trả lời được ấy? Ông ta cũng cười nói, dầu sao thì bà cũng đã chứng kiến từ mấy chục năm nay rồi mà. Tôi nói, thực ra nếu có một điều đáng nghĩ tới thì đó là chính những người đã chết. Ông ta hỏi, bà có bi quan quá không? Tôi nói, có nhiều lúc sự phán đoán hay ý kiến của mình chẳng có nghĩa gì. Tôi không hề muốn chồng tôi chết, anh ấy vẫn chết như thường. Tôi cũng nghe nói. Ông cũng biết tôi bị góa sao? Vâng, một vài người bạn của bà cho tôi hay. Ông hỏi thăm về tôi làm gì vậy? Ông ta bảo, nói ra thì cũng hơi kỳ, nhưng tôi đã… hỏi dò họ, vì tôi có một điều muốn đề nghị với bà. Giọng nói ngập ngừng của ông khiến tôi đã đoán được điều ông muốn nói với tôi, nhưng dầu sao thì đó chỉ là dự đoán, cần phải nghe chính ông ta nói mới biết được. Ông ta nhìn thẳng vào mặt tôi và nói rằng ông rất có cảm tình với tôi, cha mẹ ông có một trang trại khá lớn ở bên Mỹ, chắc chắn sau này phần gia tài sẽ được trao lại cho ông, vì ông là con một, và chính ông, ông cũng để dành được khá nhiều tiền, mặc dù ông bị bệnh dạ dày nhưng với số lương kỹ sư ông có thể chữa chạy mà không sợ thiếu thốn, và sau cùng ông hỏi tôi, nếu tôi nhận lời, ông xin cưới tôi và cả hai sẽ đi về Mỹ. Đề nghị của ông làm tôi buồn cười quá, và tôi không nhịn cười được, tôi nói, tôi không ngờ lại có thể có một đề nghị như thế giữa tôi và ông, hình ảnh Vinh rồ máy cho xe chạy buổi sáng khi anh đã mở cửa cho tôi xuống trước sở hiện đến rõ ràng trong óc, tôi không chuẩn bị một tình cảm nào để có thể đền đáp lòng tốt của ông, có lẽ tôi dùng chữ lòng tốt không đúng đâu, nhưng tôi không tìm được chữ nào khác, nhưng ông hãy khoan cho tôi về cuộc “viện trợ” này, tôi có ý nói đùa với ông ta về hai tiếng “viện trợ” và ông cười với tôi. Tôi cũng hỏi ông, ông có nghĩ là điều ông nói với tôi giá xảy ra ở một nơi nào khác là nước Việt Nam hiện nay thì ý nghĩa của nó có thể khác đi không? Ông nói, ông hiểu luân lý của người Việt Nam, ông biết sự khó khăn của một người đàn bà Á châu có chồng là người da trắng, nhưng ông hứa ông sẽ xin đền bù, ông tin rằng nếu có tiền người ta cũng sẽ sống được một sống được một cách dễ chịu. Tôi nói, không chừng ông chưa hiểu rõ chúng tôi lắm đâu. Ông cười bảo, bà có thể tin là tôi xin hỏi cưới bà một phần cũng chính vì cái vẻ bí mật tôi không thể nào hiểu được đó. Ông khen tôi đẹp, khen các thành phố Việt Nam đẹp, những con đường Sài Gòn có trồng cây hai bên đường là một điều lạ lùng đầy thú vị đối với ông. Ở bên Mỹ, trong các thành phố, phần lớn người ta chỉ nhìn thấy xi măng, mặt nhựa, khó nhìn thấy bóng cây và đất cát, muốn nhìn thấy những thứ đó người ta phải đi ra ngoại ô. Nói tới ngoại ô, ông nói luôn tới những buổi đi ăn ngoài trời, ông nói, ông biết một nơi câu cá, một chỗ trượt tuyết và nhiều chỗ leo núi rất thích, ông cũng nói nếu có tôi bên cạnh để cùng sống những cảnh ấy thì thật là tuyệt, đối với ông tôi giống như một khu phố có trồng cây, lạ lắm. Tôi cười bảo, ông mơ mộng chi dữ vậy. Ông nói, hình như người ta nghi ngờ người Mỹ chúng tôi chỉ thiếu có điều ấy. Đã đến lúc tôi phải nói rõ cho ông ta biết, chính chúng tôi, chúng tôi cũng còn thiếu điều đó, chúng tôi còn cần phải có nhiều hơn nữa để sống, để chấp nhận đời sống của mình, một đời sống khác hẳn đời sống của bất cứ một dân tộc nào trên thế giới, chút mơ mộng hay kỳ lạ cuối cùng còn lại đó, chúng tôi không thể đem đổi cho ai để lấy bất cứ một thứ gì, ông đã ở đây, ông đã nhìn thấy chúng tôi sống và chết ra sao rồi mà, nếu không còn cái chút gì đó thì chúng tôi còn cái gì cơ chứ? Ông ta có vẻ hoảng sợ khi nghe tôi nói một hơi dài như thế, có lẽ ông không nghe kịp lời tôi, vì chúng tôi dùng một thứ tiếng thứ ba là tiếng Pháp. Ông không thấy điều ấy khôi hài sao? Có thể tôi đã nói sai tất cả những điều tôi muốn nói với ông từ nãy, thế mà chết là lại nói đến một việc kết hợp đời đời? Ông nói nếu tôi không muốn trở về Mỹ, ông có thể ở lại Việt Nam với tôi, chúng tôi sẽ lập nghiệp ở đây. Tôi nói làm thế nào tôi có thể thay được quê hương cho ông? Vả lại lập nghiệp hay là những trong gì có nghĩa lâu bền tương tự đã làm chúng tôi sợ, người ta không thể sống mà không nghĩ trước đến tương lai, nhưng tương lai chính là điều chúng tôi sợ nhất. Bà nói cho bà hay bà nói cho ai thế? Tôi không biết, tôi nói điều tôi cảm thấy, có lẽ tôi cũng nói ít nhất là cho một người đã chết. Có lẽ tôi không thể hiểu được bà thực đấy. Điều ấy cũng chỉ có nghĩa ngang hàng như tôi nói có lẽ tôi hiểu ông. Ông lộ vẻ buồn rầu và bảo, như thế tôi không còn hy vọng gì sao? Ông nhầm đó, ông không hy vọng gì cả, nếu ông muốn lấy một người đàn bà Việt Nam, bây giờ, ông biết rõ là không khó khăn gì mà. Sự khó khăn của tôi là bà chứ không phải người khác, ông ta nói. Tôi cảm thấy hơi nóng ở đầu, giấc ngủ thiếu đêm qua làm tôi bắt đầu khó chịu, tôi nói vậy thì sự khó khăn là sự khó khăn có sẵn ở trong tôi và ở trong ông, không phải ở bên ngoài. Làm thế nào có thể dàn xếp được. Ông nói, nếu bà có thiện chí, nghĩa là, tôi muốn nói, bà không thờ ơ lắm với đề nghị của tôi, chúng ta có thể giải quyết được chứ. Tôi nói, giả thử bây giờ tôi chết đi, ông còn ở lại đất này không? Ông ta trả lời không cần suy nghĩ, dĩ nhiên không, tôi không thể làm cái việc vô lý là đổi tất cả để chẳng lấy gì hết. Vậy thì cả ông, cả tôi đều thay đổi, chúng ta có thể thay thế quyết định và chết, nhưng có một cái không thể thay đổi là quê hương của ông và quê hương của tôi. Làm thế nào chúng ta có thể gắn liền hai sự khác biệt đó. Tôi cho rằng bà nghĩ xa quá, dầu thế nào thì chúng ta cũng chỉ có một đời này để sống. Ông nói đúng đó, vậy tìm cách ra khỏi cái số phận của mình để làm gì? Tóm lại, bà không cho điều tôi muốn nói với bà là quan trọng sao? Tôi phải đắn đo hơn đối với ông từ lúc này, ông thấy rõ những lời chúng ta nói với nhau từ nãy đủ chứng tỏ tôi không hề nghĩ như thế. Tôi tìm một câu nói đùa với ông ta cho không khí bớt trầm trọng đi, ông có khi nào nghĩ rằng bất cứ một người đàn bà nào lấy chồng đã có ý nghĩ như là lấy một người ngoại quốc rồi không? Ông có vẻ không bằng lòng câu nói đùa này của tôi nhưng dầu sao tôi cũng thấy ông mỉm cười với tôi và nói, hay bà cho là tôi đã nói ra điều ấy quá sớm, nghĩa là, quá đột ngột? Tôi lấy thuốc trong sắc châm hút và bảo, ông thấy tôi hút thuốc lá trước mặt mọi người thế này, đó cũng là điều đáng coi là lạ đối với một người đàn bà Việt Nam, song vì tôi thích thì tôi cứ hút, tôi làm việc gì tôi thích, tôi cũng đã gặp và phải chịu nhiều sự bất ngờ, cái chết của chồng tôi có phải cũng là sự bất ngờ, bữa ăn sáng ông mời tôi đây không bất ngờ sao, tôi có cho thế là ông thiếu … chuẩn bị đâu. Giọng ông ta có vẻ dịu dàng, vậy bà chỉ có hai cách trả lời. Và tôi mong được trả lời một cách dứt khoát. Tôi là một người Mỹ. Tôi cũng cười với ông và không phải là tôi không cảm động, tôi nói, nhưng ông hẳn biết là còn một cách trả lời thứ ba nữa đó là tôi không trả lời câu hỏi của ông. Ông khen tôi khôn ngoan, ông cũng nói ông mong rằng tôi sẽ đổi ý kiến, và cho đến ngày nào ông còn ở lại Việt Nam tôi có thể báo tin mừng cho ông, song ông lại nói thêm rằng, dù sao thì câu trả lời của tôi cũng đã quá rõ ràng, vậy sau này, ông về Mỹ, nếu có dịp hãn hữu nào tôi qua bên ấy dừng quên ghé thăm trại của ông. Về điều này, tôi nói một cách vui vẻ, nếu có cơ hội như thế, thế nào tôi cũng ghé thăm ông. Tôi cũng nói với ông về những trại chăn nuôi và những đồng cỏ vẫn được xem trong các phim Western, và tôi vẫn thường ao ước được thấy tận mắt một lần những cảnh ấy. Khi đó ông sẽ dạy tôi cưỡi ngựa chứ? Ông nói, tôi sẽ biếu bà con ngựa đẹp nhất của trại tôi để bà mang về Việt Nam. Tôi nói, chỉ sợ khi tôi sang đến đó cả ông lẫn tôi đều không nhận ra nhau nữa vì đã đầu tóc trắng xóa cả. Ông nói, người Mỹ có thể lên mặt trăng thì quãng đường từ đây về đến nông trại của tôi chỉ bằng một giấc ngủ trưa thôi. Tôi nói đùa thêm với ông một câu nữa, thế ông không nghĩ là lúc thức dậy thì tôi đã xế chiều rồi à? Chúng tôi cùng cười với nhau và sau đó ông đưa tôi về sở.
Nguồn: Ngày tháng. Truyện dài của Nguyá»…n Đình Toàn. An Tiêm xuất bản lần thứ nhất, ngoài những bản thường còn in thêm 20 bản trên giấy quý dành riêng cho tác giả và nhà xuất bản. In tại Đăng Quang, 734A Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Giấy phép số 755 BTT/NT/NHK/QN ngày 27.4.1968. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.