trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
27.12.2007
Trịnh Nghĩa
Hoa Quốc Phong – Con trai cả của Mao Trạch Đông?
Lý Nguyên dịch
 
Tháng 5 năm 2003, một tạp chí nổi tiếng ở Hồng Công cho biết, Hoa Quốc Phong vốn là con trai cả ngoài giá thú của Mao Trạch Đông; vào đêm trước của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 16, Hoa Quốc Phong đã gửi thư cho Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, yêu cầu khôi phục thân thế của mình, đổi sang họ Mao, nhưng đã bị bác bỏ.

Sau khi Mao Trạch Đông chết không lâu, Hoa Quốc Phong luôn bị tụt dốc trên chính trường, lâu nay để báo vệ hình tượng của Đảng, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã che giấu bí mật về thân thế của Hoa Quốc Phong.


Hoa Quốc Phong gửi thư cho Trung ương yêu cầu khôi phục thân thế

Vào đêm trước của Đại hội 16, Hoa Quốc Phong, người sẽ kết thúc thời gian mang hàm Uỷ viên Trung ương Đảng để trở lại làm một đảng viên bình thường, đã gửi thư cho Trung ương, đề xuất khôi phục thân thế của mình, xin đổi họ theo họ cha hoặc họ mẹ.

Mãi đến đầu tháng 3 năm 2003, Ban Tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc mới trả lời yêu cầu của Hoa Quốc Phong: “Sau khi trịnh trọng suy tính, để bảo vệ danh dự của Chủ tịch Mao Trạch Đông, ảnh hưởng của Đảng và xã hội cũng như ảnh hưởng của bản thân đồng chí, Trung ương thấy rằng không cần thiết phải thay đổi, khôi phục họ bố hoặc họ mẹ của đồng chí.” Tuy vậy đã phê chuẩn cho Hoa trở về dưỡng lão ở nơi ra đời tại Tương Đàm, Hồ Nam. Ngày 26 tháng 12 năm 2002, Hoa Quốc Phong đã cùng Lý Mẫn, Lý Nạp (hai con gái của Chủ tịch Mao) và Trương Ngọc Phụng, thư ký cơ yếu của Mao Trạch Đông khi còn sống, cùng tới nhà kỷ niệm Mao Trạch Đông để tế thọ ông. Trên vòng hoa viếng của Hoa Quốc Phong có đề dòng chữ “Quốc Phong, con trai trung thực kính viếng”. Nhưng ngay trong buổi chiều hôm đó, vòng hoa này đã bị các nhân viên công tác tại nhà kỷ niệm mang đi.

Rốt cuộc là chuyện gì vậy?

Thân thế của nguyên Chủ tịch Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (Hoa Quốc Phong đã giữ chức vụ này từ sau khi đánh đổ “lũ bốn người” đến năm 1981-ND) luôn là một điều bí mật, từ giữa những năm 70 của thế kỷ trước đến nay đã lưu truyền không ít kịch bản, thực thực, giả giả.

Trong đó một kịch bản lưu truyền rất rộng là: Năm 1920, khi xây dựng Tổ Thanh niên Cộng sản ở Trường Sa, Mao Trạch Đông đã quen một người con gái họ Diêu. Bố cô gái này là một thương nhân chuyên từ Sơn Tây xuống Hồ Nam buôn bán thuốc lá. Năm 1921 cô gái họ Diêu này sinh Hoa Quốc Phong cho Mao Trạch Đông. Sinh được hai năm, cô gái họ Diêu ốm chết. Mao Trạch Đông đã nhờ thân thích chăm sóc Hoa Quốc Phong, sau đó gửi Hoa Quốc Phong về Thái Nguyên, Sơn Tây, sau đó đến Giao Thành ở với người nhận nuôi họ Hoa, được đặt tên là Hoa Quang Tổ, sau khi kháng chiến thắng lợi lại đổi tên thành Hoa Thành Vũ, đến đầu chiến tranh giải phóng mới đổi tên thành Hoa Quốc Phong.


Sĩ đồ của Hoa Quốc Phong luôn luôn thuận lợi dưới sự quan tâm chiếu cố của Mao Trạch Đông

Được biết, sau Hội nghị Trung ương 2, khoá 7, của Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 2 năm 1949) một thời gian, tại Hội nghị Bộ chính trị, Chu Ân Lai đã đề xuất điều bí thư huyện uỷ huyện Giao Thành Sơn Tây là Hoa Quốc Phong về Uỷ ban Quân quản Bắc Kinh, nhưng Mao Trạch Đông không đồng ý, nói, cách mạng còn chưa thắng lợi hoàn toàn, còn có nhiều việc phải làm, không thể đưa người thân của mình về thành phố.

Đầu những năm 50, Mao đề xuất điều Hoa Quốc Phong về công tác ở quê nhà, về địa khu Tương Đàm, Hồ Nam, nhận chức bí thư địa uỷ (địa khu là một đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, trên cấp huyện - mỗi địa khu tuỳ từng vùng, từng tỉnh, có từ vài huyện đến trên một chục huyện và thành phố cấp huyện trực thuộc-ND) Mao Trạch Đông đã từng 9 lần đến Hồ Nam hoặc đi qua Trường Sa, thủ phủ của Hồ Nam, lần nào cũng yêu cầu tỉnh uỷ thu xếp để gặp Hoa Quốc Phong, và nhắc Đào Trú, Bí thư Thứ nhất Cục Trung Nam và Trương Bình Hoá, Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Nam lúc đó, quan tâm chiếu cố đến Hoa. Tháng 12 năm 1964 khi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc họp hội nghị công tác, Mao Trạch Đông đã tới gặp Trương Bình Hoá hỏi thăm thể hiện của Hoa. Trương Bình Hoá thưa, đồng chí Hoa Quốc Phong là người thiết thực, người trung thành chấp hành chính sách, người thực thà không biết gạt ai, đồng chí tốt như vậy không nhiều. Sau đó Hoa được đưa lên làm Trưởng ban Văn giáo, Trưởng ban Mặt trận Tỉnh uỷ, rồi Bí thư Tỉnh uỷ. Năm 1968 Hoa đã là Bí thư Thứ nhất Tỉnh uỷ Hồ Nam. Từ đó mỗi lần Mao Trạch Đông về thăm Hồ Nam, Hoa Quốc Phong đều tháp tùng và hàng năm với danh nghĩa báo cáo tình hình quê hương, Hoa đều lên Bắc Kinh hai, ba lần. Sau sự kiện Lâm Bưu năm 1971, Mao Trạch Đông điều Hoa về Bắc Kinh giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng.


Quyết nghị của Bộ Chính trị về xuất thân của Hoa Quốc Phong

Được biết, tháng 9 năm 1976, Mao tạ thế, và tháng 10 năm đó “lũ bốn người” bị bắt, và đến Hội nghị lần thứ 3 Quốc hội khoá 5 năm 1980, sau khi buộc phải từ chức Thủ tướng Chính phủ, Hoa Quốc Phong đã gửi thư cho Bộ Chính trị yêu cầu khôi phục thân thế mình, là họ Mao, nhưng đã bị Bộ Chính trị phủ quyết.

Lúc đó Diệp Kiếm Anh nói với Hoa: Điều này không thể “sửa sai” được. Nếu không thế, đối với anh, đối với Mao Chủ tịch, đối với Đảng đều không có lợi. Làm sao anh còn có thể làm Chủ tịch Đảng được nữa? Đặng Tiểu Bình và Trần Vân còn đưa ra quyết nghị do Bộ Chính trị thảo luận và thông qua tháng 11 năm 1955: (1) đồng chí Hoa Quốc Phong không nên điều về Văn phòng Trung ương ở Bắc Kinh công tác; (2) thân thế của đồng chí Hoa Quốc Phong là do nguyên nhân lịch sử tạo ra, xuất phát từ lợi ích của Đảng, từ lợi ích toàn cục, từ việc bảo vệ danh dự của Chủ tịch và cũng để có lợi cho công tác và sự trưởng thành của đồng chí Hoa Quốc Phong, thấy không nên đổi họ. Để bảo mật, năm đó ngay những Uỷ viên Trung ương ở Bắc Kinh cũng đều không biết quyết nghị này. Nguyên nhân có quyết nghị này là do đề xuất của Chu Ân Lai: đồng chí Mao Ngạn Anh(con trai lớn của Chủ tịch Mao Trạch Đông với bà Dương Khai Tuệ-ND) hy sinh ở chiến trường Triều Tiên đã được 5 năm rồi, nên điều bí thư địa uỷ Tương Đàm, Hồ Nam, về Bắc Kinh công tác bên cạnh Mao Chủ tịch, khôi phục thân thế; nhưng khi thảo luận, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Trần Vân, Đặng Tiểu Bình không tán thành, nhấn mạnh phải bảo vệ quyết nghị của tổ chức Đảng, bảo vệ danh dự của tổ chức Đảng.


Mao Trạch Đông đã chỉ thị Chu Ân Lai cho Hoa biết rằng mình là con trai cả của Mao

Mùa xuân năm 1966, Mao Trạch Đông chỉ thị cho Chu Ân Lai, Khang Sinh và Uông Đông Hưng nói chuyện rõ ràng về thân thế của Hoa tại Bắc Kinh. Mãi cho đến lúc đó Hoa mới biết mình là con trai cả của Mao. Lúc đó Trung ương đề xuất với Hoa hai ý kiến: (1) lý lịch, quê quán, ngày sinh, họ tên đều theo đăng ký của Trung ương về “thẩm tra cán bộ” sau “tiêu phản” năm 1955; (2) suy tính tới lợi ích toàn cục của Đảng, không thay đổi quan hệ vốn có với Chủ tịch. Lúc đó Hoa Quốc Phong đã ký tên vào bản ghi hai ý kiến trên của Trung ương và viết mấy chữ “Hoàn toàn đồng ý, kiên quyết tuân theo”. Chu Ân Lai, Khang Sinh và Uông Đông Hưng cũng ký tên vào văn bản đó với tư cách là người làm chứng của tổ chức.


Sắp xếp của Mao Trạch Đông cho Hoa Quốc Phong trước khi lâm chung

Theo lời kể của Trương Ngọc Phụng: sau khi Chu Ân Lai tạ thế, trước vấn đề chọn người làm Thủ tướng, Mao Trạch Đông đã từng trưng cầu ý kiến của bốn người là Giang Thanh, Trương Ngọc Phụng, Uông Đông Hưng, Mao Viễn Tân. Uông Đông Hưng giới thiệu Mao Viễn Tân, Mao nói: Quá trẻ, làm không tốt. Giang Thanh giới thiệu Trương Xuân Kiều, Mao nói: Quá tự phụ, những người không ưa anh ta trong và ngoài Đảng không ít, không làm được. Mao Viễn Tân giới thiệu Hoa Quốc Phong, Mao nói, ngoài Hoa ra, tạm không còn ai.

Cũng theo Trương Ngọc Phụng, đầu tháng 4 năm 1976, sau khi phát sinh sự kiện Thiên An Môn, sức khoẻ của Mao Trạch Đông xấu đi. Ông lo là sau khi chết, Giang Thanh kết oán với không ít người, nhưng lại cho rằng tính đấu tranh của Giang Thanh mạnh, và điểm này chính lại là nhược điểm của Hoa Quốc Phong. Do vậy để có sự sắp xếp nhân sự cuối cùng đã có hai phương án. Đối với việc người thừa kế chức Chủ tịch Đảng, Mao Viễn Tân đã nhiều lần hỏi Mao, nhưng Mao đều nói: Hãy từ từ, để xem đã. Cuối cùng Mao khuyên tròn (duyệt) một ban gồm 5 người: Hoa Quốc Phong, Giang Thanh, Uông Đông Hưng, Mao Viễn Tân, Trần Tích Liên.


Tình phụ tử Mao - Hoa và đạo hiếu của Hoa

Ngày 10 tháng 5, khi hội kiến Hoa Quốc Phong, Mao Trạch Đông đã tặng Hoa một chiếc đồng hồ đeo tay Omega làm kỷ niệm. Theo tài liệu ghi chép của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì chiếc đồng hồ nay là do Đổng Tất Vũ tặng Mao Trạch Đông.

Ngày 12 tháng 7 năm 1976, sau khi chủ trì lễ truy điệu Chu Đức tạ thế, Hoa Quốc Phong đến chỗ Mao Trạch Đông báo cáo, Mao đã bảo Trương Ngọc Phượng lấy ra ba cuốn sách đóng buộc chỉ tặng Hoa làm kỷ niệm. Sau khi Mao Trạch Đông tạ thế, tháng 5 năm 1977 Hoa đã giao lại cho Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, hiện vẫn bảo tồn tại nhà kỷ niệm Mao Trạch Đông.

Sau khi Chủ tịch Mao Trạch Đông tạ thế, việc lớn thứ nhất mà Hoa làm là xây dựng nhà kỷ niệm Mao Trạch Đông trước cửa Thiên An Môn, phải chăng đây là duyên cớ của phụ tử tình thâm?


Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn bảo vệ hình tượng quang minh của Mao Trạch Đông và của Đảng

Thời gian trôi nhanh, thấm thoát đã gần 30 năm, Hoa Quốc Phong đã trở thành ông già ngoài tám mươi tuổi rồi. Ông ta muốn nhận tổ tiên, khôi phục thân thế của mình, nhưng vấn đề của ông lại liên quan đến danh dự của Đảng Cộng sản Trung Quốc, danh dự của Chủ tịch Mao Trạch Đông, nên rất khó được Đảng chấp thuận, mặc dù đó là sự thực một trăm phần trăm.

Bản tiếng Việt © 2007 talawas
Nguồn: Văn cách đích mật văn, ná»™i mạc dữ chân tÆ°á»›ng, Nhà xuất bản Văn hoá Nghệ thuật Hồng Công, tháng 6 năm 2006