trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
20.2.2008
Hồ Xuân Thiện
Phát động bỏ phiếu để có được kỳ quan thiên nhiên thế giới?
 
Trên thế giới hiện đang có một cuộc thi dành cho tất cả những người dùng internet để họ bầu các thắng cảnh tự nhiên. Các thắng cảnh được nhiều người chọn nhất sẽ được gọi là “kỳ quan thiên nhiên” (natural wonder).

Cuộc thi này do tổ chức Thuỵ Sĩ New7Wonders (7 Kỳ quan thế giới mới, được thành lập năm 2001) đứng ra thực hiện. Tất cả những ai truy cập internet và có địa chỉ email đều có thể tham gia bỏ phiếu.

Cách thức và điều lệ tổ chức cuộc bầu chọn của New7Wonders đã làm cho nhiều người phản đối. Nếu các thắng cảnh được mọi người bầu chọn một cách vô tư thì kết quả cuộc thi mới phản ánh một cách khách quan ý kiến của những người tham gia trên khắp hành tinh. Nhưng thực tế đã không xảy ra như vậy vì nhiều quốc gia đã phát động các chiến dịch kêu gọi mọi người đi bầu chọn các thắng cảnh của mình vì “lòng yêu nước”, và vì “phát triển du lịch quốc gia”.

Chính vì sự không công bằng tiềm ẩn trong quy định của cuộc thi nên không có một tổ chức quốc tế nào tham gia cuộc bầu chọn. UNESCO, tổ chức của Liên Hiệp Quốc chuyên về gìn giữ các di sản tự nhiên và văn hoá thế giới, đã tuyên bố họ không liên quan gì đến cuộc thi này, và kết quả cuối cùng sẽ chỉ là quan điểm của những người truy cập internet chứ không phải của cả thế giới.

Việt Nam hiện có 3 địa danh đang được bầu chọn để vượt qua vòng 1, đó là: vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), động Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) và đỉnh núi Fansipan (Lào Cai). Bên cạnh đó, sông Mê Kông (chảy qua nhiều nước Đông Nam Á) cũng đang nằm trong danh sách này.
Vịnh Hạ Long (hình lấy từ vietbao.vn)

Không hiểu tại sao và từ đâu mà hiện nay ở Việt Nam đang có phong trào “Hãy bầu chọn cho Việt Nam”. Báo chí trong nước đang nỗ lực vận động mọi người bỏ phiếu cho 3 thắng cảnh quốc gia. Thậm chí, có bài viết còn cho rằng bằng cách bầu chọn, người dân Việt đã gởi đi “lá phiếu của lòng yêu nước”.

Xin trích một đoạn của báo Tuổi Trẻ Online: “Mục đích bầu chọn: Quảng bá hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp, một địa chỉ du lịch cần đến trên thế giới. Qua đó, góp phần phát triển du lịch - kinh tế. Làm dấy lên lòng yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt. Từ đó xây dựng ý thức gìn giữ, phát huy các danh lam lam thắng cảnh của đất nước. Đưa được Vịnh Hạ Long, Động Phong Nha - Kẻ Bàng và Đỉnh Fansipan vào danh sách kì quan thiên nhiên mới của thế giới, do tổ chức New7Wonders phát động. (Vòng bầu chọn thứ nhất của chương trình sẽ kết thúc vào 31-12-2008)”.

Rất nhiều cơ quan, tổ chức trong nước đã tham gia kêu gọi người dân tham gia bầu. “Tỉnh đoàn Quảng Bình đã phát động toàn thể đoàn viên thanh niên ở các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang, các địa phương hưởng ứng cuộc bầu chọn bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Trong ngày đầu phát động, hàng trăm đoàn viên thanh niên đã lên mạng bầu chọn cho các địa danh ở Việt Nam” (trích nguyên văn từ Tuổi Trẻ Online). Thậm chí, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCSHCM Võ Văn Thưởng đã khẳng định tại cuộc họp với các cơ quan báo chí và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ngày 28-1 rằng “đây là cơ hội tốt cho các thiếu nhi, thanh thiếu niên và nhân dân thể hiện lòng yêu nước qua cuộc bầu chọn để ba địa danh: vịnh Hạ Long, động Phong Nha - Kẻ Bàng và đỉnh Phanxipăng là kỳ quan thiên nhiên thế giới. Ngay từ bây giờ, các cá nhân, đơn vị cần chung tay góp sức để bầu chọn cho Việt Nam”.

Có lẽ vì cuộc phát động đã quá thành công, nhà nhà đi bầu, người người đi bầu, nên cho đến ngày 17/02/2008, cả 3 thắng cảnh của Việt Nam đều lọt vào danh sách 10 địa điểm được bầu chọn nhiều nhất.

10 thắng cảnh đang dẫn đầu cuộc bầu chọn (cho đến ngày 17/02/2008, hình chụp từ trang web chính thức của New7Wonders)

Liệu lá phiếu của người đi bầu do được phát động có phải đến từ trái tim của họ? Có mấy người trong số họ từng được nghe về/xem hình của/đến tham quan Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng, hay Fansipan? Việc làm phát động như thế này có thật sự vì yêu nước hay là vì một lý do nào khác?

Những nụ cười Thái Lan nồng thắm quảng bá “Bầu chọn cho Việt Nam” (hình và tiêu đề của Tuổi Trẻ Online)
Lý do rằng người Việt Nam nên bầu cho các thắng cảnh của mình vì lòng yêu nước có lẽ chưa chính đáng. Lá phiếu bầu trong cuộc thi này không nên vì lòng yêu nước, và phải vì lòng yêu thắng cảnh thiên nhiên. Bạn hoàn toàn có thể bầu cho các địa danh như thác Niagara của Mỹ, hay Biển Chết tại Trung Đông mà không bầu cho các địa danh tại Việt Nam chỉ vì bạn cho rằng các thắng cảnh kia đẹp hơn và xứng đáng hơn.

Nếu cho rằng bầu chọn cho Việt Nam vì yêu nước, vậy không bầu cho Việt Nam mà bầu cho các địa danh của các nước khác là không yêu nước ư?

Có lẽ những người tham gia bầu chọn chỉ “vì lòng yêu nước” nên tham gia các cuộc thi khác, chứ không phải ở đây.

Cuộc cổ vũ bầu chọn cho Việt Nam còn được mang sang Thái Lancác nước Đông Nam Á khác để kêu gọi người dân các nước này bầu cho Việt Nam. Xin được nói thêm là Thái Lan cũng có 2 địa danh được lọt vào vòng 1 của cuộc bầu chọn là vịnh Phang Nga và công viên quốc gia Khao Yai. Nếu đánh đồng việc bỏ phiếu cho thắng cảnh của quốc gia là vì lòng yêu nước, thì hoá ra mình sang kêu gọi người ta đừng yêu nước của họ nữa?

Nếu chỉ vì lòng yêu nước mà bỏ phiếu, và tất cả các quốc gia khác cũng phát động như Việt Nam, thì chắc chắn Trung Quốc và Ấn Độ (là hai nước đông dân nhất thế giới) sẽ chiếm tất cả 7 vị trí và không còn cửa nào cho Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào khác.

Người Việt cần và nên là những người tham gia cuộc bầu chọn này một cách bình đẳng.

© 2008 talawas