trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
25.3.2008
Hòa Nguyễn

Ông Phong Uyên viết:

Nhật Bản tự đi kiếm chữ viết, văn hoá Trung Quốc từ đời Đường, tự qua học Thiền đời Tống, để tạo ra đạo Phật Zen cho mình, trong khi đạo Phật của Việt Nam có gì khác biệt với Đại thừa của Tàu không? Đừng nên vì tự ái dân tộc hay vì óc tự tôn mà bịa ra những cái gì mình vốn dĩ không có.

Tôi không ở cương vị gì để bênh vực cho Phật giáo Việt Nam, và nhất là không có khả năng làm công việc đó, nhưng xin được góp ý thêm với ông Phong Uyên về một vài điều nữa.

Trước hết về phần Nhật không phải họ đã "tạo ra đạo Phật Zen" cho họ, mà họ đã học hỏi Phật giáo và Thiền từ Trung quốc ( như ông Phong Uyên đã viết trên), và khi đọc (âm) Thiền là Zen , người Nhật đồng thời tạo thêm nhiều sắc thái mới, nhưng vẫn không làm thay đồi bản chất của Thiền pháp Trung Hoa. Zen ở Nhật, theo tôi đọc biết, vẫn bao gồm hai phái lớn của Thiền tông Trung Hoa, là Lâm Tế (người Nhật gọi là Rinzai), và Tào Động (người Nhật gọi là Soto), với cách tu tập gần giống hệt ở Trung quốc (thời xưa), tuy hình thức tổ chức tự viện ở hai nước có khác nhau. Trong khi đó, các sách dạy Thiền hiện nay của các thiền sư Việt Nam được nhiều người biết như Nhất Hạnh, Thanh Từ, Thích Minh Châu,.. thấy khác với phương cách tu Thiền của Trung quốc hơn, vì dường như Thiền sư Nhất Hạnh phối hợp Thiền Nam tông với Bắc tông, Hoà thưọng Thanh Từ muốn trở về lối tu Thiền do ông tìm thấy qua nhiều kinh điển và kinh nghiệm riêng (trong đó có thể có Thiền Trúc Lâm cúa Việt Nam đời Trần), và Thượng Toạ Minh Châu giảng dạy nhiều về Thiền Nam Tông. Trong khi đó, vẫn có những vị sư Việt Nam ngày nay giảng dạy Thiền Lâm tế của Trung Hoa, hay các tông phái khác mà tôi không biết.

Nếu như nhiều người cho rằng ngày nay người theo đạo Phật ở Việt Nam chỉ biết niệm Phật (và tụng kinh gõ mõ), trong khi đó người Nhật tọa Thiền (zazen), thì cũng xin nói thêm là ở Nhật người theo tông phái Niệm Phật, tức tông Tịnh Đô, cũng rất đông, và ngưới Nhật gọi đó là tông Jodo. Họ cũng có Mật tông (Shingon). Nói chung, người Nhật giữ kỹ truyền thống đạo Phật của Trung Hoa mà họ học được, nhưng họ cũng phải thay đổi một số hình thức cho phù hợp với văn hóa, đời sống, sinh hoạt riêng của mỗi dân tộc, vào nhiều thời đại khác nhau, và sự thay đổi đó so sánh ra vẫn giống như, hay có thể còn ít hơn, sự thay đổi khi người Trung Hoa, hay Tây Tạng tiếp nhận Phật giáo từ Ấn Độ. Chuyện Nhật Bản tự đi kiếm chữ viết, văn hoá Trung Quốc từ đời Đường, tự qua học Thiền… tôi nghĩ đó là nhờ Nhật Bản ở cách xa Trung Hoa một biển rộng, luôn giữ được tự chủ, nên mới tự làm được cho mình nhiều thứ theo sự chọn lựa riêng. Chứ nhiều nước cùng chịu cảnh ngộ bị người Hán đô hộ giống Việt Nam, như Hàn quốc đã phải bị ép buộc học chữ Hán, phải chấp nhận sự du nhập nhiều thứ từ Trung quốc, dù muốn hay không (nhà Hán chiếm Hàn quốc từ 108 trước Công lịch). Bên trời Âu, thì ngay nước Pháp cũng phải vậy.
Phật giáo Việt Nam có thể giống Phât giáo Đại Thừa của Trung Hoa tới chừng mực nào đó, và điều này không hẳn là xấu hay dở, chỉ như Thiên Chúa giáo ở Ba Lan hay ở Pháp giống với Thiên Chúa giáo ở Ý ngày nay, nhưng người Pháp hay Ba Lan có thể tự hào với hội thánh nước họ, vì vẫn thấy có những nét đặc thù dân tộc và đóng góp riêng. Không phải ví tự ái dân tộc hay óc tự tôn, hay gì khác, nhưng đã tới đây thì cũng nên thử nhìn thoáng qua Phật giáo Việt Nam đã thay đổi thế nào theo dòng lịch sử…

Qua các trước tác của Khương Tăng Hội được ghi lại trong kho tàng kinh sách của Trung quốc, khi ông qua nước Đông Ngô thời Tam quốc giảng đạo Phật, dạy Thiền, và làm lễ quy y năm giới cho Tôn Quyền, thì đạo Phật ở Giao châu lúc đó còn thuộc về Tiểu Thừa, nhưng đã có những nét mới của Đại Thừa. Theo sách của Nhất Hạnh, Khương Tăng Hội giảng về ý niệm Không, Chân Như của "Tâm" rất gần với quan điểm Đại Thừa, và Lục Độ tập kinh của ông phần lớn là ghi về sự tích các "Bồ Tát", một danh xưng hay khái niệm chỉ được nói nhiều trong kinh điển Đại Thừa. Sau này, trong và sau thời gian Bắc thuộc, Giao châu nằm trong khối văn hóa Đại Hán, kinh sách Phật toàn dùng Hán tự (trong khi Phạn ngữ có thể bị quên mất), thì Phật giáo Đại Thừa và Thiền tông Trung quốc dễ được đón nhận qua kinh sách chữ Hán, và qua nhiều nhà sư từ Trung Hoa sang lập ra các thiền phái mới ở Việt Nam, như Tỳ Ni Đa Lưu Chi (năm 580), Vô Ngôn Thông (820), Thảo Đường (1069). Nhưng dù không giống với trường hợp Nhật Bản may mắn đứng ngoài vòng lệ thuộc Trung quốc trong suốt lịch sử của họ , Phật giáo nằm trong nền văn hoá chung ở Đại Việt vẫn phát triển theo lối riêng, giữ được nhiều đặc điểm trong thời gian dài. Do thành hình từ lúc bình minh của lịch sử thành văn ở Giao châu, Phật giáo và văn hoá Việt Nam tất phải có sự tác động, đóng góp hỗ tương, hai chiều và rất lâu dài. Nếu muốn thấy về chi tiết đạo Phật Việt Nam có những khác biệt gì với đạo Phật Trung quốc thì cần phải tìm hiểu, phân tích sâu hơn nữa, một công trình tôi mong chờ ở nguời khác. Thêm một điểm có thể không làm ai vui: nếu Phật giáo Việt Nam thua kém Phật giáo Nhật Bản thì có phải vì từ xưa tới nay người Việt thua kém người Nhật? Cũng có thể, vì hoàn cảnh lịch sử mỗi dân tộc khác nhau và Phật giáo Việt Nam, nếu muốn, cũng không làm được gì khác hơn hiện trạng. Dù sao, mỗi nền văn hóa vẫn có điểm đặc sắc riêng và Phật giáo Việt Nam cũng vậy, nhưng một dân tộc khi đánh mất niềm tự háo thì còn lại cái gì.