trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
24.4.2008
Nguyễn Việt
Cảm nhận khi xem phim "Ma làng"
 
Trong mấy ngày qua, VTV4 đã phát liên tục 14 tập bộ phim Ma làng của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, hãng phim Truyền hình Việt Nam sản xuất 2007. Do thời gian phát phim luôn trùng với bữa ăn tối của gia đình, nên tất cả chúng tôi buộc phải vừa ăn vừa xem phim. Tôi không biết hai cậu con trai tôi (đều là sinh viên) có cảm giác ra sao khi xem phim, nhưng với tôi, một người đã từng sống ở Việt Nam đồng thời với Ma làng, có nhiều gắn bó với nông thôn miền Bắc, đã không có bữa cơm nào ngon miệng cả.

Truớc hết, phải thừa nhận là việc Ma làng được chiếu trên VTV1 cách đây mấy tháng, và nay được phát sóng trên VTV4 để đồng bào Việt Nam ở ngoại quốc xem là một bước tiến lớn trong sinh hoạt văn hoá ở Việt Nam, sau các sự kiện văn học chìm nổi như Cánh đồng bất tận, Ba người khác, Trần Dần - Thơ... Đã đến lúc tất cả mọi người Việt Nam, từ người khán giả bình thuờng, các văn nghệ sĩ đến các nhà quản lý văn hoá đều phải chấp nhận việc mổ xẻ và đánh giá lại lịch sử hiện đại của nuớc nhà một cách công bằng hơn.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, vốn là một người xuất thân từ nông thôn, đã tìm cách tạo ra một cái khung tư tuởng hợp lý để tác phẩm của ông có thể lột tả được sự thật phũ phàng ở Việt Nam trong thời kỳ "đêm dài trước đổi mới" (như báo chí ở Việt Nam đã thừa nhận như vậy) mà không bị các vị cảnh sát văn hoá thổi còi.

Ma làng kể về một nhóm người luôn nhân danh cách mạng, dùng vũ khí là tổ chức Đảng để câu kết với nhau độc quyền hoành hành trong một xã hội mà mọi biểu hiện muốn sống đàng hoàng tử tế đều bị chụp mũ là chống chính quyền. Những kẻ nhân danh chủ nghĩa xã hội như chủ tịch xã Tòng, chủ nhiệm hợp tác xã Hò, trưởng công an xã Lường, thư ký Lót luôn tìm cách triệt hạ mọi cố gắng của những người muốn được tự sống một cuộc sống lương thiện như bà Lâm, cậu Nghiệp, anh Tâm, cô Ló, cháu Mưa. Những âm mưu hại người hèn hạ của đám cán bộ này luôn luôn phù hợp với đường lối xây dựng nông thôn xã hội chủ nghĩa của Đảng và luôn được sự ủng hộ của cả một bộ máy công quyền như phòng y tế, phòng thú y, toà án, công an huyện nên cuối cùng, kẻ bị hại luôn bị rơi vào bẫy của pháp luật và không thể chống cự được. Thật là mỉa mai khi câu nói “Phản động chính là những kẻ luôn chống lại xu thế tiến hoá của xã hội" lại phát ra từ mồm của Tòng, một con quỷ đỏ theo đúng nghĩa của nó.

Con "ma làng" của Nguyễn Hữu Phần một mặt tồn tại nhờ sự dốt nát, hèn nhát, mê tín của dân làng, tuy đã sống duới chế độ xã hội chủ nghĩa mấy chục năm, mặt khác nó được tác giả sử dụng như một công cụ để thực hiện công lý theo luật "nhân quả" của người Á đông, một khi hệ thống luật pháp nhà nước chỉ được dùng để trấn áp người dân lương thiện. Các nhân vật độc ác, nham hiểm, đểu cáng đều bị chết hoặc tật nguyền bởi các tai nạn có dính dáng đến "ma làng", chứ không ai bị pháp luật trừng trị cả. Tòng bị rắn cắn chết, Thệ bị chết bởi tai nạn xe đạp, cậu ấm Ất bị ma ám hoá điên. Thậm chí sự tỉnh ngộ của Nợi, công an thôn cũng do sợ bị hồn chị Lâm về trừng phạt, chứ không hề do sự tác động tích cực của xã hội.

Kim Oanh (vai Ló) và Anh Tuấn (vai Tâm)
Bùi Bài Bình (vai Tòng thủ đoạn) và nghệ sĩ Hồng Sơn (vai Dỏ)
Các nhân vật chính diện trong phim như cô Lập, bí thư Đoàn, anh Thành, xã đội trưởng, Gió, một "Chí Phèo" ở Bâm Sơn, cô Ló chửa hoang cũng được đạo diễn Nguyến Hữu Phần khắc hoạ khá thành công. Tất cả họ cộng lại, tạo ra một thứ "dư luận tích cực ngầm" trong xã, nhưng lại hoàn toàn bất lực truớc sức mạnh áp đảo của sự tàn bạo có tổ chức tốt. Điều đáng nói là sự phản kháng của những kẻ lầm lỗi, có thân phận nghèo hèn nhất trong xã hội như Nghiệp, Gió, Ló, Mưa lại quyết liệt hơn nhiều so với những nhân vật khả ái, có tri thức như cô bí thư Đoàn và anh xã đội trưởng. Chính vai trò mờ nhạt của các nhân vật có lương tâm trong chính quyền như Lập và Thành lại là sự thể hiện rõ nét sự thất bại của nhân cách, khi đã dính đến quyền lực, địa vị.

Tâm, một thanh niên có học thức, được rèn luyện trong quân ngũ, có ý chí đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, lại chính là nhân vật chịu nhiều đau khổ nhất trong phim. Với cương vị và quan hệ xã hội của anh, bọn xấu khó có thể tiêu diệt được anh về thể xác, nên cái đau khổ của anh không phải là tù đày, đói khổ như các nhân vật khác. Sự bất lực của Tâm khi phải gào lên "Đến bao giờ những người tốt mới biết cùng nhau..." truớc mặt người cha mà anh luôn kính trọng đã lột tả sự đau khổ đến tuyệt vọng trong anh. Sự cay đắng của Tâm thường thể hiện rõ nhất mỗi khi anh phải đối đầu với ông Tính cha anh, chứ không phải khi cãi nhau với đám cán bộ xã. Tôi liên tưởng đến câu nói của anh Đỗ Nam Hải: "không sợ sự đàn áp của công quyền, mà sợ nhất là sự nghi ngờ, ghẻ lạnh của chính người thân bạn bè."

Mặt khác, sự thành công của Tâm trong việc nâng cao tỷ lệ kinh tế cá thể trong đời sống ở xã (mở rộng ruộng 5% cho dân, khoán, nghề phụ), bất chấp mọi chủ trương đường lối của trên đã chứng minh hùng hồn cho một chân lý: công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam gần đây là kết quả của một cuộc đấu tranh giữa hai ý thức hệ: tư hữu và cộng sản.

Cái chủ nghĩa cộng sản đồ đá đó, khi nhiễm vào đầu những người dân Bâm Dương ít học, mang nặng tư tưởng phong kiến đã biến những con người được coi là tốt bụng, hiền lành như ông Tính thành những tín đồ ngu muội, thậm chí đến mức bất lương. Vì theo đuổi cái danh dự hão "40 năm tuổi Đảng" của mình, ông chấp nhận để cho những người mà ông vẫn quý mến như chị Lâm, cậu Nghiệp bị bọn "Xã" đưa lên đoạn đầu đài. Thái độ thoả hiệp của những đảng viên như ông Tính, hay sự phản kháng cho có chuyện của bí thư đoàn Lập hay xã đội trưởng Thành có thể coi như sự tiếp tay cho bọn bất lương. Việc ông Tính cố tình tránh không đến viếng chị Lâm làm tôi nhớ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị tướng đã gắn liền với các danh từ Việt Nam - Điện Biên Phủ. Cha tôi khi còn sống vẫn nói với tôi rằng tướng Giáp là chính khách sáng chói nhất trong số các học trò của Hồ Chủ tịch. Nhưng tôi đã sốc khi biết tướng Giáp đã chấp nhận nhìn cảnh các tướng tâm phúc của mình như Trần Độ, Nguyễn Nam Khánh bị trừng phạt. Thậm chí cả khi vòng hoa của ông viếng tướng Trần Độ bị mấy tay công an bắt phải viết lại mà ông cũng lặng thinh.

Tuy phim chỉ kể về những gì đã xảy ra tại một vùng nông thôn miền Bắc trong những năm 70/80 của thế kỷ truớc, nhưng thông điệp của bộ phim đã vượt qua cả thời gian và không gian của nó. Cái ác ở xã Bâm Duơng ngày đó vẫn có thể hoành hành ở một nhà máy, ở một cơ quan nào đó, cho đến tận hôm nay. Có khác chăng là kiểu dàn dựng tội ác. Phiên toà xử mẹ con chị Lâm và Nghiệp trong Ma làng không khác gì phiên toà xử luật sư Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài, có chăng là bây giờ mấy nhà báo nước ngoài được đến xem TV ở phòng bên. Vẫn những cái án bỏ túi như xưa, có khác chăng là internet đã đưa sự việc này ra khắp thế giới. Cuộc chiến đấu giữa cái Thiện và cái Ác ngày nay tuy đã quyết liệt hơn, người dân bị áp bức đã biết liên kết với nhau, biết biểu tình, viết thư lên tận Liên Hợp Quốc, nhưng sự bất chấp của chính quyền hầu như vẫn không thay đổi. Điều làm tôi cay đắng nhất là: sự thờ ơ, bàng quan của quần chúng ngày nay thậm chí còn nặng nề hơn thời kỳ Ma làng, một thành quả bất ngờ của đời sống vật chất được nâng cao thời đổi mới. Ngày nay, những kẻ bị chế độ dồn vào chỗ chết như cậu Nghiệp, cô Ló hoặc em Mưa chắc sẽ khó nhận được sự đùm bọc của hàng xóm như hồi đó. Sự phân hoá giầu nghèo ngày nay đã kéo xa những kẻ cùng đường ra khỏi khối người còn lại. Nhìn hình ảnh những người dân oan vật vã trên hè phố bên cạnh dòng người vô cảm cùng xe máy, ô tô chảy qua rầm rập, tôi thầm nghĩ: bao giờ con Ma làng sẽ biến thành Ma huyện, Ma tỉnh, Ma Trung ương để nó dùng thuyết nhân quả đòi lại công bằng cho họ?

Tôi không phải là một nhà phê bình điện ảnh nên không dám bình luận về cái được, cái chưa được của đạo diễn Nguyến Hữu Phần, nhưng tôi cảm ơn ông và VTV4 đã dũng cảm cho công chúng xem một bức tranh hiện thực về quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

16.4.2008


Tái bút: Hôm nay 16.4, VTV4 đột ngột dừng phát tiếp tập 15 của Ma làng, thay vào đó là tập 2 của bộ phim Cô gái xấu xí. Tôi đã mail cho VTV4 hỏi về sự việc này, hy vọng chỉ là một sự cố gì đó về kỹ thuật. Nhưng cậu con trai tôi đã tìm thấy toàn bộ các phần còn lại của Ma làng trên internet (http://de.truveo.com/Ma-Lang-31/id/2413991426). Do đó tôi mới có cơ hội biết đến kết cục của phim.

© 2008 talawas