trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
14.6.2008
Nguyễn Tôn Hiệt
Khi cựu Thủ tướng cộng sản Việt Nam nhận lỗi với Việt kiều Mĩ
 
Đọc cái ý kiến ngày 13.6.2008 của ông Nguyễn Hữu Liêm, tôi thấy có mấy chuyện rất hay. Trước hết, tôi xin ghi lại đây để mọi người cùng tiếp tục ngẫm nghĩ.

  1. Cách đây ba năm, trong một bữa ăn tối ở Sài Gòn, ông Việt kiều Mĩ Nguyễn Hữu Liêm có nói thẳng với ông cựu Thủ tướng cộng sản Việt Nam Võ Văn Kiệt về vấn đề “ông Kiệt, nguyên bí thư thành uỷ Sài Gòn ở những năm sau 1975, vẫn còn đang mắc nợ với dân chúng Sài Gòn một lời tạ lỗi chính thức về những chính sách ác độc vô lương tâm mà chính quyền của ông đã thi hành đối với nhân dân thời đó. Từ chính sách đánh tư sản, lùa dân đi các khu kinh tế mới, tống xuất Hoa kiều ra biển, đến các chính sách đàn áp tôn giáo, văn nghệ sĩ, trí thức - tất cả đều có sự tham dự, nhiều hay ít, của ông.” (Nguyên văn của ông Liêm)

  2. Ông Võ Văn Kiệt chưa bao giờ nhận lỗi với nhân dân Sài Gòn về những việc đó, nhưng ông ta lại đi nhận lỗi riêng với ông Việt kiều Nguyễn Hữu Liêm trước một bàn nhậu.

  3. Ông Võ Văn Kiệt đã đứng dậy giữa bàn nhậu để nhận lỗi với ông Liêm (trong khi ông Liêm vẫn ngồi). Ông Kiệt nói như thế này: “Anh Liêm phải biết rằng, ở những năm 1978-80, khi tôi là bí thư thành uỷ Sài Gòn, có những đêm, hai ba giờ sáng, tôi phải lái xe jeep một mình từ Sài Gòn ra Long Thành để can thiệp giúp những người mà tôi quen biết đang bị bắt về tội vượt biên. Tôi không thể làm gì được hơn trong hoàn cảnh với những chính sách của cơ chế thời đại. Vâng, tôi chịu trách nhiệm chứ! Tôi có lỗi chứ!” (Nguyên văn của ông Liêm)

  4. Ông Kiệt tự cảm thấy có lỗi về những chuyện to tát ghê gớm đó, nên ông đã đích thân lái xe jeep một mình từ Sài Gòn ra Long Thành để can thiệp giúp những người mà ông quen biết đang bị bắt về tội vượt biên.

  5. Ông Kiệt tự cảm thấy có lỗi về những chuyện to tát ghê gớm đó, nhưng ông chỉ làm được cái chuyện nho nhỏ như thế, vì ông “không thể làm gì được hơn trong hoàn cảnh với những chính sách của cơ chế thời đại.” (Nguyên văn của ông Liêm)

*


Đọc xong mấy chuyện rất hay đó, tôi có vài suy nghĩ vẩn vơ:

  1. Ông Việt kiều Mĩ Nguyễn Hữu Liêm là một nhân vật có uy thế vô cùng đặc biệt đối với ông cựu Thủ tướng cộng sản Việt Nam Võ Văn Kiệt. Vì thế, ông Liêm đã thẳng tay nói với ông Kiệt về cái trách nhiệm tày trời của ông Kiệt, và ông Kiệt đã đứng dậy giữa bàn nhậu để nhận lỗi với ông Liêm.

  2. Bàn nhậu có lẽ chỉ có 2 người là ông Liêm và ông Kiệt. Bây giờ ông Kiệt đã mất, thì chỉ còn ông Liêm ghi lại sự kiện đó.

  3. Ông Kiệt đã quen biết bao nhiêu người bị bắt về tội vượt biên? Và ông Kiệt đã đích thân nửa đêm lái xe đi can thiệp như vậy bao nhiêu lần? Những lần đó, có lẽ công an bắt được những người đi vượt biên ở Long Thành lúc nửa đêm và, bằng một phương cách đặc biệt nào đó, họ biết những người bị bắt là những người quen của ông Kiệt. Thế rồi công an huyện Long Thành gọi điện thoại đánh thức ông Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh để báo tin rằng: “Kính thưa đồng chí Bí thư Thành uỷ, chúng tôi vừa bắt được một nhóm người quen biết của đồng chí, đồng chí hãy lái xe jeep xuống Long Thành để can thiệp cho họ gấp. Nếu đồng chí không xuống kịp bây giờ, thì hết thuốc cứu...”

  4. Nếu không phải vậy, thì có lẽ ông Kiệt, do thần giao cách cảm, lúc quá nửa đêm, nằm chiêm bao thấy người quen biết bị bắt ở Long Thành, bèn giật mình tỉnh dậy, hớt hải lái xe jeep lúc hai, ba giờ khuya để đi can thiệp.

  5. Công an huyện Long Thành không cho phép ông Kiệt can thiệp qua điện thoại, mà bắt ông Kiệt phải đích thân lái xe xuống tận nơi. Từ Sài Gòn xuống Long Thành mất một tiếng đồng hồ. Đường sá thời đó (thời cuối 1970, đầu 1980) chưa có điện đóm gì, nên ông Kiệt lái xe vô cùng vất vả. Đến nơi thì đã gần bốn giờ sáng, đồn công an huyện đã đóng cổng từ lâu. Ông Kiệt kêu cổng, “Tôi là Võ Văn Kiệt...” — “Ai đó? Kiệt nào?” — v.v... Thật tội nghiệp!

  6. Ông Kiệt là Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu muốn cứu một người bạn bị bắt ở Long Thành (thuộc tỉnh Bà Rịa) thì phải liên lạc với ông Bí thư Tỉnh uỷ hoặc Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa. Nhưng chẳng lẽ ông Kiệt đến đập cửa những người này vào lúc 3, 4 giờ khuya?

  7. Tại sao ông Kiệt không điện thoại để nhờ những người ấy giúp thả người quen mình ra?
  8. Người quen bị bắt vì tội vượt biên, chứ đâu phải bị mang ra pháp trường vào sáng sớm mà ông Kiệt phải hấp tấp đi trong đêm khuya như vậy?

  9. Cùng chuyện tương tự, ông Nguyễn Công Khế, Tổng biên tập báo Thanh Niên, đã viết trong bài "Tính cách của người 'Nam Kỳ khởi nghĩa'" (viết năm 2003, lúc ông Kiệt còn sống), với những chi tiết coi bộ hợp lý hơn, kể rằng ông Kiệt thả một người quen bị công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt vì tội vượt biên (tại Thành phố Hồ Chí Minh chứ không phải tại Long Thành!)

    Trích từ bài của Nguyễn Công Khế:

    "Tôi biết ông học hành thực sự ở trường lớp không nhiều như những thế hệ chúng tôi sau này nhưng ông có những suy nghĩ, kiến thức, lòng tin vào một niềm hy vọng vào con người một cách kỳ lạ. Hồi thành phố mới giải phóng, có một kỹ sư hóa chuyên nghiên cứu để sản xuất ra thuốc nhuộm và một chuyên gia quản lý ngành dệt Sài Gòn. Người trí thức này rất say sưa đối với ngành dệt, ông ở lại hy vọng sẽ góp phần cho sản xuất mà ông am hiểu nhưng không vào nổi cơ chế của ta lúc bấy giờ. Ông vượt biên, bị bắt lại. Ông Võ Văn Kiệt thả về, ông trốn lần thứ hai, ông Võ Văn Kiệt đến Sở Công an thành phố gặp và dặn dò đừng trốn nữa nguy hiểm, tiếp tục giúp cho ngành dệt, nếu thấy không góp ý gì được xin đi ra ngoài ông sẽ giúp cho đi. Sau đó, người kỹ sư ấy báo cáo thật: ‘Anh Sáu à, tôi đã cố gắng lắm, tin vào sự chân thành và tâm huyết của anh, của cách mạng, mà thực tâm qua cách làm việc, tôi thấy nhiều khó khăn vướng mắc quá’. Thế là người kỹ sư ấy được ra đi hợp pháp. Nhiều trí thức như vậy đã ở lại với ông, ở lại với cách mạng và đóng góp cho cách mạng. Có người lúc ấy đã ra đi, nhưng nay lại về đóng góp cùng đất nước. Ông thường nói với tôi: mỗi người đều có những hoàn cảnh khác nhau, những người ra đi, nhất là sau giải phóng miền Nam, không phải ai cũng là người không yêu nước."

    (Báo Thanh Niên 21/9/2003, đăng lại trên Thanh Niên Online 12/6/2008)


  10. Ông Liêm nằm trong bụng ông Kiệt nên mới hiểu ông Kiệt rõ đến độ, khi nghe tin ông Kiệt vừa qua đời, ông Liêm nghĩ rằng “dù chưa có lần nào chính thức, ông Kiệt chắc phải đã có lần tự chính mình tạ lỗi với dân tộc và nhân dân Sài Gòn về trách nhiệm của ông cho một quá khứ hãi hùng đó.” (Nguyên văn của ông Liêm)

*


Nghĩ vẩn vơ xong, tôi mạo muội xin ông Việt kiều Nguyễn Hữu Liêm rộng lượng ban cho một điều:

Khi nào các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng và các ông quan trọng khác từ giã cõi trần để đi gặp ông Kiệt, thì xin ông Liêm vui lòng bỏ chút thì giờ quí báu, lên talawas kể lại những cuộc ăn nhậu và thú tội của các ông ấy với ông Liêm, cho bà con gần xa được thưởng thức và cảm thông cho các ông ấy. Ông Liêm nhé. Vô cùng cảm ơn ông.

© 2008 talawas