1. Tôi không theo kịp ý câu “
nguồn gốc xuất xứ của các ý niệm như Ý thức Quốc gia, Tinh thần Dân tộc, Truyền thống Mẫu hệ… những ý niệm và phạm trù này là sản phẩm của tư tưởng Tây phương thoát thai từ cái nhìn nhị nguyên phân biệt của Platon và Aristotle”?
2. Những người hiểu biết các ý niệm, ý thức hệ trên thế giới, thuộc nhiều văn hoá khác nhau là một người biết nhiều hiểu rộng; nay lại viết một bài có mục đích cao rộng để phổ biến rộng rãi thì là công đức trí tuệ, không thể kết án hay dè bỉu là vong bản hay nô lệ ý thức…
3. Nô lệ về ý thức hệ hay về tinh thần - dù xuất xứ của ý thức hệ hay tinh thần nói đến là của ngoại bang hay của chính trong nước, thuộc đảng toàn trị hay của một nhà độc tài - có khi thành “giáo điều”, đúng là nguy hiểm như Nguyễn Minh Kiều viết.
4. Có người nghĩ tinh thần dân tộc hay ý thức quốc gia xuất hiện từ thời Lý, Trần; có người - như sử gia Vũ Quỳnh thời Hậu Lê - muốn đặt ý thức quốc gia vào thời nhà Đinh, nhà Lê.
[1] Nhà Đinh vì đã thống nhất đất nước thành một mối, tổ chức thành một quốc gia có quy củ, tổ chức các cơ chế trong nước như triều đình, luật pháp (và hình phạt), quân đội, v.v… Lại còn xưng Đế, (nhận mệnh Trời thế Thiên hành đạo), bổ nhiệm con là Liễn làm Nam Việt Vương. Nhà Lê vì đã đánh Tống bình Chiêm và cho phổ biến bài thơ “Nam quốc sơn hà” do thần nhân ban cho, xác nhận ý thức quốc gia miền Nam chống lại đế quốc miền Bắc.
[2] 5. May mà các vua Lý, Trần không phân biệt/kỳ thị lý thuyết, ý thức hệ hay tôn giáo ngoại bang mà chấp nhận Phật giáo như là một cơ cấu tôn giáo/tinh thần tốt, thích hợp cho dân chúng vào thời điểm đó.
6. Thiền Trúc Lâm Yên Tử có từ đầu nhà Trần do Quốc sư Trúc Lâm khởi xướng, vua Thái Tôn lúc trẻ đã toan lên theo đạo, sau bị Thủ Ðộ và triều đình ép về đời; lịch sử tái diễn, cháu ngài là thái tử Trần Khâm cũng lên Yên Tử tìm đạo, bị vua cha bắt về đời, nối ngôi là Trần Nhân Tôn; khi thôi làm vua mới gia nhập lại rồi trở thành Đệ nhất sư tổ.
[3] Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) là họ hàng của Đệ nhất sư tổ. Viết Thiền Trúc Lâm Yên Tử của Đức Thánh Trần hơi quá rộng rãi.
Cùng ông Phong Uyên, Vào thời tàn của nhà Tần, thời thế tạo anh hùng và anh hùng tạo thời thế. Bên trong, hai nước Hán Sở tranh hùng; bên ngoài, Triệu Đà lập Nam Việt và phía bắc, Mạo Đồn xâm vào trung nguyên. Sau khi Hán thắng Sở, năm 200 trước Công nguyên, Lưu Bang muốn tấn công Mạo Đồn nhưng thua, bị vây ở Bạch Ðăng và phải cầu hoà, nộp tiền của và mỹ nhân. Nhưng về miền Nam thì Lưu Bang không mang quân đi đánh, chỉ cho Lục Giả sang trình bày phải trái khiến Triệu Đà phải nhượng bộ, bỏ đế hiệu, nhận tước vương.
Khi viết rằng chỉ có hai “quốc gia” vai vế ngang ngửa là “quốc gia Nam Việt và quốc gia Trung Quốc”, ta thấymột cái nhìn chật hẹp, bó trong góc nhìn lưỡng cực Việt Hoa mà không thấy cuộc chiến ngang ngửa Hán Sở và chiến thắng Hung nô. Đó là điểm hạn chế về mặt dữ kiện lịch sử căn bản.
Khi muốn chứng minh ý thức quốc gia, tác giả gọi hai nước Nam Việt và Hán là quốc gia Nam Việt và Hán, cho họ đánh nhau, rồi kết luận là họ có ý thức quốc gia. Đây là một thí dụ về phương pháp lý luận vòng tròn, tỷ như muốn chứng minh quả đất tròn, ta gọi là quả, mà nếu là quả vậy thì hẳn là có tính cách tròn. Tiến thêm một bước, có thể kết luận ý thức quốc gia Sở yếu nên nước Sở thua, ý thức quốc gia Hung nô cao nên Mạo Đồn được; còn giữa hai nước có ý thức quốc gia ngang ngửa Nam Việt và Trung Quốc chống đối nhau. Đó là những lỏng lẻo về mặt phương pháp luận.
Ý thức quốc gia không phải vì một danh xưng “quốc gia” mà cần được nuôi dưỡng nên thành truyền thống lâu dài của cả nước. Có người ngạc nhiên khi đọc xác định “Ý thức quốc gia” không có ở những nước Chămpa hay Khmer. Chămpa là một chuỗi tiểu quốc họp thành một vương quốc có vua và chính quyền trung ương.
[4] Khmer khởi đầu với nước Phù Nam, Chân Lạp; lúc đầu Phù Nam trội, sau Chân Lạp thế thượng, sau thành một đế quốc lớn rộng bao gồm Nam Việt Nam bây giờ, Lào, Miến Ðiện, một phần lớn Thái Lan sang bán đảo Mã Lai. Vương quốc Chămpa và đế quốc Khmer đánh nhau cả mươi thế kỷ, bên nọ đã từng tàn phá thủ đô bên kia, trải qua nhiều triều đại.
[5] Do sự việc kéo dài đó nên ý thức quốc gia của hai nước đó thành truyền thống; cho rằng hai nước này không có ý thức quốc gia như Nam Việt (tồn tại trong hơn 100 năm) là một nhận định gây ngỡ ngàng. Trung Quốc chỉ có một tộc Hán cũng là một nhận định gây ngỡ ngàng khác. Hán là một tộc lớn, ngoài ra còn Mãn, Mông, Hồi, Tạng gồm làm năm tộc lớn. Lại còn các giống nhỏ như Miêu, Diêu, Khoả, Sanh phiên và cả thiểu số sắc tộc Việt nữa.
[6] Chế độ mẫu hệ và liên hệ gia đình theo mẫu hệ là hai vấn đề khác hẳn nhau, không nên lẫn lộn.
Về câu viết: Theo sử Việt Nam, chỉ biết Văn Vương là con Trọng Thuỷ và Trọng Thuỷ có một vợ là Mị Châu:
Câu đó có cho phép kết luận Văn Vương là con Mỵ Châu hay không? Không, bởi vì Trọng Thuỷ có thể có một vợ là Mỵ Châu, đồng thời một vợ khác là Mỵ Nương, một vợ khác nữa là Mỵ Cơ v.v… Ta chỉ có thể kết luận Văn Vương là con Mỵ Châu nếu Trọng Thuỷ chỉ có một vợ là Mỵ Châu mà thôi.
Những câu này chẳng ai chứng minh được; thời đó cũng chưa biết ADN để truy ra. Vì vậy, chúng không giúp cho cuộc đàm thoại; trái lại, chúng khép cửa mọi cuộc thảo luận.
Tôi không phủ nhận thiện chí và công lao của người viết. Tôi chỉ muốn nêu lên những điểm lỏng lẻo nên buộc cho chặt chẽ hơn, hầu có thể chấp nhận kết luận.
[1]Nay theo sách của Vũ Quỳnh trước thuật: Bản kỷ chép bắt đầu từ Đinh Tiên Hoàng để tỏ rằng nhà vua đã thống nhất được cả nước: Phàm lệ số 1 về việc sửa soạn
Đại Việt sử ký toàn thư; Ngô Sỹ Liên, Nhượng Tống dịch.
[2]Vân Nam Thiên lục, chuyện Lê Đại Hành và Nguyễn Tử Năng: Thần thoại Việt Nam. Sài Gòn, 1966, Zieleks in lại tại Texas, Hoa Kỳ.
[3]Xem Bài tựa sách
Thiền tông chỉ nam của vua Thái tôn, Ngô Tất Tố dịch, Văn học đời Trần, Khai trí, Sài Gòn, 1960.
[4]Về Vương quốc Chămpa, có thể đọc Louis Finot:
Etudes Epigraphiques sur le Pays Cham; Trần Ky Phuong:
The geography of the ancient kingdom of Champa in Central Vietnam và Dohamide & Dorohiêm:
Bangsa Champa. Tóm-tắt: Vương quốc Chămpa gồm 5 vùng Indrapura (Đà Nẵng), Amaravati (Mỹ Sơn, Quảng Nam), Vijaya (Bình Ðịnh), Kauthara (Nha Trang) và Panduranga (Phan Rang), gồm nhiều tiểu quốc có một phần tự trị nhưng nằm dưới hệ thống trung ương của vua Chămpa dưới danh hiệu Patao. Hai thị tộc lớn là thị tộc Cây Cau và thị tộc Cây Dừa, cùng rất nhiều sắc tộc nhỏ sống rải rác miền Trung Việt. Mất dần cho Việt Nam (chúa Nguyễn) và hoàn toàn bị xoá sổ trên bản đồ dưới thời Minh Mạng sau khi dẹp xong cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi.
[5]Về Đế quốc Khmer, có thể đọc G. Cordes:
The Indianized States of Southeast, translated by Susan Brown Cowing, 1971 6th ed., Hawaii. Đế quốc Phù Nam bao gồm cả Mã Lai và Nam Việt Nam. Vùng Bắc Chân Lạp chiếm thế thượng, gọi là Lục Chân Lạp; còn phần Nam Việt Nam thành Thuỷ Chân Lạp. Đế quốc lan rộng sang Miến Ðiện, Lào, Thái cho đến thế kỷ 13 thì phần Thái Lan tách rời, rồi chiếm luôn Lào. Chúa Nguyễn gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Khmer; sau hai con trai của bà, người làm vua tại Pnompenh, người làm phó vương tại Sài Gòn.Khoảng 1177, Chămpa đánh phá kinh đô Angkor Wat. Ít lâu sau, đến lượt Khmer đánh phá Kauthara và Amaravati.
[6]Xem Phan Khoang:
Trung Quốc sử cương về các sắc tộc dân chúng, Sài Gòn, 1958, Đại Nam in lại tại California, Hoa Kỳ. Các dân tộc lớn tranh nhau nắm quyền: Người Tiên ti đời Tần, người Liêu, Kim đời Tống thuộc Mãn tộc; Đạt đát đời Nguyên, Minh thuộc Mông tộc; Hung nô thời Tần, Hán, Đột quyết, Hổi hột đời Tuỳ, Đường thuộc Hồi tộc (Turcs), Tây hạ đời Tống, Nguyên thuộc Tạng tộc. Triều đại Nguyên là Mông Cổ và Thanh là tộc Mãn ở Mãn Châu.