trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
9.7.2008
Hồ Hữu Tường
Kể chuyện
 1   2   3 
 
Thuỷ Hoàng và thuốc trường sanh

Khi Tần Thủy Hoàng diệt xong lục quốc, tóm thâu cả đất trung nguyên, thì lòng muốn hưởng tất cả cái khoái lạc của địa vị hoàng đế của mình. Bèn cho xây dựng cung A phòng, rồi hạ lịnh truyền ba ngàn gái đẹp hơn hết mà chứa vào cung ấy. Các nàng nầy, giữa tuổi xuân tình phát động, mà bị ở vào cảnh ấy, thường suy nghĩ đến số phận hẩm hiu của mình, oán trách trời xanh, cũng không giải khổ, cầu lòng tứ bí của ai, cũng không bớt buồn tủi. Họ chỉ còn có một lối, là được ngày nào, thì tận hưởng ngày ấy, biết đâu đi giáp ba ngàn cung nữ, Thuỷ Hoàng có thể trở lại viếng mình sau gần mười năm xa cách chăng? Do sự đòi hỏi đó, mà không bao lâu Thuỷ Hoàng suy nhược, thể xác mòn mỏi, lý trí rối beng…

Một hôm Thuỷ Hoàng mệt đừ, nằm nơi ghế ở ngự viên, thì mơ màng hồn phách mà thấy một cơn ác mộng. Tỉnh giấc dậy, thì tay chân bủn rủn, mà tâm hồn lại phảng phất, lòng lo sợ rằng mình sẽ chết nay mai, không được hưởng những khoái lạc của đời, thêm cả sự nghiệp nhà Tần tan rã. Trọn ngày buồn bực, bèn thương nghị với cận thần, để tìm kế hoạch nào để được trường sanh bất tử, hầu làm hoàng đế đến muôn đời.

Thời ấy ở nước Yên có chàng thi sĩ họ Từ tên Phước, thơ đã hay và vẽ rất khéo. Từ Phước nhà nghèo, học giỏi, vốn muốn dùng sở học để làm kế tiến thân. Song đã là một thi sĩ, tâm hồn gởi theo gió thổi đi khắp bốn phương, lòng mong mỏi một cái gì quang đãng, tốt tươi, êm dịu, thì thi sĩ ấy đâu có chịu vì mấy đấu gạo, mấy đồng lương, chút quyền thế mà gò bó bản thân mình trong một chế độ quá độc tài, quá khắt khe như chế độ của Thuỷ Hoàng? Sanh kế đã giải quyết không xong, mà giấc mơ lòng cũng tuyệt vọng. Chàng muốn phô trương văn tâm văn tài của mình để cảm động lòng tuyết giá của một trang gái đẹp lẫn sắc lẫn tâm hồn, để rồi một túp lều tranh, hai quả tim vàng, thơ chàng được giọng nàng ngâm lên, ý nhạc, lời thơ, nung nấu một ái tình đầy thơ mộng. Chàng cũng đã để ý đến một hai nàng quốc sắc, một vài đoá thiên hương, nhưng rủi thay, cuộc tuyển chọn cung nữ vào A phòng, đã hốt tất cả hoa đẹp của trần gian về trồng riêng cho Thuỷ Hoàng độc hưởng. Chàng vỡ mộng, như say, như tỉnh, chán thế sự, chán tình đời. Từ sáng đến chiều chỉ uống rượu, vẽ các cô đẹp lên tranh, rồi nhìn tranh ngâm thơ, để vịnh, để hưởng khoái lạc với người trong cảnh mộng… Chẳng bao lâu, sự nghiệp hết sạch, không kế sanh nhai, cũng may là có vị quan già của nước Yên, tên là Vị Vô Kỵ, mến tài vẽ, tài làm thơ của chàng, nên đem chàng về cho ở nơi thơ phòng, cấp rượu, cho áo cơm, để mặc, tình chàng sáng tác…

Vị Vô Kỵ không có con trai, chỉ sanh có một gái. Tuy nết na thuần thục, trí tuệ thông minh, song tiểu thơ không có chút nhan sắc, thành ra thiên hạ thường gọi nàng là Vị Vô Diệm, mặc dầu cha mẹ đã đặt cho nàng một cái tên rất đẹp là Lệ Tiên. Vô Diệm sớm mồ côi mẹ, và cũng bởi buồn về nhan sắc của mình, thành ra hay đọc sách để cho tâm hồn thoát cảnh trần gian là cảnh khổ của mình và tách vào được cảnh tiên đầy thơ mộng. Gặp hoa nói chuyện với hoa, gặp điểu nàng vui đùa với điểu, nàng lần lần làm bạn với đủ mọi loài, che chở cho giống nầy, binh vực cho giống kia, nàng trở thành nàng tiên của miếng vườn của mình… Một hôm, nàng thấy một con ong mật vướng lưới, the thé gọi nàng cứu tử, vì một con nhện hùm to tướng toan chạy lại để giết con ong. Nàng lật đật nhặt cành, khều con ong thoát khỏi lưới nhện. Ong chưa chịu bay đi, còn lẩn quẩn bên tai mà tạ ơn.

"Cảm ơn tiên nương đã cứu mạng, ngày sau tôi sẽ trả ơn! Tiên nương muốn điều chi, ngày mai xin cho tôi biết."

Vô Diệm chưa biết đòi hỏi gì, thì ngẫu nhiên, bước thơ thẩn của nàng đưa nàng đến bên cạnh cửa sổ của thư phòng Từ Phước đang ở. Từ Phước đang chăm lo vẽ tranh, không để ý đến nàng. Nàng đứng nép một bên, thấy tranh cũng gần xong, và vẽ một nàng tiên cực kỳ đẹp đẽ, áo xiêm màu sắc lộng lẫy, má phấn ửng hồng môi son thắm nở, mũi thẳng mày cong, dáng đứng rất yểu điệu, cầm cây quạt xoè mà che khuất chút cầm. Khi vẽ xong Từ Phước mới lấy bút, chấm mực mà vẽ vào quạt, rồi đứng lui lại ngắm nghía, và ngâm lên bài thơ vừa viết, như là niệm thần chú:

Chiêu dương cung tạm vắng một giờ,
Ngó ý, tơ lòng lựa phải mơ!
Trót đã yêu đương đừng ái ngại,
Cùng nhau ta sống một bài thơ.

Vô Diệm thấy nàng trong tranh nhích nụ cười duyên, cúi đầu như tỏ vẻ ưng thuận, rồi bước ra khỏi tranh, đến trước Từ Phước mà hỏi:

"Chàng gọi thiếp đến có việc chi?"

"Cảnh đời buồn tẻ vắng kẻ tri âm. Bực tài hoa, trang quốc sắc, không đâu tìm có, nên ta mời nàng đến, nhờ nàng đãi thi sĩ đôi giờ hạnh phúc. Nàng có vui lòng chăng?"

"Thiếp là tiên trong mộng, chàng dạy sao, thiếp đâu có chối từ, huống chi, không còn bao lâu, chàng sẽ gặp duyên lành, thì cái tình chùng lén của đôi ta, biết chàng có nung nấu trong lòng hay chỉ mải vui duyên mới."

"Vội nói chi đến phút xa cách. Ta nên tận hưởng sự vui của hội ngộ. Vậy nhớ nàng khiêu vũ để giúp vui."

Nàng trong tranh vâng lời, nhún mình, vòng tay rồi múa, chậm chậm ngâm theo nhịp:

Nhẹ nhàng bước lụa nhịp lên nhung,
Nầy khúc nghê thường ở quảng cung…

Từ Phước nối lời ngâm theo cho hoà giọng:

Vóc liễu uốn cong, tà áo cuốn,
Má đào ẩn hiện giữa muôn hồng.

Chẳng nhịn được Vô Diệm khen lớn:

"Sắc đẹp thơ hay, múa dịu dàng, tiếng thanh tao! Ở trần thế làm gì có một nàng thứ hai như vậy?"

Nghe có tiếng người, nàng tiên lật đật chạy vào tranh, rồi đứng nghiêm, im bằt bặt. Từ Phước cũng bẽn lẽn chào Vô Diệm.

Về nhà trong, Vô Diệm cứ mơ mơ tưởng tưởng cảnh âu yếm mà nàng vừa mục kích, chỉ tiếc sao mình quá xấu xí, không sánh được cùng Từ Phước như nàng tiên. Song nàng nghĩ rằng Từ Phước đã có phép hoạ bức tranh thành tiên được, thì chẳng lẽ nào chẳng biến mình ra đẹp được? Nàng tin tưởng như thế, nên vào thưa với cha, thuật tất cả điều mình vừa mới thấy và tỏ nỗi lòng tha thiết của mình. Vị Vô Kỵ, vốn thương con, nhơn ở trào biết lòng mong mỏi của Thuỷ Hoàng, nên hỏi:

"Con có chắc Từ Phước có tài vời tiên đến chăng?"

"Con dám quả quyết như vậy."

"Như vậy, thì cha có cách làm cho chàng phải bằng lòng cưới con. Chờ cha e chàng chê con thô kịch mà từ chối, nếu cha ngỏ ý gả con cho chàng. Cách ấy như thế nầy, là ngày mai, cha sẽ tâu với vua, là con có biết một người có phép vời tiên đến. Nếu vua muốn tìm thuốc trường sanh, thì không thể hỏi người phàm, mà chỉ hỏi tiên mới được. Nếu vua bằng lòng tứ hôn, gả con cho Từ Phước thì chàng sẽ vời tiên đến cho vua hỏi. Còn việc tiên sẽ ban cho cùng không, là việc riêng của tiên không can hệ chi đến mình..."

Hôm sau, khi Vị Vô Kỵ vào chầu, thì Vô Diệm sống trong những phút hồi hộp. Nàng không biết nhà vua có chấp thuận lời tâu của cha nàng không? Nàng không biết Từ Phước có sợ oai vua mà cầu tiên đến chăng?

Bỗng nghe bên tai văng vẳng tiếng chào:

"Tiên nương chớ nên lo lắng lắm. Tôi đã biết rõ các chi tiết, tôi đi hút trong một vườn hoa ngự, nghe trong cung bàn rằng, vua sẽ tứ hôn mà gả tiên nương cho Từ công tử. Song muốn cho được tình duyên ép buộc nầy được dẫy đầy hạnh phúc, thì xin cho tôi dâng kế mọn nầy, gọi là tạ ơn cứu tử hôm qua."

Vô Diệm hỏi:

"Kế chi?"

"Tiên nương hãy vào lấy cái ly thuỷ tinh có nắp, lấy sáp trây đầy phía trong của ly lẫn nắp, rồi nhắc ghế cao mà để ly nơi giữa sân vườn. Mọi mặt khác, tiên nương lấy giấy viết như vầy, như vầy…"

Vô Diệm y lời, đặt ly thuỷ tinh xong nơi giữa vườn, thì viết một cái thư cho Từ Phước.

Ngồi nơi thơ phòng đọc sách Từ Phước thấy hơn một trăm con ong ngậm một sợi tơ dài, bay đến, kéo theo một bức thơ. Thơ rằng:

"Thưa Từ công tử,

Công tử sẽ được thiên tử triệu vào chầu hỏi công tử có phép vời tiên đến chăng? Thì công tử hãy đáp rằng các vị tiên đa đoan, không phải lúc nào là vời cũng đặng. Nếu nhà vua muốn hỏi công tử tình nguyện đi tìm mà hỏi thay cho. Nếu nhà vua ngỏ ý muốn có thuốc trường sanh, thì công tử tâu rằng ngày trước tiên có ban cho công tử một ly, đủ cho một người uống, và công tử có gởi cho Vị tiểu thư cất. Nếu nhà vua muốn dùng, thì xin truyền lịnh cho Vị Tiểu thư dâng cho."

Chàng lấy làm lạ, không biết thư từ ở đâu mà gởi đến. Còn đang suy nghĩ, bỗng đâu cả trời vần vũ, mây che khuất bóng thái dương, tiếng ù ù càng gần, rồi sát bên cạnh tai. Chàng thấy Vô Diệm đứng ngoài sân dường như nói chuyện với người khuất mặt, bên cạnh một cái ghế có đặt một cái ly thuỷ tinh. Hơn giờ sau, trời lần lần tỏ lại, mây đen tan rồi tiếng ù ù bớt rồi im hẳn, vầng thái dương lại lộ ra. Vô Diệm lấy nắp đậy ly thuỷ tinh, dùng sáp trét kính rồi bưng vào nhà. Từ Phước mới yên lòng, cho rằng nàng đã có ly thuốc trường sanh thì đồng thời, bức thơ nấy đã có linh nghiệm.

Còn về phần Vô Diệm, khi đứng ngoài sân, nàng đã nói chuyện với ong, làm cho nàng lâng lâng trong lòng, tin rằng nàng cầm chắc hạnh phúc của nàng trong tay. Con ong đã nói:

“Từ ngày Thuỷ Hoàng lập cung A phòng, dài rộng không kể được bao nhiêu dặm thì đem hoa lạ cỏ thơm mà trồng khắp. Hoa đã đẹp thì mật ong càng chứa nhiều chất hậu mật. Nên chi trong các tổ ong, chất hậu mật dồi dào, thừa số cầu, chứa lâu không dùng, thì mất chất quí của nó. Nhờ ơn tiên nương cứu tử tôi có đến các tổ mà hỏi vay đến các phong hậu, ít nhiều hậu mật để đủ lượng mà cung cấp cho tiên nương. Đàn ong đến đây, tức là đem hậu mật mà cho tôi đó! Sau nầy, nhà vua có hỏi thuốc trường sanh, thì tiên nương hãy đem ly mật đó mà dâng. Nhà vua không dám dùng, thì tiên nương tình nguyện mà uống để thí nghiệm. Tiên nương chỉ đóng cửa mà ngủ ba ngày ba đêm, thì sẽ có hoàn toàn công hiệu…"

Ngày thứ hai Vô Diệm theo cha vào chầu, triều bái tung hô xong rồi thì Thuỷ Hoàng ra lệnh gọi Vô Diệm đến quì trước sân chầu mà hỏi:

"Khanh có biết vị đạo sĩ biết vời tiên đến phải không? Nếu quả như vậy khanh hãy giới thiệu cho trẫm biết. Trẫm tứ hôn ngay cho khanh, y như theo lời xin của cha khanh."

Vô Diệm tâu:

"Thần thiếp vô phúc, mà chẳng có nhan sắc, lại thầm yêu vị đạo sĩ ấy. Nếu thiên tử tứ hôn, ấy là ban phúc lớn cho thiếp, vì thiếp sẽ nhờ chàng vời tiên đến mà biến hình cải dạng cho thiếp thành tiên và hoá ra bất tử nữa! Vị đạo sĩ ấy đang ở tại nhà cha thiếp, họ Từ tên Phước đó. Chính thiếp đã chứng kiến thấy rõ chàng vời tiên đến, lại khiến tiên múa, hát, ngâm thơ."

Thuỷ Hoàng sai sứ đem kiệu vời Từ Phước đến ngay; khi chàng tung hô xong xa, thì Thuỷ Hoàng hỏi:

"Khanh có phép vời tiên đến được phải không?"

"Tâu bệ hạ, việc vời tiên đến, thì quả thật là có. Nhưng tiên đa đoan, không phải lúc nào cũng vời đến được, hay có thể vời bất cứ hạng nào cũng được. Bần đạo, nếu cần thì phải đi tìm tiên mà hỏi. Gần hay xa, là tuỳ theo muốn hỏi vị tiên nào, tức là tuỳ câu hỏi vậy."

"Trẫm muốn nhờ khanh tìm tiên để cầu thuốc trường sanh, phỏng có được không?"

"Thuốc trường sanh không phải dễ tìm. Nhưng nếu bệ hạ muốn dùng, hà tất phải nhọc. Trước đây, tiên có ban cho bần đạo một ly thuốc trường sanh, chỉ đủ cho một người như chúng ta uống vào, thì hoá ngay ra tiên, thành trường sanh bất tử. Ly thuốc ấy, bần đạo chưa dùng, còn gởi cho Vị tiểu thơ cất giữ giùm. Xin bệ hạ cho hỏi Vị tiểu thơ để coi ly thuốc trường sanh hãy còn chăng?"

Tần Thuỷ Hoàng gọi Vô Diệm hỏi:

"Tiểu thơ có cất ly thuốc trường sanh chăng?"

"Tâu bệ hạ có! Xin cho thần thiếp về đem lại ngay."

Nàng lên kiệu về, trong một khắc đem lại ly thuỷ tinh đầy mật, quí mà dâng, và tâu rằng:

"Đây là ly thuốc trường sanh, xin kính dâng bệ hạ."

Thuỷ Hoàng vừa muốn ra lịnh thâu nạp, thì thừa tướng Lý Tư quì xuống tâu rằng:

"Xin bệ hạ chớ vội. Phỏng đạo sĩ và Vị tiểu thơ toa rập mà dưng thuốc độc cho bệ hạ, thì giang sơn nầy sẽ ra sao?"

Thuỷ Hoàng nổi giận, truyền dẫn Từ Phước, Vị Vô Kỵ và Vị Lệ Tiên ra pháp trường chém ngay. Lệ Tiên quì lạy tâu rằng:

"Trước khi chịu tội chết, xin bệ hạ nghe thần thiếp tâu. Bệ hạ chưa biết ly thuốc này là ly thuốc độc hay ly thuốc trường sanh. Vậy xin bệ hạ cho thần thiếp uống ngay giữa triều. Thuốc trong ba ngày sẽ có công hiệu. Nếu là thuốc độc, thần thiếp chết rồi, bệ hạ hành quyết cha thiếp và Từ Phước sau cũng không muộn. Còn nếu quả là thuốc tiên, thì vợ chồng thiếp tình nguyện đi cầu tiên mà xin thuốc khác cho bệ hạ dùng."

Thuỷ Hoàng nghe tâu có lý, truyền giao ly mật cho Vô Diệm uống hết, lại gọi Từ Phước mà an ủi:

"Nay trẫm tứ hôn cho khanh và tiểu thơ. Việc bất thành thì vợ chồng chịu chung chết. May mà vị tiểu thơ cởi lốt thành tiên, thì ta sẽ cho hai vợ chồng cùng đi tìm tiên mà xin hai phần thuốc nữa. Để ta cùng ngươi cùng uống, đặng đồng cởi lốt thành tiên, đồng hưởng phú quí đời đời kiếp kiếp."

Mãn chầu Từ Phước buồn bực hết sức, ăn ngủ không an. Phần bị bắt buộc làm chồng của một nàng thô kệch, xấu xí, phần lo rằng thuốc không công hiệu. Còn tiểu thơ thì khoá chặt phòng, ngủ thiêm thiếp, chẳng nghe cựa quậy.

Vừa dứt ngày thứ ba, thì một bầy ong như cũ, đem lại cho chàng một bức thơ như lần trước. Thơ rằng:

"Thưa công tử,

Công việc đã thành. Vị tiểu thơ đã cởi lốt thành tiên. Nhưng hai vợ chồng phải tìm kế mà thoát thân. Ở lại, mang hoạ lớn với tay bạo ngược. Mà dâng thuốc trường sanh cho giống ác, thì công tử đời đời kiếp kiếp, sẽ bị nguyền rủa của dân chúng bị áp bức và lầm than!

Vậy nên thừa lúc nó mong mỏi thuốc trường sanh, mà đòi mười chiếc thuyền lớn, năm trăm gái đẹp, năm trăm trai tơ khoẻ, các thợ khéo đủ nghề, hột giống đủ thứ của báu, gấm vóc đủ thức gọi là lễ cầu thuốc tiên. Rồi ra Đông Hải, nhắm mặt trời mọc mà đi hoài, sẽ có chỗ gởi thân."

Đến ngày thứ ba, Vị Vô Kỵ, Vị Lệ Tiên và Từ Phước đồng đi vào chầu. Thuỷ Hoàng gọi Lệ Tiên nàng thoát màn kiệu, bước ra sân chầu, thì quả nhiên là một tuyệt sắc giai nhân, ngực vung, lưng eo như lưng ong, mông tròn, chân dài, tay dịu, mặt như tranh vẽ, mày liễu, mắt ngời. Ba ngàn cung nữ trong A phòng không ai sánh kịp, Tần Thuỷ Hoàng đã muốn đổi ý.

Từ Phước quì tâu để trình bày chương trình vượt Đông Hải tìm hiểu. Không quên nhắc rằng Thuỷ Hoàng có thể cầu được thứ thuốc để biến thêm người đẹp hơn Vị tiểu thư nữa… Thuỷ Hoàng y tấu, truyền chọn đúng tất cả các món đã kể. Còn đưa thêm nhiều món quí để cầu xin nhiều thuốc, hầu luôn dịp cải ít người cung nữ thành tiên một thể. Trong vài ngày dự bị xong xuôi, vợ chồng Từ Phước xuống thuyền. Mười chiếc thuyền, một buổi tinh sương, tiến nhẹ trên biển đông êm lặng. Vừng thái dương vừa ló dạng, nhuộm màu tươi cho nền trời… Để Thuỷ Hoàng vị độc tài khét tiếng của thời xưa ở lại lãnh cái số phận thối tha là chết sinh trên đường từ Sa Châu về Hàm Dương, trên xe chở quan tài lại chở thêm cá ươn cho tiệp mùi hôi.


Ngày chót của một nữ sứ quân

Ở vào thời loạn ly, quần hùng tranh khởi mỗi nơi, và xưng làm sứ quân. Hà Tranh, sứ quân ở một xứ nọ bị tuỳ tướng là Đặng Huy giết đi mà đoạt tất cả binh quyền. Hà Mai là con gái Hà Tranh bị ép làm thiếp. Nàng không chịu, chờ cái chết.

Lưu Hổ, một thầy thuốc ở miền thượng du xuống, xúi nàng hãy tạm ưng đi, rồi sau sẽ tìm cách thuốc chết Đặng Huy và gia đình đoạt lại sự nghiệp của cha. Riêng Lưu Hổ hy vọng sau nầy sẽ làm chồng của Hà Mai và làm chủ một cõi. Kế nầy thành nhưng Hà Mai lại có chí hiên ngang, gạt Hổ qua một bên, tự mình làm sứ quân.

Hổ giận oán tìm con gái của Đặng Huy còn sống sót mà xúi dục báo thù.

Nàng Đặng Liên vì sức yếu, vì không thề gần vị nữ sứ quân mà hành thích, bèn lập kế tìm anh là Đặng Huệ đang tu luyện ở một ngôi chùa miền rừng núi dùng đủ lời lẽ xúi anh báo thù. Khi Huệ đã xiêu lòng, Liên bày kế giục anh đến gần Mai mà giảng đạo, làm cho Mai mê, rồi chiếm quả tim của Mai, sau sẽ thuốc chết Mai mà đoạt lại ngôi sứ quân cùng trả thù cha.

Kế nầy thi hành được phân nửa thì Mai lại biết được. Mai và Huệ lại yêu nhau nồng nàn. Mai bèn thành thực mà giải tại sao nàng phải làm như thế. Mỗi bên đã mất một người cha. Nàng lại có mang. Nếu không chấm dứt dây nhơn quá thì thù oán biết bao giờ cho hết. Âu là để cho kết quả của tình yêu được ra đời.

Đàng nầy Liên thấy kế mình thất bại, định giết người thù, lẫn cả người anh phản bội bèn hỏi kế nơi Hổ khiến giả vờ để có dịp ăn chung mà thuốc chết cặp vợ chồng ấy đi.

Có người hay được báo cho Mai. Mai gọi Liên đến Liên thú nhận. Mai thành thật tha tội cho và chọn ngày mở tiệc đoàn viên. Bộ hạ của Mai khuyên gián không được bèn định với nhau toan thuốc chết tiêu đi cho rồi.

Trong tiệc đoàn viên, hai vợ chồng sứ quân và em là Liên cùng ăn. Giữa tiệc, mọi người đều thấy rằng mình đã sắp chết không cứu được… Quân do thám vào báo. Đạo quân hùng hậu của Đinh Bộ Lĩnh tràn đến. Mai và Huệ cùng nói:

“Sức của một số ít người không thể dứt được sợi dây nhân quả của tiền cừu hậu hậu mà nguyên nhân đầu tiên là sự tranh giành ngôi sứ quân này, nay âu cho nó dứt bằng cách hàng đầu Đinh Tiên Hoàng đế vậy.”

(Ánh Sáng, số 234, ngày 12-12-1948)


Nàng mọt sách

Ngày xưa…

Ở đất Hậu Xuyên có chàng học trò nọ, họ Hồ, tên Lân Trinh, tự là Khổng cưu. Lân Trinh vốn nhà nghèo, nên lúc nhỏ, vừa học biết chữ, thì sang học nghề, chớ chưa được theo đòi thơ phú. Chàng thấy những bạn cùng trang lứa vịnh hoa, thưởng nguyệt, uống rượu, rung đùi, thì cũng biết thèm thuồng. Song nghĩ rằng: Những thú đắt tiền nầy chưa phải để cho mình, âu là nhịn vậy. Chừng nào đánh đuổi được con ma nghèo đang quấn quít bên lưng, chừng ấy hãy thưởng thức văn chương, cũng chẳng muộn đó!

Cho hay, trời ít chiều người. Khi Lân Trinh dành dụm được một món tiền, toan đến tỉnh thành mua văn thơ để đọc, thì giặc giã nổi lên, đốt thành, phá xóm. Chàng phải trốn tránh, bỏ xứ, đến ở ngụ một vùng sơn cước rất quê mùa, nơi tư am của một vị lão đạo sĩ. Ngày, ngày, đạo sĩ chỉ lo việc dưỡng thần, nuôi khí, luyện đơn không ưa trò chuyện nên Lân Trinh kéo dài một đời chán phèo, cách khoảng bằng những việc trồng khoai, tỉa bắp. Một hôm, khi dọn am cho sạch sẽ, chàng lượm được trong xó một quyển sách xưa. Mừng như được vật báu, chàng giở ra xem, thì than ôi, không có một trang nào là còn nguyên cả. Và có một con hai đuôi đương vội vã len mình vào giữa những tờ sách để trốn.

Giận lắm, chàng lấy ngón tay đè lên con hai đuôi. Chỉ nhấn mạnh một cái, thì con vật ấy nát ngớ… Chàng nói:

"À, té ra mi đã đục khoét những tờ sách quí nầy. Để ta giết mi, mà phạt cái tội ấy."

Nhưng đã nói được, thì hơi giận hạ xuống, trí chàng sáng lại, và nghĩ:

"Ta bảo nó có tội, nhưng mà tội gì? Cắn giấy ăn sách để sống, thì nó cũng như ta ăn cơm để sống; mà có ai bắt tội ta ăn cơm?..."

Nghĩ thấy mình vô lý, chàng giơ tay lên, thả cho con hai đuôi lẩn trốn giữa hai tờ sách. Rồi, tiếc của quí, chàng tìm đọc chữ được, chữ mất, trang có, trang không. Đọc mãi, mắt hoa, trí mệt, mà không hiểu chi cả. Chàng mới dựa cột, gấp sách lại để nghỉ…

Bỗng nhiên, chàng phải giựt mình, choá mắt vì những tia sáng phóng về hướng chàng. Lân Trinh nhìn kỹ, thì từ ngoài sân bước vào một thiếu nữ, mặc áo dài tha thướt, bằng một thứ lụa ngời như bạc, phản chiếu ánh sáng nên lấp lánh như kim cương. Nàng bước tới nhẹ nhẹ, vạt áo sau kéo dài. Lân Trinh nhìn thấy vạt áo có hai tà còn lê thê tận ngoài bãi cỏ, không khác chi các thứ áo lễ phục của những bà hoàng ở Tây phương. Chàng đứng dậy vái chào. Thiếu nữ mủm mỉm cười duyên, gật đầu đáp lễ và thưa:

"Thấy chàng cô độc, cùng ở với lão đạo sĩ mà không được mấy khi hầu chuyện, tìm làm bạn với sách vở lại không nên việc, thiếp đường đột đến luận chuyện thơ văn với chàng, gọi để đền chút ơn riêng. Chẳng hay chàng có vui lòng chăng?"

Lân Trinh vốn là một thơ sinh chưa từng có dịp nói chuyện thân mật với một trang gái đẹp nên luống cuống và ấp úng hỏi:

"Chẳng hay nàng là ai, có họ hàng chi với lão đạo sĩ chăng?"

Thiếu nữ đáp:

"Chàng hỏi như vậy rất chí lý. Vậy xin nghe thiếp thuật chuyện sau đây."

Ngày xưa, trên Thiên Đình, luôn mấy năm, những táo quân về chầu Ngọc Hoàng đều dâng sớ tâu rằng: Dưới trần thế không có việc chi cả. Ngọc Hoàng lấy làm lạ sao loài người thình lình lại ngoan như thế; bèn sai Thái Bạch Kim Tinh xuống trần xem xét, coi sự thể do đâu.

Sau khi xem xét xong rồi, vị tiên ấy về tâu lại rằng:

"Sở dĩ loài người ngoan ngoãn thế nầy, ấy bởi họ đương trải qua một hồi ‘văn trị’. Họ không mê say việc chiến đấu, giết lẫn nhau; họ không thèm nghĩ đến việc hại nhau, lừa nhau…"

Ngọc Hoàng nghe tâu đến đó, ngạc nhiên hỏi:

"Thế thì họ không tuân theo luật của Tạo hoá đặt để cho là: ‘Cạnh tranh sanh tồn’, ‘Ưu thắng liệt hại’, nữa sao?"

Thái Bạch Kim Tinh đáp:

"Tâu Ngọc Đế, điều ấy tôi không dám dự đoán về tương lai. Song xét hiện tình, tôi thấy họ chỉ thích ngâm thơ mà rung đùi, đọc sách mà đánh chén… và quên luật tranh đấu của Tạo hoá."

Ngọc Hoàng hỏi:

"Sách là cái gì, mà chúng nó đọc phải mê, quên cái luật vĩ đại của Tạo hoá?"

Thái Bạch Kim Tinh thưa:

"Tiên, Phật chúng ta là người của thời thái cổ, bởi dày công tu luyện, mà đã sớm thành chánh quả. Bởi sớm thành chánh quả, nên chưa chứng kiến được những việc phát kiến sau nầy của loài người, do một lòng muốn vô biên. Ấy là lòng cố gắng tìm tòi để sáng chế vật nầy món nọ, hầu đoạt quyền của con Tạo. Lòng cố gắng ấy do óc tranh đấu kích thích. Tranh đấu lẫn nhau chưa đã, họ còn muốn thi đua với Tạo vật nữa… Vì vậy mà suốt một quảng hạ ngươn, hai mươi bảy ngàn năm, họ giết chóc lẫn nhau, chuyên lấy võ mà trị nhau, làm mồi cho Quỷ vương cám dỗ, thoát xác, thì sa xuống Diêm đình, bị phán xét rồi, thì chịu những hình phạt của Địa ngục.

Trong khi ‘Cạnh tranh sanh tồn’, ‘Ưu thắng liệt bại’, kẻ nào có khi giới lợi hại hơn thì hơn. Mà cái khi giới siêu đẳng lại là thứ ‘khí giới để chế tất cả khí giới khác’: Ấy là trí óc. Trí óc của loài người đã giành đoạt không biết bao nhiêu bí mật của vũ trụ, lại sáng chế lắm thứ, mà con Tạo chưa thể chế ra. Thế nên, để ghi chép bao nhiêu thành tích nầy, trí óc loài người bày ra văn tự, vừa là cái kho tàng để chứa bao nhiêu phát kiến, vừa là một lợi khí sắc bén để tranh đấu lẫn nhau.

Hướng theo chiều của tranh đấu, thì văn tự là một thứ khí giới lợi hại hơn tất cả khí giới khác. Mà thỉnh thoảng, khi nào không có dịp chiến đấu, một đôi kẻ nhìn trở vô tâm tình mình, họ thấy có cái gì hay hay, đẹp đẹp. Họ cũng mượn văn tự mà ghi lấy, gọi là Thơ. Thơ có thể làm cho loài người mê say, mê hơn mê gái đẹp. Rồi ca lên mãi, tụng lên mãi. Thơ lại chiều lòng người, hiện hình ra, đến cùng người, đem lại quyến luyến. Một tôn giáo mới xuất hiện, mà giáo chủ là Nàng Thơ. Kẻ tín đồ của tôn giáo nầy cũng say mê, khổ hạnh, hi sinh, tử đạo. Và thỉnh thoảng cũng có kẻ đắc đạo. Và khi đắc đạo rồi không sa xuống Địa ngục, chẳng sang Tây phương chầu Phật, chẳng đến Bồng Lai mà thành Tiên. Kẻ đắc đạo nầy về một cõi riêng gọi là Tao Đàn, do Nữ hoàng là Nàng Thơ làm giáo chủ.

Quỷ ở Diêm cung khó gặp. Đạo sĩ phải dày công tu luyện lắm, mới ra mắt được Tiên. Tu sĩ phải khổ hạnh mấy chục kiếp mới mong tao ngộ Phật. Còn những vị đắc đạo của tôn giáo nầy, những vị mà tín đồ của họ tặng gọi là Thi sĩ, lại dễ cầu khẩn, mà đến ngay. Họ cũng dễ thoát xác, mà thành trường sanh bất tử. Nhưng mà khi họ còn tu luyện, mỗi vị đều để lại những phù chú riêng mình, ghi lại trong những thứ gọi là sách. Muốn cầu họ đến, tín đồ chỉ có việc giở sách ra, mà đọc lại những lời phù chú ấy. Lập tức các vị trường sanh bất tử kia đến ngay mà đàm đạo thân mật với tín đồ. Kẻ thấp tu, thì chỉ nghe họ thuyết pháp. Người bắt đầu vào đường đạo, thì được tự do thảo luận, biện bác tuỳ nghi. Rồi khi giáo chủ là Nàng Thơ điểm đạo cho, thì người ấy cũng có thể thành Thi sĩ, ghi phù chú vào sách, để đời sau truyền tụng thành ra bất tử, lên cõi Tao đàn.”

Ngọc Hoàng nghe báo cáo, suy nghĩ giây lâu, rồi phán rằng:

“Thứ tôn giáo nầy, tu dễ đắc đạo, có thể nào bị Quỷ vương len vào cám dỗ tín đồ chăng?”

Thái Bạch Kim Tinh tâu rằng:

“Thưa Ngọc Đế, thỉnh thoảng cũng có kẻ bị Quỷ vương cám dỗ, dùng lời thơ mà ca tụng sự giết chóc, dùng hồn thơ mà phụng sự cho lẽ tà.”

“Thế thì, Thiên Bồng Nguyên Soái, mau xây dựng một viện tàng thơ cho to rộng; các Thiên thần mau đi khắp trần giới sưu tầm tất cả những tập kinh của tôn giáo ấy đã có từ bao giờ; và đặt luật nạp bản để về sau, mỗi Thi sĩ mới đều phải cung cấp cho Thiên đình bản nạp để làm dấu tích. Trước là để Thiên đình khảo dượt xem tôn giáo ấy phải chăng là một chính giáo hay là một tà giáo? Sau để Tiên, Phật có thể có đủ thứ sách mà đọc. Chẳng lẽ người phàm ô trược, lại được hưởng thụ đọc sách, còn bực dày công tu luyện lại chẳng được hưởng thú ấy sao? Và cũng chẳng lẽ, khi Tiên Phật muốn đọc sách, lại phải xuống trần gian, chịu luật đấu tranh, ngụp lặn trong biển khổ, mới được đọc sách? Như vậy, Bồng Lai và Niết Bàn sẽ tẻ lạnh, nếu ta cho Tiên Phật tự do mà xuống trần đọc sách. Còn nếu ta sợ Tiên Phật cạm vào mùi tục luỵ mà ngăn cấm, thì Thiên đình sẽ loạn mất đi! Bởi cái lý dễ hiểu rằng Tiên Phật cố tình làm vi pháp để được, nghe rõ chưa, để được bị đày xuống trần gian… mà đọc sách!”

Cách đó không bao lâu, Ngọc Hoàng gọi Tiên Dung công chúa, là gái út, đến mà dạy rằng:

“Ngày nay ngày khánh thành viện tàng thơ, các bác Phật, các chú Tiên của con đều đến đủ mặt để dự lễ. Con hãy sớm sang bên đó, dọn sẵn đào trường sanh nơi sảnh đường, chưng tất cả những chè tiên tửu cho ấm để đãi khách.”

Tiên Dung công chúa nghe lời cha, đã thấy vui lòng rồi, thêm khắp khởi mừng, vì được chứng kiến một lễ có mời đủ Phật, Tiên, một lễ chưa từng có trên Thiên đình.

Đúng giờ, tường vân bao phủ khắp, hào quang muôn sắc chọc thủng nóc trời, bắn tia ngoài càn khôn, rọi khắp ta bà thế giới. Từng chập, đàn bạc do các vị Tiên cỡi đến, kết thành những ca vũ đoàn thiên nhiên, múa hát tưng bừng; tiếng nhạc trong trầm bổng ngân, len lỏi khắp mọi nơi, làm cho lũ Ngạ quỷ bị trừng phạt ở Diêm đình nghe mà mê say, quên cả đau khổ của tra tấn. Vừng Thái Dương nghe nhạc, dừng lại trên đường nghiêng tai nghe, rồi nhảy múa theo nhịp. Còn vừng trăng, nãy giờ bỏ trống bởi chị Hằng Nga được mời dự lễ bây giờ nghe nhạc, trở nên lững lờ, như say vì nhạc, như mê vì âm. Rồi mùi hương sen, do các hoa sen chư Phật ngự đến, xông lên như thuỷ ba giợn sóng, làm cho vạn vật ngửi lấy mà tự nhiên thoi thóp thở; đồi núi được luồng sóng ấy gởi vào, chỗi dậy, nghiêng tai nghe, suối thác thì thầm nói chuyện với nhau, ca ngợi mùi hương lạ chưa hề ngửi được…

Nơi sảnh đường, đủ mặt chư Tiên, chư Phật, Ngọc Hoàng ra lệnh gọi Tiên Dung công chúa dâng tiên tửu chưng ấm, để làm lễ khai mạc cuộc khánh thành tàng thơ nầy. Nghe lịnh, Tiên Dung công chúa rụt rè tiến đến trước Vua cha, mọp xuống, mặt biến sắc, thất thần, chỉ nói được câu:

“Con xin chịu tội!”

Chư Tiên, chư Phật đều làm lạ sao buổi lễ long trọng dường này, lại là một toà án đặc biệt để cho Ngọc Hoàng xử tội đứa con gái cưng của mình. Cả thảy đều nhìn vào Đức Phật Di Lạc, như nhờ người hỏi tại sao có việc lạ vậy? Không dè chính Ngọc Hoàng cũng lấy làm lạ, mà nhẹ nhàng hỏi con:

“Sao con không bưng rượu chưng, lên để đãi khách, mà lại xin tội? Tội gì?”

“Tội con thiếu nữ công, nữ hạnh…”

Ngọc Hoàng, chư Phật, chư Tiên nghe Tiên Dung công chúa tâu đến đó, dường như nghe sét đánh bên tai. Tất cả muốn hiểu vì sao vị công chúa ngoan ngoãn như thế kia lại phạm vào trọng tội nọ. Thì công chúa tâu tiếp:

“Bởi vì con đã lỡ tò mò, muốn biết trước lý do của cuộc lễ long trọng này. Nên con đã để tất cả rượu lên lửa, rồi con lẻn vào tàng thơ coi nơi ấy có gì. Con thấy chồng chất đầy trên ngăn, những vật giống nhau, đưa gáy ra ngoài, trên gáy có chữ vàng. Không biết là vật gì.”

Tâu đến đây, dường như cảm xúc, Tiên Dung công chúa tức tưởi khóc. Đức Di Lạc thấy vậy động lòng thương hỏi:

“Tại sao cháu lại khóc?”

Tiên Dung công chúa thưa:

“Phải chi con là gái trần tục quê mùa, thì có lẽ con không đến đổi phạm trọng tội nầy. Nhưng bởi con là Tiên, không học cũng biết, nên con tò mò lấy ra một mà xem. Thì giữa hai cái bìa cứng, dính nhau bởi một cái gáy bằng da, lại có những tờ mỏng chi chít chữ là chữ. Bởi không học mà biết đọc, nên con đọc thử xem trong ấy nói gì, thì dường như có người hiện ra, kể chuyện cho con nghe vậy.”

Tiên Phật nghe thuật, liền hiểu ngay rằng chính Ngọc Hoàng vừa chứa được một kho tàng vô tận những bửu bối. Lấy một món, không cần niệm chú, đọc phù, chỉ giở ra, thì hiện ngay một đấng, đàm đạo với mình. Và khi đã được một kho tàng bửu bối như vầy, làm lễ trọng, mời đủ chư Tiên, chư Phật đến dự một cuộc khánh thành là phải lắm.

Tiên Dung công chúa tâu tiếp:

“Ban đầu con phát sợ, vì nơi vắng vẻ, thình lình có người đến nói chuyện với mình. Nên con xếp để vào chỗ cũ, chạy trở về, coi chừng lửa mà chưng rượu. Nhưng có một sức gì quyến rũ, nhịn không được, con trở lại tàng thơ, lấy bất cứ món nào, giở ra xem, thì tức khắc nghe tiếng người hiện đến mà kể chuyện. Và chuyện nào khởi đầu nghe cũng lý thú cả. Con nói rằng khởi đầu chuyện, vì con không dám đọc nốt, xem sơ vài tờ, rồi trở lại coi chừng làm rượu.”

Tiên Dung công chúa tâu đến đây, lại ngập ngừng, rồi dừng lại không dám nói tiếp. Các vị Phật Tiên khuyên:

“Con cứ thuật, sẵn đủ mặt tại đây, chúng ta sẽ cứu rỗi cho con.”

Nghe khuyên, Tiên Dung công chúa kể:

“Thế rồi, con bị cám dỗ, mê say, quên cả trách nhiệm. Đến chừng nghe nơi trù phòng phát hoả, hơi nóng bốc lên, lửa phựt sáng ngời, con chợt tỉnh, chạy đến, thì rượu chưng quá nóng, bốc thành hơi, xông lên, gặp lửa phát cháy. Cũng may mà trù phòng cất bằng lưu ly, mã não, xa cừ, lại có trấn ngọc tỵ hoả, nên không phát cháy theo. Nhưng con không sao cứu được mấy ché rượu tiền tửu nối nhau cháy phừng phừng, không còn một giọt.”

Chư Phật, chư Tiên nghe kể, ngẩn người không hiểu, sao một nàng công chúa ngoan ngoãn như Tiên Dung, lại có thể bị cám dỗ dường ấy. Riêng Ngọc Hoàng lại tự thấy thẹn. Thẹn vì mời đủ khách quí đến, mà không còn một giọt rượu tiên để đãi khách. Thẹn vì chính con gái mình lại kém nữ công, nữ hạnh. Thẹn thêm vì đứa con gái ấy thú nhận trước Phật Tiên rằng mình đã bị cám dỗ. Rồi vì gia phong, vì để làm cho luật trời được tôn nghiêm, Ngọc Hoàng phán:

“Trọng tội như thế này, ngươi đầu thai xuống trần mà tu luyện lại để chuộc tội.”

Tiên Dung công chúa chỉ có lạy cha mà vâng lệnh, rồi lạy mẹ, rơi luỵ, mà từ biệt.

Chư Phật, chư Tiên không dám nói thế nào, vì tự xét một cái lỗi to như vậy, nếu không trị tội, thì làm sao giữ được uy nghiêm của luật trời. Chỉ có Phật Di Lạc, vị Phật đang hoài bão cái mộng lớn là sửa đổi lại luật trời cho hiệp với sự tiến hoá của người, của vũ trụ, Phật Di Lạc e rằng trong việc Tiên Dung công chúa phạm tội nầy, ắt có đôi điều trắc ẩn. Ngài bèn gọi Tiên Dung công chúa đến an ủi:

“Nay con bị đày xuống trần gian, con có mong được đầu thai làm thế nào, con cứ nói bác liệu có tâu rỗi giùm, thì bác cố gắng.”

Tiên Dung công chúa ngập ngừng rồi thưa:

“Nếu bác thương tình, con lạy bác, xin bác tâu với vua cha cho con đầu thai làm con mọi sách.”

Phật Di Lạc lấy làm lạ hỏi:

“Tại sao con muốn đầu thai làm giống vật chỉ có ăn giấy mục, mực hôi loài người thù ghét, gặp đâu giết đó, lại đem thuốc độc mà phun vào giấy, vào hồ, để con ăn phải, thì chết ngay?”

Tiên Dung công chúa thẹn thùng thưa:

“Con vốn biết cái kiếp của con mọt sách là như thế. Nhưng mà trót đọc lở dở một chuyện lý thú, mà dừng nửa chừng, con tiếc không cùng. Con nguyện, khi xuống trần, tìm khắp nơi, quyển sách con đã đọc một phần, để đọc nốt cho hả dạ. Mà có giống gì mãi mãi sống bằng sách vở, ngoài ra con mọt sách?”

Nghe thuật đến đây, Lân Trinh chặn ngang hỏi:

“Vậy thì Tiên Dung công chúa được đầu thai làm con mọt sách à?”

“Chính là như vậy! Nàng đã đời đời, kiếp kiếp len lỏi tất cả đủ các thơ viện, khắp tất cả tủ sách, để tìm một quyển như quyển đã được mình đọc lúc còn ở Thiên đình. Thế mà chưa gặp nên lang thang kéo dài một nghiệp ăn giấy mực, mực hôi. Và khi gặp người, thì bị giết.”

Dừng lại một phút để nén sự cảm động, nàng nói tiếp:

“Chỉ có một lần thôi, Tiên Dung công chúa không bị giết. Vừa bị tay đè lên mình, tưởng đã nát thân, chính là chàng đã cất tay lên để dung cho mạng sống. Nên bây giờ, tôi đến đây, để đền ơn tha giết, kể lại văn thơ tôi đã được đọc cho chàng nghe. Chàng không sách mà đọc, thì hãy nghe tôi kể chuyện. Cũng chẳng khác nào chàng được đọc sách vậy.”

(Truyền Tin, số Xuân Ất Mùi)
Nguồn: Hồ Hữu Tường, Kể chuyện, Huệ Minh xuất bản năm 1965. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.