trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
19.7.2008
Jeffrey Chappell
Thế chân vào phút chót
Nguyễn Ðình Ðăng dịch
 
Điều gì sẽ đến với một người được chuẩn bị tốt và có đủ tự tin để không bỏ lỡ cơ hội? Mời quý vị đọc câu chuyện dưới đây. (Người dịch)
Một người hâm mộ: Thưa ông Chappell, sự thực việc ông biểu diễn thay thế một nghệ sĩ piano khác khi người này huỷ buổi trình diễn vào phút chót, như người ta từng đồn thổi, đã xảy ra như thế nào? Ví dụ như, ông được người ta báo trước lúc mở màn mấy tiếng?

Nghệ sĩ piano Jeffrey Chappell [1] : Hừm, chuyện đại loại như thế này:

Tớ thấy hai tuần nữa Claudio Arrau [2] sẽ trình diễn Brahms số 2. Thế nhỡ ông ta huỷ buổi diễn thì sao nhỉ? Có lẽ tớ nên bắt đầu tập concerto đó chăng?” - Tôi trao đổi như vậy với bạn tôi George Orner, lúc bấy giờ giữ chân violon số 2 của dàn nhạc giao hưởng Baltimore.

Tôi đùa cho vui vậy thôi. Tôi đã không tập tác phẩm đó.

Chuyện xảy ra vào tháng Mười năm 1977. Đầu tháng Bảy năm đó tôi đã trình diễn concerto số 2 (viết cho piano và dàn nhạc) của Brahms tại Nhà hát Opera trong Trung tâm Lincoln ở New York. Tôi ngồi cùng dàn nhạc, trong khi đoàn ballet Stuttgart múa trên sân khấu theo nhạc chúng tôi chơi. Mặc dù tôi đã tập tác phẩm này vào năm 1972 và có thể chơi theo trí nhớ, nhưng để cho chắc ăn tôi vẫn nhìn bản nhạc trong buổi diễn cho nhóm ballet đó vì tôi phải lồng cách trình bày cá nhân của mình sao cho phù hợp với những yêu cầu của các diễn viên múa. Với 4 chương và thời gian diễn tổng cộng dài hơn 40 phút, concerto số 2 của Brahms là một trong những tác phẩm đồ sộ và khó nhất cho piano.

Mùa hè và đầu thu 1977, tôi ở trong trạng thái gần như ưu tư lo lắng. Tôi vừa bị ốm vài tuần. Ngoài ra, tôi mới tốt nghiệp nhạc viện Peabody và đang băn khoăn cho tương lai làm nghệ sĩ biểu diễn piano chuyên nghiệp của mình, mà tôi thấy chưa có gì là chắc chắn lắm. Tôi không sờ đến concerto số 2 của Brahms từ tháng Bảy. Thật sự mà nói, tôi cũng không tập đàn nhiều vào thời gian đó. Tôi đọc rất nhiều, đặc biệt là các tác phẩm cổ điển như Illiad và Kinh Thánh, mà tôi coi là chương trình tự học trong lĩnh vực các môn xã hội của tôi.

Vào lúc 3 giờ 30 chiều ngày 2 tháng Mười Một 1977, tôi đang đọc một đoạn trong kinh “Giảng viên” [3] , đại ý nói đừng tưởng tượng điều gì sắp xảy ra, thì nhận được một cú điện thoại từ bà Ann Golberg của dàn nhạc giao hưởng Baltimore.

“Anh có diễn thay Arrau đêm nay được không?”

Bà Ann là người mời các nghệ sĩ độc tấu để diễn với dàn nhạc. Tôi chợt nhớ lại cuộc tán gẫu với George Orner. Thoạt đầu tôi không hiểu bà ta muốn gì.

“Arrau bị ốm”, bà ta tiếp tục.

“Ý bà là liệu tôi có thể ngồi ghế dự bị phòng khi ông ta không diễn được có phải không?”, tôi hỏi.

“Ông ấy sẽ không diễn đêm nay. Anh giữ máy chờ tí nhé.”

Đó là chỉ là một trong vài lần mà tôi phải chờ trong suốt cuộc điện đàm đó. Bà Ann nhận trả lời từ nhiều chỗ khác nhau trên toàn nuớc Mỹ. Bà đã gọi cho các quản lý biểu diễn của Andre Watts [4] , John Browning [5] , và một số tên tuổi khác, nhưng tất cả đều đã gọi lại cho bà để nói không.

Lúc đó Teri Gold đang làm trợ lý cho bà Ann. Teri là một ca sĩ tôi mới đệm đàn gần đây tại buổi biểu diễn của sinh viên ở nhạc viện Peabody. Sau này Teri kể lại với tôi là khi đó cô ta đã hỏi bà Ann:

“Thế Jeffrey thì sao?”

Hồi đó tôi đã được nhiều người tại dàn nhạc giao hưởng Baltimore biết đến vì tôi đã từng diễn chung với họ vài lần.

“Anh ta có chơi bản đó không?”, bà Ann hỏi.

Teri chạy đi tìm danh mục biểu diễn của tôi trong một ngăn hồ sơ. “Jeffrey, tay tôi run lên khi tôi rút danh mục đó ra.” Teri kể lại với tôi như vậỵ.

Cảm ơn cô, Teri Gold.

Khi bà Ann quay lại tiếp tục điện đàm với tôi, tôi hỏi:

“Tôi có thể chơi thử một lần từ đầu đến đuôi, rồi sau đó báo lại cho bà không?”

“Không, chúng tôi cần trả lời ngay bây giờ. Anh giữ máy chờ tí nhé.”

Tôi chạy đến tủ sách nhạc của tôi, lôi concerto số 2 của Brahms ra, và đem lại gần điện thoại.

Tôi mở bản nhạc ngay trên sàn, trước mặt mình, dùng một tay lật từng trang còn tay kia
thì giữ điện thoại. Bà Ann quay lại:

“Thế nào Jeffrey?”

Tôi nghĩ: nếu tôi nói không với việc này, tôi sẽ tự khinh bỉ bản thân tôi trong quãng đời còn lại.

“OK, tôi nhận lời”, tôi nói với bà Ann.

“Tốt lắm, sau khi tôi nhận được sự đồng ý của Comissiona, tôi sẽ gọi lại cho anh,” bà ta nói rồi gác máy. Sergiu Comissiona là người chỉ huy dàn nhạc. Lúc 4 giờ chiều bà ta gọi lại:

“Chúng tôi đã xếp anh vào chương trình.”

Buổi hoà nhạc sẽ bắt đầu vào 8 giờ 15 phút tối hôm đó.

Cú điện thoại duy nhất còn lại mà tôi nhận được trong buổi chiều hôm đó là từ một thành viên hội đồng dàn giao hưởng, người chịu trách nhiệm tổ chức bữa tiệc chiêu đãi Arrau đêm hôm đó. Ông ta hỏi liệu tôi có thể dự tiệc thay Arrau không. Tất nhiên là được. Tôi trả lời. Tôi gọi điện cho George Orner, nhờ anh ta lái xe đưa đến nhà hát. Một học sinh piano đến học. Tôi cho học sinh đó đi về nghỉ mà hoàn toàn quên hẳn tên của học sinh. Tôi cũng không kịp gọi điện báo cho bố mẹ tôi biết.

Tôi chơi một lần từ đầu đến đuôi nhìn bản nhạc rồi một lần nữa không nhìn bản nhạc. Tôi ngồi thiền. Tôi ăn mấy quả trứng chưng. Sau đó tôi mặc quần áo. Khi tôi cài cúc áo sơ-mi mặc với bộ áo đuôi tôm, tôi tự hỏi tôi đang làm gì thế này. “Tôi đang chơi Brahms”, tôi tự trả lời.

George đến đón tôi sau 7 giờ một chút. “Đồ tâm thần,” anh ta nói với tôi khi tôi ngồi vào xe.

Lúc 7 giờ 30 tôi gặp nhạc trưởng tại phòng thay quần áo của nhà hát Lyric. Trong khi tôi chơi phần piano trên một chiếc dương cầm đứng nhỏ xíu, ông ta vừa hát theo vừa khua tay chỉ huy. Ông ta tỏ vẻ lo lắng vì tôi chơi không to. “Tôi để dành cho đến khi ra diễn,” tôi nói với ông ấy.

Phần trình diễn concerto được xếp vào nửa sau của chương trình. Tôi đợi qua toàn bộ phần đầu và phần nghỉ giải lao. Thế rồi giờ G đến. Tôi bước ra sân khấu. Tôi đã quyết định rằng nhìn bản nhạc trong khi trình tấu sẽ phân tán sự chú ý, vì thế đó là lần đầu tiên tôi chơi Concerto No. 2 của Brahms theo trí nhớ trước công chúng. Tôi chơi chương 1. Khán giả vỗ tay. Tôi chơi chương 2. Tôi bị vấp nhỏ khi chơi chủ đề thứ hai, nhưng rồi chữa lại được trong phần lặp lại. Xong chương 2, lại thấy vỗ tay. Chương 3, rồi chương 4 trôi qua. Hợp âm cuối cùng. Tôi đứng lên, quay về phía Sergiu, và hét to: “Lạy Chúa tôi!” nhưng không chắc là ông ta nghe thấy vì tiếng kêu của tôi bị chìm vào tiếng vỗ tay ầm ầm đang nổi lên từ khán phòng. Tôi ôm lấy Sergiu. Khán giả đứng lên hoan hô. Tôi đi vào cánh gà. Do tập trung cao độ khi biểu diễn, cái đầu tôi lúc đó tựa hồ như đã nở bung ra tận hai tay!

Các bài khen ngợi xuất hiện trên báo ngày hôm sau. Không lời nào tả xiết. Đêm đó có nhiều bạn bè và đồng nghiệp của tôi cũng tới nghe. Họ xếp hàng sau sân khấu để chúc mừng tôi. “À, vậy ra đây là cách để nhử cậu vào thành phố,” một người trong bọn họ nói với tôi như vậy.

Sau này, mỗi lần Comissiona giới thiệu tôi với một người nào đó, ông ta đều nói: “Đây là Jeffrey Chappell, người đã biểu diễn thay Claudio Arrau sau khi được báo trước 4 giờ đồng hồ.” Thời gian trôi qua, khi số năm kể từ buổi diễn đó tăng lên, số giờ trong câu chuyện giảm đi. Sau một thời gian, ông ta sẽ nói: “Được báo trước 3 giờ đồng hồ.” Rồi “Hai giờ.” “Một giờ.”

Huyền thoại về tôi trở nên vĩ đại hơn chính tôi.

Như để thưởng công, dàn nhạc giao hưởng tiếp tục thuê tôi chơi concerto của Khachaturian [6] trong mùa diễn tiếp sau đó. Buổi hoà nhạc này diễn ra vào tháng Ba năm 1979 và do chính thày giáo của tôi, Leon Fleisher [7] , chỉ huy dàn nhạc.

Lúc 5 giờ chiều ngày thứ Hai, 11 tháng Mười 2004, trong khi đang dạy piano tại nhạc viện Goucher, tôi nhận được một cú điện thoại từ người quản lý biểu diễn của tôi hỏi tôi có chơi được concerto của Khachaturian với dàn nhạc giao hưởng Annapolis trong tuần đó, để thay một nghệ sĩ piano khác không. Tôi không hề nhìn tới bản nhạc này lần nào nữa kể từ khi trình diễn nó với dàn nhạc giao hưởng Baltimore lần cuối cùng cách đây 25 năm. Hai đêm sau, tôi đã tham gia buổi tổng diễn tập. Lần này tôi nhìn bản nhạc để có thể tận dụng tối đa thời gian tập chứ không phải tập theo trí nhớ.

Mặc dù dàn nhạc giao hưởng Annapolis đã thông báo cho các nhà quản lý biểu diễn trên toàn Hoa Kỳ, chờ đợi họ gửi người thay thế đến bằng máy bay từ bất cứ đâu, tôi chỉ phải lái xe có 45 phút từ nhà tôi ở vùng Washington D.C. đến nơi diễn tập và biểu diễn. Tôi nghỉ dạy học tuần đó, dành thời gian để ngủ và tập đàn. Tôi gọi đó là kỳ nghỉ Khachaturian của tôi.

Tôi cũng gửi một email cho nhiều người thông báo với họ rằng tôi sẽ biểu diễn thay thế một nghệ sĩ piano khác vào phút chót, kèm theo chương trình biểu diễn chi tiết phòng khi họ có thể tới dự. Một người trong số họ viết trả lời: “Vào phút chót là thế nào? Ông có cả hai ngày để chuẩn bị cơ mà.”

Hai buổi trình diễn vào đêm thứ Sáu và thứ Bảy đã được khán giả đứng lên vỗ tay cũng như nhận được nhiều lời khen ngợi của chỉ huy dàn nhạc, David Itkin, các nhạc công, và thính giả. Tại dạ tiệc tối thứ Bảy sau buổi hoà nhạc, một phụ nữ đứng tuổi tiến tới để nói với tôi rằng bà ta đã thưởng thức buổi hoà nhạc như thế nào. Bà ta nói với tôi rằng bà rất kinh ngạc làm sao tôi có thể tạo nên một kỳ công như thế trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Tôi trả lời rằng chính tôi cũng không biết, và rằng tôi mới là người ngạc nhiên nhất. Bà ta gạt phăng: “Không, không phải là ông.”

Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Jeffrey Chappel - nghệ sĩ piano và nhà soạn nhạc Mỹ, tốt nghiệp khoá piano tại nhạc viện Curtis năm 1974 sau khi đoạn giải thưởng tại cuộc thi trình diễn concerto cùng dàn nhạc giao hưởng Philadelphia, tốt nghiệp thạc sĩ tại nhạc viện Peabody năm 1976, từng biểu diễn nhiều nơi tại Hoa Kỳ và nước ngoài, nghệ sĩ độc tấu của các dàn nhạc giao hưởng Baltimore, Philadelphia, St. Louis, Pittsburgh, Houston, Denver, Indianapolis, Oakland, Key West, dàn nhạc thính phòng Albuquerque. – ND.
[2]Claudio Arrau (1903 – 1991) - nghệ sĩ piano người Chile, nổi tiếng vì cách trình bày sâu sắc các tác phẩm trải rộng từ âm nhạc Baroque tới các tác phẩm của các nhà soạn nhạc thế kỷ 20. Ông được coi là một trong những nghệ sĩ piano xuất sắc nhất của thế kỷ 20. – ND.
[3]“Giảng viên” (Ecclesiastes) - một trong các quyển kinh của bộ kinh “Cựu ước”. – ND.
[4]Andre Watts (sinh năm 1946) - nghệ sĩ piano Mỹ, giáo sư nhạc viện Jacobs thuộc đại học Indiana, lần đầu tiên trình diễn với dàn nhạc giao hưởng Philadelphia khi mới 9 tuổi. Ngày 1/1/1963, Watts được nhạc trưởng lừng danh Leonard Berstein - chỉ huy dàn nhạc New York Philharmonic - đề nghị biểu diễn thay danh cầm Glenn Gould bị ốm. Watts đã chơi concerto số 1 của F. Liszt. Khi Watts chơi xong cadenza cuối cùng kết thúc bản concerto, cả dàn nhạc cùng tất cả khán giả đều nhất loạt đứng lên hoan hô. Các nhạc công chơi violon trong dàn nhạc bỏ cả đàn và archets xuống để vỗ tay tán thưởng nghệ sĩ piano 16 tuổi. – ND.
[5]John Browning (1933 – 2003) - nghệ sĩ piano Mỹ, nổi tiếng bởi cách thể hiện nhạc Bach và Scarlatti. – ND.
[6]Aram Khachaturian (1903 – 1978) – nhà soạn nhạc lừng danh người Armenia, được coi là một trong ba người khổng lồ của âm nhạc Xô-viết (Hai người kia là Sergei Prokofiev và Dmitri Shostakovich). – ND.
[7]Leon Fleisher (1928) - nghệ sĩ piano và nhạc trưởng Mỹ. Trong thời gian dài bị bệnh, không sử dụng được tay phải, ông vẫn tiếp tục trình diễn các tác phẩm piano viết cho tay trái cho đến khi tay phải của ông được hồi phục nhờ luyện tập và chữa trị. Năm 2004 Vanguard Classics xuất bản CD mang tên “Hai tay” thu âm trình diễn piano bằng cả hai tay của ông lần đầu tiên sau 40 năm. Ông còn là giáo sư âm nhạc tại nhạc viện Peadboy, Curtis, nhạc viện hoàng gia Toronto. Nhiều danh cầm piano như Andre Watts, Helene Grimaud, Kevin Kenner, Louis Lortie, Daniel Wnukowski v.v… từng là học trò của ông. – ND.
Nguồn: “Last-Minute Concerto Substitutions”, http://www.jeffreychappell.com/jeffstart.htm