trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
8.10.2008
Chu Đại Khả
Hiện tượng văn hoá sữa độc và sỏi não
Lý Nguyên lược dịch
 
Sự kiện sữa độc Trung Quốc đã trở thành vụ án điển hình của cái gọi là “thời đại sau Thế vận”. Các sản phẩm sữa bột nuớc ta hầu như sụp đổ hoàn toàn, dẫn tới sự hoài nghi sâu sắc của người đời với ngành chế tạo thực phẩm. Thế nhưng sữa bột chỉ là một góc của tảng băng mà thôi. Những phát minh khoa học kỹ thuật vô liêm sỉ đó đã được ứng dụng vào mọi lĩnh vực của công nghiệp thực phẩm và do đó đã bảo vệ được cục diện hoàn mỹ trong tiêu dùng thực phẩm. Đã có nhiều người chỉ ra một cách đúng đắn, lợi nhuận trên hết và đạo đức bằng không là hai nguyên nhân chủ yếu làm độc hại thực phẩm Trung Quốc.

Công nghiệp thực phẩm có chất độc hại đã tạo ra dây chuyền tội ác tập thể khổng lồ. Trước tiên là các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp hoá chất và thực phẩm làm việc đêm ngày tại các phòng thí ngiệm của các viện nghiên cứu và trường đại học, không ngừng sáng tạo ra các kỹ thuật làm giả và dùng chất độc hại, cung cấp sự ủng hộ kỹ thuật cho ngành chế tạo thực phẩm, bọn họ là những kẻ đầu têu cho việc làm hàng giả và độc hại qui mô lớn. Để kiếm được nhiều lợi nhuận, doanh nghiệp đã tham lam bơm thêm nước và các chất phụ gia hoá học độc hại, tung các thực phẩm kém phẩm chất và giả mạo ra thị trường. Để thực hiện mục tiêu GDP, các chính quyền địa phương dung túng và bao che cho tội phạm thực phẩm. Các cơ quan kiểm tra thực phẩm không chỉ không phát hiện sự thực làm giả đó mà còn cấp giấy chứng nhận miễn kiểm tra cho chúng, mở cửa cho hành vi đầu độc. Trách hỏi từng khâu nói trên, tiến tới trách hỏi toàn bộ chế độ thực phẩm thì mới có thể đập tan dây chuyền tội ác thực phẩm, bảo vệ được phòng tuyến an toàn cơ bản.

Sự kiện sữa độc bị làm cho sôi sùng sục, đang thu hút ánh mắt của toàn thế giới, nhưng so với nó thì sự tự làm độc hại văn hoá Trung Quốc còn kinh hồn táng đởm hơn. Thế nhưng cho đến nay nó vẫn chưa được xem xét kỹ lưỡng và cảnh giác cần thiết.

Mặc dù khát vọng của dân chúng đối với văn hoá không như thức ăn, thế nhưng do tồn tại cơ số dân số qui mô lớn nên vẫn hình thành đòi hỏi, nhu cầu văn hoá khổng lồ. Giữa sản xuất văn hoá có hạn và nhu cầu văn hoá vô hạn đã xuất hiện mâu thuẫn gay gắt tương tự như thực phẩm. Thế nhưng chúng ta đã mất năng lực chế tạo sản phẩm có tính sáng tạo ban đầu đương đại và cũng mất năng lực chiết xuất được tài nguyên văn hoá trong kho lịch sử. Cái dạ dày to lớn của văn hoá trôi nổi trên không trung, sau một thời gian dài thiếu thốn và đói khát văn hoá nó đã biến thành càng tham lam hơn so với bất kỳ thời đại nào khác.

Để thoả mãn khát vọng của cái dạ dày văn hoá, rất nhiều sản phảm văn hoá được nhanh chóng chế tạo ra, trong đó bao gồm cả các công nghệ phức tạp như bơm nước (cho hợp khẩu vị, không chú ý giá trị), làm giả (sao chép, nguỵ tạo, bóp méo) đến làm độc hại (thêm vào các quan niệm văn hoá độc hại), chúng tạo thành hệ thống kỹ thuật có liên quan chặt chẽ, giải độc chúng sẽ có ích cho chúng ta trong việc phán xét, xác định một cách sáng rõ sản phẩm văn hoá hiện có.

Về mặt bơm nước trong văn hoá, các mạng của các công ty văn học lớn đã cung cấp cho chúng ta những vụ án thú vị. Thấy tốc độ viết tiểu thuyết nhiều kỳ của nhà văn quá chậm, dân mạng đói khát sẽ oán trách, họ đã buộc nhà văn phải tăng tốc độ viết lách, đến mức có tác giả buộc phải viết một ngày 3000 chữ là chuyện bình thường, có người nhanh hơn, đạt tốc độ trên 10.000 - 20.000 chữ/ một ngày. “Hiện tượng văn học thịnh vượng” này là quá trình bơm nước vào và làm giả. Đó cũng chính là quá trình bữa ăn nhanh được nhanh hoá mà chúng ta đã nói. Nguyên lý của nó không khác gì bơm nhiều nước vào sữa bò. Tất nhiên là nó phải dẫn tới chất lượng văn học giảm sút nghiêm trọng.

Tốc độ viết không nghi ngờ gì là thước đo quan trọng để đo xem sản phẩm văn hóa có bị rác rưởi hoá hay không. Một nhà Hán học người Đức đã nói, một nhà văn Đức viết một cuốn tiểu thuyết dài thông thường cần thời gian từ ba đến năm năm, còn theo tôi biết, những nhà văn thiên tài nổi tiếng Trung Quốc chỉ cần thời gian từ một đến ba tháng. Những nhà văn có sách bán chạy tốc độ viết càng nhanh hơn, có khi chỉ cần thời gian một đến hai tuần lễ là có thể nặn ra một bộ truyện dài. Nghe nói, nhà văn kiếm hiệp Hồng Công dùng tốc độ 30.000 chữ/ngày, còn tốc độ viết của nhà văn khoa học viễn tưởng Nghê Khuông (?) lại đạt được tốc độ kinh người 50.000 chữ/ngày. Nhưng đó không phải là tiêu chí viết lách kiểu thiên tài, mà ngược lại nó chỉ có thể thể hiện đặc điểm viết lách đã rác rưởi hoá, và mô hình những cuốn sách được viết ra đáng cười như vậy chỉ cung cấp một điển hình kích động lòng người của thời đại tiêu dùng mà thôi.

Truyền thống yêu sách của người Trung Quốc đã dẫn tới thị trường sách được mở rộng một cách cuồng nhiệt, nghe nói mỗi năm Trung Quốc có 240.000 đầu sách được xuất bản, nhưng trong đó phần lớn rõ ràng là những rác rưởi không giá trị. Việc người Trung Quốc mấy năm gần đây như đói khát đọc cổ sử cũng dẫn tới sự ra đời nhiều sách lịch sử được bơm nước vào. Những cuốn sách bán chạy cũng như những phim truyền hình nhiều tập có siêu người xem đã hình thành bữa tiệc thức ăn nhanh được bơm nước. Trong ngữ cảnh đặc thù Trung Quốc ấy, “sách bán chạy” thường là từ đồng nghĩa với sách kém chất lựơng và sách có vấn đề về văn hoá.

Một thước đo khác để đánh giá sản phẩm văn hoá là sự chân nguỵ của nó. Bơm nước vào thức ăn nhanh cuối cùng cũng có giới hạn, hơn nữa dù sao nó còn có tí chút giá trị dù là kém cỏi sau khi bị xào nấu, còn làm giả thì là sự lừa dối triệt để.

Trong lễ khai mạc và lễ bế mạc Thế vận hội lần này đều xuất hiện sự kiện “hát nhép” đáng bị chỉ trích, nhưng không những không sao mà còn được tô son vẽ phấn… Những lời khen tập thể đối với văn hoá giả dối ấy cũng là nguồn gốc để cho phong trào làm giả phồn vinh.

Một ví dụ đáng bàn luận nữa là vụ án sao chép tiểu thuyết của Quách Kính Minh (?). Trải qua điều tra, toà án phán xử bị cáo vi phạm pháp luật, phải nộp tiền phạt và đưa ra lời xin lỗi, nhưng điều khiến người ta không sao nuốt nổi là, Hội Nhà văn Trung Quốc không yêu cầu người sao chép phải công khai nhận sai mà đã khinh suất kếp nạp anh ta làm hội viên, đồng thời giúp giới truyền thông ra sức tuyên dương việc làm này, chẳng khác gì tuyên bố với người đời rằng kẻ làm giả có thể ngang nhiên giành được vinh dự văn học. Cho dù tài năng của Quách Kính Minh cần được khuyến khích, nhưng chính sách mở cửa mang luân lý phản viết lách đó đã làm cho Hội Nhà văn Trung Quốc là đồng mưu với phong trào ăn cắp.

Rõ ràng sao chép là vấn đề vi phạm sự chân thành tín nhiệm nghiêm trọng, nhưng làm giả lại thêm độc hại mới, là hành vi càng nguy hiểm hơn. Một số sản phẩm văn hoá độc hại bị ép buộc đưa vào sách giáo khoa trung, tiểu học đã là những sự vật làm hại thiếu nhi. Bộ Giáo dục yêu cầu giờ âm nhạc học tập “kịch mẫu” [1] , trong sách ngữ văn đưa thêm vào tản văn của Dư Thu Vũ [2] , Nhân dân Nhật báo (cơ quan trung ương của Đảng ựông sản Trung Quốc) đăng bài “Nhận thức cái gọi là ‘giá trị phổ thế’ [3] như thế nào”, đều là các vụ án điển hình của việc văn hoá bị thấm độc.

Điều để lại nhiều dư vị là mặc dù ngành chế tạo văn hoá sản xuất ra các sản phẩm xấu và độc hại nhưng lại không được cảnh giác ngăn chặn cần thiết như sữa độc, bởi vì trạng thái nhiễm bệnh của văn hoá trúng độc nói chung có đặc điểm hiển thị ra dưới dạng tiềm ẩn mà “ôn hoà”. Hơn nữa nó xuất hiện với bộ mặt có thêm các sản phẩm bổ trợ, thuốc dinh dưỡng hoặc thuốc đặc hiệu, nên càng có hiệu quả lừa bịp nhiều hơn, ví như, lời hát và khúc điệu trong “kịch mẫu” có tính thông tục và dễ nghe, còn tản văn của họ Dư thì tràn đầy “cảm giác lịch sử” và “kích động sex” v.v…, nhưng mùi vị đấu tranh giai cấp phát ra từ những vở “kịch mẫu” và tản văn dùng “nước mắt” để tạo ra văn phong giả dối đó, cũng như sự bao vây ác ý của “giá trị phổ thế” đã, đang làm tổn thương linh hồn một thế hệ, thậm chí mấy thế hệ, mà sự nguy hại của nó còn vượt xa melamine nhiều, bởi vì hậu quả do nó gây ra không chỉ là thân tàn mà là “não tàn” nghiêm trọng.

Người bị bệnh sỏi thận có thể dùng thuốc chữa chạy, nhưng người mắc bệnh “sỏi não” do melamine văn hoá tạo ra khó có thể chẩn đoán bằng phương pháp thông thường. Điều khiến người ta không yên tâm là khi trạng thái “não tàn” của “phần tử hiểu biết” nghiêm trọng hơn so với người bình thường thì họ làm sao chữa chạy được bệnh tật linh hồn cho dân chúng nữa? Hiện nay qua internet có thể đoán được số lượng người “não tàn” không phải là ít. Đó mới là điều đáng quan tâm chú ý.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Chỉ tám vở diễn được gọi là kịch mẫu, được độc diễn trong thời gian Cách mạng Văn hoá, tràn đầy nội dung đấu tranh giai cấp. (Các chú thích trong bài đều của người dịch)
[2]Dư Thu Vũ sinh năm 1946, người Chiết Giang. Gia đình và bản thân bị bức hại và đày đoạ trong Cách mạng Văn hoá. Nhờ tự học và sự giúp đỡ của thày dạy, đã trở thành nhà văn, nhà lý luận văn học, giáo sư văn học, từng làm Giám đốc Nhà hát Kịch Thượng Hải. Năm 2004 được bầu là 10 tinh anh nghệ thuật toàn Trung Quốc. Được giải thưỏng Lỗ Tấn về văn học. Năm 2008 được gọi là đại sư.
[3]Một quan niệm rất phức tạp và đang có nhiều tranh cãi (chủ trương tập hợp một số quan niệm có giới hạn nhưng được nhân loại đồng thuận lại với nhau.)
Nguồn: Hua xia kuai di ngày 2/10/2008