trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
31.10.2008
Đinh Học Lương
Tập đoàn lợi ích Trung Quốc: bắt cóc chính sách quốc gia
Tam Dương lược dịch
 
Tiến bộ đột xuất nhất trong 30 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc là đã chế độ hóa từng bước. Thể hiện đột xuất nhất của nó là sự chuyển giao quyền lực chính trị cao nhất càng ngày càng được tiến hành theo trình tự qui định trước, có một thời gian biểu đại thể. Điều đó có nghĩa là dân chúng Trung Quốc càng ngày càng biết một cách khẳng định là đại khái đến năm nào, vào lúc họp đại hội nào thì chỗ ngồi của người lãnh đạo nào sẽ giao cho ai.

Mặc dù loại chế độ hóa này chưa phải là dân chủ hóa, nhưng không được xem thường ý nghĩa lịch sử của nó: chế độ hóa như vậy đều rất quan trọng, không chỉ dưới thể chế của Đảng Cộng sản sau năm 1949 mà còn với cả lịch sử Trung Quốc trên hai ngàn năm. Bởi vì tình trạng cơ bản trong lịch sử Trung Quốc là: hoàng đế không thể nghỉ hưu, vì hoàng đế là con trời. Đã tại vị là ông ta ngồi đến chết, trừ khi bị người lật đổ.

Từ cuối năm 1990 đến nay, chính là do chế độ hóa việc chuyển giao quyền lực cao nhất cũng như việc định kỳ hóa những hội nghị quan trọng liên quan đến việc đó (đây cũng là một phần của chế độ hóa) đã khiến cho trong xã hội Trung Quốc cứ vào dịp trước, sau việc thay thế ban lãnh đạo khóa mới, hoặc trước khi triệu tập hội nghị quan trọng nào đó, công chúng sẽ có rất nhiều chờ mong. Chờ mong cái gì? Chờ mong có biện pháp quan trọng nào đó được đưa ra, chờ mong chính sách được đưa ra sẽ càng phù hợp với lợi ích của họ hơn, nói tóm lại là dân chúng chờ mong đưa ra “động tác lớn”, chính sách cải cách mở cửa có “đột phá lớn”.

Trong đời sống chính trị Trung Quốc, điều này đã trở thành sự chờ mong không ngừng lặp đi lặp lại. Đáng tiếc là đối ứng với sự chờ mong không ngừng lặp đi lặp lại đó lại là sự thất vọng không ngừng. Mấy năm trước đây, mỗi khi tầng lớp cao có biến động nhân sự, là Trung Quốc có đủ loại tin đồn; đợi đến khi hoàn thành việc chuyển giao quyền lực, ban lãnh đạo mới nhận nhiệm vụ, hoặc kết thúc một hội nghị quan trọng, phần lớn dân chúng chờ mong Trung Quốc lại tương đối thất vọng.

Hiện tượng này phản ánh một vấn đề sâu sắc, tức sự kỳ vọng của nhân dân Trung Quốc đối với việc sáng tạo ra chính sách mới của mỗi khóa lãnh đạo mới phần lớn là sự chờ mong quá cao, đối với việc ban bố các biện pháp cải cách mở cửa trọng đại cũng chờ mong quá cao. Nguyên nhân của việc chờ mong quá cao là vì chúng được được thiết lập trên một sự coi thường căn bản, tức đã coi thường trong tiến trình 30 năm cải cách mở cửa, trong hệ thống chính trị và hành chính của Trung Quốc đã từng bước hình thành một số tập đoàn lợi ích đặc biệt tương đối ổn định vững chắc. Lúc mới bắt đầu, lực lượng những tập đoàn lợi ích đặc biệt này còn chưa đủ lớn, nhìn chưa rõ lắm cục diện phát triển lớn của toàn bộ công cuộc cải cách mở cửa, nhưng sau một thời gian dài, họ càng nhìn càng rõ. Như hiện nay họ đã biết một cách vô cùng rõ ràng rằng vào lúc nào, ở bộ phận, vị trí nào làm cái gì và làm như thế nào, nói cái gì và nói như thế nào thì mới có thể làm cho lợi ích đặc biệt của tập đoàn mình nhanh chóng to lớn lên nhất.

Còn nhớ, sau lần ra nước ngoài học tập về nước, một người bạn làm việc trong ngành thể chế có bảo: “Bạn ở nước ngoài đã gần 10 năm, sau khi trở về cần phải thay đôi kính khi quan sát vấn đề Trung Quốc. Khi bạn ra nước ngoài, Trung Quốc đang ở thời kỳ đầu của cải cách mở cửa, phần lớn những tranh luận lớn đều liên quan tới hình thái ý thức, bây giờ khác rồi, mọi người càng ngày càng làm rõ lợi ích thực tế của mình là ở đâu, cho nên mâu thuẫn hiện nay là các tập đoàn lợi ích đặc biệt khác nhau, đang vật lộn với nhau, vấn đề ý thái hình thức trở thành rất thứ yếu.” Bây giờ nghĩ lại thấy câu nói đó đúng là một quan điểm của một người minh bạch, vô cùng cảnh tỉnh. Đương nhiên người có nhận thức như vậy càng ngày càng nhiều, nhưng ngay từ mùa Thu năm 1993 mà đã có cách nhìn đó, quả thực là một phán đoán chuẩn xác.

Trong cuốn Sự hưng, vong của một quốc gia (The Rise and Cecline of Nations) của giáo sư Mancur Olson, trường Đại học Mariland, Mỹ, chữ “quốc gia” mà ông dùng không phải là state (chính quyền quốc gia) mà là nation, thể hiện rất phù hợp với định nghĩa quốc gia của người Trung Quốc chúng ta, vừa bao gồm chính quyền cũng bao gồm nhân dân. Điểm quan trọng của cuốn sách này là, bất kỳ một quốc gia nào chỉ cần có thời gian ổn định chính trị đủ dài là sẽ xuất hiện tập đoàn lợi ích đặc biệt, hơn nữa chúng sẽ trở nên càng ngày càng minh bạch, thành thục, có kỹ xảo. Sau đó chúng sẽ càng ngày càng biết nên thao túng chính sách công quan trọng nhất của quốc gia, sự phát triển kinh tế của quốc gia, bộ máy chính trị, nhất là hành chính và pháp luật của bộ máy đó như thế nào, hiểu được khi thao túng phải làm thế nào để tìm được lý do tốt. Vì kỹ xảo của chúng càng ngày càng thành thạo, nên lợi ích thu được càng ngày càng bền vững, càng nhiều. Cuối cùng dần dần dẫn tới thể chế, chính sách, tổ chức về các mặt như kinh tế, xã hội, hành chính, pháp luật v.v… của quốc gia đó biến thành sự sắp xếp phù hợp nhất với tập đoàn lợi ích đặc biệt, khiến động lực mới của sự phát triển của quốc gia này càng ngày càng bị kiềm chế, các ngành càng ngày càng xơ cứng, điều này tất dẫn đến sự suy vong của quốc gia.

Thời đại Mao Trạch Đông từ năm 1949 đến năm 1977, ở Trung Quốc lúc đó rất khó tìm được tập đoàn lợi ích đặc biệt nào có ý nghĩa kinh tế chính trị học (có một cái ngoại lệ, nhưng không nói ở đây - Lời tác giả) bởi vì Mao không để cho thể chế quốc gia ổn định, cứ mấy năm lại làm một phong trào. Phong trào của Mao làm tổn thương rất nhiều người, cần phải phủ định, nhưng về khách quan, những cuộc động loạn trời nghiêng đất lở cứ mấy năm một lần đó đúng là đã làm cho không dễ dàng hình thành được tập đoàn lợi ích đặc biệt ổn định chắc chắn. Tất nhiên cũng có người nói, bên cạnh Mao cũng có một tập đoàn lợi ích, nhưng Mao không phải là người phân chia lợi ích về ý nghĩa kinh tế chính trị học, ông ta là kẻ thống trị tối cao, là hai việc khác nhau.

Từ ý nghĩa kinh tế chính trị học mà nói, tập đoàn lợi ích đặc biệt chỉ có thể từ từ hình thành và củng cố dưới sự ổn định chính trị tương đối dài. Trung Quốc bước vào thời đại Đặng Tiểu Bình, những động loạn lớn càng ngày càng ít, nhất là sau cuộc sóng gió năm 1989 đã duy trì được ổn định chính trị cơ bản 20 năm, cung cấp bầu không khí rất tốt cho việc hình thành tập đoàn lợi ích.

Bất kỳ người nào nếu công tác tại Trung Quốc một khoảng thời gian, chỉ cần có lực quan sát nhất định là có thể kể ra một số tập đoàn lợi ích đặc biệt. Ví dụ như, ở Trung Quốc thường nghe nói hệ thống thủy điện là tập đoàn lợi ích quan trọng, nó lớn đến mức không chỉ các con sông lớn của Trung Quốc và ngay những con sông loại vừa cũng đều bị nó ôm lấy xây dựng nhà máy điện, đập lớn, mỗi cái đều hàng trăm triệu, hàng tỷ, hàng chục tỷ tiền vốn. Nhiều người Trung Quốc cũng có thể nói được ai là đại biểu quan trọng nhất của tập đoàn lợi ích này, có cựu Bộ trưởng Bộ Thủy điện, có cựu Thủ tướng v.v…, tất nhiên còn có một số nói chung là “các chuyên gia” luôn nghĩ cách tìm ra “lý do” khoa học kỹ thuật để luận chứng cho các hạng mục của tập đoàn này.

Ngoài ra, ngành nhà đất xuất hiện trong 20 năm này cũng là một tập đoàn lợi ích đặc biệt, có thể đứng trong đội ngũ nhà đất không phải là những người bình thường, bởi vì tài nguyên đất đai vô cùng thiếu hiếm, đặc biệt là ở những thành phố lớn.

Càng không được coi thường, hệ thống sinh đẻ có kế hoạch cũng là một tập đoàn lợi ích. Dân số Trung Quốc lão hóa vô cùng nhanh. Các nhà khoa học trong nước dự đoán, đến năm 2030 nếu xu thế khống chế dân số hiện nay không thay đổi, thì tỷ lệ công nhân viên chức tại chức và nghỉ hưu của Trung Quốc sẽ xuất hiện bước ngoặt căn bản, số người đi làm không gánh nổi gánh nặng số người đã nghỉ hưu. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy biện pháp tốt nhất để khống chế sinh đẻ có kế hoạch là nâng cao trình độ học vấn, nhất là ở nông thôn và đối với phụ nữ, trên thế giới những phụ nữ có trình độ giáo dục trung cấp hoặc cao hơn nữa đều biết tự nguyện giảm thiểu sinh đẻ. Cưỡng bức chỉ dẫn tới phát sinh những bi kịch, tỷ lệ nam nữ mất cân đối là một ví dụ. Vì sao Trung Quốc chưa làm được việc này, bởi vì mấy chục năm qua chính sách sinh đẻ có kế hoạch đã tạo ra một tập đoàn lợi ích, ít nhất cũng tới mấy chục vạn người, hoặc còn nhiều hơn, dựa vào “sinh đẻ có kế hoạch” mà làm quan, nắm và khống chế tiền, quyền.

Ở Trung Quốc, hơn một nửa số người có thể nói ra một số tập đoàn lợi ích, nhưng những ai có quan hệ xã hội với chúng? Mỗi tập đoàn lợi ích đều không cần vận tác trên tài nguyên kinh tế mà điều quan trọng hơn là sự bảo hộ về chính trị. Tập đoàn lợi ích phải là thể kết hợp giữa tài nguyên chính trị với tài nguyên thương mại.

Những công dân bình thường ở Trung Quốc ngày nay dù có bất mãn với tập đoàn lợi ích đặc biệt cũng chẳng thể có biện pháp đối phó. Còn tập đoàn lợi ích đặc biệt sau khi bắt cóc chính sách công đặc biệt, những kết quả mặt trái tạo ra sau chính sách pháp triển của quốc gia tức là bắt toàn xã hội, nhất là nhóm người dễ bị tổn thương phải trả tiền. Đầu lớn của lợi ích, bọn họ ôm lấy, còn đầu lớn của cái giá phải trả thì chủ yếu do những người dân bình thường gánh chịu. Vì vậy dưới cục diện đó, mỗi khi tầng lớp cao thay đổi khóa, cử hành hội nghị quan trọng, công chúng Trung Quốc chờ mong rất cao “chính sách mới ra đời”, “đưa ra biện pháp tốt”, nhưng rất nhanh chóng những chờ mong đó đã biến thành thất vọng.

Nói một cách khách quan, tập đoàn lợi ích đặc biệt không chỉ Trung Quốc mới có, mà là hiện tượng sau khi tiến vào công nghiệp hóa, thương mại hóa, xã hội loài người thường gặp phải. Dưới thể chế tại Mỹ, Tây Âu có thể kể ra một số tập đoàn lợi ích đặc biệt như các tập đoàn lợi ích có liên quan tới dầu mỏ, tới ngành tài chính tiền tệ v.v… Trong các tập đoàn lợi ích đặc biệt tại Mỹ bị người ta chỉ trích nhiều nhất, chủ yếu là bị phái trung tả nước Mỹ kẹp chặt không buông là tập đoàn, ngành sản xuất quân sự. Ngành này không ngừng kêu gào rằng nước Mỹ bị uy hiếp quân sự thì mới có thể hưởng được phần lớn hơn của cái bánh (ngoài ra còn có thể kể thêm luật sư cũng là một tập đoàn lợi ích đặc biệt tại Mỹ - người dịch lược bỏ.)

Mặc dù tại Mỹ và Tây Âu cũng tồn tại tập đoàn lợi ích đặc biệt, nhưng thể chế môi trường lớn của họ vô cùng khác Trung Quốc. Dưới thể chế Mỹ, Âu tập đoàn lợi ích nào đó có thể ảnh hưởng tới chính sách, pháp qui, nhưng không thể một tay che kín bầu trời. Thứ nhất không có tập đoàn lợi ích đặc biệt nào có thể thao túng toàn quá trình bầu cử người đứng đầu hành chính, cho dù có thể ảnh hưởng tới nó. Nếu không, chúng ta không thể giải thích trong bầu cử toàn quốc Mỹ, Âu, thường có những khuôn mặt mới đứng ra, ví dụ như Obama hiện nay là một ví dụ rất rõ.

Thứ hai, tập đoàn lợi ích cũng không thể thao túng bầu cử quốc hội toàn quốc, cho dù trong đó đúng là có một bộ phận là kẻ du thuyết cho họ, nhưng chúng không thể thao túng cả hai viện vào tay mình. Điều này cho thấy vì sao tại Mỹ khi tranh luận về chính sách của tập đoàn lợi ích quân sự, hai bên tranh cãi ghê gớm mà phương án có lợi cho tập đoàn lợi ích quân sự vẫn bị phủ quyết.

Thứ ba, tập đoàn lợi ích đặc biệt cũng không thể một tay thao túng giới truyền thông, cho dù có thể ảnh hưởng tới một bộ phận trong đó.

Thứ tư, Mỹ và Tây Âu là những nơi trình độ toàn cầu hóa vô cùng cao, trước sau đều ở trong cuộc canh tranh quốc tế dữ dội. Bất kể là xét từ lịch sử hay từ lý luận, một nước dính líu vào cuộc cạnh tranh quốc tế cao nhiều mặt, thì các tập đoàn lợi ích thường bị buộc phải có thỏa hiệp.

Bốn loại kiềm chế nói trên khiến các tập đoàn lợi ích đặc biệt Mỹ, Âu không thể bắt cóc chính sách phát triển và chiến lược phát triển quốc gia lâu dài, mặc dù nó có thể ảnh hưởng một thời gian, hoặc ở một nơi nào đó. Nhưng những điều kiện kiềm chế trên, trong thể chế hiện có của Trung Quốc nếu không tồn tại thì cũng vô cùng yếu ớt. Điều này mới là lý do khiến chúng ta phải hết sức quan tâm chú ý và lo lắng.

Lãnh đạo hành chính Trung Quốc không phải qua trình tự tranh cử công khai minh bạch bầu ra, nghị sĩ quốc hội và ủy viên Chính hiệp cũng không phải do dân chúng bầu ra, có trên một nửa đại biểu hội đồng nhân dân các cấp là các quan chức đương nhiệm hoặc vừa nghỉ hưu, điều này đã tạo ra điều kiện tốt đẹp cho tập đoàn lợi ích đặc biệt củng cố mạng lưới của mình. Đồng thời mặc dù Trung Quốc có rất nhiều phương tiện truyền thông, trên một số vấn đề nào đó có thể vạch trần một phần chân tướng nhưng trong phần lớn thời gian và trên phần lớn vấn đề quan trọng vẫn bị sự khống chế có hiệu quả, nhất trí trên toàn quốc.

Sự thay đổi khiến người ta tương đối được cổ vũ là trong 30 năm trong xu thế quốc tế hóa này, so với trước Trung Quốc đã có tiến bộ rõ ràng. Trong một lĩnh vực nào đó có khi tập đoàn lợi ích đặc biệt định lấy tay che lấp bầu trời nhưng khi thấy không ổn đã buộc phải lùi bước hoặc khuất phục, ví dụ hệ thống y tế Trung Quốc cũng là tập đoàn lợi ích đặc biệt, thời kỳ đầu của dịch SARS cũng đã định một tay che lấp bầu trời nhưng kết quả là do nguyên nhân quốc tế hóa, nên mới có chuyện mất quan, mất chức. Vụ sữa Tam Lộc lần này cũng không khác mấy, nếu không có sự can thiệp từ bên ngoài (Thủ tướng New Zealand) thì khả năng che giấu còn tiếp tục kéo dài… (Đến đây tác giả bài báo còn phân tích một đoạn khá dài và rút ra kết luận, sự bắt cóc chính sách phát triển quốc gia của tập đoàn lợi ích đặc biệt sản xuất vũ khí Liên Xô trước đây là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến Liên Xô sụp đổ - người dịch lược bỏ.)

Hiện nay tầng lớp cao Trung Quốc đúng là có những ý tưởng cầm quyền không giống với trước đây; một vài năm nữa, ban lãnh đạo cao cấp Trung Quốc lại thay khóa mới. Tôi nghĩ rằng những người lãnh đạo hiện nay và khóa sau, nếu trong lòng họ muốn làm một số động tác cải cách lớn nào đó, nhưng có thể do họ còn chưa có quyền uy giống như Đặng Tiểu Bình hồi đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nên chưa thể có biện pháp buộc các tập đoàn lợi ích lớn mạnh có những nhượng bộ lớn. Và đó có thể là cục diện cơ bản trong nhiều năm sắp tới.

Vì vậy nếu muốn chính sách phát triển quốc gia, chính sách công của Trung Quốc không bị các tập đoàn lợi ích “bắt cóc” quá mức, chúng ta chỉ có thể thúc đẩy một cách vững chắc Trung Quốc tiến vào cuộc cạnh tranh quốc tế nhiều mặt, đó mới là sự lựa chọn có suy nghĩ tương đối thực sự cầu thị, tương đối hiện thực.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas
Nguồn: Tạp chí Quan sát tháng 10/2008, mạng Hua xia kuai di ngày 19/10/2008