trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
1.11.2008
 
Chủ nghĩa tư bản thắng, không phải chủ nghĩa xã hội
(Tuần báo Ba Lan Wprost phỏng vấn John McCain)
Lê Diễn Đức dịch và giới thiệu
 
Lời người dịch: Trong ngày 29/10/2008, Đảng Dân chủ thực hiện cuộc tổng phản công trên toàn nước Mỹ: vào giờ ăng-ten cao điểm nhất, các đài truyền hình lớn CBS, Fox, NBC, BET, MSNBC, TV One và cả kênh tiếng Tây Ban Nha Univision, đồng nhất phát đoạn phim nói về các chương trình của Barack Obama, dài kỷ lục – tới 30 phút. Theo Foxnews.com (ngày 30/10/2008), quảng cáo này tốn từ 4–5 triệu đôla và Evan Tracey, giám đốc Trung tâm Phân tích Các chiến dịch Tranh cử bình luận rằng, nó “đã tước hết ôxy dự trữ của Thượng nghị sĩ John McCain”.

Với nguồn thu trên 600 triệu đôla, gấp hai lần McCain, Obama đã giành ưu thế gần như tuyệt đối trên các phương tiện truyền thông vô cùng đắt đỏ của nước Mỹ. Cũng theo Foxnews.com, trong bức thư gửi cử tri, nói về khó khăn tài chính của uỷ ban tranh cử của mình, John McCain viết: “Các cuộc thăm dò càng ngày càng gần nhau hơn về kết quả. Chúng tôi cần đến ủng hộ của bạn trong những ngày cuối cùng của cuộc vận động. Liên danh Dân chủ Obama-Biden lấy hết thời gian trên truyền thông đại chúng để quảng cáo, hầu thuyết phục quần chúng rằng họ đã sẵn sàng lãnh đạo nhà nước. Đơn giản là họ hoàn toàn chưa sẵn sàng. Chúng tôi cần ngay lập tức sự ủng hộ tài chính để thuyết phục những người còn lưỡng lự.”

Trong thư của McCain còn có đoạn: “Trong sự thiên vị của truyền thông, các ứng viên Dân chủ Obama, Biden và chiến hữu của họ muốn các bạn hiểu rằng đã đến lúc kết thúc. Trong diễn tiến của mùa tranh cử, tôi nhớ lại câu nói của "Yogi" Berra [1] ‘Việc chưa ngã ngũ khi nó chưa kết thúc’.”

Thomas Sowell, người Mỹ gốc Phi, giáo sư Hoover Institut của Stanford University, một trong những nhà kinh tế bảo thủ nổi tiếng thế giới, trong bài “Những thằng cha trong Nhà Trắng” gọi bộ phận truyền thông Mỹ quá thiên vị Obama là “những kẻ man rợ (barbarian) trong vườn thú Washington”, có thái độ thù địch với Sarah Palin chỉ vì “bà là người phụ nữ bình thường, có tính thuyết phục ngoại lệ của con người, nói bằng ngôn ngữ khác với giới elite xã hội cấp tiến của Washington, Boston hay New York, làm ngơ trước các khuôn mẫu đạo đức và trí thức, không đếm xỉa đến sự thừa nhận hay thoá mạ của họ.”

“Không phụ thuộc vào những nhược điểm (ai không có nhược điểm?), John McCain cũng như Sarh Palin là những con người gắn với các giá trị quốc gia của người Mỹ. Lòng trung thành của họ với đất nước và sự dấn thân của họ cho các định chế nền tảng của Hoa Kỳ không làm bất cứ ai nghi ngờ. Không ai trong họ cộng tác với những kẻ khinh thị hoặc căm thù đất nước tôi. Họ hoàn toàn trái ngược với những kẻ giành được kinh nghiệm, nhưng từ những đại sa-lông chính trị ở Washington” – Thomas Sowell viết – “đó là lý do tại sao người Mỹ lại không nên bỏ phiếu cho Barack Obama.” – Ông kết luận.

Phóng viên nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza, Marcin Bosacki, viết từ Washington (28/10/2008) bài “John McCain – lịch sử của những cú ngã quỵ và vươn lên đỉnh điểm” (Wprost số 44, ngày 2/11/2008), kể lại những thất bại của McCain từ ngày còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, từ những cuộc tình, từ thời kỳ bị giam tại Hoả Lò (Hà Nội) đến những hoàn cảnh khác tưởng như ông phải khuất phục, nhưng ông đã vươn lên và khẳng định được mình. Bài báo thuật lại lời McCain nói bốn ngày trước đó trong một phỏng vấn của đài truyền hình NBC: “Chúng tôi nằm ở phía sau trong những cuộc thăm dò, chúng tôi có ít tiền bạc hơn, nhưng tất cả đều xác nhận cơ hội của chúng tôi – đó là tất cả những gì tôi thích thú. Tôi đã ở trong hoàn cảnh như thế nhiều lần. Tôi tin rằng chúng tôi sẽ thắng.”

Chung cuộc sẽ ra sao? Trọng tài vẫn chưa nổi tiếng còi chấm dứt cuộc đấu. Chúng ta còn phải chờ đến ngày 4/11/2008.

Bài phỏng vấn John McCain dưới đây – do Ludwik M. Bednarz, phóng viên tuần báo Wprost (Ba Lan) thực hiện tại San Francisco, đăng trên Wprost số 44, ra ngày 2/11/2008 – hy vọng cung cấp thêm đôi điều xung quanh quan điểm của John McCain.
Lê Diễn Đức
Wprost: Là người Cộng hoà, ông có cảm thấy chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng bùng nổ vào thời gian mà đảng của ông cầm quyền?

John McCain: Nền kinh tế nằm vào điểm kết của chu kỳ tăng trưởng, đó là hiện tượng khách quan. Khủng hoảng tài chính làm tăng thêm các vấn đề trong bối cảnh này. Đây không phải là sự việc có thể dễ dàng đổ lỗi cho một ai cụ thể – ít nhất, một ai đó trong chính quyền hiện tại. Giờ đây cần tập trung tạo ra các điều kiện nhằm đánh thức sự tăng trưởng kinh tế mới.

Wprost: Các điều kiện như thế nào?

John McCain: Một phương pháp đã được kiểm chứng là giảm thuế.

Wprost: Nhưng sự can thiệp của chính phủ và hệ thống ngân hàng Federal Reserve trong mục đích cứu các ngân hàng làm tăng nợ công tới trên 11 ngàn tỷ đôla. Bội chi ngân sách cũng tăng lên nhanh chóng. Việc giảm thuế liệu có ý nghĩa gì khi nó thu hẹp đi nguồn tài chính quốc gia?

John McCain: Trong năm đầu tiên sau khi nhậm chức tôi sẽ cắt giảm chi phí cho tất cả các cơ quan liên bang, trừ chi phí quốc phòng, an ninh đối nội và các khoản dành cho cựu chiến binh. Tất nhiên điều này chưa đủ. Bài toán dài hạn hơn cần có trợ giúp của giảm thuế và các công cụ của chính sách tiền tệ phù hợp với sự phát triển. Đánh thức tính doanh nghiệp và cả nền kinh tế bằng cách này sẽ tạo ra nguồn thu thuế lớn hơn.

Wprost: Barack Obama cũng hứa sẽ giảm thuế.

John McCain: Tôi đề nghị giảm thuế cho tất cả – gia đình và các doanh nghiệp – còn Thượng nghị sĩ Obama trong thực tế muốn tăng thuế, trong đó với các doanh nghiệp. Ông ấy phải tiến tới điều này để giành được nguồn tài chính cho việc thực hiện các chương trình hoạch định của chính phủ với phí tổn trên một ngàn tỷ đôla. Đây là chính sách truyền thống của những người Dân chủ: ‘Hãy thu thuế và hãy chi tiêu’ (tax and spend). Tôi không đồng ý như vậy.

Wprost: Obama khẳng định chỉ tăng thuế đối với người giàu và các doanh nghiệp, còn giảm cho người nghèo. Ông ấy còn khuyến cáo ông về thiện ý với các doanh nghiệp lớn.

John McCain: Tôi không biết ông ấy làm bằng cách nào. Gần một nửa người Mỹ được miễn thuế, bởi vì thu nhập dưới ngưỡng quy định hoặc có những ưu đãi khác. Đa số những người nộp thuế thật sự là các doanh nghiệp nhỏ - nền móng của kinh tế Mỹ. Doanh nghiệp nhỏ mang lại một nửa tổng thu nhập quốc dân và tạo ra rất nhiều việc làm. Sự tăng thêm khó khăn cho khu vực này sẽ phản hồi lên nền kinh tế.

Wprost: Trong trường hợp giành thắng lợi, cuộc cải cách trong khu vực bảo vệ sức khoẻ đang chờ đợi ông. Việc này có thực hiện được không?

John McCain: Chúng tôi có các định chế tư nhân bảo hiểm sức khoẻ đang hoạt động tốt. Vấn đề ở chỗ là nhiều gia đình không đủ khả năng mua bảo hiểm này. Vì vậy tôi đề nghị trả lại từ phần thu thuế tới 2500 đôla cho các cá thể và tới 5000 đôla cho gia đình. Thượng nghị sĩ Obama thì lại muốn giải quyết bằng phương thức xã hội chủ nghĩa – thành lập một cơ quan tài chính với nguồn từ ngân sách để đảm bảo cho mỗi công dân được chăm sóc sức khoẻ. Các định chế quan liêu khổng lồ này sẽ không hiệu quả và lãng phí tiền bạc. Trong khi đó, những người nghèo nhất đang được bảo đảm chăm sóc qua hệ thống liên bang hiện hữu là Medicaid. Ngoài ra, bất kỳ ai khi đến bệnh viện cấp cứu đều được giúp đỡ miễn phí, thậm chí cả trường hợp không có bảo hiểm. Hoàn toàn sai sự thật khi nói rằng, ở Mỹ rất nhiều người nghèo không được chăm sóc y tế.

Wprost: Sự suy thoái có thể của kinh tế sẽ làm đảo lộn các kế hoạch của ông với những đòi hỏi đầu tư lớn lao để không phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ?

John McCain: Ngày hôm nay, chúng tôi chi 700 tỷ đôla nhập khẩu dầu mỗi năm. Đây là sự trao chuyển tài nguyên lớn nhất trong lịch sử. Tệ hại nhất là điều, một phần tiền ấy lọt vào két những chính phủ không thân thiện, thậm chí vào tay những tên khủng bố Hồi giáo. Cho nên, độc lập về năng lượng không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề an ninh quốc dân. Tôi muốn đến 2030 sẽ có thêm 45 lò phản ứng hạt nhân mới thêm vào 104 cái đang có. Tôi cũng sẽ ủng hộ cái được gọi là công nghệ sạch. Thế nhưng chúng tôi phải chịu đựng giai đoạn quá độ và trong giai đoạn này phải nạp xăng và dầu máy cho 260 triệu chiếc xe hơi. Vì thế tăng thêm khai thác dầu từ các nguồn riêng tại Alaska và trên thềm lục địa được xem là hàng đầu. Thượng nghị sĩ Obama chống lại khai thác dầu dọc bờ biển nước Mỹ. Ông ta hứa năng lượng từ những nguồn tìm kiếm mới. Chỉ không biết lấy gì ngay lúc này để nạp xăng cho xe hơi.

Wprost: Chi phí cho các cuộc chiến Iraq và Afghanistan tăng nợ công của Mỹ thêm 12–13 tỷ đôla mỗi tháng. Nước Mỹ còn đủ sức cho các cuộc tác chiến này?

John McCain: An ninh của đất nước là vấn đề quan trọng nhất. Sau vụ khủng bố 11 tháng Chín năm 2001, chúng tôi chuyển cuộc chiến đấu với chủ nghĩa Hồi giáo hung hăng sang lãnh thổ của kẻ thù. Sau vô số sai lầm mà chính quyền Tổng thống George W. Bush mắc phải, ngày hôm nay ở Iraq đã thấy ánh sáng cuối đường hầm. Chính phủ được bầu lên một cách dân chủ với hậu thuẫn của lực lượng Mỹ và đồng minh đang kiểm soát đa số các tỉnh. Tôi đề nghị một kịch bản chiến thắng, tức là rút quân đội của chúng tôi khi chính phủ Iraq tự đảm bảo được an ninh cho nhân dân cả nước và nắm kiểm soát toàn bộ biên giới. Thượng nghị sĩ Obama thì lại muốn triệt thoái quân đội trong vòng 16 tháng – không phụ thuộc vào tình hình. Đây là kịch bản của sự thất bại và sự hỗn loạn tiếp tục tại Iraq.

Wprost: Cuộc chiến với Taliban ở Afghanistan cũng có thể giành thắng lợi?

John McCain: Giống như cuộc chiến đấu với phát-xít trong Chiến tranh Thế giới thứ II, cuộc chiến chống khủng bố không phải là vấn đề riêng của nước Mỹ. Nếu như các nước thuộc NATO biểu hiện thiện chí chính trị hơn và tham dự quân sự nhiều hơn, chúng ta sẽ chiến thắng nhanh hơn.

Wprost: Việc Ba Lan rút quân đội ra khỏi Iraq có ảnh hưởng đến quan hệ song phương?

John McCain: Không ảnh hưởng. Ngoài ra tôi đánh giá cao việc ký kết hiệp ước về lá chắn chống tên lửa giữa Ba Lan và Mỹ. Đây là bước đi thực chất về phía bảo vệ châu Âu và Mỹ trước các tấn công từ bên ngoài.

Wprost: Điều cần thay đổi là khẩu hiệu chính của cuộc tranh cử. Tại sao cử tri có thể tin rằng, bảo đảm cho nó là John McCain, thành viên của giới quyền lực từ hơn một phần tư thế kỷ nay?

John McCain: Cử tri biết tôi như một người thực hiện nguyên tắc: “Trước hết quyền lợi của đất nước, sau đó mới tới quyền lợi của đảng tôi.” Những lần bỏ phiếu của tôi tại Thượng viện chứng minh điều này. Cũng vì nó mà có cái tên lóng “Maverick”, tức là độc lập về chính trị, không sáo mòn. Đã rất nhiều lần tôi chống lại chính sách của Đảng Cộng hoà và chính quyền của Tổng thống George W. Bush. Đó là những sự việc có thật.

Wprost: Thống đốc Alaska Sarah Palin, ứng viên Phó Tổng thống của ông, ban đầu mang lại cho ông rất nhiều phiếu, nhưng hôm nay khá nhiều người vạch ra sự thiếu chuẩn bị của bà ấy đối với cương vị quan trọng như thế.

John McCain: Sarah có nhiều kinh nghiệm hơn cả ứng viên Đảng Dân chủ trước kia Bill Clinton, bấy giờ là Thống đốc tiểu bang nhỏ Arkankas. Bà kiểm soát ngân sách 14 tỷ đôla và tiểu bang của bà là một trong những tiểu bang lớn nhất trong lĩnh vực khai thác dầu, khí đốt và nhiều tài nguyên khác – rất quan trọng về kinh tế. Cách thức vận động tranh cử của bà xác nhận đẳng cấp của một chính khách toàn quốc. Ngoài ra bà ấy được biết như một người độc lập, đặt quyền lợi đất nước lên trên những điều khác.

Wprost: Nước Mỹ của McCain khác gì với nước Mỹ của Obama?

John McCain: Chúng tôi đang đứng trên hai cực chính trị đối nghịch. Dựa trên phân tích những lần bỏ phiếu tại Thượng viện, Barack Obama đã trở thành một Thượng nghị sĩ cực tả. Để so sánh: Thượng nghị sĩ cũng rất thiên tả Hillary Clinton, người thua với ông ấy trong việc chọn ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ, đứng vị trí thứ mười sáu trong xếp hạng. Đấy là câu trả lời.

Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Việc chưa ngã ngũ khi nó chưa kết thúc’: phó bản của câu tiếng Anh ‘It’s not over until it’s over’, một trong những phát ngôn của Lawrence Peter Berra (1925–), biệt hiệu “Yogi” Berra, nguyên vận động viên (chơi ở vị trí catcher) và nhà chỉ đạo đội bóng chày. Gây dựng sự nghiệp suốt đời ở câu lạc bộ New York Yankees, “Yogi” Berra là một trong số vài nhà thể thao giàu thành tích nhất trong lịch sử môn bóng chày nhà nghề ở Bắc Mỹ. Là con của một gia đình di dân gốc Italy, dời ghế nhà trường ở lớp Tám, song “Yogi” Berra còn nổi tiếng bởi nhiều phát ngôn đặc sắc, thú vị mà câu nói được McCain trích dẫn trên đây là một thí dụ. (Chú thích của talawas)