trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Phỏng vấn của talawas
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
29.4.2004
Nhật Tuấn
Viết theo cái lối vót nhọn con người khó mà hay
Phạm Thị Hoài thực hiện
 
talawas: Thưa anh Nhật Tuấn, ngày 30 tháng Tư năm 1975 anh đang ở đâu?

Nhật Tuấn (NT): Tôi đang ở cuối đường 14 cũ và đầu đường Trường Sơn mới, tức sông A Vương, tỉnh Quảng Đà (cũ). Lúc đó tôi nghe BBC kể về một bức biếm hoạ đăng trên báo Mĩ, vẽ ngôi mộ có bia khắc dòng chữ "VNCH" (Việt Nam Cộng Hoà) và "nơi đây yên nghỉ một quốc gia vừa chết trong tức tưởi". Tôi cũng nghe đài Sài Gòn đọc tuyên bố buông súng, giao lại chính quyền của ông Dương văn Minh, sau đó là bài hát Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong - "ngoài hiên gịot mưa thu thánh thót rơi, trời vắng…u buồn…mây hắt hiu ngừng trôi", lát sau có tiếng người đọc: "Đây là tiếng nói của Quân Giải phóng khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn" và tôi nghĩ: chiến tranh đã kết thúc.

talawas: Trong thời gian chiến tranh, một kĩ sư giao thông như anh làm những việc gì?

NT: Từ 8-1964, sau khi Mỹ ném bom miền Bắc, công việc chính của tôi là khảo sát thiết kế đảm bảo giao thông các tuyến đường khu 4 cũ - đường tràn, đường tránh, đường giả, đường nghi trang…, đại loại thế. Năm 1973 vào B.

talawas: Anh tình nguyện đi B? Cầm súng?

NT: Cơ quan cử đi thôi. Hồi đó anh em gọi đùa lính miền Nam là "lính bà Định", lính miền Bắc là "lính xã hội", còn những người làm công tác kĩ thuật như tôi được biệt phái sang Tiểu đoàn 976, trinh sát công binh, Đoàn 559 thì được gọi là "lính gia công", hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận chuyển thuộc tỉnh Quảng Đà (cũ), cũng được nhận quân trang quân dụng nhưng không có quân hàm nên không phải là sĩ quan quân đội. Tôi có cầm súng nhưng chỉ để bắn… heo rừng. Năm 1976 tôi trở lại cơ quan cũ: Viện thiết kế Bộ Giao thông.

talawas: Anh có cảm thấy biết ơn số phận đã cho mình những năm tháng ấy không?

NT: Tôi phải cảm ơn số phận đã luôn luôn trợn mắt lên với tôi, dồn tới những hoàn cảnh "chân tường" mà chỉ văn chương mới giúp mình vượt thoát được. Bởi lẽ, nếu không có nó, tôi biết trò chuyện với ai? Chính nhờ những năm tuổi 20 đầy ải trên rừng núi Tây Bắc, tôi đã viết Đi về nơi hoang dã. Còn những năm tháng chiến trường dẫu qua lâu rồi, nhiều đêm vẫn nằm mơ thấy nó mà vẫn chưa dám đụng bút tới. Kiểu như hồn vía vẫn bay lượn đâu đó mà chưa tìm thấy hình hài để nhập vào, chắc phải chờ một "cơ duyên" nào đó…

talawas: Sau chiến tranh, anh - là người gốc Hà Nội - chuyển vào Sài Gòn và ở lại đó cho đến nay. Là người của phía chiến thắng giữa những người chiến bại. Sống với cảm giác ấy có dễ không?

NT: Tháng 6-1975, trên đường phố Đà Nẵng tôi thấy một cô gái nhìn theo một xe tải chở đầy ti vi, tủ lạnh chạy ra Bắc với ánh mắt ác cảm, tôi nghĩ cũng còn may cô ta không được thấy những đoàn xe bịt vải bạt chạy trên đường Trường Sơn cũng ra Bắc. Nhưng đó là chuyện buồn khó tránh khỏi sau chiến tranh, còn nhiều chuyện vui khác, những cuộc trùng phùng chẳng hạn. Tháng 10 -1975 tôi vào Sài Gòn gặp ông anh ruột là nhà văn Nhật Tiến, đang là giáo viên trường trung học Hưng Đạo. Ông ấy kể, công đoàn trường vừa chia mỗi người được 10 điếu thuốc Tam Đảo, ông không nhận và hỏi sao không để nguyên bao, kỳ này anh nhận, kỳ sau tôi nhận, sao lại xé ra? Rồi ông ấy khóc vì sự "xúc phạm con người". Tôi bảo: "Thôi ông ra nước ngoài đi, người như ông không sống ở đây được đâu!" Tôi không có cảm giác mình là "phe chiến thắng" mà chỉ là dân "ngụ cư", dân "Bắc Kì 75", bởi lẽ năm 1980, chuyển vào ở hẳn Sài Gòn, nhập hộ khẩu rất khó khăn, nhà cửa tự lo lấy. "Những người chiến thắng" chính là những người như ông Mười Xuân, Cục trưởng cục in ấn ở rừng trở về, hoặc những nhà văn tập kết như Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng … và cả những người cách mạng 30 tháng Tư như các nhà văn nhà thơ Nguyễn Thị Minh Ngọc, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Viện (sau này là Trưởng ban văn nghệ báo Thanh Niên)… mà tác phẩm của họ chiếm lĩnh đầy các trang báo ở TP Hồ Chí Minh.

talawas: Và anh Nhật Tiến đã ra nước ngoài; trong nước bây giờ không ai dùng Tam Đảo điếu lẻ nữa; còn tác phẩm "Thời của những tiên tri giả" của Nguyễn Viện thì bị đình chỉ phát hành...

NT: Cho dù anh Nhật Tiến đã ra nước ngoài và bây giờ người ta hút thuốc 3 số 5 đi chăng nữa, đời sống vẫn cứ trôi theo "quy luật" của riêng nó với chiều hướng như đang diễn ra, và muốn đoán trước nó, xin cứ nhìn sang bên…Tàu. Năm 2000 tôi đang làm ở NXB Văn Học, chính anh Nguyễn Viện đã đưa cho tôi bản thảo cuốn đó. Tôi đọc và nói thực, tôi thấy nó hơi bị ... cũ, bàng bạc một thứ hiện sinh phòng khách của Sài Gòn ngày xưa. Tuy nhiên tôi vẫn gửi ra ngoài Hà Nội xin giấy phép, ở ngoài ấy chắc cảm giác đó còn nặng nề hơn tôi nên người ta đã loại nó. Tôi nghĩ nếu các mạng bên ngoài không làm om sòm "hiện tượng Nguyễn Viện" cùng những bài viết của anh, trong đó có những câu khiêu khích như "Địch vô Nam Việt" thay vì "Việt Nam vô địch" thì chẳng ai thu hồi cuốn đó làm gì.

talawas: Đời sống trong Nam chắc phải dẫn đến những thay đổi nào đó đối với anh?

NT: Sống ở Miền Nam, tôi được hít thở không khí của nền kinh tế thị trường còn rớt lại và điều đó dẫn tới một sự thay đổi quan trọng trong tôi là văn chương cũng là một nghề, nhà văn phải kiếm sống bằng ngòi bút. Tôi mở đầu chuyện đó bằng viết một loạt …truyện hình sự "vụ án viết lại", tiểu thuyết "đời thường" như Bận rộn, Niềm vui trần thế, Những mảnh tình đã vỡ… Đó là "nghề", còn vẫn dành thời gian cho "nghiệp" để viết Đi về nơi hoang dã, Lửa lạnh

talawas: 29 năm trước, cái kinh tế thị trường ấy là một tàn tích của chế độ cũ còn rơi rớt lại. Bây giờ nó mở ra tương lai. Anh có tiếp tục sống bằng ngòi bút nữa không? Kinh tế thị trường có đẩy nghề văn tại Việt Nam lên thành một nghề thật sự không?

NT: Có chứ, các nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Phục… đều đã làm giàu bằng nghề văn đấy chứ. Có điều phải nắm vững yêu cầu của "Thượng đế", sản xuất mặt hàng sao cho người tiêu dùng chịu móc tiền ra mua, phải rất chuyên nghiệp và tất nhiên phải có tài nữa. Tôi không có nhu cầu nhiều về vật chất, nên chỉ viết dăm ba kịch bản phim truyền hình, vài bài báo nhỏ để đủ sống, hiện nay tôi lên vùng rừng Chiến khu D (cũ) ở Bình Dương dựng một ngôi nhà nhỏ nuôi cá, ba ba… để thêm thu nhập. Còn cái "nghiệp" có lúc nào buông tha mình đâu.

talawas: Văn học miền Bắc trước kia và văn học Việt Nam thống nhất sau này, một thời gian dài là văn học chiến tranh. Anh đánh giá các thành tựu của nó như thế nào?

NT: Tôi không coi đó là một nền văn học chiến tranh, bởi lẽ những tác phẩm còn lại với thời gian phần lớn không viết về chiến tranh. Rất nhiều cuốn đáng để cho những người cầm bút tự hào, talawas cần làm một việc có ích là liệt kê ra những thành tựu đó một cách hoàn toàn khách quan.

talawas: Làm thế nào để khách quan khi lịch sử văn học còn những trang gần như bị niêm phong?

NT: Lịch sử văn học có thể còn những trang bị niêm phong, nhưng những tác phẩm văn học thì không. Dường như tất cả đều đã được công bố cả rồi. Những cuốn "huý kị" tồn đọng từ thời Nhân Văn Giai Phẩm như Những ngã ba và những cột đèn của Trần Dần, Porcinovani (Trư cuồng) của Nguyễn Xuân Khánh…, thơ "nhóm chân đất" của Lê Huy Quang, Chu Hoạch… đều đã xuất bản, Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh, thậm chí đến kịch Suối nhỏ êm dịu của Nguyễn Huy Thiệp cũng đã được in ở trong nước. Còn lại cũng đều tung lên mạng hết rồi. Thơ Nguyễn Mậu Lâm, Phan Đan, Nguyễn Quốc Chánh, truyện ngắn Bùi Hoằng Vị … đều đã tới "mắt" người đọc.

Làm thế nào để khách quan ư?

Những năm 1977-1979, sếp tôi ở NXB Văn Học là nhà phê bình văn học Như Phong, khi giao cho tôi chuẩn bị làm bộ Tổng tập văn học Việt Nam 1945-1975 theo 3 thời kỳ: "chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội", ông dặn tôi: "Kệ mẹ tên tuổi, mày cứ dựa theo belles lettres mà chọn…" Như vậy căn cứ vào từng năm, sẽ chọn sách "hay", bất kỳ tác giả đó là ai. Than ôi, nếu vậy thì nhiều tên tuổi lớn sẽ không có mặt ở một số thời kỳ. Tôi còn nhớ lúc gặp nhà văn Nguyễn Khải để chọn tuyển theo cách này, ông đã kêu lên: "Tung toé mẹ nó hết rồi Tuấn ơi… Nhưng không sao, tao sẽ vót nhọn gươm đấu một trận cuối cùng…" Chính vì cái sự "tung toé" ấy, cho dù bộ tuyển cả ngàn trang đã được bảo kê bằng cả một Hội đồng tuyển chọn quốc gia gồm 17 tên tuổi lớn nhất nước, cho tới nay vẫn chưa được trình làng và là một trong những nguyên nhân sâu xa để ông Như Phong về hưu gần 2 năm sau đó.
Nhưng đó là chuyện từ thời bao cấp, còn bây giờ, liệu đã theo nguyên tắc belles lettres của nhà phê bình mác xít Như Phong được chưa? Tác phẩm văn học thực sự có giá tri giống như là năng lượng, nó được bảo toàn và không bao giờ mất đi. talawas ra tay thử coi…

talawas: Anh có đọc những đồng nghiệp miền Nam trước 75? Anh nghĩ thế nào về việc sau 29 năm chấm dứt chiến tranh, gần như toàn bộ nền văn học trước 75 của miền Nam cũng như sự tiếp nối của nó ở hải ngoại vẫn không được nhắc tới?

NT: Tôi đọc khá nhiều: Dương Nghiễm Mậu, Nhật Tiến, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thị NgH., Y Uyên...Năm 1989, một số nhà văn hải ngoại như Nhật Tiến, Nguyễn Mộng Giác, Khánh Trường… có làm một tuyển tập văn chương hải ngoại rất công phu, tập hợp 40 cây bút ở khắp các phương trời: Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Lê Bi, Phạm Việt Cường, Võ Đình, Vũ Quỳnh N.H., Bùi Bích Hà, Phan Tấn Hải, Trần Diệu Hằng, Lê Thị Huệ, Vũ Quỳnh Hương, Khế Iêm, Đỗ Kh., Cao Đông Khánh, Ngọc Khôi, Trần Thị Kim Lan, Nguyễn Hoàng Nam, Hồ Đình Nghiêm, Định Nguyên, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Hoàng Khởi Phong, Chân Phương, Thường Quán, Vũ Huy Quang, Trân Sa, Hoàng Xuân Sơn, Kiệt Tấn, Trịnh Y Thư, Nhật Tiến, Lê Giang Trần, Nguyễn Mạnh Trinh, Khánh Trường, Phan Thị Trọng Tuyến, Trần Vũ, Ngu Yên… sau khi đã được nhà văn Hoàng Lại Giang, lúc đó là Trưởng chi nhánh Nhà xuất bản Văn Học ở TPHCM cam kết là nhất định xuất bản được ở nhà Văn Học liên kết với nhà Tân Thư của anh Khánh Trường. Anh em còn bỏ tiền mua vé máy bay để ông Hoàng Lại Giang ra Hà Nội lo giấy phép. Trên đã nhất trí rồi, nhưng yêu cầu của những người thực hiện tuyển tập bên Tân Thư rất cao, "không cho cắt bỏ một chữ nào", nên người có trách nhiệm đặt bút xuống kí, lại ngại ngần sao đó nên việc không thành. Cho tới bây giờ, tôi vẫn còn áy náy về chuyện này vì tôi là người bên phía NXB Văn Học biên tập cuốn đó. Tuy nhiên tới nay, khá nhiều tác phẩm trước 75 và của hải ngoại đã được xuất bản ở trong nước rồi đấy chứ.

talawas: Xin anh thử liệt kê..

NT: Ký sự đi Tây của Đỗ Kh., Thềm hoang, Chim hót trong lồng, "Quê nhà, Quê người" của Nhật Tiến, tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác và nhiều tập truyện, thơ của các tác giả hải ngoại khác nữa…

talawas: Còn tác phẩm của một số nhà văn Mĩ từng ở "phía bên kia chiến tuyến" và văn học Mĩ nói chung ngày càng được giới thiệu rộng rãi với công chúng văn học Việt Nam. Có phải chúng ta dễ dàng với người ngoài hơn với người cùng giống nòi không? Quá khứ chống ngoại xâm dễ khép lại hơn quá khứ nội chiến chăng?

NT: Tôi không cho là như vậy. Thú thật, tới bây giờ tôi vẫn chưa đọc cuốn nào của các quý vị đó, theo tôi đó chỉ là sự trao đổi "thù tạc" giữa hai bên cựu chiến binh, mang nặng ý nghĩa chính trị hơn là văn chương. Còn "quá khứ ngoại xâm" khó khép lại hơn "quá khứ nội chiến"? Riêng trong văn chương theo tôi không có chuyện đó, cái chính là thiếu những tác phẩm vượt được lên trên những rào cản của thế tục. Anh cứ viết cho thật hay coi, dầu anh ở đâu, sống ra sao, độc giả cũng đón nhận hết.

talawas: Chiến tranh trong nhiều tác phẩm của các nhà văn "phía bên kia" thường hiện ra như một thực thể quái đản, hỗn loạn, phi lí, phi nhân tính, hầu như không có những anh hùng. Trong văn học của "phía bên này" thì ngược lại, chiến tranh là một ngày hội được tổ chức quy mô, hầu như ai cũng anh hùng, không ai chửi tục, không ai đang ở đường mòn Hồ Chí Minh mà bỗng thèm một cục nước đá Hà Nội...

NT: Nói cho ngay, viết về chiến tranh, các nhà văn Miền Nam ít chịu "ràng buộc" hơn các nhà văn Miền Bắc; trừ những quý ngài chỉ nằm ở Sài Gòn, bốc phét trong các phòng khách, còn những nhà văn thực sự lăn lộn ở chiến trường, được "nghiệm sinh" trong bom đạn và chết chóc thì không viết thế đâu. Tôi đọc họ, cảm nhận được tình thương yêu đồng loại trong những trang viết nóng bỏng. Chẳng hạn Phan Nhật Nam viết Mùa Hè Đỏ Lửa, Y Uyên viết Tượng Đá Sườn Non, Ngựa Tía, Nhật Tiến viết Giấc Ngủ Chập Chờn…, mặc dầu họ ở phía bên kia. Còn ở phía bên này, hiển nhiên là phải viết theo yêu cầu để toàn thắng, bởi vậy "người bên kia" thì xấu thật xấu, còn "người đằng mình" thì tốt thiệt tốt. Viết theo cái lối vót nhọn con người như vậy khó mà hay được. Nhưng chuyện này cũng chẳng trách được ai, nhu cầu tất yếu của lịch sử mà, cái chính là bản thân các nhà văn, có ai ép anh đâu, anh có thể làm việc khác, hoặc viết để đó, sau này lịch sử sang trang, anh vẫn có thể công bố được kia mà. (Ngay những cây bút bị cấm thời Nhân Văn-Giai Phẩm, thật đáng tiếc khi "mở bát ra", cũng hiếm có những tác phẩm lớn). Còn gương mặt của chiến tranh? Đó chính là những cái mỗi người được trải qua và được chứng kiến. Tôi nhớ tết năm 1974, tại một đỉnh đèo trên Trường Sơn, tôi thấy một anh lính lái xe trong đơn vị, quăng xuống cái bi đông nước rồi nhảy xuống đường, chửi đùa: "Mẹ kiếp, thằng Miền Bắc cứ ở ngoài Bắc, thằng Miền Nam cứ ở trong Nam, đánh nhau làm gì cho bố mày khổ thế này?". Lúc đó chúng tôi cười ồ cả lên, vậy nhưng sau đó tất cả lại ai về việc nấy và tôi thấy ở đơn vị tôi tuyệt đối không ai muốn làm "B quay" cả. Đó là một sự thật "trong mắt tôi", và tất nhiên còn những sự thực khác về ý thức trách nhiệm, tinh thần hy sinh rất sẵn ở những người lính cả hai bên chiến tuyến.

talawas: Anh tìm thấy bài học gì còn lại sau tất cả những cái giá mà chúng ta, dù chiến thắng hay chiến bại, đã trả cho cuộc chiến tranh này?

NT: Đó là sự bình tĩnh và lòng cảm thông, bởi lẽ chiến tranh là "đầu ra" (output) của cả một quá trình lịch sử. Cha ông chúng ta đã từng "mang gươm đi mở nước", bởi vậy với tôi, chiến tranh là một cái gì đó giống như là "thiên mệnh"; trong "gọng kìm của lịch sử" (chữ này tôi mượn), mỗi con người bình thường hình như đều trở nên bé nhỏ trước bàn tế của thần chết.

talawas: Hiện tại của chúng ta hôm nay có xứng đáng với hình dung và lí tưởng của những người đã cống hiến một phần quan trọng của đời mình cho cuộc chiến tranh ấy không?

NT: Tôi chỉ xin nói về những người gần gũi, những đồng đội của tôi - họ chẳng hình dung và lí tưởng gì hết. Tôi còn nhớ một tối giữa Trường Sơn, chúng tôi ngồi lại hỏi nhau: "Mai mốt được về nhà, việc đầu tiên chúng mày sẽ làm cái gì?". Thằng thì "lôi ngay vợ vào buồng trong, khỏi rửa ráy", thằng thì "mang ngay khăn voan, ví nháy, võng dù đã gom được gần chật ba lô để phân phát cho mọi người"..., còn tôi, "tao sẽ chạy ngay ra phố Lí Quốc Sư ăn một bát chín dừ". Bây giờ, hầu hết họ đã nằm xuống, người bị bom bi ở cầu Cà Tang (Quảng Bình), người chết sốt rét ở sông A Vương, tôi có làm gì đi chăng nữa cũng chẳng có ý nghĩa gì với họ, bởi vậy tôi chỉ quan tâm sống sao cho ra một người tử tế.

talawas: Và có còn một sự phân biệt nào giữa Miền Bắc của những người chiến thắng và Miền Nam của những người chiến bại không?

NT: Bây giờ làm gì có sự phân biệt giữa "miền Bắc của những người chiến thắng" và "miền Nam của những người chiến bại" nữa. Sự phân biệt trong cả nước bây giờ là người có tiền hoặc có quyền và người không có gì - những người lao động thu nhập không vượt quá 20 USD/ tháng.

talawas: Nhiều năm gần đây, anh không xuất hiện trên văn đàn.

NT: Văn đàn nào? Cách nay khoảng 5 năm, báo Văn Nghệ có đăng của tôi một truyện ngắn có tựa là Con khủng long cuối cùng viết về nỗi cô đơn của người con gái trong "thời kì băng hà của tâm hồn con người". Cũng báo đó ít lâu sau đăng nhận xét tuy không nêu đích danh nhưng nhằm vào tôi: "dùng kĩ thuật để lấn át sự nghèo nàn về vốn sống", tôi hiểu nơi đó không còn là "sân chơi" của mình nữa. Gần đây tôi có gửi lên Tiền Vệ một vài truyện ngắn...

talawas: Anh có cho rằng mình thuộc một thế hệ văn học được đánh dấu bằng những sự kiện lịch sử, chính trị và xã hội đã hoàn thành; sự nghiệp văn học của mình đã khép lại? Còn những thế hệ đang tới, với khả năng làm những việc mà thế hệ anh không thể nghĩ đến?

NT: Văn học là một rừng mênh mông, thừa chỗ cho mọi người. Cổ thụ, cây lớn, cây nhỏ, dây leo, cỏ cây bầy đàn đều có chỗ để tồn tại mà. Sao cứ đòi "khép lại sự nghiệp văn học" của người khác làm gì? Tôi không tự xếp mình vào thế hệ này, thế hệ khác, trong văn học chỉ có tài và bất tài thôi. Những thế hệ đang tới? Chắc hẳn là thế hệ trẻ, hay bây giờ người ta thường gọi là thế hệ @. Gọi là trẻ nhưng tôi thấy họ... già chẳng kém gì các cụ. Ngày xưa trong nhà ở thôn quê bao giờ cũng có vại cà, hũ mắm, cót thóc…, tích cốc phòng cơ mà. Cứ "thủ" vậy cho chắc ăn. Cái tâm lí "thủ" ấy phần nào biểu hiện ở chỗ đất nước mình có trên 3 ngàn cây số bờ biển mà các cụ ta hầu hết cứ quẩn quanh trong luỹ tre xanh, cây đa, mái đình, không dám lội xuống biển đóng những đội tàu vượt đại dương mà phiêu lưu khám phá những chân trời mới. Thế hệ @ bây giờ cũng "thủ" không thua gì các cụ ngày xưa. Như chị Vi Thuỳ Linh: "tôi là chung thân duy mĩ", chị Phan Huyền Thư: "Ngoài chữ ra tôi không quan tâm tới bất cứ thứ gì…". Nhóm "Mở miệng" ở Sài Gòn cũng vậy, họ chỉ "mở miệng" chuyện thân xác và giường chiếu. Vậy là bác Hữu Thỉnh yên tâm nhé, các cháu là "chung thân duy mĩ", không bao giờ có ý định động chạm tới cái "ổn định" của các bác; cứ in, cứ kết nạp Hội thoải mái; khỏi lo chống đối, phản kháng, xét lại. Cái "tâm lí đại dương", tâm hồn "biển cả" xưa đã hiếm, nay càng hiếm hơn, cho dù những khái niệm "vô thức", "cõi tự nghiệm", "phi thời gian", "bên kia bờ vũ trụ"… được dùng nhiều hơn bao giờ hết trong "nghệ thuật đương đại".

Trong bài Trò chuyện với hoa thuỷ tiên đang gây tranh cãi ầm ĩ, tôi thấy nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết một câu rất chí lí: "Nghệ thuật đương đại, xét cho cùng chính là nghệ thuật suy đồi.". Hy vọng rằng trên những bãi cứt suy đồi ấy sẽ mọc lên kỳ hoa dị thảo. Tôi hy vọng trên lí thuyết vậy thôi, còn thực tế vẫn chưa thấy xuất hiện những tài năng thực sự để có thể dẫn văn chương vào kỉ nguyên mới của kĩ thuật số.

talawas: Nhưng cuối cùng thì văn chương có thật sự là một nhu cầu sống còn của xã hội Việt Nam đang vừa bước vào kỉ nguyên của kĩ thuật số, vừa tiếp tục đi sau con trâu và cái cày không?

NT: Ngoài những thứ các nhà phê bình chất lên lưng nó, văn chương còn là một phương cách làm cho con người ta ngây ngất. Các cụ tổ trong nghề ngày xưa làm việc này vào thời mà cảm quan con người đang tuổi ấu thơ như thời thần thoại Hy Lạp, hoặc tuổi thanh niên như thời cổ điển… Ở thời đó tranh tĩnh vật, nhạc giao hưởng, kịch Shakespeare, thơ Puskin, tiểu thuyết Dostojevski… đủ làm "sướng" con người ta rồi.

Còn bây giờ, nhân loại dường như đang sang tuổi "nhi bất hoặc", để làm ngây ngất được con người mà không phải dùng tới thuốc lắc, heroine… văn chương cần phải nặng "dose" lắm. Trong Trò chuyện với hoa thuỷ tiên, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có than vãn là con nít bây giờ không đọc Dế mèn của Tô Hoài nữa mà tìm tới con mèo máy Doremon, những siêu nhân. Theo tôi đó là do bộ cảm quan của con nít bây giờ không chịu "chật chội" trong không gian ba chiều nữa. Nó đòi tới cả những ảo giác. Từ xưa Apollinaire đã làm thơ "xếp hình" trong Calligrammes, gần đây đã xuất hiện hypertextes và nhiều kiểu cách tân khác… đều là những nỗ lực tạo những xung động mới phù hợp với cảm quan thời đại.

Tuy nhiên như một nhà văn Nga đã viết, "tâm hồn con người nặng cả ngàn cân", dù có vào thời đại số hoá, nó vẫn còn mang những bí ẩn của riêng nó, bởi vậy mọi cách tân về kĩ thuật dường như vẫn còn thiếu một cái gì đó. Chính "cái gì đó" sẽ cứu chuộc nghệ thuật. Bởi thế dù cho ai đó có "tiếp tục đi sau con trâu và cái cày" nhưng lọt được vào "cái gì đó" cũng có thể làm cho con người ta ngây ngất được lắm chứ. Nền văn học của người Việt Nam chúng ta là một "công trường rộng lớn", người làm mặt hàng này, kẻ mặt hàng khác, người cổ lỗ, kẻ tân kì nhưng đều có khách hàng của riêng họ. Xin hãy cứ để các nhà văn làm việc và đừng sốt ruột, những sản phẩm của họ sẽ làm cho con người ngây ngất mà không cần phải dùng tới cần sa.

talawas: Cảm ơn nhà văn Nhật Tuấn.



Nhật Tuấn sinh năm 1942, quê quán Hà Nội, hiện ở huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, Việt Nam

Các tác phẩm chính:

Tiểu thuyết: Bận rộn (1985), Mô hình và thực thể (1986), Biển bờ (1986), Lửa lạnh (1987), Tín hiệu của con người (1987), Niềm vui trần thế (1988), Đi về nơi hoang dã (1989), Những mảnh tình đã vỡ (1990)...

Tập truyện ngắn: Trang 17 (1977), Con chim biết chọn hạt (1983), Một cái chết thong thả (1994), Tặng phẩm cho em (1995), Con khủng long cuối cùng (1999)…

Kịch bản phim: Con chim biết chọn hạt (1978), Biển bờ (1987), Tiếng gọi lúc mờ sáng (1988), Giao thời (2000)…

Giải thưởng văn học: Giải nhất văn học công nhân 1975-1978 với tập truyện ngắn Trang 17, Giải nhì truyện ngắn báo Văn Nghệ 1974 với truyện ngắn Ngôi nhà đang lên tầng.


© 2004 talawas