trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
19.7.2004
Lệ Thần Trần Trọng Kim
Một cơn gió bụi
Hồi kí
 1   2   3   4   5 
 
Chương 5
Về Hà Nội

Cuối tháng một dương lịch, chiều bảy giờ lên xe hơi chạy ra nghỉ ở Ðông Hà. Sáng hôm sau ra đến Nghệ, vào nghỉ nhà người cháu, trưa hôm sau xe mới ra Thanh Hóa, rồi hôm sau nữa mới đến Hà Nội. Dọc đường nhờ trời được bình an. Khi xe đến bến đò sông Gianh, sông rộng, gió to, sóng lớn, tôi thấy gần đó có chiếc tàu con kéo phà chở xe hơi sang sông, tôi hỏi: "Tàu có chạy không?". Người ta nói: "Tàu hết dầu xăng". Tôi hỏi: "Có đò nào có mui cho thuê một chiếc để đưa chúng tôi sang trước". Người ta nói chỉ có chiếc đò không mui thôi. Chúng tôi đang lo nghĩ không biết tính sao, thì thấy người tài xế chạy đi nói thì thầm gì với mấy người chở phà, rồi một lát thấy chiếc đò có mui đến mời chúng tôi xuống. Khi chiếc đò chở chúng tôi ra ngoài, thấy chiếc tàu đốt máy kéo phà đi. Sang bên kia hỏi người lái đò lấy bao nhiêu, người ấy nói: "Cụ cho bao nhiêu cũng được". Sau tôi mới biết người tài xế biết chúng tôi, đi nói với mấy người chở đò nên họ mới đi lấy đò và cho tàu chạy. Ðây là một việc tỏ ra nhân dân trung bộ đối với tôi vẫn có chút cảm tình, không ai ta oán gì trong khi chúng tôi vẫn làm việc. Chỉ có khi đến Thanh Hóa bị lính Tàu và Lính Việt Minh khám xe đâm thủng nát cái bồ đựng sách của tôi.

Tôi về đến Hà Nội, mừng quá, định bụng mình già yếu rồi, không có gì làm nữa và cũng chẳng đi đâu cả, chỉ vui với mấy quyển sách cổ và mấy người bạn cũ, trò chuyện tiêu khiển. Tưởng thế là yên, ngờ đâu tình thế phải phiêu lưu lần nữa.



Chương 6
Chính phủ Việt Nam và tình thế trong nước

Lúc bấy giờ tình thế trong nước bối rối lắm, quân Anh và quân Pháp lên chiếm giữ nam bộ và các thành thị phía Nam Trung Bộ từ vĩ tuyến 16, tức là Quảng Nam trở vào. Còn từ vĩ tuyến 16 trở ra quân Tàu đóng giữ các thành thị. Việt Minh lên cầm quyền trước hết lập ủy ban giải phóng, rồi cho người lên Bắc Giang đón ông Hồ Chí Minh về lập lâm thời chính phủ gồm có những người này:

Hồ Chí Minh, chủ tịch kiêm bộ ngoại giao Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng bộ nội vụ, kiêm chức phó bộ trưởng bộ quốc phòng Chu Văn Tấn, bộ trưởng bộ quốc phòng Trần Huy Liệu, bộ trưởng bộ thông tin tuyên truyền Dương Ðức Hiền, bộ trưởng bộ thanh niên quốc dân Nguyễn Mạnh Hà, bộ trưởng bộ quốc dân kinh tế Vũ Ðình Hòa, bộ trưởng bộ giáo dục Vũ Ngọc Khánh, bộ trưởng bộ tư pháp Phạm Ngọc Thạch, bộ trưởng bộ y tế Ðào Trọng Kim, bộ trưởng bộ giao thông Lê Văn Hiến, bộ trưởng bộ lao động Phạm Văn Ðồng, bộ trưởng bộ tài chánh
Nguyễn Văn Tố, bộ trưởng bộ cứu tế xã hội Cù Huy Cận, ủy viên không giữ bộ nào Nguyễn Văn Xuân, ủy viên không giữ bộ nào

Võ Nguyên Giáp người Quảng Bình, rất lanh lợi và táo tợn, một tay trọng yếu trong đảng Việt Nam Cộng Sản. Trước đã sang ở bên Côn Minh, thường viết báo ký tên là Lâm Bá Kiệt, bấy giờ giữ chức bộ trưởng bộ nội vụ và kiêm chức phó bộ trưởng bộ quốc phòng. Nói là kiêm chức phó bộ trưởng bộ quốc phòng, nhưng kỳ thực là kiêm cả bộ quốc phòng, vì Chu Văn Tấn là người Thổ ở mạn thượng du, trước đã làm châu đoàn coi lính dõng, sau theo cộng sản, nên đảng Việt Minh đưa vào giữ địa vị ở bộ quốc phòng để khuyến khích những người Thổ đã theo mình.

Việt Minh đem một số người ở ngoài đảng của họ vào trong chính phủ như Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Văn Tố, Ðào Trọng Kim v...v... để tỏ ra là một chính phủ liên hiệp có cả các hạng người. Song những cơ quan trọng yếu như quốc phòng, nội vụ, tài chính, tuyên truyền đều ở tay những người chính thức Việt Minh, tức là cộng sản như Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Lê Văn Hiến, Phạm Văn Ðồng v..v...

Ngày 11 tháng một năm 1945 chính phủ lâm thời lại xuống lệnh giải tán đảng cộng sản Ðông Dương, đó là một việc lý thú, cộng sản giải tán cộng sản. Sở dĩ chủ ý họ làm như vậy là vì lúc đó có các ủy viên của các nước Ðồng Minh đi lại trong nước, Việt Minh muốn tỏ cho những người ngoại quốc biết Việt Minh không phải là cộng sản.

Chính phủ lâm thời tổ chức cuộc tổng tuyển cử để triệu tập quốc hội. Cuộc tuyển cử được ấn định vào ngày 23 thán chạp, sau hoãn đến ngày mồng 6 tháng giêng năm 1946. Khi ấy tôi đã về ở Hà Nội rồi, thấy cuộc tuyển cử rất kỳ cục. Mỗi chỗ để bỏ phiếu, có một người của Việt Minh trông coi, họ gọi hết cả đàn ông đàn bà đến bỏ phiếu, ai không biết chữ thì họ viết thay cho. Việt Minh đưa ra những bản kê tên những người họ đã định trước, rồi đọc những tên ấy lên và hỏi anh hay chị bầu cho aỉ Người nào vô ý nói bầu cho một người nào khác thì họ quát lên: "Sao không bầu cho những người nàỷ Có phải phản đối không?". Người kia sợ mất vía nói: "Anh bảo tôi bầu cho ai, tôi xin bầu người ấy". Cách cưỡng bách ra mặt như thế, lẽ dĩ nhiên những người Việt Minh đưa ra được đến tám chín mươi phần trăm số người đi bầu. Ðó là một phương pháp rất mới và rất rõ để cho mọi người được dùng quyền tự do của mình lựa chọn lấy người xứng đáng ra thay mình làm việc nước.

Trước Việt Minh đã định lấy có 300 ghế đại biểu, sau họ muốn làm cho êm dư luận nên lấy thêm 70 ghế nữa, cho Việt Nam Quốc Dân Ðảng được 50 ghế và Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội được 20 ghế để hai đảng ấy tự cử người mình ra.

Mấy ngày trước kỳ họp quốc hội, Việt Minh và Quốc Dân Ðảng công kích nhau kịch liệt. Những tướng Tàu như Lư Hán và Tiêu Văn muốn làm tiền, tỏ ra có ý bênh vực Việt Nam Quốc Dân Ðảng, sau hình như bọn tướng Tàu ấy được số vàng lớn mới đứng ra dàn xếp, họp các lãnh tụ hai đảng ở nhà Lư Hán, có Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh v...v... đến bàn định cách chia các ghế bộ trưởng trong chính phủ mới.

Sau tôi sang Tàu gặp Nguyễn Dân Thanh là một người cách mệnh Việt Nam đã làm sĩ quan trong quân đội Tàu và đã đi lính Nhật ở mặt trận Diến Ðiện. Lúc ấy có theo quân Tàu về nước, biết rõ đầu đuôi việc ấy, kể lại cho tôi nghe thái độ mấy lãnh tụ Việt Minh và Quốc Dân Ðảng hôm họp ở nhà Lư Hán để dàn xếp hai bên đoàn kết với nhau.

Ðộ ấy ở Hà Nội, tôi cũng biết có một hôm ông Bảo Ðại cho đi tìm người trước làm việc ở Huế, đến nói rằng: "Ông Hồ Chí Minh nhường cho ông ra lập chính phủ". Sau chuyện ấy thấy im bẳng không ai nói đến nữa.

Khi ở Hương Cảng tôi có hỏi lại việc ấy. Ông Bảo Ðại nói: "Việc ấy có thật. Một hôm cụ Hồ có vẻ mặt lo nghĩ đến bảo tôi rằng cụ muốn để tôi đứng ra lập chính phủ, tôi từ chối. Hôm sau cụ Hồ lại đến năn nỉ về việc ấy. Tôi nói: nếu cụ muốn lập chính phủ, thì cụ kê cho tôi biết danh sách những người trong đảng cụ có những ai ra giúp việc. Cụ Hồ nói để ngày mai cụ sẽ đưa. Nhưng đến ngày hôm sau cụ Hồ có vẻ mặt vui vẻ, đến nói rằng: việc ấy hãy hoãn lại, để cụ ở lại làm việc ít lâu nữa. Cho nên việc ấy mới im".

Theo ý tôi hiểu, thì mưu mô do bọn tướng Tàu muốn làm tiền, một mặt làm ra bộ có ý ép ông Hồ Chí Minh phải lui đi để ông Bảo Ðại ra lập chính phủ, một mặt xui bọn Quốc Dân Ðảng không chịu nhượng bộ, để Việt Minh muốn im chuyện thì phải bỏ tiền ra. Ðến khi bọn tướng Tàu được tiền đút lót mới đứng ra dàn xếp cho xuôi chuyện. Ðó là một việc rất bí ẩn, khó lòng biết đích xác được, chẳng qua chỉ là sự xét đoán theo tình trạng hiện ra bên ngoài mà thôi. Vả tôi thấy những người biết qua việc ấy đều đồng ý kiến như thế cả.
Khi việc dàn xếp của các tướng Tàu xong rồi, đến ngày mùng 2 tháng ba thì mở cuộc họp quốc hội. Quốc hội này có cái đặc sắc hơn cả quốc hội của các nước trên thế giới là chỉ họp có một ngày xét qua bản lập hiến của Việt Minh đã định, và thừa nhận một chính phủ liên hiệp do ông Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Quốc hội lại giao toàn quyền cho một ủy ban thường trực có 15 người do chính phủ đề cử, và để ông Nguyễn Văn Tố làm trưởng ban. Ðoạn quốc hội giải tán. Nếu quốc hội các nước mà biết làm việc lanh lẹ như thế thì đỡ được bao nhiêu thì giờ và tiền chi phí!

Chính phủ liên hiệp quốc gia thành lập như sau:

Hồ Chí Minh, cộng sản, làm chủ tịch Nguyễn Hải Thần, Việt Nam Cách mệnh Ðồng minh hội, phó chủ tịch Huỳnh Thúc Kháng, không đảng phái, bộ trưởng bộ nội vụ Nguyễn Tường Tam, Ðại Việt dân chính, bộ trưởng bộ ngoại giao Phan Anh, không đảng phái, bộ trưởng bộ quốc phòng Vũ Ðình Hòe, Xã hội dân chủ đảng, bộ trưởng bộ tư pháp Ðặng Thai Mai, cộng sản, bộ trưởng bộ giáo dục Lê Văn Hiến, cộng sản, bộ trưởng bộ tài chính Trần Ðăng Khoa, Dân chủ đảng, bộ trưởng bộ công chánh Chu Bá Phượng, Dân chủ đảng, bộ trưởng bộ kinh tế Trương Ðình Chi, Việt Nam Cách mệnh Ðồng minh hội, bộ trưởng bộ xã hội y tế Bồ Xuân Luật, Việt Nam Cách mệnh Ðồng minh hội, bộ trưởng bộ canh nông

Xét thành phần chính phủ liên hiệp lúc ấy, kể cả những người không đảng phái, có thể gọi là năm đảng nhưng chỉ có đảng Việt Minh cộng sản là có chương trình chính trị rõ ràng và có thế lực hơn cả. Còn các đảng khác thì chỉ có tên nêu ra mà thôi, chứ không có chương trình phân minh. Xã hội đảng và Dân chủ đảng là những đảng phụ thuộc của Việt Minh và không có thế lực gì. Việt Nam Quốc Dân Ðảng và Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội tuy có thế lực là nhờ có quân đội Tàu bênh vực, nhưng không có tính cách thống nhất và không có kỷ luật chặt chẽ. Bởi vậy đảng Cộng sản chỉ có ba người trong chính phủ nhưng quyền bính vẫn ở cả Cộng sản.

Về phương diện cai trị Việt Minh vẫn để ba khu như trước, là bắc bộ, trung bộ và nam bộ. Mỗi bộ có một nhân dân ủy ban dưới quyền một chủ tịch do chính phủ trung ương cử ra.
Ở các tỉnh, huyện, xã hay phố ở các thành thị, mỗi nơi đều có một nhân dân ủy ban và một chủ tịch do nhân dân ủy ban chọn lấy.

Về phương diện quân sự thì quân của Việt Minh có Giải phóng quân là quân đã được huấn luyện chính trị cộng sản, Vệ quốc quân và Tự vệ quân tức là công dân do các ủy ban xã, phố cắt để canh gác và giữ trật tự.

Quân của Quốc dân đảng thì có từng khu riêng. Tuy bề ngoài nói các quân đội thuộc về bộ quốc phòng, nhưng thực ra bộ ấy không có quyền hành gì cả. Việc gì cũng quyết định ở quân sự ủy viên hội có Võ Nguyên Giáp, cộng sản, làm chủ tịch và Vũ Hồng Khanh, Việt Nam quốc dân đảng, làm phó chủ tịch.

Lúc ấy khẩu hiệu của chính phủ là "thống nhất quân đội" mà ba tháng sau khi chính phủ liên hiệp đã thành lập, quân đội vẫn không thống nhất được. Bộ quốc phòng không biết rõ thực trạng quân đội của hai bên có bao nhiêu.

Quân Việt Minh và quân Quốc dân đảng tuy nói là đoàn kết, nhưng không có lòng thành thật. Quân Việt Minh chỉ có rình cơ hội là đánh quân Quốc dân đảng, hay bao vây để tiêu diệt lực lượng của đối phương, thành ra hai bên cứ kình địch nhau mãi. Người không biết phương sách của đảng cộng sản thì lấy thế làm lạ, nhưng ai đã hiểu bí quyết của họ là phải đi đến chỗ độc tài, chỉ có những người phục tùng theo mệnh lệnh của mình, chứ không thể có những người đứng ngang với mình mà hợp tác với mình được.

Ở các địa phương và những nơi đô thị như Hà Nội, Hải Phòng, người bên nọ bắt người bên kia. Có người giữa ban ngày đang đi giữa đường bị mấy người ở đâu đến lấy mền trùm đầu rồi bắt đi mất tích. sở công an, Việt Minh bắt những người Việt Nam quốc dân đảng hay những người bị tình nghi vào tra tấn cực hình, có khi họ dùng những cách tàn nhẫn ghê gớm hơn thời Pháp và Nhật cai trị. Ai trông thấy những cảnh tượng ấy cũng bùi ngùi tủi giận vì gà một nhà mà lại đá nhau dữ bằng mấy gà lạ. Người một nước với nhau mà đối xử vô nhân đạo như thế, thật là thê thảm.

Theo chính sách của Việt Minh, lập ra một chính phủ, đem những người các đảng phái hay không đảng phái vào làm bộ trưởng là cốt làm cái bình phong che mắt người ngoài, chứ không có thực quyền làm được việc gì cả.

Khi tôi còn ở Hà Nội, cụ Huỳnh Thúc Kháng ra nhận chức bộ trưởng bộ nội vụ, có đến thăm tôi. Ngồi nói chuyện, tôi hỏi: "Cụ nay đứng đầu một bộ rất quan trọng trong chính phủ, chắc là bận việc lắm". Cụ Huỳnh nói: "Bây giờ việc gì cũng do địa phương tự trị cả, thành ra không có việc gì mấy, và khi có việc gì, thì họ làm sẵn xong cả rồi, tôi chỉ có vài chữ ký mà thôi".

„Những khi có hội đồng chính phủ thì bàn định những gì?“

„Cũng chưa thấy có việc gì, thường thì họ đem những việc họ đã làm rồi nói cho chúng tôi biết.“

Xem như thế thì các ông bộ trưởng chỉ đứng để làm vị mà thôi, chứ không có quyền quyết định gì cả.

Có người hỏi ông Nguyễn Tường Tam rằng: "Khi ông nhận chức bộ trưởng bộ ngoại giao của cụ Hồ giữ trước, ông thấy có việc gì quan trọng lắm không?" Ông trả lời: "Tất cả giấy má trong bộ ngoại giao của cụ Hồ giao lại cho tôi, tôi chỉ thấy có ba lá đơn của mấy người sĩ quan Tàu nhờ tìm cho mấy cái nhà, và tìm cái ví đựng tiền bị kẻ cắp lấy mất".

Câu chuyện có thể là ông Tam nói khôi hài, nhưng đủ rõ việc các ông bộ trưởng không có gì. Tôi đem những câu chuyện đó nói ra đây để chứng thực là các bộ trưởng chỉ giữ hư vị chứ không có thực quyền. Cái thực quyên trong chính phủ lúc ấy là ở mấy người như ông Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và ở tổng bộ cộng sản điều khiển hết cả.

Tổng bộ cộng sản theo người ta nói, có những người sau đây:

Hà Bá Cang, nhất danh là Quận Thọt, người Hưng Yên Nguyễn Lương Bằng, nhất danh là Sao Ðỏ, người Hải Dương Bùi Lâm, người Trung Bộ Ðặng Xuân Khu, người làng Hành Thiện, Nam Ðịnh Bùi Công Trừng, người Quảng Bình, Trung Bộ Pô, người Trung Hoa
Tiêu Sung, người Nhật

Những người ấy ở đâu không ai biết, hội họp chỗ nào chẳng ai hay, rất bí mật, song phàm việc gì trong chính phủ cũng phải qua tổng bộ. Tổng bộ có ưng thuận mới được thi hành. Ðó mới thực là chính phủ, một chính phủ bí mật mà có quyền thế vô hạn.



Chương 7
Tôn chỉ và sự hành động của Cộng Sản đảng

Cộng sản đảng, theo cách tổ chức và hành động của họ, là một thứ tôn giáo mới, giống như các tôn giáo cũ cốt lấy sự mê tín mà tin, chứ không hoài nghi hay đi trệch ra ngoài. Song các tôn giáo cũ nói có cõi trời, có thiên đường là nơi cực lạc. Cộng sản giáo ngày nay thì hoàn toàn duy vật, nghĩa là ngoài vật chất ra, không có sự tin tưởng nào khác nữa, cho thiên đường không phải ở cõi trời mà chính ở cõi trần gian này. Ai tin theo đạo ấy là phải tin lý thuyết của Các Mác và Lê Nin là tuyệt đối chân chính, đem áp dụng là được sung sướng đủ mọi đường, tức thực hiện được cảnh thiên đường ở cõi đời. Còn về đường tín ngưỡng, thì đạo Cộng sản là đạo hoàn toàn duy vật, tất không ai thờ phụng thần thánh nào khác nữa, nhất thiết phải nghĩ sùng bái những người như Các Mác, Lê Nin, Sử Ta Lin để thay những bậc thần thánh cũ đã bị truất bỏ.

Ðã tin mê cái đạo ấy và đã coi lý thuyết ấy là chân lý tuyệt đối, thì ngoài cái lý thuyết ấy ra, là tà giáo, là tả đạo. Ai không tin theo và phản đối những người đứng đầu đảng, tức là những bậc giáo chủ, thì là người phản đạo, tất phải trừng trị rất nghiêm. Vì vậy mới có sự tàn sát những người trong đảng cộng sản theo Trotsky, chủ Cộng sản Ðệ Tứ Quốc tế, là một chi cộng sản phản đối Sử Ta Lin, chủ Cộng sản Ðệ Tam Quốc tế.

Vậy những tín đồ cộng sản phải là những người cuồng tín và chỉ biết có đời sống vật chất mà thôi, ngoài ra không có gì nữa. Sống có một đời rồi hết, nên ai nấy chỉ lo làm cho mình được mọi điều thắng lợi, sá chi những điều phúc họa thiện ác.

Về đường thực tế, các đặc sắc của cộng sản là không nhận có luân thường đạo lý, không biết có nhân nghĩa đạo đức như người ta vẫn tin tưởng. Người cộng sản cho cái điều đó là hủ tục của xã hội phong kiến thời xưa, đặt ra để lừa dối dân chúng, nên họ tìm cách xóa bỏ hết. Ai tin chỗ ấy là người sáng suốt, là người giác ngộ, ai không tin là người mờ tối, là người mê muội. Vì có tư tưởng như thế, cho nên cha con, anh em, bè bạn không có tình nghĩa gì cả, chỉ biết tôn trọng chủ nghĩa của cộng sản và phục tòng những người cầm quyền của đảng, ngoại giả, giết hại lẫn nhau, lừa đảo nhau: hễ ai làm những việc mà lợi cho đảng là người giỏi, người tốt. Gia đình, xã hội, phong tục, chế độ cũ đều bỏ hết, bỏ đến tận cội rễ, để thành lập xã hội mới. Cái xã hội mới ấy không tranh đấu cho quốc gia hay cho dân tộc. Dù có nói tranh đấu cho quốc gia hay cho dân tộc nữa, cũng chỉ là cái phương pháp dùng tạm thời trong một cơ hội nào để cho được việc mà thôi, chứ mục đích cốt yếu là tranh đấu cho giai cấp vô sản. Khi ở đâu sự tranh đấu cho giai cấp ấy được thắng lợi, thì cứ tranh đấu mãi để bảo vệ quyền lợi của giai cấp ấy và xóa bỏ hết những cương giới nước nọ với nước kia để thực hiện một thế giới đại đồng, đặt dưới quyền chỉ huy của giáo chủ cộng sản ở bên Nga. Vì vậy cho nên bất kỳ nước nào đã theo cộng sản là phải phục tùng mệnh lệnh bên Nga, còn nước nào tuy theo chế độ cộng sản, nhưng còn muốn giữ tư tưởng quốc gia như nước Nam Phu Lạp Tư (Yougoslavie) bên Ðông Âu là bị trục xuất ra ngoài hội nghị của các nước cộng sản.

Cái phương thuật của đảng cộng sản bên Nga không khéo chỗ ở ấy, tuy nói là bài trừ đế quốc chủ nghĩa và tiêu diệt những chế đô độc tài áp chế đời xưa, nhưng lại áp dụng chế độ độc tài áp chế hà khốc và tàn ác hơn thời xưa, và gây ra một thứ đế quốc chủ nghĩa theo một danh hiệu khác, để tự mình thống trị hết thiên hạ. Thành ra các nước đã theo cộng sản đều phải là những nước phụ thuộc nước Nga, cũng như bên Tàu ngày xưa các nước chư hầu phải phục tùng mệnh lệnh thiên tử. Thì ra trong thế gian này chẳng có gì là mới lạ. So chế độ cộng sản ở nước Nga ngày nay có khác gì chế độ nhà Tần thời chiến quốc bên Tàủ Có khác là ở những phương tiện theo khoa học và những mánh khóe hiện thời mà thôi, còn thì cũng tàn bạo gian trá như thế, và cũng dùng những quyền mưu quỉ quyệt để thống trị hết cả các nước.

Ðảng cộng sản đã có cái tổ chức rất đúng khoa học, đảng viên lại giữ kỷ luật rất nghiêm, rất chịu khó làm việc và có tín lực rất mạnh. Ai theo đảng là đắm đuối vào chủ nghĩa của đảng, có lâm nguy nan gì thì cho là một vinh hạnh được tuẫn tử vì đảng. Về sự hành động thì đảng cộng sản chuyên dùng những thủ đoạn quỉ quyệt, nên tuy có thắng lợi mà những người trí thức ít người theo. Cũng vì vậy mà họ bài trừ trí thức và chỉ ưa dùng đàn bà, trẻ con và những người lao động là hạng người dễ khuyến dụ, dễ lừa dối.

Người cộng sản, khi đã hành động, hay dùng đến chữ giải phóng. Theo việc làm của họ, tôi vẫn chưa hiểu rõ nghĩa hai chữ ấy. Có phải trước kia có cái cũi giam người, bây giờ họ đem cái cũi kiểu mới đến bên cạnh rồi bảo người ta chạy sang cái cũi mới ấy, thế gọi là giải phóng không? Nếu cái nghĩa giải phóng là thế, thì cũi cũ hay cũi mới cũng vẫn là cái cũi, chứ có hơn gì?

Cứ như ý tôi, thì giải phóng phải theo đúng cái lẽ công bằng, làm cho người ta được ung dung thư thái, được hành động trong một cái khuôn khổ rộng rãi, ai nấy biết trọng quyền lợi của mọi người theo pháp luật đã định, không bị đàn áp và lừa dối, không bị bắt bớ và giết hại một cách ám muội, oan ức.

Ðàng này tôi thấy chế độ các nước cộng sản giống nhau như in cái chế độ chuyên chế thuở xưa. Người nào nói xấu hay công kích những người cầm quyền của đảng là phải tội bị đày, bị giết. Ai không sốt sắng theo mình thì bị tình nghi, phải chịu mọi điều phiền khổ. Nhân dân trong nước vẫn bị đàn áp lầm than khổ sở, riêng có một số ít người có địa vị to lớn là được sung sướng. Như thế thì giải phóng ở đâủ Giải phóng gì mà cả chính thể một nước phải nương cậy ở những đội trinh thám để đi rình mò và tố cáo hết thảy mọi người. Hễ ai vô ý nói lỡ một câu là bị tình nghi có khi bị bắt, bị đày v...v... thành ra nhân dân trong xã hội ấy lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, không biết ai là bạn là thù, mất hẳn sinh thú ở đời, thật trái với lời nói thiên đường ở cõi trần.

Trong những lời tuyên truyền của Việt Minh, thấy luôn luôn nói nào là hạnh phúc, nào là tự do, bình đẳng, mà sự thật thì trái ngược tất cả. Những lối họ dùng là nói dối, đánh lừa cướp bóc, giết hại tàn phá, không kiêng dè gì cả, miễn làm cho người ta mắc lừa hay sợ mà theo mình là được. Xem như lúc đầu Việt Minh tuyên truyền rầm rĩ lên rằng: "Nước Việt Nam đã được các nước Ðồng Minh cho hoàn toàn độc lập, và dân được tha hết các thứ thuế". Thôi thì chỗ dân gian nghe nói thế chạy ùa ùa theo. Sau chẳng thấy độc lập đâu cả và dân lại phải đóng góp nặng hơn trước. Khi Việt Minh đã nắm quyền binh rồi, lại định các ngạch thuế, có người hỏi họ: "Sao trước kia các ông bảo tha hết các thứ thuế rồi kia mà?" Họ trả lời: "Ấy trước nói tha thuế, nhưng bây giờ chính phủ cần có thuế để làm mọi việc". Nói thế thì uy tín của chính phủ để đâủ

Cái thủ đoạn của Việt Minh là dùng mọi cách bạo ngược, tàn nhẫn, giả dối, lừa đảo để cho được việc trong một lúc. Ngay như họ đối với Việt Nam Quốc dân đảng nay nói là đoàn kết, mai nói đoàn kết, nhưng họ vẫn đánh úp, vẫn bao vây cho tuyệt lương thực. Khi họ đánh được thì giết phá, đánh không được thì lại đoàn kết, rồi cách ngày lại đánh phá. Dân tình thấy thế thật là ngao ngán chán nản, nhưng chỉ ngấm ngầm trong bụng mà không dám nói ra. Nên dân gian thường có câu "nói như Vẹm". Vẹm là do hai chữ Việt Minh viết tắt V M, đọc nhanh mà thành ra.

Chính phủ Việt Minh đối với ông Bảo Ðại rất là đơn bạc, nhưng bề ngoài vẫn làm ra bộ thân thiện. Họ để ông ở nhà của viên đốc lý Hà Nội ở trước, song đồ đạc không có; chỗ nằm ngủ, đến cái mùng ông cũng phải đi mượn. Cơm nước thì họ cử một người hào phú trù liệu cho ông. Song mỗi khi ông đến chỗ dân chúng, nhân dân rất hoan nghinh và các phái viên ngoại quốc như Tàu và Mỹ rất kính trọng và thường chú ý đến ông.

Việt Minh thấy dân chúng kính mến ông Bảo Ðại và người ngoại quốc để ý đến ông, họ bèn đem ông vào ở Sầm Sơn trong Thanh Hóa, rồi sau lại đem ông lên Phủ Thọ Xuân, thành ra ông mắc phải bệnh nóng lạnh ngã nước, sang Hương Cảng chữa mãi không khỏi. Sau cuộc tổng tuyển cử vào quảng tháng giêng năm 1946, Việt Minh mới để ông trở về Hà Nội. Khi Việt Minh lập xong chính phủ do quốc hội chuẩn y rồi, họ thấy dân chúng và người ngoại quốc có nhiều cảm tình đối với ông Bảo Ðại và lại biết quân Pháp sắp vào Bắc Trung Bộ, họ sợ để ông ở Hà Nội có xảy ra sự biến gì chăng, mới bày ra cách lập một phái đoàn sang Trùng Khánh tỏ tình thân thiện với nước Tàu.

Cứ như ý riêng của tôi, thì việc ấy ông Hồ Chí Minh có thể mưu với những tướng Tàu là bọn Lư Hán và Tiêu Văn, nói rằng chủ tịch Tưởng Giới Thạch có điện mời ông Bảo Ðại sang Trung Hoa chơi. Vì lúc ấy bọn tướng Tàu đã lấy tiền của ông Hồ, nên bảo gì chẳng được. Hãy xem như sau khi ông Hồ đã ký hiệp ước với Pháp, ông phó chủ tịch Nguyễn Hải Thần bỏ sang Tàu, tướng Tiêu Văn cứ chạy theo cụ Nguyễn để cố mời cụ trở về Hà Nội làm việc, thì biết dù sao đi nữa, việc lập một phái đoàn để đưa ông Bảo Ðại sang Tàu có tính cách vội vàng và bí mật lắm. Phái đoàn ấy để ông Bảo Ðại đứng đầu, có mấy người Việt Minh và mấy người Quốc dân đảng đi theo. Hôm tôi đến thăm ông lần đầu, ông nói qua việc ấy tôi nghe. Tôi cũng khuyên ông đi ra ngoài, vì ở trong nước có nhiều sự nguy hiểm cho ông. Song tôi tưởng còn lâu mới đi, nào ngờ cách bốn hôm sau tôi đến thì ông đã đi hôm trước rồi. Sang đến Trùng Khánh, chủ tịch Tưởng Giới Thạch có tiếp ông tử tế. Song mấy người Việt Minh và Quốc dân đảng bỏ ông ở bên ấy không để tiền nong gì cho ông, ông phải vay mà tiêu. Còn hoàng hậu và mấy người con, ông Hồ có hứa rồi sẽ cho sang sau, nhưng rồi cũng không cho sang. Lúc ấy chính phủ Trung Hoa đang dọn về Nam Kinh, có mời ông về đấy, nhưng ông từ chối rồi về ở Hương Cảng.

Sau chính phủ Việt Minh gửi thư sang bảo ông cứ ở bên Tàu đừng về nữa. Xem thế cũng rõ cái ý chính phủ Việt Minh là muốn đưa ông Bảo Ðại ra ngoài để họ dễ làm việc và khỏi lo ngại về việc có thể xảy ra được. Ðó là mưu sự của người, nhưng biết đâu lại không phải là ý trời xui khiến ra như thế, để ông ra khỏi chỗ nguy hiểm ở trong nước.




Chương 8
Sự giao thiệp của chính phủ Việt Nam với nước Pháp

Việc khó khăn lúc bấy giờ là việc đối phó với nước Pháp, mà tôi cho là cách ngoại giao của chính phủ có nhiều chỗ hớ hênh. Lúc đầu mới có lâm thời chính phủ, có người phái viên Mỹ đến bảo ông Bảo Ðại rằng: "Chính phủ Việt Nam có cần tiền để kiến thiết thì người Mỹ sẵn sàng cho vay". Ông liền đến bảo ông bộ trưởng tài chính thì ông ấy chối phắt đi, nói rằng: "Chính phủ Việt Nam không cần tiền người Mỹ".

Trước khi nước Pháp đem quân vào bắc bộ, chính phủ Pháp mở cuộc điều đình với chính phủ Trung Hoa ở Trùng Khánh để nước Tàu rút hết quân về và để nước Pháp thu lại chính quyền. Lúc ấy người ta nói rằng chính phủ Trung Hoa có điện sang cho chính phủ Việt Minh cho đại biểu sang dự thính trong khi đàm phán. Chính phủ Việt Minh làm thinh không trả lời.

Khi chính phủ Pháp ký kết hiệp ước với chính phủ Trung Hoa rồi, mới trù tính đem quân ra bắc bộ, Cao cấp ủy viên nước Pháp lúc bấy giờ là hải quân trung tướng D'Argenlieu có ra vịnh Hạ Long mời ông Hồ Chí Minh xuống nói chuyện. Ông đi với ông Nguyễn Tường Tam, bộ trưởng bộ ngoại giao và mấy người khác nữa. Xuống đến tàu, chỉ có mình ông Hồ được mời vào buồng nói chuyện, còn mọi người đứng ở ngoài. Xong việc nói chuyện với chiếc tàu chiến rồi, cao cấp ủy viên ông Sainteny thay mặt để lên Hà Nội cùng với ông Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh, đại biểu chính phủ Việt Nam ký tờ hòa ước ngày mùng 6 tháng ba năm 1946. Bản hiệp ước sơ bộ có ba khoản:

Khoản thứ nhất: "Chính phủ nước Pháp nhận nước Việt Nam Cộng Hòa là một nước tự do có chính phủ có quốc hội, có quân đội và có tài chính, dự vào liên bang Ðông Dương và Liên Hiệp Pháp. Về việc hợp nhất ba kỳ thì chính phủ Pháp cam đoan thừa nhận sự quyết định của dân chúng sau cuộc trưng cầu ý kiến".

Khoản thứ hai: "Chính phủ Việt Nam phải lấy tình thân thiện mà đón tiếp quân đội Pháp chiếu theo những thỏa hiệp quốc tế, vào thay những quân Pháp đã đóng trong nước. Có bản phụ ước đính theo hiệp ước này định rõ cái thể cách về việc luân chuyển quân đội ấy".

Khoản thứ ba: "Sau khi hai bên đã ký tên rồi, thì phải thi hành ngay những điều đã định trong tờ hiệp ước này và mỗi bên phải tìm các phương tiện để đình hết thảy cuộc xung đột ở các nơi, quân đội hai bên ở đâu cứ đóng ở đấy, và phải gây ra một không khí hòa hảo để mở cuộc thương thuyết theo tình thân thiện và chân thật. Cuộc thương thuyết ấy sẽ bàn về:

  1. Việc ngoại giao của nước Việt Nam với các nước ngoại quốc

  2. Quyền pháp tương lai của Ðông Dương

  3. Những quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp ở Việt Nam. Về mặt quân sự thì có bản phụ ước sau này, cùng ký một ngày với bản hiệp ước sơ bộ vừa nói trên:

    1. Quân đội thay thế quân đội Trung Hoa (tức là từ vĩ tuyến 16 trở ra) gồm có:

      1. 10.000 quân Việt Nam có sĩ quan Việt Nam chỉ huy, để tùy tư lệnh Pháp sử dụng, nhưng vẫn thuộc quyền chính phủ Việt Nam.

      2. 15.000 quân Pháp, kể cả quân Pháp hiện đang đóng trong xứ từ phía bắc vĩ tuyến 16 trở ra. Quân đội ấy quê quán ở nước Pháp, trừ quân sang canh giữ tù binh Nhật Bản không kể.

      3. Hết thảy những quân đội ấy thuộc dưới quyền chỉ huy của Pháp, có đại biểu Việt Nam tham dự, sự đóng trại và cách dùng những quân đội ấy sẽ định sau, khi quân Pháp đã đổ bộ, ở hội đồng của Tham mưu bộ Pháp và Việt. Các ủy ban Pháp và Việt sẽ đặt trong các giai cấp để giữ cái tinh thần về sự hợp tác thân thiện trong sự liên lạc giữa quân Pháp và Việt.

    2. Những toán quân đội của Pháp đi lại luân chuyển chia làm ba hạng:

      1. Những toán quân canh giữ tù binh Nhật Bản. Những toán quân ấy hạn không quá sáu tháng sẽ rút về, khi tù binh đã đem đi hết.

      2. Những toán quân có phận sự phải hợp tác với quân Việt Nam để giữ trật tự và an ninh trong lãnh thổ Việt Nam. Hạng quân này cứ mỗi năm triệt hồi 1% (một phần trăm) và thay bằng quân Việt Nam, hạn trong năm năm không còn quân Pháp thuộc hạng này đóng tại Việt Nam nữa.

      3. Những toán quân phải giữ những nơi căn cứ ở Việt Nam thì đóng ở đấy, chỗ đồn trại phải định giới hạn rõ ràng.


    3. Chính phủ Pháp cam đoan không dùng lính Nhật Bản về việc binh bị.


Ký tên: Sainteny-Salan, Võ Nguyên Giáp.

Ðó là những Hiệp ước ký ngày mùng 6 tháng ba năm 1946 của chính phủ Việt Minh do ông Hồ Chí Minh làm chủ tịch đã thỏa thuận với Pháp. Lúc bấy giờ người Pháp gọi nước Việt Nam là kể từ trung bộ trở ra mà thôi, còn đất Nam Bộ thì phải đợi khi nào trưng cầu dân ý rồi mới định được.

Xem những bản Hiệp ước, thì chẳng thấy đâu là thống nhất và đâu là hoàn toàn độc lập như Việt Minh đã tuyên truyền rầm rĩ từ lúc đầu.

Tại sao chính phủ Việt Minh lại chịu ký những tờ Hiệp ước ấy? Ðó là câu hỏi ở đầu lưỡi mọi người. Việt Minh tự biết chưa có đủ thế lực chống với Pháp, và quân Tàu đến đóng từ vĩ tuyến 16 trở ra, ở trong lại có Quốc dân đảng nhờ quân Tàu binh vực, hoạt động rất mạnh. Họ nghĩ hãy ký với nước Pháp để tạm yên, rồi chờ quân Tàu rút xong, sẽ trừ hết Quốc dân đảng, thống nhất hết thảy các lực lượng, lúc ấy sẽ xoay sang với quân Pháp. Vả lại lúc ấy Việt Minh còn có cái hy vọng là đảng cộng sản Pháp sẽ thắng lợi trong cuộc tuyển cử bên Pháp. Hễ bên Pháp mà đảng cộng sản lên cầm quyền, thì công việc bên Việt Nam sẽ giải quyết dễ dàng mau chóng hơn.

Sau Hiệp ước sơ bộ ngày mùng 6 tháng ba, khi quân Pháp đã vào bắc bộ và trung bộ rồi, còn có hội đồng bộ tham mưu ngày mùng 3 tháng tư năm 1946, định các chi tiết về những điều đã nói ở bản phụ ước.

Bên người Pháp thì cái kế hoạch là muốn từ từ, trước hết cắt đứt Nam Bộ ra ngoài nước Việt Nam. Vậy nên vừa ký bản Hiệp ước sơ bộ ngày mùng 6 tháng 3 thì đến ngày 26 tháng ba đã họp tư vấn hội nghị có độ mười người, gồm cả Pháp và Việt để lập ra Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc và cử đại tá Nguyễn Văn Xuân làm phó chủ tịch.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm được mấy tháng, thấy người Pháp không cho mình được quyền tự chủ và lại bị người trong nước thóa mạ, mới thất vọng tự tử. Người Pháp lại đem y sĩ Lê Văn Hoạch lên thay, đại tá Nguyễn Văn Xuân bỏ sang Pháp, rồi được thăng chức lục quân thiếu tướng.

Hiệp ước mùng 6 tháng ba chỉ là một Hiệp ước sơ bộ mà thôi, tất phải có một hội nghị chính thức giữa nước Pháp và Việt để định rõ cái địa vị của hai nước liên lạc với nhau. Nhưng trước khi đi đến hội nghị chính thức ấy, người Pháp mở một hội nghị dự bị ở Ðà Lạt để đại biểu hai bên gặp nhau và biết quan điểm của nhau. Vậy khởi đầu ngày 17 tháng tư đến ngày 12 tháng năm năm 1946, đại biểu hai bên họp ở Ðà Lạt. Song vì quan điểm mỗi bên một khác thành ra hội nghị đó không có kết quả gì cả.

Tuy hội nghị Ðà Lạt không có kết quả nhưng cũng làm người ta biết rõ thái độ và quan điểm của hai bên. Hai bên định tháng bảy năm ấy sẽ họp hội nghị chính thức ở Fontaineblou bên Pháp để giải quyết cho xong vấn đề Pháp Việt. Ðó là cái tình thế gay go giữa nước Pháp và Việt Nam, sau sáu tháng chính phủ Việt Minh lên cầm quyền.

Dân tình trong nước đối với chính phủ Việt Minh sau khi ký bản hiệp ước ngày mùng 6 tháng ba và sự thất bại ở Ðà Lạt, ai nấy đều chán nản và lại thấy việc chính trị rối beng, không có trật tự gì cả, thành ra người ta lại tức giận thêm.

Lúc ấy cái nếp cai trị cũ đã bỏ hết, ở các nơi đều có Nhân dân Ủy ban làm việc. Những ủy viên trong những ủy ban ấy phần nhiều là những người vô học, thường là thợ thuyền hay phu phen, được khi có quyền trong tay làm điều tàn ngược, bắt người lấy của, giết hại những người không theo đảng họ, hay vì tư thù hờn oán mà chém giết một cách tàn nhẫn. Ai có dị nghị điều gì, thì cho là phản động, là Việt gian, bị bắt bớ, đánh đập tàn nhẫn, đâu đâu cũng náo động cả lên. Ai cũng tự hỏi rằng: nếu như thế này mãi, thì nhân dân sống làm saỏ Vậy nên mọi người đều mong có sự thay đổi để những người đứng đắn ra làm việc cho dân đỡ khổ. Song trong cái hoàn cảnh ấy người đứng đắn ra làm việc sao được. Ông Huỳnh Thúc Kháng làm Bộ trưởng bộ nội vụ cũng phải khoanh tay ngồi nhìn, ông Bùi Bằng Ðoàn làm thanh tra chính trị, sang Gia Lâm khám xét việc gì bị ủy ban nhân dân bắt, chính phủ phải phái binh lính sang mới được tha về. Thành thử lúc ấy ngoài những người cộng sản ra, không ai làm gì được.

Một đàng dân ta oán Việt Minh, một đàng sau Hiệp ước sơ bộ ký với chính phủ Việt Minh, quân Pháp vào đóng ở Hải Phòng, Hà Nội, Nam Ðịnh v...v... cái thái độ của quân Pháp lúc ấy, nhất là ở Hà Nội và Hải Phòng tung hoành bạo ngược, rõ rệt là có ý khiêu khích, làm cho ai cũng uất ức tức giận.

Ý người Pháp là muốn dần dần dùng vũ lực đàn áp Việt Minh để lập lại chủ nghĩa thuộc địa như trước. Việt Minh cũng biết rõ như thế, nhưng chỉ có hai con đường: một là chịu lép một bề, để cho người Pháp điều khiển, như thế lại trái với chủ nghĩa của họ mà dân chúng sẽ không ai theo nữa, tất là rồi cũng đến chỗ tiêu diệt. Hai là tìm cách phòng bị để chống với Pháp, trước là hợp với cái lòng ái quốc của dân chúng, dù cái mục đích cốt yếu của họ không phải là vì quốc gia, nhưng họ phải lợi dụng hai chữ quốc gia để chống với quân địch mà đứng vào cái địa vị tranh đấu cho nền độc lập nước nhà. Lẽ tất nhiên là họ phải đi vào con đường thứ hai. Bởi vậy, việc điều đình cứ điều đình, việc chiến đấu cứ tiến hành dự bị.
Nguồn: Xuất bản lần đầu tại NxB VÄ©nh SÆ¡n, Sài Gòn 1969