trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtKiến trúc
31.7.2004
Kiến Lửa
Chuyện kể về kiến trúc
 1   2 
 
Hồi thứ Nhứt

Từ thuở trước, khi trường ta thưa thớt,
Ðến ngày nay, lúc đào tạo đại trà...


Thuở khoảng thập niên 60, có hai thầy Tàu đi ngang trường Kiến trúc. Ngắm nghía hồi lâu, một thầy buộc miệng nói: “Cuộc đất thật hay, tiếc rằng nhân tài thưa thớt quá!” Ông kia bấm đốt tay rồi thở dài: “Khi nào bên kia đường có nhà xây, tiên sinh sẽ thấy sinh viên trong trường đông đảo. Nhưng mà...”

Một người đứng gần tình cờ nghe được, tò mò bèn đường đột hỏi tại sao. Một ông bực mình đáp: “Thiên cơ bất khả lậu, nị đừng nên biết nhiều, chỉ thêm hại mình mà thôi”. Rồi hai ông ngoắc taxi rủ nhau lên xe đi mất.

Câu chuyện chỉ có thế, được truyền rỉ tai nhau. Nhưng vì tam sao thất bổn riết không ai thèm để ý. Chỉ biết rằng trong những năm ấy, sinh viên trong trường rất ít. Khi đã vào trường thì học hành rất kham khổ vì thầy nào thầy nấy cực kỳ nghiêm khắc. Nhiều anh than rằng chắc thầy sợ đệ tử ra trường sẽ giựt mối của thầy nên thầy “tiên hạ thủ vi cường” cho chắc ăn. Có tay độc mồm độc miệng dám khẳng định trường dùng chính sách “ngu dân” của thực dân mà bóp chẹt “đầu ra” để duy trì chủ nghĩa độc quyền Kiến trúc. Ôi thôi thì mồm miệng thiên hạ ai chấp làm gì. Chân lý chỉ chứng minh rằng bấy giờ hễ ai ra trường thì người nào đáng mặt người đó. Vì họ đã phải vượt qua cái ải tốt nghiệp trước một hội đồng hệt kiểu “Thập bát La Hán trận” của Thiếu Lâm tự trước khi xuống núi vậy.

Cái học thì muôn trùng mà sức người thì có hạn. Anh nhà Kiến phải lướt qua hàng chục môn lặt vặt không cần thiết lắm nhưng không học thì không xong. Còn vẽ thì ôi thôi! “Cày” quanh năm suốt tháng. Cứ bù đầu trong họa thất hết hội họa, analogue [1] tới họa cảo rồi đồ án này đồ án nọ. Nai lưng “charrette” [2] làm đêm mà không kịp giờ nộp bài cho thầy là chuyện thường ở họa thất. Gặp anh “trưởng tràng” họa thất cũng có quyền hành dữ dội kiểu “thương cho roi cho vọt”. Thêm anh tay sai “thiên lôi” sẵn sàng trừng trị mấy “ne” nào cứng đầu. Dù là hết lòng nâng đỡ đàn em song mấy ảnh cũng ưa bắt đám lính mới phải tuân lịnh một cách tuyệt đối. Chỉ đơn giản là “bắt gì làm nấy” cho đúng nghĩa làm “ne” hay nói huỵch toẹt móng heo ra là làm “mọi” (nègre).

Ne ơi ta bảo ne này,
Ne vô họa thất ne “cày” cùng ta,
Trưởng tràng có luật đưa ra,
Kêu gì làm nấy, liệu mà biết khôn,
Bắt cởi truồng, phải cởi truồng,
Kêu nằm “quậy cỏ, liệu hồn “rendu” (thu hoạch)...

Anh nào không tuân theo thì đừng hòng làm dân kiến trúc, liệu hồn mau cuốn gói đi học trường khác. Mới lần đầu thì nghe ghê lắm nhưng từ từ quen rồi thì cũng thấy thường tình, nhờ vậy về sau tình cảm anh em càng thắm thiết. Mà tục lệ này chưa từng có ở trường đại học nào khác. Cảnh vừa học bạn, vừa học thầy theo tính dân chủ làm không khí họa thất lúc nào cũng thân mật kiểu gia đình Kiến trúc. Người viết bài này năm 1993 có lượm một bài thơ tả sinh viên kiến trúc trong hội trường như sau, tiếc thay đến nay chưa biết tên tác giả:

Sinh viên kiến trúc thực là hay,
Miệng “nổ”, chạy sô suốt cả ngày,
“Trả nợ” xanh da, quầng cặp mắt,
“Binh bài” quì gối, chống hai tay.
Cà phê, thuốc lá tha hồ hút,
Rượu đế, bia ôm mặc sức say.
Năm năm quần thảo không biết mệt,
Càng già, càng dẻo lại càng dai.

Càng già, càng dẻo lại càng dai,
“Nử Kiến” nhà ta chẳng kém ai,
Rotring một cán cầm đúng điệu,
Template mấy vòng quậy mê tay.
Sáng binh, chiều vẽ “lên tới bến”,
Một nử mấy ne (nègre) quậy “mát trời”.
Càng ham đòi hỏi, ne càng khổ,
Mỏi gối, đau lưng lại phồng tay.

Trước trường là một công viên thoáng mát. Sau giờ “lên” bài căng thẳng ban ngày thì vài anh tranh thủ ban đêm chạy ra công viên để gặp gở hẹn hò một tí ti với mấy chị em cho vơi nỗi “cô đơn nơi tiền đồn”. Yêu nhau lắm cắn nhau đau, tiền bạc trả sau sanh nhiều rắc rối với cảnh “xù tiền” chạy trốn thẳng vô trường làm mấy em bên ngoài đứng vẩu môi đỏ tru tréo, chửi rủa không từ ai, trong đó có một “lời nguyền độc địa” nghe là thất kinh: “...rồi tụi bây khỏi mong ra trường”. Thành ra nhiều anh trong trắng rớt oan mạng hoài vì lời nguyền “lạc đạn” ấy. Họa ứng nhãn tiền cả chục năm là thấy đậu thì ít mà rớt thì đông vô kể. Thời ấy chưa có cảnh trò đi năn nỉ thầy lộ liểu như ngày nay vì ở miền Nam nhứt là ở Sài gòn bấy giờ chưa ai đủ bản lãnh được gọi là cao thủ trong “nghề” này. Mấy thầy đã được ăn lương no đủ thì đừng ai hòng mà đi đêm để mang họa lâu dài về sau. Có anh tên Q. ì ạch thi rớt mãi, tới khi đậu được ra trường bèn hận đời tức khí quăng tập sách ra gốc cây trứng cá sân trường đái xè xè lên cho bỏ ghét! Gặp thời chiến, nhiều anh cố ý ráng trây thời gian trong trường để hy vọng trốn lính ngày nào hay ngày nấy. Kết quả khi hòa bình đến, trong hồ sơ ghi rõ có anh bám rễ trong trường kỷ lục là 21 năm! Còn trung bình thì cũng là 5 năm, 10 năm. Sau đó, nhà trường phải dùng biện pháp “thanh lý” cho ra lò hết để rảnh tay nhận “hàng mới” thì số lượng Kiến từ ấy về sau “được nước” bắt đầu tăng rõ rệt. Bản kiểm điểm của ban giám hiệu trường Ðại học Kiến trúc (ÐHKT) về việc thực hiện nghị quyết 28-29 của thành ủy và UBNDTP có một đọan ghi với một sự tràn trề lòng tự hào dân tộc Kiến. Nguyên văn như sau:

“...Trong 2 năm qua, nhà trường đã tổ chức tốt nghiệp trên 200 sinh viên – bằng số lượng trên 30 năm mà trường ÐHKT Sài Gòn đã tổ chức tốt nghiệp...”

Kinh không, thưa bà con?

Ban đầu người ta dùng phương cách 1 “mở đầu vào, bóp đầu ra”, dùng giáo sư nhằm phong tỏa sinh viên. Sang thời bình, thấy kế sách này nếu duy trì hoài thì kềm hãm công danh mấy anh “khai quốc công thần” quá cỡ nên kế sách đào tạo nhân tài chuyển sang phương cách 2 “bóp đầu vào, mở đầu ra”, lấy sinh viên phong tỏa lại mấy ông giáo viên (khi ấy mấy ổng bị giáng chức giáo sư gần hết cả rồi). Chỉ như thế mới hy vọng đền ơn đáp nghĩa đám công thần và con cháu của họ. Ban đầu, kế sách có kết quả đặc biệt. Phe công thần được ưu đãi như dân thời Nghiêu Thuấn. Hễ có thi là sẵn sàng “chấp” đối thủ mình vài ba điểm và vẫn được xét đậu ngọt xớt. Tha hồ nhẹ bước hoạn lộ. Gặp anh gốc gác trong rừng, hay là dân tộc ít người thì càng hay hơn nữa vì trình độ càng thấp thì phải được bù trừ bằng thật nhiều ưu tiên trong đường khoa bảng. Hỏi vậy thì ai mà dám chê trách thi cử không bênh vực kẻ yếu. Khi ấy anh sĩ tử thuộc gien trí thức, học quá giỏi xưa nay thì phải nhường nhịn cho kẻ dở hơn mình ít nhiều điều kiện cho công bằng. Một bên chấp điểm, bên kia chấp lý lịch. Ðiểm có thể thay đổi còn lý lịch thì có sao để vậy. Rốt cuộc rồi mấy anh “lý lịch đen” phải túi bụi học luyện thi, từ lớp 10,11 mà vẫn rớt hoài rớt hủy. Ðại đa số phải nhắm mắt liều mạng “chơi” kiểu đấu cờ tướng chấp Ðế Thích 2 xe và chịu ép đi nước hậu. Thấy tội nghiệp mấy anh ấy quá, nhiều lúc hội đồng tuyển sinh thương tình buộc lòng phải thông báo kết quả thi của mấy ảnh trước khi nộp hồ sơ để mấy ảnh khỏi thi mất thì giờ vàng ngọc của tuổi trẻ. Còn mấy anh nòi “công thần” luôn có sẵn “ba đời cùng thi, làm gì chẳng đỗ”. Trò “3 trong 1” này đi trước chiêu tiếp thị ngày nay cả chục năm!

Cuộc thi vũ môn luôn kết thúc tốt đẹp. Sinh viên cuối cùng cũng gồm nhiều thành phần giai cấp được hòa đồng sàng lọc một cách công bằng và âm thầm qua các tiêu chuẩn bên lề trình độ học vấn. Mà đã đậu vào trường rồi thì được trường cưng như trứng. Mỗi lúc vẽ bài thì cứ vô giáo vụ lãnh giấy về vẽ. Vẽ xong một mặt, tận dụng luôn mặt sau cho một đồ án nữa thành thử chẳng bao giờ sợ khan hiếm giấy. Hàng tháng lại được phòng đời sống cấp gạo, thịt... về tẩm bổ tăng cường sinh lực. Ðể giúp sinh viên đỡ túng thiếu, phòng tài vụ được lệnh phát cho từng anh học bổng để xài vặt. Tệ lắm cũng mua được vài gói thuốc “có cán” hút cho thơm râu. Thì thôi, nếu không đáng công đèn sách thì cũng đáng công dũng cảm chiến đấu dành chức “vô địch thiên hạ” mà bia miệng còn lưu lại.

Vì “bóp đầu vào, mở đầu ra”, đã là sinh viên thì tội chi học nhiều cho khổ. Xưa thì khác, bù lại nay cứ vô tư chơi nhiều, đằng nào thì cũng ra cũng làm giám đốc, tệ lắm thì cũng có bằng KTS lấy le với hàng xóm.. Sinh viên vào tương đối nhiều hơn xưa song vẫn còn thưa thớt. Cảnh trường như một thiên đàng thu nhỏ. Nhớ những năm sinh viên bị điều đi gác trường ban đêm thì sân trường sẵn cây xoài, vài cây mít tha hồ cho sinh viên thưởng thức trộm (vì ăn vụng ngon miệng hơn ăn công khai nhiều). Trời nóng thì có sẵn xe hơi của hiệu trưởng để cho vài anh liều mạng cạy cửa vào mà bật máy quạt ngủ suốt đêm; thây kệ ngày hôm sau xe cạn bình hết chạy làm hiệu trưởng kẹt việc tức điên mà không làm gì được. Vẽ bài tuy không căng thẳng như xưa nhưng cái họa charette thì vẫn còn đó. Cũng may là thầy sau này không dám thẳng tay đánh rớt mấy sinh viên “công thần”. Hễ ông nào đánh rớt thẳng tay thì sinh viên sẽ la làng cho ban giám hiệu quở trách chê thầy dạy dở vì làm điểm thi đua và thành tích báo cáo của trường bị sút giảm. Hơn nữa nhà trường lãnh đào tạo hệ B, chuyên tu, tại chức dùm cho các sinh viên từ địa phương xa xôi nên bằng mọi giá phải làm sao cho họ tốt nghiệp đàng hoàng. Nếu không đào tạo được thì mất mặt trường. Tất nhiên phải ráng dàn xếp yêu cầu mấy thầy nhắm mắt cho điểm kha khá để cho “vui lòng khách đi” mà duy trì uy tín và hạ quyết tâm đập tan ý đồ xấu xa của câu xuyên tạc: “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”. Chưa hết, trường ta còn nhận các du học sinh từ nước láng giềng Cam-pu-chia để mở rộng ảnh hưởng. Cái hay hơn các trường đại học khác trên thế giới là không cần biết rành tiếng bản xứ vẫn ra trường được và có bằng cấp đàng hoàng như ai với chất lượng “hữu nghị”. Do vậy, nhiều nhóm ở bển sang học chỉ cần một người hiểu tiếng Việt sơ sơ là có thể kèm cặp níu kéo đồng đội mình lên lớp đều đặn. Khách hàng được xem là vua nên tiêu chuẩn lên lớp của du học sinh được ưu đãi hơn sinh viên bản xứ. Chỗ ở của mấy anh luôn ngon lành hơn ký túc xá “phe ta”. Tiền bạc thì bên nước mẹ gởi sang xài thoải mái, chơi “sộp” hơn cả sinh viên nội địa. Gặp mấy năm có phong trào buôn lậu xe gắn máy ở biên giới nhộn nhịp, có anh lợi dụng cuối tuần chạy ra cửa khẩu đem xe Honda về Sài Gòn bán kiếm tiền tiêu vặt. Mấy thầy hay sinh viên có nhu cầu sắm xe cộ cứ tìm nhờ mấy ảnh để yên tâm tin tưởng còm-măng (order) được hàng tốt mà không sợ bị lầm hàng “luộc”. Từ đó mới thấy tại sao thầy cô bạn bè trong trường luôn quý mến mấy du học sinh này. Lúc tốt nghiệp càng được dể dãi hơn. Ấy là chuyện về sau. Ðể bảo đàm quyền lợi bằng cấp cho các sinh viên nên ban giám hiệu phải dùng biện pháp kinh tế để phong tỏa tính nghiêm khắc của mấy thầy. Trước mắt là lương mấy thầy bị cắt giảm hơn xưa. Thầy cũng lãnh “tiêu chuẩn” thịt, sữa, gạo, khoai lang... hàng tháng với mức chênh lệch về chất lượng lẫn số lượng chẳng hơn trò bao nhiêu. Thầy cũng có lúc bị bắt đi gác đêm, hay xách cuốc đi trồng khoai, bắp cho có kinh nghiệm sản xuất dân gian, cũng vác gậy đi tập quân sự quay trái quay phải, lăn lộn bò lết cho thấm cái khổ ải chiến tranh mà yêu chuộng hòa bình. Ông nào “ba-gai” thì đừng trách khi bị cắt giảm tiêu chuẩn hay cho nghỉ việc. Thỉnh thoảng nhà trường thương tình cho thầy đi nghỉ mát bồi dưỡng sức khỏe để tiếp tục lên bảng làm nghề ”kinh doanh cháo phổi” thêm phát đạt. Nghĩ lại nhà trường cũng lao tâm lao lực lo cho từng người mà lúc nào cũng bị thiên hạ đàm tiếu.

Lo mãi cũng kiệt sức, nếu không lầm, thì đến khi ấy trong trường chỉ còn lại dàn hiệu trưởng, hiệu phó là có cái bụng “tương đối» kha khá hơn các thầy khác mà thôi. Còn các tiêu chuẩn cho thầy trò dần dần bị thay thế bằng tiền “bù lỗ” cho nhẹ gánh. Từ đó nhân sự ở phòng Ðời sống cũng được “thanh lý” để giảm ngân sách để đáp ứng thời đại “tiền-lương-giá”. Mãi đến 1987, sẵn tình hình năm ấy có nhiều con ông KTS đi thi mà năm ấy cái lạ kỳ nhứt là đề thi cực dễ mà đa số không ai làm được. Nhiều phòng thi buổi đầu đã vắng mặt vì bỏ cuộc hết gần phân nửa. Tình hình thi rớt đông đảo thấy rõ (năm ấy tỷ lệ 1 chỉ chọi khoảng 60 – còn quá ít so với ngày nay). Từ xưa nay vốn luôn bị ám ảnh tin xuyên tạc “thi rớt sẽ bị bắt lính” nên nhiều ông Kiến cha vì quá thương con phải đồng lòng vận động lên trên Bộ khẩn cấp lập thêm “hệ hợp đồng” (hệ “B”). Hệ này sẵn sàng mở toạc cửa thu nhận tất cả những ai có nhu cầu học kiến trúc mà trước hết là đám con mấy ổng, rủi có rớt thì cũng còn “Sinh môn” mà thoát. Ðiều kiện đơn giản là: bất cứ ai được ông kiến trúc sư (KTS) nào trong Hội KTS chịu đỡ đầu giới thiệu và có tiền đóng thì đương nhiên trở thành sinh viên Kiến trúc ngọt xớt. Mà tiền học thì bấy giờ chi trả dựa trên cơ sở giá gạo. Ác nghiệt ở chỗ, năm ấy vào lúc đóng tiền thì giá gạo biến động vùn vụt. Nhiều “Kiến tơ” lo chạy tiền trối chết. Mừng thay trường chưa dựa trên cơ sở giá gạo Nàng Hương! Ơn Trời còn thương chúng sanh nhà Kiến. Có năm sợ sinh viên đóng tiền trễ, nhà trường yêu cầu ai đóng trể phải kèm thêm “lãi suất tiền trường” làm báo chí phải động lòng can thiệp cứu giúp mấy sinh viên. Dù sao thì kết quả thu nhập của trường vẫn luôn vượt chỉ tiêu làm ngân sách nhà trường dồi dào đáng kể. Mấy thầy cũng có dịp cải thiện hầu bao riêng tư một cách hợp pháp mà trò cũng vui vẻ chi trả rẹt rẹt không than vãn trước sự hợp tác đôi bên cùng có lợi. Dân số trường Kiến trúc nhờ thế tăng ồ ạt. Bãi xe của trường xưa chỉ lèo tèo vài chục chiếc xe đạp. Nay thì từ sân, sảnh, ra tận cổng trường tràn ngập xế nổ của thầy và trò. Lâu lâu có thêm vài chiếc xế hộp xịn hơn cả tiêu chuẩn đi lại của hiệu trưởng đậu chễm chệ trong sảnh nhà trường. Thấy nhiều thầy “lên đời” xe làm mấy anh em nhà nghèo ngứa mắt ganh tỵ rồi bêu xấu không ít.

Sự chuyển biến từ cái thế hệ “AK” thời hậu chiến cần sự nâng đỡ của nhà trường đến thế hệ “a-còng” ngày nay thừa tiền lắm của tài trợ vỗ béo cho ngân sách nhà trường làm bộ mặt trường ta tươi mát hẳn ra với một sự bội thu sinh viên và bội chi KTS chưa từng thấy.

Cuối thập niên 50, cả trường hàng năm chỉ có khoảng chưa đầy 50 sinh viên. Ðến nay Số Kiến ra lò đến nay trung bình khoảng gần 200 sinh viên/khóa. Nếu dựa theo bảng kiểm điểm báo cáo của nhà trường như trên đã ghi thì trong 4 năm cuối thế kỷ 20 thôi, số sinh viên ra lò đã tương tương 100 năm đào tạo của ÐHKT Sài Gòn cũ.

Gớm chưa các cụ?

Sự tiên tri của hai ông thầy Tàu đã ứng nghiệm rõ ràng. Khi nhà nước cho xây nhà thi đấu Phan Ðình Phùng xóa sổ công viên “tươi mát” đối diện thì số lượng sinh viên Kiến tăng rõ rệt. “Lời nguyền độc địa” ngày xưa ở xóm công viên ấy đã được hóa giải triệt để kể từ ngày mấy “chị em” không còn đất hành nghề nữa.

Việc học trong trường ra sao, cứ xem hồi sau sẽ rõ.


Hồi thứ Nhì

Phòng giáo vụ làm nổi cơn gió bụi
Ðời sinh viên gặp lắm nỗi truân chuyên.

Báo trước với anh em, hồi này hơi dài, xin chịu khó đọc cho hiểu phần nào cảnh đời sinh viên éo le đủ thứ. Dù nói hoài cũng không hết!

Sau một thời gian đầu lo thủ tục nhập học: cắt hộ khẩu, cắt công nghệ phẩm, cắt sổ dầu, sổ gạo, sổ lương thực... để chuyển vào trường (kéo dài đến cuối thập niên 1980) thì bắt đầu nhập học. Mấy thủ tục trên dần dần lọai bỏ khi chế độ đào tạo đại trà của trường phát triển sau này. Chương trình học so với ngày xưa không khác bao nhiêu. Có chăng chỉ thêm mấy môn học chính trị chính em, Nga văn, quân sự cho hợp thời đại. Thầy mới khá đông, thầy cũ đa số “ra đi” với mọi hình thức bằng nhiều lý do tế nhị. Sự chuyển hệ làm nội bộ trường hơi lục đục theo đúng công thức của thời “quá độ”. Mấy thầy của “hai hệ” đá nhau âm ỉ. Phe này chê phe kia dốt, hay là chê phe nọ khó khăn kỳ cục... vân, vân. Ðặc biệt có trường hợp cô này “chôm” giáo án thầy kia để dành dạy mấy môn quan trọng, bất chấp mình có chuyên môn hay không, với hy vọng có một chân vô “biên chế ” cho yên bụng. Thương cho đám sinh viên bị nạn “oanh kích tự do” mà lãnh đạn trọn ổ. Nhiều anh học theo “hệ” này tất nhiên bị “hệ” kia đì sát ván cho bỏ ghét.

Tính truyền thống của trường Kiến trúc qua cảnh SV “ne” bài nhau vẫn được duy trì. Khi mà nữ SV đã có mặt trong trường thì việc này lại một phần biến chất thành cảnh “Lê Lai cứu chúa” tức là quân tử xả thân từ vẽ bài “phụ” sang vẽ bài “dùm”cho mỹ nhân tận tình. Nếu trường có bắt trả bài chắc chàng cũng “dốc hết tình này” để trả bài vô điều kiện phục vụ đòi hỏi khắt khe của nàng. Khổ nổi là khi bài mình lo chưa nên thân mà phải lo “ngậm bồ hòn làm vui” ôm sô dùm bài của người khác. Nên cảnh thi rớt “đồng quan đồng quách” là thường tình. Hễ là sinh viên Kiến trúc là biết cảnh :

“Tiếc thay, anh còn sa-rết hòai, đồ án nợ chưa dứt nên lận đận truân chuyên...” (lời một bài hát đã cải biên)

Năm đầu tiên vào học, người ta hay nói thiên hạ thường “lọt lỗ chân trâu mà chết”. Vì môn chuyên môn thì học dễ trong khi môn phụ thi cực kỳ gian nan. Có lẽ mấy thầy bị tự ái khi thấy môn học của mình ít ai thèm ngó tới nên phải làm mình làm mẩy tý cho vui dù chẳng “giết” (đánh rớt) ai cả. Có chăng chỉ hù chơi cho vui lần đầu rồi lần sau thi lại cũng cho “qua” tuốt tuồn tuột. Theo hồi tác giả đi học, tác giả cũng phải nhiều phen khiếp vía. Nhứt là môn đại số tuyến tính (năm 1) và tin học (năm 5) của thầy Q. Trong lớp thầy luôn “sạc” lia lịa nếu thấy anh nào có bộ vó học hành lơ mơ. Nhiều “thằng cha, con mẹ” (theo định nghĩa sinh viên của thầy) phải chết rét vừa điếc con ráy với những bài toán đúng nghĩa ma-trận. Lúc thi có lúc một lớp (40 người) chỉ có 2 người đậu. Nhưng thi lại lần 2 thì ai nấy cũng đậu tệ lắm là 5vv (5 vớt “vớt”). Vậy mà ai cũng thương và nhắc tới thầy hoài, chỉ vì cái “Tâm” thầy tốt.

Trong các phương pháp dạy học thì ngòai lý thuyết và thực hành, để sinh viên có thêm kinh nghiệm ngoài đời , một sáng kiến một phương pháp vô tiền khoáng hậu được giảng dạy một cách âm thầm mà ít người ngoài biết: môn “Hậu Quả Xây Dựng”. Người sinh viên không cần biết thầy mình là ai, không cần thi cử, chỉ cần nhìn rồi từ từ “ngộ” ra chân lý. Chẳng có ai phát minh hay tìm ra môn học này. Tất cả đều được phát hiện một cách ngẫu nhiên. Lịch sử của nó như vầy:

Từ ngày khối phòng học đầu tiên được xây vào năm khoảng 77 với một thời gian đáng kể gần 2 năm.. Sau khi thi công xong thì công trình bị thấm dột đủ thứ giúp cho đám Kiến con có thời gian dài chứng kiến học hỏi mọi thứ tệ hại trong xây dựng để sau này liệu mà tránh. Ðúng theo nguyên tắc kiểu binh thư Tôn Võ: “Nếu không biết cái lợi nên làm thì cũng nên biết cái hại để mà tránh”. Một thầy buộc lòng phải giải thích huỵch toẹt cho đệ tử: “Không phải nhà trường không biết cái sai nhưng nhà trường vẫn cố ý làm sai để chỉ dạy cho mấy anh tường tận đó!” Hay chưa?

Chưa hết, năm 1983, sẵn dịp một sản phẩm do chính trưòng ta thi công bên đại học Kinh tế bên cạnh bị sập chết người vừa sau khi gỡ cốp-pha gây chấn động dư luận, anh em sinh viên được dịp hiếm có học một kinh nghiệm ngàn vàng và cũng được “dợt” qua nỗi kinh hoàng do “bể độ” để tập luyện giữ vững tinh thần cho quen, cho biết với người ta. Người viết không gọi việc này là sự cố hay vụ án vì kết quả chẳng thấy vị chóp bu nào đi tù cả. Vì yếu tố bền vững trong nguyên lý đã là chân lý và chân lý thì bắt buộc phải đúng ở khắp nơi. Còn vị nào bị đổi công tác thì tức là được lên chức đổi đời nhanh chóng. Phải chăng đây là cách để trả công “khéo” cho một ý tưởng mới trong giảng dạy, một cống hiến to lớn vào sự nghiệp xây dựng???

1989, không biết có một ông nào nổi hứng chính thức đưa ra luật “cấm ne” kèm theo thêm quy định chỉ cho sinh viên trả nợ trong 2 ngày bất kể đồ án lớn nhỏ. Việc đã làm cho mấy thầy lão làng chân chính phản ứng không ít. Chỉ tiếc một điều là vì mấy lão không còn quyền hành như xưa nên kết quả chống đối chỉ là một cuộc “diễn tập đấu tranh” sương sương không thu kết quả gì. Sinh viên lãnh đủ một trò “thí nghiệm chiến trường” của phòng giáo vụ mà chẳng thấy ai dám can thiệp vô vụ cứu giúp. Trong họa thất thỉnh thoảng có sự “càn quét” của nhân viên giáo vụ đi bắt mấy anh “ne chui”. Rồi còn thêm cái trò hú nhau làm ám hiệu khi thấy “giặc tới” để rồi mấy “ne chui” hè nhau chạy trốn như trò chơi “dọn dẹp lòng lề đường”. Thương chú S. hồi đó quản lý họa thất thấu hiểu truyền thống xưa nay của dân Kiến mà lắm lúc thông cảm nhẹ tay với mấy “ne”. Chú không bao giờ nặng tay với ai cả mà lại luôn phải nhẫn nhục chịu mang tiếng là “tay sai” của giáo vụ. Dù bề ngoài thì lâu lâu thấy chú “hù dọa” làm oai cho lấy lệ. Từ từ riết rồi sinh viên ai cũng biết và trở nên rất quý chú. Một anh sinh viên khóa k88 có câu định nghĩa chữ “KTS” trên sân khấu trong đêm truyền thống năm 1990 như sau: anh em lúc đầu trong họa thất “KThầy S.” và riết rồi từ từ “Không Thấy Sợ” là thế. Tuy vậy có một thầy rất sốt sắng trong vụ “bắt ne” này cũng như nổi danh trong nhiều thành tích, phi vụ khác. Ðến nỗi có thơ rằng:

Tiếng đồn thầy Ng. rất tài năng,
Thi cử mấy phen lấy một bằng,
“Hệ B” chạy chọt bao nhiêu đứa?
“Họa thất” tru di mấy chục thằng.
Bợ mông giáo vụ tay còn dấu,
Ðè cổ sinh viên oán chửa tan.
Tưởng nhớ công thầy ghi mấy chữ:
“Ð.M. thầy Ng.“ viết trên tường!

(Năm 1993 nhiều thầy và trò có thấy trên cửa một họa thất có hàng phấn viết nguyên văn như vậy. Nghe kể lại rằng báo hại chú S. phải lo tìm cách xóa cho được hàng chử oan nghiệt ấy!)

Sau dần thì cả vụ “cấm ne” và trả nợ chỉ trong hai ngày” được âm thầm bãi bõ dần vì bỏ liền lập tức thì mấy ổng thấy quê độ khi tay đã nhúng chàm! Phải chờ có một “ông con” nào đó vào học mới có cái cớ để “cải cách sửa sai”. Chuyện về sau sẽ biết.

Trước cảnh nợ nần khó chi trả cùng với nhu cầu giúp tăng thu nhập của mấy ông thầy, năm 1990, mấy ông ban giám hiệâu, nhứt là phe phòng giáo vụ, tài vụ đã sáng tạo một giải pháp tới ngày nay vẫn còn hiệu quả và siêu lợi nhuận hơn cả dự tính: Ðóng tiền với cái gọi là “Lệ phí trả nợ đồ án”. Nó áp dụng luôn trong việc thi lại các môn học. Giá khởi điểm tối thiểu của nó là 4000 đồng/lần. Ðến nay năm 2003 nó đã tăng hơn 10 lần vì nhu cầu ngày càng cao của sinh viên và nhà trường. Do vậy, các sinh viên có giỏi thì cứ thi rớt nếu có tiền đóng và thầy thì mỗi lần đánh rớt thì có dịp sửa bài trả nợ mà cải thiện đời sống. Vì có sửa bài thì giáo vụ-tài vụ-thầy đều được hưởng ăn chia theo tỷ lệ phần trăm (ban đầu là thầy 75%, trường 25%). Hỏi ai chê không thèm làm? Trò thì hể đã đóng tiền thì thi trả nợ cũng dễ “qua”. Thầy-trường lỡ ngậm tiền phải ráng công chấm bài lo thủ tục, sổ điểm... cho đáng đồng tiền bát gạo. Nó tạo điều kiện khuyến khích nhiều thầy thêm hăng say “múa bút tựa múa đao” chấm bài lẫn ký sửa bài trả nợ với sự “ủng hộâ” tận lực của các phòng ban trong trường. Có thầy chỉ cần ký bài trả nợ để khỏi mất công sửa bài dây dưa, rút ngắn công đoạn cho khoẻ anh em và kinh tế của mình cũng được mau cải thiện một cách hợp pháp. Mấy sinh viên Kiến cũng lợi dụng nước đục mà luồn lách. Mỗi lần trả nợ có thể mượn bài của anh nào đậu để chép “nguyên con” cho chắc ăn. Thêm nữa là đã từ lâu nay có sẵn chủ trương rút ngắn xóa bỏ dần ranh giới giai cấp giữa thầy và trò nên vấn đề tình cảm thầy-trò có dịp thể hiện thêm thắm thiết một cách trơn lu qua quà cáp, yến tiệc đầm đìa bia bọt cùng mấy khoảng “tứ khoái trần gian” khác.

Nói vậy chứ cuộc đời còn lắm ngoại lệ. Một hai ông thầy bà cô thấy ăn tiền kiểu này thì sượng quá nên vô giáo vụ và xin từ chối nhận số tiền ấy. Nhưng trò thì vẫn bị buộc phải đóng y số cho đúng luật, còn thầy có chịu lấy tiền hay không thì trò đừng thắc mắc mà mang họa. Cũng còn nhiều ông thầy vì lương tâm cắn rứt khi sợ cảnh học trò mình “mua bằng” nên lâu lâu cũng ra tay trị thẳng cánh một lần trò biết mặt. Cuối năm 1991, khóa k89 (trên 100 người) đã chịu một kỷ lục “rớt” về chuyên môn mà từ sau 1975 chưa thầy nào phá nổi. Ðồ án “nhà an dưỡng” lần ấy theo luật của trường thì phải được ít nhứt hai thầy chấm mới hợp pháp. Thầy H. và một đồng nghiệp khác chấm xong cất kết quả vào tủ (rớt khỏang 3/4) chưa kịp đưa cho giáo vụ thế mà hôm thứ hai đầu tuần đã có kết quả khác chính thức đăng lên trước với tỷ lệ đậu 3/4. Sự việc làm hai thầy phản ứng lên tận hiệu trưởng vì có kẻ “chơi qua mặt”. Sau khi thưa kiện lung tung cuối cùng thầy L. trưởng bộ môn yêu cầu khóa 89 nộp lại bài cũ và đích thân chấm lại với kết quả ban đầu của hai thầy gần như không đổi bao nhiêu. Nguyên nhân chỉ vì thầy K. “nổi máu nghệ sỹ” vô chấm riêng một mình sau khi hai thầy kia chấm xong và đưa bảng điểm lên phòng giáo vụ trước. Ðám sinh viên cả trường từ ấy phải kiêng nể thầy H. và mấy thầy khác nói chung sau trận đánh rớt phủ đầu ấy. Khắp nơi đều lên tiếng rên siết vì trong vòng gần 15 năm chưa thầy nào to gan dám “giết” sinh viên hàng loạt như vậy mà không sợ bị nhà trường rầy. Nhiều “ngư ông đắc lợi” nhờ cái luật “đóng tiền trả nợ” sau đó... Cứ hỏi mấy anh chị K89 “cựu nạn nhân” thì biết rõ hơn.

Có một thầy khác chơi trò áp đảo học trò bằng “tâm lý chiến” bằng cách nổ cho trò sợ tài năng của mình để liệu mà bắt chước. Thầy bảo rằng trong một đêm thầy có thể binh hàng trăm phương án quy họach, tốn hết 3 cuồn giấy calque. Mỗi cuốn 40 thước (?!) đàng hoàng. Thế là hết ai dám coi thường oai mấy thầy trường ta.

Trong khóa k8... một anh nọ học “quá ể” nhưng vì có ông già tía có mối quan hệ rộng trong trường nên mấy thầy cũng phải nể mặt mà nâng đỡ. Nếu chấm thẳng tay thì tội, chấm đậu vớt thì thương ông già bị quê độ. Chấm đậu cao càng không có cách chi lý giải. Thôi thì mấy thầy mới dùng giải pháp cho đậu khá nhưng nhẹm kín đồ án đi với lý do “xin lưu lại bài để tham khảo ý tưởng mới lạ” (!). Ai bảo thầy nào cũng xấu vì tánh ham đì trò?

Tình trạng “giết lầm không bỏ sót” bị nhiều anh em ta thán mà không ai để ý. Một lần, không biết mấy thầy bị “Tổ trác” mà mắt thế nào lại đánh rớt nhiều đồ án công nghiệp một cách khó hiểu. Có một bản vẽ trong đó nhiều chi tiết khai triển bị gạch bỏ với lời phê “cấu tạo chưa từng thấy”. Tác giả đồ án đã tuyên bố chi tiết ấy đã được chép nguyên xi đúng bài trong sách cấu tạo của Mittag. Chỉ biết rằng bài trả nợ của anh sau này y chang bài cũ thì lại đậu. Về phần đồ án quy họach thời ấy đã có một luật bất thành văn: “Nhà phải bắt buộc 100% quay về hướng nam, trường học thể hiện trên bản vẽ phải có dạng chiếc quần xà lỏn mà không được dạng khác, trường đại học cấm không được có sân bóng chuyền...” Anh nào không nghe dù giỏi thế nào cũng bị rớt. Vậy mà riết cả lớp buộc lòng phải vẽ theo như cái “luật bất thành văn” làm cho bài ai nấy cũng gần giống nhau, chỉ khác lối diễn họa và tên tác giả. Kết quả có anh này đậu anh kia rớt khác nhau mà tới nay chẳng ai lý giải được. Chưa, còn nữa, nhiều đồ án được đậu cao chỉ nhờ phối cảnh đẹp mà “pạc-ti” mặt bằng “binh” chưa tới. Trong khi mấy anh nào chịu khó nghiên cứu mặt bằng hoàn chỉnh thì kết quả khiêm tốn hơn, có lúc lại bị 5v xém rớt. Ðó là ý đồ sâu xa của thầy cho mục đích lâu dài về sau. Trường hợp không biết thế nào mà có lần một thầy hướng dẫn đọc bản vẽ hòai không ra trong nhiều lần sửa bài làm mấy anh học hành nghiêm chỉnh còn phải rét vì sợ bị rớt oan; có anh phải chạy đi năn nỉ thầy phó bộ môn lên họa thất làm bộ đi coi chấm bài để có gì “cứu khổ” giùm. Lâu lâu cũng nghe chuyện nhiều bài thi giống nhau như đúc song kết quả thì kẻ đậu người rớt khác nhau. Chẳng ai giải thích được, kể cả chính mấy thầy chấm bài.

“Vỏ quít dày móng tay nhọn”. Ðể đối phó với việc thi cử, các phương pháp phổ thông như là “quay phim” hay năn nỉ thầy... thì xưa như trái đất. Có năm trường hợp đối phó thần sầu đầy tính sáng tạo, xin kể lại để anh em tham khảo nghiên cứu, đừng ham bắt chước vội:

Trường hợp thứ nhứt, một thầy dạy môn nọ (xin giấu tên để bảo vệ nhiều người) nổi tiếng đánh rớt sinh viên. Ðể được “qua phà” an toàn, một anh Kiến nọ chắc cũng kiến thức lịch sử khá dồi dào bèn áp dụng nguyên xi trò Mỵ Châu – Trọng Thủy bằng cách cặp bồ với con gái của thầy là ăn chắc! Thơ rằng:

Tôi kể ngày nay chuyện Mỵ Châu,
Trái tim đúng chỗ để trên đầu,
Ðề thi ăn cắp đưa Trọng Thủy,
Biết bao chàng Kiến đội ơn sâu...

...vì nhờ thế mà thi cử “qua phà” êm đẹp cả!

Trường hợp thứ hai, môn Nga văn vốn là nỗi sợ hãi của nhiều anh chị. Kỳ thi quốc gia lại vào năm thứ 5 trong khi tất cả anh em lại quên sạch vì khóa Nga văn kết thúc giữa năm thứ 3. Dù thầy cô tận tình dạy ôn lại nhưng kết quả chẳng ai nhớ gì ráo. Trong lần thi quốc gia của khóa k87, một chị trong lớp liều mạng tuồn đề ra cho một cao thủ bạn bên ngoài làm xong thì lén thảy vào cứu được gần trọn cả lớp K87 (chỉ có vỏn vẹn 1 - 2 anh rớt). Cô T. lần ấy phải thắc mắc tại sao mấy anh làm bài giống nhau quá? Nếu cám ơn anh cao thủ nọ thì toàn thể SV cũng hết lòng nhớ ơn cô T. đã sáng suốt thức thời cứu vớt dân nhà Kiến, không bao giờ ác tâm trù dập bất cứ anh em nào.

Trường hợp thứ 3 ly kỳ không kém kể về một anh sinh viên vốn nhát đòn sợ rớt môn chính trị chính em. Vì anh vốn kha khá ngoại ngữ nên đã chịu khó vừa nghe và tự học ngoại ngữ bằng cách vừa nghe giảng bài vừa dịch lại toàn bộ bài giảng sang ngoại ngữ. Vào phòng thi, anh bình tĩnh để tập sách ấy trên bàn để lót giấy thi và khi nhân viên giáo vụ gác thi hỏi, anh tỉnh rụi đưa tài liệu cho giám thị (cũng là nhân viên giáo vụ mới kinh chứ!) kiểm tra với lý do đó là bài đi học thêm ngoại ngữ ban đêm. Lật đi đọc lại tới lui một hồi, giám thị đã trả lại để cho anh tiếp tục làm bài yên ổn. Kết quả thì đã rõ.

Ngoạn mục nhứt là trường hợp thứ 4 này. Trong kỳ thi mỹ học, đề thi lần ấy có yêu cầu liệt kê một số công trình kiến trúc lịch sử đặc trưng ở miền Nam có tiêu chuẩn cái đẹp “theo quan điểm mỹ học của ông M.” của thầy giảng. Một bài đã được thầy chấm với số điểm khá cao. Chủ nhân của bài thi đã thú nhận riêng với các Kiến khác là tất cả những công trình anh viết ra đều có đủ số liệu chính xác về năm xây dựng, năm bị phá hủy, đặc điểm công trình... cao hơn cả yêu cầu thầy đưa ra. Chỉ có cái tội là các dữ liệu đều giả hoàn toàn!

Trường hợp chót mô tả một bàn thắng “vô tiền khóang hậu” để cứu một người anh em nắm chắc vé lưu ban vì rớt 1,5 môn được một anh khóa k88 đã thuật lại như sau: theo luật của trường thì anh lớp trưởng hay anh bí thư Ðoàn của lớp được tiêu chuẩn ưu đãi hơn các bạn trong lớp ở chỗ được vớt lên lớp khi bị rớt 1,5 môn (môn chính = 2 môn phụ = 2 x 0,5 môn) trong khi các sinh viên bình thường thì tiêu chuẩn được vớt lên lớp với 1 môn rớt. Nên để “chuyển bại thành thắng” cho đồng môn, cả lớp liền bầu cho anh làm lớp trưởng để anh được lên lớp an tòan và hợp pháp!

Ai bảo sinh viên là dở? Sinh viên khôn lắm chứ...

Vì thời trời xui khiến khi xã hội phát triển bằng sự sàng lọc cao hơn nên kể từ khóa k88, cái gọi là “thi giai đọan” năm thứ 2 dùng để thanh lọc ra những tinh hoa của trường. Ðơn giản là phương cách 3 “bóp đầu vào, thắt đầu giữa, thả nổi đầu ra”. Nói nghe thì hay nhưng nó cam go bằng mấy năm học hành lè phè cộng lại. Cuộc đua “giai đoạn” hàng năm làm nhiều anh chị phải khốn đốn mà cầu Thầy cứu. Cái trò luyện thi, học thêm trong đại học nảy sinh ra làm gợi nhớ ít nhiều lại thời kỳ học phổ thông của chúng mình. Cũng có lợi chứ sao ? Nói chung thì các thầy nào dạy các môn liên quan đến thi giai đoạn thì được lâm vào đại vận hanh thông trong cung tài bạch lẫn quan lộc. Thầy thừa cơ tha hồ “hét ra lửa, mửa ra tro”ù. Chuyện kể lại rằng một ông thầy tên Th. bình thản “dám” đánh rớt người học trò mình dù y đã “thành công” trong việc tặng thầy một chiếc “Ðờ-Rim 2” để trợ giúp thầy trong công tác đi lại. Chính mấy đồng môn của tác giả trước đó vài năm cũng có lần rớt oan mạng khi thầy cố ý ra đề sai khi thi lại. Thầy lý luận: “Có ra đúng mấy anh cũng làm sai (!?)”

Nói là thi giai đọan có từ năm 1988, song trò sàng lọc “chưa chính thức” đã được manh nha thực thi trước đó bằng việc “thi kiểm tra giữa học kỳ”. Anh nào học lơ mơ rớt 2/3 lần thì bị cấm thi ráng chịu. Lúc đầu mấy thầy lại chơi trò “kiểm tra đột xuất”. Vì vậy lần đó khóa k86 năm thứ 3 đã bị cấm thi gần như 100% vì môn X (xin dấu tên). Trò xỏ lá này làm anh em tuyên bố định làm “reo” (grève) với nhà trường. Báo Tuổi Trẻ năm 1989 có bài ghi lại. Nhà trường phải cải tổ ngay lần đó và hứa rằng sẽ báo trước những kỳ kiểm tra. Song nhiều thầy cũng nhiều lúc “xé rào” do ê mặt trước cảnh sinh viên Kiến chán nản cúp cua môn học của mình khá đông. Thỉnh thoảng có nghe chuyện trò rủ nhau cả đàn “biểu tình” năn nỉ ở trước cửa nhà thầy vì thầy trót tuyên bố cấm thi quá đông anh em.

Trong khoảng thời gian này, uy danh các phòng ban, nhứt là phòng giáo vụ (sau đổi tên thành phòng đào tạo mà có kẻ dám xuyên tạc là “phòng đào tiền”!) như một vị quan “tiền trảm hậu tấu”. Tất cả tiền bạc đều phải đóng trực tiếp tại đây, năn nỉ hay khiếu nại tại đây, rút hồ sơ ra khỏi trường cũng tại đây... Hễ nghe mấy ông bà ở đây gác thi thì phải biết!

Bên cạnh tính hiếu sát thì Trời đất còn có tính hiếu sinh đám sinh viên. Số là sau 2 năm từ khi bắt đầu năm thực hiện chế độ thi giai đọan, ông Trời bèn khiến cho một ông con của một ông KTS nọ (vốn có máu mặt trong phòng giáo vụ) học khóa k90. Thế là toàn bộ khóa ấy được mọi ưu đãi nếu may mắn gặp lúc ông con này bị lận đận “sa-rết” trong đèn sách. Có thơ vịnh rằng:

Một lũ con nòi, chẳng giống ai
Idée [3] đồ án rất " trời ơi",
Esquisse [4] "rặn" hoài, không ra...ý,
Rendu [5] "quậy" mãi, chẳng lên tay.
Kết cấu, xì-tin (style) [6] trông rợn óc,
Diplôme [7] , charrette [8] thấy bái dàí!
Trả nợ, “lần 2” luôn hiện diện,
Kiến trúc dòng con lại bất tàí!

Nhờ vậy vụ “cấm ne” đã được nới lỏng dần. Ðặc biệt khi thi giai đọan năm thứ 2 của khóa k90, lần ấy rớt khá đông. Ông con thì khỏi nói ai cũng biết. Ông cha làm trong phòng giáo vụ phải điều chỉnh hạ chuẩn điểm đậu. Thế là rất đông anh em rớt được “ăn theo” ơn mưa móc mà “qua” giai đoạn an toàn. Ai bảo dân giáo vụ ác đức? Mà có hết đâu, những năm mà “ông con” còn mài quần trên ghế nhà trường thì hễ “ông “ gặp khó khăn do làm bài không kịp giờ thì anh em đồng khóa được “dựa hơi” mà “thoát chết” đồng loạt. Khi làm tốt nghiệp anh em cũng được giáo vụ hạ tiêu chuẩn khổ giấy vẽ cho đỡ cực khổ. Có ông KTS bố khi nghe tin buồn: “Mặc dầu có sự tận tình chạy chọt song cậu ấm đã không qua được cuộc thi giai đoạn hiểm nghèo”, đã đề nghị mở thêm một khoa mới để “pát-xê” con mình qua đó tiếp tục học. Ðám Kiến “đồng nạn” cũng được cứu độ theo. Sướng chưa! Trách chi hễ có một tiếng đồn tốt là thiên hạ cứ ùn ùn vô ÐHKT. Hễ vào được là chắc chắn ra trường được với một tấm bằng láng coóng lận lưng quần dễ ợt. Chưa kể nó còn bao gồm luôn cả bằng B ngọai ngữ cấp quốc gia nữa mà!

“Vật cùng tắc biến”. Khi thu nhận sinh viên ồ ạt thì dĩ nhiên nhiều sơ sót bê bối hành chánh, tài chánh bắt buộc sẽ phải lòi ra như cảnh tang gia bối rối mong chính quyền và đồng bào lẫn sinh viên niệm tình tha thứ. Cái “biến tắc thông” là Bà Hỏa “giáng lâm” phòng giáo vụ trong một đêm 16 rạng 17-1-1992 làm sinh viên phải hoãn giờ thi để cho cảnh sát vô điều tra. Vì theo quy luật phát triển mà sách nhà trường đã dạy, thì sau khi sinh ra và tồn tại thì nó cũng phải bị buộc kết thúc giống cũng như tòa Imexco cùng thời bấy giờ. Nghĩ tiếc thay khi dân Kiến ở ký túc xá gần đó có dịp chứng kiến suốt đêm giờ phút chót của tòa Imexco mà lại không có dịp chứng kiến cái công trình giáo vụ trù phú của chính trường mình “trở về cát bụi”. Thiên hạ liền chiêm nghiệm lại sự việc qua chuyện Ðại Hồng thủy trong kinh thánh và cứ thắc mắc bàn tán mổ xẻ “gia đình Noe” lần này gồm những ai??? Ông mang theo ông những thứ gì để duy trì cuộc sống??? và nhiều câu hỏi khác. Mãi tới khi phòng giáo vụ được bố trí chỗ mới mà nỗi kinh hoàng vẫn chưa dứt đến nỗi mấy bà “ở trỏng” phải lập một bàn thờ trước cửa phòng cúng khai trương để cầu an và tạ ơn thần tài phù hộ thoát nạn lâu nay. Riêng về phần sinh viên, sau trận ấy phách rọc bài thi bị cháy sạch không còn khả năng hồi phách vô sổ nên anh em phải rủ nhau đi gặp thầy để nhận dạng bài thi của mình.

Nói đến Kiến trúc mà không không nhắc tới lễ truyền thống quả là một thiếu sót to lớn. Thực chất cũng là lễ nhập môn cho các “ne” năm thứ nhứt, trình làng trước đàn anh, cũng là một trách nhiệm của anh năm cuối trước khi rời khỏi trường. Vì “đời chỉ có một lần” nên một bên thì cố gắng tổ chức cho thật độc xẹt, một bên thì phải cố gắng làm sao đi có mặt thật đầy đủ để cho mọi người biết mặt. Lễ nhập môn bái đàn anh được tổ chức với nhiều hình thức. Cũng đi xin phép chính quyền, in thiệp mời, đi quyên góp mấy nhà hảo tâm, lo dàn dựng, tập dợt... Cảnh tiêu cực cũng không ít vì nhiều anh đi quyên góp cũng thừa cơ chấm mút cho bớt “động lòng”. Ban đầu, thời “phương cách 1” còn áp dụng thì không có gì lớn để mà bàn vì dân số không đáng kể nên không có sự lộn xộn trong tổ chức và sức chứa của trường còn kham nổi. Càng về sau từ khi áp dụng “phương cách 2” trở đi thì mỗi lần truyền thống là luôn có vấn đề lớn từ thượng vàng tới hạ cám. Việc triển lãm tranh biếm họa làm đụng chạm tim đen mấy thầy không ít. Từ đó nảy sinh thêm chế độ kiểm duyệt tranh truyền thống. Ðặc biệt là năm có lịnh “cấm ne” làm phá vỡ truyền thống “dạy nghề” của anh em Kiến làm bất mãn khá nhiều người. Bấy giờ bất cứ hình vẽ hay áp-phích nào có chữ “ne” hay ý nghĩa tương đương đều bị một thầy trong ban giám hiệu đến và thẳng tay lột bỏ vì “phạm húy”. Cảnh chen lấn xâu xé có lúc suýt ẩu đả nhau trong đêm truyền thống là chuyện thường. Các bãi giữ xe của các sinh viên tràn ngập dù giá gởi đã lên gấp 10 lần giá nhà nước. Mà cái vui nhứt theo ý tác giả là tiết mục nhảy đầm cuối lễ truyền thống. Mấy năm mới được phép “nhót” trở lại thì phải biết nó sung sướng biết chừng nào. Danh từ “nhảy son-đố-mì”, “múa đôi” hay “quốc tế vũ” thì dẹp quách đi không thương tiếc do hết hợp thời đại. Tiếp sau buổi lễ kết thúc, dù có tổ chức bê bối chăng nữa thì luôn có lệ phải tổ chức một tiệc liên hoan mừng thành công của đêm truyền thống và lợi nhuận của nó để lấy tinh thần cho mấy khóa sau. Anh em nào còn lại ở trong trường được bao ăn nhậu thả ga, lúc ấy thật là một lễ truyền thống “tập 2” ngoài luồng không sợ chế độ kiểm duyệt bên ngòai “gõ”. Các tiết mục đều có thể biểu diễn tự do không cần đăng ký xin phép. Ðêm truyền thống 19 rạng 20-9 năm 1991 còn có cả sô “thoát y vũ nam” kèm nhạc sống coi miễn phí (chuyện có thật 100%.- tác giả thành thật xin lỗi độc giả vì khi ấy tác giả còn quá ngây thơ ham vui không biết hỏi tên tuổi của vũ nam ấy), khán giả đứng xem được tiếp cận diễn viên trong tầm tay, vừa được phục vụ cháo ăn đêm nếu cần. Xong thì từ từ mạnh ai nấy vô tư nằm la liệt ngủ để hôm sau lấy sức thu dọn chiến trường. Lợi nhuận thu được có lúc thừa sức tổ chức bao trọn gói 1,2 chuyến nghỉ mát Ðà lạt hay Vũng Tàu cho mấy anh em, bao luôn bồ bịch nếu có. Trước khi đi, cũng có bố trí vài anh sinh viên chuyên “dọn đường” bằng cách ghé nhà mấy thầy để “nói một tiếng xin phép nghỉ mấy ngày” cho đúng lễ. Còn bài vở, đồ án thì để đó! Chơi trước tính sau. Nghe kể lại vào năm 1999, nhà trường nổi hứng cấm làm truyền thống qua chủ xướng của thầy giáo sư tiến sỹ thạc sỹ Kiến trúc sư T.H. với nhiều sự lý giải không ai hiểu được, có lẽ thầy học nhiều quá rồi điên chữ chăng? Kết quả là mấy anh em đợt đó ra trường hễ thất bại là đổ thừa “Tổ quở” vì lý do trên.

Trong sự căng thẳng lên bài ngày đêm từ ngàn xưa đến nay, khi thời gian đều đổ hết vào họa thất tất nhiên anh sinh viên Kiến nào cũng đều quên mình vì nghệ thuật dù muốn hay không muốn. Cũng vì lý do học hành càng kham khổ, nếu là nữ, thì tàn phai nhan sắc là không tránh khỏi. Do vậy trong bình minh của lịch sử nhà trường, số nữ không đáng kể (hồi 1955-56 mới chỉ có một người duy nhứt là chị K.N!) dù số “Lê Lai liều mình cứu chúa” không bao giờ thiếu. Nguyên nhân một phần ngày trước trong các họa thất có anh “trưởng tràng” hay sanh tật “bắt ne làm gì thì ne phải làm nấy không được cãi” nên nhiều cô nghe đồn thôi mà đã mất vía rồi. Càng về sau khi “đầu ra” càng dễ thì số nữ tăng dần và nhan sắc Kiến nữ trong trường thấy cải thiện đáng kể thừa sức canh tranh với dân trường Tổng hợp hay trường Kinh tế bên cạnh. Số Kiến nữ tăng đột ngột vào năm 1987. Ðang đói xưa nay, giờ gặp cơm hay phở gì thì mấy anh Kiến đều phơi phới rậm rực ra mặt. Có cô lợi dụng lắm anh theo đuổi, liền chơi trò “đấu thầu” bằng cách nhờ mỗi anh làm một bài để rồi chọn cái hay nhứt lên nộp cho thầy. Khiến mấy anh “hụt thầu” ngẩn ngơ mà không làm gì được. Kiến nữ làm không khí tổ Kiến thêm nhộn nhịp. Có hai chuyện, kể về “sự cố ngàn xưa” thời ấy đậm đặc tính mê ly cụp lạc mà sinh viên ai cũng biết. Một cú bởi trò gây ra (thập niên 80), một ca do thầy là thủ phạm (thập niên 90). Cả hai thầy trò luyện công phu “âm dương chỉ” thế nào không biết mà “dến” cái “bầu tâm sự” cho hai cô bên ngoài (có 1 cô là sinh viên trường bạn) khiến hai cô đến trường “hỏi thăm”, nói hoa mỹ là đòi “bồi thường chiến tranh”. Nhà trường nghe đâu phải âm thầm vào cuộc giải quyết ổn thỏa. Vì quý thành tích học tập tốt nên trò chỉ bị cảnh cáo cho lưu ban, còn thầy thì phải cuốn gói ra đi không hẹn ngày trở lại. Thôi chuyện nghe qua rồi bỏ, chỉ biết sau đó vài năm, bên ngoài thiên hạ tổ chức ì xèo những cuộc thi hoa hậu làm bên trong trường càng thêm rạo rực trước cảnh “cây nhà lá vườn” đang kỳ mơn mởn chưa từng có xưa nay. Yếu tố “mỹ quan” trong nguyên lý kiến trúc bắt đầu được chú trọng và được “rendu” dưới hình thức tân kỳ mới lạ.

Còn mấy Kiến nam thì thực chất chẳng thay đổi bao nhiêu. Do bù đầu làm bài cho mình và “hết lòng thờ vua (bà), xả thân cứu (nữ) chúa lúc nguy nan” nên riết rồi thời gian tắm rửa cũng chẳng còn. Cũng may ngày nay sinh viên có tiền thuê nhà trọ nên cũng bớt cảnh tốn thì giờ sắp hàng hứng nước hay “dành cơm” ở ký túc xá. Nhằm lúc này nhiều “nữ chúa” vào trường quá cỡ nên quỹ thời gian đã kẹt cứng càng thêm kẹt cứng. Ðành mang tiếng ở dơ vậy! Mà dơ bao nhiêu thì người đời tưởng mình có máu nghệ sỹ thiên tài đầm đìa ý tưởng trên trời dưới đất. Càng về sau có mấy anh thấy thế còn chơi “đốt giai đọan”, cứ ở dơ trước cái đã còn thời gian học hành thiếu đủ tính sau. Thêm cà phê, thuốc lá, nhậu nhẹt lu bù gọi là phương tiện kích thích tìm ý đồ sáng tác kiến trúc thì càng hay hơn nữa. Quên phứt đi cái khoản vệ sinh, điều độ bằng mấy cái “khoái” thứ dữ khác cho đủ bộ. Ðể tóc tai bù xù, ăn mặc bê bối làm tăng cường thêm ấn tượng Ðã không được nghệ sỹ bề trong thì cũng phải ráng được nghệ sỹ bề ngoài cho bằng anh bằng em. Bắt chước sai bài, “binh” không tới thì ráng chịu. Mà lạ hơn nữa là nhân viên của trường cũng không kém máu nghệ sỹ. Năm 1978, vào ngày quốc tế phụ nữ, một bà nhân viên chơi nổi “tròng” bộ áo cưới vào trường cho nó “độc xẹt” mặc cho chúng sanh thấy mà lắc đầu. Nhân viên trường còn “nghệ” như thế thì đám sinh viên lập dị cũng đừng ai trách. Cũng vào khoảng mấy năm ấy, nhân có phong trào “cấm để tóc dài”, nhà trường cũng định lợi dụng nhằm hạn chế máu “nghệ” của mấy Kiến nhưng sau vài năm thì “mèo vẫn hoàn mèo”. Nói tiếp về cái trò “ở dơ sống lâu” dần dần trở thành món võ tự vệ độc hại làm thầy nào cũng phải gờm mùi hương lẫn mặt mày của mấy thằng đệ tử và rồi kiêng dè khi sửa bài của chúng. Mấy đồng môn cũng phải bịt mũi “chạy làng”. Lúc lên bài họa thất hay vào lớp thì liệu hồn! Chúng mà ngồi đầu ngọn gió thì làm cả lũ trong sạch nhiễm độc khí chết nhăn răng. Kiến nữ nhờ vậy thêm được thầy chiếu cố tận tình nhờ bộ vó “dẻo như cơm, thơm như mít” rồi từ đó có tiếng đồn nhau rủ rê nhiều nữ sinh khác đổ xô ồ ạt thi vào kiến trúc.

Việc học quân sự tuy bắt buộc nhưng đó không phải là cửa ải. Tuy chỉ tốn có một tháng song là dịp để sinh viên đi ra ngoài thay đổi không khí. Các thầy cũng tương đối dễ dãi. Hồi trước, nhớ có một thầy, thật ra là một ông sĩ quan già tên L. mà dân Kiến hay gọi là thầy Sáu L. Nghe cách nói chuyện hóm hỉnh của thầy, dân Kiến phát hiện trong lý thuyết quân sự chứa đựng tràn trề ý nội, ý ngọai, nghĩa đen, nghĩa bóng cực kỳ thâm thúy. Chỉ có thế mà anh em hứng thú có mặt tương đối đông đủ hơn các giờ lý thuyết khác. Thêm giờ học thực hành ngoài trời ( có lúc ở công viên đối diện Dinh Ðộc lập, có lúc ngay khu đất trống sát tường rào khám Chí Hòa), quả là thiên đường cho mấy anh em có dịp vui chơi hóng mát ngo ngoe tay chân cho đỡ bồn chồn. Lúc giải lao thì thầy trò tụ lại tha hồ đánh “tiến lên”, hòa đồng quân dân với nhau mà không sợ ai bắt lỗi. Cái vui nhứt là vào cuối khóa đi bắn đạn thật trên sân bắn Thủ Ðức. Nhiều lớp lợi dụng dịp này tổ chức cắm trại qua đêm, ăn uống bí tỉ, đêm nằm kề bên nhau ngắm trăng tâm sự, kể lể chuyện đời... tựa hồ:

... Nằm kề bên nhau chờ giặc tới,
Ðầu súng trăng treo...
(thơ Chính Hữu)

... ngay trên bãi tập bắn từ chiều hôm trước. Ðến sáng hôm sau thì bắt đầu thi kiểm tra bắn đạn thật. Vì tình thầy trò vốn đã được đầu tư thắm thiết trong quá trình học nên chẳng ai rớt. Tiếc rằng những năm sau đó tiết mục này bị bỏ dần vì sinh viên càng đông đảo khó tổ chức vì tốn kém. Ban đầu mỗi lớp cử vài đại diện đi bắn. Sau dần chỉ kiểm tra thao tác dùng súng của từng anh chị rồi thôi. Chắc vài năm nữa chỉ cử mấy anh đại diện đi học rồi chuyện gì mới nữa chưa biết trước được nhằm đơn giản hóa tận cùng khóa huấn luyện quân sự. Khóa học luôn kết thúc tốt đẹp nên chẳng có gì gọi là “ác nghiệp”. Chỉ kể nghe qua chơi cho đủ bộ.

Chặng cuối của đời sinh viên là tốt nghiệp cũng cực kỳ quan trọng vì “đời chỉ có một lần”. Sau vài tháng đầu tư sức người và của vào đồ án ra trường, anh nào chị ấy cũng bơ phờ, nhiều người xanh như tàu lá do làm việc ngày đêm quá độ. Thầy cũng phải được bố trí “kè” mấy trò mà hướng dẫn. Vì tính quan trọng của nó mà có trò vì quá thương thầy rồi sẵn sàng xì tiền bồi dưỡng riêng cho thầy chút đỉnh lấy sức. Mấy “ne” cũng đổ quân vào cuộc. Có anh thừa tiền lắm của thuê nhà để vẽ, thuê ne thả ga, bao ăn, bao ngủ từ a tới z. Mấy ne chỉ có việc tô màu, vẽ cây, chấm cỏ, nghe sai bảo lặt vặt... Mấy anh nghèo làm thui thủi một mình cũng tốt nghiệp vang lừng như ai. Cảnh “charette” vẫn còn đó. Tới ngày sơ khảo, nhiều người sốt vó là trò thường tình. Có thầy vì quá thương trò, chạy đôn chạy đáo vô trường huy động thêm “ne” kéo về nhà đệ tử của mình vẽ phụ cho kịp giờ. Sơ khảo xong, bài đem về sửa chữa một lần chót trước khi trình bày tốt nghiệp. Hôm bảo vệ mới thật sự là ngày trọng đại. Mỗi tân khoa tương lai phải một thân chống chọi với một hội đồng thầy tràn trề kinh nghiệm. Mấy anh du học sinh xứ Chùa tháp thì không đến nỗi lo lắng nhiều do đã được trang bị nhiều hậu thuẫn ưu đãi công khai. Ðiển hình là anh nào tiếng Việt còn lọng cọng thì các thầy thấy thương tình liền miễn khoảng trình bày giới thiệu đồ án cho đỡ mất thời gian. Và theo đúng thủ tục tốt nghiệp, mấy thầy vẫn lên thưởng thức đồ án cũng như hỏi vài câu lấy lệ với người ta với tấm lòng tràn đầy gạo muối cầu mong mấy anh mau về nước để truyền bá chất lượng và uy tín của “đằng mình”. Riêng với sinh viên Kiến nội địa nhà ta thì thầy vẫn thương yêu nên những năm gần đây, tỷ lệ rớt ít, ít dần và ít mãi. Có thầy nói nếu chấm gắt quá thì đâu còn đứa nào ra trường, mà mình đánh rớt hòai kiệt sức mình rồi sẽ đánh rớt không nổi nữa, đành phải “cho qua” để “để đức” cho con cháu. Trước trận “biển người” tốt nghiệp đông đảo tất nhiên thầy ủng hộ số đông mà từ bi xí xóa mấy lỗi lặt vặt không đáng kể cho anh em nhà Kiến mừng. Nghe kể lại năm 1994, có một anh sinh viên Kiến “cóp-pi” nguyên xi một sân bay trong sách để làm bài tốt nghiệp. Mặc dù có một thầy phát hiện và phản đối nhưng cả hội đồng thương tình công sức vẽ vời nên thông cảm cho ra trường êm đẹp. Do đó để việc bảo vệ tốt nghiệp thành công thêm rực rỡ, nhiều anh chị mời hết cả bà con họ hàng ông bà chú bác lẫn con cháu đi theo ủng hộ vì biết mình chắc chắn cỡ nào cũng đậu. Có người sau khi bảo vệ xong liền có con cháu đem hoa tặng theo công thức ca sĩ cho thêm tính le lói. Những đêm sau đó, các anh em luân phiên đi ăn nhậu khao quân mừng “chiến thắng” liên tục ở từng nhà các đồng môn với mấy ne ruột. Thầy cũng được mời lu bù và được trò trả công hậu hĩ từ quà cáp tới hiện kim tùy theo nhu cầu hay yêu cầu. Thầy thanh liêm thì chỉ nghe trò nói câu “cám ơn” là thầy mát ruột mà không cần gì khác. Ngày phát bằng còn vui hơn nữa vì còn có thêm tính tập thể cao độ. Rút kinh nghiệm nhiều năm từ các trường khác, trường ta cũng thuê áo mũ cân đai loại “thời trang cử nhân tiến sỹ” đem về trường cho sinh viên thuê lại để có dịp tổ chức đóng tiền đăng ký tên theo thứ tự lên lãnh bằng cho oai. Không khí trường nhộn nhịp hơn xưa vì ngoài sinh viên ra còn có cha mẹ, họ hàng, vợ con, bạn bè, bồ bịch.. đi đến xem chức mừng chia vui rôm rả. Mấy anh phó nhòm cũng có dịp chen chân vô kiếm sống chút đỉnh.

Ðời sinh viên là thế đó! Mà khổ nhiều sướng ít.

Một anh Kiến ôm tê-ke [T-square] miệt mài thi lại và trả nợ đồ án mãi mới tốt nghiệp được. Ra trường xong, y tủi thân hận đời bèn làm một bài thơ lưu lại :

Trời đất hỡi! Sinh viên khốn khổ,
Phải đóng thêm phí nọï tiền kia,
Có tiền, có gạo bề bề,
Dài dài trả nợ cũng ê bẹ sườn.
Lễ tốt nghiệp ra trường cũng đóng,
Thuê áo quần cho giống cử nhân...
Hận thầy ác đức ác nhân,
"Ðì" trò, đánh rớt kiếm ăn, làm tiền...
Thương thầy khác liên miên chạy độ,
“Giết” học trò, không nỡ ra tay,
Cứù cho tốt nghiệp mặc bây
Học không ra thợ, ra thầy, ai thuê?
Sẵn cao học, thôi về học lại,
Ngồi hai năm ra dạy sinh viên,
Thầy già xuống lỗ quy tiên,
Còn bầy đệ tử nửa điên, nửa khùng...

... và kèm theo một tuyên bố xanh rờn: “Ta không còn gì để rớt. Không Top Ten thì cũng Bottom Five” [9] .

Xuyên tạc đến nước như vậy mà thiên hạ vẫn cứ mê kiến trúc như điếu đổ, chen chân vô không dứt!

Trò càng đông thì thầy phải có thêm đủ số. Thầy già về hưu hay chết dần mòn mà thầy mới chưa có bao nhiêu để trám chỗ. Nhiều thầy chán nản bỏ trường đi “chạy ngoài” cho khỏe khỏi lo nhức đầu căng thẳng vì đấu trí mà thu nhập chẳng bao nhiêu. Thầy khác tuyển về để bổ sung thì chất lượng không đạt yêu cầu. Nhiều thầy giỏi về vài bữa, cao lắm là một học kỳ là bị “ma cũ” bứng gốc đành phải dứt áo ra đi. Bên ngoài kinh tế thị trường phát triển mạnh nên nhà trường cũng phải khốn đốn chạy theo cho kịp. Trước thế “lưỡng đầu thọ địch”, một bên nhu cầu đào tạo, một bên là kinh tế, thì chỉ còn nước chữa cháy là mở hệ cao học để đào tạo thạc sỹ và tiếp tục có dịp thu tiền “hụi chót”. Nhiều trường trước tiên phải “lên đời” cho mấy ông phó tiến sỹ thành tiến sỹ để có tư cách đào tạo mấy ông thạc sỹ mới. Trường Kiến tất nhiên không ngoài quy luật trên. Anh em nào muốn lên làm thầy hay để ra đời ngồi ký giấy thì đăng ký cao học khoảng 2 năm. Quá khỏe! Với điều kiện chịu khó đi học có mặt đều vì thầy điểm danh rất ngặt như ở trường phổ thông. Tại vì rút kinh nghiệm sinh viên đại học ưa “cúp cua”, và mấy anh theo cao học vừa có bằng cấp ngon lành ưa sanh tật làm “chảnh” không coi quy định ra gì , nên trường buộc lòng phải dùng biện pháp mạnh. Năm 1993 nghe kể có thầy chuyên gia dạy nguyên lý Kiến trúc trong trường vậy mà khi thi cao học vẫn rớt môn nguyên lý Kiến trúc như thường. Tiếc rằng không biết ai đã chấm bài thầy lần ấy trong khi ngày thường thầy chấm bài người khác. Vì tương lai sáng sủa nên số sinh viên cao học tăng dần bất chấp điều kiện ngày càng gắt. Số thầy được đào tạo từ đủ số đến mức thừa thãi. Miễn “cần cù bù năng khiếu, dù thiếu tài năng” là làm thầy dễ ợt. Có thầy “tu đường tắt” bằng cái mửng “ẵm” trọn gói luận án tiến sỹ của đồng nghiệp đàn em để làm của riêng mình rồi sinh kiện cáo lung tung, phục vụ cho chuyện thâm cung bí sử của trường vốn đã tràn trề nay thêm đa dạng.

Từ cái ngày người ta coi ông KTS như ông trời “nắm thế giới trong bàn tay”, đến nay KTS đầy đường, quần chúng hóa đến mức cao độ. Quả là một sự thay đổi thần kỳ chống chủ nghĩa độc quyền Kiến trúc. Có một thầy đưa ra nhận xét cực chuẩn xác:

“Trường kiến trúc ai dạy cũng được và ai học cũng được.”

Cái tàn ác của kinh tế thị trường là bắt thiên hạ phải chạy theo nó và cạnh tranh với nhau không bao giờ ngưng nghỉ. Từ ngày chỉ có một khoa kiến trúc trong trường, kế tiếp phải mở thêm “hệ B”, chuyên tu, tại chức, rồi quy hoạch, xây dựng, mỹ thuật công nghiệp... để cạnh tranh áp đảo mấy trường khác. Ðêm còn có thêm các lớp họa viên, ngọai ngữ, vi tính, luyện thi, cả “mầm non kiến trúc” cho thiếu nhi nhằm thu hút đủ hạng khách già trẻ lớn bé. Có dạo nhà trường sẵn sàng cho một trường đào tạo hướng dẫn viên du lịch, hay xí nghiệp gạch bông thuê mặt bằng, sảnh cho thuê dùng làm bãi đậu xế hộp ban đêm...Khuôn viên trường được khai thác hết ga vừa để chứng minh tính thích dụng và kinh tế cho sinh viên. Nhiều ông KTS đã tâm sự rằng nếu mà có thêm đất trống chắc nhiều bà bán hột vịt lộn, bia hơi, áo quần sida, keo diệt chuột... quanh trường chắc chắn sẽ mừng lắm vì có mặt bằng ổn định khỏi khốn đốn do bị cảnh sát dí chạy hàng ngày.

Cũng phải thế thôi khi cầu nhiều tất phải có cung nhiều để đáp ứng vậy. Kết quả ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.


© 2004 talawas


Chú thích của talawas:
[1]tương tự
[2] kéo cày
[3]ý tưởng
[4]phác thảo
[5]thu hoạch
[6]phong cách
[7]văn bằng
[8]kéo cày
[9]10 cái đầu – 5 cái chót