trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Mĩ thuật
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
6.12.2004
Nguyễn Việt Hùng
Hội hoạ hình thể của danh hoạ Lucian Freud
 
Không biết chữ tiến hóa có còn đúng nghĩa như sự tiến bộ thăng hoa, mà các nhà nghiên cứu nghệ thuật tạo hình thường nói đến khi bàn về nền hội hoạ đương đại. Những lối diễn đạt của nền nghệ thuật này đã bùng phá, khai mở, thử nghiệm trên mọi hình thức, ý niệm và vật liệu, để có lúc tự hỏi: cái sáng tạo này có phải là mỹ thuật chăng? Khi cái bồn tiểu, máy hút bụi được nằm vào chỗ trang trọng trong viện bảo tàng nghệ thuật. Và khi những ý niệm của Pop Art (Nghệ thuật Thông dụng) và Minimalism (Nghệ thuật Tối thiểu) trên đà đi đến chỗ làm cái gì cũng trở thành nghệ thuật, hoặc chẳng làm chi mấy cũng trở thành nghệ thuật, thì nền hội hoạ đương đại đang có thể đi đến điểm bế tắc về ý niệm tạo hình. Nhưng cái mới có lúc dựa vào cái cũ, như thời kì Lập thể (Cubism) của Picasso bắt nguồn từ văn hoá mặt nạ châu Phi, cách vẽ Biểu hiện Trừu tượng (Abstract Expressionism) của Jackson Pollock, chịu ảnh hưởng từ nghi thức vẽ tranh cát (sand painting) của người Da Đỏ Navajo. Cũng như sự trở lại vị trí quan trọng của các sáng tác mang tính hội hoạ thuần tuý, như chân dung và hình thể trong nền hội hoạ đương đại thế giới.

Trong năm 2002 và 2003, đã có cuộc lưu diễn triển lãm sự nghiệp sáng tác của hoạ sĩ đương thời Lucian Freud qua ba viện bảo tàng nghệ thuật lớn tại Anh quốc (Tate Britain, London), Tây Ban Nha (Fundació La Caixa, Barcelona), và Hoa Kỳ (Moca, Los Angeles). Đây là một việc hiếm thấy, bởi vì các cuộc triển lãm về quá trình sáng tác của các họa sĩ tầm vóc quốc tế, thì thường là những họa sĩ quá cố. Tôi xin hân hạnh giới thiệu đến bạn đọc một số nhận xét về hoạ sĩ Lucian Freud, mà tôi được dịp ngắm nhìn những tác phẩm của ông qua kỳ triển lãm tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Moca ở Los Angeles.

Trong khi các trào lưu hội hoạ mới lạ không ngừng phô diễn, thì hoạ sĩ Lucian Freud, nay đã trên 80, vẫn giữ cách sáng tác về chân dung và hình thể theo lối vẽ hiện thực, ông là hoạ sĩ trong giới hội hoạ đương đại làm sống lại phong cách sáng tác cổ điển, với chất liệu sơn dầu, bố cục là hình thể, và được thực hiện ngay trong xưởng vẽ. Lucian Freud người gốc Do Thái, sinh năm 1922 tại Berlin, Đức quốc, là cháu nội của nhà tâm lý học Sigmund Freud. Gia đình ông lánh sang Anh quốc năm 1933, khi nhìn thấy chính sách bài trừ Do Thái của ý hệ Đức Quốc Xã. Lucian Freud có đời sống rất riêng tư, không thích được phỏng vấn, những người làm mẫu thường là người thân quen như trong gia đình, bạn bè, tình nhân. Ông không dùng người mẫu chuyên nghiệp, theo ông, da thịt những người này đã chai lì không cảm xúc trước mắt quan sát và ánh đèn chiếu rọi. Ngoài ra điều quan trọng cho tác phẩm, là có mối liên hệ tình cảm nào đó giữa người mẫu và người vẽ, những tình cảm nầy như được quyện lẫn vào trong chất dầu, qua nhiều ngày tháng cô đọng của quá trình sáng tác.

Trong thập niên 1940 và 1950, tranh ông mang nhiều tính siêu thực, màu sắc lạnh lẽo của hỗn hợp xám xanh, xám nâu như sự ảm đạm, cũ kỹ của thành phố kỹ nghệ London, hoặc có thể từ những tuyệt vọng của người Do Thái trong các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Tác phẩm trong giai đoạn nầy được thực hiện tỉ mỉ, những tiểu tiết đã được diễn tả tường tận từ đường tóc, ánh mắt, nếp vải. Đặc biệt là những ánh mắt ươn ướt, đồng tử trong suốt tuyệt đẹp, như những viên ngọc kỳ lạ, và đôi mắt có kích thước quá khổ so với khuôn mặt. Girl with the White Dog (Cô gái với con chó bạch; 1952), và chân dung John Minton (1952) là những tác phẩm tuyệt đẹp trong thời kỳ này.

Qua thập niên 1960 và 1970, phong cách sáng tác của người hoạ sĩ này mang nhiều tính chất biểu hiện (expression), bút pháp phóng khoáng thể hiện trong chất dầu loãng. Ông đã dùng cọ lớn lông cứng (hog-hair), thay vì cọ nhỏ lông mềm (sable). Qua những đường cọ lớn uyển chuyển lướt kéo, sắc hồng tái xuất hiện trên da thịt như những xác chết trong các phòng lạnh bệnh viện, hoặc của những tảng thịt trong các phòng lạnh mổ xẻ thú vật. Những nét ửng đỏ bắt đầu xuất hiện trên da mặt, như sự huỷ hoại từ da thịt do dị ứng hay phong cùi. Vì đâu mà Lucian Freud đã tạo ra sự bầy nhầy này? Có phải đó là điểm đến cuối cùng trong hành trình đi tìm cái đẹp; cái đẹp phải là cái thật, mà có gì thật hơn là sự tan rã, huỷ hoại! Tác phẩm chân dung hoạ sĩ Frank Auerbach (1976) là một sáng tác tiêu biểu cho thời kỳ này. Năm 1970, người cha của hoạ sĩ qua đời, trong căn nhà buồn bã, ông thường nhìn ra ngoài cửa sổ, và dưới khu lầu là một khoảng đất nhỏ đầy rác rưới và đồ phế thải, từ đó Lucian Freud sáng tác tuyệt phẩm Wasteground with Houses, Paddington (Bãi phế thải ở khu nhà ga Paddington; 1972), trong bức tranh nầy ông trở về kỹ thuật thuần tuý hiện thực qua những đường nét tỉ mỉ chi tiết. Và từ những phế thải điêu tàn, ông đã tạo nên một tác phẩm thật độc đáo, và một lần nữa, ông đã xác định cái đẹp là cái thật, và cái thật đến từ sự rữa nát theo thời gian.

Lucian Freud, Soi bóng - Tự Hoạ, 1982


Từ thập niên 1980 và 1990, Lucian Freud sử dụng sơn dầu như vật liệu nổi, những đường nét được hình thành do bồi đắp nhiều lớp dầy cộm. Việc trộn lẫn những màu sắc vào nhau tạo nên những lớp bùn đất dơ bẩn, trong các bức chân dung, những đôi mắt giờ đây đã xám đục. Reflection-Selfportrait (Soi bóng - Tự hoạ; 1982) là một tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ bởi cái nhìn “nửa con mắt” của người họa sĩ tự hoạ, cái nhìn biểu lộ một sự khinh bạc thế trần. Cũng trong một tác phẩm tự hoạ khác, Painter working - Reflection (Soi bóng - Hoạ sĩ đang làm việc; 1993), đây là tác phẩm nói lên nỗi niềm suy tư, như là một phát biểu quan niệm về đời sáng tác của hoạ sĩ. Trong bức tranh nầy, người hoạ sĩ đứng khoả thân; hình tượng người hoạ sĩ phơi bày lòng chân thật trong quá trình sáng tác, như thân thể trần truồng không che giấu. Và một tay cầm dao cọ (palette knife), tay còn lại cầm bảng gỗ pha màu (palette), như một chiến sĩ tay gươm giáo và khiên đỡ, đương đầu vớI tuổi tác mệt mỏi, với sự cám dỗ của tiện nghi vật chất, vẫn giữ được niềm đam mê tiếp tục vẽ tranh, tuy ông đã vào tuổi “thất thập”, tiền bạc cùng danh vọng đã lên mức tột đỉnh.

Lucian Freud, Soi bóng - Hoạ sĩ đang làm việc, 1993


Bước sang thế kỷ 21, Lucian freud đi vào tuổi hạc 80, ông vẫn tiếp tục sáng tác, mà gần đây nhất là vẽ bức chân dung Nữ hoàng, như là một lời cám ơn Anh quốc đã cưu mang gia đình ông tránh nạn diệt chủng của Đức quốc Xã, chân dung hoạ sĩ David Hockney, và chân dung của tác giả. Bức Soi bóng - Tự hoạ (Reflection - Self-portrait, 2001) là một vùng bùn xám nhầy nhụa của những nét cọ sơn dầy, với đôi mắt đục ngầu khi nhìn gần, nhưng khi lùi ra xa, thì khuôn mặt người hoạ sĩ nổi bật sống động một cách lạ lùng.

Lucian Freud, Soi bóng - Tự hoạ, 2002


Đây là một triển lãm mang tầm vóc qui mô quốc tế, và được đánh giá rất đặc biệt, bởi vì Lucian Freud đã được công nhận là hoạ sĩ vĩ đại nhất về hình thể đang còn sống và sáng tác. Các tác phẩm của ông đã làm sống lại phong cách truyền thống hội hoạ của hình thể hiện thực, mà nhiều khuynh hướng hội hoạ đương đại đang “tiến hóa” đến chỗ bế tắc. Lucian Freud sáng tác chậm rãi nhưng đều đặn, trung bình trên dưới mười sáng tác trong một năm. Vẫn trong căn phòng vẽ chật hẹp, đơn sơ, ghế nệm sofa bung rách lò xo lộ cả bông gòn, chiếc giường sắt cũ kỹ cho những người mẫu, và những thăng trầm của cuộc sống, đã không hề ảnh hưởng đến sáng tác nghệ thuật của ông. Ngày qua ngày, năm qua năm, Lucian Freud vẫn kiên trì khổ hạnh sáng tác, bất chấp lợi tức của ông khoảng chừng 10 đến 12 triệu đô la một năm.



Nguyễn Việt Hùng, hoạ sĩ, hiện sống ở Hoa Kì. Ông cũng thường viết về nghệ thuật cho các báo người Việt ở Hoa Kì. Xin mời ghé thăm phòng tranh của ông trên mạng: www.yessy.com/nguyen-viet-hung/

© 2004 talawas