trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
9.1.2004
Đỗ Kh.
Du côn, du quyền
 
Con... chữ là quyền lực, và nếu bài viết của Nguyễn Hưng Quốc, talawas 18.12.2003, có làm phụ nữ bị xúc phạm (Trịnh Thanh Thuỷ, talawas 29.12.2003) thì bài viết của Phan Nhiên Hạo1, talawas 29.12.2003, làm (cả) anh (lẫn) chị em giang hồ chúng tôi cảm thấy bất mãn.

Để bình thơ Bùi Chát, Phan Nhiên Hạo lôi chúng tôi ra mà "thử quan sát". Tôi e rằng ông quan sát không được kỹ và thử nghiệm này của ông chẳng có gì là khoa học cả dù chỉ là khoa học nhân văn. Bằng ba câu, năm dấu phẩy, ông nhận định là khả năng phát biểu của du thủ du thực tục tĩu đã đành (tuy ông không đứng trên bình diện đạo đức) mà chủ yếu là nghèo nàn. Tuy Phan Nhiên Hạo là một người viết ở đây nhỏ nhẹ, khi đề cập đến thành phần này, ông không giấu được giọng tự mãn và không tránh được phô trương một sự rẻ rúng mà tôi cho là quá dễ dãi. Nếu về mặt tài sản du thủ du thực hẳn là thua phú hộ thì chưa chắc là về mặt từ vựng họ đã kém thầy đồ (riêng về phần sài đồ ngoại, nếu không có thơ tàu với lại sách tây thì họ cũng có con dao… thái!), đó là tôi cũng tránh nói đến đạo đức vội Đọc Phan Nhiên Hạo, tôi có cảm tưởng là đọc những ông tây thực dân da trắng một thế kỷ trước viết về người bản xứ thuộc địa, bọn da đen thì lười, bọn da vàng bất trắc, bọn ả rập nham hiểm, nếu không roi không vọt thì chẳng có cách nào khai sáng, cũng như là đọc những ông phiến diện mà "thử quan sát" phụ nữ thôi ("Thử quan sát những người đàn bà...")

Phàm cái gì không hiểu thì người ta cho là cao siêu, kỳ bí, cái gì thấy không cần hiểu thì cho là nghèo nàn, một vạn anh du thực không bằng (sợi lông) của một thày du... học, về mặt vận từ, chợ người không phải là chợ chữ. Tôi tưởng "đụng chuyện" thì giở từ điển với lại Encarta Deluxe Edition gì đó cũng là yếu kém và bấy nhiêu nhai lại thì chẳng có gì xác hơn được cái bã Đường thi. Nền văn chương xâm mình, với câu "Xa quê hương, nhớ mẹ hiền", riêng cái mặt nhàm, cũng sánh ngang "Đào hoa y cựu tiếu đông phong", có khi nghe lại còn đỡ chán. Đơn điệu thì tôi tiếc là văn vẻ dân gian không được đưa vào giáo trình, chứ "Trên trời có một vì sao/ Dưới đất có một mình tao anh hùng" [1] làm đề bài luận thi tốt nghiệp phổ thông cũng xöùng đáng.

Nhưng anh hùng thì cũng chẳng bì thông thái ("Nã súng vào bọn (đầu) gấu thông thái"?) [2] Đến như Bùi Giáng, cả đời chỉ muốn có làm ½ chuồn ½ chấu và đười ươi toàn phần mà Võ Phiến vẫn nhìn ra cái nét đại baøng [3] ! Gặp sự tinh tế này (Đại bàng đoán giữa đười ươi mới già), họ Bùi chắc là phải trồng cây chuối ở dưới huyệt! ("Khi tôi chết ai là người xây nấm mộ/ Cạnh quan tài ai nhỏ lệ tiễn đưa" là 2 câu xâm trên tay một binh sĩ Biệt động, Trung tâm Huấn luyện Dục Mỹ, circa 1970) [4] . Lại đến Bùi Chát, được Phan Nhiên Hạo khuyên răn, coi anh cũng sạch nước cản, cỡ như anh sáng sủa, lấy vợ phố chợ cũng được sao lại đi lấy vợ thuyền chài! Có phê bình kiểu này thì khỏi cần có... mẹ chồng, và cũng không cần có tôn trọng sự lựa chọn.
Quyền lực không phải chỉ là quyền lực của giới tính mà còn là quyền lực của giai cấp, không phải chỉ là để biểu...dương mà còn là để đàn áp và rẻ mạt. Trong văn chương, giai cấp thống trị chưa hề là công nông hư ảo của một thời, mà vẫn những trí thức tầm đại tầm tiểu (theo N. Xu là cũng có nhiều), những trí thức tầm trung [5] chưa bao giờ thiếu.

© 2004 talawas


[1]Cao Xuân Huy, Tháng Ba gẫy súng
[2]Feu sur les ours savants (de la Social-démocratie!), Louis Aragon, "Front rouge"
[3]Võ Phiến, Văn học miền Nam, Thơ
[4]Nguyễn Bửu Thoại, Trong song cửa, ngoài chân mây
[5]Đây tôi không dám như Phan Nhiên Hạo diễn ý một cách tự...tiện chữ "làn gió thối" của Inrasara trong bài " Sáo chộn với Bùi Trát " (Giới thiệu tập thơ "Xáo chộn chong ngày" của Bùi Chát)